Giáo Hạt Dinh Cát

Sơ lược đôi nét về Giáo Hạt Dinh Cát, Giáo phận Huế
(1885-1940) 

Bài 1 : Năm 1885, 1886, 1887, 1888

Năm 1885: (Đức Cha Caspar)

          Miền Truyền Giáo Bắc Đàng Trong gồm 3 tỉnh: Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình.

          Trong các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Bình các kitô hữu tương đối ít chịu đau khổ …nhưng trong tỉnh Quảng Trị tất cả các họ đạo đều bị triệt tiêu.

          Vào ngày 6 tháng 9, âm mưu nổi loạn bùng lên trong tỉnh này, cha Mathey coi sóc nhiệm sở gần tỉnh lỵ thoát được và sau hai ngày hai đêm hầu như liên tục đi qua các dãy núi, ngài đã đến Huế và có thể kể lại cho Đức Cha tất cả các thiệt hại ngài đã chứng kiến…. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hơn một nửa tín hữu đã bị tàn sát và tất cả các họ đạo đều bị phá hủy. Theo lệnh Đức Cha, cha Allys đã tháp tùng đoàn quân viễn chinh; và người anh em này sẽ kể cho chúng tôi những điều khủng khiếp đã đập vào mặt mình và làm cho tâm hồn ngài đau buồn :

        “Trong đêm 7 rạng ngày 8 tháng 9, chúng con thấy đám cháy thiêu rụi họ đạo Kẻ Văn. Sáng ngày 8, chúng con đi qua các làng đã bị đốt cháy là Ngô XáTri Lễ. Trước mặt Cổ Vưu, chúng tôi thấy 8 xác trẻ con bị chặt đứt chân tay cách dã man. Phần đông các kitô hữu cư trú bên bờ trái con sông đều đã có thể thoát được. Nhưng những giáo xứ lớn và đẹp đẽ ở bờ phải chỉ còn là đống tro tàn và nằm dài nhiều xác chết.

          Nhất là ở trong và chung quanh các nhà thờ, các tử thi chất đống. Sau khi đã mất hy vọng thoát khỏi cái chết hoặc chạy trốn, hoặc bằng cách nào khác, một số lớn nhất là phụ nữ và trẻ em tìm một chút an ủi là được chết dưới bóng thánh giá và được chôn lấp dưới những đổ nát của nhà thờ, nơi họ đã lãnh nhận phép Rửa và thường xuyên đến cầu nguyện.

          Trong nhiều nơi người người đã bị thiêu sống và các người Pháp ở Quảng Trị xúc động biết được rằng cách thành đó khoảng một giờ đi bộ, người ta đã thiêu sống 176 người thuộc họ đạo An Lộng.

          Trong họ Dương Lộc, cuộc tàn sát thật kinh khủng. Chắc hẳn không thấy rõ nguy hiểm đang bao quanh, hoặc nghĩ rằng hợp lực lại họ có thể chống cự quân cướp dễ dàng hơn, nên các kitô hữu thuộc 5 họ đạo lớn, 4 linh mục và khoảng 50 nữ tu  họp nhau tại Dương Lộc. Họ đã có thể đẩy lui nhiều cuộc tấn công của loạn quân.

          Nhưng những loạn quân này đã gọi thêm tăng viện và đã dẫn đến cả 1 con voi trận. Trước những sức mạnh đó, các người trong vòng vây chắc hẳn đã mất can đảm. Sau khi phá bỏ các chướng ngại vật, loạn quân đã xâm nhập vào trong lũy nhỏ yếu ớt bảo vệ các kitô hữu, lửa cháy, gươm đao, giáo mác tất cả hợp nhau tàn sát  2 hoặc 3 ngàn kitô hữu tụ họp nơi đó”.

          Tuy nhiên giữa mọi đổ nát đó, tâm hồn vị thừa sai đã cảm nhận được một niềm an ủi dịu dàng cha Allys kế tiếp:

         “Sẽ không bao giờ con quên được câu trả lời của một bà cụ trên 70 tuổi gặp thấy  nằm bên đường, trước ngôi nhà bị thiêu cháy và rất gần với khoảng chục xác chết đã đông cứng, người đàn bà đó có hai má và lưởi bị giáo đâm qua, con không kể đến các vết thương khác. Dầu đã 5 ngày nằm đó không ăn không uống, bà vẫn sống và tỉnh táo. Quỳ xuống bên cạnh bà, con hỏi bà chắc đau lắm và bà muốn xưng tội không. Hoặc bà đã không nghe các câu hỏi của con, hoặc bà đã tưởng điều gì khác, bà chỉ trả lời con bằng những tiếng này: “Tôi sẽ không bỏ đạo”.                                                       

            Đó là ở Quảng Trị theo cha Allys. Còn cha Mathey  trở lại tỉnh này sau khi đã tường trình tình trạng ở đó cho Đức Cha . Ngài cũng đã trình bày cho chúng tôi như thế :

          “Khi chúng con đến Bái Sơn, nơi các kitô hữu đã họp nhau quyết bảo vệ đến cùng và họ đã có thể kháng cự trong nhiều tuần lễ, chúng con đã gặp thấy nhà thờ bị đốt cháy và các tử thi nằm mọi phía, người bị chặt tay chân bởi hung khí bọn sát nhân, người thì bị thiêu cháy cách khủng khiếp. Cách đó một quảng, trong các lùm cây, các người còn sống đã bị chặt cách dã man và đang chết đói. Cuộc bao vây kéo dài lâu, và các đồ ăn dự trữ đã hoàn toàn cạn kiệt đến nổi phải bóc lá cây mà nhai để làm cho mình tưởng rằng khỏi đói.

          Con còn nhận thấy nhiều trẻ nhỏ chết bên cạnh mẹ mà không bị vết thương nào, các trẻ khác cắn miệng vào vú mẹ đang chết hoặc đã chết. Còn có những chi tiết rùng rợi hơn nữa, nhưng  bút mực không viết lên được”.

          Đức Cha Caspar nói:

          “Trong những cuộc tàn sát kinh khủng đó, 10 linh mục người Việt đã đổ máu vì Đức Kitô, không có lời lẽ loài người nào kể hết được những đối xử kinh khủng mà các kẻ sát nhân đã dùng để giết chết các ngài. Người thì bị thiêu sống, kẻ thì bị chôn sống, người khác nữa bị mổ bụng. Bị nhận ra là các đạo trưởng, các ngài thấy kẻ thù đã chuẩn bị cho mình một cái chết đau đớn đặc biệt”.

          Đây là bảng tổng kết các khốn khổ  các kitô hữu Quảng Trị phải chịu.

          Số các nạn nhân gồm :

          – Giáo hạt Đất Đỏ: 1.666 người

          – Bái Trời: 2.013

Dinh Cát: 4.642

Thanh Hương: 264

Tổng cộng 8.585 kitô hữu bị tàn sát.

          Lại nữa, tất cả các nhà thờ, viện cô nhi, các trường học đều đã bị cướp phá và thiêu rụi.

          Phần lớn các người bị thương đều được chuyển vào Huế, nơi đã có nhiều kitô hữu  tạm lánh cư. Để cứu giúp bao đau thương và đáp lại bao thù ghét, đây là điều Đức Cha Caspar đã làm: cho tất cả các kitô hữu chạy đến với ngài, ngài đã cung cấp thức ăn và quần áo; cho những người bị thương, ngài đã mở một nhà thương “để (theo lời ngài) cung cấp những chăm sóc đầu tiên cho tất cả những ai yêu cầu, ngay cả những lương dân bị thương khi thành phố bị chiếm. Quả thực ngày hôm đó một căn trại đã được dựng lên cách nơi tôi ở khoảng vài mét để làm thành nhà thương và từ đó bà con lương giáo đều có chung một chổ nương thân cũng như hưởng chung một sự cứu trợ. Như thế chúng tôi có phương tiện để an ủi bao nhiêu người bất hạnh và dĩ đức báo oán”.

Năm 1886: (Đức Cha Caspar)

          Thư chung vừa rồi đã kể lại chi tiết những thiệt hại tại tỉnh Quảng Trị. Trong vòng chưa đầy 1 tháng có đến hơn 8000 kitô hữu và 10 linh mục bản xứ bị tàn sát, tất cả các họ đạo đều bị phá hủy, các nhà thờ bị đốt cháy. Chỉ còn Tiểu Chủng Viện An Ninh còn đứng vững làm nơi cư trú cho các kitô hữu thoát khỏi cuộc tàn sát.

          Cha Girard viết: “Ở Quảng Trị các kitô hữu của chúng tôi đã bắt đầu ra khỏi Tiểu Chủng Viện An Ninh và từ từ đến ở lại trên những đổ nát của nhà cửa họ trước đó bị thiêu cháy. Khi loạn quân ở Quảng Bình lại đến gây hoảng loạn cho đàn chiên tản mác, tất cả tức tốc trở lại Tiểu Chủng Viện; loạn quân đã chực xông vào, thề lần này phá hủy tất cả. May thay những đoàn khinh binh và bộ binh từ Huế đi ra Quảng Bình, đã đẩy lùi đúng lúc các băng cướp này”.

Ngay giữa những thử thách không ngừng tái diễn đó, Chúa đã ban cho những người anh em của chúng tôi đôi chút an ủi, gần như là niềm vui. Trong mục đích an dân, vị Vua mới đã thực hiện cuộc thăm viếng các tỉnh phía bắc Huế. Khắp nơi Nhà Vua đã bày tỏ cho những kitô hữu bị bách hại một mối thiên cảm tốt lành. Ở thành Quảng Trị, ngài đã cho tiền cần thiết để chôn cất nhiều hài cốt còn bị bỏ lại trên hiện trường của các cuộc tàn sát. Ngài đã khấng dẫn đầu đoàn viếng thăm Tiểu Chủng Viện An Ninh, và tự tay ngài phân phát đồ cứu trợ cho những người di cư khốn khổ. Cuối cùng ngài tỏ lòng tốt cho công bố một sắc lệnh ban cho mọi kitô hữu nạn nhân của cuộc bách hại Văn Thân một số lúa gạo giúp sinh sống trong vòng một tháng. Ước gì thái độ nhân lành này là hừng đông của những ngày an bình rất được mong chờ.

Năm 1887: (Đức Cha Caspar)

          Cũng tình trạng như thế ở giáo hạt Dinh Cát. Trước cuộc bách hại, đã có tới 7.776 kitô hữu chia thành 36 giáo xứ , nay chỉ còn 3.787 kitô hữu do các cha Patinier, Bonnand và hai linh mục bản xứ điều hành. Sẽ còn có 22 nhà thờ phải xây dựng và người ta chỉ mới có thể dựng lên 5 mái tranh, nơi đó các kitô hữu chen chúc cho đến cấp bàn thờ. Các lương dân trong vùng này tiếp tục tung ra những hăm dọa, nếu các kitô hữu không ở gần các đồn lính canh chừng, thì các khốn khổ mới sẽ xảy ra ngay.

Năm 1888: (Đức Cha Caspar)

          Dinh Cát còn lại một nửa cũng có được vài cuộc thâu nhận mới Cổ Vưu không còn gì ngoài một trại nghèo nàn làm nhà thờ. Thế nhưng, Đức Cha Caspar nói các lương dân đã xin trở lại trong hai làng gần nhất với “hang lừa nghèo nàn” này, xin lỗi tôi nói vậy vì có lẽ đó như  hang lừa Bêlem, trên đó các người không tin đã thấy bừng sáng lên ánh sao lạ của niềm tin.

          Lương Mai, họ đạo mới thành hình trong vùng núi xem ra như con đường Chúa Quan Phòng mở ra cho công cuộc phúc âm hóa các bộ lạc rừng núi. Một vài gia đình bị một bộ lạc thù nghịch đuổi khỏi vùng sâu trong rừng đã đến làm thành một thôn ở gần Lương Mai. Các người bán khai này cũng dễ tiếp cận, nhưng bị nhuần thấm các nổi lo sợ di đoan ghìm họ lại xa ơn cứu rỗi. Ai đề nghị họ trở lại, thì họ cứ khăng khăng trả lời rằng thần linh cấm họ.

Vœ

Bài 2 : Năm 1889, 1890

Năm 1889: (Đức Cha)

          Dinh Cát 6 giáo xứ 38 họ đạo, 5.095 giáo dân,  rửa tội 441 người lớn và 1.034 trẻ em con cái lương dân. Bản báo cáo tổng quát của giáo hạt cho thấy  tăng thêm 1.100 kitô hữu hơn năm mục vụ trước. Tin Mừng đã được loan báo trong 8 trung tâm mới, hạt giống tốt đã nảy mầm và mọc lên, dầu kẻ nghịch thù vẫn tìm cách làm nghẹt đi và gieo cỏ lùng. Vừa mới nghe tin có vài nhà đã đi trao tên mình cho vị thừa sai, tức khắc các chức sắc trong làng âm mưu vận dụng mọi cách ngăn cản cuộc trở lại và gây ra những vụ kiện cáo nơi chính quyền dân sự, những người luôn chiều lòng bên nguyên trong những trường hợp như thế, cho dầu các tội trạng dẫn chứng là vu oan. Mỗi lần như thế đều gây phiền lụy và lo âu cho vị linh mục vị bị cho rằng ngài thất bại trong việc giáo dục các tân tòng bị vu cáo. Bao nhiêu lần cha Patinier đã phải ra trước tòa án để buộc viên quan lại nhận ra sự vô lý của các cáo buộc và thấy được vì lý do ghen ghét mà người ta vu cáo.

          Dầu sao, giáo hạt cũng có 5 nhiệm sở mới được thành lập, như những thành trì chiếm được khỏi tay kẻ thù. Dân ngoại cảm thấy bị kitô giáo nhất quyết xen vào và họ ra sức chống lại ảnh hưởng xâm nhập đó. Chẳng phải lại là công bằng đó sao khi họ bồi thường cho  bao nhiêu mất mát chúng tôi đã phải chịu? Đó là 10.000 kẻ thờ phụng trước tiên phải thế chỗ cho những người đã bị họ cất đi. Sau đó, mới đến phần thiệt hại và lợi lộc khác. Bao nhiêu máu tử đạo tiếp tục trổ sinh hoa trái và biến những kẻ bách hại thành những tín hữu truyền đạo. Như thế chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ đạt đến số dân công giáo đông như trước trong giáo hạt này.

          Cha Bonnand rời nhiệm sở sau sáu tháng tập sự tại đó và đã trao lại cho vị kế nhiệm một sổ chứng nhận 240 trẻ em lương dân nguy tử đã được rửa tội và 2 hoặc 3 họ đạo đang hình thành trong các trung tâm lương dân. Vừa được đặt vào trong nhiệm sở mới, lòng nhiệt thành của ngài không lúc nào sai chậy và đây là điều ngài viết cho tôi hầu như ngay hôm sau ngày ngài đến: “Các giáo dân của con đã bắt đầu đi tìm các trẻ em lương dân như công trình Hội Thánh Nhi sẽ vui thích ghi nhận. Phải làm cho họ chăm lo việc này và nhờ  ơn Chúa trong ít lâu nữa con sẽ có những kết quả đầy khích lệ để báo cho Đức Cha. Con cũng đã thực hiện nhiều cuộc thăm viếng các làng dọc theo bờ biển và vẫn còn làm, vì con nghĩ rằng các cuộc thăm viếng này không vô ích, Khi nói về việc trở lại Đạo, người ta đã lắng nghe và với thời gian, con hy vọng  sẽ được người ta yêu cầu làm sáng lên đức tin trong những vùng bóng tối sự chết này”.

          Khi nhận nhiệm sở do người anh em để lại, cha Grosjean thấy phong trào trở lại đã  ổn định, nay vẫn còn tiếp tục.

            Ngài viết: “Con xin gửi cho Đức Cha bức thư mà làng Cu Hoan vừa chuyển cho con và qua đó họ xin ôm ấp đức tin. Bức thư này chỉ mang chữ ký của những người có thế giá nhất và làm cho suy đoán rằng số tân tòng sẽ gấp đôi, gấp ba. Các kết quả của bước tiến này chắc hẵn sẽ quyết định cho các làng Trung Đơn, Phước ĐiềnKim Long để cũng xin như thế.”

          Các người ký bức thư này hết lòng lo chiêu mộ thêm nhiều người gia nhập, cho dầu thái độ xem ra thù hằn của những vị trưởng làng lương dân khác và mặc dầu người ta tìm cách thông truyền những chuyện bịa đặt dối trá . Bằng cách đó người ta mạo danh viên tri huyện ra một chỉ thị với lời lẽ sau đây:

          “Mọi người Việt có Đạo từ ba đời sẽ không bị quấy rối, nhưng nếu không thể viện dẫn sự miễn trừ đó, thì sẽ bị coi như ngoan cố và buộc phải hối cãi. Càng có lý do mạnh hơn để bị coi như tội phạm, người nào dám từ bỏ tôn giáo của mình để theo Đạo của những người Kitô”.

          Khổ thay những mưu đồ đó lại có kết quả. Sự hứng khởi đầu tiên của các tân tòng làng Cu Hoan đã bị ngưng trệ. Các nho sĩ lương dân đã tạo nên một số người sa ngã, nhưng dầu sao nhà nguyện đã được xây dựng và dẫu chỉ còn hai hoặc ba gia đình trở lại dự khánh thành, đây cũng là một sự chiếm hữu dứt khoát và sẽ dần dần đưa về những cuộc trở lại sau này”.

          Một ít lâu sau, cha Grosjean đã có được niềm an ủi rửa tội cho 48 người. Hạt nhân đầu tiên này đang lớn lên, vì đã có 20 người khác ghi danh học đạo.

          Cách đó nửa dặm, một họ đạo mới khác cũng vừa được thành lập. Làng lương có họ đạo đó đã gây nhiều phiền toái cho cha Bonnand để ngăn cản ngài nghỉ chân và loan báo Tin Mừng. Nhưng lòng nhiệt thành kiên trì của người anh em này có được một người và ngài mời vị linh mục bản xứ gần nơi đó nhất đến rửa tội cho người đó. Phép rửa tội đã được ban và 15 phút sau, linh hồn rời khỏi những vương vấn trần gian để vui hưởng hạnh phúc của những người được cứu rỗi ngay vào giờ cuối cùng. Vẫn còn 4 người con kiên trì trong sự lầm lạc cho đến chỗ muốn tổ chức đám tang theo kiểu người lương cho bà mẹ. Người cha đã là kitô hữu phản đối, cho dầu mấy người con khóc lóc thảm thiết và phản kháng kịch liệt, người đàn bà này đã được chôn cất theo nghi thức công giáo và vì hoàn cảnh này tạo cơ hội, nên con tổ chức nghi lễ an táng long trọng hơn thường. Nhưng mọi điều đó không làm cho con cái của người chết khỏi những lo nghĩ gì về nguy hiểm họ phải mất linh hồn, mà chỉ làm tăng thêm những ái ngại của họ về số phận bà mẹ sẽ gặp phải trong thế giới bên kia. Vì vậy họ đi xem bói, thầy bói nói cho họ rằng: “Các anh tin hay không tin tùy ý, nhưng đây là điều mẹ các anh trả lời với tôi: ta không cần tiền âm phủ của các con (các người con đã tích trữ loại tiền vàng để cúng cho bà mẹ theo tập tục người lương, cho vong hồn của người chết), ta không cần các đồ ăn dâng cúng. Ta thật hạnh phúc rồi, nếu các con theo cha và mẹ, các con sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc của ta; nếu không, hình phạt đời đời đang chờ các con”.

             Ân sủng đang chờ đợi những người con đáng thương này. Ấn tượng do các lời nói đó làm cho họ quyết định tức khắc ghi tên vào số những người tân tòng. Thế là người cha, người đầu tiên trở lại đạo, đã  được  mãn  nguyện ..

Năm 1890: (Đức cha Caspar)

          Cha Patinier, với sự trợ lực của cha Bonnand và cha Grosjean cùng nhiều linh mục bản xứ cai quản giáo hạt tiếp giáp giáo hạt Đất Đỏ. Giáo hạt (Dinh Cát) này bao gồm phần kia của tỉnh Quảng Trị và một phần nhỏ của tỉnh Huế. Số giáo dân là 5.656 và số người lớn được rửa tội năm nay là 881. Chúng tôi rút ra từ bản báo cáo của cha Patinier những chi tiết sau đây:

          “Năm 1888, Đức Cha đã nêu ra rất đúng về căn trại nghèo nàn của con được dùng làm nhà thờ. Ngài còn thêm rằng trong vùng lân cận căn trại gợi nhớ hang lừa Bêlem này, nhiều người lương đã xin trở lại. Chính họ cũng đã thấy ánh sao lạ và đến thờ lạy.

          Hôm nay, nhờ ơn Chúa nhà thờ đã được xây dựng lại, chỉ còn thiếu phần trang hoàng bên trong. Thật vui biết bao cho các giáo dân của con và cho con khi ngày 15 tháng 9 vừa qua, con đã có thể khai trương nhà thờ.

          Từ sáng sớm, chiếc chuông tây nhỏ thoát khỏi sự tàn phá năm 1885, các trống cơm, các phong pháo và mọi thứ nhạc cụ đều vang lên thức tỉnh cả vùng, các kitô hữu cũ cũng như mới đọc kinh sốt sắng hơn bao giờ hết. Họ cầu nguyện các vị tử đạo của họ , khoảng 200 người đã bị thiêu sống trong chính nhà thờ này, xin các ngài cầu bầu cho họ trước tòa Chúa, và báo oán các kẻ bách hại bằng cách cho những người này được ơn trở lại.

          Các người dân ngoại tò mò kéo nhau chạy đến từng đoàn. Phu nhân viên chỉ huy và tất cả các quan lớn đều thấy mình phải đến dự lễ nghi và thái độ của họ đã cảm hoá các kitô hữu rất nhiều. Vào lúc 7 giờ bắt đầu lễ trọng thể, con được vinh dự cử hành; vào năm 1877 con đã khai trương nhà thờ cũ. Sau Phúc Âm, cha Grosjean giảng và làm cho ai cũng trào nước mắt khi ngài nhắc đến cái chết dữ dằn, nhưng vinh quang của những người anh em mà hơn 200 người đã hy sinh trong chính nơi này, dưới chân bàn thờ, bị thiêu sống và bị giáo đâm. Nhiều người rước lễ và nghi lễ kết thúc với kinh Te Deum hát lên với hết tâm hồn.

          Con rất lấy làm an ủi khi có thể loan báo 881 người lớn được rửa tội và 3338 con cái lương dân được lãnh phép rửa trong tình trạng nguy tử. Từ 13 năm nay làm quản hạt Dinh Cát, không bao giờ con đến gần được kết quả đầy an ủi đó.

          Tất cả thừa sai và linh mục bản xứ đã làm việc hết sức. Tuy nhiên không phải chúng tôi cho các kết quả đó là do sức chúng tôi, mà chỉ do lòng thương xót của Chúa và lời cầu bầu của các vị tử đạo của chúng tôi. Chúng tôi đã mất đi vào năm 1885 khoảng 5000 kitô hữu, con không thất vọng nơi ơn Chúa, được thấy bấy nhiêu người mới theo đạo thế chỗ vào.

          Người ta nói đến các cuộc trở lại hầu như khắp nơi, và nếu không có những sự làm khó dễ từ phía lương dân và các quan lại thì số rửa tội người lớn sẽ còn cao hơn. Không phải người ta bách hại vì lý do tôn giáo không nhưng dưới cớ này hoặc cớ khác, người ta tìm cách gây khiếp sợ cho những ai ao ước trở lại, hoặc những người đã trở lại. Vả lại người ta làm cho thoáng thấy bóng ma của chiến tranh và các cuộc tàn sát tương lai.

          Hiện nay các người Pháp xem ra muốn bỏ vùng đất này và chỉ giữ lại các trung tâm chính, các quan lại đang hớn hở vui mừng và nguyện trả thù cho những thất bại của mình. Nhưng dầu thế nào Chúa nhân lành luôn ở nơi chúng ta”.

          Cũng như ở Quảng Bình, nạn đói đã tàn phá trong giáo hạt của cha Patinier. Các lương dân, nhất là những người đã gây nhiều sự dữ cho các kitô hữu, đã chịu thử thách dữ dằn…

          Cha Grosjean bổ túc các chi tiết do cha Patinier kể về giáo hạt này và làm nổi bật tinh thần đức tin và lòng đạo của những người mới theo. Ngài viết: “Trong cuộc thăm viếng hằng năm, con không thể ngăn nổi sự xúc động khi thấy tinh thần đức tin sống động nơi những người dân đáng thương này. Ngày kia, một bà mẹ trẻ đến vừa khóc vừa xin con cầu nguyện cho hai đứa con của bà để một đứa làm linh mục và một đứa làm nữ tu”. Mặc dầu con yêu thương con cái con hết lòng, bà nói, con sẵn sàng hy sinh dâng cho Chúa nhân lành và chỉ xin rời xa chúng để chúng được nên thánh và được cứu rỗi vì cha thấy không, trong thế gian người ta phạm quá nhiều tội lỗi và việc cứu rỗi linh hồn gặp quá nhiều hiểm nguy”.

(Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ  “Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris  từ 1872 – 1940do Lê Thiện Sĩ sưu tập )

Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ

@tonggiaophanhue

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.