Truyện ngắn

Cõng nhau trong một cõi người

Năm tôi mười tuổi, hôm nào tôi cũng lên chùa để nghe sư thầy giảng kinh Phật và nói chuyện pháp. Mái chùa làng tranh tre nứa lá. Tịnh thất của thầy chỉ là một căn phòng nhỏ kế bên chánh điện. Thầy mặc chiếc áo tràng màu nâu cánh gián, đi một đôi dép lào hai quai mộc mạc. Mỗi lần tôi lên chùa, thầy thắp một tuần nhang, cử một hồi chuông, tôi quỳ vái ba lần. Sau đó hai thầy trò vào phía trong tịnh thất, ngồi xếp bằng, đối diện nhau.

Tôi nhớ nhất một câu chuyện thầy kể thế này. Thuở xưa có hai vị sư đi hành lễ về. Đến một bờ suối thì hai sư gặp một cô gái đang khóc. Tại vì nhà cô ở bên kia suối, hồi sáng cô đi thì nước cạn, nhưng giờ quay trở về thì nước dâng cao quá nên không lội qua suối được. Vị sư già liền cõng cô gái qua suối rồi cùng với người đồng tu đi về. Khi về tới cổng chùa, vị sư trẻ liền nói với vị sư già: – Này sư huynh, trước lúc đi hành lễ, hai chúng ta đã hứa với nhau là không chạm vào da thịt đàn bà, sao lúc nãy huynh lại cõng cô gái ấy? Vị sư già trả lời: – Ta đã bỏ cô gái ấy lại ở bên suối rồi thế mà đệ vẫn còn cõng cô ấy từ nãy đến giờ hay sao?

*

Gần chùa làng tôi có chị Gái, ba mươi tuổi vẫn chưa chồng. Chị không được đẹp cho lắm! Chị làm nghề cắt cỏ thuê cho một nhà nuôi trâu bò trong làng. Hằng ngày, chị đều đến cắt cỏ quanh nương chùa. Tôi ngồi trong tịnh thất nghe pháp, thi thoảng hương cỏ phả vào một mùi thơm man mác.

Một hôm, cỡ mười giờ đêm rồi, ở nhà thấy chan chán, tôi đi lên chùa xin thầy kể chuyện cho nghe. Hình như hôm nay thầy đi nằm sớm, ngọn đèn trong tịnh thất đã tắt rồi. Tôi đứng ngoài cửa chùa, nghĩ bụng chắc thầy mệt, thôi đừng làm phiền nữa. Bỗng dưng nghe có tiếng sột soạt phía bụi cây sau lưng chùa. Tôi chậm rãi đi đến, nép vào gốc cây chứa, giương mắt nhìn xem. Trời ơi!

Sư thầy đưa tay lần cởi từng chiếc cúc trên áo của chị. Đêm nay là lần đầu tiên trong đời thầy không lần tràng hạt niệm kinh, thay vào đó là lần cởi cúc áo một người phụ nữ. Những hạt cúc áo đã đổi vị trí cho chuỗi hạt cườm. Tôi hoảng hốt quay mặt đi, không dám nhìn bởi không muốn tin vào chuyện đang xảy ra. Đây là sư thầy của mình ư? Người đã dạy cho mình bao nhiêu kinh kệ, bao nhiêu câu chuyện đạo pháp. Mình còn nhớ rõ thầy đã dạy rằng tu sĩ thì không có quan hệ xác thịt với nữ giới kia mà! Tất cả như đổ sụp, hình tượng thầy. Tôi nghe được tiếng của chị và sư thầy.

– Nhanh lên thầy ơi!

– Thầy làm thế này là mắc tội với Phật, là phạm giới con ơi.

– Thầy làm phước giúp con đi. Con chỉ muốn kiếm một đứa con để nuôi. Thầy về già còn có Phật để nương tựa. Chớ con biết lấy ai mà cậy nhờ đây? Sao đàn bà chúng con khổ thế này thầy ơi!

*

Kể từ hôm đó tôi không lên chùa nữa. Tôi thề rằng sẽ không bao giờ gặp thầy nữa. Sư thầy, trong tôi đã không còn là một vị tu sĩ đạt đạo mà là một người quá ư tầm thường. Mười tuổi, tôi như một đứa con nít tự nắn đất sét thành tượng để chơi. Và khi bức tượng ấy bị bể rồi thì mãi mãi sẽ không bao giờ tôi giữ nó làm gì nữa.

Chín tháng sau, chị sinh con. Chuyện không cần tôi kể, người làng cũng biết ai là cha đứa bé rồi. Sư thầy viên tịch sau mười hôm chị sinh con. Buồn quá mà chết? Hay vui quá mà chết? Nhục quá mà chết? Hay ân hận không biết làm sao chuộc gỡ đành phải chết? Chừng nào loài người chưa giải quyết được những thắc thỏm này, chưa dám vượt qua chướng ngại của miệng lưỡi, thì chừng đó con người sống không thanh thản. Chết là giải pháp cuối cùng và khả quan hơn cả để không phải lắng nghe hồi chuông báo tử điểm từng ngày.

*

Câu chuyện này có thật, xảy ra tại một làng quê Quảng Trị, mười năm về trước. Nhân vật chị và đứa bé bây giờ vẫn còn sống. Thời gian sẽ xóa đi mặc cảm cho mẹ con chị, tôi tin là như vậy! Còn sư thầy của tôi, có ai hiểu cho thầy không?

Viết xong truyện này, tôi chợt nhớ đến câu chuyện sư thầy đã kể cho nghe hồi trước. Chao ôi, có phải sư thầy chính là vị sư già đã cõng một người con gái qua sông, đặt đó rồi về. Còn tôi là vị sư trẻ kia, ích kỷ, hẹp hòi, nông cạn. Chính tôi mới là người cõng chị cắt cỏ suốt mười năm qua. Hôm nay tôi đặt chị xuống truyện ngắn này, chính thức trút đi một gánh nặng để thanh thản.

Hoàng Công Danh

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.