Thượng thư Nguyễn Hữu Thận

Những đóng góp về thiên văn và toán học
của thượng thư Nguyễn Hữu Thận

(Lăng mộ Thượng thư  Nguyễn Hữu Thận ở làng Đại Hòa -Ảnh: P.X.D)

Cùng với việc biên soạn sách lịch Hiệp Kỷ, việc hoàn tất bộ “Ý Trai toán pháp” đã đưa tên tuổi Nguyễn Hữu Thận trở thành một trong số không nhiều những nhà khoa học ở nước ta vào thời kỳ phong kiếm còn được lưu truyền đến ngày nay, như đánh giá của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: “Nguyễn Hữu Thận là một người nước ta, trước thời Pháp thuộc, có trình độ toán học khá cao. Ta biết vậy, qua không những áp dụng phép lịch Hiệp Kỷ, mà còn qua một toán thư của ông để lại: Ý trai toán pháp” (Hoàng Xuân Hãn- Lịch và Lịch Việt Nam, Tập san Khoa học xã hội số 9 xuất bản vào tháng 02 năm 1982 tại Pari.)

* LÀM QUAN LÀ ĐỂ “VÂNG MỆNH TRỜI MÀ TRAO THỜI TIẾT CHO DÂN”

Nguyễn Hữu Thận tự là Chân Nguyên, tên hiệu Ý Trai sinh vào tháng 3 năm Đinh Sửu (1757) Tại làng Đại Hoà, tổng An Dã, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong; nay thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gia phả họ Nguyễn Hữu (trước là Nguyễn Phú) còn được một người cháu trực hệ đời thứ 15 lưu giữ ghi rõ: Thân phụ là Nguyễn Phú Điêu làm Huấn đạo – một chức quan chuyên trông coi việc học – say mê cửu chương toán pháp và ham nghiên cứu những chuyển động của thời tiết. Nguyễn Hữu Thận được tâm lĩnh vốn kiến thức ở người cha từ rất sớm. Ông học rất giỏi, nhưng ngược lại với sĩ tử cùng thời, ông không mấy thiết tha với khoa cử. Có lẽ lối thi nặng khuôn mẫu của Tứ thư, Ngũ kinh không hợp với ông. Điều đó cắt nghĩa vì sao ông dồn tâm trí vào toán học và thiên văn bằng con đường tự tìm tòi, nghiên cứu. Ông kể:” Đối với toán pháp, tôi thích quá thành nghiện, mắt thấy sự vật và sách vở gì có mang con số thì tìm phương pháp suy toán, ngày đêm tâm trí không rời ra được, chưa tìm ra thì không để xuống, tìm ra được điều gì thì ghi chép lại”. (Trích lời tựa Ý Trai toán pháp).

Cuộc đời của ông – hoặc được sử sách chép lại, hoặc được lưu truyền – đều là sự ngưỡng mộ của người đời với một tài năng xuất chúng. Sách Đại Nam chính biên chép lại rằng: “Năm 1815, vua Gia Long bàn về thiên tượng nói: Nếu ngày sóc vọng có nhật thực hay nguyệt thực thì nên bãi lễ triều và hạ yến tiệc để tỏ lòng kính sợ . Nhân chuyện Hữu Thận tâu rằng: Tôi đã tính thấy rằng năm Đinh Sửu (1817) tháng 4 và tháng 10 đều có nhật thực. Nguyễn Văn Thăng lại nói rằng: Giáo chủ Gia- tô ra đời đến nay đã 1815 năm. Vua bảo Thận tính xem như vậy là vào đời nào? Thận tâu rằng vào năm đầu niên hiệu Nguyên thuỷ đời Hán Nguyên đế”. Còn dân gian thì vẫn truyền rằng vào năm vua Gia Long chuẩn bị xây dựng lại Bắc Thành (tức thành Hà Nội) đã sai ông tính toán vật liệu, nhân công và thời gian. Chỉ sau một đêm, sáng ra ông đã gửi lên nhà vua bản tính toán từng chi tiết của công trình.

Nguyễn Hữu Thận bước vào chốn quan trường không phải để tìm lợi lộc- mặc dầu rất nhiều lần ông giữ các chức quan đứng đầu một bộ – mà cốt thực hiện cho được ước vọng bình sinh của mình là tiến tới một sự hiểu biết sâu rộng ở hai lĩnh vực toán học và thiên văn. Nếu ở ông có một hoài bảo “Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ) thì cần được hiểu hoàn toàn trên phương diện này. Ông bước vào đời với cái chân Lễ sinh (giúp học quan giữ việc tế tự ở miếu) rồi Thị lang dưới đời Cảnh Thịnh. Sau 9 năm làm việc cho Triều Tây Sơn tại Binh Định, năm 1801 Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân lập nên vương triều mới ông đã ra “hiệu thuận” là muốn có điều kiện để đọc sách và nghiên cứu sâu hơn. Đầu năm Kỷ Tỵ (1809) ông được bổ làm Hữu Tham tri Bộ lại và được cử làm Chánh sứ một phái bộ sang Tàu. Ông hăm hở đón nhận thời cơ. Những ngày tháng ở Bắc Kinh ông vừa “lo gắng sức để làm tròn cho khỏi nhục mệnh vua và phạm danh dự nước”, vừa cất công đi tìm tài liệu. Nhờ vậy ông đã có được bộ Lịch tượng Khảo thành – bộ sách chứa đựng những bí quyết về một phép lịch đúng đắn mà những người làm lịch cùng thời với ông muốn biết để sửa lại lịch nước ta nhưng không sao có được. Nhờ những thâu thập này mà tháng 4 năm Canh Ngọ (1810), khi về nước ông đã vua Gia Long cho sửa đổi lịch với lời tấu: “Vâng mệnh trời mà trao thời tiết cho dân là việc làm đầu khi dựng nước”. Được nhà vua chấp thuận, về sau ông đã bắt tay biên soạn lịch Hiệp Kỷ thay cho lịch Vạn Toàn đang được áp dụng ở nước ta lúc bấy giờ có nguồn gốc từ lịch Đại Thống thời nhà Minh đã hơn 300 năm có quá nhiều sai biệt so với thực tế. So với lịch cũ, lịch Hiệp Kỷ có những cải tiến mới: ngày tiết được báo chính xác hơn; các giờ mặt trời mọc và lặn được căn cứ vào kinh độ và vĩ độ mới quan sát ở Việt Nam nên có sự sửa đổi phù hợp hơn, đáp ứng được yêu cầu phục vụ thời vụ cho nông dân (lịch Hiệp Kỷ do ông biên soạn đước áp dụng cho đến năm 1945). Năm 1821, dưới thời Minh Mạng, ông có thê một đóng góp đáng kể là cùng với Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng “Tâu xin định tiết khí trời hậu ở Đô thành, Gia Định và Bắc thành. Theo kinh độ ở địa lý mà tính giờ mọc lặn của mặt trời và ngày đêm dài ngắn. Ttheo độ cao của Bắc cực của địa điểm mà tính vĩ độ” (Phan Trúc Trực- Quốc sử Di biên, dẫn theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn).

Ở vào thời kỳ phong kiến, những đóng góp của Nguyễn Hữu Thận trong việc cải tiến phép làm lịch, xét ở phương diện khoa học, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó tác động sâu sắc đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân Việt. Ông đã được người đương thời đánh giá “Thiên văn vô xuất kỳ hữu” (Nhà thiên văn không ai sánh kịp).

* Ý TRAI TOÁN PHÁP – “BIẾT ĐÂU HỢP PHỐ MÀ MONG CHÂU VỀ”

Nguyễn Hữu Thận không chỉ am tường về thiên văn mà còn giỏi cả toán pháp. Chính niềm đam mê, đầu óc mẫn tuệ và sự miệt mài đã giúp ông tích luỹ được vốn kiến thức toán học không nhỏ để phát huy đúng sở trường của mình. Suốt thời gian làm quan, giữ các chức: Hộ tào Bắc thành, Thượng thư Bộ Lại, Thượng thư Bộ Hộ, Hiệp trấn Bắc Thành, Thượng thư Bộ Binh… dẫu bân việc triều chính ông vẫn chú tâm nghiên cứu toán thuật. Cho đến lúc về hưu năm 1828, ở tuổi 71 ông đã có những tập bản thảo đồ sộ “Bắt tay duyệt lại, bổ sung những chổ khuyết lược, làm sáng tỏ những chỗ chưa rõ” và hoàn tất bộ Ý Trai toán pháp.

Theo một số nhà nghiên cứu , bộ toán thư của Nguyễn Hữu Thận gồm 8 quyển , trình bày về toán pháp cửu chương như phép phương điền (Đo diện tích ruộng đất, tức hình học phẳng), phép sai phân (chia một tổng thành nhiều phần), phép khai bình phương (tức tìm căn bậc hai), phép câu cổ (tính các chiều trong tam giác vuông), phép phương trình (đại số học), Phép lập phương (tìm căn bậc ba), giải 47 bài toán minh hoạ và nghiên cứu ma phương.

Ma phương là một hình vuông chia đều ra từng ô, trong đó đặt những con số sao cho tổng mõi hàng ngang, dọc và chéo đều bằng nhau. Nó được ứng dụng trong một số vần đề quan trọng liên quan đến việc tính toán. Lý thuyết này trước đó được nhiều nhà toán học trên thế giới nghiên cứu và xác lập; nhưng ở Việt Nam cho đến lúc bấy giờ thi hoàn toàn lạ lẫm. Nguyễn Hữu Thận đã bước vào thế giới bí ẩn của những con số và khám phá được mối liên hệ giữa chúng, như đánh giá của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: “Lần đầu tiên một nhà toán học Việt Nam là ông bàn tới ma phương”. Không chỉ bàn tới mà Nguyễn Hữu Thận còn đi xa hơn một bước là lập những ma phương số ô chẵn; trong khi các nhà toán học nổi tiếng trước đó ở Á, Âu chỉ mới lập ma phương với ô số lẻ.

Xung quanh bộ toán thư này, hiện nay chưa thấy một tài liệu nào cho biết còn được lưu giữ tại Việt Nam hay không. Kể cả Nhà thơ Lương An, người đã giới thiệu nó trong một bài viết, cũng chỉ cho chúng ta biết được tại thư viện gia đình J.P.B Trương Vĩnh Ký chỉ còn bản sao duy nhất về lời tựa của bộ Ý Trai toán pháp do chính Nguyễn Hữu Thận đề tựa mà thôi (Bản này cũng đã được chép lại và lưu giã tại từ đường Nguyễn Hữu ở thôn Đại Hoà, xã Triệu Đại – Xem ảnh).

Gần đây, trong những làn cất công tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Thận, chúng tôi nhiều lần về làng Đại Hoà và được một số vị cao niên tộc Nguyễn Hữu cho biết: trước đây có một bản sao trọn bộ toán thư được lưu giữ tại từ đường Nguyễn Hữu cùng với một số di vật Nguyễn Hữu Thận để lại sau khi ông qua đời (1831). Bộ sách sau đó được chuyển cho Giáo sư Hoàng Xuân Hãn mượn nghiên cứu và rất có thể đã được ông mang theo sang Pháp. Trong thư gửi cho Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề ngày 30/03/1994 ông Nguyễn Hữu Hoà , nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã nghĩ hưu tại Thành phố Huế – Hậu duệ 5 đời của cụ Nguyễn Hữu Thận – trình bày “Thông qua sự giới thiệu và xác nhận của cụ Hoàng Xuân Binh (em ruột Giáo sư hoàng Xuân Hãn, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh- T.G chú thích) tôi xin đề đạt với Giáo sư một việc như sau: Chúng tôi được biết khi Giáo sư còn công tác tại Việt Nam, người trong họ tôi là cụ tú tài hán học Nguyễn Hữu Hiệt ở Quảng Trị (nay đã quá cố) có đưa lên Giáo sư mượn bộ sách “Ức Trai toán pháp nhất đắc lục” (chữ Ý ở đây còn có thể đọc thành Ức theo cách đọc của họ Nguyễn Hữu – T.G chú thích) của cụ Nguyễn Hữu Thận do ông chú ruột tôi là cụ cử nhân Hán học Nguyễn Hữu Tựu (cũng đã quá cố) sao biên. Chúng tôi được biết Giáo sư đã nghiên cứu, sử dụng một số tài liệu trong bộ sách để viết bài …Họ chúng tôi đang sưu tầm các tài liệu về cụ Nguyễn Hữu Thận, vì vậy chúng tôi tha thiết xin Giáo sư gửi về nước cho chúng tôi được nhận lại bộ sách nói trên để lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu”. Còn đây là nội dung bức thư của ông Nguyễn Hữu Hanh (ông Hanh cũng là hậu duệ 5 đời của ông Nguyễn Hữu Thận, từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng dưới chế độ cũ, hiện đang sinh sống tại Mỹ) gửi cho ông Nghiêm Xuân Hải con rể và cũng là người trông coi thư viện gia đinh sau khi Giáo sư Hoàng Xuân Hãn qua đời:” Ông Hiệt, em chú bác cha tôi, đã trao cuốn sách “Ức Trai toán pháp” do ông nội tôi, cụ Nguyễn Hữu Thận viết ngày xưa, cho cụ Hoàng Xuân Hãn là thầy tôi , mượn để nghiên cứu viết sách. Các bà con trong gia đình và các vị hưu lão làng tôi có nhờ tôi viết thơ xin ông vui lòng gởi lại cuốn sách cho làng tôi để thờ. Việc này rất quan trọng đối với cả họ hàng, gia đinh làng mạc chúng tôi “.

Chúng ta chưa bết mức độ chính xác vấn đề được hai vị cao niên họ Nguyễn Hữu trình bày ra sao; nhưng qua những gì mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu – kể cả ở trong lẫn ngoài nước – liên quan đến bộ toán thư này, thì chắc chắn rằng ông đã tận mắt đọc và nghiên cứu rất cặn kẽ Ý Trai toán pháp. Và điều này cũng đã được ông Nghiên Xuân Hải suy luận trong bức thư trả lời ông Nguyễn Hữu Hanh: “Nếu ông Hãn có mượn quyển “Ức Trai toán pháp” thì cũng trong giai đoạn trước chiến tranh 1944- 1946, khi ông còn khảo cứu về lịch. Ông có vào thăm Ty Khâm Thiên Giám vào năm 1943, và theo cách làm việc của ông, tát nhiên ông có đến thăm con cháu cụ Nguyễn Hữu Thận vì cụ đã có nhiều công trình về lịch Việt Nam và đã được Vua giao trách nhiệm quản lý Khâm Thiên Giám”. Nhưng ông Hải vẫn đắn đo là trong kho sách của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn để lại còn lưu giữ bộ toán thư này hay không: “Việc này tôi hơi thắc mắc…Trong trường hợp ông còn lưu giữ một tài liệu quan trọng như “Ức Trai toán pháp”, theo sự hiểu biết của tôi, tất nhiên ông đã trả lại. Trừ phi vì một lý do vật chất như chưa tìm ra trong tủ sách của ông. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như ông Hoàng Xuân Hãn đã làm từ xưa đến nay: Các tài liệu quý thì hết sức giữ gìn và trao trả cho gia đình khi chắc chắn gia đình đồng ý cử người nhận và sẽ tiếp tục bảo quản tốt…Hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy quyển sách kia và cũng không biết có ở trong tủ sách hay không. Nếu tìm ra, tất nhiên chúng tôi sẽ trao trả cho gia đình, qua tay người hậu duệ tin cậy nhất”.

Như vậy, hiện nay vẫn chưa rõ bộ toán thư duy nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến của một nhà toán học – mà theo như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn – thì phong thái và phẩm chất không thua kém gì Từ Quang Khải ở Trung Quốc- có còn được lưu giữ ở đâu đó hay không. Việc truy tìm lại tài liệu quan trọng như vậy xem ra không còn là việc riêng của dòng họ Nguyễn Hữu nữa.

Nguyễn Hùng
@vanchuongviet

Bài đọc thêm :
Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận, đào sông Vĩnh Định

This entry was posted in Nhân Kiệt and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.