BẢO NGUYÊN

QUẢNG TRỊ
Năm tháng cũ . Chiến trường xưa.

Tôi sinh ra và lờn lên ở miền đất nghèo Quảng Trị.Quê tôi không nghèo nhân nghĩa,vật chất,hữu tình non nước,mà nghèo bởi địa dư quá hẹp và thời tiết khắc nghiệt bốn mùa.
Tính từ núi đến biển thì Quảng trị có khoảng cách ngắn nhất so với toàn đất nước Việt Nam.Nhưng dù thế vẫn có non xanh biển rộng, sông ngòi và danh lam thắng cảnh.Dường như phải thường xuyên dãi-nắng -dầm-mưa qua bốn mùa gian khó,nên con người Quảng Trị thể chất bình thường mà rất quả cảm,tự tin về mặt tinh thần.Mong rằng tôi viết điều này sẽ không xấu,không tốt đối với đồng hương thân yêu.

Có thể khi còn ở quê nhà bạn không để ý đến những điều bình thường – quá ư bình thường-như bờ tre,giếng nước,mãnh trăng non treo lững lơ đêm mùa Hạ,hay giọt nước mắt mẹ già lăn những vòng oan nghiệt khi nghĩ đến những đứa con Quảng trị đang chém giết nhau trên chiến trường.Nhưng khi đã cách xa quê hương ngàn vạn dặm,những điều vốn bình thường kia lại trở nên những trăn trở khôn nguôi.Có khi đang đi trên Freeway tấp nập ồn ào,tôi lại nghĩ về con đường đất quê xưa ngoằn ngoèo uốn khúc nối làng này qua thôn nọ,hun hút mênh mang với những lũy tre xanh, bàng bạc khói mây từ những bếp rơm nhà.Có những lần chờ Xuân, đón Tết ở quê người,nhìn tuyết rơi trắng xóa tôi lại nhớ về những ngày mưa rã rích,mưa liên miên,mưa phùn tháng Chạp ở quê nhà.Làm sao quên bếp lửa hồng và nồi bánh chưng mới luộc,vẵng nghe bên hàng xóm tiếng thi sĩ Sương Biên Thùy ngâm nga “…Mưa chi mưa mãi mưa hoài,lòng nhớ thương ai,mưa hoài mưa mãi,mưa chi mưa mãi mưa hoài..” Điệp khúc mưa vốn đã buồn mà giọng ngâm lại càng thêm tê tái.Một cuộc tình đang vỡ.Một trái sầu đang rơi.Buổi hẹn hò chìm khuất trong mưa để bến Hộ chơ vơ mà giòng Thạch Hãn vẫn lặng lờ trôi chảy.

Tuổi niên thiếu của tôi gắn bó với thành phố tỉnh lỵ vừa nhỏ vừa già qua rong rêu những mái nhà cỗ kính,những con đường hẹp chạy theo mô hình vuông,những thân phượng vĩ sần sù đỏ thắm màu hoa trong những ngày Hè rực nắng.Thành phố nhỏ đến nổi quán cà phê Ba Tàu (đối diện nhà in Nguyển Văn Phước ) điểm mặt dân ghiền từng buổi sớm mai.Nhỏ đến nỗi một cô gái không may chữa hoang là cả làng đều biết.Thành phố nhỏ như thế mà sau này lang- bạt- kỳ- hồ trôi dạt khắp nơi tôi vẫn không quên được.

Tuổi niên thiếu của tôi gắn bó với mái trường Nguyển Hoàng yêu dấu.Thầy học và bạn bè.Tình yêu và kỷ niệm.Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in tên của bạn bè cùng lớp. Có.những người bạn thân đã bỏ lớp bỏ trường ‘nhảy núi “ theo “cách mạng “.Nhiều người bạn sau lần rời sách học có đôi ba lần gặp lại và có bạn xa một lần là xa cách ngàn thu.Họ đã nằm xuống trên quê hương thân yêu.Họ đã chết vì lý tưởng này hay chủ thuyết nọ.Cùng lớp cùng trường,cùng Quảng Trị với nhau,cùng tiếp nhận chừng ấy bài giảng của thầy,cô về nhân nghĩa, đạo đức và trách nhiệm,thế mà khi đối diện trên chiến trường tình bạn,tình người lại trở nên lạ lẫm, để chỉ còn có khói súng mịt mờ,chỉ còn nghe những tiếng hô xung phong khát máu và man rợ. Ơi lằn ranh oan khiên đã chia cắt người với người trong cùng một giống nòi, nguồn cội.Ranh giới nghiệt ngã này bắt nguồn từ lý thuyết cọng sản mơ hồ và hoang tưởng. Đúng vậy,từ lúc những người lãnh đạo đảng Cọng sản Việt Nam được lãnh tụ Lenin ( nước Nga ) và Mao Trạch Đông ( nước Trung Hoa ) truyền dạy cho ngón nghề đấu tranh giai cấp,kỷ xảo xách động quần chúng,vô sản quốc tế đoàn kết ,bí quyết cướp đoạt chính quyền và lừa dối dân tộc,nhân dân.Họ đã gieo hạt giống “Tam vô – không gia đình-không tổ quốc,không tôn giáo “trên toàn cõi miền Bắc Việt Nam và thi hành chính sách cải cách, đấu tố ở đây rất ư tàn bạo.

Thật ra hạt giống Đỏ gieo xuống ruộng đồng quê tôi không làm nên những bông lúa vàng óng mượt.Con người Quảng Trị dị ứng với chủ thuyết ngoại lai kia.Giòng sông Bến Hải chia đôi Bắc-Nam là vết chém oan nghiệt,xẻ thịt phân da đau đớn đến tận cùng cho dân tộc Việt Nam.Thời niên thiếu chúng tôi đã từng đến đây,bên bờ Nam, đốt lên ngọn lửa hồng thắp sáng niềm tin, để nói với những người bên kia bờ Bắc về tự tình đất nước,về khát vọng hoà bình của dân tộc.Kêu gọi những người Cọng sản hãy ngừng tay chém giết,buông lưỡi dao đồ tể đang thấm máu dân lành.Thời điểm bấy giờ là những năm đầu của thập niên 60. Chúng tôi là những học sinh,sinh viên của miền Nam,vô tư chẳng thiên vị bên nào.Bài ca Việt Nam,Việt Nam được hát lên suốt đêm từ hàng hàng lớp lớp trái tim nồng nàn tình quê,tình nước,khuấy động giòng Hiền Lương (tên khác của Bến Hải ) vốn đã trải qua nhiều năm dài u uất.

Tôi đã từng chứng kiến đồng bào quận Trung Lương rời bỏ làng mạc,ruộng vườn di tản về phía Nam để miền đất vĩ tuyến 17 trở nên là vùng “Free fire zone “,xây dựng hàng rào mắt thần McNamara ngăn bước nam chinh của người phương bắc.Không hiểu ngăn thế nào mà đội quân “quốc tế vô sản” mang hình hài và dáng dấp Việt Nam với chân đất hoặc dép râu ào ạt đi qua như đi vào chỗ không có mắt thần.Hơn mấy chục năm sau người ta mới hiểu,dường như một công ty điện tử nào đó đã thu về mối lợi nhuận lớn từ cái hàng rào mắt thần McNamara lừng danh trong cuộc chiến,còn sự mất mát của đồng bào,máu xương và nướt mắt của người Quảng Trị là những thực tế phải được lãng quên,trong muôn điều lãng quên vô tình như bọt bèo trên biển cả..

Quảng Trị quê hương tôi.Căn cứ địa của chúa Nguyển Hoàng trong cuộc kháng Bắc bình Nam mà hậu duệ của ngài đã mở rộng bờ cõi từ đây cho đến mũi Cà Mâu.Nơi mà vua Hàm Nghi ra hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và đồng bào đứng lên chống xâm lược Pháp.Nơi mà nhân loại công nhân là tiền đồn chống cọng của thế giới Tự Do.Quảng Trị vùng hỏa tuyến.Tôi đã lớn lên ở đây.Hoài bão tuổi thanh niên chờn vờn những đạn bom và chết chóc.Trang sách học bỏ ngỏ.Mối tình đầu vừa bén rễ đã vôi chia xa.Sự lựa chọn bên này,bên kia quả là căng thẳng.Nhưng dẫu thế nào thì chúng tôi cũng đã dấn thân.Từ mái trường Nguyển Hoàng thầy và trò lần lượt dấn thân.Dày sô áo trận,gió bụi sa trường,hàng hàng lớp lớp chúng tôi đã rạch ròi chọn lựa, đã đứng lên hiên ngang dưới bóng cờ Vàng lẫm liệt.Những trời riêng tư cũng đành thôi gác lại.Tổ quốc trên hết.Quốc gia Việt Nam Cọng Hòa đang bị cọng sản quốc tế xâm lăng.Nhiều,nhiều lắm những người như chúng tôi đã gục ngã trên chiến trường.Thầy Trịnh Ngọc Phòng…bạn Đoàn Như Tâm…và đã bao nhiêu người trở về trên đôi nạng gỗ,nghe thời gian bào mòn cả quảng đời hoa gấm…Thế mà cuộc chiến kết thúc bất ngờ trong nỗi uất ức của người chiến bại,trong sư ngơ ngác,bần thần của người chiến thắng.Có giải thích cách nào thì miền Nam đã thua đậm,thua đau,thua đến mất trắng quê hương và quốc gia Việt Nam Cọng Hòa đã xóa tên trên bản đồ thế giới.Hơn mấy chục năm rồi chiến tranh Việt Nam vẫn còn nhắc nhở,tranh luận trên chính trường Ai cũng tự cho mình có công lao và chính nghĩa.Chỉ tội cho miền Nam thân yêu,cho Quảng Trị bao đời xương máu khi làm con chốt thí trên bàn cờ quốc tế mà thắng bại,phân ranh những đầu nậu tài phiệt tư bản và cọng sản đã phân chia, định vị cả rồi.Chỉ đau cho những người lính cọng hòa chúng tôi đứng đầu tên mũi đạn,chưa hề nghĩ đến những điều được mất.Những người lính không đầu hàng,không bỏ chạy.Những người lính đã và đang đón nhận những đòn thù đau buốt
tâm can,gánh chịu bao nhiêu điều sĩ nhục.

Quảng Trị quê hương tôi chẳng còn gì khi qua rồi cuộc chiến.Thành phố nhỏ thân thương ngày nào đã tan hoang,trơ trọi,chằng chịt kẻm gai,hố bom,máu khô và xương trắng.Như thế đó mà người ta vẫn trở về chốn cũ,thì hai tiếng quê hương đã có sức thu hút thiết tha đến ngần nào.

Tôi lại trở về quê xưa,xây dựng đời mình trên những hoang tàn đổ nát.Mười năm lính,chín năm tù ‘tập trung cải tạo ‘chỉ còn lại trong tôi những rã rời đau xót.Tổ quốc đã tiêu vong.Quê hương vẫn còn đây nhưng rừng đang thay lá.Tôi chẳng ân hận,tiếc nuối điều gì.Có chăng là những xót xa về quảng đời niên thiếu.Mái trường kia và thành phố này đây.Thôi rồi,sẽ không còn bóng dáng hàng phượng vĩ,cao tuổi đời nhưng tràn đầy sức sống,vươn cánh tay ra giữa giòng Thạch Hãn,như bẩm sinh chỉ đợi mùa hạ đến mà ươm nụ,trổ hoa.Sẽ không còn nghe tiếng ve sầu lánh lót.Sẽ không còn khúc trầm bổng bài thánh ca vang vọng giáo đường hay tiếng chuông chùa ngân nga trong đêm vắng.Vâng.Chỉ có những tiếng kẻng khô khan,rùng rợn như gọi hồn từ cõi xa xăm.Kẻng họp dân.Kẻng báo động.Kẻng ăn chia công điểm.Kẻng tập trung đi làm thủy lợi…
Tôi đã có những ngày sống-đây-như-chết-rồi.Những tháng ù lòa câm điếc.Những năm cày-sâu-cuốc-bẫm, úp mặt xuống ruộng đồng để nhìn thấy giọt sương mai hy vọng mỏng manh loãng tan dần trong con nước cáu.

Tôi lại trở về chốn cũ,thành phố tỉnh lỵ nay đã thay họ đổi tên.Khoảng trăm gia đình cũng làm nên thị trấn.Những tên đất,tên làng đều bị xóa đi.’ Cách mạng là phải triệt để’ Thế nên những người chiến thắng thản nhiên đào bới,san ủi hết nghĩa trang của quân đội cọng hòa ( tại Quảng Trị ).Họ đào mồ,cuốc mã Tổ tiên ( có khi là mồ mã của chính người cọng sản ),triệt hạ đình,chùa,miếu vũ,giáo đường,những nhà thờ Họ,phái…Có phải hào quang chiến thắng đã làm mờ lương tri,hay thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là phải làm như vậy ?Nhưng những điều sờ sờ trước mắt như thế không nguy hại cho thế hệ mai sau bằng những gì mà người cọng sản dạy cho con em ở trường học.Những sách giáo khoa dạy cho học trò cấp tiểu học đa phần là tập trung phỉ báng tôn giáo,coi tôn giáo là thuốc phiện không nuôi sống được con người.Tin theo tôn giáo là không có gì để ăn,theo cách mạng là có tất cả. Qua bài tập đọc “chị út Tịch mang bầu đi đánh Mỹ’ và những bài toán cọng trừ nhân chia lớp 3,4 sự thù hận đều đổ dồn lên đầu lính Mỹ và ‘lính ngụy sài gòn ‘.Bài học đầu tiên mà chế độ dạy cho những công dân tương lai của đất nước là sự dối trá và thù hận thì việc cán bộ cọng sản khoe với đồng bào miền Nam,với tù nhân ở các trại tập trung cải tạo rằng- quân đội nhân dân có những máy bay Mig tân kỳ,bay lên lên không trung rồi tắt máy,núp trong mây chờ và tiêu diệt hàng trăm máy bay B52,buộc Mỹ phải rút quân và ký kết hiệp định Paris 1973- là điều có thật,không khoe khoang thêm bớt chút nào.

Tôi trở về Quảng Trị,cùng hòa chung cuộc sống với chế độ mới trong thời bao cấp.Thời-bao-cấp có nghĩa là nhà nước-đảng cọng sảnVN-là chủ nhân ông toàn diện,toàn trị.Chủ nhân ban phát mọi thứ cho cán bộ và nhân dân ( trừ công dân của Việt Nam Cọng Hòa ) dựa trên hai yếu tố: hầu bao của ông chủ có được là bao nhiêu và đối tượng được ban phát nhiều hay ít.Quản trị đất nước bằng kiến thức rừng rú,bắt- ốc- mò- cua nên kinh tế trở nên kiệt quệ.Hầu bao của ông chủ trở nên nhẵn nhụi,trống trơn nên đảng cọng sản mới bày trò thửnghiệm đổi mới,chuyển từ bao cấp qua kính tế thị trường,nhưng vẫn định hướng theo xã hội chủ nigh. Quá trình đổi mới chồng chéo và lòng vòng như phim truyện kiếm hiệp nhiều tập của Hồng Kông.Nhờ thế mà nơi tôi đang ở -thị trấn Triệu Hải -được nâng cấp thành thị xã Quảng Trị.Thị xã Quảng Trị là thị xã duy nhất thuần túy nông nghiệp,bởi tài nguyên là đất đai,ruộng đồng của hai làng Trí Bưu và Thạch Hãn.Bao cấp hay đổi mới thì tài nguyên của đất nước,ruộng đất nhà cửa ngay cả sinh mạng con người vẫn là của đảng cọng sản.Khác một điều là thành phần không được nhà nước bao cấp (những người dân miền Nam ) có cơ hội tự bươn chải,mưu sinh. Ít còn cảnh ngăn-sông-cấm-chợ hay phải xếp hàng dài dài để chờ được bố thí tem phiếu thực phẩm và cũng thưa vắng dần những hồi kẻng như gọi hồn từ cõi xa xăm.

Ngày nay Quảng Trị đã có những phố xá,nhà lầu hai ba tầng.Chợ Quảng Trị to lớn hơn ngày trước chưa bị chiến tranh xóa trắng.Quán xá,nhà hàng mọc lên như nấm.Quán bia ôm. Quán cà phê đèn mờ.Nhà bán sách.Tiệm vàng. Đường phố đã được tráng nhựa,tuy vậy bụi đất vẫn bay mù mịt mỗi lần xe qua.Những con đường thị xã đầy ắp xe đạp,Honda,xe công nông và trâu bò thả rong.Thị xã trần trụi không một bóng cây.Nếu không có hàng tre xanh bên kia bờ Thạch Hãn-dáng dấp xưa của Quảng Trị thuở nào-thì quả thật thành phố bây giờ trông hỗn tạp và mất cân đối biết là dường nào.Nhờ đổi mới đời sống dân chúng có phần khởi sắc,nhưng đói thì chưa xóa được,nghèo không giảm mà lại tăng lên.Sự chênh lệch giàu nghèo giữa cán bộ và dân chúng quá ư rõ rệt.Một chàng cán bộ hạng xoàng,có thể chỉ mới tò te nhập đảng,thế mà vẫn nghênh ngang, đồng-hồ-xe-máy, ăn nhậu say xỉn suốt ngày,ném tiền qua cửa sổ,trong khi chị hàng xén,hay bà xã viên hợp tác xã nông nghiệp làm việc quần quật cả ngày vẫn không kiếm đủ tiền mua gạo cho con.Có thể đời sống dân quê ở các huyện xã khác của Quảng Trị trong thời đổi mới cũng tương tự như thị xã mà thôi.Dầu vậy,người dân Quảng Trị vẫn tập trung xây dựng lại Đình,Chùa,Giáo đường và các nhà thờ Họ,Phái,lăng mộ Tổ Tiên mà sau tháng tư đen 1975 đảng cọng sản Việt Nam cho lệnh triệt hạ, đập phá đi “một cách triệt để’.

Sức đề kháng đối với loại văn hóa Đỏ của người Quảng Trị tuy âm ĩ mà mãnh liệt vô cùng.Sự phản ứng và cách thể hiện phản ứng của họ quả là thâm thúy.Hóa ra truyền thống nhân nghĩa, đạo lý Việt Nam có sức cuốn hút đặc biệt.Ngày nay những “cán bộ cách mạng “ cũng đã đi lễ chùa,tham dự những sinh hoạt cúng tế của làng,họ.Sự sinh hoạt của các tổ chức Tôn Giáo như Gia đình phật tử,Con cái Đức Mẹ,Thiếu nhi thánh thể,Ca đoàn hồi sinh,năng động,nhộn nhịp trong khi hoạt động của đoàn thanh niên cọng sản,những đội cờ đỏ sao vàng ngày càng lụn tàn,vắng vẻ dần đi.Các sinh hoạt hội làng,cúng giỗ,tảo mộ hồi sinh trở lại như thời Việt Nam Cọng Hòa.Tiếng nói của tôn chỉ Làng ( trưởng làng ) và các trưởng tộc có trọng lượng,uy tín hơn cán bộ, đảng viên cấp thôn xã.Quảng Trị,quê hương tôi vào những năm 1993,94 là vậy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở đây.Tôi đã trở về và rời đi.nữa thân quen,nữa xa lạ,bập bềnh như cơn lũ ngàn phương mang theo những bọt bèo lau sậy.Cho đến bây giờ thật sự tôi đã xa Quảng Trị đến nữa vòng trái đất.Nhớ chiều nào trên chuyến tàu xuôi Nam,bắt đầu một lần xa xứ,lòng tôi đau như dao cắt.Tôi đã bỏ lại nơi Quảng Trị dấu yêu mồ mả cha ông,người thân,tình thân,xóm làng và bạn bè,chiến hữu đã một thời kề vai trên chiến tuyến.Tôi đã bỏ lại nơi đây bao nhiêu vui buồn,cay đắng xót xa.Tôi đã quyết định ra đi chưa hẳn bởi sự quyến rủ của niền đất hứa mà kỳ thực để cho thế hệ con em thoát ra khỏi vòng hệ lụy ba đời oan nghiệt,thoát ra khỏi làn ranh nghiệt ngã mà người cọng sản đã phân ranh,vẽ ra trong lòng dân tộc từ những cuộc đấu tố khủng khiếp sau năm 1954 tại miền Bắc và những đòn trả thù thâm độc đối với miền Nam sau 1975.Ngẫm lại sự chọn lựa của thế hệ chúng tôi ở vào tuổi thanh niên- giữa làn ranh Quốc gia và Cọng sản-quả là đúng đắn.Là những người lính tác chiến luôn đứng đầu tên mũi đạn,chưa hề toan tính điều được mất thì chính nghĩa hoặc không chính nghĩa nào có ích gì.Vã chăng sau 1954,bằng đội quân chuyên chính vô sản từ miền Bắc-khối cọng sản quốc tế-xâm lăng Việt Nam Cọng Hòa là điều có thực. Vậy thì bảo vệ Tổ quốc để em thơ ngày hai buổi đến trường, để ruộng đồng ngát xanh màu lá mạ, đó không phải là thể hiện lòng yêu nước sao.

Quảng Trị vết dao đỏ,chia thân thể da vàng mà giòng Bến Hải vẫn tự nhiên như con nước trôi về biển lớn.Vết chém đau thương tạm gắn liền thịt da nhưng bên trong vẫn còn nhiều sóng ngầm,mưng mủ.Lịch sử Việt Nam đã có đôi lần chia cắt,nên sự thống nhất quả là khát vọng ngàn đời của dân tộc.Nhưng thống nhất không phải là cuộc cướp cạn thô bạo với những đòn trả thù quá ư hung hiểm.Sự thống nhất của Việt Nam ngày nay chỉ là võ bọc đơn điệu bên ngoài khi nhân tâm rệu rã,khi con người mất hết niềm tin lẫn nhau,khi xã hội đầy phân liệt và nghi kỵ,oán thù thì “cao ngất trường sơn “.

Đích thực của sự thống nhất là thống nhất lòng người.Là những người cọng sản phải tự nhận biết những lỗi lầm của mình,những lỗi lầm đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam muôn vàn khốn đốn.Là những người cọng sản phải can cường cạo sạch trong đầu mình những hạt sạn Mác lê đậm đặc và xuẩn động.Phải biết đặt quyền lợi của Tổ Quốc và sống còn của Dân tộc Việt Nam trên quyền lợi của đảng. Đảng cọng sản phải trả lại quyền chọn lựa chế độ và các quyền căn bản khác của con người cho toàn dân.Trong thế nước đang bị Trung cọng kềm kẹp,bây giờ là cơ may để lãnh đạo đảng cọng sản Việt Nam hoà giải được với đồng chí của mình,với đồng bào Việt Nam trong nước,với những người Việt Nam yêu nước thương nòi trên toàn thế giới.Người cọng sản nên biết vận dung nội lực dân tộc để đánh tan giấc mộng bá quyền đại hán của của Tàu như Tổ tiên chúng ta đã làm nên những trang hùng sử ở vào những thế kỷ trước đây.Nếu những người cọng sản Việt Nam ngày nay vì miếng đỉnh chung mà cam tâm làm thái thú cho Tàu thì trong mai hậu chính con cháu của họ sẽ thóa mạ họ bằng những ngôn từ không mấy tròn trịa và hay ho,tỉ như “Đây là những tên bán nước cầu vinh,không xứng đáng manh những giòng họ Việt Nam như Đinh,Lê,Trần,Nguyển…

Đích thực của sự thống nhất là thống nhất lòng người.Là những người quốc gia thôi đừng quá buồn đau.Kết thúc cuộc chiến đối với chúng ta chưa hẳn là sự thảm bại.Nếu chỉ đơn thuần là cuộc chiến ý thức hệ thì trên bình diện toàn cầu quân dân Việt Nam Cọng Hòa đã góp phần xương máu của mình trong việc ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cọng sản,cũng như góp phần làm sụp đỗ chủ nghĩa hoang tưởng đó.Ngày nay người Quốc gia nói chung và người lính cọng hòa nói riêng chống cọng sản bằng thế trận mới.Chống cọng sản là chống độc tài.Người lính cọng hòa chống cọng sản không căn ke bởi những ân oán hận thù quá khứ,không tơ hào đến danh vọng hão huyền mà chính làm sao để đồng bào trong nước có được nhân quyền như các dân tộc khác trên thế giới.Thế trận mới là chính nghĩa phải thắng gian tà.Là ánh sáng phải xua tan bóng tối.Là nụ hồng tươi dân chủ phải được sinh sôi,nẩy nở trên xứ độc tài sỏi đá cằn khô.

Vấn nạn chính là hiện nay đất nước và dân tộc Việt Nam đang bị Trung cọng khống chế,xâm lấn.Chủ quyền thật sự của đất nước ta đang trong tay những đại hán Tàu,hay tài phiệt tư bản đang coi Việt Nam như miếng mồi ngon,tha hồ vo tròn,bóp méo.Chúng ta Việt Nam máu đỏ da vàng.Chúng ta Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến. Đã đến lúc những người Việt Nam lột bỏ hết những võ bọc bên ngoài,cùng góp sức đưa con thuyền Việt Nam vượt qua vấn nạn,sóng dữ và bão ngầm.

Ai trong chúng ta khẳng định một trăm con trong truyền thuyết mẹ Âu Cơ không một lần gặp lại ?

Colorado tháng 12.2012
BẢO NGUYÊN

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.