June Huh/Fields 2022

Nhà toán học Nam Hàn June Huh,
được giải thưởng Fields năm 2022

Trong các nhà toán học được giải thưởng Fields năm 2022, nhà toán học Nam Hàn June Huh là một trường hợp thú vị. Thời phổ thông ông học toán cũng làng nhàng, nghỉ học sau khi tốt nghiệp phổ thông một vài năm để đeo đuổi mơ ước thành thi sĩ. Ở đại học ông không biết phải theo đuổi nghành gì. Rồi do tình cờ vì muốn viết bài phỏng vấn một nhà toán học Nhật Bản Hironaka được giải Fields, ông tham dự một khoá toán của Hironaka, và được Hironaka nhận ra tiềm năng toán học của ông. Khi xin học tiến sĩ ở Mỹ dù được thư giới thiệu rất nhiệt tình của một nhà toán học lớn, nhưng do thành tích học tầm thường nên Huh chỉ được một trường đại học không nổi tiếng lắm nhận vào học. Trong lúc nghiên cứu cho luận án tiến sĩ, Huh giải được một bài toán nổi tiếng nên được một đại học nổi tiếng hơn nhận vào để tiếp tục nghiên cứu. Nhiều nhà toán học làm việc chung với Huh nhận xét là đôi lúc tưởng Huh không chuyên về toán vì có những thứ cơ bản rất đơn giản mà Huh lớ ngớ không biết gì, nhưng sau một thời gian nghiên cứu Huh hiểu sâu hơn mọi người về vấn đề đó.

Những câu chuyện hơi lạ thế này lại không lạ trong các xã hội tự do. Einstein chẳng hạn học hành không xuất sắc, kỹ năng toán học không cao, nhưng ông làm thay đổi cả nghành vật lý hiện đại. Nhà toán học Edward Witten tốt nghiệp đại học môn lịch sử và ngôn ngữ học, theo đuổi chính trị một thời gian ngắn, rồi trở lại học môn vật lý lý thuyết, và nhận được giải Fields, vì những cống hiến của ông trong vật lý lý thuyết lại giải quyết được những vấn đề quan trọng trong toán học. Rất nhiều nhân tài học hành không xuất sắc lắm, lúc trẻ không có định hướng rõ ràng, nhưng nền giáo dục khai phóng có thể giúp họ nhận ra tiềm năng và thăng hoa nhanh chóng.

Thời còn Liên Xô, sách báo Việt Nam hay đề cao Lev Landau, người được giải Nobel vật lý, như một nhà vật lý thuộc hàng vĩ đại nhất thế giới. Sau khi Lev Landau học vật lý với Niels Bohr, ông trở về nước và lãnh đạo viện vật lý lý thuyết, với chương trình thi tuyển hết sức nghiêm ngặt, và vì vậy nền vật lý Liên Xô không phát triển mấy. Có lẽ Lev Landau không biết câu nói nổi tiếng của Einstein: trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Cách đào tạo xơ cứng của Liên Xô cũng làm thui chột hầu hết tất cả các lãnh vực khác, thí dụ như một ngành rất xa với khoa học, là nghệ thuật tạo hình. Trong khi Phương Tây thử nghiệm đủ loại trào lưu, Liên Xô vẫn lẹt đẹt hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhìn các tượng đài của Liên Xô chỉ thấy hoành tráng sếnh sáo thậm tệ, trong khi ở Phương Tây tượng đài bay bổng, đầy ắp ý tưởng mới lạ.

Vì vậy đôi khi mình cũng (giả bộ) ngạc nhiên tại sao một vài ông giáo sư ở Phương Tây rất là lâu sắc lắc, mà về Việt Nam cứ huênh hoang Việt Nam ta có nhiều giáo sư ở các trường hàng đầu thế giới, và một hai tin tưởng rằng chỉ cần Đảng và Nhà nước mở rộng tầm tay mời họ về là ta có đại học xịn tầm cỡ Harvard, Oxford

Đọc thêm :
  Field Medal 2022

@internet

This entry was posted in Khoa Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.