Quốc chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu mời Thiền sư Thích Đại Sán và chư tăng khai đàn tụng chú Đại bi, và muốn tự mình “trai giới” để tham dự. Trai giới là không ăn thịt, xa nữ nhân. Hỏi ý Thiền sư là nên làm thế nào?
Thiền sư nói: Sự trai giới của một ông vua không thể giống một người thường dân. Trai giới không phải chỉ là làm sạch miệng, sạch thân mình, sạch tư tưởng mà thôi đâu. Trai giới là làm cho quốc gia trên dưới chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào không giải quyết thỏa đáng. Làm được như thế mới là sự trai giới của một vị vua
.
Thiền sự đề nghị Chúa trai giới cụ thể bằng cách: Trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, phóng thích bớt tù nhân, chẩn cấp cho dân nghèo, tháo gỡ khó khăn cho những người bị ép uổng, bãi bỏ những điều luật khắt khe, dễ dãi hơn với những người buôn thúng bán bưng và thợ thuyền. Chúa đã nghe theo lời Thiền sư.
Hay có lần Chúa thấy trời mưa kéo dài, Thiền sư niệm chú mà tạnh mưa, nên rất muốn học bài chú đó. Thiền sư nói: Quan trọng là ở người trì chú, có thanh tịnh và đức độ thì trì chú mới linh nghiệm. Sau đó, thay vì truyền cho Chúa bài chú, Thiền sư viết 18 điểm trị nước theo tinh thần Phật giáo, Chúa rất hoan hỷ cho triển khai cả 18 điều.
Thiền sư Thích Đại Sán xem ra không chỉ là Thiền sư mà còn là quân sư cao cấp và có ảnh hưởng rất tích cực đối với chúa Nguyễn Phúc Chu, trẻ tuổi và hâm mộ Phật giáo.
Nếu vị sư được tin cậy chỉ khuyên cúng dường thật lớn, xây chùa thật to thì có lẽ lịch sử đã không còn kể lại câu chuyện này cho hậu thế.
Nguyễn Phan Khiêm