Tết

TẾT CỦA NGƯỜI XƯA

Có thể nói Tết là một trong những phong tục tồn tại lâu nhất trong xã hội ta. Nó hiện diện ngay trong bộ sử đầu tiên của ta là bộ An Nam Chí Lược do Lê Tắc soạn thảo vào khoàng cuối thế kỷ XIII hoặc nửa đầu thế kỷ XIV. Và chúng ta cũng không ngờ rằng cách đây bảy tám trăm năm, dưới thời Trần, cổ nhân từng có những cái Tết linh đình như thế.Sách chép rằng “Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động nhân, bái yết tiên vương.

“Đêm ấy, đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu Na” (nghĩa là đánh đuổi tà ma quỉ mị). Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai, con gái nhà nghèo không có người mai dong để làm hôn lễ, thì tự mình phối hợp với nhau. Ngày Nguyên đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (con cháu nhà vua), các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ….

Ngày mùng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mùng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng….Mùng năm Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa. Đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn “quảng chiếu”, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là “chầu đèn” (Sách đã dẫn – Viện Đại học Huế – 1961, trang 46-47).

Hiếm có bộ sử cổ nào miêu tả những ngày Tết sinh động và đầy đủ như thế. Càng về sau, phong tục thưởng Tết càng được sửa đổi, bổ sung qua nhiều đời, cả trong dân gian lẫn chốn cung đình.

* Trong dân gian, tập tục thăm viếng, bồi đắp phần mộ tổ tiên, ông bà vào những ngày giáp Tết vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Theo Trịnh Hoài Đức, tác giả bộ Gia Định Thành Thông Chí soạn thảo dưới triều Gia Long – Minh Mạng: “gần tiết Nguyên đán, nhà cửa mọi người còn ưng chỉnh sức cho đàng hoàng, huống chi lễ con cháu thờ người chết cũng như thờ người sống, đâu có lẽ ngồi coi cây cổ rậm rợp, mả mồ khuyết lở mà không đắp sửa giẫy dọn…” (sđd – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa – Sài gòn – 1972, tập Hạ, trang 11).Tục trồng cây nêu trong dân gian tồn tại trong một thời gian lâu dài dưới thời Lê-Trịnh và thời Nguyễn, nay không còn nữa. Thường người ta làm lễ “thượng nêu” vào một ngày cuối năm. Nêu được làm bằng một cây tre cao, trên buộc chiếc giỏ đựng nhiều thứ lỉnh kỉnh, nào trầu cau, vôi, nào giấy tiền vàng bạc…Nêu được gìn giữ cho đến ngày mùng 7 Tết mới làm lễ hạ nêu. Phong tục của người xưa định rằng trong suốt thời gian dựng nêu, các chủ nợ không được đòi nợ, có muốn gì thì phải đợi hạ nêu xong mới được đòi.Sách của Trịnh Hoài Đức cũng kể rằng, từ tối 28 tháng chạp, có những toán chừng 15 người gọi là Na nhân (tục danh “nậu sắc bùa”) đi dọc theo đường, đánh trống, gõ phách, nhìn thấy nhà phú hộ nào để ngỏ cửa thì đi vào, dán lá bùa (cầu may) ở cửa, nổi trống phách ca xướng những lời chúc mừng và được chủ nhân mở tiệc rượu khoản đãi, thưởng tiền. Họ đi từ nhà này sang nhà khác cho đến buổi chiều cuối năm mới thôi. Về sau, có lẽ hình thức múa lân là sự cải biên của tục lệ này.

Ngày nguyên đán (mồng một Tết), khoảng 4-5 giờ sáng, con em trong nhà phải dậy, thắp nhang đèn, dâng trà trên bàn thờ tổ tiên rồi bái người tôn trưởng, chúc những điều tốt đẹp trong năm mới. Ngày mồng một Tết cũng là ngày mọi người, bất kể sang, hèn, lớn, nhỏ đều được ăn uống no say. Đến ngày mồng ba Tết, có lễ tiễn chân tiên tổ, người ta đốt đồ hàng mã và đốt pháo tống tiễn. Thời quân chủ, ngay việc này cũng phân biệt giai cấp trong xã hội: quan lại tống tiễn ông bà ngày mồng ba Tết, còn hạng thứ dân không dám tống tiễn trong ngày ấy “để tránh cho tiên tổ ở cảnh u minh khỏi bị việc câu thúc bắt đi khiêng gánh”.
Tất nhiên trong các ngày Tết, không thể không có các thú vui chơi trong dân gian, ngoài chuyện đỏ đen, đánh đu là trò chơi ưa thích của nam thanh nữ tú.

* Trong sinh hoạt cung đình và ở các công đường, trước và trong những ngày Tết, thông thường người xưa tiến hành các lễ sau:

– Lễ tiến xuân ngưu – Dưới thời Lê-Trịnh và thời Nguyễn, hàng năm vào tháng 11 âm lịch, cơ quan coi về ngày tháng, thời tiết trong triều là Tư thiên giám xem lịch để biết tiết lập Xuân rơi vào ngày nào hầu thông báo bộ Công (Bộ Công chánh ngày nay) làm con trâu bằng đất để tiến hành lễ tiến xuân ngưu.
Con trâu đất nặn xong trước ngày lập Xuân được đưa đến một đàn lập sẵn trong phạm vi kinh thành Thăng Long (ở đây nói về thời Lê-Trịnh), quan Phủ Doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức dùng cành dâu đánh vào con trâu đất rồi cho đem vào sân cung điện nhà vua để làm lễ tiến xuân ngưu. Mục đích của lễ tiến xuân ngưu nhằm tống khí lạnh, vì tháng 11 âm lịch là tháng Sửu, nên làm con trâu bằng đất, và đất có công dụng ngăn nước.

– Lễ hạp ấn – Lễ diễn ra vào ngày 25 tháng chạp (tháng 12 âm lịch), quan giữ ấn của triều đình và ở các công đường cho lau rửa ấn thật sạch sẽ rồi bọc vải lụa cất kỹ, đợi sang năm mới sẽ mở ra sử dụng (khai ấn). Làm như thế không có nghĩa là mọi việc ở triều đình và các công sở đều bị đình chỉ hoàn toàn. Những nơi trên vẫn giải quyết các việc khẩn cấp và bất thường, có điều là quyết định phải chờ đến sang năm mới đóng dấu. Dưới triều Lê-Trịnh, vào ngày lễ chính đán, Tư Thiên giám chọn thời điểm tốt, khải lên chúa (với vua, dùng chữ “tấu”, với chúa, dùng chữ “khải”) để định ngày khai ấn, và sau đó yết lệnh cho mọi người biết.

– Lễ hạ điền – Trong tác phẩm Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc xứ Đàng Ngoài), giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes từng sống ở Đàng Ngoài những năm 1627-1630, dưới thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, từng chứng kiến lễ Tết tại thành Thăng Long (thời đó gọi là Kẻ Chợ). Theo vị giáo sĩ này, ngoài những nghi thức trong ngày lễ chính đán, ngày mùng ba Tết, bách quan tề tựu tại cung điện để tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi hành lễ ở một địa điểm ngoại thành. Vua ngồi trên ngai vàng do binh lính khiêng trên vai, còn chúa thì ngồi trên xe thếp vàng, theo sau là các Tiến sĩ, Cử nhân tại địa phương. Khi đám rước dừng lại trên một cánh đồng ở ngoại thành, nơi nhiều người dân đã có mặt từ sớm để chờ giờ hành lễ, nhà vua bước xuống ngai, làm lễ tế Trời Đất, rồi đi xuống ruộng, tay cầm cày, mở một luống cày trên cánh đồng nhằm khuyến khích dân chúng siêng năng cày cấy để mùa màng tươi tốt, lúa gạo đầy sân. Ngày lễ trên gọi là lễ hạ điền.

– Dưới triều Nguyễn, ngày Tết thời vua Gia Long được một chứng nhân đương thời là Michel Đức Chaigneau (con trai Jean Baptiste Chaigneau, người từng làm quan qua hai triều Gia Long, Minh Mạng với tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) miêu tả trong tác phẩm Souvenirs de Hue (Những hồi ức về Huế) xuất bản năm 1867 tại Pháp. Theo Michel Đức, hàng năm, vua Gia Long có lệ tặng quà cho các quan đại thần. Quà thường gồm quần áo hay vải vóc dệt ở Trung Quốc, đựng trong hộp màu vàng, được quân lính dùng lọng che và mang đến tận nhà người nhận quà.

Trong mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà vua và các giáo sĩ vào thời này, nhân dịp lễ Tết hàng năm, một Giám mục Pháp tên de Véren thường ngồi kiệu đến cung điện, biếu vua Gia Long hai chai nước thơm Eau de Cologne, và nhà vua tỏ ra ưa thích món quà này lắm. Sáng mồng một Tết, bá quan mặc phẩm phục đại triều, tập hợp ở cung điện, quan nhất phẩm đứng ở hàng đầu, quan nhị phẩm hàng thứ hai, theo thứ tự như thế cho đến người có phẩm cấp thấp nhất (thông thường là quan tứ, ngũ phẩm trở lên). Các quan quỳ xuống, chúc tụng nhà vua muôn tuổi (vạn tuế) rồi sau đó ai về nhà nấy.

Xem như trên, ta thấy ngay trong thời quân chủ, ngày Tết vẫn có một nét đẹp mà người thời nay không có. Đó là bề trên, ở đây là nhà vua, có lệ tặng quà cho quan lại dưới trướng mình để tỏ lòng ưu ái các bề tôi, không như ngày nay, con người làm điều ngược lại, cấp dưới quà cáp cho cấp trên để tỏ lòng cúc cung tận tụy của mình!

Lê Nguyễn
30.1.2022

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học. Bookmark the permalink.

Comments are closed.