Hoàng Gia Độ

THẰNG BẠN ĐẦU ĐỜI

Gởi Tony Thái,

Video Ly cà phê cuối cùng

Quá lâu tôi mới gặp lại hắn. Hình như cũng trên dưới nửa thế kỷ. Hắn vẫn thế, vẫn lè phè như cái thời còn mặc quần sport, mang sandale rọ. Lẽ dĩ nhiên bây giờ tóc tai không còn mấy sợi, răng cỏ toàn  đồ giả và tai mắt thì phải nhờ phụ tùng máy móc trợ giác. Nhưng, hắn vẫn còn “hoang” lắm.

Tôi quen hắn từ thời đệ thất 3 Nguyễn Hoàng (1957), bây giờ ngồi nhìn lại tấm hình kỷ niệm của lớp, tôi vẫn không tìm được hình của mình, nhưng lại tìm ra hình hắn. Quả là điều lạ lùng, khó giải thích. Hồi đó cả hai đứa đều là học trò nhà quê lên tỉnh. Ngu ngơ, khờ khạo, lạ lùng và nhút nhát. Phải từ giã cha mẹ, chị em, đình làng bến nước, bãi cát đường quan…những thứ cần thiết thân yêu nhất của tâm hồn trẻ thơ, ai mà không đứt ruột. Lúc đó tôi đã khóc sướt mướt trên chuyến đò dọc từ làng quê Gia Độ lên bến Chùa Tỉnh Hội. Khóc như con nít, khóc sưng vù cả mí mắt. Mẹ tôi dỗ dành, cha tôi hăm dọa, tôi vẫn một mực không muốn đi học xa. Tinh thần chưa đủ vững để có thể tách ra khỏi vòng tay của mẹ và quê hương. Non nớt đến tội nghiệp. Có lẽ hắn cũng chẳng khá hơn tôi. Ủ rủ như con gà con trúng nước. Hai đứa tôi vô tình được sắp xếp ngồi chung bàn. Hình như cả hai đều trúng tuyển concours gần cuối bảng. Định mệnh an bài cho một tình bạn. Với tâm trạng nhớ nhà đến não nề thì còn lòng dạ nào mà học với hành. Chúng tôi đến lớp cho qua ngày đoạn tháng, chỉ mong trưa thứ bảy mau tới để xếp bút nghiên, chạy bộ một mạch từ tỉnh về quê theo tỉnh lộ 15, qua chợ Sải, Bích la, Đại Hào, Dương Lệ, Dương Lộc, Đông Giám, An Lợi, An Giạ, đến cổng làng tôi (Gia Độ). Gần 2 tiếng đồng hồ dưới nắng gắt, hay dưới mưa phùn …tôi đều rất sung sướng, hạnh phúc. Cái cảm giác thú vị đó như vẫn còn len lén trong máu tôi khi ngồi viết lại những dòng chữ này. Quá đã!

Hắn quê Cam Lộ, ngược lên phía tây. Đứa kề núi, thằng sát biển. Nhưng lại cùng bơi lội giữa dòng Hiếu Giang. Cứ mỗi đầu tuần lại kể chuyện cho nhau nghe về cái thú đi câu, bắn ná, thả diều, chơi căng…và cho nhau một vài trái ổi,trái chanh…Tôi nhớ có một buổi chiều đi học, sau giấc ngủ trưa ngắn chưa đủ, tôi gấp gáp lạng quạng đến lớp mà chỉ mặc quần xà lỏng, khi bạn bè phát hiện, tôi xấu hổ cúi mặt chạy một mạch về nhà và bỏ học hôm đó. Hắn đã động viên an ủi, bênh vực tôi và ẩu đả với mấy thằng chế giểu tôi. Dần dà tình cảm gắn bó và chúng tôi cảm thấy ít bơ vơ lạc lõng. Qua mấy tháng ổn định, tôi mới bắt đầu biết bài vở, lo sách đèn. Đã quá muộn, tôi không theo kịp bạn bè và chương trình học. Tôi ở lại đệ thất và lẽ dĩ nhiên hắn cũng như tôi. Hai đứa là bạn bè mà! Cũng vui.

Qua năm sau, hắn đã mạnh dạn và tự tin sau một vài trận đụng độ tay chân với một vài thằng học trò tỉnh. Hắn thích chọc phá, nổi loạn và có chút ngang tàng. Là học sinh ở lại nên hai chúng tôi đã quá quen biết với trường lớp, thầy cô và chương trình học. Chúng tôi coi thường mấy đứa khác mới nhập học. Vẫn thất 3, chúng tôi có khoảng 6,7 đứa ở lại, và kết bạn cùng chơi thân với nhau. Lúc này tôi không còn nhớ nhà nhiều nữa. Tôi đã biết chăm lo sách đèn. Chúng tôi chia sẻ bài vở, giúp đở nhau trong học tập. Chúng tôi đã thực sự trở thành một môn sinh trung học công lập Nguyễn Hoàng. Niềm ao ước của hầu hết học sinh trong tỉnh thời đó.

Quảng Trị của thời cuối thập niên 50 chỉ là một thị trấn nhỏ, bình yên bên dòng Thạch Hãn. Phố xá chỉ có mấy con đường xuyên qua nối lại như chỉ tay của một cô gái nghèo. Đường tình duyên, may mắn không mấy rõ ràng. Từ sân ga cho đến chùa Tỉnh hội, ai cũng biết nhau, quen nhau… Tình cảm  đậm đà gắn bó. Nhà chú tôi ở gần Ty Công An, nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Tôi thường đến trường ven theo đường làng Thạch Hãn, vừa im mát vừa ít xe cộ. Hắn trọ học tại nhà bà Điệu trong làng Thạch Hãn, chúng tôi thường cùng chung đi về mỗi ngày. Là những học sinh nghèo khó, từ quê lên tỉnh trọ học, cuộc sống giản dị nhưng lành mạnh, không như học sinh trung học sau này. Chuyền cho nhau từng tập sách hồng của một thằng nào mượn được, chia nhau từng giọt mực, trang giấy. San sẻ cho nhau chút đậu phụng, bắp rang. Có khi phải đổi áo nhau mặc những lúc cần thiết để chụp hình hay lễ lược. Cái chân tình dễ thương của thời khốn khó. Tình bạn chúng tôi lớn dần theo từng con chữ, trang sách. Ảnh hưởng sâu sắc những bài ngụ ngôn, cái thủy chung của những câu chuyện tình éo le, sự hy sinh và lòng dũng cảm qua tấm gương lịch sử của những anh hùng hào kiệt, cũng như cái hào khí trọng nghĩa khinh tài của những tay giang hồ kiếm khách. Những thái độ hành xử hào hiệp đầy tình người đó đã thấm dần trong tâm hồn trẻ thơ chúng tôi và, nhờ thế mà tình bạn ngày càng gắn bó.  Chúng tôi quý mến, cảm thông, giúp đỡ bênh vực nhau chẳng khác chi anh em ruột thịt. ” Thế mới biết tình bạn muôn đời vẫn/ Trên cả lợi danh cả bạc tiền”.

Hồi đó tôi là một thiếu niên yếu đuối, từ nhỏ chỉ quen được cưng chiều, quanh quẩn bên vòng tay của cha mẹ và anh chị, chưa bao giờ đi xa một ngày. Trong khi hắn đã từng chịu nhiều đắng cay khi cha mẹ dang dỡ tình duyên, nghe đâuhồi 5, 6 tuổi, hắn đã phải vào bưng biền để theo học lớp vỡ lòng, phải gian nan khổ cực vì chiến tranh, vì đói khát. Thời chống Pháp, quê hương Cam Lộ của hắn chịu nhiều bom đạn, nhiều thiệt thòi nhất. Ánh mắt hắn như có chút hận thù bâng quơ. Trán hơi trớt và cằm bạnh ra ngang bướng. Hình như chẳng biết sợ ai. Hắn là bức tường vững chắc che chắn cho tôi suốt thời gian ở trung học Nguyễn Hoàng.

Gặp lại hắn sau bao thăng trầm lịch sử, như một định mệnh. Thời chinh chiến hắn được may mắn phục vụ trong không quân nên cũng ít nguy hiểm hơn tôi phải ngày đêm trực tiếp với quân thù. Lúc nhỏ cứ tưởng sau này hắn sẽ là một vị tướng xông pha trận địa, hoặc chí ít cũng là một đại ca giang hồ bạt mạng. Thế mà không phải. Hắn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Êm đềm và sung túc. Qua Mỹ từ những ngày đầu tiên mất nước. Tránh được tù đày, đói khát. Như một sự bù trừ cho thời con nít thiếu thốn trăm bề của hắn. Bây giờ cả hai thằng đều đã gần đến cái tuổi ” thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Hắn vẫn là bức tường che chắn cho tôi. Tôi nghĩ: Đó là việc làm mà thượng đế đã giao cho hắn từ lúc mới gặp tôi. Thảng hoặc tiền kiếp hắn có nợ nần tôi nên kiếp này phải trả.

Nhớ lại ngày xưa tôi cứ tưởng như hắn “dị ứng” với con gái đàn bà. Trong lớp chúng tôi có chừng hơn 10 nữ sinh, chẳng có đứa nào mà không bị hắn chọc phá. Nơi nào có hắn là bọn con gái tránh xa một chút cho an thân. Trời ơi, thế mà ai biết sau này khi lớn lên hắn lại là thằng đệ nhất đào hoa thiên hạ. Nghe đâu qua tay hắn cũng trên dưới hàng mấy chục phụ nữ, con gái, đàn bà. Quá quắt!

Nói ra như chuyện thần thoại. Nhưng lại có thực. Chính miệng hắn xác nhận với tôi. Tỉnh trí khi phát biểu. Trăm phần trăm có giá trị pháp lý. Ngồi uống rượu, tôi hỏi hắn lúc ở Quảng Trị mi có ưng con mô không? Có chứ, tao thất tình nên bỏ quê hương đi sớm. Rồi, hắn kể cho tôi nghe chuyện tình đầu của hắn. Cũng lâm ly và tội nghiệp. Hình như bây giờ lâu lâu hắn cũng phone cho “cô bé đầu đời” của hắn. Nếu có một chút văn tài có lẽ tôi sẽ viết lại duyên nợ của hắn, như một chút đền bù cái ân tình hắn dành cho tôi.

 Quen thân nhau từ đầu đời. Gần gủi cận kề nhau lúc cuối đời. Quả là một duyên phận ngọt ngào. Không biết thiên hạ có nhiều người gắn bó thân thiết với nhau bằng một “tình bạn” như tôi với hắn không?! Với tôi thật may mắn và sung sướng. Hiện giờ hai thằng đang ở chung một căn nhà. Hắn thích cờ bạc. Tôi khoái rượu chè. Phòng khách nhà chúng tôi là nơi tụ tập mấy ông già hưu trí ham vui. Lúc nào cũng ồn ào như chợ cá, vẫn tao tao, mi mi như thời con nít. Đúng là “già cả hóa trẻ con” như người đời thường nói.

Gặp nhau từ thuở còn niên thiếu
Kết bạn thâm giao đến bạc đầu…

HOÀNG GIA ĐỘ
California 11/2012

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.