Ngô Ái Loan

DUYÊN

Quảng trị là quê hương của tôi và cũng là quê hương của ca sĩ Duy Khánh . Bây giờ tôi kể về thời gian nơi thành phố tôi được sinh ra và lớn lên, thuở đó tôi biết ba tôi và chú Duy Khánh có quen biết nhau, thực ra thành phố Quảng Trị rất nhỏ và hầu như những người cùng chung một thế hệ với nhau thì họ rất dễ kết bạn, rồi như hợp gu với nhau thì đi đến kết thân .

Tôi nghe ba tôi kể gia đình của chú Duy Khánh thuộc tầng lớp thượng lưu, cho nên chuyện chú muốn trở thành ca sĩ thì bị người nhà phản đối rất kiên quyết . Nhưng vì sự đam mê quá mãnh liệt với thế giới âm nhạc đến nỗi chú từ bỏ gia đình ra đi để đạt thành mộng ước của mình . Qua một thời gian dài tha hương lập nghiệp, cho tới khi chú đã nổi tiếng là một ca sĩ có một chất giọng đặc biệt và luôn những sáng tác thật hay đi sâu vào lòng người, thì không bao lâu chú theo đoàn hát trở về Quảng Trị . Để trình diễn trong một chương trình đại nhạc hội tại rạp chiếu phim Đại Chúng . Một rạp hát duy nhất của tỉnh nhà .

Ba tôi gặp lại chú Duy Khánh . Cả hai người bạn thân thật mừng vui và ba tôi vô cùng hãnh diện khi thấy bạn mình đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp cả mọi nơi . Trong trí nhớ của tôi từ khi còn bé là mỗi khi chú đứng trình diễn trên sân khấu thì thường hay mặc nguyên bộ đồ vest màu trắng tinh, với nụ cười thật tươi thật đẹp.

Ba tôi lúc bấy giờ có mở một tiệm chụp hình trên đường Trần Hưng Đạo mang bảng hiệu là Thiện Phát . Thử hỏi bộ đèn đuốc trong tiệm là để hành nghề kiếm cơm ăn áo mặc cho gia đình . Vậy mà khi đoàn hát nhờ chú Duy Khánh hỏi mượn để cho sân khấu có thêm ánh sáng . Ba tôi không hề chần chừ do dự gì hết , thế là háo hức tự nguyện mang tới rạp ngay tức khắc . Đã nói bà nội tôi sanh ba ra trong dòng máu được di truyền là dòng máu nghệ sĩ của bà nội tôi, bà tôi một thời là cô đào hát bộ thanh sắc vẹn toàn . Nên bất cứ chuyện gì liên quan tới ánh đèn sân khấu luôn làm cho Ba tôi yêu thích tới say mê .

Bánh ít qua đi bánh qui trả lại, thế thì đương nhiên tôi được mấy cô mấy chú nghệ sĩ trong đoàn cho tôi vào rạp không phải mua vé, được đứng coi cọp bên cánh mần nhung . Đoàn diễn bao đêm thì tôi có mặt bấy nhiêu đêm trong niềm say mê mẩn qua những tiếng hát và những vỡ kịch bi hài trên sân khấu.

Rồi thì “cuộc vui nào cũng tàn”, tới lúc đoàn hát dọn dẹp tháo gở phong màn . Ngày đoàn hát rời đi tôi với ba cũng có mặt để đưa tiễn. Ba tôi đứng bịn rịn nói câu từ giã với chú Duy Khánh mong hẹn ngày tái ngộ . Bao năm trôi qua tôi nhớ như in trong đầu khi chú đưa tay nhéo hai cái má bầu bỉnh của tôi rồi nói : ” con nhỏ ni có đôi mắt thật đẹp ” .

Đoàn xe lăn bánh cùng những bàn tay đưa lên vẫy chào từ giả thành phố Quảng Trị để lên đường lưu diễn tới nơi một thành phố khác . Tôi cùng ba đứng nhìn theo cho tới khi những chiếc xe chở đoàn hát xa khuất, trả lại quê nhà với cuộc sống thanh bình êm ả như dòng sông Thạch Hãn vẫn lặng lờ trôi qua cùng ngày tháng . Trả lại quê nhà với những mùa mưa da diết mù trời thúi đất, với những mùa nắng khô khốc thiêu cháy ruộng nương.

Phải nói hơn mười năm sau gia đình tôi mới gặp lại chú Duy Khánh tại Sài Gòn . Chú vẫn thế rất thân gần với gia đình tôi thật dễ thương như những ngày trên quê hương . Lúc này chú làm ăn rất phát đạt, mở một lớp dạy hát rất đông học trò rồi chú cũng đã ra nhiều băng nhạc và được mời hát trên đài truyền hình .

Còn ba tôi lúc đó chỉ là ông Hạ Sĩ làm việc trong Nha Chiến Tranh Tâm Lý với chức vụ coi về những phim ảnh tài liệu rất đúng với sở thích của mình. Gia đình chúng tôi từ khi bước tới Sài Gòn ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu, an cư trong một căn nhà bằng gác gổ rất khiêm nhường . Vậy mà lâu lâu chú Duy Khánh rủ vài người bạn tới nhà cùng ba tôi bày tiệc nhậu tâm tình bên nhau . Nhà chật hẹp nên phải kéo chiếc bàn nhỏ ra trước cửa nhà với mấy chiếc ghế xếp mở ra ngồi cũng chẳng thoải mái gì cả . Nhưng cái tình cảm của họ thật dễ thương . Họ là ai ? chính là những người nghệ sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ . Như bác Châu kỳ là nhạc sĩ với rất nhiều ca khúc nổi tiếng, chú Tô KIều Ngân là một nhà thơ và chú Tuấn Hùng tôi nhớ chú là kịch sĩ tài ba. Lúc đó tôi đã mười lăm tuổi, tuổi đủ biết lăng xăng đi mua thêm rượu, biết đồ nhậu quán nào ngon để cho họ chén chứ chén anh suốt cả đêm khuya .

Tôi nhớ bác Châu Kỳ bác kể chuyện bằng tiếng Huế dẻo hơn cả kẹo kéo, có câu chuyện mà mỗi khi tôi nhớ về bác Châu kỳ là không sao nhịn được cười, bác kể :” Có một mệ được mời đi ăn giổ, vô tình mệ thấy chiếc nhẫn vàng ở nơi rữa mặt, mệ vội đánh cắp nhét vô trong gói xôi bảo là xin về cho đứa cháu . Nhưng xui xẻo cho mệ vì tiệc chưa tan nhưng người mất chiếc nhẫn đã hốt hoảng đi tìm kiếm . Sau khi điểm mặt hết mọi người, thì mệ là người cuối cùng xin được khám xét . Chuyện khả nghi nằm trong gói xôi của mệ và họ đã tìm ra chiếc nhẫn vàng trong đó . Để chửa lại chuyện xấu hổ, mệ to tiếng la làng lên chửi … mã cha đứa nào dám nhét cái chiếc nhẫn trong xôi của mệ, may mà cháu mệ chưa ăn, chứ mà nó ăn bị mắc cổ thì tau bới cả mồ mã tổ tiên ra tau chưởi, rồi tau đi kiện cho mà tàn mạt cả lũ tụi bây …” .

Những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống cứ thế mà cù cưa chén chú chén anh cho tới khi đêm vào sâu khuya khoắc, họ mới đứng lên ngã nghiêng kéo nhau ra về . Lúc nào ba tôi cũng tiễn chú Duy Khánh với vòng ôm trìu mến. Và rồi mỗi khi chú ra cuốn băng nhạc nào cũng cho người mang tới nhà biếu cho ba tôi cuốn băng nhạc đó . Cuốn băng nhạc hồi xưa cuộn lại to như cuộn phim ảnh chiếu trên màn bạc . Ngoài ra thỉnh thoảng chú mời cả gia đình tôi đi ăn ở những nhà hàng sang trọng có những món ăn thật ngon . Tình anh em cùng quê hương giữa ba tôi với chú vẫn như nhất không hề thay đổi … cho tới khi biến cố đau thương của đất nước .

Chúng tôi hoàn toàn mất tin tức về chú Duy Khánh . Chúng tôi nghĩ có lẻ chú đã ra đi trong những ngày biến loạn .Và rồi gia đình tôi những người bị ở lại trong cái địa ngục trần gian sau năm 1975 cũng phải lo chạy cơm hằng bữa . Cuộc sống khắc khoải lo sợ luôn bị rình rập ngày đêm của những con mắt cú vọ nằm vùng bấy lâu nay . Đó là những bộ mặt ngu ngơ hiền lành qua thân phận thằng đổ rác, con gánh nước mướn trước đây. Tất cả đã lộ nguyên hình với bộ dạng lạnh lùng gian ác .

Những kỷ niệm tưởng chừng như đã chết theo ngày tháng hay đã được giấu kín im nằm dưới mộ huyệt tối đen . Thì bỗng dưng có một buổi tối chú Duy Khánh xuất hiện trước cửa nhà, đó là vào năm 1978 . Lúc này tôi đã có đứa con thứ hai . Gia đinh ngở ngàng gặp lại chú . Nhìn chú thật khắc khổ buồn rầu thật trái ngược với những hình ảnh gương mặt tươI vui với nụ cười sảng khoái của chú trên bàn rượu và dáng vẻ bề thế trong công việc làm ăn đang trên đà phát triển lớn mạnh ngày nào.

Gia đình mừng rơi nước mắt khi thấy chú vẫn còn sống sót và chú cũng mừng khi thấy gia đình chúng tôi trải qua cơn biến loạn vẫn còn đông đủ không thiếu một ai . Chúng tôi ngồi xuống bên nhau, kể lể cho nhau biết bao nhiêu nỗi niềm thương cảm . Từ đó chú thỉnh thoảng ghé qua có khi ở lâu, có khi chỉ trong chốc lát . Nhưng rồi khoảng thời gian về sau bỗng dưng chú không còn lui tới nữa . Gia đình nghĩ chắc chú đang tìm đường vượt biển để đào thoát ra khỏi đất nước .

Năm 1991 tại San Jose trong hội chợ xuân, tôi gặp lại chú đang đứng trong quầy hàng bán CD tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh . Tôi tớI gần bên chú dạ thưa chú một tiếng thật lớn . Chú quay lại nhìn tôi với đôi mắt mở to với miệng cười thật đẹp . Chú cháu nhìn nhau thật bồi hồi xúc động, nhưng trong mắt thực đã nói ra hết biết bao nhiêu điều cay đắng nghiệt ngả đã từng trải qua khi còn ở lại nơi quê nhà .

Vì cuộc sống mới mẻ trên một đất nước lạ xa, chú cùng gia đình của chú lại phải bắt đầu lại từ con số không . Tâm trạng chưa được ổn định còn phải bỡ ngở quá nhiều điều trước mắt . Tôi nhìn thấy chú bị bận rộn với khách tới mua CD thật đông nên không có thời gian để chuyện trò . Tôi mừng cho chú buôn may bán đắt và mỉm cười chào chú sau khi đã ghi lại số phôn để cho chú tiện liên lạc về sau . Cái trẻ trung chú vẫn còn sót lại bấy nhiêu năm qua khi chú nghiêng qua tai tôi thầm thì :” nì răng mờ đẹp rứa, đẹp hơn hồi trước nhiều nì ” . Tôi thấy vui và cũng nói nho nhỏ lại :” Thiếp đã năm con rồi ” chú ơi …

Không biết có ai tin vào chữ ” Duyên ” không ? . Còn tôi thì tin lắm, tôi tin cái duyên giữa gia đình tôi và chú coi như đã hết . Cho dù chúng tôi đã có cơ hội sống cùng trên một đất nước tự do, nhưng kể từ mùa xuân năm đó . Hình ảnh của chú đã lấy lại ít nhiều phong độ trước kia tôi thật sự mừng cho chú . Cho dẫu chú sau này chưa hề gọi phôn để hỏi thăm gia đình tôi, nhưng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng ở nơi chú đã có sự đổi thay với tình cảm đã vun đắp từ những tháng ngày còn xưa hơn cả trái đất giữa chú và gia đình tôi .

Đời sống luôn có những tình huống đôi khi đã khiến cho mình không sao tự làm chủ lấy bản thân . Tôi lại nằm lòng những điều Phật dạy ” Mọi sự tùy duyên, duyên tận, duyên diệt ” . Và cho đến khi biết tin ca sĩ Duy Khánh qua đời trong radio vào một buổi chiều tôi đang lái xe đi làm về . Trái tim tôi nhói lên bên trong lồng ngực . Tôi bị mất bình tĩnh vội tấp xe vào bên lề đường, ngồi im lặng với những kỷ niệm ngày xưa cho tới khi đèn đường bật sáng .

Hình ảnh người ca sĩ với gương mặt khôi ngô tuấn tú trong bộ đồ vest màu trắng tinh ngày nào, với giọng hát mang nặng âm hưởng tiếng nói quê hương Quảng Trị của chúng tôi . Cùng với những sáng tác âm nhạc đẹp đã đi sâu vào lòng người hâm mộ . Và hình ảnh con bé con năm tuổi từ ngày xa xưa đó đứng lấp ló bên cánh gà sân khấu để nghe ca sĩ Duy Khánh hát . Con bé giờ đây tóc cũng đã hoa râm . Trăm năm con đường trước mặt, chú đã bỏ cuộc giữa chừng để thảnh thơi ra đi . Thôi thì để con bé ngày xưa đi tiếp tục quảng đường còn lại … rồi sẽ có một ngày nó cũng rũ bỏ hết những nỗi ai bi …tháp cánh bay lên trời cao thênh thang … theo mây trôi … gió thoảng … . Giả từ kiếp nhân sinh như một cơn mộng dài …

Ngô Ái Loan
June-2013

Posted in Truyện Ngắn, Văn Học | Tagged | Comments Off on Ngô Ái Loan

Lê Thu Uyên

Em Có Về Quảng Trị Với Anh Không

Nhạc:Nguyễn Chí Quyết
Thơ: Nguyễn Thị Việt Nga & Phú Quang Nguyễn
Ca sĩ Lê Thu Uyên

Ca sĩ Lê Thu Uyên người làng Phú Kinh, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

Posted in Âm Nhạc | Comments Off on Lê Thu Uyên

Chuyện ngắn

Chuyện ngắn

Trang Reader’s Digest (Hoa Kỳ) đã đề xuất độc giả gửi về những câu chuyện tử tế trong cuộc sống mà họ đã trải qua để lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Những mẩu chuyện ngắn rất đỗi bình dị, hy vọng sẽ chạm đến trái tim độc giả . 

Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi người với người biết quan tâm, chở che và yêu thương nhau. Dưới đây là những câu chuyện kể về những con người bình dị với những việc làm mộc mạc, vô tư nhưng giàu lòng trắc ẩn.

1. Tiền hoa của mẹ
Có một lần tôi đi siêu thị, khi thanh toán tiền hàng tại quầy thu ngân, tôi bị thiếu 12 đô-la, nhưng trên người chẳng còn đồng nào cả. Tôi đang loay hoay để trả lại bớt hàng hóa thì một người khách bên cạnh đưa cho tôi một tờ 20 đô-la.

Tôi mỉm cười và nói với anh ta: “Ồ, xin đừng tự làm khó cho bản thân”.

Anh ấy đáp lại: “Hãy để tôi kể cho cô nghe chuyện này. Mẹ tôi bị ung thư, bà đang nằm trong bệnh viện. Tôi đến thăm và mang cho bà mỗi ngày một bó hoa. Sáng nay, bà ấy đã nổi giận với tôi vì tôi tiêu nhiều tiền cho việc mua hoa. Bà ấy yêu cầu: ‘Hãy dùng sồ tiền đó để làm một việc gì khác đi’. Vì vậy, xin cô hãy vui lòng nhận nó. Cứ coi như đó là hoa của mẹ tôi”.

Leslie Wagner, bang Arkansas.

2. Nhân viên sân bay tốt bụng
Vì quên các quy định của sân bay về chất lỏng được mang theo hành lý xách tay, ngay tại khâu kiểm tra an ninh, tôi đã phải bỏ lại tất cả các hộp màu vẽ của mình.

Một tuần sau đó, khi tôi trở lại, tôi thấy một nhân viên phục vụ đang ở khu vực hành lý với túi đựng các hộp màu vẽ của tôi. Anh ấy không chỉ giữ chúng cho tôi, mà còn để ý kiểm tra ngày giờ trở lại của tôi để trả chúng tận tay.

Marilyn Kinsella, Canada.

3. 11km của lòng tốt
Rời khỏi một cửa hàng, tôi trở lại xe và nhận ra rằng cả chìa khóa lẫn điện thoại đều bị để lại trong chiếc xe đã khóa!

Một thiếu niên đi xe đạp qua. Khi thấy tôi đang đá lốp xe với vẻ mặt bế tắc, cậu ta hỏi: “Anh đang gặp chuyện gì vậy?”.

Tôi giải thích tình cảnh của mình và nói: “Kể cả nếu anh gọi được cho vợ, chị ấy cũng không thể mang chìa khóa đến cho anh được, vì đây là chiếc xe duy nhất của bọn anh”.

Cậu thiếu niên đưa điện thoại của cậu cho tôi và nói: “Anh hãy gọi cho vợ anh đi, bảo với chị ấy là em sẽ đến lấy chìa khóa”.

“Quãng đường cả đi và về là hơn 11km đấy”, tôi kêu lên.

“Đừng lo điều đó ạ”, cậu trấn an tôi.

Một giờ sau, cậu thiếu niên đã trở lại với chìa khóa trong tay. Tôi tặng cậu một ít tiền nhưng cậu từ chối. “Hãy coi như là em vừa tập thể dục đi”, cậu nói. Rồi giống như một chàng cao bồi trong các bộ phim, cậu nhảy lên xe và biến mất sau ánh hoàng hôn.

Clarence W. Stephens, bang Kentucky.

Posted in Văn Hóa | Tagged | Comments Off on Chuyện ngắn

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ

LỊCH SỬ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ

Biên soạn: Minh Anh – Vi Yên
[Nhóm Tinh Thần Khai Minh]

BÀI I
TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ
Tác giả: Nguyễn Ước

Trích :

III. Tưởng quốc Utopia

12 | 591
Trong kho tàng tri thức của nhân loại, cuốn Republic (Cộng hòa) của Plato là một tác phẩm vĩ đại tới nổi triết gia, nhà thơ và nhà tiểu luận Ralph W. Emerson (1803-1882) của Mỹ cho rằng với cuốn sách ấy và Kinh Coran (Qur’an), người ta có thể đốt hết các thư viện trên thế giới vì tinh hoa của chúng đều nằm trong hai cuốn đó.

Đọc tiếp :
LỊCH SỬ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ

Posted in Văn Học | Comments Off on TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ

Thông Tin

Hội Đồng Hương Quảng Trị 
Boston-MA- USA 

Kính gởi.
Toàn thể Quý bà con đồng hương và thân hữu.

Kính thưa quý vị,

Ban Chấp Hành Hội Đồng Hương Quảng Tri xin trân trọng thông báo:

1- Hội Đồng Hương Quảng Tri ATLANTA- GEOGIA sẽ tổ chức hội ngộ toàn quốc từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 6 năm 2024 .

HỘI NGỘ ĐỒNG HƯƠNG QUẢNG TRỊATLANTA-GEORGIAJune, 2024

Quý bà con muốn tham dự xin trực tiếp liên lạc với BTC như chúng tôi đã thông báo thư mời và lịch trình trước đây .

2- Picnic mùa hè 2024 của Hội sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật, 14/7/ 2024. Thời gian và địa điểm vẫn như năm trước. BCH sẽ có thông báo chính thức và thư mời gởi đến quý đồng hương và thân hữu trước một tháng.

3- Tân Xuân Tết  Ất Tỵ 2025 của Hội sẽ được tổ chức vào ngày mùng năm tháng giêng năm Ất Tỵ. Nhằm ngày chủ nhật, 02 tháng 02 năm 2025 .

Hội trường và phóng viên truyền hình đã đặt xong. Hội sẽ có cuộc họp trù bị sớm nhất trước khi tổ chức .

Kính mong Quý bà con đồng hương chuyển tải những thông tin quan trọng của Hội đến những ai không có email.

Kính chúc Quý đồng hương và thân hữu luôn được nhiều sức khỏe, an vui, và hạnh phúc.

Trân trọng,

Boston, ngày 26 tháng 3 năm 2024.

Thay mặt BCH .
Hội trưởng

 

 

 

Phạm Như Tân

Posted in Thông Tin | Tagged | Comments Off on Thông Tin

Hội ngộ Quảng Trị

HỘI NGỘ ĐỒNG HƯƠNG QUẢNG TRỊ
ATLANTA-GEORGIA
June, 2024

Posted in Thông Tin | Tagged | Comments Off on Hội ngộ Quảng Trị

Đại Lộ Kinh Hoàng

Quảng Trị
 Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 
Đại Lộ Kinh Hoàng (1)

Posted in Lịch Sử | Tagged | Comments Off on Đại Lộ Kinh Hoàng

Con Đường Buồn Thiu

CON ĐƯỜNG BUỒN THIU 

Nước buồn thiu con đường đổ lệ,
Những oan khiên đè nặng đôi đường.
tth

 Nghe nhạc: Con đường buồn thiu – Quảng Trị yêu dấu

Trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần 1(1946-1954) hay còn gọi là chiến tranh Việt-Pháp vùng Trị-Thiên khói lửa là nơi xảy ra các trận giao tranh lớn, nhỏ giữa 2 bên.

Quân đoàn Viễn Đông Pháp(French Far East Expeditionary Corps)gần nửa triệu binh sĩ gồm Pháp, Algeria, Maroc, Madagascar, Senegal, Tunisia…và Binh đoàn Lê dương (Foreign Legionnaires) là lực lượng viễn chinh thuộc địa của Quân đội Liên Hiệp Pháp, từ sau năm 1946, những người lính trong các binh đoàn lính lê dương này đã đặt cho tên gọi Con Đường Không Vui(La Rue Sans Joie) với chỉ 1 chi tiết nhỏ là  nếu không mang áo giáp thì không nên đi trên con đường này. Sau này thế giới biết tên con đường này qua quyển sách Con Đường Buồn Thiu (Street Without Joy) của ký giả người Pháp là Bernard B. Fall.(Hình phải: Con Đường Buồn Thiu theo tài liệu quân sự Mỹ, bản đồ Ray Smith)

Con Đường Buồn Thiu là một đoạn của con đường đất dài  khoảng 25km thuộc  tỉnh lộ 68-QT nay đổi thành Quốc lộ 49C, dọc theo sông Vĩnh Định chạy dài từ làng Phương Lang, Phú Hải, qua các làng Cổ Lũy, Ba Du, Đa Nghi, Đơn Quế, Kim Long, Kim Giao, Đồng Dương cho đến làng Xuân Viên, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đoạn đường dài hơn 10km chạy qua các thôn, làng nhỏ nằm dọc theo cồn cát ven biển và các cánh đồng lúa, cách Quốc lộ 1 khoảng 9km và Biển Đông 6km mà tâm điểm chính là làng Đơn Quế, huyện Hải Lăng này được đặt tên gọi là Con Đường Buồn Thiu từ trận chiến chính và ác liệt nhất trong cuộc hành quân Camargue năm 1953 nhằm tiêu diệt Trung đoàn 95, trung đoàn chính quy đầu tiên thành lập trên đất Quảng Trị, cùng Tỉnh đảng bộ cọng sản, du kích địa phương đang đóng quân nơi này, đồng thời tái lập chính quyền quốc gia tại đây.

  Theo dấu vết các cuộc hành quân của quân đội Pháp và Mỹ trong 2 cuộc Chiến tranh Đông Dương(1945-1975)thì có thể Con Đường Buồn Thiu nối dài thêm 2 đoạn phụ, tùy theo theo bản đồ hành quân:

   – Đoạn dọc theo biển từ làng Xuân Viên, đến làng Thanh Hương, xã Điền Hương, vô tới làng Thế Chí, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế .

   – Đoạn đi từ làng Xuân Viên, vượt sông Ô Lâu đến làng Vân Trình, qua làng Lai Hà, lên tới Sịa thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hoặc từ làng Vân Trình theo quốc lộ 49C hiện nay lên đến Mỹ Chánh, gặp Quốc lộ 1.

Tại Con Đường Buồn Thiu, 2 năm trước khi xảy ra trận đánh dữ dội trong số các trận đánh  hàng đầu trong chiến tranh Đông Dương qua cuộc hành quân Camargue, hay trận Đơn Quế, có :

   – Trận Thanh Hương  xảy ra trong 3 ngày, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3 năm 1951, phía Pháp xử dụng 2.200 quân lính Lê dương và Quân đôi quốc gia cùng lực lượng thiết giáp, hải quân và không quân. Chiến lược của Jean de Lattre de Tassigny chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, là “bình định cấp tốc, phản công quyết liệt” bao vây 2 trung đoàn chủ lực  95  Quảng Trị và trung đoàn chủ lực 101 Thừa Thiên cùng du kích địa phương tại vùng duyên hải  mà trận chiến chính tại làng Thanh Hương-Vĩnh Xương, phía Bắc Thừa Thiên giáp Nam tỉnh Quảng Trị, được viết  trong hồi ký Những ngày khói lửa của Trung tướng Quân đội Nhân dân VN Trần Quý Hai.

   – Cuộc hành quân Châu chấu (Operation Sauterelle) tảo thanh từ ngày 25 đến 28 tháng 8 năm 1952 tại các vùng thuộc phía Đông tỉnh Quảng Trị.

Hành  quân Camargue(Operation Camargue)hay là Trận Đơn Quế, qua tài liệu từ trang 386 đến trang 389 cuốn Lịch sử Đảng bộ Cọng sản tỉnh Quảng Trị.

Hành  quân Camargue năm 1953 xuất phát từ bối cảnh lịch sử của hành động quân sự chiến lược của người Pháp sau 8 năm chiến tranh, dựa trên thực tiển tình thế xung đột vùng châu Á-Thái Bình Dương: chiến tranh Triều Tiên kết thúc ngày 27 tháng 7 năm 1953. Mao Trạch Đông chiếm lục địa Trung Hoa(1949) và là hậu phương lớn viện trợ tài lực nhằm bành trướng đại Hán và chủ nghĩa cọng sản tại Việt Nam,  Hoa Kỳ can thiệp vào Đông Dương sau khi Pháp yếu thế, cùng diễn biến tình hình quân sự ba nước Đông Dương và cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ thành lập nhằm bảo vệ thương Lào và là mồi nhử Quân đội Nhân dân VN trong trận chiến cuối cùng.

Tháng 5 năm 1953, Tướng Henri Navarre nắm quyền chỉ huy lực lượng Pháp khi chiến tranh Việt- Pháp đã kéo dài 8 năm. Navarre quyết định một chiến thuật tấn công mới ở Đông Dương “dựa trên các lực lượng mạnh, di chuyển nhanh” và Chiến dịch Camargue hình thành là hiện thực hóa điều đó. Hành quân Camargue được đặt tên theo vùng đầm lầy và đồi cát ở Camargue phía tây Marseille, giữa biển Địa Trung Hải và hai nhánh sông ở vùng hạ lưu sông Rhône, trong trận chiến Pháp-Đức năm 1944(Hình phải trên: Vùng Camargue bên Pháp). Địa hình hiểm trở gồm đồi cát và đầm sình lầy mà Operation Camargue đối đầu là yếu tố quyết định tạo cơ hội và lợi thế lớn cho Việt Minh.

Cuộc hành quân Camargue từ  ngày 28 tháng 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 1953, suốt 13 ngày nhằm bình định và truy lùng Trung đoàn 95 cùng các cơ quan của tỉnh, huyện đóng tại làng Đơn Quế và du kích quân, đồng thời bình định, tái lập chính quyền quốc gia tại vùng duyên hải này.

 Cuộc hành quân do Thiếu tướng Georges Leblanc, Tư lệnh Quân đội Pháp tại miền Trung Việt Nam chỉ huy, cùng 2 đại tá, 2 trung tá phụ trách 4 cánh nhằm bao vây, tiêu diệt Trung đoàn chủ lực 95 , đơn vị chủ lực của Phân khu Bình Trị Thiên hồi bấy giờ, là một trong những chiến dịch lớn nhất của Quân đoàn Viễn Đông Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất tại vùng duyên hải tỉnh Quảng Trị, được so sánh với các cuộc hành quân lớn trong thế chiến thứ 2 tại châu Á.

Địa bàn trải dài 20km rộng 300m trong bản đồ hành quân thuộc  vùng duyên hải  gồm hơn 24 ngôi làng với địa hình là các đồi cát cao thấp, cát lún đầm lầy cạnh phá Tam Giang, vòng vây thu hẹp còn lại 1 nửa, chiều dài là 10km mà trận chiến chính xảy ra tại làng Đơn Quế, trung tâm điểm của Con Đường Buồn Thiu này. Thế trận 2 bên :

– Lực lượng phía VM có Trung đoàn 95 gồm 2.600 binh lính, đã đóng quân tại làng Đơn Quế từ năm 1951 cùng lực lượng du kích địa phương . Đại tá  Việt Minh là Trần Quý Hai chỉ huy trận chiến này.

– Lực lượng Pháp phối hợp ba lực lượng không quân từ Hà Nội, hải quân từ Đà Nẳng và bộ binh 30 tiểu đoàn, hai trung đoàn thiết giáp và hai trung đoàn pháo binh. Bản đồ hành quân Camargue trong sách Street Without Joy của Bernard Fall dẫn giải cuộc hành quân bắt đầu gồm 4 cánh  A-B-C-D cùng các đơn vị tham gia hành quân:(xem địa hình).

. Cánh A: tàu thuyền đổ bộ vào biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng.
. Cánh B: bộ binh từ tỉnh lỵ Quảng Trị theo Tỉnh lộ 68/QT tiến vào làng Đơn Quế, huyện Hải Lăng.
. Cánh C: Bộ binh và thiết giáp từ Mỹ Chánh theo Tỉnh lộ DT6/TT hướng về Đông xuống làng Vân Trình.
. Cánh D: từ biển đổ bộ lên làng Thế Chí Tây, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Mỗi cánh quân bao gồm các đơn vị chuyên biệt đi kèm(xem bản dồ hành quân trên)

Và thắt chặt vòng vây bởi các đơn vị tham chiến từ làng Đơn Quế đến làng Lai Hà, cạnh vùng đầm lầy bên Phá Tam Giang(The net closes, D-day nightfall) tâm điểm tại làng Vân Trình sau 7 ngày, cho đến khi cuộc hành quân kết thúc, ngày 4 tháng 8.

Để rõ hơn trận chiến này, xin vui lòng đọc thêm bản dịch Chương 7-Con Đường Buồn Thiu từ trang 144 đến trang 179 trong Street Without Joy, Stackpole books, Harrisburg,Pa. ấn bản năm 1994 của Bernard Fall mô tả toàn bộ cuộc hành quân Camargue của nhà văn Tuệ Chương Hoàng Long Hải .

Báo chí giai đoạn đó cho rằng chiến dịch này đã thành công hoàn toàn, một lần nữa chứng tỏ tính mạnh mẽ và cơ động mới của quân Pháp. Tuy nhiên, trong những ngày sau khi chiến sự kết thúc, báo chí đưa tin về việc Pháp không bắt được số lượng lớn Việt Minh như dự liệu. Mặc dù tờ báo Anh, The Times, đã công bố con số thương vong là 1.550 về phía Việt Minh, 200 trong số đó đã bị giết. Con số ước tính này đã được người Pháp công bố là 600 người chết hoặc bị thương và 900 người bị bắt. Ngược lại, những con số này, Bernard Fall ghi nhận 182 Việt Minh chết và 387 bị bắt làm tù binh. Tịch thu 51 khẩu súng trường, 8 súng máy, 2 súng cối và 5 khẩu BAR đã bị thu giữ.

Phía quân Pháp gồm 17 người chết và 100 người bị thương.

Trung  tướng Lâm Quang Thi của Quân lực Việt Nam Cọng Hòa viết trong hồi ký “Thế Kỷ Hai Mươi Lăm Năm: Một Vị Tướng Miền Nam Nhớ Chiến Tranh Đông Dương Đến Sài Gòn Thất Thủ” (The Twenty-five Year Century: A South Vietnamese General Remembers the Indochina War to the Fall of Saigon)cho rằng Chiến dịch Camargue hay Trận Đơn Quế, là một trong những hoạt động quân sự thành công nhất của Pháp trong Chiến tranh Đông Dương .

Bernard B. Fall(1926-1967)viết 8 quyển sách về Chiến tranh Đông Dương(1946-1975)trong đó có cuốn Street without Joy: The French Debacle in Indochina, nhà xuất bản Stackpole books, Harrisburg,Pa. ấn bản năm 1994, sách dày 408 trang (in lần đầu năm 1961).

 Quyển sách này có 15 chương, gồm:

 Lời giới thiệu, Lời nói đầu, Tựa đề của tác giả.

  1. Chiến tranh diễn ra như thế nào, 2. Trận chiến theo quân I, 3. Trận chiến theo quân cờ II, 4. Nhật ký: Kiếm sữa, 5. Tiền đồn Lào, 6. Nhật ký: Những người Phụ Nữ, 7. “Con dường buồn thiu”, 8. Nhật ký: Chuyến khảo sát, 9. Kết thúc Đội Đặc nhiệm, 10. Nhật ký: Những người đàn ông, 11. Hành trình chết chóc, 12. Tại sao là Điện Biên Phủ? 13. Lào Mất, 14. Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, 15. Tương lai của chiến tranh cách mạng.

Các phụ lục: I, II, III, IV.

Chương 7-Con dường buồn thiu trong Street Without Joy mô tả toàn bộ chi tiết cuộc hành quân Camargue.

Street without Joy là một tiểu luận về lịch sử chính trị quân sự của cuộc chiến chủ yếu diễn ra giữa Quân đội Pháp và Việt Minh, phác thảo đường lối, chủ trương chống chiến tranh du kích với tư cách nhà báo tại chiến trường và giáo sư trên bục giảng tại Mỹ.

Nhà báo hay học giả về chiến tranh Đông Dương Bernard Fall đã ghi lại một cách sống động những cảnh tượng, âm thanh và mùi vị của cuộc xung đột tàn khốc và phức tạp về mặt chính trị giữa người Pháp và người lãnh đạo Cộng sản ở Đông Dương. Người Pháp đã chiến đấu đến cùng, nhưng ngay cả với những lợi thế chết người của quân đội hiện đại, họ cũng không thể ngăn chặn được cuộc nổi dậy của Việt Minh bằng chiến thuật đánh rồi bỏ chạy, phục kích, bẫy mìn và đột kích vào ban đêm. Thất bại cuối cùng của Pháp xảy ra tại Điện Biên Phủ năm 1954, tạo tiền đề cho sự tham gia của Mỹ và một chương đẫm máu hơn trong lịch sử Việt Nam. Fall kết hợp báo cáo bằng hình ảnh với kiến ​​thức học thuật sâu sắc về Việt Nam và lịch sử thuộc địa tại đây trong một cuốn sách đáng nhớ với những mô tả về chiến đấu trong rừng rậm, vùng sình lầy với những lập luận sâu sắc,  nhưng người Pháp lẫn Mỹ lại không muốn quan tâm.

Bernard B. Fall vốn là lính trong quân đội Pháp lúc 20 tuổi(1946), nên khi qua Việt Nam với tư cách nhà báo, ông dễ dàng và thuận tiện theo chân Quân đội viễn chinh Pháp để viết về chiến tranh tại 3 nước Việt-Miên-Lào.

Lại thêm là một giáo sư giảng dạy tại Đại học Howard,Washington D.C, Hoa Kỳ (1962) sau này Fall ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tin rằng nó có thể ngăn đất nước này khỏi rơi vào vòng chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông chỉ trích mạnh mẽ các chiến thuật mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam cùng sự thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc này.

Khi xung đột giữa lực lượng Mỹ và cộng sản ở Việt Nam leo thang trong suốt những năm 1960, Fall ngày càng bi quan về cơ hội thành công của người Mỹ. Ông dự đoán nếu không rút kinh nghiệm từ sai lầm của Pháp thì Việt Nam cũng sẽ thất bại. Fall đã viết nhiều bài báo phân tích chi tiết về tình hình Việt Nam và thuyết trình rất nhiều về ý tưởng của ông về Chiến tranh Việt Nam. Nghiên cứu của Fall được nhiều nhà ngoại giao và quan chức quân sự Mỹ coi trọng, nhưng những ý kiến ​​tiêu cực của ông thường bị phản bác. Ngoại trưởng John Foster Dulles năm 1958, đã phản đối ý tưởng của Fall về chống nổi dậy ở Việt Nam (Hình phải: Hình B.Fall trên bìa sách của Dorothy).

Bernard Fall tiên đoán những thất bại của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam vì chiến thuật và sự thiếu hiểu biết về xã hội tại đây.

Giới trách quân sự Pháp-Hoa Kỳ ít chú trọng quan điểm, phương sách chống du kích cọng sản, cách mạng nổi dậy của  Bernard B. Fall. Việt Nam Cọng Hòa cảnh giác về việc xem chừng Fall tỏ ra lưu tâm Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa khi gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh và phỏng vấn Phạm Văn Đồng.

Trong cuốn tự truyện My American Journey Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Colin Powell, 2 lần(1962,1968)phục vụ tại VN, được huân chương Chiến sĩ dũng cảmvì hy sinh cứu đồng đội, cùng giẫm phải bẫy chông VC, xuất bản năm 1995, viết: “Gần đây tôi đã đọc lại cuốn sách về Việt Nam của Bernard Fall, Con Đường Buồn Thiu. Fall cho thấy rõ một cách đau đớn rằng chúng tôi hầu như không hiểu gì về những gì chúng tôi đã dấn thân vào. Tôi không thể không nghĩ rằng nếu Tổng thống Kennedy hay Tổng thống Johnson dành một ngày cuối tuần yên tĩnh ở Trại David để đọc cuốn sách sâu sắc đó, họ sẽ quay trở lại Nhà Trắng vào sáng thứ Hai và ngay lập tức tìm ra cách thoát khỏi bãi cát lún của Việt Nam.”

Ngày 21 tháng 2 năm 1967, tác giả người Mỹ gốc Pháp Bernard Fall, trong cuộc “Hành quân Chinook II” khi đang tuần tra cùng các đơn vị của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 Thủy quân lục chiến gần Huế dẫm mìn định hướng bị tử thương cùng và Trung sĩ Pháo binh Byron G. Highland, cũng là 1 nhiếp ảnh gia gần đó thiệt mạng tại làng Lai Hà(Hình bên: Cấp cứu Bernard Fall và Byron Highland sau vụ nổ mìn).

“Đầu tiên, khoảng 4 giờ 30, bóng tối đang kéo dài. và chúng ta đã đạt đến một trong những ranh giới phía sau cuộc đọ súng và nó có mùi rất khó chịu, có nghĩa là nó hơi đáng ngờ… Có thể là một kế nghi binh…..” Bernard Fall chết trước khi kịp nói hết câu. Quả mìn nổ đã gây thử thương ngay cho Bernard Fall và Trung sĩ Pháo binh Byron G. Highland, khi Fall đang tường thuật trực tiếp về đài CBS tại Mỹ vào chiều ngày 21 tháng 2 năm 1967 trên con đường đất hai bên trồng lúa. Thi hài được người vợ đau khổ qua Đà Nẳng đưa về Mỹ và an táng tại nghĩa trang Rock Creek ở Washigton D.C.

                                                 Ngay sau cái chết của Bernard Fall, cuốn sách Những Suy Ngẫm Cuối Cùng Về Một Cuộc Chiến (Last Reflections on a War), được xuất bản (lần đầu 1967), như là một sự tưởng nhớ cuộc đời ông. Tài liệu  bao gồm tự truyện duy nhất được biết đến về công việc của ông, một số bài báo chưa được xuất bản trước đó, những ghi chú lại  và các bản ghi âm về các đoạn băng ghi âm của Tiến sĩ Fall, bao gồm cả những lời được ghi âm cuối cùng của ông. (Hình phải:Bia mộ Bernard B.Fall)

Vợ của ông, Dorothy Fall đã bày tỏ lòng kính trọng đối với ông với tư cách là một học giả quân nhân, Fall cũng là một nhà báo từng đoạt giải thưởng Polk với các bài báo xuất hiện trên Tạp chí New York Times, The Nation, The New Republic và tạp chí Ngoại giao. Bernard Fall là một nhà lý luận về chiến tranh, một người đã nhìn thấy nó từ mặt đất. Fall đã nói với một sĩ quan Thủy quân lục chiến vài ngày trước khi chết, rằng Fall muốn có mặt ở “nơi hành động”. Nhất quyết trải nghiệm Chiến tranh Việt Nam như những ngườì lính.

Năm 2018, nhà báo Matthew  Stevenson chụp con đường năm 1967 (xem 1′.03″video) nơi mà Bernard Fall tử nạn vì mìn tại làng Lai Hà, xã Quảng Lợi,(hình dưới) huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cạnh Phá Tam Giang, cách chợ Sịa khoảng 8km, cách trung tâm(tại làng Đơn Quế) Con Đường Buồn Thiu khoảng 15km, nằm trên đường  4 ĐT Thừa Thiên-Huế hiện nay. Bài báo viêt:

“Nhiều năm sau khi chồng mất, năm 1997 Dorothy Fall cùng các con gái đến làng Lai Hà. Nhưng họ chỉ đến gần được địa điểm chính xác, nơi mà lẽ ra đã bịến mất trong sương mù chiến tranh. Cô ấy viết: Chúng tôi đi bộ đến một địa điểm vắng vẻ ở rìa làng trông giống như điểm bắt đầu của Con Đường Buồn Thiu. Với tất cả sự nổi tiếng của nó, nó chỉ là một con đường dẫn vào vùng đầm lầy. Chúng tôi đã không đến tận nơi Con Đường Buồn Thiu. Mà như thế cũng đã đủ.”

Vợ của nhà báo quá cố Bernard Fall, Dorothy Fall  là 1 nghệ sĩ, viết cuốn “Bernard Fall: Memories of a Soldier“-Scholar-Potomac books – 2007 kể về chồng, câu chuyện về người 1 Pháp dũng cảm và có ảnh hưởng, người đã trải qua nhiều sự kiện lớn của thế kỷ XX. Mẹ chết ở Auschwitz, cha bị Gestapo giết, và bản thân Bernard Fall đã chiến đấu trong quân kháng chiến Pháp . Nhưng tất cả tập trung vào Việt Nam và hai câu chuyện tình yêu. Những chi tiết đầu tiên về tình yêu của Fall dành cho Việt Nam và những nỗ lực cứu đất nước khỏi bị tàn phá và cứu nước Mỹ khỏi thảm họa. Phần thứ hai cho thấy một người chồng và một người cha cống hiến hết mình. .

Hậu quả của cuộc Chiến tranh Đông Dương(1946-1954)làm:

– Phía Pháp và Quốc gia VN có :

. Liên Hiệp Pháp: 74.220 người chết (20.685 là người Pháp), 64.127 người bị thương.
. Quân đội Quốc gia VN: 58.877 người chết hoặc mất tích.
Tổng cộng:  134.500 người chết hoặc mất tích

– Phía Việt Minh có 175.000–300.000 người chết hoặc mất tích

– Khoảng 400.000 thường dân thiệt mạng

 Có khoảng hơn 63 nhà báo chết và mất tích trong khoảng thời gian 20 năm, từ năm 1955 đến năm 1975.

Đó là chưa nói đến cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 (1954-1975) cùng những hậu quả tàn khốc vô lường của nó.

Con Đường Buồn Thiu(1953) và Đại Lộ Kinh Hoàng(1972) là những khổ đau chồng chất mà nhân dân Quảng Trị phải hứng chịu do chủ trương bạo động dùng súng đạn để giải quyết những tranh chấp chính trị tại Việt Nam, quả là sai lầm tệ hại.

Học giả Phạm Quỳnh nhân danh là một người quốc gia, trong thư gửi  Bộ trưởng thuộc địa Pháp Paul Reynaud để thuyết phục, đồng thời cũng để đả thông dư luận trong nước, năm 1932 viết: “Chúng tôi là một dân tộc đi tìm kiếm một đất nước và chưa tìm thấy đất nước đó….. Các bạn đến đất nước này bằng vũ lực và đô hộ. Các bạn đã chinh phục mảnh đất này. Các bạn còn phải thực hiện một cuộc chinh phục khác cao quý hơn: chinh phục trái tim và khối óc”. Đừng nói đến súng đạn.

Trong tác phẩm Chính đề Việt Nam, ông Ngô Đình Nhu viết:

“Các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở miền Bắc đã trụ vào lý thuyết Cộng Sản… là một lối bế tắc cho sự nghiệp tiến hóa của dân tộc. Chẳng những như chúng ta đã phân tích, sự tiếp tục trụ đóng vào lý thuyết Cộng Sản sẽ không làm sao giải quyết được công cuộc phát triển cho dân tộc, mà lại còn mở cửa đưa các thế hệ sau này, vào một đời sống vô cùng đen tối không lối thoát. “. Cuộc xung đột ở Việt Nam là chính trị chứ không chỉ đơn giản là quân sự.(Hình phải: Bản đồ hành chánh tỉnh Quảng Trị)

Năm 1946 khi phát động chiến tranh Việt-Pháp,  lãnh đạo Cộng sản Hồ Chí Minh nói: “Các người có thể giết 10 người của tôi,  tôi chỉ cần giết các người 1, ngay cả với cả tỉ lệ cược đó, các người vẫn sẽ thua và tôi sẽ thắng.”. Qua chiêu bài đánh Pháp, quả là đã “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”, xem dân chúng như bia đỡ  đạn khi chọn đường lối bạo động vũ trang, để tập hợp dân chúng, xây dựng đội ngũ, rèn cán chỉnh quân, kiện toàn đảng, đoàn nhằm thực hiện  chủ nghĩa cọng sản cho 30 năm sau(1975), và đất nước cho đến nay 50 năm sau, vẫn mãi chìm đắm trong vòng đôc tài, áp bức, lầm than và lạc hậu. Thử hỏi, nếu không có 2 cuộc chiến tranh vô ích này, người dân và đất nước Việt Nam sẽ ra sao.

Sau cuộc chiến 50 năm tính từ năm 1975, lịch sử đã chứng minh, nếu lãnh đạo và dân chúng Việt Nam sáng suốt theo quan điểm bất bạo động chống Pháp của cụ Phan Châu Trinh thì ngay sau Thế chiến thứ 2, Việt Nam cũng khả dĩ có độc lập như Ấn Độ (1947)và các nước khác đồng cảnh ngộ mà thoát khỏi được 30 năm chiến tranh(1946-1975) vô ích, như đã xảy ra. Bất hạnh thay!

Cuối cùng xin ghi chú thêm rằng, bài viết này nhằm mục đich là, để tưởng nhớ những con dân Việt đã mất đi vì lửa đạn oan nghiệt trong cuộc chiến, đồng thời để điều chỉnh các thiếu sót,  bất cập qua tài liệu về Con Đường Buồn Thiu vốn có trên sách vở, báo chí và internet vì tam sao thất bổn trong suốt thời gian dài 72 năm qua, cùng là để ghi nhớ lại một thời chiến tranh khốc liệt trên đất nước Việt Nam, tại vùng Trị-Thiên khói lửa mà người dân Quảng Trị, đặc biệt các bà mẹ, em bé đã phải hứng chịu oan khiên, khi chạy giặc dọc theo Con Đường Buồn Thiu này.

Boston, Mar 20, 2024

Trương Thúy Hậu

Ghi chú : Viết theo các tài liệu sách báo và trên internet dẫn giải trong các insert links, cùng không ảnh thuộc Google map.

@cohocvietnam

img

Posted in Lịch Sử | Tagged | Comments Off on Con Đường Buồn Thiu

Hoàng Long Hải

Họ Hồ ở nước ta

Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu thì nở ra dòng liu điu.

1
Chim bay trên trời chim còn có tổ

Cháu nội nói: “Ông nội, khi mình vô quốc tịch, người ta cho mình đổi tên họ. Cháu nghĩ cần thì mình nên đổi tên, không nên đổi họ.”

– “Đúng.” Ông nội trả lời. “Người Châu Âu đến Mỹ cũng vậy. Thành ra, nhiều khi chỉ cần nghe cái họ, mình biết nguồn gốc: Gốc Anh Cát Lợi, gốc Pháp, Đức….

– “Không ông nội à. Cháu có học một lớp, tụi nó toàn tên là Smith. Thằng thì Church Smith, thằng thì Bridge Smith, thằng thì Hill Smith… kỳ ghê.

– “Kỳ gì đâu. Đó là những thằng Mỹ “lưu linh lạc địa”. Bên Châu Âu, sau những biến cố trọng đại, loạn ly, đói khổ… như sau các trận Thế Giới Chiến Tranh chẳng hạn. Dân Châu Âu bò qua Mỹ kiếm ăn. Cháu đọc “Giờ Thứ hai mươi lăm” thì rõ. Thằng Moritz chẳng hạn, hai bàn tay trắng, tính qua Mỹ kiếm ít tiền rồi lại về quê cũ cưới vợ.”

– “Ông nội giải thích sao về hiện tượng trên, nhiều thằng tên là Smith?”

– “Hồi xưa, đầu thế kỷ hai mươi chớ đâu xa. Tàu thủy bên Châu Âu đến cảng Nữu Ước, có quan thuế xét cho lên bờ, nhập vào Mỹ, chỉ cần cho quan thuế biết mình có một số tiền là được. Chẳng cần giấy tờ gì cả.”

– “Ông nội nói sao. Cháu chưa rõ.

– “Ví dụ khi qua cửa Quan thuế, trình cho họ thấy mình có một số tiền, ít nhất bằng số tiền Quan Thuế yêu cầu, chứng minh mình có thể sống được bao nhiêu ngày đó, khi chưa có việc làm. Chỉ có vậy thôi. Không cần giấy tờ gì cả.”

– “Vậy những cái tên Smith?”

– “Di dân bên Châu Âu qua, đủ hạng, phần đông khố ách áo ôm, tha phương cầu thực, bỏ nhà ra đi có một mình, dốt, không biết tiếng Anh, tiếng u gì cả. Kiếm được việc ở địa phương, hoặc theo các đoàn xe ngựa đi về miền viễn Tây, đi đào vàng, đi từng đàn, từng lũ… Rồi tụ họp nhau lập xóm, lập làng, như người ta thường thấy trong phim Western vậy. Họ có tên Đức, vì gốc Đức, tên Áo vì gốc Áo… Nhiều cái tên khó đọc, mà ngay chính họ cũng không biết chữ, không biết viết tên mình như thế nào, nên khi ai hỏi tới, cứ nói mẹ cái tên Mỹ Smith cho xong, tên nầy phổ thông ở Mỹ, ai ai cũng Smith cả. Đến khi có một dịp nào đó, bầu cử chẳng hạn, phải làm giấy tờ, danh sách, thì phải khai với chính quyền họ và tên. Tên thì có rồi: Smith, nhưng họ là chi, giống như Lục Vân Tiên hỏi Kiều Nguyệt Nga vậy: “Quê đâu tên họ là chi? Khuê môn phận gái việc gì tới đây?” Mấy anh Smith bối rối không biết mình lấy họ gì? Người phỏng vấn hỏi: “Vậy thì nhà anh ở đâu?”. “Tui ở gần cầu”. “Vậy thì tên họ là Bridge Smith”. “Tui ở gần nhà thờ”. “Vậy thì tên họ là Church Smith”. “Tui ở gần nhà máy”. “Vậy thì Mill Smith.” Dễ dàng thôi.”

Cháu nội nói: “Cháu có cảm tưởng như có cái gì buồn cười, mai mỉa.”

– “Chớ gì. Đây là câu chuyện hài, người Canada chê người Mỹ.” Tôi nói.

– “Người Canada tự hào về nguồn gốc của họ hơn, thượng lưu, trí thức, cao cấp hơn người Mỹ?”

– “Có gì khác?”

– “Có chứ. Khi Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai nổ ra, dân Anh, Dân Pháp chạy giặc qua Canada nhiều lắm. Họ thuộc hạng giàu có, học thức. Ngay chính ở nước họ, họ cũng đã ở giai cấp trên của xã hội bên đó rồi, nên họ coi thường người Mỹ, nguồn gốc không như họ.

– “So với di dân bây giờ, ông nội thấy sao?”

– “Thấy sao hả? Cũng vậy thôi. Ông nội lớn lên trong cảnh nghèo. Cha ông nội đi kháng chiến mà qua đời, anh cả ông nội vì chống Tây mà bị Tây thủ tiêu, chị Cả ông nội chạy tản cư bệnh mà chết. Thành ra một mình bà cố xoay xở nuôi sáu đứa con. Bà cố thường tự an ủi bằng câu “Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời.”

2
Có tên không họ, có họ không tên

– “Cháu biết không, người Việt mình ban đầu, khi mới xuống định cư ở lưu vực sông Nhị Hà, cũng chỉ có tên mà không có họ.” Tôi nói.

– “Có phải đó là văn hóa thời cổ.”

– “Ông nội có xem một “clip”, có một “làng Thượng” nào đó, gần đường 9 với Lao Bảo, sát biên giới Lào/ Việt. Làng nầy thuộc người “Tà Ôi” hay “Vân Kiều” gì đó. Mọi người trong làng chỉ có tên, không có họ. Khi cán bộ Việt Cộng đến hoạt động, cần có tên họ, Việt Cộng khuyến dụ dân làng nên lấy họ của “bác”. Dân làng nghe theo, thành ra ai cũng họ Hồ cả. Cả làng đều họ Hồ.

– “Ông nội nói người Lạc Việt ngày xưa không có họ?”.

– “Ngay cả một số người Tàu ở bên Tàu cũng vậy.” Tôi nói.

– “Vậy sao bây giờ ai cũng có họ?”

– “Bởi vì khi Tàu qua cai trị, lập sổ sách gì đó, buộc người dân phải có họ. Có hai hạng người, để ông nội giải thích: “Thứ nhứt là những người Tàu di dân, đi theo người Tàu sang Việt Nam cai trị, làm ăn, rồi định cư ở nước ta. Theo phong tục Tầu, họ có cả tên lẫn họ. Thành phần thứ hai, là những người Lạc Việt không có họ thì phải mượn họ của người Tàu mà khai báo. Thành ra, gần như hầu hết họ của người Việt ta ngày nay, có họ Tàu do vay mượn họ của người Tàu.”

– “Họ Hoàng của mình thì sao?”

– “Dựa theo lịch sử như nói như ở trên, họ Hoàng cũng có hai trường hợp. Một là họ Hoàng từ bên Tàu mang sang qua Việt Nam. Hai là, tổ tiên chúng ta là người Lạc Việt chính cống, không có họ nên mượn họ Hoàng của người Tàu.

– “Thành ra những nhân vật trong lịch sử Tàu như Hoàng Cái, Hoàng Đình Công… có thể là tổ tiên chúng ta, mà cũng không hẳn. Có thể ông bà chúng ta ngày xưa, không có họ nên mượn cái họ Hoàng của người Tàu.

– “Các sắc tộc ở vùng cao thì sao?”

– “Những sắc tộc ở gần biên giới Hoa/ Việt thì chung một giống cả. Ví dụ người Hmong, bên kia biên giới Tàu cũng có, bên phía ta cũng có, bên Lào cũng có. Xa hơn một chút về phía Nam, “người miền núi”, như người Mường Hòa Bình, Mường Thanh Hóa… chính họ là người Lạc Việt. Khi người Tàu xâm lăng, cai trị người Lạc Việt, họ không chịu sống dưới ách đô hộ của người Tàu, bèn kéo nhau lên rừng mà ở.

– “Họ cũng không có họ?”

– “Có lẽ hồi mới lên rừng định cư mà thôi. Về sau, do tình hình xã hội, chính trị, họ cũng phải kiếm tìm đâu đó một cái họ mà ghép với cái tên của mình”.

– “Ông nội cho một ví dụ được không?”

– “Được chứ. Nhà thơ Huy Cận chẳng hạn. Gốc gác ông là “người Mường Thanh Hóa.” Họ Cù là họ kiếm đâu đó, thành ra Cù Huy Cận, dòng dõi bà Cù thị hay ai đó, “Cù léc” cũng không chừng.”

Tôi nói tiếp: “Họ Hoàng mình xuất phát từ bên Tàu hay từ người Lạc Việt gánh thêm cái họ Tàu thì ông nội không biết, gốc gác ở làng nào, tỉnh nào cũng không biết. Gia phả chỉ nói năm 1558, khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, đem theo binh lính, quan quyền, bà con họ hàng, dân chúng… thì trong số đó có một người đàn bà có 4 người con trai. Người mẹ và tất cả 4 người con trai đều biết nghề rèn. Chúa cần người có nghề rèn để rèn binh khí hay dụng cụ nông nghiệp… cho Chúa. Bốn người con trai sau nầy trở thành 4 người trưởng của 4 nhánh: Như, Văn, Đăng, Thế của họ Hoàng. Bốn người nầy cùng xây một ngôi chùa cho bà Mẹ. Đó là Chùa Hiền Lương ở làng Hiền Lương. Chùa có bốn trăm năm tuổi, còn nguyên trạng, có thể trở thành di tích Quốc Gia.

3
Ngộ ở pên Tàu…

– “Ông nội nói rộng ra các họ khác”.

– “Không cần có thống kê, người ta biết họ lớn nhất của người Việt là họ Nguyễn, khoảng một phần ba dân số. Thứ đến là họ Lê, họ Trần. Còn các họ khác như họ Hoàng, họ Hồ, họ Phan, họ Võ, – ngoài Bắc thì gọi là Vũ – thì sĩ số sàn sàn ngang nhau. Một ít là họ Tàu, mới sang Việt Nam thời “Phản Thanh phục Minh” như họ Lữ, – của ông tướng Lữ Lan – tức Lữ Mộng Lan -, họ Châu, họ Hồng còn gọi là Cung như ông Cung Giũ Nguyên, Hồng Giũ Châu, họ Mạc như Mạc Cửu, họ Lâm như thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát… Họ Mạc của ông Mạc Cửu với họ Mạc của ông Mạc Đăng Dung có cùng gốc gác với nhau không thì chính cô ca sĩ Mạc Thủy ở Hà Nội hay Mạc Thị Bưởi chắc chi đã biết. Mấy ông mà ông nội kể tên đều là những người có tiếng tăm hồi trước. Một số tha phương cầu thực như họ Quách – Quách Đàm; họ Diệp như ông cố của Tyler Diệp, họ Quan có khi là Quang, họ Ôn. Như Quách Đàm, khi mới qua Việt Nam, hai đầu gánh đựng hai cái bồ “chai ve bán không”. Vậy mà sau nầy giàu có đến ức triệu, bỏ tiền xây Chợ Lớn mới. Đặc biệt, một số hải tặc, nổi tiếng trong vùng “Quần đảo Hải Tặc” hồi mấy thế kỷ trước, gốc ở đảo Hải Nam bên Tàu, sau khi giải nghệ, không dám về cố quốc, định cư ở Miền Tây Nam Bộ, phần nhiều ở Rạch Giá, Hà Tiên. Họ có họ Phan, họ Dương, lấy vợ Miên, đẻ ra người Miên lai Tàu, dân địa phương gọi là “đầu gà đít vịt”, nhiều cô đẹp lắm.

Cũng có một vài trường hợp, giàu có, đem tiền qua Việt Nam làm ăn như hai họ Phan ở Quảng Trị và Huế. Một họ Phan gốc Hải Nàm, một họ Phan gốc Quảng Đông.

Nói chung, người Tàu sang Việt Nam vì chạy loạn chính trị, di cư vì sinh kế, di cư để kinh doanh sang nước ta đông lắm. Dần dần, họ bị “Việt hóa”, thành người Việt Nam, nếu cho về Tàu, chắc họ cũng không về, trở thành những người Việt Nam chống Tàu, làm vua, làm quan to ở nước ta, nắm lấy nền kinh tế của nước ta, ở địa phương cũng như ở trung ương, cả làm vua nữa. Ở Nam bộ, mỗi xã, một ấp nhỏ, cũng có một tiệm hay quán “chạp phô” của người Tàu.

– “Ai làm vua, ông nội?”

– “Họ Trần, ông Trần Thủ Độ và các ông vua nhà Trần. Công lao các vua Trần chống quân Mông Cổ là lớn lắm, cả thế giới hồi đó điều phục, không riêng gì người Đại Việt.

– “Nguyên Mông là người Mông Cổ, đâu phải người Tầu.” Cháu nội nói.

– “Mông hay Tầu gì đều đánh hết. Lê Lợi chống quân Minh cũng vậy. Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh thì “cũng rứa thôi”.

– “Nhà Trần gốc bên Tàu?” Cháu nội hỏi.

– “Linh mục Nguyễn Phương giáo sư Đại Học Huế, có giảng cho sinh viên chứng chỉ sử học rằng thì là tổ tiên Trần Thủ Độ từ bên Tàu qua Việt Nam mới có ba đời. Bài giảng của linh mục Phương sau in lại trong tập san Đại Học của Viện Đại Học Huế và tạp chí Bách Khoa.

Gia phả họ Trần do Trần Ích Tắc ghi lại thì thủy tổ họ Trần gốc người Mân Việt, một trong Bách Việt, ở đất Mân bên Tàu, nay thuộc tỉnh Phúc Kiến. Trần Tự Minh là tướng của Tần Thủy Hoàng, sau bỏ Tần Thủy Hoàng di cư về phương Nam, theo người Lạc Việt, rồi làm tướng cho An Dương Vương. Con cháu nối dõi, làm vua, làm quan ở nước ta.

– “Nay còn ai?” Cháu nội hỏi.

– “Còn ai thì không biết. Nhiều họ Trần còn gia phả, có họ Trần thì không. Trước 1975, ở Miền Nam có chủ trương nghiên cứu gia phả thành một ngành gọi là “Gia Phả Học”. Ngành nầy rất kỵ với “Chủ Nghĩa Mác” nên từ khi Quân của “Bác” chiến thắng ở miền Nam thì đề tài nầy không còn nghe nói tới nữa.

4
“Chàng về Hồ thiếp cũng về Hồ,

Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.”

– “Họ Hồ ở nước ta có gì khác không?”

– “Thời nhà Trần với Trần Thủ Độ, các vua Trần và “Đức Thánh Trần”. Còn như về sau, cũng có người danh tiếng, nhưng không được như đời Trần nữa. Họ Hồ thì khác, kéo nhau nhiều đời, liên hệ với nhau, sách sử còn ghi.”

– “Cũng gốc bên Tàu?” Cháu nội hỏi.

– “Thủy tổ họ Hồ ở nước ta là Hồ Hưng Dật, thuộc bộ tộc Lạc Việt tỉnh Triết Giang bên Tàu, đổ trạng nguyên, sang làm thái thú Diễn Châu, vào đời Hậu Hán. Đồng thời có ông Đinh Công Trứ, thân sinh Đinh Bộ Lĩnh làm thứ sử Hoan Châu.

Mấy trăm năm sau, họ Hồ nầy phiêu tán cả. Có một người hậu duệ Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm, làm con nuôi nhà Lê Huấn, nên họ Hồ đổi sang họ Lê là Lê Liêm. Cháu bốn đời Lê Liêm là Lê Quý Ly, người cướp ngôi nhà Trần. Lê Quý Ly lấy lại họ cũ của mình là Hồ Quý Ly. Vì họ Hồ gốc ở nước Ngu bên Tàu, nên Hồ Quý Ly đổi tên nước là Đại Ngu. Đại Ngu không phải là “ngu lắm”, “ngu vĩ đại” như “đảng vĩ đại” mà có nghĩa là nước Ngu vĩ đại ở đất Đại Việt. Nó cũng có nghĩa là Hồ Quý Ly còn nhớ cái “gốc Tàu” của mình, còn muốn đem cái “hơi hay cái mùi Tầu” mà trùm lên đầu người Lạc Việt. Như thế thì người Đại Việt ủng hộ cha con Hồ Quý Ly thế nào được. Hồ Quý Ly khôn ở đâu không rõ, nhưng trong việc đặt tên nước như thế nầy, có thể ông ta không khôn, tức là NGU đấy.

Quý Ly có hai người cô làm cung phi trong cung vua Trần, nhớ đó mà Quý Ly làm quan cho nhà Trần, lên tới chức tể tướng. Năm 1400, Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lên làm vua. Được một năm, bắt chước nhà Trần, ông trao ngai vàng lại cho con là Hồ Hán Thương, lên làm thái thượng hoàng. Dù vậy, ông vẫn nắm giữ quyền hành.

Ba cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đều là người tài giỏi cả:

– Hồ Quý Ly có tư tưởng cải cách: Thi cử thêm môn toán học. Ông là người đầu tiên có sáng kiến làm bạc bằng giấy, khác với thời đó, tiền đúc bằng đồng.

– Hồ Nguyên Trừng là anh, nhưng không được làm vua vì mẹ ông thuộc hạng bình dân. Hồ Hán Thương lên nối ngôi vì mẹ ông nầy là công chúa.

Khi Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần, tôn thất nhà Trần có người chạy sang Tàu cầu cứu, xin Tầu đem quân qua diệt nhà Hồ. Ấy là “cõng rắn cắn gà nhà”. Bọn Tàu “láng giếng hữu nghị” chỉ chờ có chừng đó, bèn sai Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân qua “Phù Trần diệt Hồ”. Ba cha con Hồ Quý Ly cùng nhau lo chống giặc, nhưng bấy giờ dân chúng còn nhớ nhà Trần nên “Giặc ngoài xâm lăng, toàn dân hớn hở”. Lời kêu gọi của cha con họ Hồ không mấy người nghe, ca dao có câu:

Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ,

Chàng về Hồ Hán, thiếp về hồ Tây.

Hồ Tây tượng trưng cho dân tộc vì đó là nơi hai chị ̣em bà Trưng tự vẫn, – Hồ Lãng Bạc – chung quanh hồ Tây có nhiều di tích lịch sử. Thiếp về “hồ Tây” là về với đất nước, dân tộc, còn “chàng về Hồ Hán” là về với Hồ Hán Thương, là về với cha con nhà Hồ, là những người cướp ngôi nhà Trần. Cướp ngôi vua là cướp nước, nói theo quan điểm “Trung quân ái quốc” của người xưa”.

Hồ Nguyên Trừng tài giỏi hơn. Ông được vua nhà Minh trọng dụng, lập được nhiều công trạng, được vua Minh cho làm “thượng thư bộ Công”. Bộ Công tương tự như Bộ Xây Dựng.

Ba cha con Hồ Quý Ly xây “Thành Nhà Hồ” ở Thanh Hóa, nay di ích vẫn còn, được nhiều người khen ngợi.

5
Lòng dân ở đâu?

Thành Nhà Hồ, còn được gọi là Tây Đô, Tây Kinh, ở Thanh Hóa, được xây trong vòng ba tháng là xong, được cha con Hồ Quý Ly dùng để chống quân Minh, vì tình hình lúc đó quân Minh sẵn sàng xâm lược Đại Việt. Thành được xây bằng đá và đất, nhưng đặc sắc hơn cả là thành được trồng tre để làm hàng rào ngăn giặc. Ở nước ta, mỗi làng được trồng tre chung quanh làng, vừa làm hàng rào ngăn ngừa trộm cắp, giặc giã và cả quân xâm lược. Làng với những hàng tre chung quanh vừa là thành lũy về an ninh, chống giặc… lại cũng là một “hàng rào” bảo vệ văn hóa làng xã, phong tục tập quán và cả luật pháp của làng. “Phép vua thua lệ làng” có ý nghĩa là như thế. Cha con họ Hồ thấy được cái “tinh hoa” của lũy tre làng như thế nên đã cho trồng tre làm hàng rào ở “Thành Nhà Hồ” để chống quân Tàu.

Cha con Hồ Quý Ly chuẩn bị chống quân Minh rất kỹ, tuyển mộ, huấn luyện thêm binh lính, xây đắp thành lũy, Tây Đô và thành Đa Bang, đóng cọc trên sông… Nhưng thất bại là vì sao? Không phải vì quân Minh đông hơn, tài giỏi hơn. Binh lính giỏi không cốt ở đông mà cốt ở tinh nhuệ và tinh thần.

Khi Hồ Quí Ly họp các tướng để bàn việc nên đánh hay nên hòa, Hồ Nguyên Trừng, lúc đó làm tể tướng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Bấy giờ vì người dân không theo nhà Hồ, nên Hồ Nguyên Trừng mới nói “sợ lòng dân không theo…”. Yếu tố “nhân dân” là quan trọng nhất. Đó là yếu tố khiến nhà Hồ thất bại, không chống nỗi sự xâm lăng của quân Minh. Quân Minh cũng biết yếu tố “lòng dân” nên mới mượn danh nghĩa “Phù Trần diệt Hồ” để xâm lăng nước ta. Dân chúng nhiều người còn ngu dại nên không cùng nhà Hồ chống giặc Minh, mà còn “rước voi về giày mả tổ.”

Nhân Dân là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa… của một dân tộc./

6
“Tay cắt tay sao nỡ,
ruột cắt ruột sao đành”

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Ban đầu, thế lực chưa đủ mạnh, Nguyên Hoàng chưa dám ra mặt chống Chúa Trịnh ở Đằng Ngoài. Tới khi công nghiệp đã vững rồi, Chúa Nguyễn nghe lời của Đào Duy Từ, trả lại sắc cho vua Lê, ra mặt chống nhau với Chúa Trịnh.

Năm 1630, Chúa Nguyễn cho quan ra Bắc, dâng vua Lê chúa Trịnh. Vật phẩn đặt trên một cá mâm đồng hai đáy. Sau khi sứ về Nam rồi, chúa Trịnh mới phát hiện cá mâm có hai đáy. Gở cái đáy ra thì thấy có một tấm thiệp viết:

“Mâu phi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch”.

Không ai hiểu là gì, bèn nhờ Trạng Bùng – (Phùng Khắc Khoan) giải thích cho. Trạng Bùng xem xong bèn nói đó là bốn câu thơ ngụ ý nói: “Dư bất nhuận sắc”, có nghĩa là ta không nhận sắc. Nghĩa bóng là không chịu thần phục Bắc Hà nữa.

Vậy là hai bên đánh nhau, tất cả gồm 7 trận, kéo dài khoảng 150 năm. Có khi quân Bắc Hà đánh vô tới Quảng Bình, cũng có khi quân Nam Hà đánh ra tới Nghệ An. Khi đánh ra Bắc, Chúa Nguyễn thường cho lùa dân vùng bị chiếm đóng vô Nam Hà khai khẩn những vùng đất còn bỏ hoang. Tình trạng trong Nam bấy giờ, đất rộng người thưa, cần có dân khai khẩn trồng trọt…

(trích): Một tài liệu lịch sử ghi:

“Lúc bấy giờ ở huyện Phù Ly, đất Quy Nhơn có người tên là Nguyễn Nhạc khởi binh (…). Nguyên ông tổ 4 đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly ngày trước, người ở huyện Hưng Nguyên, đất Nghệ An, gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc đất Quy Nhơn. Đến đời ông thân sinh là Hồ Phi Phúc dời nhà sang ở ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, huyện Tuy Viễn, sinh được 3 người con: trưởng là Nhạc, thứ là Lữ, thứ ba là Huệ”. (hết trích)

Nguyễn Huệ hay Hồ Thơm, chính là vua Quang Trung, cháu bốn đời của Hồ Phi Khanh là người đến định cư ở Quy Nhơn.

Tại sao phải lấy họ Nguyễn?

Người ta thường nói “đất trong Nam là đất Chúa Nguyễn”. Nhờ các chúa mà đất Nam Hà càng ngày càng phát triển, dân cư ngày càng đông đúc, trù phú… Ai ai cũng thấy mình mang ơn Chúa. Vì vậy, anh em nhà Tây Sơn mới đổi qua họ Nguyễn để thu phục lòng dân.

Trong khi ở Nam Hà họ Hồ càng ngày càng phát triển thì ở Bắc Hà cũng nổi lên một danh sĩ họ Hồ. Đó là một người đàn bà, nổi tiếng làm thơ Nôm, văn học sử còn gọi là “Bà Chúa thơ Nôm”. Đó là Hồ Xuân Hương.

Bà sinh năm 1772 ở Nghệ An, có tài liệu nói ở Thăng Long, qua đời năm 1822, cũng ở Thăng Long. Trước khi bà sanh 1 năm – (1771) thì nhà anh em nhà Tây Sơn nổi lên ở ấp Tây Sơn, nay thuộc Bình Định. Cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh kéo dài 31 năm, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua năm 1802. Bà mất năm 1822 là năm Minh Mạng nối ngôi cha được 1 năm. Do đó, thời còn nhỏ và thanh xuân, bà sống rong cảnh giặc giã, ly loạn…

7
“Thương người xa xứ…”

Tù Côn Đảo mấy năm, ông Hồ Hữu Tường được tha về, sau khi Ngô triều sụp đổ. Ông là một nhà văn, một nhà văn hóa, một nhà hoạt động cách mạng theo cánh Trotsky – (Đệ Tứ Quốc Tế) – nổi tiếng ở miền Nam nhiều năm, kể từ khi ông du học ở Pháp về. Những năm 1945/ 46 ông không bị cánh Đệ Tam – (nổi tiếng là Trần Văn Giàu) – giết, như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà… cũng là may cho ông.

Sau khi tù Côn Đảo về, ông lại hoạt động trong lãnh vực văn nghệ, văn hóa, giáo dục… Ông được mời làm giáo sư diễn giảng Đại Học Huế. Ông viết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng hay và lạ. Truyện ngắn “Con thằn lằn chọn nghiệp” được coi là truyện ngắn hay nhất từ trước tới nay. Khoảng những năm 1964, 65, 66…sinh viên, học sinh, thanh niên Huế rất ngưỡng mộ ông. Ông cùng với con là Hồ Xích Tử – con đỏ “vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” – (Bình Ngô Đại Cáo) – sau đổi là Hồ Xích Tú, đều là dân biểu thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng trong thời gian nói trên, ông cho biết ông là “hậu duệ vua Quang Trung”. Báo chí hồi đó có bức hí họa, vẽ ông ngồi trên con ngựa gỗ, – thứ đồ chơi của trẻ con -, miệng ông nói: “Ta là hậu duệ vua Quang Trung đây”, có lẽ để chọc quê ông Hồ Hữu Tường. Quê ông ở Cái Răng Cần Thơ, thuộc nhà nông. Đọc “Thằng Thuộc, con nhà nông”, hồi ký của ông thì rõ.

Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh chạy dài không biết bao nhiêu bận, khi Vĩnh Long, khi Sadec, khi Cà Mau… Không ít lần Nguyễn Ánh chạy tuốt ra Phú Quốc, Côn Đảo… Lần cuối chạy tuốt qua Xiêm La – Thái Lan bây giờ – Ông để lại cung phi, mỹ nữ ở Nha Mân – Sadec – Con cháu họ ngày nay cũng còn đẹp:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân,
Giả bộ giăng câu lên xuông mấy lần
Ở xa thì nhớ, lại gần thì run.

Không chỉ ở Nha Mân, Nguyễn Ánh còn để lại Thới Bình một “mớ” nữa. Chuyện gái đẹp nầy, có dịp sẽ nói sau.

– “Còn binh lính Gia Long thì sao?

Họ không theo kịp Chúa, đành ở lại, “tự giải ngũ”, làm người dân thường, sống đời dân sự, làm ruộng, dựng nhà, cưới vợ…

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, hiệu là Gia Long, ông không còn nghĩ tới những người ông đã bỏ rơi, hồi hai mươi năm trước, khi ông chạy qua Xiêm La. Người ông “ngó” tới bây giờ là những người từng theo Tây Sơn. Ông phải ngăn ngừa họ, trả thù họ, trừng trị họ… Thế là những người từng theo Tây Sơn, trốn vào Nam, làm lưu dân nơi đất khách quê người. Nơi vùng đất mới, họ gặp kè thù cũ, là những người bị Nguyễn Ánh bỏ lại khi ông ta “tẩu quốc”. Những kẻ thù cũ gặp nhau, không những không thù không oán nhau mà lại thương yêu nhau, bởi vì họ cùng một gốc: tha hương. (không theo Chủ Nghĩa Mác, Chủ Nghĩa Hận Thù/ “cách mạng”)

Rồng chầu ngoài Huế – (Huế, kinh đô, đã có vua trên ngai vàng.)
Ngựa tế Đồng Nai – (Con ngựa chạy chậm rãi, đưa quan đi. Việc cai trị đã ổn định.)
Nước sông xanh ao lại chảy hoài – (Nước cứ trôi, dòng đời cứ trôi, người còn lưu lạc…)
Thương người xa xứ lạc loài tới đây – (Người cũ – binh lính Nguyễn Ánh ngày trước, tới trước, đời sống nay đã ổn định, thương những lưu dân mới tới sau – binh lính nhà Tây Sơn chạy vào Nam, sợ bị trả thù.)

Trong viễn tượng đó, tổ tiên họ Hồ của ông Hồ Hữu Tường, có từ Qui Nhơn chạy trốn vào Cái Răng cũng không phải là điều lạ.

8
Từ Hồ ra Nguyễn.

Hồ Sĩ Tạo, 1841/1907, quê ở làng Lai Nhã, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đậu giải nguyên – tức là đậu đầu – trường Nghệ, là danh sĩ đất Hoan/ Diễn Châu. Không rõ lý do tại sao, Hồ Sĩ Tạo không vào kinh đô thi Hội, ra làm quan một thời gian rồi xin về. Hồ Sĩ Tạo là người tài hoa. Xứ Nghệ có câu: “Văn Giao, phú Tạo, thơ Thành”, có nghĩa là văn hay thì có Nguyễn Văn Giao, phú hay thì có Hồ Sĩ Tạo, thơ hay thì có Nguyễn Nguyên Thành. Cả ba đều là dân Nghệ An. Ông giỏi đàn hát, thích vui chơi. Khi đã có vợ rồi, ông gian díu với cô Hà Thị Hy, lớn hơn ông 6 tuổi, con ông Hà Văn Cẩn. Hà Thị Hy thường gọi là Cô Đèn, vì cô ca đã hay mà lại múa đèn rất giỏi. Khi cô Đèn có bầu, ông Tạo lập mưu gả cô Đèn cho ông già Nguyễn Sinh Nhậm, 70 tuổi, góa vợ, người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, cùng tỉnh. Mấy tháng sau cô Đèn sinh ra một con trai, đặt tên theo cha hờ là Nguyễn Sinh Sắc, – sau đổi thành Nguyễn Sinh Huy -. Huy là cha của Nguyễn Sinh Cung – thường gọi là Cuông -, còn có tên là Nguyễn Tất Thành, tức là Hồ Chí Minh, cán bộ Cộng Sản Đông Phương Bộ, thuộc Đệ Tam Quốc Tế, nói rõ hơn là “đệ tử” của Stalin.

Nguyễn Sinh Sắc, lấy theo tên “cha hờ” là Nguyễn Sinh Nhậm. Tuy nhiên, thực tế, ông là con rơi của Hồ Sĩ Tạo. Người đời cũng nói, sau khi về nước lãnh đạo việc “cướp chính quyền” năm 1945, Nguyễn Sinh Cung lấy lại họ Hồ – Hồ Chí Minh -, họ cũ của ông ta là vì vậy. Ông Sắc được 1 tuổi thì mẹ chết. Ông Nhậm cũng về chầu Diêm Vương luôn. Ông Sắc ở với con trai trưởng của ông Nhậm là Nguyễn Sinh Thuyết, bị bà vợ ông Thuyết đay nghiến hoài vì “có bà con máu mũ chi mô”. Cụ Hoàng Xuân Đường thấy tội nghiệp, đem về nuôi, dạy dỗ cho, sau gả con gái cho. Người con gái nầy tên là Hoàng Thị Loan, mẹ “bác Hồ”. Ba qua đời ở Huế, khi ông Sắc chưa được làm quan, lưu lạc về Phú Vang/ Thừa Thiên, dạy chữ Nho, độ nhật.

Nguyễn Sinh Sắc, đậu vớt “phó bảng” năm 1901. Và mang ơn ông Ngô Đình Khả.

– “Ngô Đình Khả là người theo Tây, tại sao ông Nguyễn Sinh Sắc lại mang ơn ông ta?” Cháu nội hỏi.

– “Câu chuyện hơi dài dòng, để từ từ ông nội kể.”

– “Đời vua Tự Đức, vua cho gọi cụ Vũ Văn Giáp, quê ở Phong Lâm, Bắc kỳ vào Huế để lo việc đóng giày dép cho vua và hoàng gi, vì nghề nầy là nghề truyền thống của gia đình cụ. Để có vật liệu: da trâu bò, vua cho cụ một vùng ruộng lớn ở phía Tây/ Bắc kinh thành Huế, bên kia sông Kẻ Vạn, để cụ Giáp nuôi trâu bò lấy da. Vùng nầy, người Huế thường gọi là “Trại Bò” hay “Trại Trâu”. Cụ Vũ Văn Giáp là người quảng giao, lại nhờ sẵn phương tiện ăn ở, ông thường giúp các sĩ tử về kinh đô thi cử, các người sắp được bổ ra làm quan hay các quan nhỏ … Ông Nguyễn Sinh Sắc, nhà không giàu có gì, khi về Huế, thường ghé lại cư trú ở Trại Bò của ông Vũ Văn Giáp, xin “tạm trú tạm vắng” mà chẳng xin phép Công An gì cả.”

– “Hồi đó làm gì có Công An, ông nội.”

– “Chế độ phong kiến mà, vua quan còn ngây thơ, ngu dốt, nên chưa biết cách “bảo vệ nhân dân.”

– “Bảo vệ gì, kiểm soát, kềm kẹp nhân dân chứ.” Cháu nội cằn nhằn.

– “Cháu không sống dưới chế độ Cộng Sản. Sao rành thế. Hoan nghênh cháu. Hiện giờ, người dân ở trong nước thì chẳng biết mẹ gì cả.” Tôi nói.

– “Về nước, cháu thấy người nghèo thì lo ăn tối mặt tối mày, còn người giàu lo chơi.”

– “Lại hoan hô cháu nội một lần nữa.”

– “Có lẽ người ta ngưỡng mộ tài ba của ông Hồ Sĩ Tạo, cũng như ông Nguyễn Sinh Sắc từng ghé lại tạm trú tại “Trại Bò” của cụ Võ Văn Giáp, với lại con trai cụ Giáp là ông Võ Bá Hạp, cũng là một sĩ phu, thi đậu mà không ra làm quan, vì làm quan với triều đình cũng có nghĩa là làm quan cho Tây. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc thi hỏng, cụ Vũ Văn Giáp thương tình nói giúp với ông Ngô Đình Khả, bấy giờ là thượng thư Bộ Lễ, coi việc thi cử, cũng như ông Cao Xuân Dục, chánh chủ khảo. Hai ông nầy nể lời cụ Giáp, bèn xét lại kết quả khoa thi năm đó, cho ông Sắc đậu phó bảng, đậu vớt. Trong khoa thi nầy, cụ Phan Chu Trinh cũng hỏng. May nhờ vớt ông Nguyễn Sinh Sắc, nên phải vớt luôn cụ Phan Chu Trinh.

Sau đây là kết quả trích “Hoàng Triều Khoa Bảng Lục” tài liệu của cụ Cao Xuân Dục.

Tiến sĩ:

Nguyễn Đình Tuân
Ngô Đức Kế
Nguyễn Viết Thông
Nguyễn Đình Điển
Trần Văn Thống
Lê Ngải
Nguyễn Duy Tích
Nguyễn Văn Tính
Nguyễn Văn Bân

Phó bảng:

Nghiêm Châu Tuệ
Vũ Tuân
Nguyễn Đình Hiến
Lê Đình Xán
Hoàng Đại Bỉnh
Đỗ Dương Thanh
Vũ Vĩ
Nguyễn Mậu Hoán
Phạm Ngọc Thụy
Nguyễn Xuân Thưởng
Nguyễn Sinh Huy
Nguyễn Duy Thiện
Phan Chu Trinh

Sau khi được đậu vớt, năm 1901, ông Sắc cũng không làm quan, xin về quê ở Nghệ An, làng Kim Liên, tục gọi là “làng Sen”, tức là làng của ông Nguyễn Sinh Nhậm. Ở Huế, người ta nói ông Sắc cũng muốn theo giới sĩ phu thời bấy giờ, như cụ Võ Bá Hạp, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bộ Châu, thi đậu là đề lấy cái tiếng, còn như bổ ra làm quan, thì không ai muốn cả. Chính cụ Phan Bội Châu từng nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”.

Mãi đến năm 1905, ông về kinh đô, xin được bổ nhậm. Ông làm “thừa biện bộ Lễ”. Người ta cũng nói nhà ông Sắc nghèo muốn được ra làm quan để qua cơn đói kém, không thể như các nhà cách mạng khác đươc.”

Cháu nội nói: “Có lần ông nội nói, ở Huế, ông nội biết cái nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc từng ở với vợ con, tức là nhà ông Hồ Chí Minh ở với cha khi ông còn niên thiếu.”

– “Ngôi nhà nầy là nhà gạch, không rõ xây năm nào. Thời đó là nhà ông Nguyễn Sinh Sắc ở, gần “ngã tư Anh Danh”, sau nầy là ngã tư Đinh Bộ Lĩnh/ Mai Thúc Loan, đối diện với nhà của Mệ Sen. Mệ Sen, tên thật là Lương Linh, con gái, một trong 23 con gái của vua Thành Thái. Bà nầy đẹp, bặt thiệp”.

– “Ông nội thấy bà nầy lần nào chưa?”

– “Trước 1945, Mệ Sen làm thông ngôn cho Khâm Sứ Huế. Mệ “nói tiếng Tây như “đầm”. Thời Ngô Đình Diệm, Mệ làm Trưởng Phòng Du Lịch Huế. Gọi là trưởng phòng nhưng Mệ làm việc chỉ có một mình. Bọn học trò như ông nội, muốn nhìn Mệ, – vì nghe đồn Mệ đẹp lắm -, thì tới Phòng Du Lịch xin tài liệu hướng dẫn thăm các lăng tẩm/ Huế. Mệ phát tận tay nên thấy Mệ rõ lắm. Mệ không chồng, không con. Mệ ở với một cháu gái, con vua Duy Tân, gọi Mệ bằng o. Cô nầy còn đẹp hơn Mệ. Nhiều thằng bạn của ông nội làm cái đuôi dài, đạp xe đạp, chạy theo. Vui lắm.

– “Ông nội nói vui lắm là ông nội có chạy theo.”

– “Mất công, không hy vọng thì chạy theo làm gì mất công. Chị ̣ của Mệ, “Công Chúa thứ 18” là vợ ông Đốc Hy. Ông “đốc tờ” nầy anh bà con với mẹ của ông nội. Ông Đốc Hy, ông nội gọi bằng “cậu”, dân Quảng Trị, nhưng “Mệ 18” không bao giờ chịu về Quảng Trị. Công chúa “hạ giá” mà. Còn “Mệ 16” là vợ luật sư Vương Quang Nhường, người Gò Công, từng làm tổng trưởng thời “Đức Quốc Trưởng”.

– “Ông nội nói, ông nội từng vô cái nhà hồi xưa ông Nguyễn Sinh Huy ở?

– “Số là như thế nầy. Ngôi nhà nầy, hồi ông nội ở Huế là “Hạt Thủy Lâm/ Huế, bên cạnh ngã tư ông nội mới nó. Sau lưng nhà là một cây “bao-báp” – tiếng Tây là “baobab” -, khá cao nhưng gãy ngang đọt vì trận bão năm 1952. Có đứa bạn ông nội lại bảo rằng không phải thế. Vì loại cây nầy là loại thân có nhiều nước, cao koảng năm, bảy thước là không cao hơn được, nhánh tỏa ra như bị gãy ngang đọt. Ông nội theo thằng bạn, bố nó làm việc ở hạt nầy, vào coi cho biết. Nhưng ông nội biết thêm một điều khác, cũng hay.

– “Cái gì hay ông nội?”

– “Khi các ông cha cố đến Việt Nam, cũng như Tây thực dân, họ mang theo một số giống, đem trổng ở Việt Nam, sau nầy phát triển ra. Hột cao su, hột cà phê từ Brasil về Việt Nam, cây “bao báp” từ Châu Phi, hay cây phượng từ Madagascar.

– “Cây phượng ở các sân trường”?

– “Chính nó đấy. “Phương thắm ơi, phượng thắm rơi đầy” là do công của mấy ông “cha Cố Tây râu ria xồm xoàm.”

9
“Đi về sao chẳng về đi…” Đào Tiềm

– “Khi nào thì ông Nguyễn Sinh Huy ra làm quan?”

– “Năm 1905 ông được bổ làm “Thừa Biện Bộ Lễ”, là bộ do ông Ngô Đình Khả làm thượng thư. Tới năm 1909 ông được bổ làm “Tri Huyện Bình Khê” ở Bình Định.

– “Cũng do ông Ngô Đình Khả?” Cháu nội hỏi.

– “Không. Năm 1907 vua Thành Thái bị Tây “hạ bệ”, lấy cớ ông nầy bị bịnh điên.”

– “Điên thật?”

– “Điên đâu. Chỉ lấy cớ mà thôi. Khi nào có dịp, ông nội kể cho nghe, vạch cho cháu thấy thêm một số Đại Việt Gian ở Huế. Vua Thành Thái bị truất ngôi, ông Ngô Đình Khả “rơi” theo.

– “Tại sao?”

– “Để có dịp nói nghe chơi, “rửa mặt” cho ông Ngô Đình Khả. Bấy giờ vua Duy Tân ở ngôi. Ông nội không rõ do đâu, ông Nguyễn Sinh Huy được bổ đi tri huyện Bình Khê, chưa được một năm, ông bị cách chức.”

– “Người ta nói ông ta đánh chết dân.”

– “Không phải ông ta mà chính là “Để lính đánh chết dân trong khi ông ta say rượu.” Ác như thế, vô trách nhiệm như thế chớ có là “nhà yêu nước” gì đâu. Dân Bình Khê thưa về tới Kinh Đô Huế. Vua Duy Tân cho gọi về, điều ta. Đọc tờ trình, vua phê: “trãm giam hậu”, nghĩa là xử tử, nhưng chưa thi hành ngay, chờ gì đó, v.v…

– “Chờ tiền???”

– “Nói bậy. Triều đình Huế chớ có phải “Bộ Chính Trị” ở Hà Nội đâu. Nhờ vậy mà ông Nguyễn Sinh Huy thoát chết.”

– “Nhờ ai ông nội.”

– “Ba ông: Ông Cao Xuân Dục, người đã vớt cho ông Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng; Hồ Đắc Trung, người sau nầy làm vụ án Vua Duy Tân khởi nghĩa, năm 1916, và Đào Tấn, ông tổ hát bội Việt Nam. Nhờ ba ông nầy xin với vua Duy Tân, án ông Nguyễn Sinh Huy được vua phê lại: “Phạt một trăm trượng, cách chức, đuổi về”.

– “Đánh một trăm trượng thì “tan da nát thịt” còn gì nữa mà đuổi về.”

– “Người ta có cách cháu à.”

– “Cách gì, ông nội giải thích được không?”

– “Người ta làm như thế nầy. Tội nhân nằm trên sập, người xử phạt cầm cây gậy, đầu chúc xuống. Khi đánh, đầu gậy đụng vào sập kêu đánh cộp, nhưng không đụng vào đít người bị phạt. Đánh xong một trăm trượng, người bị phạt… khỏe re, không can gì hết.”

– “Rồi ông Huy có về quê không?”

– “Mặt mũi nào mà về. Ở quê, ai không biết ông Huy nhờ quan trên mới đậu phó bảng. Vậy mà không lo làm quan, lo rượu chè nên mới ra nông nỗi. Vậy là ông Huy đi về phương Nam, lưu lạc ở quê người. Ông làm nghề chấm tử vi, thầy thuốc Bắc ở Chợ Bến Thành/ Saigon.

– “Còn các con ông thì sao?

– “Về quê. Sau khi ông Nguyễn Sinh Huy đi Nam rồi. Con gái lớn là Nguyễn Thị Thanh theo cha, lo phụng dưỡng cho cha. Được một thời gian, bà về quê. Ông Cả Khiêm, tức Nguyễn Sinh Khiêm, ở lại Huế một thời gian, rồi cũng về quê. Năm 1945, khi Việt Minh bắt giam ông Võ Như Nguyện, con trai nhà cách mạng Võ Bá Hạp, cháu nội cụ Vũ Văn Giáp, nhằm lúc ông Cả Khiêm đang có mặt ở Huế, bèn can thiệp để thả ông Nguyện ra. Ông Khiêm cho rằng những người trong gia đình Cụ Giáp cần phải được tôn trong tuyệt đối. Lần đó, ông Nguyện được thả. Khi ông Nguyện bị bắt lần thứ hai, Việt Minh biết ông Hồ là một “chiến sĩ Vô Sản” nên lời nói của ông Khiêm không còn được tôn trọng nữa. Ông Nguyện phải trốn tù mới thoát khỏi lưỡi mã tấu của Việt Minh Huế.

– “Còn ông Hồ Chí Minh?”

– “Khi ông Huy còn ở Huế, ông Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Sinh Cung – tức Cuông – tức Nguyễn Tất Thành – lúc đó mới học xong lớp Ba ở trường Pháp Nam, trường ở phía ngoài cửa Đông Ba, nhờ “tập ấm” được cho vô học “Pháp Việt Học Đường”, là trường do Ngô Đình Khả, theo lệnh vua Thành Thái, can thiệp với Tây mà lập ra. Phe Tây thì muốn đào tạo tay sai, phe vua thì muốn các quan phải nói được tiếng Tây để khỏi bị “thông ngôn” xỏ mũi, dịch bậy, như trường hợp ông Bửu Lân được lên ngồi trên ngai vàng.”

– “Vậy ông Hồ Chí Minh có học trường Quốc Học?”

– “Chuyện tào lao. Người ta hay “tán bậy”. Theo ông nội biết, ông Hồ Chí Minh có tên học ở “Pháp Tự Học Đường” là tên tiên khởi của trường Quốc Học, nhưng chưa học thì gặp gia biến. So ra như thế nầy: Năm 1909, ông Huy bổ tri huyện, năm 1911, “anh” Nguyễn Tất Thành xuống tàu Latouche Tréville đi Tây, chưa kể thời gian mấy tháng ông Hồ ghé lại Phan Thiết, dạy học ở trường Dục Thanh, thì “ông Hồ Chí Minh học Quốc Học khi mô”?

– “Ông Hồ cũng có làm thầy giáo?”

– “Học lực ông Hồ lúc đó là Lớp Ba trường Pháp Nam. Trường nầy là một trường tư. Ông ta dạy được cái gì, dạy ai, khi học hành “rứa” đó.”

– “Có điều nầy đáng nói. Phong trào Đông Du lên cao từ năm 1905. Tới 1910 thì xẹp dần, vì Tây Nhựt bàn nhau làm ăn như thế nào đó, Nhựt bèn đuổi “du học sinh” Việt Nam ra khỏi Nhựt. Thầy trò Cụ Phan ôm khăn gói qua Tàu. Người ta có vài câu hỏi:

– Một là, năm 1905 và vài ba năm sau đó, khi ông Huy đang làm quan ở Huế, sao không cho cậu Cung theo Phong Trào Đông Du như những người yêu nước. Như vậy, sao có thể gọi cha con ông Nguyễn Sinh Huy là người yêu nước được?

– Thứ hai, khi vào Saigòn, cậu Nguyễn Tất Thành không đi Nhựt, vì Phong Trào Đông Du đã xuống nên ông phải đi Tây. Qua Tây, ông làm đơn xin Tây xét lại cho cha, bị cách chức, xin phục hồi cho cha làm quan trở lại. Ông lại làm đơn xin vô học Trường Thuộc Địa, trường đào tạo tay sai cho Tây. Vậy là người yêu nước hay sao?”

– “Rồi ông đi Tây là xong.”

– “Ông Hồ Chí Minh là người có tham vọng dữ lắm. Không theo Tư Bản đựợc, ông theo Vô Sản. Con đường nào làm cho đời ông “đi lên” thì ông đi.

– “Có chuyện nầy vui…”

– “Ông nội kể đi…” Cháu nội khuyến khích ông nội.

– “Sau khi thấy theo Tư Bản không xong, ông Hồ Chí Minh bèn theo Cộng Sản. Ông ta “đá đít” mấy cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, sinh viên Nguyễn Thế Truyền, mấy ông nầy từng giúp đỡ, nuôi cơm ông Hồ Chí Minh khi ông mới tới Pháp. Mấy ông nầy cũng giận, bèn viết thư về cho ông Nguyễn Sinh Huy lúc ấy đang hành nghề thuốc Bắc ở Chợ Bến Thành, nói rằng “Cậu Thành con bác nay theo Cộng Sản tam vô…” Theo Hoàng Văn Chì kể lại trong “Từ Thực Dân đến Cộng Sản”, nhân một dịp nào đó, Nguyễn Tất Thành về Saigon. Cha con gặp nhau, hàn huyên chưa được bao lăm thì ông bố hỏi con về việc theo Cộng Sản. Ông con xác nhận, rồi cha con cãi nhau một trận. Ông con chê ông cha là “hủ nho”, như ông con từng chê cụ Phan Chu Trinh như thế. Vậy là ông cha đùng đùng mắng chưởi, cầm cây chổi lông gà đánh ông con. Ông con chạy xuống thang gác… Và từ đó, ông con không còn gặp lại cha mà cũng từ rảy luôn gia đình, anh chị… Khi ông Hồ về Hà Nội làm chủ tịch chính phủ lâm thời, ông Cả Khiêm cũng như bà Thanh ra thăm ông Hồ một lần rồi thôi. Từ đó cho đến khi họ qua đời, anh chị em không bao giờ gặp nhau lần thứ hai nữa. “Cán bộ Cộng Sản Quốc tế” thì phải sợ “Ông Xít-Ta-Lin” chớ.

10
“Về Miền Tây, có ai về Miền Tây”

Sau khi ông Hồ Chí Minh trở thành cán bộ Cộng Sản, Mật Thám Tây không thể không theo dõi “bố” ông Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Sinh Cung, tức Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, nhắm bộ không ở Saigon được, ông Nguyễn Sinh Sắc, tức Huy, lưu lạc về Miền Tây. Nói rõ hơn là về Sadec, tiếp tục làm nghề “thầy Thuốc Bắc” là chính, nghề phụ là “chấm tử vi”, “xem tướng” độ nhựt. Bấy giờ cô con gái lớn, Nguyễn Thị Thanh, không theo cha phụng dưỡng nữa. Ông già Sắc một thân một mình đất khách quê người.

Do một sự tình cờ nào đó, ông chữa lành bệnh cho một cô gái – Tôi tìm không ra tên người con gái nầy, chịu làm vợ ông để “trả ơn cứu tử”. Người nầy lấy ông Sắc đẻ cho ông một cậu con trai, rồi thôi. Có lẽ hồi nầy ông Cụ Sắc cũng già rồi, tuy chưa già ngoắt cần câu. Ông mất ở Sadec năm 1929, lúc mới 67 tuổ. Người con trai của ông Sắc đẻ ở Sadec, tên là Vương Chí Nghĩa. Ông Sắc cũng sợ Tây. Từ họ Nguyễn, gốc là họ Hồ, đổi sang họ Vương cho Mật Thám Tây khỏi “để ý”. Ông Vương Chí Nghĩa sinh 7 người con, 2 trai, 5 gái, một người tên là Vương Chí Hùng, người em tên là Vương Chí Việt, nay là ông Thầy Tu – có người nói ông Thầy Tu nầy ăn mặn, có bồ nhí, tu hành gì đâu! – Gọi là Thầy Chùa chắc đúng hơn vì ông có chùa – Chùa Phật Quang – ở Núi Dinh, vũng Tàu. Tên ông thầy chùa nầy là Thích Chân Quang. Ai muốn biết rõ hơn về ông Thầy Chùa nầy, nên hỏi “Ca sĩ Ngọc Mai”.

Hoàng Long Hải

Posted in Khảo Cứu, Văn Học | Tagged | Comments Off on Hoàng Long Hải

Hùng Vương

Thiền sư Lê Mạnh Thát
và Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả

Xem thêm :
Trống đồng Đông Sơn

Posted in Lịch Sử | Tagged | Comments Off on Hùng Vương