Chiến Khu Ba Lòng


Chiến Khu Ba Lòng Năm 1955
Chống Chế Độ Của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh và ra mắt Tân Chính Phủ ngày 7/7/1954. Hai tuần sau thì Hội Nghị Geneve kết thúc với Hiệp Định Đình Chiến tại Đông Dương (thường gọi là Hiệp Định Geneve) được ký kết ngày 20/7/1954. Tỉnh Trưởng Quảng Trị lúc đó là ông Trần Điền đã đề nghị với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn một kế hoạch “lập một đơn vị hành chánh đặc biệt” lấy tên là Quận Hành Chánh Ba Lòng và bổ nhiệm Đại úy Nguyễn Ngọc Cứ, Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện lính Quân Chính tại An Đôn (cách thị xã Quảng Tri 6 km) làm Quận Trưởng kiêm Tiểu Đoàn trưởng lên tiếp thu chiến khu Ba Lòng của Việt Minh sau khi Việt Minh rút ra miền Bắc vĩ tuyến 17 . . .

  Lý do :  Đây là một vị trí chiến lược, vừa để ngăn chận trong tương lai, Quân Bắc Việt sẽ trở lại xâm nhập đánh phá Miền Nam (tức Việt Nam Cộng Hòa sau nầy), đồng thời tìm kiếm những kho vũ khí do Việt Minh (CS) để lại ở trong vùng nầy.  (Hình:Phía rừng núi bên kia là chiến khu Ba Lòng xưa (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). 

        Kế hoạch nầy đã được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chấp thuận và Tỉnh Trưởng Quảng Trị bắt đầu chuẩn bị các phương tiện để thi hành kế hoạch tiếp thu chiến khu Ba Lòng do Việt Minh (CS) để lại. Việc chuẩn bị phải mất mấy tháng. Từ tháng 7/1954 đến Tết 1955, ông Trần Điền đã tổ chức định cư cho một số lớn đồng bào từ phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị vào vùng La Vang (quận Hải lăng, tỉnh Quảng Trị) và tổ chức lại các cơ sở hành chánh tại xã ấp trong tỉnh, nhất là những vùng trước đây do Việt Minh kiểm soát.

        Trong một dịp kinh lý tỉnh Quảng Trị trước Tết 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ban tặng cho ông Trần Điền “Bảo Quốc Huân Chương” và hứa sẽ đưa ông lên chức Đại Biểu Chính Phủ . . . Ông Trần Diền xuất thân trường Hành Chánh (thường gọi là trường Tri Huyện trước 1945), dòng dõi quan Phụ Chánh Đại Thần Trần Tiễn Thành, một công thần nhà Nguyễn thời Tự Đức, ông cũng là một cấp lãnh đạo của tổ chức Hướng Đạo Đông Dương rất có uy tín . . . lại là người theo đạo Công Giáo nên rất được Thủ Tướng Ngô Đình Điệm yêu quý. Ông Trần Điền làm tỉnh trưởng Quảng Trị từ 1953-1954, trước khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh. Theo dư luận, ông Trần Điền là tỉnh trưởng giỏi nhất Việt Nam thời đó…

        Nghe tin ông Trần Điền sẽ thay thế ông Nguyễn Đôn Duyến làm Đại Biểu Chính Phủ tại Huế nên ông Nguyễn Đôn Duyến đã báo tin cho ông Ngô Đình Cẩn : “Ông Trần Điền và Đại Việt lập chiến khu Ba Lòng chống lại nhà Ngô . . .”

        Sự thật ông Trần Điền không phải là đảng viên Đại Việt (sự liên hệ giữa ông Trần Điền và ông Hà Thúc Ký: vợ ông Trần Điền là chị ruột ông Hà Thúc Ký, chỉ có vậy thôi).

        Lúc 8 giờ sáng ngày 19/2/1955 tức 27 tháng Giêng Ất Mùi, gần 4 tuần sau Tết, tỉnh Quảng Trị tổ chức “Lễ Xuất Phát”, ông Trần Điền đã đọc một bài diễn văn quan trọng nói lên ý nghĩa và việc thành lập quận hành chánh đặc biệt Ba Lòng và trao Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm Đại úy Nguyễn Ngọc Cứ, Tiểu đoàn trưởng kiêm Quận trưởng, có nhiệm vụ tiếp thu chiến khu Ba Lòng của Việt Minh, tái lập an ninh trật tự, xây dựng làng xã, tổ chức đời sống, đem lại an cư lạc nghiệp cho dân, đồng thời Ba Lòng cũng là tiền đồn ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng Sản Miền Bắc trở lại quấy phá Miền Nam trong tương lai.

        Trong khi đoàn quân xuất phát lên đường…thì Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị nhận được một công điện từ Huế gửi đến : “Sursoir occupation Ba Long” (hoãn chiếm đóng Ba Lòng). Sau khi lễ xuất phát đã được tổ chức xong, ông Trần Điền mới trở về văn phòng, lúc đó mới biết có công điện nói trên, thì đoàn quân đã lên đường rồi. Sau khi đọc công điện, ông Trần Điền lại nhận được lệnh từ Đệ Nhị Quân Khu ở Huế : “Tất cả sĩ quan, binh sĩ phải trở về trình diện tại Huế trong vỏng 24 giờ”. Một ngày sau khi có lệnh “trình diện” ban ra thì lại có lệnh “hành quân giải giới Ba Lòng”.

        Trước hết, “lệnh nầy không kịp thi hành và cũng không thể thi hành được trong vòng 24 tiếng đồng hồ”. Làm như vậy chẳng khác nào dồn người ta vào con đường cùng và bắt buộc họ phải kháng lệnh.

Ông Trần Điền (Tỉnh trưởng) và ông Hoàng Văn Hiền (Thiếu Tá Chỉ Huy trưởng lính Cảnh Vệ tức Nghĩa Dũng Đoàn Quảng Trị) vào Huế gặp ông Ngô Đình Cẩn để giải thích . . . thì bị An Ninh Quân Đội bắt giam ngay. Vì thế, toàn bộ lính Cảnh Vệ tại Quảng Trị do Thiếu Tá Nguyễn Văn Lý (Tham Mưu Trưởng) ly khai kéo lên Ba Lòng.

        Theo mật báo của ông Nguyễn Đôn Duyến, Đại Biểu Chính Phủ tại Huế gửi cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn, thì việc tiếp thu chiến khu Ba Lòng là nằm trong âm mưu của Đảng Đại Việt do ông Hà Thúc Ký lãnh đạo, muốn xây dựng một lực lượng quân sự cho Đảng Đại Việt. Ông Ngô Đình Cẩn đã nhờ ông Nguyễn Văn Mân, quyền Xứ Ủy trưởng của Đại Việt Miền Trung lên Ba Lòng kêu gọi anh em trở về. Nhưng anh em không chịu. Sau đó lại có một công điện từ Sài Gòn ra lệnh cho Đệ Nhị Quân Khu (Huế) đem quân lên giải giới lực lượng ly khai Ba Lòng . . .

        Khi được biết tin nầy thì Trung Úy Đặng Văn An và Trung Tá Trần Thiện Khiêm (sau nầy là Đại Tướng, Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa) cùng nhau đến nhà ông Ký tại Huế để báo tin. Người nhà cho biết ông Ký đang trên đường từ Sài Gòn về Huế. Khi ông Ký về đến nơi, thấy tình hình căng thẳng quá nên đã mượn một chiếc xe hơi chạy thẳng ra Quảng Trị, dùng thuyền theo đường sông, ngược lên Ba Lòng. Ông đã họp anh em và quyết định : giải tán quân đội, cho anh em binh sĩ về trình diện tại Quảng Trị. Anh em nào muốn ở lại thì cứ ở lại.

        Sau khi nhận được công điện của Sài Gòn ra lệnh hành quân lên giải giới Ba Lòng, tại Huế có một cuộc họp của Đệ Nhị Quân Khu, một số sĩ quan trong đó có Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó là Tham Mưu Trưởng, sau này là Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa) phát biểu “không đồng ý hành quân lên Ba Lòng” và để nghị “cố gắng thương lượng, kêu gọi anh em trở về” . . . Đại tá Nguyễn Quang Hoành, tư lệnh Đệ II Quân Khu từ chức, Trung Tá Lê Văn Nghiêm lên thay, đã làm theo ý của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn : hành quân lên Ba Lòng. Với quân số tương đương một Trung đoàn (tổ chức thời đó gọi là GM : Groupement mobile có nghĩa là đơn vị lưu động), Trung Tá Nghiêm (sau nầy là Trung Tướng) nghĩ rằng có thể san bằng chiến khu Ba Lòng. Nhưng cuộc hành quân thất bại, không thể chiếm Ba Lòng được. Trước hết dùng máy bay quan sát, cho trọng pháo bắn phá, sau đó mới cho bộ binh tấn công.

        Ba Lòng có một địa thế phòng thủ rất vững chắc, tất cả những toán quân xuất hiện bên dưới đều bị bắn hạ từng người một. Người đầu tiên đem quân đánh Ba Lòng là Đại úy Em, đã bị thương và bị bắt ; đoàn quân của ông ta rút lui và tháo chạy. Nghe tin Đại úy Em bị thương, Đại úy Bé chỉ huy đoàn quân đi sau Đại úy Em, cũng rút lui. Đại úy Em đã được săn sóc và cho trở về Quảng Trị trên một cái bè bằng tre, trôi theo dòng nước từ trên nguồn về dọc theo sông Thạch Hãn.

Riêng một số cấp chỉ huy ly khai luôn, sống tự túc, ở trong rừng với người thiểu số. Những người nầy về sau đụng độ với quân Cộng Sản từ Bắc vào và bị tiêu diệt không còn một ai sống sót. Một số trở về hoạt động ở vùng đồng bằng và thị xã, đã bị bắt và bị đưa ra tòa án xét xử. Tòa án Quân sự đặc biêt họp tại Huế ngày 23/10/1956, trước lễ Quốc Khánh của Đệ I Cộng Hòa 3 hôm do ông Nguyễn Tri Chỉ, Tòa Thượng Thẩm ngồi ghế Chánh Án, Thiếu Tá Nguyễn Văn Chuân (sau nầy là Thiếu Tướng) ngồi ghế Công Tố, xét xử “nhóm phản loạn, ly khai Ba Lòng” :

        – Các ông Hà Thúc Ký, Trần Bình (tức Nguyễn Trung Thành), Phạm Văn Bôn, Phạm Văn Đồng : án chung thân khổ sai (vắng mặt). Những người khác hiện đang bị giam giữ gồm có : Thiếu Tá Nguyễn Văn Lý (15 năm khổ sai), Thiếu Tá Hoàng Văn Hiền (10 năm khổ sai), Đại úy Nguyễn Ngọc Cứ (10 năm khổ sai). v.v…
        – Thiếu Tá Phan Ngũ (Trung đoàn trưởng Trung Đoàn Lê Lợi : chết trong tù sau 5 năm bị giam giữ).
        – Án tù 5 năm : Thiếu Tá Trương Xuân Phong, Đại úy Hà Thúc Bồng, Đại úy Nguyễn Công Nghệ, Đại úy Hoàng Thanh Liêm . . .
        – Án tù 3 năm đến 1 năm : Đại Úy Hoàng Hồng Sơn, Trung Úy Nguyễn Văn Nhuận, Trung Úy Lê Bá Thứ, Trung úy Nguyễn Văn Nhu, Trung Úy Đặng Ngọc Từ, Trung Úy Trần Hữu Chỉnh, Trung Úy Trần Hữu Luyến, Thiếu Úy Nguyễn Văn Khuyên, Thiếu Úy Hoàng Văn Năm, Thiếu Úy Lê Thám, Thượng sĩ Nguyễn Dũng . . .
        Dân sự :
        – Ông Trần Điền (Tỉnh trưởng Quảng Trị) : 6 năm tù ở . . . ông tự biện hộ . . . nhờ có bảo quốc huân chương và nhờ Linh mục Cao Văn Luận trực tiếp xin với Tổng thống Ngô Đình Diệm và đích thân Tổng Thống ra lệnh “miễn thọ hình” nghĩa là vẫn bị kết án nhưng không bị giam tù. Chính ông Trần Điền đã nói với Trần Quân như vậy (khác với điều ông Nguyễn Văn Minh) viết trong sách “Ngô Đình Khả . . .” là chính ông Ngô Đình Cẩn đã tha cho ông Trần Điền…
        – Ông Nguyễn Văn Mân (sau nầy là Nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa) : 5 năm tù ở.
        – Ông Hoàng Xuân Tửu (6 năm tù ở) ông Hoàng Xuân Tửu lúc đó là Trưởng Phòng Nhân viên tại Ty Thông Tin Quảng Trị, là Bí Thư Tỉnh bộ của Đại Việt . . .
        – Ông Hoàng Phụng (Trưởng Ty Ngân Khốn, nguyên là Chánh Văn Phòng Tòa Hành chánh tỉnh) : 3 năm tù ở . . .
        – Các ông Lê Đình Thất, Đoàn Minh Đoái, Hồ Sĩ Minh . . . từ 01 đến 3 năm tù ở . . .
        – Ông Hà Thúc Ký bí mật trốn vào Sài Gòn, ba năm sau, 10/1958, bị bắt tại Sài Gòn và bị biệt giam cho đến sau ngày 01/11/1963 mới được trả tự do, được mời vào Hội Đồng Nhân Sĩ. Tháng 2/1964, tham gia Chính phủ Nguyễn Khánh, giữ chức vụ Tổng Trưởng Nội Vụ, chưa đầy hai tháng sau, từ chức, trở về hoạt động cho Đảng Đại Việt, 1965 :  lập ra Đại Việt Cách Mạng Đảng . . .
        – Ông Phạm Văn Đồng trốn vào Sài Gòn, mấy năm sau bị bắt, bị đày ra Côn Đảo . . . Sau 01/11/1963, khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Pham Văn Đồng được phục chức, làm Quận Trưởng ở trong Miền Nam, lên đến cấp bậc Trung Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì tử trận….

…Phe Quốc Gia đã thiết lập các cơ quan hành chánh, có mặt khắp các tỉnh và thị xã, thành phố trên toàn quốc từ Bắc chí Nam. Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam được các cường quốc và các nước trong thế giới tự do như Pháp, Mỹ, Anh, Ý…thừa nhận, có nền tài chánh độc lập, có quân đội riêng, có các tòa đại sứ ở nhiều nước trên thế giới…

Lúc đó, ông Ngô Đình Nhu là một thành phần trong Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình . . . ông Nhu đã xin Phong Trào này vận động với Quốc Trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm (là người không có đảng phái) về làm Thủ Tướng và hứa sẽ lập một Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia . . . hứa sẽ thi hành Cương Lĩnh của Phong Trào. Ngoài ra, ông cũng hứa sẽ để cho các đảng phái quốc gia (Đại Việt, Việt Quốc) và các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo . . . được duy trì lực lượng võ trang của họ tại các địa phương mà họ đang hoạt động và có ảnh hưởng để thực hiện chương trình bình định sau khi Việt Minh rút đi . . .
        Vùng ảnh hưởng của Đại Việt là Quảng Trị, Thừa Thiên, Phú Yên…khắp miền Trung đều có đảng viên Đại Việt hoat động. Đại Việt có trong tay khoảng 5000 quân, tương đương một Sư Đoàn. Việt Quốc (VNQDĐ) có ảnh hưởng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Cao Đài có ảnh hưởng tại Tây Ninh, Bến Tre . . . Hòa Hảo có ảnh hưởng tại Long Xuyên, Cần Thơ và Miền Tây Nam Bộ . . .

        Năm 1951, khi ông Ngô Đình Diệm rời Sài Gòn đi ra ngoại quốc, chính ông Nguyễn Tôn Hoàn đã tiễn đưa ông Diệm ra tới chân máy bay. Ông Ngô Đình Diệm đã nói với ông Nguyễn Tôn Hoàn: Bác sĩ cố gắng cùng anh em tranh đấu . . . sau nầy chúng ta sẽ làm việc chung với nhau.
        Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn là nhân vật Đại Việt hoạt động tại Hà Nội trước 1945, sau đó vào Sài Gòn rồi qua Hồng Kông ở với Bảo Đại, vận động Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam năm 1949. Ông đã được mời làm Tổng Trưởng Thanh Niên trong Chính phủ do Quốc Trưởng Bảo Đại thành lập đầu tiên năm 1949 . . . một người rất được cảm tình của các tôn giáo, đảng phái lúc đó.

        Năm 1953, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn ra thăm Huế, được ông Ngô Đình Cẩn mời ăn cơm tại từ đường họ Ngô (tức tư gia của ông Ngô Đình Khả tại Phủ Cam, Huế) cùng đi với ông Nguyễn Tôn Hoàn có ông Hà Thúc Ký và ông Nguyễn Văn Mân. Lúc đó, ông Ngô Đình Diệm còn ở Mỹ . . . Ông Ngô Đình Cẩn đã nói với ông Nguyễn Tôn Hoàn rằng : “Anh tôi (ám chỉ ông Ngô Đình Diệm) trước khi đi ra ngoại quốc, có dặn : “Việc nhà thì nhờ chú lo cho mẹ . . . còn việc nước, chú phải hỏi ý kiến BS Nguyễn Tôn Hoàn . . .”
        Câu chuyện trên đây chứng tỏ giữa anh em nhà Ngô (lúc còn hàn vi) và Đại Việt đã có một sự cộng tác tốt đẹp từ lâu rồi. Nhưng khi ông Diệm về nước thì chẳng những “không thực hiện lời hứa mà còn chủ trương tiêu diệt đảng phái, giáo phái” vì thế họ mới ở vào thế đối lập với chính quyền Saigon . . .
        Đại Việt đi tiên phong trong Phong Trào chống ông Diệm, nhưng không chủ trương đánh nhau, chỉ làm áp lực đòi ông Diệm cải cách mà thôi. Vụ Ba Lòng xảy ra chỉ là “giọt nước làm tràn một ly nước đã đầy . . .” Sau khi vụ Ba Lòng xảy ra tại Quảng Trị…thì Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng ly khai tại Quảng Nam, Cao Đài, Hòa Hảo cũng công khai chống ông Diệm tại Saigon và các tỉnh Nam Bộ . . .
        Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (người lãnh đạo cao cấp nhất của Cao Đài Tây Ninh) cũng phải sống lưu vong ở Nam Vang và đã chết ở đó . . .

Nhiều nhân vật chính trị của Đại Việt trong Nam phải trốn qua Lào, Miên hay qua Pháp trong đó có BS Nguyễn Tôn Hoàn . . .
        Những ai là đảng viên Đại Việt, nếu bị các cơ quan an ninh biết, dù không tham gia vụ Ba Lòng cũng bị bắt, bị tù hay bị mất việc . . .
        Những nhân vật Đại Việt ở Nha Trang, Saigon, dù không tham gia vụ ly khai Ba Lòng, dù không biết gì về các hoạt động của Đại Việt tại Huế, Quảng Trị năm 1955, vẫn bị khó khăn như thường. Vì thế, đa số đã phải sống lưu vong ở Lào, ở Miên hoặc qua Pháp . . . cho đến sau 1/11/1963 mới trở về nước.
        Bản tính của ông Hà Thúc Ký vốn là người cương quyết, bất khuất và nóng nảy cho nên ông đã bị quy trách nhiệm nặng nề về vụ Ba Lòng. Ai cũng cho rằng vụ Ba Lòng xảy ra là do chủ trương của ông Hà Thúc Ký . . . Nhưng như đã trình bày ở trên, chính ông Hà Thúc Ký, khi nghe tin xảy ra vụ ly khai Ba Lòng, đã đích thân đến tận nơi, họp anh em và ra lệnh giải tán cho binh sĩ trở về trình diện tại Quảng Trị….

Đọc hết toàn bài :
Chiến Khu Ba Lòng Năm 1955

Trần Quân 
@todinhtudamhaingoai

This entry was posted in Lịch Sử, Uncategorized and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.