Hồi ấy cơ quan mình đi tham quan các tỉnh phía bắc, dừng chợ Đồng Xuân cho các chị sắm đồ.
Sau một hồi dạo chợ, cậu Sành bảo vệ cơ quan chán quá, ra cổng chợ, ghé đít lên yên xe máy, ngồi đợi. Một anh chàng bảo vệ tay đeo băng đỏ, thổi còi, chỉ thẳng vào mặt Sành, quát: “Anh kia! Dắt xe ra ngay! Không được để trước cổng chợ”. Sành vẫn lơ đãng nhìn đâu đâu, không thèm để ý.
Anh bảo vệ xông đến, gõ gậy độp độp lên xe: “Tôi nói thế, anh không nghe à?”. Sành vẫn lặng im không nói gì. Tay bảo vệ vừa tức giận, vừa ngạc nhiên: “Ơ, cái anh này! Anh có dắt xe đi không thì bảo? Tôi nói thế mà anh không biết sợ à?”. “Tôi cóc sợ!”, Sành thủng thẳng.
Tay bảo vệ ngạc nhiên thực sự: “Ô hay! Tại sao anh không sợ?”. “Vì cái xe này cóc phải là xe của tôi!”. Sành đáp xong đi thẳng. Tay bảo vệ chỉ còn biết nhìn theo ngơ ngác, “bó tay chấm com”.
Nhưng, lần khác Sành cũng “cóc sợ”, mà tình huống thì hoàn toàn ngược lại.
Hôm ấy cơ quan tôi bị mất cắp một chiếc xe đạp. Sành là bảo vệ nên đương nhiên là phải chịu trách nhiệm, theo quy chế có khi phải đền. Văn phòng họp để truy cứu trách nhiệm và kiểm điểm Sành. Thế nhưng, từ đầu chí cuối Sành vẫn khăng khăng mình không phải chịu trách nhiệm và đương nhiên là cũng “cóc sợ”.
Bà phó Văn phòng tức lắm, nhưng cũng cố tỏ vẻ từ tốn phân tích cho Sành hiểu: “Chú là bảo vệ cơ quan, để xẩy ra mất trộm, tại sao chú lại nói là mình không chịu trách nhiệm?”. Truy vấn kịch liệt lắm, cuối cùng Sành mới thủng thẳng: “Tôi không chịu trách nhiệm, tôi không đền, tôi cóc sợ vì cái xe đạp bị mất cắp là xe…của tôi!”.
PHẠM XUÂN CẦN