HS-TS

 

Hoàng Sa: Từ Quế Lâm đến Sài Gòn

1. Quế Lâm

Quế Lâm, một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất Trung quốc thuộc tỉnh Quảng Tây. Tại đây có một bệnh viện nằm ngoại ô thành phố, chuyên điều trị cho những thương binh nặng hay cán bộ trung cấp Việt nam bệnh nặng. Anh chị em bệnh nhân dự định ngày Chủ nhật 20-1-1974 sẽ cùng nhau vào thành phố và đi thăm một số nơi đã cưu mang giúp đỡ các thiếu sinh quân Việt nam. Sáng đó trời nắng đẹp, nhưng tất cả các hành lang đều có các bác sỹ và y tá án ngữ : Không ai được ra khỏi phòng bệnh. Điều này cũng xảy ra tại Quảng châu, nơi các cán bộ cao cấp đang an dưỡng. Điều lạ lùng này xảy ra giống hệt hai năm trước, năm 1972 khi Tổng thống Nixon đang thăm Bắc kinh. Không một ai trong số các bệnh nhân đó biết rằng : Trung quốc đã xâm chiếm quần đảo Hoàng sa. Do vậy họ quản chặt bệnh nhân Việt nam vì sợ nổi loạn. Tôi đã gặp ông N. đại tá ,thương binh thành cổ Quảng trị và ông C. cựu cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình Việt nam kể lại ngày ấy. Hành động của họ mạnh tới mức, bà H., một người xu nịnh Trung quốc bằng cách luôn mang sách đỏ Mao tuyển, nghĩ rằng mình được lòng Bệnh viện xưa nay, cứ xin ra ngoài, nói tiếng Tàu ba xí, ba tú , liền bị hai người mặc quân phục kèm lên Văn phòng Khoa ngồi suốt ngày.

2. Sài gòn

Hôm sau, phiên họp của Phái đoàn Liên hợp quân sự 4 bên về việc Giám sát thi hành Hiệp định Paris do Thiếu tướng Lê Quang Hòa, trưởng phái đoàn Việt nam Dân chủ Cộng hòa chủ trì tại Sài gòn. Trong phiên họp này, phía Việt nam Cộng hòa đã đưa văn bản đề nghị chính thức Chính phủ VNDCCH cùng với mình ra thông cáo lên án hành động xâm lược lãnh thổ-lãnh hải của Việt nam. Đề nghị này còn lên kế hoạch chi tiết, trong đó yêu cầu quân Bắc Việt nam và quân của Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam giảm áp lực tại quân đoàn 2 của VNCH. Trong đó đề nghị cụ thể không tiến công quấy rối Đà nẵng, Nha trang và các sân bay ở khu vực này để quân lực VNCH có thể rảnh tay tập trung tái chiếm quần đảo Hoàng sa.

Theo lời kể lại của ông H., nguyên sỹ quan bảo vệ an ninh cho đoàn, ông Hòa đã điện về xin ý kiến Trung ương. Đích thân ông Lê Đức Thọ phê bình ‘’lập trường chính trị các anh để đâu? Đang có chiến tranh, lại phối hợp hoạt động với địch à? Cuộc chiến tranh gay go của ta rất cần sự ủng hộ của Trung quốc, mà lại nói quay sang chống bạn. Họ có giải phóng giúp ta, thì sau này cũng trả lại cho ta thôi.’’

Sau đó, phía VNCH đề nghị họp bất thường. Lần này,Trung tướng Ngô Du chủ trì phiên họp. Mở đầu, ông ta nói :

-Trong phiên họp này, tôi đề nghị không cáo buộc, cãi nhau về những vụ xâm phạm lãnh thổ, vi phạm hiệp định nữa. Trung cộng đã ngang nhiên xâm lược và chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng sa. Đất của chúng tôi thì cũng như đất của các anh vì cùng là đất tổ tiên chúng ta để lại cả. Vì thế, chúng ta nên xếp ba bốn cái vụ tranh cãi lại, để ngồi cùng nhau bàn bạc về việc phối hợp hoạt động chông lại sự xâm lăng này.

Cũng như đề nghị bằng văn bản, tướng Ngô Du ngoài sáng kiến giảm bớt áp lực quân sự thuộc quân đoàn 2 ra, ông ta còn đòi phía VNDCCH gửi công hàm lên án tại Liên hiệp quốc, vận động phe XHCN cũng như Thế giới lên tiếng phản đối.

Phái đoàn Mỹ, người bảo trợ cho tất cả các hoạt động quân sự của VNCH im lặng, không có ý kiến gì.

Ông Lê Quang Hòa cũng tảng lờ, không đáp lại đề nghị này. Ông biết tướng Ngô Du, một thời cũng là cựu đồng ngũ, đã là cán bộ tiểu đoàn thuộc Vệ quốc đoàn, sau đó đảo ngũ và sang phía bên kia , cũng đã một vài lần nói chuyện có vẻ ‘’hòa hợp dân tộc’’. Ông Hòa tưởng tảng lờ đề nghị đó cho qua chuyện nhưng ông Ngô Du nổi đóa. Ông chửi tục, nói chúng mày tảng lờ , là tiếp tay cho Trung Cộng, là bán nước mà còn tiếp tục định đánh không cho chúng tao giành lại đất đai của ông cha.

Cáu đến đỉnh điểm, ông Ngô Du vớ lấy cái gạt tàn thuốc lá bằng thủy tinh ném thẳng vào mặt ông Lê Quang Hòa. Ông Hòa né được, gạt tàn đập vào tường vỡ tung tóe.

Sỹ quan bảo vệ, ông H. lao đến, định chộp cổ ông Ngô Du nhưng bị mấy người lính cận vệ phía bên kia khóa tay.

Cũng trong mấy ngày đó, đài Sài gòn và BBC liên tục đưa tin về sự kiện Hoàng sa. Những người nghe lén đài địch phát rất rõ đã rỉ tai nhau về việc này tại Hà nội. Nhưng giải thích mơ hồ, ngây ngô và vắn tắt từ trên đưa xuống tới các chi bộ Tiểu khu (cấp phường) là bạn giải phóng giúp, sẽ trả lại sau này làm dư luận bớt xầm xì.

Hơn một năm sau, lúc Hải quân Việt nam giải phóng các đảo thuộc phía bên kia, sự ngây thơ trên bị đáp lại phũ phàng bẳng việc trả lời đanh thép của phía Trung quốc trước đề nghị cho nhận lại quần đảo của Việt nam.

NHD

@nguyenthaihocfoundation

 

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.