Ngô Ái Loan

DUYÊN

Quảng trị là quê hương của tôi và cũng là quê hương của ca sĩ Duy Khánh . Bây giờ tôi kể về thời gian nơi thành phố tôi được sinh ra và lớn lên, thuở đó tôi biết ba tôi và chú Duy Khánh có quen biết nhau, thực ra thành phố Quảng Trị rất nhỏ và hầu như những người cùng chung một thế hệ với nhau thì họ rất dễ kết bạn, rồi như hợp gu với nhau thì đi đến kết thân .

Tôi nghe ba tôi kể gia đình của chú Duy Khánh thuộc tầng lớp thượng lưu, cho nên chuyện chú muốn trở thành ca sĩ thì bị người nhà phản đối rất kiên quyết . Nhưng vì sự đam mê quá mãnh liệt với thế giới âm nhạc đến nỗi chú từ bỏ gia đình ra đi để đạt thành mộng ước của mình . Qua một thời gian dài tha hương lập nghiệp, cho tới khi chú đã nổi tiếng là một ca sĩ có một chất giọng đặc biệt và luôn những sáng tác thật hay đi sâu vào lòng người, thì không bao lâu chú theo đoàn hát trở về Quảng Trị . Để trình diễn trong một chương trình đại nhạc hội tại rạp chiếu phim Đại Chúng . Một rạp hát duy nhất của tỉnh nhà .

Ba tôi gặp lại chú Duy Khánh . Cả hai người bạn thân thật mừng vui và ba tôi vô cùng hãnh diện khi thấy bạn mình đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp cả mọi nơi . Trong trí nhớ của tôi từ khi còn bé là mỗi khi chú đứng trình diễn trên sân khấu thì thường hay mặc nguyên bộ đồ vest màu trắng tinh, với nụ cười thật tươi thật đẹp.

Ba tôi lúc bấy giờ có mở một tiệm chụp hình trên đường Trần Hưng Đạo mang bảng hiệu là Thiện Phát . Thử hỏi bộ đèn đuốc trong tiệm là để hành nghề kiếm cơm ăn áo mặc cho gia đình . Vậy mà khi đoàn hát nhờ chú Duy Khánh hỏi mượn để cho sân khấu có thêm ánh sáng . Ba tôi không hề chần chừ do dự gì hết , thế là háo hức tự nguyện mang tới rạp ngay tức khắc . Đã nói bà nội tôi sanh ba ra trong dòng máu được di truyền là dòng máu nghệ sĩ của bà nội tôi, bà tôi một thời là cô đào hát bộ thanh sắc vẹn toàn . Nên bất cứ chuyện gì liên quan tới ánh đèn sân khấu luôn làm cho Ba tôi yêu thích tới say mê .

Bánh ít qua đi bánh qui trả lại, thế thì đương nhiên tôi được mấy cô mấy chú nghệ sĩ trong đoàn cho tôi vào rạp không phải mua vé, được đứng coi cọp bên cánh mần nhung . Đoàn diễn bao đêm thì tôi có mặt bấy nhiêu đêm trong niềm say mê mẩn qua những tiếng hát và những vỡ kịch bi hài trên sân khấu.

Rồi thì “cuộc vui nào cũng tàn”, tới lúc đoàn hát dọn dẹp tháo gở phong màn . Ngày đoàn hát rời đi tôi với ba cũng có mặt để đưa tiễn. Ba tôi đứng bịn rịn nói câu từ giã với chú Duy Khánh mong hẹn ngày tái ngộ . Bao năm trôi qua tôi nhớ như in trong đầu khi chú đưa tay nhéo hai cái má bầu bỉnh của tôi rồi nói : ” con nhỏ ni có đôi mắt thật đẹp ” .

Đoàn xe lăn bánh cùng những bàn tay đưa lên vẫy chào từ giả thành phố Quảng Trị để lên đường lưu diễn tới nơi một thành phố khác . Tôi cùng ba đứng nhìn theo cho tới khi những chiếc xe chở đoàn hát xa khuất, trả lại quê nhà với cuộc sống thanh bình êm ả như dòng sông Thạch Hãn vẫn lặng lờ trôi qua cùng ngày tháng . Trả lại quê nhà với những mùa mưa da diết mù trời thúi đất, với những mùa nắng khô khốc thiêu cháy ruộng nương.

Phải nói hơn mười năm sau gia đình tôi mới gặp lại chú Duy Khánh tại Sài Gòn . Chú vẫn thế rất thân gần với gia đình tôi thật dễ thương như những ngày trên quê hương . Lúc này chú làm ăn rất phát đạt, mở một lớp dạy hát rất đông học trò rồi chú cũng đã ra nhiều băng nhạc và được mời hát trên đài truyền hình .

Còn ba tôi lúc đó chỉ là ông Hạ Sĩ làm việc trong Nha Chiến Tranh Tâm Lý với chức vụ coi về những phim ảnh tài liệu rất đúng với sở thích của mình. Gia đình chúng tôi từ khi bước tới Sài Gòn ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu, an cư trong một căn nhà bằng gác gổ rất khiêm nhường . Vậy mà lâu lâu chú Duy Khánh rủ vài người bạn tới nhà cùng ba tôi bày tiệc nhậu tâm tình bên nhau . Nhà chật hẹp nên phải kéo chiếc bàn nhỏ ra trước cửa nhà với mấy chiếc ghế xếp mở ra ngồi cũng chẳng thoải mái gì cả . Nhưng cái tình cảm của họ thật dễ thương . Họ là ai ? chính là những người nghệ sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ . Như bác Châu kỳ là nhạc sĩ với rất nhiều ca khúc nổi tiếng, chú Tô KIều Ngân là một nhà thơ và chú Tuấn Hùng tôi nhớ chú là kịch sĩ tài ba. Lúc đó tôi đã mười lăm tuổi, tuổi đủ biết lăng xăng đi mua thêm rượu, biết đồ nhậu quán nào ngon để cho họ chén chứ chén anh suốt cả đêm khuya .

Tôi nhớ bác Châu Kỳ bác kể chuyện bằng tiếng Huế dẻo hơn cả kẹo kéo, có câu chuyện mà mỗi khi tôi nhớ về bác Châu kỳ là không sao nhịn được cười, bác kể :” Có một mệ được mời đi ăn giổ, vô tình mệ thấy chiếc nhẫn vàng ở nơi rữa mặt, mệ vội đánh cắp nhét vô trong gói xôi bảo là xin về cho đứa cháu . Nhưng xui xẻo cho mệ vì tiệc chưa tan nhưng người mất chiếc nhẫn đã hốt hoảng đi tìm kiếm . Sau khi điểm mặt hết mọi người, thì mệ là người cuối cùng xin được khám xét . Chuyện khả nghi nằm trong gói xôi của mệ và họ đã tìm ra chiếc nhẫn vàng trong đó . Để chửa lại chuyện xấu hổ, mệ to tiếng la làng lên chửi … mã cha đứa nào dám nhét cái chiếc nhẫn trong xôi của mệ, may mà cháu mệ chưa ăn, chứ mà nó ăn bị mắc cổ thì tau bới cả mồ mã tổ tiên ra tau chưởi, rồi tau đi kiện cho mà tàn mạt cả lũ tụi bây …” .

Những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống cứ thế mà cù cưa chén chú chén anh cho tới khi đêm vào sâu khuya khoắc, họ mới đứng lên ngã nghiêng kéo nhau ra về . Lúc nào ba tôi cũng tiễn chú Duy Khánh với vòng ôm trìu mến. Và rồi mỗi khi chú ra cuốn băng nhạc nào cũng cho người mang tới nhà biếu cho ba tôi cuốn băng nhạc đó . Cuốn băng nhạc hồi xưa cuộn lại to như cuộn phim ảnh chiếu trên màn bạc . Ngoài ra thỉnh thoảng chú mời cả gia đình tôi đi ăn ở những nhà hàng sang trọng có những món ăn thật ngon . Tình anh em cùng quê hương giữa ba tôi với chú vẫn như nhất không hề thay đổi … cho tới khi biến cố đau thương của đất nước .

Chúng tôi hoàn toàn mất tin tức về chú Duy Khánh . Chúng tôi nghĩ có lẻ chú đã ra đi trong những ngày biến loạn .Và rồi gia đình tôi những người bị ở lại trong cái địa ngục trần gian sau năm 1975 cũng phải lo chạy cơm hằng bữa . Cuộc sống khắc khoải lo sợ luôn bị rình rập ngày đêm của những con mắt cú vọ nằm vùng bấy lâu nay . Đó là những bộ mặt ngu ngơ hiền lành qua thân phận thằng đổ rác, con gánh nước mướn trước đây. Tất cả đã lộ nguyên hình với bộ dạng lạnh lùng gian ác .

Những kỷ niệm tưởng chừng như đã chết theo ngày tháng hay đã được giấu kín im nằm dưới mộ huyệt tối đen . Thì bỗng dưng có một buổi tối chú Duy Khánh xuất hiện trước cửa nhà, đó là vào năm 1978 . Lúc này tôi đã có đứa con thứ hai . Gia đinh ngở ngàng gặp lại chú . Nhìn chú thật khắc khổ buồn rầu thật trái ngược với những hình ảnh gương mặt tươI vui với nụ cười sảng khoái của chú trên bàn rượu và dáng vẻ bề thế trong công việc làm ăn đang trên đà phát triển lớn mạnh ngày nào.

Gia đình mừng rơi nước mắt khi thấy chú vẫn còn sống sót và chú cũng mừng khi thấy gia đình chúng tôi trải qua cơn biến loạn vẫn còn đông đủ không thiếu một ai . Chúng tôi ngồi xuống bên nhau, kể lể cho nhau biết bao nhiêu nỗi niềm thương cảm . Từ đó chú thỉnh thoảng ghé qua có khi ở lâu, có khi chỉ trong chốc lát . Nhưng rồi khoảng thời gian về sau bỗng dưng chú không còn lui tới nữa . Gia đình nghĩ chắc chú đang tìm đường vượt biển để đào thoát ra khỏi đất nước .

Năm 1991 tại San Jose trong hội chợ xuân, tôi gặp lại chú đang đứng trong quầy hàng bán CD tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh . Tôi tớI gần bên chú dạ thưa chú một tiếng thật lớn . Chú quay lại nhìn tôi với đôi mắt mở to với miệng cười thật đẹp . Chú cháu nhìn nhau thật bồi hồi xúc động, nhưng trong mắt thực đã nói ra hết biết bao nhiêu điều cay đắng nghiệt ngả đã từng trải qua khi còn ở lại nơi quê nhà .

Vì cuộc sống mới mẻ trên một đất nước lạ xa, chú cùng gia đình của chú lại phải bắt đầu lại từ con số không . Tâm trạng chưa được ổn định còn phải bỡ ngở quá nhiều điều trước mắt . Tôi nhìn thấy chú bị bận rộn với khách tới mua CD thật đông nên không có thời gian để chuyện trò . Tôi mừng cho chú buôn may bán đắt và mỉm cười chào chú sau khi đã ghi lại số phôn để cho chú tiện liên lạc về sau . Cái trẻ trung chú vẫn còn sót lại bấy nhiêu năm qua khi chú nghiêng qua tai tôi thầm thì :” nì răng mờ đẹp rứa, đẹp hơn hồi trước nhiều nì ” . Tôi thấy vui và cũng nói nho nhỏ lại :” Thiếp đã năm con rồi ” chú ơi …

Không biết có ai tin vào chữ ” Duyên ” không ? . Còn tôi thì tin lắm, tôi tin cái duyên giữa gia đình tôi và chú coi như đã hết . Cho dù chúng tôi đã có cơ hội sống cùng trên một đất nước tự do, nhưng kể từ mùa xuân năm đó . Hình ảnh của chú đã lấy lại ít nhiều phong độ trước kia tôi thật sự mừng cho chú . Cho dẫu chú sau này chưa hề gọi phôn để hỏi thăm gia đình tôi, nhưng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng ở nơi chú đã có sự đổi thay với tình cảm đã vun đắp từ những tháng ngày còn xưa hơn cả trái đất giữa chú và gia đình tôi .

Đời sống luôn có những tình huống đôi khi đã khiến cho mình không sao tự làm chủ lấy bản thân . Tôi lại nằm lòng những điều Phật dạy ” Mọi sự tùy duyên, duyên tận, duyên diệt ” . Và cho đến khi biết tin ca sĩ Duy Khánh qua đời trong radio vào một buổi chiều tôi đang lái xe đi làm về . Trái tim tôi nhói lên bên trong lồng ngực . Tôi bị mất bình tĩnh vội tấp xe vào bên lề đường, ngồi im lặng với những kỷ niệm ngày xưa cho tới khi đèn đường bật sáng .

Hình ảnh người ca sĩ với gương mặt khôi ngô tuấn tú trong bộ đồ vest màu trắng tinh ngày nào, với giọng hát mang nặng âm hưởng tiếng nói quê hương Quảng Trị của chúng tôi . Cùng với những sáng tác âm nhạc đẹp đã đi sâu vào lòng người hâm mộ . Và hình ảnh con bé con năm tuổi từ ngày xa xưa đó đứng lấp ló bên cánh gà sân khấu để nghe ca sĩ Duy Khánh hát . Con bé giờ đây tóc cũng đã hoa râm . Trăm năm con đường trước mặt, chú đã bỏ cuộc giữa chừng để thảnh thơi ra đi . Thôi thì để con bé ngày xưa đi tiếp tục quảng đường còn lại … rồi sẽ có một ngày nó cũng rũ bỏ hết những nỗi ai bi …tháp cánh bay lên trời cao thênh thang … theo mây trôi … gió thoảng … . Giả từ kiếp nhân sinh như một cơn mộng dài …

Ngô Ái Loan
June-2013

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.