CHÚA NGUYỄN HOÀNG

1. ÔN DÒNG SỬ VIỆT

Lịch sử Việt Nam từ thời Quốc Tổ Hùng Vương lập quốc năm 2879 trước Tây lịch (TTL) đến nay là 4883 năm, trải qua các thời đại như sau:

– Từ năm 2879 TTL Họ Hồng Bàng của Quốc tổ Hùng Vương: kéo dài 2621 năm, tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (thuộc tỉnh Vĩnh Yên). Đền thờ Quốc tổ Hùng vương hiện còn ở phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. – Từ năm 258 TTL, Nhà Thục: 1 vua, Thục Phán An Dương Vương, 50 năm, tên nước Âu Lạc, lãnh thổ mở rộng thêm 1 phần đất Tượng Quận của Quảng Tây, Trung quốc. – Từ năm 207 TTL, Nam Việt Vương (Triệu Đà) lập ra Nhà Triệu: 5 vua, 96 năm, tên nước Nam Việt, lãnh thổ mở rộng thêm gồm Nam Hải, Hợp Phố của Quảng Đông, Thương Ngô, Uất Lâm của Quảng Tây, và cả đảo Hải Nam. – Từ năm 111 trước TL, nước ta bị Bắc thuộc lần 1: 150 năm. Tàu đặt tên nước ta là Giao Chỉ Bộ

– Từ năm 39, Trưng Nữ Vương (Trưng Trắc) phất cờ nương tử, từ Hợp Phố (Quảng Đông) đến Cửu Chân, Nhật Nam (Bắc và Trung Việt) đều hưởng ứng, đánh hạ được 65 thành, lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (tỉnh Phúc Yên) giành độc lập được 3 năm. Đền thờ Hai Bà Trưng hiện còn tại bãi Đồng Nhân, Hà Nội. – Từ năm 43, nước ta bị Bắc thuộc lần 2: 501 năm. Tàu đổi tên nước ta là Giao Châu. Năm 248 Bà Triệu Thị Trinh (Triệu Aåu) nổi lên… – Năm 544, Lý Nam Đế (Lý Bôn) lập nên Nhà Tiền Lý: 58 năm, tên nước Vạn Xuân. Xen kẽ có Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) lập nên Nhà Triệu. – Từ năm 602, nước ta bị Bắc thuộc lần 3: 337 năm, Tàu đổi tên nước ta là An Nam Đô Hộ Phủ. Năm 722 Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan), năm 791 Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) nổi lên…

– Từ năm 939 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, giành độc lập, lập ra Nhà Ngô: 2 vua, 5 năm, đóng đô ở Cổ Loa (tỉnh Phúc Yên). – Từ năm 945: loạn Thập nhị sứ quân: 22 năm. – Từ năm 968, Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) lập ra nhà Đinh: 2 vua, 12 năm, tên nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. – Từ năm 981, Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lập ra nhà Tiền Lê: 2 vua, 28 năm.

– Từ năm 1010, Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lập ra Nhà Lý: 9 vua, 215 năm. Năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là Đại Việt. Năm 1069 Vua Lý Thánh Tông bình Chiêm lấy đất Quảng Bình , Quảng Trị (Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính). 1076 Lý Thường Kiệt trước khi đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) đã làm bài thơ 4 câu: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…” ngày nay được nhiều người xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập bằng thơ của VN.

– Từ năm 1225 Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) lập ra Nhà Trần 175 năm: 11 vua. Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên (1257-1287). 1306 Chế Mân dâng đất Thừa Thiên, và 1 phần đất Quảng Nam (châu Ô, Lý). 1370, Chế Bồng Nga đánh chiếm và đốt sạch kinh thành Thăng Long. 1396, Hồ Quý Ly dời đô vào Tây Đô. – Từ năm 1400 Hồ Quý Ly lập ra Nhà Hồ: 7 năm, tên nước là Đại Ngu. 1402 Hồ Qúy Ly bình Chiêm lấy đất Quảng Nam (phủ Thăng Bình), Quảng Ngãi (Cổ Lũy) . – Từ năm 1407 nước ta bị Bắc thuộc lần 4 (Minh thuộc): 20 năm. Đặng Dung tôn cháu nhà Trần lên ngôi vua Trần Trùng Quang khởi nghĩa được Nguyễn Biểu theo giúp.

– Từ năm 1427 Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) giành độc lập, lập ra Nhà Lê: 100 năm, tên nước là Đại Việt. Theo sách Sài Gòn 300 Năm Cũ, năm 1470 Vua Lê Thánh Tông đánh chiếm kinh đô Trà Bàn (Bình Định) bắt sống Trà Toàn vua CT. Tướng Chiêm là Bô Trí Tri lui về Phan Lung (Phan Rang) tự xưng làm vua. Vua Lê đặt bia trên núi Thạch Bi (Đèo Cả) để làm biên giới 2 nước. Vùng đất chiếm được Vua Lê chia thành 3 nước là Đại Chiêm hay Chiêm Động (Amaravati) tức Quảng Nam, Hoa Anh (có thể là Phú Yên) và Nam Phan (tiếp giáp Trường Sơn) mỗi nước có 1 vua riêng, gọi chung là miền Bắc Chiêm thành. Indrapura là 1 trong 3 kinh đô. Cửa bể Đại Chiêm trên sông Thu Bồn (Sinhapura). Miền Nam Chiêm Thành là vùng đất còn lại gồm từ Kanthara (Khánh Hòa), Panduranga (Phan Rang) trở vào cho đến Bình Thuận (Vijaya, sử ta gọi là Phật Thệ).

– Từ năm 1527 Mạc Đăng Dung chiếm ngôi lập ra Nhà Mạc: 5 vua, 65 năm. – Từ năm 1532 Nhà Lê trung hưng 256 năm, nhưng thực quyền nằm trong tay Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, gọi là thời Trịnh Nguyễn phân tranh: 1532, Nguyễn Kim lập Vua Lê Trang Tông ở Ai Lao, 11 năm sau về chiếm Nghệ An, Thanh Hóa lập ra Nam Triều, địch nhau với Nhà Mạc ở Thăng Long, Bắc Triều. 1545 Trịnh Kiểm nắm hết binh quyền lập ra nghiệp Chúa Trịnh.

1558 Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa lập ra nghiệp Chúa Nguyễn: 1611 Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong đem quân vượt đèo Cù Mông chiếm đất CT lập phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. (Vùng đất mà Vua Lê Thánh Tông chiếm được năm 1470, về sau chỉ còn Bình Định, riêng Phú Yên đã bị Chiêm Thành lấy lại).(Hình phài : Bản đồ VN thời chúa Tiên) 1692 Chúa Nguyễn Phúc Chu lấy hết đất CT còn lại: Phan Rí (trấn Thuận Thành), Bình Thuận. 1698-1757: Các Chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Trú, Nguyễn Phúc Khoát lấy toàn bộ Lục Chân Lạp của Cao Miên lập ra 6 tỉnh Nam Việt. – Từ năm 1788 Vua Quang Trung lập ra Nhà Nguyễn Tây Sơn: 2 vua, 14 năm: 1789 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ra đại phá quân Thanh ở Thăng Long. Năm 1801 Nguyễn Vương lấy lại kinh đô Phú Xuân.

– Từ năm 1802 Vua Gia Long lập ra Nhà Nguyễn: 13 vua, 143 năm, tên nước Việt Nam. (nhưng chỉ tự chủ 82 năm, từ năm 1884- 1945 bị Pháp đô hộ). Năm 1804 Vua Gia Long cho khởi công xây dựng lại Kinh đô Phú Xuân đến năm 1824 hoàn tất. 1835 Vua Minh Mạng đưa quân đánh lấy nước Cao Miên lập ra Trấn Tây Thành. 1847, chiến thuyền Pháp bắn vào Đà Nẳng. 1858, Thuyền Pháp và Y Pha Nho đánh Đà Nẳng. 1859 Pháp lấy Gia Định. 1873 Pháp hạ thành Hà Nội. Năm 1883 Vua Tự Đức mất. – Từ năm 1884 Hòa ước Patenôtre định thể lệ bảo hộ, nước ta bị Pháp bảo hộ 61 năm. Vì trang báo có hạn, tôi chỉ xin sưu tầm dòng sử Việt từ thời lập quốc đến năm 1945 mà thôi.

2. NGUYỄN KIM

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Lê, thì các quan cựu thần trốn đinhiều. Nguyễn Kim, tức là Nguyễn Hoằng Kim, (con ông Nguyễn Hoằng Dụ, cháu ông Nguyễn Văn Lang, đều làm quan Nhà Lê) làm quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân An Thanh Hầu trốn sang Ai Lao, được Vua Xạ Đẩu cho đến ở xứ Sầm Châu (thuộc đất Thanh Hóa)(Hình phải : Đền thờ Nguyễn Kim ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, tỉnh Hà Trung, Thanh Hoá).

 Năm 1532, ông tìm được một người con rốt của Vua Lê Chiêu Tông tên là Duy Ninh, lập lên làm vua, tức Lê Trang Tông. Có 1 người tướng giỏi là Trịnh Kiểm (quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Giáo) được Nguyễn Kim thương mến gả con gái là Ngọc Bảo cho để cùng ra sức phù Lê diệt Mạc. 8 năm sau (1540), Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An. Năm 1542 Trang Tông đem quân về đánh Thanh Hóa. Qua năm sau chiếm được Tây Đô, quan Tổng trấn Nhà Mạc là Dương Chấp Nhất ra hàng.

Năm 1545, Nguyễn Kim đem quân đánh Sơn Nam, bị Dương Chấp Nhất bỏ thuốc độc chết.

3. TRỊNH KIỂM

Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền, cho rút hết quân về Thanh Hóa, lập hành điện ở đồn Vạn Lại cho vua ở, chiêu mộ hào kiệt, luyện tập binh sĩ, tích trữ lương thảo. Có nhiều danh sĩ như Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng), Lương Hữu Khánh tìm vào giúp. Giang sơn chia hai: từ Thanh Hóa vào thuộc Nhà Lê, gọi là Nam Triều, từ Sơn Nam ra thuộc Nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Năm 1548, Vua Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử Duy Huyên làm vua hiệu Trung Tông được 8 tháng thì mất, dòng dõi không còn ai, nên binh quyền đều ở trong tay Trịnh Kiểm cả. Tục truyền T. Kiểm rất muốn lên ngôi vua, nhưng còn lưỡng lự, mới cho người lẻn ra Hải Dương để hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình không nói, chỉ quay lại bảo đầy tớ: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ” rồi sai gia nhân ra bảo tiểu quét chùa đốt hương để ông ra viếng chùa, khi đến chùa ông bảo tiểu: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.” Sứ giả về kể lại, T Kiểm hiểu ý, mới cho đi tìm con cháu họ Lê, về sau tìm được 1 người cháu huyền tôn ông Lê Trừ là anh vua Lê Thái Tổ tên là Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, rước về lập lên làm vua. Từ đó hai bên Nam Triều và Bắc Triều đánh nhau nhiều lần nhưng bất phân thắng bại.

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, trao quyền lại cho con là Trịnh Tùng.

4. NGUYỄN HOÀNG (1523-1613)

Ông Nguyễn Kim có 2 người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng đều làm tướng lập được nhiều công trận. Người anh là Nguyễn Uông được phong Lạng Quâïn Công, người em là Nguyễn Hoàng được phong Thái úy Đoan Quận Công. Nhưng vì T. Kiểm sợ họ Nguyễn tranh quyền mới kiếm chuyện giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng sợ mới cho người ra Hải Dương hỏi Trạng Trình, Trạng Trình bảo: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân.” (Nghĩa là: Một dãy Hoành sơn dung thân muôn đời). Nguyễn Hoàng mới nói với chị là Ngọc Bảo xin T. Kiểm cho vào trấn phía Nam.(Hình phài :Tượng Chúa Nguyễn Hoàng)

Năm 1558 Trịnh Kiểm tâu vua Anh Tông cho N. Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Lúc bấy giờ những họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở Thanh, Nghệ nhiều người đưa cả vợ con đi theo.

N. Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế), thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

Tương truyền một hôm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi kinh lý qua ngọn đồi Hà Khê gặp một bà già mặc áo đỏ tay cầm bó nhang đang cháy chỉ đường cho ngài tìm đến một vùng đất tốt đẹp đầy sinh khí mà sau này Chúa Nguyễn đặt làm Kinh đô Phú Xuân, tức Cố đô Huế bây giờ. Để ghi nhớ công ơn Bà Tiên Aùo Đỏ, năm 1601 Chúa Nguyễn Hoàng cho xây trên đồi Hà Khê (nơi Bà Tiên hiện ra) một ngôi chùa đặt tên là Chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ là nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu quy y Phật với Thiền sư Thạch Liêm (vị cao tăng Trung Hoa được mời qua VN để giảng giáo lý). Năm 1715 Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng 1 bia đá trên lưng 1 con rùa đá tại chùa Thiên Mụ ghi khắc sự tích Chùa.

Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Nguyễn Hoàng là một người khôn ngoan, có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân cho nên lòng người ai cũng mến phục.”

Năm 1569, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ra chầu Vua ở An Tràng, năm sau T. Kiểm gọi quan Tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về giữ đất Nghệ An, cho N.Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và Quảng Nam, lệ mỗi năm phải nộp thuế 400 cân bạc, 500 tấm lụa.

Năm 1572, nhân lúc T. Kiểm mới mất, con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào Thanh Hóa, sai tướng Lập Bạo đem 1 toán quân với 60 chiếc thuyền bằng đường biển kéo vào đóng ở 2 làng Hồ Xá, Lạng Uyển thuộc huyện Minh Linh để đánh Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng sai một mỹ nhân là Ngô-thị giả kế mang vàng bạc sang nói với Lập Bạo xin cầu hòa. Bạo mừng rỡ không phòng bị, bị quân họ Nguyễn đánh bất ngờ bắt được giết đi.

Năm 1593, Trịnh Tùng lấy được Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hợp nhưng đảng nhà Mạc vẫn còn nhiều, Nguyễn Hoàng mới đưa quân binh súng ống ra Đông Đô ở hằng 8 năm để giúp Trịnh Tùng lập được nhiều công to, nhưng Trịnh Tùng luôn có ý ghen ghét không muốn cho ngài về Thuận Hóa. Năm 1600, nhân vì họ Trịnh kiêu hãnh quá, các quan có nhiều người bất mãn, Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm , Bùi Văn Khuê khởi binh chống tại cửa Đại An, thuộc Nam Định, Nguyễn Hoàng mới đem bản bộ tướng sĩ giả cách nói đi đánh giặc, rồi theo đường biển xuôi về Thuận Hóa.

Về Thuận Hóa, sợ Trịnh Tùng nghi ngờ, Nguyễn Hoàng đem con gái là Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng. Ngài cho con trai thứ vào trấn đất Quảng Nam dựng kho tàng, tích trữ lương thực.

Bề ngoài tuy chưa ra mặt chống đối họ Trịnh, nhưng bên trong ngài hết sức lo việc phòng bị.

Khi N. Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), phần cực Nam nước ta (Đại Việt) là huyện Tuy Viễn (trấn Quảng Nam), bên kia đèo Cù Mông là đất nước Chiêm Thành.

Năm 1611, Trấn thủ Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong vượt đèo Cù Mông đánh ChiêmThành chiếm đất lập ra phủ Phú Yên chia làm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Trước khi mất, ngài gọi người con thư sáu là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: “Đất Thuận Quảng này phía bắc thì có Hoành sơn và Linh Giang (sông Gianh), phía nam có Hải vân sơn và Bi sơn, thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập binh sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời.” Qua đó, chúng ta thấy Ngài là một vị anh hùng đảm lược có chí lớn, có con mắt tinh đời, một nhà quân sự tài ba, một nhà chính trị thương dân thương nước nhìn xa thấy rộng, đến phút cuối đời vẫn còn ôm một giấc mộng phi thường.

Nguyễn Hoàng mất năm 1613, thọ 89 tuổi, đương thời gọi là Chúa Tiên , về sau được truy tôn là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế, người lập ra nghiệp Chúa Nguyễn lừng lẫy ở Đàng Trong.

5. NGHIỆP CHÚA NGUYỄN Ở ĐÀNG TRONG

Nguyễn Hoàng mất, người con thứ sáu là Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử! Chúa Sãi thông minh xuất chúng chẳng khác gì cha, được hào kiệt khắp nơi nể phục về giúp rất đông, như Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến… Khi đồn lũy kiên cố, binh lương đầy đủ, Chúa Sãi ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa. Trịnh Tráng tức giận đem đại binh rước vua Lê vào đánh họ Nguyễn, nhưng không thắng cuối cùng phải rút về. (Trịnh Nguyễn đánh nhau tất cả 7 lần… bãi chiến trường là vùng đất thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh bây giờ)

Họ Nguyễn truyền ngôi Chúa tính từ Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến Chúa Nguyễn Phúc Thuần bị giết (1777), tổng cộng 219 năm gồm 9 đời:

1. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: 1558-1613: 55 năm (mở đất Phú Yên)
2. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1635: 22 năm.
3. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan 1635-1648: 13 năm.
4.Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần 1648-1687: 39 năm (mở đất Khánh Hòa).
5. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn 1687- 1691: 4 năm, (lập Phủ Chúa ở Phú Xuân)
6. Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu 1691-1725: 34 năm (mở đất Phan Rí, Bình Thuận, Gia Định, Hà Tiên)
7. Chúa Nguyễn Phúc Trú 1725-1738: 13 năm (mở thêm đất Gia Định đến Vĩnh Long và bảo hộ nước Chân Lạp.
8.Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát 1738-1765: 27 năm. (đánh Chân Lạp mở thêm đất Gia Định đến Sa Đéc, Tân Châu (Hồng Ngự), Châu Đốc, An Giang, xây thành lập cung điện ở Phú Xuân (1739), xưng vương hiệu (1744), sửa chế độ, định triều nghi, lập thế tử. Tuy không đặt quốc hiệu nhưng người ngoại quốc vẫn gọi là Quảng Nam quốc.
9. Định vương Nguyễn Phúc Thuần 1765-1777: 12 năm, bị Nguyễn Huệ giết năm 1777 .

Trừ Chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, còn lại đều là những vị Chúa tài giỏi đã xây dựng nên một xứ Đàng Trong hùng cường về mọi mặt, đủ sức đương đầu với Chúa Trịnh ở phía Bắc, thừa sức đẩy Cuộc Nam Tiến vĩ đại về phía Nam, xóa tên Nước Chiêm Thành trên bản đồ thế giới, chiếm trọn vùng đất Thủy Chân Lạp bao la màu mỡ, đưa lằn ranh biên giới từ đèo Cù Mông (Quy Nhơn) đến tận mủi Cà Mau, đặt nền bảo hộ lên phần đất còn lại của Cao Miên là Lục Chân Lạp. Những vị Chúa có công hàng đầu trong công cuộc Nam Tiến mở mang bờ cõi phải kể đến Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (mở Phú Yên), Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (mở Khánh Hòa), Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (mở Phan Rí, Bình Thuận, Gia Định, Hà Tiên), Chúa Nguyễn Phúc Trú (mở Vĩnh Long, bảo hộ Cao Miên) Chúa Nguyễn Phúc Khoát (mở Sa Đéc, Châu Đốc, An Giang).

6. KẾT LUẬN

Nhà Sử học Nguyên Hương Nguyễn Cúc đã viết trong lời mở đầu quyển “Sài Gòn 300 Năm Cũ” như sau: “Từ Thăng Long đến Thuận Hóa, từ Thuận Hóa đến Sài Côn. Thăng long-Hà Nội, Thuận Hóa-Phú Xuân là đỉnh cao và Sài Côn-Gia Định là tột đỉnh thành tựu địa dư- lịch sử. Sài Côn khai sinh thời Chúa Nguyễn Phúc Chu đánh dấu giai đoạn thạnh trị hùng mạnh nhất của Đàng Trong, đất đai tỏa rộng nối dài đến tận mủi Cà mau bao quát vịnh Xiêm La, đến đây rồi không còn nơi chốn nào để tiến xa hơn nữa! Sài Côn dãy giang sơn mới lạ, phì nhiêu vô tận , hấp dẫn vô cùng với tấm lòng rộng mở như một phép lạ của niềm tin.” Đúng là một phép lạ của niềm tin! Chính Thượng Đế đã ban cho giang san nòi giống Tiên Rồng một vị anh hùng cái thế Nguyễn Hoàng, và những hậu duệ kế thừa “cơ nghiệp về muôn đời” của Ngài đều là những vị Chúa tài trí anh hùng đã góp phần lập nên đại nghiệp, làm rạng danh cho giòng họ Nguyễn từ đời cha ông là Nguyễn Kim, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn văn Lang vốn là những bậc trung thần tài giỏi danh tiếng của nhà Lê. Chúa Nguyễn Hoàng sáng lập ra nghiệp Chúa Nguyễn, mở đất Phú Yên của Chiêm Thành làm gương cho các Chúa thừa kế tiếp tục sự nghiệp, thực hiện giấc mơ Nam Tiến lâu đời của Tổ Tiên Đại Việt đã có từ triều đại Nhà Lý, 588 năm về trước khi Vua Lý Thánh Tông thống lĩnh binh mã đổ bộ lên cửa bể Thi Lợi Bỉ Nại tiến chiếm kinh đô Vijaya của Chiêm Thành (năm 1069) vua Chiêm là Chế Củ đầu hàng, xin dâng 3 châu Địa Lý , Ma Linh và Bố Chính. Nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết: “Còn những công việc họ Nguyễn làm ở phía nam quan trọng cho nước Nam hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn hơn, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những đất đai phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi, ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lắm vậy.”

Chính vì “cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lắm vậy” mà con cháu Tiên Rồng qua bao nhiêu thế hệ đã vô cùng hạnh phúc, tự hào, cảm động mỗi khi đứng nhìn dải giang sơn gấm vóc biển bạc rừng vàng mà trong mỗi tấc đất đã thấm bao giọt máu tiền nhân… ! Hình ảnh hào hùng vẻ vang ấy còn ghi khắc trên 10 chữ vàng chói lọi ở Điện Thái Hòa, Cung Thành Huế:

‘Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ.”

Mở mang bờ cõi hàng ngàn dậm “xa thư vạn lý đồ” tới tận vùng vịnh Thái Lan theo chính sách “tầm ăn dâu” kéo dài không ngừng nghỉ suốt 219 năm, trải qua 9 đời Chúa để thành tựu là một sự nghiệp vĩ đại phi thường chưa từng thấy trong lịch sử mà Chúa Nguyễn Hoàng là vị Chúa khai sáng có công đức to lớn trên hết.

Có lẽ ai cũng mơ ước sự chân thật, đầy đủ và công bằng. Riêng cá nhân, tôi mơ ước có một ngày được nhìn thấy tại Cố đô Huế Đài Kỷ niệm Công Chúa Huyền Trân, tại Quy Nhơn Đài Kỷ niệm Vua Lê Thánh Tông, tại Tuy Hòa Đài Kỷ niệm Chúa Nguyễn Hoàng, tại Nha Trang Đài Kỷ niệm Chúa Nguyễn Phúc Tần, tại Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn, Hà Tiên Đài Kỷ niệm Chúa Nguyễn Phúc Chu, tại Vĩnh Long Đài Kỷ niệm Chúa Nguyễn Phúc Trú, tại Sa Đéc, Châu Đốc, An Giang Đài Kỷ niệm Chúa Nguyễn Phúc Khoát, v.v… thì tình quê hương nguồn cội, nghĩa dân tộc đồng bào sẽ thắm thiết cảm động biết bao!

VINH HỒ
(Tháng 3/2004)

Tài liệu tham khảo:

-“Việt Nam Sử Lược” Trần Trọng Kim, 1971
– “Sài Gòn 300 Năm Cũ” Nguyên Hương Nguyễn Cúc, 1999
– “Xứ Trầm Hương” Quách Tấn, 2002
– “Anh Hùng Nước Tôi” Đông Tiến tái bản 1988
– “Non Nước Khánh Hòa” Nguyễn Đình Tư, 2003

@ninhhoa

Đọc thêm :  BandoVN  – CohocVN  –  quangtrisaigon  –  dactrung  –  dunglac  –  htxdongtak

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.