Video: Lính xa nhà
Quận Thăng Bình tỉnh Quảng Tín, nay thuộc Quảng Nam, là phủ Thăng Hoa xưa từ đời nhà Hồ. Năm 1402 Hồ Quý Ly cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa .
Quận nằm ngay trên quốc lộ 1, cách Đà Nẳng khoảng 40km. Trước năm 1975, có 20 xã và 120.000 dân. Cùng gia đình chạy giặc từ Quế Sơn về, Ngô Thị Hạnh người con gái ở quận tôi xưa, ở đây. Và trong cái không gian êm ả đầy tình thân thiện của các cư dân, được sống hạnh phúc trong một thể chế tự do dân chủ ở miền Nam, đã không lường được tới mức nào cái đám mây đen hung dữ từ miền Bắc, xuôi Trường sơn ập giông bão qua ngã Việt Sơn xuống đây.
Thế hệ sau không biết và hiểu được là đã có một thời mặt trận toàn quốc sôi động đến quyết chiến. Quân Cộng Sản Bắc Việt nhất quyết đánh chiếm miền Nam tự do, nhuộm đỏ đất nước theo lệnh cộng sản Nga Tàu và đưa con người đến chỗ cùng cực của xã hội chủ nghĩa không tưởng, mà khi dạy con sau này, người mẹ nào cũng cố dấu đi những nổi đau khi nghỉ lại những ngày đó. Đó là những ngày đầu mùa Xuân năm 1975, dẫn đến biến cố 30 tháng 4, để khoảng vài năm sau, do không sống được dưới chế độ độc tài cộng sản, nhiều người đã bỏ nước ra đi tìm tự do bằng vượt biên, vượt biển. Em Hạnh và gia đình em đã đến Úc châu như thế.
Vào những ngày chinh chiến sau cùng, khoảng sau ngày 15 tháng 3 năm 1975, sau khi VC đã chiếm được quận Tiên Phước gần một tuần trước, tình hình chiến sự căng thẳng và nguy ngập, các cánh đồng tại quận đã ngập lúa vàng, dân chúng đang chờ đợi một vụ mùa bội thu. VC cũng đang rục rịch ở vùng duyên hải. Ông Thiếu tá Quận trưởng nói tôi dẫn một phái đoàn nhân sĩ và nhân viên xã ấp ra Quế Sơn ủy lạo binh sĩ trung đoàn 3 thuộc sư đoàn 3 quân đoàn I và nhờ hành quân vào quận bảo vệ mùa gặt. Buổi chiều, ngồi tại quán cóc bên vệ đường, thấy dân chúng từ miệt trên đổ xuống lánh nạn cộng sản, trong đó có một em bé, tay ôm một con gà chạy loạn. Đằng xa kia, từ Hương An vào, đoàn quân tăng viện lặng lẽ tiến bước trong buổi chiều tà, đến Hà Lam rồi rẽ xuống miệt Bình Đào. Những hình ảnh xúc động đó như còn dính chặt trong tim cho đến nay. Tại thời điểm này, ông Đại tá Tỉnh Trưởng đi quan sát tình hình địa phương, tạt qua quận, gặp ở đầu ngõ, ông bảo: “Sao giờ này còn ở đây? Ông ra ngay Đà Nẳng để lo cứu trợ đồng bào chạy loạn ra ngoài đó. Đây là lệnh khẩn. Thi hành ngay.” Không kịp từ giả ai, tôi buồn rầu ra đi và linh tính biết có điều gì đó, không trở lại và biết trong đám người chạy loạn có em. Những tháng ngày binh lửa mà dấu ấn không bao giờ phai đó tại Đà Nẳng, mọi thứ là một thảm kịch của đất nước. Quốc gia Việt Nam đang gặp thời kỳ mạt vân. Vận nước và cuộc sống người dân chìm ngập tang thương khổ ải từ đây.
Sông núi, biển cả kia là của cha ông để lại để con cháu cùng nhau tô bồi, mưu cầu hạnh phúc. Hà cớ gì phải tranh giành bắn giết lẫn nhau, gây tội tình cho nhau. Ông Nguyễn Văn Cư, một đảng viên Việt quốc và nhân viên tại quận nói: “Ông Phó, đừng bỏ chúng tôi. Nếu có chết, chúng tôi lập miếu thờ ông. Ông ở lại cùng chúng tôi.” Ngày 29 tháng 3, chừng 11 giờ trưa chỉ khoảng một trung đội, Việt Cộng vào chiếm Tòa thị chính Đà Nẳng. Chúng vào ngay bằng cổng chính, chia 2 toán nép theo tường, tiến vào. Tôi rời Tòa thị chính, trên không, rất cao vẫn còn một chiếc trực thăng sơn màu xanh trắng bay, và sau đó bị bắt cùng anh Thiệu, Phó tỉnh và anh Quý, Trưởng ty Nội an vào ban đêm vài hôm sau đó. Lúc này Cộng quân đã tiến đến Phan Rang.
Nhớ lại, dạo đó em còn nhỏ, như một đóa hoa hồng vừa chớm nở, hồn nhiên và yêu đời. Em khoảng chừng 15, 16 tuổi, đang học lớp 10, buổi chiều em hay mặc bộ đồ đen xây dựng nông thôn và đạp cái xe đạp cũng “xây dựng nông thôn”, em giống tôi. Đồng phục đen và xe do Đài Loan cung cấp cho Việt Nam, chạy loanh quanh trong quận, đôi khi dừng lại ở sân vận động để xem đá banh. Em trông giống con trai. Tháng 9 năm 1975, em bị Cọng sản bắt giam cùng các thanh niên, học sinh Thăng Bình khác tại trung tâm thẩm vấn Đà Nẳng vì tội Phục Quốc.
Nhiều lần cuối tuần, tôi thường hay về tỉnh lỵ Tam Kỳ, cách xa 25 cây số, chơi. Chiều chủ nhật, mỗi khi ra xe là đã thấy một nhóm thanh niên nam nữ đã ngồi trên xe, chờ quá giang về lại quận, trong số đó thường có em. Tuổi trẻ thật hồn nhiên và thánh thiện. Bố em là đảng viên Quốc dân đảng, sau năm 1975 cũng bị bắt đi tù. Ông có tiệm bán thuốc Tây và thú tiêu khiển là đi săn. Đôi lần ông rủ anh Chỉ huy trưởng cảnh sát quận Nguyễn Phi Hường và tôi tới nhà nhậu. Khi tù về, cả gia đình vượt biển và sống ở Úc châu.
Gia đình em cũng như nhiều gia đình miền Nam khác, vốn quen sống trong tự do dân chủ, không chấp nhận chế dộ độ tài cọng sản, sau năm 1975 đã phải đành lòng bỏ nước ra đi với hy vọng một ngày không còn cọng sản, sẽ trở về quê hương ngàn đời yêu dấu, dựng lại Cờ Vàng đại nghĩa cùng nhau sống trong tình yêu thương đồng bào ruột thịt, quyết tâm xây dựng lại đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường. Cũng như Em, sau 10 năm trở về, hình ảnh người Mẹ ngồi nhặt sạn trong rổ gạo, nhìn ứa nước mắt rồi tôi cũng phải lạy Mẹ ra đi, cho đến hôm nay…
Được tin em mất, cuối năm ngồi buồn nhớ đến Em và một thuở Thăng Bình xa xưa, tôi viết vội bài thơ đại ý nói: Xấu hổ khi phải bỏ Thăng Bình ra đi không lời từ biệt ai, nhất là em. Và cho đến nay, chỉ đặt được một bó hoa hồng lên mộ em trong tưởng tượng, cùng cầu mong Em ở nơi thiêng liêng nào đó, chia xẻ cùng tôi về những cư dân thánh thiện của chúng ta, còn mất trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này.
Hồng nhan bạc mệnh. Em không phải hồng nhan. Em chỉ đẹp và dễ thương. Vậy mà em mất sớm. Em đã mất và nếu thoát khỏi vòng luân hồi thì thôi. Nếu tái sinh thì mong gặp lại.