hoànglonghải

Chính quyền nào, dân tộc nấy.

“Orthodoxy on one side of the Pyrenées may be heresy on the other.” Blaise Pascal
dịch: “Chính thống giáo bên nầy Pyrenées, có thể là dị giáo ở bên kia.”

“Được làm vua, thua làm giặc” – tục ngữ –

Hôm đó “lên lớp” về, ai nấy mặt mày bí xị, ngay chính Phan Hải cũng
vậy. Có vẽ như mọi người đều thắc mắc: Ngụy sao? Lính đánh thuê sao? Đánh giặc cho Đế Quốc Mỹ vì tiền sao? Không thể, không thể như vậy được. Nói với nhau như vậy thôi, chứ “cách mạng” đã nói như vậy rồi, ai cãi gì được. Đó là lý của kẻ mạnh, của kẻ chiến thắng. Anh em chúng tôi là kẻ thua trận, kẻ chiến bại, yếu thì làm cái gì được. Trẻ như Huỳnh Văn Khánh, Nguyễn Văn Bê thì phản kháng gay gắt, lại dân Nam bộ bộc trực, thẳng tánh nên “hùng hổ” một chút vậy thôi. Rồi như ngọn lửa rơm, lửa mau tàn, chỉ còn lại tro, chẳng có chút lửa nào để hút thuốc … lào.

Tối lại, nằm chờ giấc ngủ trên cái sạp dài kê bằng PSP, lại có tiếng thở dài của ai đó buồn cho số phận, “tâm sự” với nhau. Chung cất tiếng hỏi:

– “Anh Hải, bộ đội nói như vậy là sao?”

– “Bộ đội nói gì?” Tôi hỏi lại.

– “Giả bộ nữa. Bộ anh không nghe sao: “Các anh phải xác định quân đội Saigon là lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ.” Mình phải xác định như vậy đấy.

– “Không phải xác định. Họ mạnh họ nói, mạnh mình mình nghe, còn xác định hay không là tự mình. Phản kháng không được thì để trong lòng, nói ra là “Sơn hà nguy biến..” Làm gì được, lý kẻ mạnh mà, kẻ chiến thắng mà.”

– “Nhưng lẽ phải, lẽ phải ở đâu. Mình đâu có phải là lính đánh thuê.”

– “Con người tui, từ nhỏ, đã có nhiều cái tự mâu thuẫn. Ví dụ, học lịch sử, tôi không ưa câu “Được làm vua, thua làm giặc.” Vua là vua, vua Lê Lợi, vua Quang Trung, vua Gia Long, là vua. Ông nào ông đó ngon lành. Làm sao họ có thể là giặc được. Còn như Trần Cao, Lê Duy Lương, giặc tên Phụng, giặc Châu chấu, Cao Bá Quát… là giặc. Vua là bên phải, giặc là bên trái. Nhưng nghe câu: “Bên nầy Pyrenées là chân lý, bên kia thì ngược lại”, tui lại khoái. Học Kiều, tui mê Từ Hải hơn Hồ Tôn Hiến, mặc dù Hồ Tôn Hiến là ờ phía vua, Từ Hải phía giặc. “Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.”

– “Cái “ông” Hải nầy lung tung thật. Chẳng ai hiểu “ông” nói gì!” Phan Hải phê bình tôi.

– “Không phải.” Tôi cố cãi. “Vấn đề là con người. Đời Lê chẳng hạn. Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông là minh quân. Lê Tương Dực, Lê Uy Mục sử gọi là “vua heo” là “quỷ vương”. Sử viết như vậy đấy, không phải tui bày đặt ra. Gia Long gọi Tây Sơn là “ngụy”. Bây giờ, còn ai gọi Tây Sơn là “ngụy” đâu. Tuy nhiên, nguồn gốc quân Tây Sơn cũng chỉ là một bọn cướp, bọn làm giặc, rồi lên làm vua…”

– “Nói bậy đi…” Ai đó lên tiếng.

– “Tui không nói bậy. Quang Trung là một ông vua anh hùng, nhưng bị Gia Long gọi là ngụy vì Gia Long bấy giờ là vua. “Được làm vua, thua làm giặc” cả.

Chung lên tiếng: “Bây giờ chừ “Cách Mạng” gọi mình là “ngụy”. Mai mốt “cách mạng” thua, thì mình lại gọi “Cách Mạng” là “ngụy”. Ai mạnh thì hơn.

Phan Hải cảnh cáo: “Bộ đội nghe là phiền đấy.”

Chiểu nói: “Bác Hồ lộng kiếng ngược đấy.”

Ý Chiểu muốn nói “lộng kiếng ngược” là “liệng cống” đấy. Trong chúng tôi có câu nói đùa: “Đại thắng lợi bác Hồ lộng kiếng, Đợi thắng lại, bác Hồ liệng cống.”

Đặng Ngọc Hiền nói: “Học sử, tui cũng thấy gốc gác nhà Tây Sơn là do Biện Nhạc thua bạc, sợ bị tù nên nổi lên làm giặc.”

Tôi nói: “Ông Hiền nói đúng đấy. Tuy nhiên, nhờ vua Quang Trung mà quân Tây Sơn trở thhành một đạo quân có chính nghĩa. Có chính nghĩa là nhờ có minh quân. Nó giống ai mấy “ông” biết không?”

– “Giống ai?” Có người hỏi.

– “Giống tổng thống Ngô Đình Diệm.” Tôi nói.

Có nhiều tiếng “ồ” lên, phản ứng.

– “Để tui nói cho mấy “ông” nghe. Cái gọi là “Quân Đội Quốc Gia” là quân đội gì? Một người bạn của ông Ngô Đình Nhu hỏi ông ta: “Anh làm cách mạng cái gì? Làm cách mạng là phải có cán bộ. Cán bộ của anh là những cai khố đỏ, đội khố xanh, tri huyện, tri phủ từng theo Tây, ôm chân Nhật. Họ mà làm cách mạng cái gì?!”

Ông Nhu trả lời: “Lịch sử chỉ cho chúng ta chừng đó.” Tui nói điều nầy là “Nói có sách, mách có chứng”. Tui đọc trong “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống”, sách của Trần Kim Tuyến, Cao Thế Dung. Nghĩ cho cùng, gốc gác lính Quốc Gia là Bảo Chính Đoàn ở ngoài Bắc, Lính Bảo Vệ ở Trung Việt, sau đổi thành Việt Binh Đoàn, Vệ Binh Nam Việt ở trong Nam. Bảo Vệ là lính gì, mấy “ông” biết không? “Cắc bụp tùng xeo, mấy thằng Bảo Vệ bắt heo đồng bào. Cắc bụp tùng xòa, mấy thằng Bảo Vệ bắt gà bắt heo.” Khi Việt Minh đánh phá các làng có đạo, dân chúng các làng nầy tập hợp nhau lại chống Việt Minh. Khi Tây tới, Tây trang bị cho một ít súng cổ lỗ sĩ thời Thế Giới Chiến Tranh Thứ Nhứt. Cây súng dài như cây sào giữ vịt. Lính nầy giống như dân quân, ban đầu do tự phát. Có lẽ lính của Bùi Chu, Phát Diệm gốc gác cũng tương tự như vậy. Lý do của họ là bảo vệ tôn giáo, “Thiên Chúa trên hết”, không vì Quốc Gia, Đất Nước. Nếu không thì họ đã tham gia Việt Minh. Nhìn chung, họ chống Cộng hay họ không thể theo Việt Minh được vì nhiều lý do khác nhau, lý do tôn giáo, lý do đảng phái Quốc Gia, hay làm một nghề có lương Tây phát cho… Có nhiều người không phải là người có đạo, phải trốn vào vùng Bùi Chu/ Phát Diệm vì sợ Việt Minh giết. Sự kiện nầy, năm tôi học lớp Nhứt, đọc cuốn “Tương Tàn” của Nhị Lang, tôi có biết qua.”

Lê Quang Dung, không biết nói thật hay đùa: “Ông” bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đọc nhiều quá, nói lung tung.”

Có nhiều tiếng cười.

– “Đừng cười tui.” Tôi nói. “Thời kỳ “Cách Mạng tháng tám” là thời kỳ hỗn quân, hỗn quan. Vì tinh thần chống Pháp nên người ta “ủng hộ Việt Minh” chớ Việt Minh làm bậy thì nhiều lắm. Giết Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, người Huế không nói gì nhiều, chớ giết Phạm Quỳnh, nhiều người Huế lên án Việt Minh dữ lắm.

Phạm Quỳnh làm quan thanh liêm, giỏi, người Việt đầu tiên diễn thuyết ở bên Tây, Tây phục lắm. Phạm Quỳnh hoạt động tích cực trong lãnh vực văn hóa, giáo dục, mở mang trí óc cho nhiều độc giả, trong đó có tui. “Nam Phong Tạp Chí” là một điển hình, là công trình lớn lao của ông Phạm Quỳnh. Qua đó, người ta ngưỡng mộ ông Phạm Quỳnh, trên lãnh vực văn học cũng như lòng yêu nước của ông ta. Đó là những điều dân chúng không phủ nhận. Vậy mà Việt Minh giết ông. Giết ông có lợi ích gì đâu. Chẳng qua, “Tỉnh Bộ Việt Minh Huế” ghét Phạm Quỳnh, đố kỵ với ông ta, ganh tị với ông ta mà giết ông.

Phan Hải nói: “Tôi từng đọc vài bài của Nam Phong Tạp Chí được báo chí Saigon trước 1975 thỉnh thoảng có in lại. Tôi cũng thấy ông ta giỏi. Ông là người nói câu: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. “Tỉnh Bộ Việt Minh Huế” không biết như thế hay sao mà giết ông ta, giết một nhân tài.”

– “Ông mới nói đấy: “nhân tài”. Vì ông ta là nhân tài nên ông ta phải chết. Chính sách, đường lối của Cộng Sản. Đã là “cách mạng triệt để” thì cái gì hay, cái gì tốt, đều phải là của đảng, do đảng mà ra. Nếu là nhân tài, mà không phải là của đảng thì rất nguy hiểm cho đảng, để nó tồn tại làm sao được! Tạ Thu Thâu, Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Thạch… với các tay “Đệ Tứ Quốc Tế” ở trong Nam, Khái Hưng, Nhượng Tống, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Lâm Đức Thụ tức Nguyễn Công Viễn, Nhất Linh, Hoàng Đạo… ở ngoài Bắc, đều bị giết hay suýt chết như thế cả.”

Chung nói chen vô: “Tui là ngưởi ưa đọc lịch sử. Nghe “ông” Hải nói một thôi, đã tai thiệt. Tiếp đi bác tài.” Chung thêm vô câu nói đùa.

– “Sau đó, biết dân Huế phản ứng,” – Tôi nói – “Việt Minh bày chuyện vu cáo ông ta.”

– “Còn vu cáo nữa.” Trắc phản ứng.

Tôi nói: “Việt Minh phao rằng Phạm Quỳnh chịu trách nhiệm về nạn đói năm Ất Dậu 1945. Thấy Tây thua Đức ở mẫu quốc, sợ dân An Nam thừa cơ nổi dậy, nên để ngăn ngừa việc nầy, nhất là ở Bắc kỳ, Phạm Quỳnh xúi Tây phá đê, gây nên lũ lụt, mất mùa, đói kém, không có ăn, chết đói hai triệu nggười, nên dân Bắc Kỳ không nổi loạn được.”

– “Nếu Phạm Quỳnh làm như vậy thì chết đáng đời.”

– “Có đâu. Đó là Việt Minh tuyên truyền vu cáo. Vu cáo mà.”

Hoàng Hữu Chung nói: “Tui là người Huế, nhưng tui không biết chuyện nầy. Nhưng tui muốn hỏi anh Hải, Tố Hữu có dính líu gì tới việc giết Phạm Quỳnh không? Hồi đó, Tố Hữu là “Chủ Tịch Ủy Ban Khởi Nghĩa Thừa Thiên / Huế”. Anh Hải biết không?”

– “Biết rõ hơn ông một chút. Lúc ấy Tố Hữu mới hai mươi tuổi, có trình độ gì đâu, ngoài vài bài thơ “cách mạng”. Tố Hữu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Huế, nhưng đằng sau Tố Hữu, đạo diễn của Tố Hữu là ai biết không?

– “Không.” Chung đáp nhanh.

– “Người chỉ đạo Tố Hữu là Tôn Quang Phiệt. Người Huế gọi ông Phiệt là “tay tổ Cộng Sản Huế”. Ông nầy là giáo sư trường Khải Định, hiệu trưởng Trường Trung Học Thuận Hóa Huế. Lúc đó Phạm Khắc Hòe làm Tổng Lý Văn Phòng Đức Kim Thượng, thường liên lạc với ông Phiệt qua trung gian Tố Hữu. Chính ông Phiệt biểu Tố Hữu, vô “đại nội” nói với Phạm Khắc Hòe khuyên vua Bảo Đại thoái vị đi. Ông Phiệt đem câu chuyện vua Louis 16 bị giết cả nhà mà dọa Bảo Đại, làm cho Bảo Đại sợ mà chịu thoái vị.”

Chung nói: “Nghe anh nói tui có cảm tưởng như Tố Hữu là người chủ trương giết Phạm Quỳnh.”

– “Tình hình như thế nầy. “Cướp chính quyền” là do “Ủy Ban Khởi Nghĩa”, Tố Hữu làm chủ tịch ủy ban nầy. Khởi nghĩa thành công, Tố Hữu làm Chủ tịch “Ủy Ban Việt Minh” Thừa Thiên/ Huế. Ủy ban nầy ra lệnh bắt, giết Phạm Quỳnh. Trong việc nầy, nếu Tố Hữu không ra lệnh, thì ông ta cũng gật đầu, lệnh mới được thi hành. Trên thực tế, Tố Hữu không đậu bằng chi cả. Ông ta được dạy ở trường Thuận Hóa cũng là nhờ Tôn Quang Phiệt và các đồng chí Việt Minh của họ đang dạy ở trường nầy. Tố Hữu từng làm précepteur tạ nhà “ông hường” – “Hường” là “hồng lô tự khanh”, không phải tên, nhà dượng tôi đấy – “Ông hường” là ông nội Trương Đình Ngôn, bạn học của tui. Bố ông Ngôn là Trương Đình Phúng, chú là giáo sư Trương Đình Ngữ. Tố Hữu bị Mật Thám Tây bắt, phải bỏ học. Bố ông Tố Hữu cũng là bạn học “ông hường”, cũng là người đi thi năm bảy keo, thi chữ Nho, mà không đậu. Thành ra, nếu Tố Hữu có ghét Phạm Quỳnh, một người giỏi, một học giả, một ông quan phong kiến thì cũng chẳng có chi lạ cả. Mấy “ông” có đồng ý không?”

– “Theo tui thì Tố Hữu ra lệnh giết Phạm Quỳnh chớ không ai vô đó cả.” Tôi không nhớ ai nói câu nầy.

– Có câu chuyện nầy, hay lắm. Các “ông” có muốn nghe, tui kể cho nghe.”

Nhiều tiếng nói đùa góp vô: “Tới đi bác tài. Tới đi.”

– “Người có lời nhất trong vụ thoái vị nầy là ai, các “ông” biết không?

– “Không. Kể đi, còn câu giờ.” Phạm Ngọc Hiền phàn nàn.

– “Trần Huy Liệu đấy.”

Tôi kể tiếp: “Ông nầy nguyên là Quốc Dân Đảng, bị tù ở Côn Đảo, chung với mấy tay Cộng Sản, bị tuyên truyền, bỏ Quốc Dân Đảng, theo Cộng Sản. Tháng 8/ 1945 đại diện Việt Minh vô Huế, nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Nhóm đại diện cho “chính phủ lâm thời Việt Minh” gồm 3 người: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận. Mỗi người một vẻ.”

– “Mỗi người một vẻ là sao?” Chung hỏi.

– “Cù Huy Cận nguyên là học sinh Khải Định, sau đậu kỹ sư canh nông, một nhà thơ khá nổi tiếng ở Huế. Dân Huế có cảm tình với anh “mọi Thanh Hóa” nầy.”

– “Sao gọi là “mọi Thanh Hóa”?

– “Ông” ta là người Mường Thanh Hóa. Mấy ông nên nhớ: Những người Mường nầy mới chính là con cháu người Lạc Việt. Mấy “ông” biết đấy. “Người Lạc Việt theo chim Lạc mà đi về phương Nam, định cư ở Lưu Vực sông Nhị Hà.” Điều nầy học sử, nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, chúng ta biết cả. Có một điều ít có sách sử nào nói tới, là khi người Tàu sang đô hộ nước ta, người Lạc Việt không chịu ở chung với người Tầu, bèn bỏ lên vùng thượng du sinh sống. Tổ tiên người Mường bây giờ chính là người Lạc Việt. Đó là nguồn gốc tổ tiên của anh chàng Mường Cù Huy Cận.”

– “Còn Trần Huy Liệu?” Ai đó hỏi.

– “Trần Huy Liệu cũng bỏ Quốc Dân Đảng, theo Cộng Sản, là tay nổi tiếng chuyên môn về tuyên truyền láo khoét của Cộng Sản. Cả hai người nầy không được Hồ Chí Minh, Trường Chinh tin tưởng lắm nên sai thêm Nguyễn Lương Bằng đi theo. Ông nầy có bí danh là “đồng chí sao đỏ”, vai vế trong đảng ngang ngữa với Trường Chinh.”

– “Trần Huy Liệu được cái gì? Hồi nãy anh nói ông được lợi nhiều nhất.

– “Trần Huy Liệu vừa lùn vừa lé. Lé là lác mắt đấy các ông ạ. “Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn”. Tục ngữ nói vậy. Ông nầy được cả hai, vừa lùn vừa lé nên “Mèo mù vớ cá rán”. Tuy có vợ rồi, nhưng anh ta đòi lấy cho được vợ của Phạm Giao. Phạm Giao là con trai trưởng Phạm Quỳnh. Bà nầy là “hoa khôi trường Đồng Khánh”. Bà phải chịu làm vợ bé Trần Huy Liệu, với điều kiện phải chăm sóc mấy đứa em của Phạm Giao. Ông Liệu đồng ý. Một thằng, nhiều người biết tên, đó là Phạm Tuyên.”

Lê Quang Dung hỏi, vẻ ngạc nhiên: “Phạm Tuyên viết bài hát “Như có bác Hồ…”?

– “Ai trồng khoai đất nầy…”

Lê Quang Dung than: “Người ta giết cha mình mà mình lại làm bài ca ngợi người ta. Làm như thế, có khác chi mình chưởi cha mình là Việt gian.”

– “Thằng đại bất hiếu.” Dung nói. Một lúc, Dung lại nói tiếp: “Cách mạng dạy toàn chuyện bất hiếu không. “Cách mạng” gì kỳ.”

– “Anh trả lời về chuyện ông Diệm đi. Ông ta có công gì?” Anh nào đó nhắc chừng tôi.

– “Một bọn cướp Tây Sơn, trở thành một đội quân anh hùng, đánh tan hai vạn quân Xiêm, hai mươi vạn quân Thanh, xâm lăng nước ta, trở thành đội quân hiển hách là do đâu? Quân Gia Long đánh bại quân Tây Sơn, không thấy sử nào nói đó là một đạo quân anh hùng. Đó là do đâu? Quân Tây Sơn thành đạo quân anh hùng, là nhờ Nguyễn Huệ. Không có Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn cũng chỉ là một đám quân cướp của Nguyễn Nhạc.” Tui nói đây là cố tránh định kiến. Tiếng Anh gì là định kiến mấy “ông” nhớ không? Người Âu Mỹ họ cũng không ưa định kiến đó. Prejudice. Pre có ngĩa là sẵn sàng rồi, có rồi. Nó che mất cái “kiến” của mình đi, làm mình nhìn đường đi tới như con ngựa mang “dàm”. Dù gì Ông Ngô Đình Diệm đã thực thi một chế độ tiến bộ ở miền Nam. Trên nguyên tắc, chế độ đó có hiến pháp, là luật căn bản của chế độ. Có “Tam Quyền Phân Lập”, có lý tưởng quốc gia, có lý tưởng quốc tế. Quốc gia là một “Miền Nam Tự Do”. Quốc tế là “Thế Giới Tự Do”.

– “Nhưng sai lầm tùm lum, độc ác vô cùng. Ba tôi tập kết ra Bắc rồi. Bọn Công An Quảng Nam “hành hạ” mẹ tôi như thế nào anh biết không?” Phan Hải phản ứng.

– “Tui không nói “ông” nói sai, nhưng theo cách nhìn của tui, đó là chính sách hay manh động. Ám át, khủng bố, tuyên án, tòa án nhân dân… là có chính sách, là do đường lối của đảng, của Việt Cộng. Còn như đánh đập, bắn giết lén lút, che giấu thượng cấp, hung dữ, hận thù cá nhân, trả thù cá nhân là do manh động. Hai trường hợp nầy khác nhau nhiều lắm.

Trước 1954, trước khi ông Diệm về làm thủ tướng. Thủ tướng, chưa làm tổng thống, người Huế, gần như hầu hết, đều kính trọng ông Ngô Đình Diệm, họ gọi ông Diệm là “chí sĩ”. “Chí sĩ Ngô Đình Diệm”. Gọi ông Diệm là “chí sĩ” không phải danh xưng do đám đệ tử của ông Diệm tôn vinh ông. Tiếng “Chí sĩ”, đầu tiên là từ cụ Phan Bội Châu. Hồi ấy cụ Phan bị giam lỏng ở Bến Ngự, qua những sự kiện về lịch sử ở Huế thời bấy giờ, cụ Phan gọi ông Diệm là chí sĩ, người Huế gọi theo.”

Chung hỏi: “Anh Hải có biết quan hệ giữa ông Ngô Đình Diệm với cụ Phan không?”

– “Tình hình Huế lúc đó là như thế nầy. Đầu thế kỷ 20, khi cụ Phan qua Nhựt để xin Nhựt đem quân về đánh Tây, thì đám “cách mạng Tầu” như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu bèn ngăn cản. Vấn đề không phải là có giành được độc lập hay không, mà chính là khi có độc lập rồi, có giữ được độc lập đó hay không. Vả lại, hai nhà cách mạng Tầu nói rằng làm như cụ Phan chủ trương chỉ là “dịch chủ tái nô” mà thôi. “Dịch chủ tái nô” là tiếng họ nói với cụ Phan. Nó có nghĩa rằng thì là thay thằng chủ Tây bằng thằng chủ Nhựt. Vấn đề của nước ta lúc đó là, là “cán bộ”, nghĩa là phải đào tạo cán bộ trước đã, khi đã có độc lập rồi thì phải có cán bộ phục vụ và bảo vệ chế độ, bảo vệ nền độc lập đó. Việc đó rất quan trọng. Cho nên, Nhựt biểu cụ Phan về nước kêu gọi du học sinh qua Nhựt. Đào tạo cán bộ ngành võ thì Nhựt cho học ở trường Chấn Võ. Đào tạo cán bộ ngành văn thì cho học ở trường Đồng Văn. Mấy “ông” thấy không. Sau khi cầm quyền, Ngô Đình Diệm lo đào tạo cán bộ, chỉnh đốn ngành võ bằng việc cải cách trường “Võ bị Liên Quân Đà Lạt” thành trường “Võ Bị Quốc Gia” và cải tiến các trường hành chánh địa phương thành trường “Quốc Gia hành chánh”.

– “Đó là nguồn gốc của “Phong trào Đông Du”. Chung góp ý.

– “Đúng. Chung nói đúng.”

Lê Quang Dung, học trường Tây ở Saigon, không rõ lịch sử nầy, bèn nói: “Việc anh nói có thiệt không? Anh đào đâu ra mấy thứ nầy. Ở xứ tôi, mấy ông già còn nhớ chuyện ông Cường Để từ bên Nhựt lén về vận động cho “Phong Trào Đông Du”, chính yếu là đóng góp tiền bạc.

– “Việc mấy ông già nói là thiệt đấy. Mình cứ đọc “Tự Phán” hay “Phan Bội Châu niên biểu”, trong đó có nói tới.

Tôi kể tiếp: “Cụ Phan Bội Châu là lãnh tụ của “Phong Trào Đông Du”. Nghe lời thủ tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị, cụ Phan bèn về nước dấy lên “Phong Trào Đông Du”, kêu gọi thanh niên qua Nhật du học, sau nầy về làm cán bộ giúp nước. Nghe lời người Nhật, Cụ Phan phải lén đưa vua nước ta sang Nhựt để phong trào có chính nghĩa hơn và mạnh hơn. Dư luận Huế nói rằng vua Thành Thái lén đi Nhựt, nhưng mới ra tới Thanh Hóa thì Tây phát hiện, núm cổ đem về, cấm nhà vua hông cho đi đâu xa mà không báo cho tòa Khâm Sứ Huế biết.

Hiền lên tiếng phàn nàn: “Vua mà anh Hải nói “núm cổ đem về”. Tộii nghiệp cho vua Thành Thái.”

Tôi nói: “Xin lỗi. Tui nói bậy quen miệng. Để tui kể tiếp. Vua Thành Thái không đi được nên để ông Cường Để đi thay. Ông Cường Để mang theo cái ấn vàng, để làm tin với Nhựt. Cái ấn nầy đúc từ đời Minh Mạng. Còn cái ấn vua Bảo Đại trao cho Trần Huy Liệu là cái ấn mới.

Chung hỏi: “Ấn bằng vàng anh Hải?”

– “Ấn của ông lý trưởng bằng gỗ nên người ta gọi là ấn mộc. Vì vậy nên có khi người ta nói “Xin ông Lý đóng mộc cho”. Bây giờ ấn chính quyền bằng đồng. Ấn của vua thì bằng vàng.”

– “Nặng không? Chừng mấy kilô?” Trắc hỏi.

– “Đúng là cháu tông tông. Nghe vàng thì hỏi tới.” Dung nói đùa.

Phan Hải nói: “Nói mất lòng, bậy không.”

Trần Hữu Bảo cũng đùa: “Bậy không. Bậy mà trúng tùm lum.”

Tôi nói:

– “Chắc hồi xưa không tính bằng kilô. Tính bằng lượng. 27 lượng bằng một ký lô.”

– “Xếp Pôlít tính kỷ ghê chưa. 27 lượng một ký. Hồi ba mươi tháng tư chạy khỏi Hà Tiên, vác theo mấy ký lô? Thành thật khai báo, “cách mạng” tha tội cho.”

– “Hỏi ông Trắc co, tui có ôm chạy bộ, cũng không có bao nhiêu. Chỉ Huy Trưởng Nhà Bè thì phải chở bằng xe “Đốt” mới hết đấy”. Có tiếng Trắc chưởi thề.

Hiền nói: “Kể tiếp đi ông nội. Nghe vàng mà quên kể chuyện là “tham vàng bỏ bạn” đó.

Tôi nói: “Nặng bao nhiêu thì tui không biết, nhưng hôm vua Bảo Đại thoái vị trao ấn kiếm lại cho “phái bộ Việt Minh” trên lầu Ngọ Môn. Ông Bảo Đại thì to cao, lại khỏe mập. Còn ông Liệu đã lùn mà vì “làm cách mạng thiếu ăn” nên ốm nhom. Khi nhận kiếm, ông Liệu dáng bộ bình thường, nhưng khi nhận ấn vàng, cái ấn nặng làm cho ông Liệu khịu xuống. Có lẽ ông không ngờ cái ấn nặng như thế.”

– “Chắc cả chục ký lô.” Chung nói.

– “Cũng khoảng đó. May lúc đó trời không có gió. Giả như gió mạnh thổi tới, ông Liệu thì bay mất, cái ấn còn lại.”

– “Mấy ông nói sai cả. Bà Phạm Giao mà chịu lấy ông ta, cái củ cải của ông ta nhẹ thế nào được.”

Có nhiều tiếng cười…

***

Sau khi Tây đầu hàng Đức bên mẫu quốc, Tây chịu để cho quân Nhật vào Đông Dương. Tháng 9 năm 1940, quân Nhật vào Đông Dương. Hậu quả là “Phong trào Thân Nhật” nổi lên. Việt Nam Dân Xã Đảng của ông Huỳnh Phú Sổ dựa vào Nhật mà thành hình. Cao Đài cũng có khuynh hướng thân Nhật. Ở Huế thì có “Phong trào Cường Để”. Hồi đó, tuy tui còn nhỏ nhưng đã nghe ba tui thường nói tới mấy câu tuyên truyền của Nhật như “Châu Á của người Á Châu”, hay “Đại Đông Á”. Huế cũng như miền Trung, phong trào “thân Nhật” khá mạnh. Người ta đua nhau đi học tiếng Nhật, nhiều lớp học tiếng Nhật được mở ra. Ông Diệm cũng là người “thân Nhật”, lãnh đạo “Phong trào Cường Để” ở Huế. Đằng sau ông Diệm là Cụ Phan. Ông Ngô Đình Khôi lúc đó cũng thân Nhật. Ngô Đình Huân, con ông Khôi, học tiếng Nhật, làm tình báo cho Nhật.

– “Sao biết làm tình báo cho Nhật?” Hiền hỏi.

– “Dư luận. Một vài hành động của ai đó có thể làm cho người ta hiểu lầm, nhứt là trong “không khí cách mạng, chống Tây giành độc lập” hồi đó. Cộng Sản tuyên truyền, phao tin, tin dỗm, tin thiệt lung tung. Dân chúng cũng chưa quen vợi thủ đoạn Cộng Sản như bây giờ, nên rất dễ tin. Về gia đình họ Ngô, người ta thấy màu sắc Nhật nhiều lắm: Ông Diệm thân Nhật, ông Khôi cũng thân Nhật. ông Huân thì vừa làm thư ký vừa làm thông ngôn cho Yokoyama Masayuki, viện trưởng “Viện Văn Hóa Nhật” tại Saigon. Người ta nói nơi nầy là Kempeitai, cơ quan tình báo trá hình. Thực ra, Kempeitai là “hiến binh” Nhật. Ai mà biết nó có làm tình báo hay không. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, ba tôi nói “Chí sĩ Ngô Đình Diệm sắp về nước.” Có lẽ về làm thủ tướng, nhưng sau đó là ông Trần Trọng Kim. Nhà họ Ngô thất vọng đấy.

Khi Việt Minh đến nhà bắt ông Khôi, ông Huân nắm áo cha kéo lại, không cho đi. Việt Minh bắt luôn cả hai cha con, giết luôn cả hai cha con, chôn chung một hố, “tiện việc sổ sách”, không cần đưa ra tòa án, tòa ung gì cả. “Cách mạng” hay thiệt, bắt gọn bưng, giết gọn bưng.”

– “Tòa án mà làm chi. Tui ở vùng Cộng Sản 9 năm, tui biết. Cần giết thì lập “tòa án Nhân Dân” là xong ngay. Người Việt mình lại ưa cái cảnh giết người, ưa “máu đổ xương rơi” của người đồng bào.” Phạm Ngọc Hiền nằm vừa đưa võng ở phía cửa trước, vừa góp ý.

Phan Hải nhắc chừng: “Nói vừa vừa thôi, đụng chạm “cách mạng” là phiền với Bộ Đội đấy.

– “Hễ nói thiệt, nói thẳng thì đụng chạm. Hễ có giặc giã thì có “Thời thế tạo anh hùng”, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, nên người ngay phải mắc nạn. Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi thắng quân Minh. Sau khi Lê Lợi lên ngôi, một đống đại công thần, công thần vì tranh chức mà giết nhau, gây nên cái án oan Thị Lộ.

– “Mấy ông tướng mà “ông”. Trắc lên tiếng.

– “Ở Huế,” tôi nói: “Tui thường nghe câu “Thời thế tạo anh hùng”. Có cơ hội, gặp may, có quyền thế, thì làm anh hùng. Mấy “ông” không nghe câu “Việt Nam có bốn anh hùng, Tường gian, Viêm lận, Khiêm khùng, Thuyết ngu.” Ý người ta muốn nói, cả một bọn người xấu xa, độc ác nầy, gặp thời cơ thì nắm quyền mà làm anh hùng, chưa chắc có tài cán gì.”

Phan Hải hỏi: “Anh Hải có biết những điều người ta nói đến họ không?”

Tôi nói: “Biết chút chút, đủ kể cho các bạn nghe. Tường là Nguyễn Văn Tường, dân Quảng Trị tui, gian nầy không phải gian lận đâu, mà là người gian hùng đấy. Viêm là Hoàng Kế Viêm, tôi không rõ cái lận của ông nầy. Khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông đem quân “tiếp viện” cho Bắc Hà. Tui có “ông nội chú” là em ông nội tui. Ông nội tui đang làm “ngự y” trong Đại Nội. “Ông nội chú” theo Hoàng Kế Viêm, cũng đem quân ra Bắc, tử trận đâu ngoài đó, mất xác luôn. Sau Hiệp Định Patenôtre, ông Viêm lại về làm quan ở Huế, không theo phe Nguyễn Thân”.

Lê Quang Dung hỏi: “Phe Nguyễn Thân là phe nào?”

– “Phe theo Tây, đem quân đánh Phan Dình Phùng ở Hà Tĩnh, có Ngô Đình Khả theo phò tá.”

– “Khiêm khùng là ai?”

– “Là Ông Ích Khiêm, ông nầy người Chàm. Ông, Ma, Trà, Chế là bốn họ lớn của người Chàm. Chuyện vui lắm. Ông làm thịt chó mời các quan lại ăn, rồi ông nói: “Chó hết. Trên dưới đều chó hết.” Tức là các quan lớn nhỏ gì đều chó hết.”

– “Không ai làm gì ông?” Lý hỏi.

– “Đã kêu là “khùng” thì nói gì nữa.” Tôi trả lời.

– “Còn Thuyết?”

– “Là Tôn Thất thuyết. Tay nầy chủ chiến. Thất thủ kinh đô, ông đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, rồi Quảng Bình. Ông qua Tàu xin cầu viện, chết bên Tàu luôn.”

Lê Quang Dung lại hỏi: “Chỗ có quán hủ tiếu Mỹ Tho trên đường Tôn Thất Đạm, hai người nầy có liên hệ gì với nhau không?”

– “Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp là ba cha con, đều “khỏe vì nước” mà chết hết.

– “Hát hò tầm bậy không”. Có ai đó cằn nhằn.

Tôi nói: “Khuya rồi. Chuyện dài “Nhân Dân Tự Vận” mai tiếp.

– “Khuya gì. Tui đang khoái nghe chuyện mấy ông tướng.”

Nghĩ tới quê của Chung, làng An Ninh, phía sau chùa Linh Mụ, cũng như có lần Chung kể hồi nhỏ làng không có trường học, Chung phải học ABC ở hậu liêu chùa nầy, tôi nói đùa:

– “Tui tưởng “ông” ưa nghe “Tiếng Chuông Linh Mụ chớ”. Rồi tôi đọc tiếp: “Tổ Quốc ta, ta phải nghe trong tiếng chuông Linh Mụ”…

Chung chống chế: “Cái mô tui cũng thấy hay hết anh Hải ơi. Tui thấy “Cách mạng” chê ông tướng Nguyễn Khoa Nam hèn nhát. Tui tức lắm mà không nói được.”

– “Nói tới ông Nguyễn Khoa Nam là phải nói tới cái chết của Cụ Phan Thanh Giản. Hai trường hợp đó hơi giống nhau. Khi Tây chuẩn bị đánh chiếm Ba Tỉnh Miền Tây Nam Bộ, Cụ Phan giao thành cho Tây rồi uống thuốc độc quyên sinh. Từng qua Pháp, từng đánh nhau với Pháp, Cụ biết chắc trăm phần trăm sẽ thua. Trước sau gì cũng thua. Vậy thì đánh nhau nữa làm chi, có ích gì mà chỉ tạo thêm cảnh máu đổ xương rơi, dân tình khốn khổ… Cụ chịu chết thay cho hàng vạn người. Hy sinh một người mà cứu muôn người. Đó là sự hy sinh cao cả đó chớ.

– “Cách mạng” chê ông ta hèn nhát đó “ông” ơi.” Hiền mai mỉa.

– “Tướng Nam cũng vậy. Súng đạn còn đủ đánh nhau với Việt Cộng ba tháng. Xong là hết. Mỹ “cúp” viện trợ, “chạy làng” rồi. Đánh chác gì nữa. Ông Tướng Vùng coi 16 tỉnh. Ông Nam tự tử là để cứu lính, cứu dân 16 tỉnh. Cái lòng từ bi của ông ta, cái TÂM của ông t lớn quá. Việt Cộng phải sợ đấy.

Hiền nói: “Nếu có một ngày Ba mươi tháng Tư ngược lại, liệu “Cách mạng có ông tướng nào bên phía Cách Mạng tự tử như mấy ông tướng của mình không?”

– “Không đâu. Họ không được tự tử, nếu không được “đảng” cho phép.

– “Ông” Chiểu nói làm tui nhớ hồi 1963. Ngày 2 tháng 11, sau khi giết Diệm Nhu rồi, đài Saigon loan tin hai ông tự tử. Ông anh tôi nói: “Đài nói tầm bậy. Người Công giáo không được phép tự tử.”

– “Tui nói thiệt với mấy ông, ngay tướng Giáp, tui cũng không phục.”

– “Tại sao?” Phan Hải hỏi.

– “Ông Giáp đậu cử nhân luật, dạy sử địa ở Thăng Long. Học trò khoái lắm, nhứt là khi ông Giáp nói về những trận đánh của Napoleon. Napoleon đánh giặc giỏi, chỉ nhở một cái tài. Ông ta nguyên là trung úy pháo binh. Pháo binh thì cứ dập nát phòng tuyến địch rồi vô, như vô chỗ không người. Tướng Phan Hòa Hiệp, khi chỉ huy trận Dương Sơn ở Quảng Nam, ông ra lệnh pháo binh dập tối đa, rồi ra lệnh cho tụi tui vô. Lính của tui chỉ nhảy xuống xe M113 lượm súng quăng lên xe. Xác Việt Cộng cày mà chạy qua luôn. Tụi nó chết, bỏ chạy hết trơn, chịu pháo không nỗi. Cứ cái pháo binh dập nát mà thắng, ông Giáp tán chiến công của Napoleon. Mao gọi đó là “Tiền pháo hậu xung”. Bọn mình học cái nầy, với “Tứ khoái nhất mạn” ở Thủ Đức mà.

Chiểu nói: “Tứ khoái nhất mạn” là chiến thuật của Lâm Bưu anh Hải biết không?

– “Mấy thằng cha huấn luyện viên” cũng không biết, huống chi tui.

– “Mấy thằng chả ngồi trong im không, biết mẹ gì.” Hiền phê bình.

– “Hồi đó, tuy chỉ là bằng cử nhơn, nhưng ông Giáp có làm một cái “petite these”, đề tài là “Chủ nghĩa Mác với kinh tế Việt Nam.” Tụi Tây không cho đậu. Nghe nói Toàn Quyền Catrou hay Decoux cấm đấy.

– “Tại sao?”

– “Cộng Sản. Tây kỵ Cộng Sản.”

– “Bởi vì ông Giáp được thằng Marty, xếp Mật Thám Tây đỡ đầu nên ông vẫn đậu. Nghe nói cái these của ông ta phải gởi về bên Tây chấm. Bên đó cởi mở hơn, với lại đám giáo sư bên đó sợ chó gì toàn quyền Đông Dương.

– “Ông Giáp chẳng học trường quân sự nào hết, được ông Hồ phong một phát lên làm đại tướng.”

– “Bên tướng “cách mạng” có ai không học không?” Chung hỏi.

– “Thiếu gì. Chu Văn Tấn xưa là línhh Dõng, lính của tri châu ở miền thượng du Bắc Việt, có cây súng dài như đòn sào giữ vịt. Ông nầy sui gia với Võ Nguyên Giáp. Phùng Thế Tài, xưa là dân “xã hội đen” bên Côn Minh. Khi ông Hồ qua Tàu, tới Côn Minh, sợ tụi “xã hội đen Tàu” gây sự, bèn kêu Phùng Thế Tài đi theo, bảo vệ ổng. Sau Phùng Thế Tài được phong tướng.”

Phan Hải hỏi, vẻ gay gắt: “Anh chớp đâu ba cái bậy bạ nầy vậy?”

– “Bậy bạ đâu. Đọc “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, với “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” với mấy cuốn khác của Hoàng Văn Chì nói đủ cả chớ gì đâu. Ông Hoàng Văn Chì nầy giỏi lắm nghe. Trước 1945 ổng đậu cử nhân khoa học, nổi tiếng giỏi ở Bắc Kỳ.”

– “Nhắm bộ anh Hải biết nhiều về những người như vầy.” Chung nói.

– “Chỉ một gia đình ông Hoàng Văn Chì, tui đã thấy lạ lùng, có tài. Một nhà có ba người là ba anh em cọc chèo, ông nào cũng nổi tiếng. Ông lớn hơn cả là nhà văn Vũ Ngọc Phan. Không biết tác giả “Nhà Văn Hiện Đại” nầy, giới văn học người ta cười cho. Ông em rể thứ hai là Hoàng Văn Chì. Ông thứ ba là ai biết không?”

– “Cha nầy làm gì?” Dung hỏi.

– “Cha nầy làm tướng, mà danh tướng đấy. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, rồi qua Tàu học trường Hoàng Phố. Ông là người Việt độc nhất tham gia cuộc “Vạn Lý Trường Chinh” với Mao. Mao khen là tướng giỏi, nhưng chê không có “tinh thần Quốc Tế Vô Sản”.

Phan Hải hỏi: “Sao vậy?”

– “Khi nghe ở Việt Nam có “Nam Bộ Kháng Chiến” chống Pháp quay trở lại, ông ta xin Mao về nước để cùng chiến đấu với dân chúng. Mao cho về nhưng nhắn khéo với Hồ Chí Minh ông tướng nầy không có tinh thần “Quốc Tế Vô Sản”, chống Đế Quốc thì chống đâu chẳng được mà phải về Việt Nam.”

– “Ông tướng nào vậy?” Hải hỏi tiếp.

– “Nguyễn Sơn. Tướng Nguyễn Sơn, người từng chê Võ Nguyên Giáp dốt quân sự. Vì chê Giáp nên Hồ Chí Minh cho ông về làm tư lệnh Liên Khu Tư, tướng không quân.”

– “Sao lại không quân. Việt Minh hồi đó làm gì có Không Quân.”

– “Không quân là tướng không có quân. Thanh Nghệ ̣Tĩnh không có giặc nên không có quân. Cho ông tướng nầy có quân, Hồ Chí Minh cũng sợ. Ông là tướng văn nghệ đấy. Phạm Duy kể ông làm chủ hôn trong đám cưới Phạm Duy/ Thái Hằng.

“Để tui trở lại đề tài ban đầu. Chế độ nào, chính quyền nào, dân tộc nấy. Có minh quân như đời Lý, Lê, Trần…Có vua giỏi có tôi hiền, đất nước hùng mạnh, đánh bại quân ngoại xâm. Nước Nhật giàu mạnh cũng là nhờ Minh Trị Thiên Hoàng. Tôn Văn yếu xìu, đẻ ra một đống quân phiệt hồi “hậu cách mạng Tân Hợi”, nào Trương Tác Lâm, Ngô Bội Phu, Phùng Ngọc Tường, Viên Thế Khải… Triều Tiên chia hai, phía Bắc thì cha con Kim Nhật Thành truyền ngôi cửu ngũ. Miền Nam khá hơn. Phi Luật Tân được Mỹ trả độc lập từ 1947, chẳng có tổng thống nào ra hồn nên oặt ẹo như thằng què. Nước ta cũng bất hạnh. Bắc thi có Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ Đệ Tam Quốc Tế. Miền Nam thì hết thời Bảo Đại, thì có Ngô Đình Diệm làm tổng thống giữa hai cái gọng kìm Mỹ với La Mã. Người miền Nam đành chịu chết vì những lãnh tụ như thế, trong khi cụ Đồ Chiểu thì dạy…”kiến nghĩa bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Chiểu nói: “Sai rồi “ông” ơi. Miền Bắc bây giờ nhiều anh hùng lắm “ông” ơi. Người ta nói “Ra ngỏ gặp anh hùng.”

Dung nói đùa: “Bên kia hàng rào thiếu gì anh hùng. Mỗi “ông anh hùng” cầm một bó rau muống”.

Phan Hải lên tiếng: “Tui muốn hỏi anh Hải một câu. Nói như anh thì ông Diệm là người ái quốc?”

̣ “Anh muốn nói ông Diệm nào? “Chí Sĩ Ngô Đình Diệm” hay “Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Hai ông nầy khác nhau một trời một vực, nghịch nhau như màu trắng với màu đen. Tui không trực tiếp trả lời “ông”, nhưng tui kể chuyện Huế cho ông nghe, rồi ông tự suy nghĩ lấy. Sau năm 1945, có hai người trở lại Huế mà dân Huế đi đón như đón một lãnh tụ. Năm 1949, Bảo Đại về Huế, dân Huế đi đón Quốc Trưởng – Bấy giờ người ta không còn gọi ông Bảo Đại là “Đức Kim Thượng” mà gọi là “Quốc Trưởng” -, đầy cả từ đầ cầu Trường Tiền lên tới Phú Văn Lâu. Người ta nói là “chen chân không lọt”, mặc dù ở các vùng thôn quê, như Hương Trà, Phú Vang, Việt Minh ngăn cấm, không cho đi. Mấy năm sau, khi “Thủ Tướng Ngô Đình Diệm” về Huế, người dân đi đón “Thủ Tướng Ngô Đình Diệm” hay “Chí Sĩ Ngô Đình Diệm” cũng đông đúc như vậy. Thậm chí, ở các đường phố chính, như Trần Hưng Đạ, Gia Long người ta còn bày “bàn thờ” trước nhà, chưng hình “Ngô Thủ Tướng” với bình hương trầm, bông ba, hoa lá cành… Vậy mà chỉ vài ba năm sau, người Huế quay 180 độ, không còn đi đón “Ngô Tổng Thống” nữa. Công An tới từng nhà, đe dọa người ta sợ mới chịu đi. Khi Nguyễn Chánh Thi đảo chánh ở Saigon, ở Huế cõ hàng trăm người bị bắt vì tội “mừng đảo chánh”. Những ngày cuộc đảo chánh đang diễn ra, người ta tranh nhau chờ báo chí từ Saigon do máy bay chở ra để theo dõi thắng hay thua. Các chủ nhà sách như ông Tăng Duyệt của nhà sách Tân Hoa, ông Trần Đình Ân của nhà sách Nam Hưng, ông Hoàng Văn Minh của nhà sách Bình Minh… bán báo rất đắt vì người ta tranh mua. Chủ tiệm kiếm thêm chút cháo. Đảo chánh thất bại rồi, mấy ông chủ nhà sách nầy phải “đóng tiền chuộc tội” cả đấy.

Bấy giờ “ruồi bu cục đường” – Cụ Phan Chu Trinh gọi là “Quần nghị phụ chiên” đấy. Ông quận trưởng quận Phú Vang, lùa dân đi đón Ngô Tổng Tống, giăng một cái băng-đrôn (banderole) thật dài, chấn ngay đầu cầu Trường Tiền, đối diện với Morin, chữ đỏ nổi rõ trên vải trắng: “Nhân Dân quận Phú Vang hoan hô Tổng Thống Ngô Đình Diệm muôn năm”.

Tới đêm 8 tháng 5 năm 1963, Đặng Sĩ nói với Giám Mục Ngô Đình Thục: “Thưa Đức Cha, con ra dẹp một cái là xong ngay.”

Xong ngay thiệt, chế độ gia đình trị Ngô triều xong ngay, “Đức Cha” cũng xong ngay, Thiếu Tá Đặng Sĩ bị lột lon xong ngay. Đặng Phong, anh Đặng Sĩ, trưởng ty Công An Thừa Thiên/ Huế cũng xong ngay. Tháng 11/63 anh em Diệm Nhu cũng xong ngay, “cậu Cẩn” cũng xong ngay. Tới 30 tháng Tư, anh em mình cũng xong ngay.

Trò đời…/

hoànglonghải
(trích từ “Vết Nám” hồi ký tù cải tạo)

This entry was posted in Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.