Phạm ĐoanTrang

CHÚNG SẼ ĐẾN TRONG NĂM PHÚT NỮA

“chúng sẽ đến trong năm phút nữa
chúng sẽ đến trong một phút nữa
chúng đến sau dòng chữ này…”
(thơ Thận Nhiên)

Buổi sáng thứ hai, 26/2. Tôi để đồng hồ dậy vào lúc 8h – khá muộn, vì tôi nghĩ tôi sẽ không thể ngủ qua đêm. Nhưng hoá ra tôi vẫn ngủ tốt và khi tỉnh dậy, chỉ có cảm giác giấc ngủ sao mà quá ngắn, hình như chưa kịp ngủ thì đã phải dậy.Hà Nội vẫn còn lạnh. Trời tối mờ mờ, trông như mù sương nhưng thật ra là một cơn mưa phùn. Mưa xuân. Thứ mưa đặc thù của miền Bắc mà nhiều người rất ghét vì nó làm đường bẩn, nhem nhép bùn. Nhưng tôi thì lại rất thích. Tôi hay nhớ tới câu thơ của Nguyễn Bính, “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay. Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”.

Tôi chuẩn bị đồ đạc rất nhanh. Tất cả chỉ gói gọn trong một cây đàn guitar và tập bản nhạc. Ví tiền nhét sẵn trong cái túi nhỏ bên ngoài bao đàn. Tôi đeo đàn và rảo bước ra cửa, cố không nhìn vào mắt mẹ. Tôi chỉ nói nhỏ: “Mẹ, con đi đây”.
“Không ăn sáng gì hả con?”.
“Con không ăn đâu ạ”.

Tôi vội vã đi ra. Tôi không nói mẹ cũng biết tôi đang chuẩn bị đi đâu. Tôi không ngoái đầu lại nhìn mẹ, cắm cúi đi thẳng ra thang máy của toà nhà. Thậm chí tôi chẳng dặn mẹ bao giờ tôi sẽ về, nếu tôi không về thì mẹ cần làm gì. Bởi vì tôi cũng đâu biết rồi mọi chuyện sẽ thế nào, nên sao mà hứa “con sẽ về” được. Bởi vì tôi biết rằng, chỉ cần tôi dừng lại, ôm lấy mẹ, cảm nhận thân hình gầy quắt của bà cụ già 78 tuổi run lên trong tay mình, là có thể tôi sẽ ứa nước mắt. “Có thể” thôi, bởi vì vào những lúc như thế này, bản năng của một nhà báo trỗi dậy, tôi khá lạnh lùng, thậm chí trống rỗng. Nhưng dù gì đi nữa, cái ôm hôn đó của đứa con gái với mẹ trước khi đi cũng chỉ là một nhát cứa thêm vào lòng mẹ mà thôi.

Tôi xuống sảnh tầng 1, chuẩn bị bước xuống đường. “Mưa xuân phơi phới bay”, đất trời mờ đục như sương. Vỉa hè, như thường lệ, la liệt người đứng ngồi. Tôi vịn tường, lê từng bước xuống hè mà không biết xe nào là xe của “phe ta”, nghĩ thầm “lên nhầm xe an ninh bây giờ là bỏ mẹ”. Nhưng tôi vẫn đi thẳng về phía chiếc xe đứng sát mặt đường nhất. Người ngồi trên xe mặc áo mưa, đội mũ, đeo khẩu trang kín mít, chỉ hở hai con mắt, nhìn tôi gật đầu. Nhìn vào đôi mắt đó, tôi ycạnh.
Tôi cúi xuống nhìn bàn tay mình, thấy nó trắng bệch. Nó trắng vì tôi đang lạnh, dính nước mưa, hay vì nửa năm nay tôi rất ít ra nắng? Nửa tiếng sau, chúngên tâm ngay. Không phải mắt an ninh.

Tôi leo lên xe. Anh vừa nổ máy thì mấy thanh niên ngồi vỉa hè cũng nhanh chóng đứng dậy, ra xe. Chúng bám theo chúng tôi ngay. Tôi rùng mình, sởn gai ốc khi nghĩ tới cảnh một chiếc xe sẽ lao thẳng vào ngang thân xe tôi, và kẹp chân tôi lại. Kế đó là tiếng rắc rắc… Nhưng cũng may, đường rất đông, gần như kẹt xe. Anh đi cũng khá nhanh và lẫn vào đám đông kịp trước khi chúng kè kè bên

tôi rẽ vào con phố nhỏ gần đường Hào Nam, và đến quán nước mà tôi hẹn chúng. Sớm tới 40 phút so với giờ hẹn. Xuống xe, tôi định trả tiền nhưng anh gạt đi, phóng thẳng.
Đàn ơi, buồn làm chi…

Tôi bước vào quán. Việc đầu tiên là tháo cây đàn khỏi vai.
Chủ quán trông thấy tôi, ồ lên: “A chị Trang. Lâu quá rồi không gặp. Chân cẳng thế nào rồi?”. Trong một khoảnh khắc, tôi ngỡ ngàng. Tôi không ngờ chủ quán biết mình, biết cả tên và thương tật của mình. Và biết không phải với tinh thần cảnh giác của một “quần chúng” từng nghe an ninh nói xấu về “đối tượng”. Còn người chủ quán chỉ cười hồn hậu, tươi như hoa. Anh không hề biết nụ cười và câu chào của anh có ý nghĩa với tôi như thế nào. Nó làm tôi bình tĩnh lại, ý thức được rằng đây vẫn đang là một cuộc sống bình thường giữa những con người bình thường.
Tôi cười: “À, thì mình cũng vẫn thế, nhưng không sao”. Rồi tôi kéo ghế ngồi, gọi một ly Lipton sữa nóng.
Trong lúc chờ chủ quán pha trà, tôi mở bao, rút cây guitar ra, đàn luôn. Đằng nào thì ngồi chờ nửa tiếng cũng chẳng có gì làm.
“If a picture paints a thousand words, then why can’t I paint you?
The words will never show the you I’ve come to know…”.

Những hoà âm ngọt ngào của If giống là những giọt nhạc đang rơi. Tôi đã nghe If từ năm 12-13 tuổi. Đã nghe trong bóng tối, khi chỉ có ánh đèn nhà hàng xóm chiếu xuyên qua cửa sổ, hắt bóng mình lên tường. Ngày ấy, có bao giờ tôi nghĩ lớn lên, mình sẽ sống một cuộc sống như thế này. Không, nó không hề buồn, đau khổ, cô độc, đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng. Chỉ đơn giản là nó khác thôi, nó quá khác so với những năm tháng tuổi thơ tràn đầy ánh sáng và âm nhạc của tôi.

Rồi những người lạ bắt đầu lục tục bước vào, đi lẻ. Mỗi người chọn một bàn riêng. Chỉ sau vài phút, quanh tôi la liệt an ninh. Họ ngồi ở vị trí có thể trông chừng tôi, nhưng tôi cũng không để ý lắm vì đang mải đàn. Tôi chọn chỗ ngồi hướng ra đường. Từ đây nhìn ra, thỉnh thoảng tôi lại thấy người “phe ta” phi xe máy chạy ngang qua và liếc mắt vào quán xem tôi thế nào. Có lẽ là một cảnh tượng vừa lãng mạn, vừa bi tráng, khi tôi ngồi một mình đánh đàn chờ công an đến, và bên ngoài, trời cứ mưa. Mưa xuân…

Gần 10h thì cặp nhân viên an ninh hẹn tôi đến, sớm 10 phút. Họ đi bộ, chắc là bắt Grab hoặc Uber. Hai người hơi khựng lại khi thấy tôi đang… chơi đàn. S. cười: “Hay quá, chị làm bản nhạc chào anh em đi nào”. Không cần S. nói, tôi cũng đang chơi.

Romance, Serenade… Tôi chơi và điều kỳ lạ là tôi thấy mình đàn cũng không đến nỗi dở, vô cảm, khô khốc. Người ta bảo nghệ sĩ chơi đàn là mở lòng mình với thiên hạ, nhờ cây đàn nói hộ tiếng lòng mình. Chẳng biết lúc đó tôi muốn nhờ đàn nói gì, nhưng tôi cảm nhận rõ là tiếng đàn cũng khá ngọt.

Hết hai bài, tự thấy chơi nữa thì bất lịch sự nên tôi bỏ cây guitar sang bên, đặt nó lên ghế, dựa vào tường. Câu chuyện giữa ba người bắt đầu sau đó, rời rạc. Tôi chỉ thích nói chuyện âm nhạc, mà họ thì lại không hoàn toàn chia sẻ đam mê đó. Sự thực là cuối cùng, tôi cũng chẳng biết họ hay nghe thể loại gì, dù họ đã nói “thường lúc nào mệt mỏi thì nghe, gọi là để giải trí”.

Chuyện chính trị, thì chúng tôi có gì để nói với nhau? Tại cuộc thẩm vấn hai ngày hôm trước, vào lúc 22h đêm, S. đã tươi như hoa sau khi “khích” được tôi viết hẳn vào một tờ giấy: “Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xoá bỏ nó. Ký tên: Phạm Đoan Trang”. S. mừng hớn hở và từ lúc đó, hạ ngay từ “ép làm việc” xuống “cafe” trong tuần tới. Có lẽ vì S. thấy mình đã xong việc rồi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi. Hồ sơ về con phản động đã hoàn chỉnh. Phần còn lại bây giờ là của những nhóm khác.

Tôi luôn nhìn ra niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của những nhân viên an ninh như S. hay như Yến, Minh, Long… Tiếc rằng đó là sự phấn khởi của những kẻ vừa làm tốt những công việc mà người bình thường chúng ta sẽ gọi là thất đức: hoàn tất hồ sơ để đưa một đối tượng phản động vào tù. Có nghĩa là, S., Yến, Minh, Long… vui mừng vì chỉ vài tuần, hoặc vài ngày nữa thôi, cái kẻ vừa ngồi trước mặt chúng, thậm chí vừa chơi đàn cho chúng nghe, say sưa nói với chúng đủ điều về âm nhạc, sẽ bị tách khỏi gia đình, người thân để đi vào một môi trường mới, không có đàn, không có bố mẹ, anh chị em, không bạn bè, không ai cả và không gì cả. Bỏ lại tất cả quãng đời tự do sau lưng.

Khi chúng bỏ tù Mẹ Nấm 10 năm, thì không phải chỉ mình Mẹ Nấm “chịu sự trừng phạt của pháp luật” như cách chúng hay nói. Bởi vì sau lưng Mẹ Nấm còn là hai đứa con nhỏ đang tuổi cần có mẹ, còn người mẹ già và người bà đã 90 niên. Nghề “bảo vệ an ninh quốc gia” của chúng đấy.

Cuộc đối thoại
Thỉnh thoảng, buồn tay, tôi lại với cây đàn, chơi thêm vài bản. “It’s only love”, “Lên ngàn”… Ở xung quanh tôi, an ninh vẫn la liệt ngồi mỗi bàn một người. Bên ngoài, trời vẫn mưa, và tôi biết cả an ninh lẫn anh em hoạt động đều đang ngồi xen kẽ trong thế “cài răng lược” để xem tình hình bên trong thế nào. Thỉnh thoảng, anh “xe ôm” vừa nãy chở tôi lại chạy ngang quá, ghé mắt nhìn vào quán.

Thật là một cảnh tượng như phim khi bên trong một người đánh đàn giữa quán và giữa an ninh. Bên ngoài, phe ta phe địch “cài răng lược”. Tôi cứ chơi, chơi như thể đang lên cơn nghiện, không thể bỏ đàn xuống. Bỗng dưng tôi nhớ đến hình ảnh những nghệ sĩ vĩ cầm chơi bản nhạc cuối cùng trong đời họ trên con tàu Titanic đang chìm.

Rồi đột nhiên, người “lái xe ôm” chở tôi mấy tiếng trước bước vào quán, vẫn khẩu trang kín mít. Anh đi ngang qua tôi, vẫn kịp liếc nhìn. Khi hai ánh mắt chạm nhau, tôi giật bắn mình. Sao anh liều đến thế? Anh đi thẳng vào trong quán và kéo ghế… ngồi ngay sau lưng tôi. Hai chúng tôi gần như tựa lưng vào nhau. Không hiểu sao chiếc bàn anh ngồi vào phút đó lại trống. Có lẽ phía an ninh đổi ca.

Và câu chuyện diễn ra giống trong phim hơn bao giờ hết, khi hai người khách trong một quán nhỏ ngồi xây lưng vào nhau, cố tìm cách nói chuyện với nhau nhưng không để ai biết. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng anh trầm trầm sau lưng tôi: “Nó ngồi trong góc đó, cẩn thận”. Tôi nói to với S.: “Vâng, mình hiểu mà”.
Rồi hai tiếng đồng hồ cũng hết. S. và đồng chí của anh ta trả tiền nước cho cả ba rồi gọi grab ra về. Họ có thể yên tâm rằng hồ sơ xong xuôi cả rồi mà con mồi chưa hề biết điều đó, cũng chẳng có ý định chạy trốn. Đi đâu được nữa với hai cái chân này, và trong tình hình này?

Hai người đó đi ra, nhưng các nhân viên an ninh khác vẫn ngồi yên trong quán. Và anh – người lái xe ôm bất đắc dĩ – cũng vẫn ngồi sau tôi, quay lưng ghế vào tôi. Chúng tôi cố nói chuyện trong một đoạn đối thoại kỳ lạ, đối lưng.\

“Khi nào anh đứng lên ra ngoài thì em hãy ra nhé. Ngoài kia đông lắm đấy”.
“Vâng”.
“Chủ quán, tính tiền” – anh đứng dậy, nói rất to.

Anh trả tiền và đi ra ngoài. Tôi bước theo, không quên chào chủ quán và chủ quán cũng cười như hoa đáp lại: “Chị về nhà, hôm nào rảnh ghé nhé”.

Bên ngoài, vỉa hè cũng đầy nhóc những người đứng, ngồi trên xe máy, nhìn tôi đăm đăm.
“K. sẽ đón em” – anh nói rất nhanh lúc leo lên xe máy.

Tôi cũng nhìn anh, mấp máy môi thay lời cảm ơn. K. phi xe đến rất nhanh, trong màu áo grab, mặt bịt kín khẩu trang. Tôi hì hục leo lên xe và nói với K., như cách một người khách nói với anh xe ôm, nhưng nội dung khác: “Chị chưa biết đi đâu đâu đấy”.
“Em biết. Chị lên đi, ôm chặt em nhé. Mình cắt đuôi”.

K. phóng vèo đi. Và cả đám “xe ôm” kia cũng lốc nhốc bám theo. Tôi còn không biết rằng anh lái xe “phe ta” cũng đã bám theo để theo dõi ngược lại, cả lũ. Tôi cũng không hề biết, rất nhiều anh em hoạt động khác vẫn theo sát tình hình, họ chỉ “lảng vảng” cách chúng tôi đâu đó vài chục mét.
“Chị giữ chắc nhé. Em phóng đây”.

K. rồ ga, lao đi. Cuộc rượt đuổi bắt đầu. Tôi bám chặt áo K. và nhìn xuống, thấy hai bàn tay lại trắng bợt.
“Chị đừng lo. Hồi nhỏ em đọc Conan nhiều lắm”.
Tôi bật cười vì câu nói đó của K.
Nhưng K. nói đúng. Chàng thám tử Conan bất đắc dĩ đã cắt được đuôi, đưa chúng tôi chạy thoát giữa vòng vây an ninh. Về sau này, nghe anh “xe ôm” kể lại, đám an ninh điên cuồng khi để mất dấu vết hai con mồi. Chúng lồng lên, chạy đi chạy lại dọc mấy con phố, nhưng hai con mồi đã mất dạng.

Chúng tôi chạy thoát mà đến cả tiếng sau, cả hai vẫn còn run cầm cập. Khi đến được “cơ sở cách mạng”, mặt tôi hình như tái mét. Chỉ đến khi chủ nhà mỉm cười, tôi mới hiểu là mình đã tạm thoát rồi, và hàng chục anh em cả trong Sài Gòn lẫn ngoài Hà Nội, trong nước và nước ngoài, đều biết và vui mừng đến phấn khích vì điều đó.

Phải rồi. Đó sẽ là một buổi cafe mà tôi không bao giờ quên được trong đời, vào một ngày đầu xuân đầy mưa và ẩm ướt. Mỗi con người, mỗi gương mặt xuất hiện đều để lại những ấn tượng dữ dội, đầy cảm xúc, và họ đều có một vai trò nào đó. Kể cả anh chủ quán, kể cả anh xe ôm mà hiện giờ tạm thời tôi chưa thể nêu tên anh, cả K. và thậm chí S. Và cả cây đàn guitar của tôi.

Tôi không hình dung được mọi người – những anh chị em trong phong trào dân chủ – đã lo lắng và tìm đủ cách bảo vệ tôi như thế nào.
Nhưng mọi người cũng không biết những cảm xúc trong tôi ngày hôm đó, không biết rằng họ có một phần ý nghĩa lớn như thế nào trong cuộc đời tôi, không biết rằng vì họ, vì những điều ấy, tôi thấy mình hạnh phúc biết bao nhiêu.

Pham Đoan Trang

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Comments are closed.