Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Hai người mẹ

Khi đất nước tôi không còn giết nhau
Mẹ già lên núi, tìm xương con mình…”
Trịnh Công Sơn

Sau Tết Đinh Hợi (1947), “mặt trận Quảng Trị” (1) vỡ. Ấy là Tây từ Huế đánh ra, chiếm thị xã, lính Vệ Quốc Đoàn thua, rút ra khỏi thành phố.

Trước đó, dân chúng ở đây đã tản cư hết, theo lệnh của Việt Minh đưa ra hồi cuối năm 1946, trước ngày “toàn dân kháng chiến” (1). Mẹ tôi dẫn 8 người con, bốn trai bốn gái cùng ông anh rể đầu chạy về miền quê. Cậu (tức là thân phụ tôi), không theo gia đình, mà theo “cơ quan”. Cơ quan của cậu tôi là sở Học Chánh tỉnh.

Sau khi mặt trận vỡ rồi, lệnh của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh yêu cầu tất cả các cơ quan hành chánh rút ra Thanh Hóa, thuộc Liên Khu Tư.

Có lẽ nghĩ rằng cậu tôi sẽ ra Bắc theo cơ quan nên mẹ tôi cũng dẫn anh em chúng tôi rời Chợ Cạn, chạy tới làng An Cư rồi từ đó đi thuyền theo sông Hiếu Giang, rẽ qua sông Hiền Lương mà ra Vĩnh Linh. Từ đó gia đình tôi sẽ ra Thanh Hóa, hy vọng chúng tôi sẽ sum họp ở đó.

Đến làng Huỳnh Công, toàn thể gia đình tôi tạm trú tại nhà một ông đảng viên Cộng Sản. Ông chủ nhà có bà con với ông Trần Công Khanh, chủ tịch Ủy ban Hành Chánh Trung Bộ đầu tiên.

Làng An Tiêm và làng Huỳnh Công nổi tiếng là “hai làng Cộng Sản” (theo cách gọi hồi trước năm 1945). Làng Huỳnh Công nằm trên một ngọn đồi. Từ trong làng đi xuống hết con dốc đất đỏ là tới ngay chợ Phủ. Chợ nằm bên cạnh một con sông tôi không nhớ tên. Chợ là một khoảnh đất nhỏ, lèo tèo mấy cái quán lá, chẳng thấy ai buôn bán gì.

Từ Huỳnh Công đi ra Bắc, người bộ hành phải qua một vùng có tiếng “dữ dằn” trong lịch sử. Đó là một cái truông cát rộng và hoang vắng, có chỗ cây cối um tùm, dân địa phương gọi nôm na cái truông ấy là Hạ Cờ (2). Sách sử thì gọi truông nhà Hồ.

Truông nhà Hồ là phần cực Bắc tỉnh Quảng Trị, sát ranh giới tỉnh Quảng Bình.

Ca dao có câu:

Dường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Đang khi gia đình tôi trú ngụ tại Huỳnh Công thì có tin Tây đổ bộ lên Đồng Hới, con đường ra Thanh Hóa coi như bị cắt, không đi được. Bấy giờ lại có tin các “cơ quan” giải tán. Mẹ tôi cùng các con ở lại đó chờ tin cậu tôi.

Thời gian gia đình sống ở Huỳnh Công không lâu, chỉ mấy tháng, nhưng tuổi thơ cua tôi có nhiều kỷ niệm với nó.

Bấy giờ đã cuối xuân nhưng trời còn lạnh lắm. Mỗi khi muốn đi tắm, tôi phải xuống cái “giếng mội” ở dưới chân đồi. “Giếng mội” là loại giếng phun, nước nóng, vừa đủ ấm khi dội lên người. Nhưng khi dội nước xong rồi, gió bấc thổi đến lạnh cóng, tím da. Thứ hai là con đường đất đỏ từ làng xuống chợ Phủ, trơn trợt. Tôi cũng đã có lần té khi đi trên con đường dốc nầy.

Dân làng Huỳnh Công nghèo lắm. Công việc tôi thường thấy người dân làm là vô rừng chặt những giây leo dài, to bằng ngón chân cái, đem về đập dập, đánh xoắn lại thành giây, bán cho dân chài. Nghề thứ hai là trồng sắn, tức là khoai mì. Khoai mì nhổ về, xắt lát phơi khô, cất vào lẫm. Nghề thứ ba là trồng mít và hồ tiêu. Trồng mít để lấy trái, lấy gỗ và trồng hồ tiêu bên cạnh gốc mít. Giây tiêu bám vào cây mít mà leo lên cao, trái rất sai.

Bấy giờ hột tiêu đã lớn, nhưng chưa già lắm nên người ta chưa hái. Tuy nhiên, cũng đã có những hột tiêu già, võ từ màu xanh chuyển sang mầu vàng, mầu đỏ, đỏ sậm rồi rụng xuống đất.

Mỗi sáng, tôi thường đi theo chị Miên, con bà chủ nhà ra vườn, lượm những hột tiêu già đã rụng xuống đất, cũng như hái những hột tiêu đỏ, vàng còn ở trên giây. Các hột tiêu nầy đem phơi khô, chà tróc võ, chỉ còn cái sọ của hột tiêu, gọi là tiêu sọ. Tiêu sọ dùng làm thuốc, hơn là để ăn.

Gia đình chị Miên chỉ có ba mẹ con: Mẹ chị và một đứa em gái, khoảng sáu bảy tuổi. Cha của chị, là đảng viên đảng Cộng Sản đã theo ông Trần Công Khanh ra Thanh Hóa, trước khi “mặt trận Quảng Trị vỡ” ít lâu.

Chị Miên khoảng 18 tuổi, cùng tuổi với anh cả tôi. Anh cả tôi nguyên là trưởng ban “thiếu niên liên lạc” của trung đoàn 95 Vệ Quốc Đoàn. Khi Tây đánh ra Quảng Trị, đơn vị tan tác, anh tôi tìm về với gia đình, cùng chạy tản cư.

Có lẽ sự quan hệ giữa chị Miên và ông anh cả của tôi là do hai người cùng tuổi, đầu tiên là qua một tập thơ. Nhà chị Miên có một tập thơ chép tay thơ của Tố Hữu. Anh cả tôi mượn đọc và thuộc lòng một bài thơ tôi không nhớ tên, nhưng nhớ được mấy câu:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu.
Dấn thân vô là phải chịu tù đày.
Là gươm kề tận cổ súng kề tai.
Là thân sống chỉ coi còn một nửa…”

Sau khi hai người quen nhau, mỗi buổi sáng, tôi không còn đi lượm hột tiêu rụng với chị Miên nữa. Anh cả tôi và chị ấy cùng đi nhặt hội tiêu với nhau. Họ vừa đi vừa nói chuyện. Vườn tiêu rộng lắm, nhiều khi họ đi sâu vào vườn, mất hút, không thấy bóng dáng ở đâu, chỉ nghe hai người chuyện trò cười nói với nhau.

Mẹ tôi cũng như bà chủ nhà nghĩ rằng hai người phải lòng nhau. Một hôm, mẹ tôi nói:

– “Mai mốt yên rồi thì tui về tỉnh (tỉnh lỵ – tg). Chị cho con Miên về làm dâu tui.”

Bà chủ nhà cười, nói:

– “Con tui lớn lên ở chỗ quê mùa, không biết về thị xã có biết làm dâu hay không?”

Mẹ tôi nói:

– “Làm dâu chi! Nó có bằng “ri-me” (3) thì cậu mấy đứa xin cho đi dạy. Không ưng đi dạy thì ra chợ mở một cửa hàng mà buôn bán. Con gái tui lấy chồng, bắt thằng chồng đi theo vợ, chớ nó có đâu làm dâu!”

Câu chuyện ấy đến tai hai người nên hai người tự do hơn, chuyện trò với nhau ngay trong nhà, không tránh né như trước đó.

Vậy mà rồi cha chị Miên về bất thần, ở lại một đêm. Sáng ra, ông trở ra Thanh Hóa rất sớm, đem cả chị Miên đi theo. Anh tôi biết rằng ông chủ nhà bảo thanh niên phải ra hoạt động cách mạng, không được du dú ở nhà. Tuy nhiên, anh tôi cũng biết thêm rằng ông chủ nhà không muốn con gái ông kết hôn với người thành phố. “Người thành phố thường theo Tây”. Sau nầy lớn lên, nghĩ tới câu nói đó, tôi vẫn cho rằng cha chị Miên có cái nhìn sai lạc, nặng “giai cấp đấu tranh.”

Dân tiểu tư sản thành thị ở quê tôi có rất nhiều người tham gia kháng chiến. Hồi “Nam Bộ Kháng chiến” đã có nhiều thanh niên tình nguyện vào Nam, như anh Khang, anh Mông, có người đi không về. Họ hy sinh đâu trong ấy. Khi Việt Minh nắm chính quyền, cũng có nhiều người hợp tác với họ, như anh Tú Mân (4) ra làm trưởng ty Thanh Niên, sau làm hiệu trưởng trường trung học. Em anh Tú Mân là anh Phạm Ngọc Hồng, làm trung đội trưởng Vệ Quốc Đoàn, bị Tây giết khi anh chỉ huy trung đội chặn đường đánh Tây ở cầu Nhùng. Anh Hồ Ứng Phùng cũng làm trung đội trưởng Vệ Quốc Đoàn. Anh Phùng bỏ Việt Minh sau khi “mặt trận Quảng Trị” vỡ. Các anh Bái, Phục, Tẩu… cũng theo Việt Minh và đi luôn, không thấy ai trở về.

Việc chống Pháp giành độc lập là việc của toàn dân, đâu phải chỉ riêng ai.

Thế rồi gia đình tôi, sau khi không ra Thanh Hóa nữa, bèn quay về làng An Mỹ, huyện Gio Linh. Các “cơ quan” giải tán, cậu tôi cũng tìm về làng nầy, hy vọng gặp gia đình. Được ít tháng, người chị cả tôi qua đời vì bệnh, gia đình tôi lại chạy về Chợ Thuận ở làng Đại Hào. Tại đây, theo lệnh Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh, cậu tôi lên Ba Lòng làm việc lại với cơ quan cũ của ông. Mẹ tôi cũng dắt các con lên theo. Cũng chỉ được một năm, cậu tôi lại qua đời vì bệnh. Đến giữa năm 1948, gia đình tôi hồi cư về lại thị xã.

Bấy giờ ở thành phố, Tây khủng bố thanh niên rất gắt gao. Anh Nguyễn Ấu, anh của Nguyễn Châu, anh Đỗ Nho, em ông Đỗ Phước bị Tây bắt thủ tiêu, bằng cách đem ra vườn hoa thị xã, chỗ bờ sông dốc đứng, bắn chết rồi đạp xuống sông. Nổi tiếng tàn ác nhất thì có tên quan hai Tây (tiếng gọi hồi đó) tên là Chevalier, “xếp”  Deuxième Bureau, và tên Tuilier, chánh sở Mật thám Liên bang.

Anh cả tôi cùng theo gia đình từ chiến khu về, lại từng làm công an Việt Minh nên mẹ tôi rất sợ cho tính mạng ông.

Ở lại quê nhà được ít tháng, anh cả tôi vào Huế, làm chủ nhiệm và chủ bút báo Ý Dân, một tờ báo chống Tây và chống ông thủ hiến Phan Văn Giáo.

Nhân vụ tên Kock, lính Lê Dương ám sát ông Hà Văn Lang, đổng lý văn phòng phủ thủ hiến, Tây mở đợt truy quét, anh cả tôi bị bắt giam. Mẹ tôi, lúc đó gia đình  ở Quảng Trị nhưng phải ở lại Huế thăm nuôi con. Hôm ông “quan một” Lê Nhữ Hùng đến khám tòa soạn tờ báo của ông anh tôi, tại số 11 Trần Thúc Nhẫn Huế, ông thu hết giấy tờ ở đó. Mẹ tôi khóc, xin ông cứu xét, ông ta nói:

– “Con bà làm Việt Minh!”

Tôi không bênh vực hay phê phán việc anh cả tôi “làm Việt Minh”. Thời kỳ năm 1949- 50, “làm Việt Minh” nghĩa là gì, không phải là vì yêu nước, muốn chống Pháp giành độc lập hay sao?

Thế rồi anh cả tôi gị đưa đi giam ở nhiều nơi, ở Deuxièm Bureau, sau giao qua cho Nha Công an Trung Việt. Ở đây lại giao về cho Mật thám Tây. Cuối cùng, anh tôi bị giam tại lao Thừa Thiên, nơi sau nầy cơ sở viện đại học Huế. Mỗi khi bị chuyển nơi giam giữ, mẹ tôi phải đi tìm, xin thăm nuôi, gởi “đồ tiếp tế” tức là thức ăn, suốt mấy tháng ròng.

Lao Thừa Thiên là nơi giam giữ cuối cùng anh tôi, được ít lâu, anh ấy bị thủ tiêu, không biết giết ở đâu, vào ngày tháng nào, cũng không rõ chôn ở đâu!

Mẹ tôi lại đi hỏi thăm tin tức, hết cơ quan an ninh, qua Mật Thám, Công An, nơi nào cũng trả lời không biết.

Cuối cùng thì mẹ tôi đi xem thầy  bói. Thầy bói thì ở ngay đường Hậu Bổ (5), đi coi đồng thì tới “Nhà ông trạng” ở con đường xóm trên dốc Bến Ngự. Có khi mẹ tôi cũng rước đồng về nhà, cúng vái nhờ đồng lên chỉ giúp nơi chôn cất thi thể anh tôi vì mẹ tôi càng lúc càng không hy vọng anh tôi còn sống.

Coi bói, bốc mu rùa, coi bài, thầy lên đồng cũng nhiều nhưng không ai chỉ được chỗ anh tôi nằm ở đâu!

Ở Huế, người ta nói với mẹ tôi Tây thường thủ tiêu người ở Xóm Ruộng (sau nầy là đường Triệu Ẩu), mẹ tôi bèn tới đó hỏi thăm. Chỗ nầy có cây cầu bắc qua một con suối nhỏ, hai bên toàn là ruộng, có nhà cửa ai đâu để hỏi thăm! Có người lại nói Tây cũng thủ tiêu người Đập Đá, mẹ tôi cũng tới tìm. Hai bên đập cũng có nhà dân, nếu Tây có bắn người thủ tiêu rồi xô xuống sông thì cũng làm lúc nửa đêm, có ai dám ra khỏi nhà mà biết gì. Mẹ tôi cũng đành chịu. Lại nghe nhói Tây thủ tiêu người ở cầu ga xe lửa, hai bên đầu cầu chỉ có đồn lính gác, mẹ tôi có hỏi han gì ai được đâu!

Thất vọng trở về, mẹ tôi khóc hằng đêm vì thương con, khóc đến nỗi hai mắt mẹ tôi đỏ hoe. Mắt mẹ tôi kèm nhèm thật, hai viền mắt hình như bị lở loét. Mẹ tôi cũng có dùng nhiều thuốc điểm mắt, nhưng không bao gờ lành được.

Ấy là chuyện mẹ tôi đi tìm xác con!

Sau tháng Tư- 75 được ít lâu, một người đàn bà mang dép râu, đội nón cối, áo sơ mi cụt tay, quần đen, đến tìm mẹ tôi ở Saigon. Người đàn bà ấy nói:

– “Con đi tìm mợ suốt từ Quảng Trị vô đây. Vô thị xã, thị xã tan hoang hết cả, vắng hoe, không còn ai ở đó cả, chỉ có mấy gia đình làng Thạch Hãn mới dọn về. Họ biết mợ, cho địa chỉ ở Huế. Con đi Huế, người ta nói mợ ở Saigon, cũng cho địa chỉ. Con đi Saigon.”

Mẹ tôi hỏi:

– “Chị là ai mà tìm tui?”

Người đàn trả lời:

– “Chắc mợ không quên hồi tản cư ra làng Huỳnh Công?”

Mẹ tôi không quên thật. Mẹ tôi ôm người đàn bà ấy mà khóc:

– “Miên! con là Miên?”

Người đàn bà trả lời:

– “Dạ! Con là Miên.”

Mẹ tôi giữ người đàn bà ấy lại với mẹ tôi, chuyện trò với chị. Mẹ tôi hỏi:

– “Hồi đó con ra Thanh Hóa rồi đi luôn?”

– “Không mợ à. Ra ngoài đó con cũng không làm chi cả, Ít lâu, con bỏ cha con ngoài đó, về lại Huỳnh Công với mạ con. Mợ với gia đình đã hồi cư rồi. Sau hòa bình, con ở phía ngoài vĩ tuyến, con lấy chồng, vợ chồng con cũng làm rẫy như mạ con!”

– “Được mấy con?” Mẹ tôi hỏi.

– “Dạ hai, một gái một trai. Đứa con trai, năm 1971 bị bắt đi nghĩa vụ”. Chị Miên trả lời.

– “Đã nghĩa vụ mà còn bị bắt gì nữa. Nói nghe buồn cười.” Anh kế tôi đang ngồi nghe chuyện, nói.

– “Không chú à! Nghĩa vụ là người ta nói, còn như thanh niên, ít người tình nguyện, phần đông ai cũng phải đi, không đi cũng không được, ở không yên.” Chị Miên giải thích. “Nó đi bộ đội năm mới 16 tuổi.” Chị Miên nói thêm.

– “Mới 16 tuổi mà đi chi?” Mẹ tôi hỏi.

– “Năm đó, “đảng và nước” cần thanh niên đi Nam nên họ vay. Vay 2 tuổi.” Chị Miên trả lời.

– “Tiền bạc chi mà vay. Vay khi mô trả?” Mẹ tôi nói.

– “Thì họ nói cho có nói. Vay hay không vay, khi bị kêu tới thì phải đi.” Chị Miên nói.

– “Thằng đó là con trai một, không được miễn?” Mẹ tôi lại hỏi.

– “Nó có một chị gái. Trai gái như nhau, nên còn một con gái ở lại là được.” Chị Miên trả lời. Một lúc sau, chị nói:

– “Nó đi được hơn một năm thì nghe người ta nói nó tử trận, đâu ở Long Khánh. Khi đó nó cũng chưa tới 18 tuổi.”

Mẹ tôi thở dài, có vẻ buồn. Có lẽ mẹ tôi nghĩ tới mấy người con chết trẻ của mẹ tôi. Anh Thạnh tôi thì bị Tây thủ tiêu năm 21 tuổi. Hùng móm thì tử trận hồi năm 1972, khi nó 28 tuổi. Bỗng mẹ tôi hỏi:

– “Người ta không báo tin?”

Chị Miên trả lời, giọng nói buồn, như đang nghẹn khóc:

– “Không báo tin chết, không có tin tức chi cả. Sau “giải phóng” mấy đứa bạn cùng quê với nó về nói lại mà thôi.”

Mẹ tôi hỏi:

– “Bây chừ con đi tìm con?”

– “Dạ! nghe nói chết ở Long Khánh, cũng rán đi tìm cốt mà đem về!”

Mẹ tôi nói như than:

– “Chết trong núi, chôn trong rừng, biết chỗ mô mà tìm con ơi!”

– “Cũng phải đi thôi mợ à! Thương con, lòng không nguôi được.”

– “Đất khách quê người, thôi để mạ để mấy đứa chở con với mạ đi Long Khánh một chuyến coi thử.”

Thấy mẹ tôi đổi cách xưng hô là mạ, có lẽ đó là do sự thông cảm giữa những người mẹ với nhau, chị Miên vui hơn một chút, nói:

– “Phải chi con không đi Thanh Hóa, con đã làm dâu mạ rồi.”

Mẹ tôi chỉ cười.

Mấy bữa sau, ông anh tôi thuê chiếc xe hơi nhỏ, lên Long Khánh, vào Ủy Ban Nhân Dân hỏi thăm. Chẳng ai giúp đỡ gì cho chị Miên được.

Anh kế tôi nói:

– “Chị ăn mặc theo kiểu bộ đội mà cũng chẳng ai giúp đỡ chi!”

Chị Miên nói:

– “Ngoài đó kỳ cục lắm, ăn bận thường, không ai coi ra chi! Tưởng vô đây người ta “vị tình” mà cũng chẳng được chi!”

Trên đường về, mẹ tôi nói: “Mấy ông “cách mạng” nầy, tình nghĩa gì đâu!”

Hôm sau, anh tôi than với mẹ:

– “Nhà có người mặc đồ bộ đội đi vô đi ra, hàng xóm người ta không ưa. Người ta tưởng mình lấy bộ đội ra mà hù dọa xóm làng. Họ tưởng mình theo đuôi Dziệt Cộng.”

Mẹ tôi nói:

– “Theo đuôi chi! Hắn cũng bị bắt con đi lính, chết không biết xác ở đâu! Một đời mạ gian khổ vì mấy đứa con, khóc cho mấy đứa con. Nghĩ tới mình nên mạ thương nó cũng khổ như mạ. Người làm mẹ dễ thông cảm người làm mẹ con à!”

Thương chị Miên, mẹ tôi cùng đi với chị Miên lên Long Khánh mấy lần nữa, lần mò tới vùng núi Chứa Chan là nơi chị nghe mấy đứa bạn con chị kể lại chỗ đánh nhau và chết chôn ở đó, ở trong rừng. Cũng không có kết quả gì. Chị đành khóc mà về lại làng cũ.

***

Năm 1977, từ trại “tù cải tạo” Suối Máu, tôi bị đưa về trại “tù cải tạo” Xuân Lộc, Z30-A, trại B, là “trại cây”, cách đồi Phượng Vĩ khoảng hai cây số. Trại trên đồi gọi là trại A.

Tôi ở đội 19, đội trưởng là cựu đại úy Trương Đình Gòn, quản giáo tên Chinh, tôi không biết họ.

Suốt mùa hè năm đó, chúng tôi chặt cây, phá rừng, gom cây lại, đốt, chuẩn bị đất, chờ mưa tới thì trồng bắp.

Khi dọn rừng, thấy khoảng hơn một chục chỗ đất hơi khác, anh em trong đội chúng tôi đoán là mộ. Chỗ nghi có mộ, mặt đất có lẫn lộn sỏi và đất đỏ. Có nghĩa đó là lớp đất ở dưới bị đào lên, khác với lớp đất trên mặt mịn hơn, không có sỏi, do lá cây rừng rụng xuống mà thành.

Nhà thơ tác giả  “Nét Gầy và Mây” Nguyễn Hoàng Thu, người rất ít nói, có lẽ vì lòng bác ái (anh theo đạo Thiên Chúa) tự nhiên hôm đó “cóc mở miệng” về chuyện mấy ngôi mộ với Dương Tiến Đông. Đông, người năng nổ, hoạt bát, cũng hay thương người, tới nói với quản giáo Chinh:

– “Tui nghĩ mấy chỗ nầy có chôn người ở dưới. Chắc là cán binh “cách mạng”, không phải lính Cộng Hòa. Trung đoàn đóng trên đồi Phượng Vĩ, cách chỗ nầy có bao xa, nên họ không bỏ xác lại đây đâu. Đây là lính “cách mạng”, tui nghĩ nên cải táng họ.”

Cán bộ Chinh trả lời:

– “Chết thì thôi, biết bao nhiêu người bỏ thây trên Trường Sơn, ai cải táng cho.”

– “Vậy thì cứ cuốc đất lên, trồng bắp lên trên.” Đông hỏi, vẻ bực mình, bất mãn.

– “Coi như không có gì hết, cứ thế mà làm!”

Đông la to cho mấy anh em trong đội cùng nghe: “Cứ cuốc lên hết, trồng bắp cho mau tốt.”

Xong, anh quay ra nói riêng với vài người bên cạnh:

– “Tụi nầy chó má thật”

Câu chuyện ở trại tù làm tôi nhớ tới chị Miên đì tìm xác con.

Không cách nào để chị có thể tìm được xác con chị được, cũng giống như ngày trước mẹ tôi đi tìm xác anh tôi vậy. Trong khổ đau và lòng mẹ thương con thì ai cũng như ai!

Tuệ Chương Hoàng Long Hải

(1) Nói theo danh từ thời ấy.

(2) Hạ cờ là tên một thôn, cũng là tên truông nhà Hồ, thuộc làng Hồ Xá. Cả hai địa danh nầy đều thuộc phủ Vĩnh Linh. Tục truyền khi quân của vua Quang Trung, đi qua thôn nầy, theo con đường giữa hai hàng tre dày đặc nên phải “hạ cờ” xuống. Làng có tên Hạ Cờ là từ tích ấy. Lại có người bảo, khi quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đem quân ra đánh dẹp bọn cướp ở đây, cho quân “hạ kỳ” dừng chân ở đây, nên thôn nầy mới có tên Hạ Cờ. Nhờ công dẹp giặc cướp của quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng, nên tiếp bốn câu ca dao trên thì có lời đáp:

Phá Tam giang ngày rày đã cạn                   
Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên

          Câu ca dao là “Đường vô xứ Huế…” Dziệt Cộng sửa là “Đường vô xứ Nghệ…” là do bọn “văn nô” bày đặt ra trong chủ trương “sưy tôn lãnh tụ” đấy!

(3) “Primaire Certificat, bằng tiểu học thời Pháp thuộc.

@quanvan

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.