*
Sông Vĩnh Định (永定河) là một phụ lưu của sông Thạch Hãn, chảy theo hướng Đông Nam, từ làng Cổ Thành đến làng Xuân Viên, dài khoảng 20km, rồi nhập vào sông Ô Lâu, đổ ra phá Tam Giang.(Hình phải: sông Vĩnh Định đoạn chảy qua làng Ngô Xá Đông, ảnh chụp 2021- Bs.NCV).
Tài liệu lịch sử để lại không thấy ghi tên sông mãi cho đến năm 1825, vua Minh Mạng cho đào 7.5km thẳng từ làng Câu Kênh cho đến hói Dét làng Trung Đan, nối giòng Ô Giang và đặt tên là Vĩnh Định. Từ đó giòng sông thiên nhiên này được mang tên là sông Vĩnh Định.
Về địa lý, sông Vĩnh Định từ ngã ba làng Cổ Thành chảy quá 2.2 km đến Ba Bến, sông chẻ giòng làm 2 :
– Nhánh phụ dài khoảng 15 km từ Ba Bến chảy theo hướng tây bắc qua các xã thuộc huyện Triệu Phong: Triệu Thành,Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Độ, nhập cùng sông Thạch Hãn (và sông Hiếu) đổ ra Cửa Việt .
– Nhánh chính, nguyên thủy khi chưa đào (xem không ảnh) chảy theo hướng đông nam. Từ Ba Bến sông chảy khoảng 2.3km thì gặp sông Nhùng từ phía Tây huyện Đa Krông đổ xuống tại làng Văn Vận( xã Hải Quy), chảy qua các làng Trà Trì, Phú Xuân, Trà Lộc, Duân Kinh, La Duy(xã Hải Xuân),Ngô Xá Đông, Xuân Dương, Tam Hữu (xã Triệu Trung), Phương Lang, Ba Du, Cổ Lũy, Đa Nghi(xã Hải Ba) đến Hội Yên(xã Hải Quế),qua các làng mạc giữa 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng (cập nhật bổ túc).
Tại ngã 3 Hội Yên, sông Vĩnh Định lại chia 3 nhánh :
– Nhánh Tân Vĩnh Định là chính(theo bản đồMỹ Ray Smith/Street Without Joy), dài khoảng 6km chảy song song quốc lộ 49C (Tỉnh lộ 68-QT cũ)và bờ biển, cách bờ biển khoảng hơn 6km, đoạn sông này từ ngã 3 Hội Yên chảy qua các làng Đơn Quế, Kim Long (xã Hải Quế) và Kim Giao, Diên Khánh, Đông Dương, An Nhơn, Xuân Viên (xã Hải Dương), đổ ra sông Ô Lâu, đi thuyền thêm khoảng 12km thì đến phá Tam Giang . Ngoài ra còn 2 nhánh phụ:
– Nhánh Cựu Vĩnh Định Bắc dài khoảng 5km từ Hội Yên chảy qua các làng Trung Đơn, Kim Sanh, Phước Điền (xã Hải Thành)rồi cũng đổ ra sông Ô Lâu.
– Nhánh Cựu Vĩnh Định Nam dài khoảng 4km, được đào 2km từ Hội Yên đến Hói Dét, Trung Đơn(1825) nối sông Ô giang, phụ lưu sông Ô Lâu chảy ra tới xóm Càng,Trung Đơn . Đoạn sông đào này đã bị bồi lấp. Cửa 2 nhánh sông Cựu Vĩnh Định Bắc và Nam này ở cửa sông Ô Lâu cách nhau hơn 3km, ôm trọn ranh giới xã Hải Thành dọc sông Ô Lâu.
Sông Vĩnh Định là sông thiên nhiên từ bao đời, nhưng do bị bồi đắp hằng năm, nên qua lịch sử có ghi lại như sau:
– Tháng 5 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Trung Đan, chúa đích thân ra xem.
– Năm 1693, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, lại cho đào kênh Trung Đan.
– Năm 1819 vua Gia long, cho khảo sát đào sông Vĩnh Định, năm sau Vua băng hà(1820), phải đến 5 năm sau vua Minh Mạng mới kịp cho đào.
Tháng 3 năm 1825, vua Minh Mạng cho đào đoạn sông mới thẳng tắp 7.5km(như con số 1) từ Câu Kênh(Duân Kênh) đến Trung Đan(hói Dét,Trung Đơn), qua các làng Lam Thủy, Thi Ông, Cu Hoan, Hội Yên . Chiều dài đoạn sông này là: Câu Kênh-Hội Yên 5.5km, và Hội Yên-Trung Đan 2km, nối sông Ô giang. Mười bảy năm (1842) sau khi đào xong, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, vào địa phận tỉnh Quảng Trị theo đoạn sông này, trạm đầu ghé lại nghỉ tại làng Trung Đan, và có bài thơ Trung Đan tọa lạc ngọ đình, bài thơ được khắc in trong Ngự chế Bắc tuần thi tập. Cùng theo vua Thiệu Trị trong chuyến Bắc tuần này có quý phi Từ Dũ, mà con trai trưởng là vua Tự Đức sau này tôn lên làm Hoàng thái hậu(1849).
Lý do nhà Vua cho đào đoạn sông mới là vì, dòng sông cũ từ ngã ba làng Câu Kênh, La Duy, Ngô Xá Đông quật góc gần 90°, giòng sông khúc khuỷu(như con số 3) dài khoảng 5.5km chảy qua các làng La Duy, Xuân Dương, Tam Hữu, Phương Lang, Ba Du, Cổ Lũy, Đa Nghi, Hội Yên bị bồi đắp, nước khó thoát, gây lũ lụt trầm trọng. Sau năm 1825 khi đã đào xong sông mới thì đoạn sông cũ chảy qua các làng này, được gọi là(xem không ảnh) Sông Vĩnh Định cũ hay Cựu hà Vĩnh Định.
Nguyên chú văn bia Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề dựng tại Cồn Đống, bên bờ sông Vĩnh Định viết:.. 前後 三月零十八日始成命為永定河 …tiền hậu tam nguyệt linh thập bát nhật thủy thành, mệnh vi Vĩnh Định hà… Đào 3 tháng 18 ngày thì xong, bèn đặt cho tên là sông Vĩnh Định.
Việc đào sông Vĩnh Định, Đại Nam Thống Nhất Chí ghi :
…”Năm Ất Dậu Minh Mệnh thứ 6(1825), sai Thống chế Phan Văn Thúy đốc dân phu khai đào từ xã Câu Kênh đến xã Trung Đan dài 1.720 trượng (một trượng bằng 4,7m), ba tháng thì xong, bèn cho tên hiện nay. Năm thứ 17, xa giá đi tuần Quảng Trị, thuyền ngự đi qua sông này, có thơ ngự chế khắc vào đá và dựng nhà bia ở bờ phía nam sông; cùng năm ấy đúc Cửu Đỉnh, khắc hình sông vào Thuần đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1844) xa giá Bắc tuần, có thơ ngự chế khắc vào bia dựng ở bờ sông”.
Công tác đào sông do Phan Văn Thúy (1758-1833), người làng Đạo Đầu, một trong 13 danh tướng triều Nguyễn đốc công chỉ huy và Nguyễn Hữu Thận (1757-1831),Thượng thư bộ Hộ, người làng Đại Hòa, phủ Triệu Phong phụ trách cung cấp tiền bac, lương thực, thuốc men.
Các Châu Bản Triều Nguyễn còn lưu trữ được các bản tấu về việc thi công như sau:
– Phan Văn Thúy cùng các quan bản địa xem xét, điều tra địa thế, đào thử vài đoạn khảo sát đất cát tầng đáy, cắm tiêu ghi chú…chiều ngang 6 trượng, chiều sâu gần 1 trượng tùy chỗ, đốc công 2.000 dân phu Huế và 1.700 dân phu Quảng Trị, đào sông.
– Nguyễn Hữu Thận, cấp tiền, gạo hàng tháng ngay tại công trường. Ngoài ra, Vua còn chỉ dụ việc cấp phát thuốc men, cử toán lương y chăm sóc dân phu tại chỗ.(hình phải) theo chỉ dụ của vua Minh Mệnh .
Văn bia Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề, có ghi liệt kê tổng kinh phí đào sông:
– Tiền : hơn 6 vạn 4 nghìn 6 trăm quan .
– Thóc: hơn 2 vạn 9 nghìn 4 trăm phương.
Cũng nên thêm là năm Ất Dậu 1825, vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên gặp thiên tai, nắng hạn, mất mùa đói kém, dân không có việc làm nên việc đốc công đào sông gặp thuận lợi. Công dân phu được trả bằng thóc và tiền tại chỗ hàng tháng. Đất mặt bằng trưng dụng đào sông, nhà cửa, mồ mã nếu có, di dời được bồi thường thỏa đáng, dụng cụ cuốc xẻng xuất tiền công mua sắm, không đụng đến của dân. Nhà Vua viết: Từ vất vả khó nhọc một lần, để hưởng lợi muôn đời(Khởi đạn nhất thời lao, vụ kì vạn thế lợi).
Tại xóm Cồn Đống, làng Cu Hoan hiện còn hai tấm bia cao 2m, rộng 1m tạc ghi :
– Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề (御製過永定河題) của vua Minh Mệnh năm thứ 17 (1836) lược thuật quá trình đào sông và thơ của Vua ca ngợi cảnh đẹp của sông (hình phải).
– Quá Vĩnh Định hà cảm tác (過永定河感作) thơ cảm tác của vua Thiệu Trị, năm thứ 2 (1842) khi tuần du qua sông.
Đầu đời 2 triều Nguyễn(1802-1841), sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, nước ta vốn thái bình thịnh trị, nhất là dưới triều vua Minh Mạng(1820- 1841),quân sự hùng manh, kinh tế phát triển, xã hội ổn đinh…Về mặt văn hóa mỹ thuật, năm 1835 nhà Vua cho đúc Cửu đỉnh, là 9 cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, trong đó Thuần đỉnh đúc nổi hình 2 con sông Thạch Hãn và Vĩnh Định(hình phải).
Danh xưng đơn vị hành chánh Quảng Trị thời gian này là doanh Quảng Trị, năm 1827 đổi thành Trấn, năm 1832 đổi thành Tỉnh và lập bản doanh tại làng Thạch Hãn. Tương truyền trong thời gian này, vị thế ngã 3 sông Vĩnh Định là La Duy-Duân Kênh-Ngô Xá Đông cũng là địa điểm tỉnh lỵ thứ nhì nằm trong dự tính của vua Minh Mạng.
Sau khi đào sông xong(1825), thỉnh thoảng tiếp tục công tác nạo vét sông vẫn được tiếp tục thực hiện, Châu bản triều Nguyễn ghi chép :
– Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3(1844)Vua cho khai vét một vài đoạn trên sông.
– 42 năm sau, năm 1867 vua Tự Đức thuận theo tờ tấu của bộ Công, cho nạo vét lại giòng sông.
– Niên hiệu Kiến Phúc năm thứ 1(1884) Vua cho nạo vét giòng sông cũ(cựu Vĩnh Định hà)đoạn qua các làng Câu Hoan, An Thư, An Thái vì sông cũ bị bồi lấp nhiều, không khơi thì ruộng bị nước ngập, dân bốn tổng ấy xin xuất tài lực, thẳng khơi một đoạn ở hai xã Kim Lung, Kim Giao, lược vét một đoạn từ xã Kim Long đến xã Hội Yên đều cho phép làm để tiện việc cấy ruộng mùa.
– Năm 1897, vua Thành Thái cho nạo vét lại sông, đoạn từ làng Đồng Dương, Diên Khánh, Kim Giao thuộc xã Hải Dương qua thôn Kim Long, Đơn Quế, Hội Yên thuộc xã Hải Quế, đến Đa Nghi, xã Hải Ba nhằm khai thông sinh thái và môi trường khu vực này, vốn bị thiệt hại sau hơn 70 năm từ khi có sông đào 7.5km, như đã nêu trên.
– Trong khoảng thời gian 3 năm từ 1926 đến 1929, Tri phủ Hải Lăng là Ngô Đình Diệm, sau này là Tổng Thống Đệ Nhất Cọng Hòa(1956-1963), có cho đào vét đoạn sông này từ Hội Yên đến hói Dét.
Thời vua Đồng Khánh, năm 1887 có soạn bộ Đồng Khánh Dư Địa Chí 25 tập gồm địa lý các tỉnh tại Bắc Kỳ và Trung Kỵ. Về tỉnh Quảng Trị có “Đăng Xương,Hải Lăng nhị huyện đồ”là bản đồ 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng hiện nay, trong đó vẽ rõ Cựu hà và sông đào Vĩnh Định.(Hình phải: Đăng Xương,Hải Lăng nhị huyện đồ)
Tưởng cũng nên biết rằng trong số 8 con sông đào trong thời gian 30 năm đầu của 3 triều Vua nhà Nguyễn, có 3 con sông được đặt tên đầu bằng chữ Vĩnh, ngụ ý mong muốn về lâu dài và đều được khắc lên Cửu đỉnh là:
– Kênh Vĩnh Tế, dài 90km nối Châu Đốc và Hà Tiên, đào năm 1819 thời cuối triều vua Gia Long.
– sông Vĩnh Điện thiên nhiên dài khoảng 23km(xem không ảnh)từ đầu ngã sông Thu Bồn, xã Điện Phong đến ngã ba gặp sông Vu Gia tại địa ranh 3 xã Hòa Phước, Hòa Xuân, Hòa Quý. Vua Minh Mạng cho đào, vét, nới rộng 2 lần(1822,1824), khơi thông giòng từ Câu Nhi, xã Điện An đến Cẩm Sa, xã Điện Nam dài 1.647 trượng tức khoảng 7.2km, để thông nước 2 hệ thống sông Thu Bồn và sông Vu Gia.
– và sông Vĩnh Định .
Nên thêm rằng đoạn sông đào mới 7.5km từ Duân Kênh đến Trung Đơn, tạo vẻ trù phú thêm vùng đất này, là lý do để 2 làng Thuận Nhơn và Thuận Đức được thành lập trong thời kỳ này.
Theo chiều dài lịch sử đến giữa thế kỷ 20, có Kiến trúc sư Nguyễn Thụy(1907-1998), người làng Xuân Dương, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm 1946, khi là Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết tỉnh Quảng Trị, đã cho đào một con sông nhỏ từ sông Vĩnh Định, tại địa đầu giữa 2 làng Ngô Xá Đông và Ngô Xá Tây cho đến làng Đồng Bào dài khoảng 3,5 km, khúc sông này được gọi là Sông Mới và nhờ đó cả một vùng đất trong vùng này trước đây do thiếu nước nên cằn cỗi, sau đó đã trồng được hai vụ lúa và đất đai tốt hơn. Việc đào sông bị gián đoạn bởi chiến tranh cuối năm 1946.(Hình phải: Bản đồ tỉnh Quảng Trị)
Hiện tại trong các bài viết về tỉnh Quảng Trị, có tác giả Lê Quang Thái, trong bài Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ lùng đăng trên tạp chí Cửa Việt(2014) viết:
(…”Tháng tư năm Ất Mùi, Minh Mạng năm thứ 16 (1835) nhà Vua ngự ở từ kinh đô ra hành cung trong thành Quảng Trị bằng đường thủy. Từ Huế theo Sông Hương, sông Gia Hội ra Phá Tam Giang rồi theo sông Vĩnh Định đến sông Thạch Hãn.
Vua bảo với các quan hầu rằng: “Ngày trước ta đi thuyền đến địa phận xã Ngô Xá, trông thấy một người đàn bà già, sai hỏi tuổi thì người ấy nói rằng đã 117 tuổi chưa biết có xác thực hay không, nhưng đại phàm người chỗ mạch đất núi sông thanh tú thì phần nhiều thọ, hoặc già cũng có lý đấy”…)
Lịch sử ghi lại các cuộc chiến trên dòng sông Vĩnh Định như sau :
– Tương truyền năm 1572 danh tướng nhà Mạc, Lập Bạo bị chúa Nguyển Hoàng lập kế bắt tại bờ sông Thạch Hãn, bên làng Ái Tử, Lập Bạo đã nhảy xuống sông, lặn từ đây đến làng Xuân Viên tiếp giáp sông Ô Lâu, nhưng cũng không thoát khỏi bởi chim trảo trảo bay theo phát giác và bị bắt, từ đó Chúa cho lập miếu trảo trảo.
– Cuối bán thế kỷ vừa qua, sau cuộc hành quân năm 1951 của quân đội viễn chinh Pháp(trận ThanhHương-Vĩnh Xương) đến cuộc hành quân Camargue của quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương chống lại Trung đoàn 95/QT từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 1953 trên đoạn đường tỉnh lộ 68 cũ hay là quốc lộ 49C hiện nay, dọc theo sông Vĩnh Định dài khoảng 10km, bắt đầu từ làng Vân Trình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên qua giao điểm quốc lộ 49B và 49C hiện nay, qua các làng Xuân Viên(Hải Lăng) cho đến làng Phú Hải(Hải Lăng) dọc theo tỉnh lộ 68 và giao tranh dữ dội nhất là tại làng Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, trung tâm điểm của Con Đường Buồn Thiu.
Con Đường Buồn Thiu(La Rue Sans Joie) là tên do quân đội Viễn Đông Pháp(French Far East Expeditionary Corps) đặt và Bernard Fall viết thành sách Street Without Joy *1961)tại cuối con đường này nối dài đến Lai Hà, xã Quảng Lợi, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Hu, ngày 21 tháng 2 năm 1967 Bernard Fall tử thương vì dẫm phải mìn trong cuộc hành quân Operation Chinook II của quân đội Mỹ.(Xem bản đồ của Ray Smith bên phải về Con Đường Buồn Thiu, để thấy Sông Cổ Hà(Cựu hà Vĩnh Định, cạnh thôn Tam Hữu), Tân Vĩnh Định, Cựu Vĩnh Định Bắc, Cựu Vĩnh Định Nam, trên địa phận xã Hải Thành).
Con Đường Buồn Thiu (dài khoảng 10km)năm 1953 và Đại Lộ Kinh Hoàng(Highway of Horrors) khoảng 9km, từ cầu Trường Phước đến quá cầu Bến Đá) năm 1972 là những nghiệt ngã trong chiến tranh Việt Nam mà dân Quảng Trị đã phải hứng chịu trên trên địa bàn của giòng sông Vĩnh Định, sông Nhùng và sông Bến Đá.
Các sự kiện diễn biến cuộc sống cư dân trên vùng đất này là đề tài âm nhạc được sáng tác như, nhạc sĩ Nhật Ngân có viết bài Con đường buồn thiu, là đoạn đường sinh tử, chết chóc, đau buồn, trong chiến tranh Việt-Pháp năm 1953.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết bài Đưa Em Xuống Thuyền (do Ái Vân, con dâu làng Xuân Dương hát) theo lời kể của Ông, mô tả đám cưới người anh của nhạc sĩ vào đầu thập niên 40 thế kỷ vừa qua, thuyền rước dâu trên giòng Vĩnh Định, từ làng Thi Ông, Hải Lăng đến làng Bích Khê, Triệu Phong.
Hệ thống sông ngòi tỉnh Quảng Trị gồm 7 sông, nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống sông “Bến Hải-Thạch Hãn-Ô Lâu” chạy dọc theo chiều dài tỉnh từ sông Ô Lâu tới sông Sa Lung(huyện Vĩnh Linh) các thế kỷ trước, là thủy lộ từ kinh đô Huế ra Bắc, ngắn và an toàn hơn đường biển.
Sông Vĩnh Định nối sông Thạch Hãn và Ô Lâu chảy vô phá Tam Giang, nhánh phụ sông Vĩnh Định cũng nối sông Thạch Hãn(và sông Hiếu) đổ ra biển Cửa Việt, sông Cánh Hòm nối sông Hiếu và sông Bến Hải là thủy lộ thuận tiện hàng đầu từ thế kỷ 19 trở về trước, trục thị tứ sầm uất thời kỳ này là chợ phiên Cam Lộ, thị xã Quảng Tri, chợ Sãi, chợ Ngô Xá, rồi đến Chợ Sịa, chợ Bao Vinh thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Dĩ nhiên, so với sau này ở giữa thế kỷ 20, khi khoa học kỹ thuật phát triển, với xe hơi, xe lửa, đường hàng không thì vai trò vận chuyển bằng đường thủy, trên sông ngòi khắp mọi miền đất nước trở nên yếu kém hơn, không riêng gì trên thủy lộ. Nhưng thử nghỉ, tự hằng trăm năm trước, cho đến khi Quốc lộ 1 được người Pháp cho làm từ năm 1918, thì con đường bộ Nam-Bắc là con đường Thiên lý, con đường cái quan nhỏ hẹp băng qua những vùng ít dân cư, lắm thú dữ, và chưa có xe cộ, thì rõ ràng vai trò vận chuyển trên đất liền bằng đường sông là chiếm ưu thế và tiện dụng.(Hình bên: Quốc lộ 1A trước năm 1918 khi chưa làm, chỉ là con đường cái quan thiên lý). Cũng vậy, đường xe lửa Bắc-Nam từ Hà Nội đến Saigon dài 1.730 km, chạy dọc theo quốc lộ 1, hoàn thành và được đưa vào xử dụng vào năm 1936.
Sông Vĩnh Định không chỉ là nguồn nước chảy, sông Vĩnh Định còn mang theo cả tinh thần cuộc sống của cư dân 2 bên bờ. Tiếng chuông chùa ngân nga buổi sáng, vang vọng kinh cầu buổi chiều tại các giáo đường, tiếng hát câu hò trên đò doc, hay tiếng đập loong coong xúc cá của vạn chài... là những kỷ niệm êm đềm vốn có và là tưởng niệm muôn đời của những ai đã từng sinh sống tại đây(Hình phải:Bến nước làng Trà Lộc, nhìn sang từ bến Miệu làng Ngô Xá Đông, ảnh chụp 2021- Bs.NCV). Tính từ năm 1825, đến nay là đã 196 năm, thế hệ Baby boomers sinh sau thế chiến thứ 2, đặc biệt được chứng kiến sinh hoạt cùng các cư dân, làng mạc dọc theo giòng sông Vĩnh Định rõ nét cùng hoài niệm dòng sông đã mất bởi công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, trong ngậm ngùi tiếc nuối một thời, một đời.
Công trình dẫn thủy nhập điền đập Trấm năm 1977 rất đáng được ghi nhận, tuy thế việc ngăn chặn giòng chảy của sông Vĩnh Định tại đập An Tiêm là một thiếu sót khoa học kỹ thuật chuyên môn và công tác dẫn thủy nhập điền, trị thủy của gần nửa thế trước là do điều kiện khó khăn tạo nên như thế. Nay tình thế đã khác, thiết nghĩ cư dân 2 bên bờ sông cùng chính quyền sở tại, nên có các cuộc thảo luận , trao đổi để đi đến quyết định chuyên môn là, điều chỉnh đập An Tiêm điều hòa lưu lượng nước, khơi thông giòng chảy, nạo vét giòng sông…giải quyết môi trường môi sinh khu vực, phát huy chức năng cũ của giòng sông về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế…tránh thảm họa lũ lụt, thoát khỏi dịch bệnh do ô nhiễm, tái tạo sinh thái 2 nhánh phụ và chính của sông Vĩnh Định với hơn 100.000 cư dân sinh sống 2 bên bờ con sông này. Vấn đề là kinh phí nhưng có thể xin thêm các quỹ quốc tế tài trợ nếu tự túc còn thiếu và điều này không khó. Hạ 1 cây che bóng mát đã là một điều bất nhẫn, huống là ngăn chặn một giòng sông. Cứu lấy giòng sông là cứu lấy chúng ta.
Và nếu được như thế, hãy tưởng tưởng một ngày nào đó, thử ngồi thuyền máy theo tours du lịch Quảng Trị, đi từ mạn Nam tỉnh nhà tại làng Xuân Viên bên sông Ô Lâu, theo giòng Vĩnh Định, đổ qua sông Thạch Hãn, ra sông Hiếu, vượt sông Cánh Hòm, đến sông Bến Hải, theo giòng Sa Lung, dừng chân ở Hồ Xá, huyện lỵ Vĩnh Linh… chúng ta như được sống lại cùng tổ tiên từ hằng trăm năm về trươc, nhất là từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận-Quảng tại Ái Tử năm 1558, mở đầu công cuộc Nam tiến.
Xin ghi chú thêm rằng, cùng mục đích bài viết này là, để điều chỉnh các sai lệch thuộc tài liệu về sông Vĩnh Định vốn có trong sách vở và trên internet, đặc biệt hiện nay, vì tam sao thất bổn trong suốt thời gian dài 196 năm, đồng thời cũng là để tưởng nhớ những em bé bơi lội, các bà chị, bà mẹ giặt giủ bên sông, các bác nông phu ra đồng sau ngày cày cấy, ra bến sông tắm rữa, bầy trâu mẹp, làn hơi nước tỏa trên sông buổi sớm, âm vang tiếng hò lãng đảng trong đêm trăng… cứ thế, qua nhiều thế hệ xưa nay… từ đó, rất mong muốn được mọi người, mọi giới đặc biệt các sinh viên tỉnh nhà, nếu có dịp nên viết, làm luận văn tốt nghiệp về đề tài này, để xem xét lại, hoàn thiện và quy củ hơn chủ đề Khơi Lại Giòng Sông Vĩnh Định, bảo đảm môi trường môi sinh và sinh thái vùng đất của lòng người, trong lòng lịch sử, thì không có gì quý hơn. Đa tạ.
Boston, ngày 9 tháng 3 năm 2021
Trương Thúy Hậu
@cohocvietnam
Viết theo các tài liệu trên internet dẫn giải trong các insert links, cùng không ảnh từ vệ tinh do Google chụp.
Xem thêm :
Nhớ về sông Vĩnh Đinh