Lăng Gia Long

CON TRAI LÊ QUÝ ĐÔN và LĂNG VUA GIA LONG.

Thiên Thọ Lăng (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là tên gọi lăng vua Gia Long (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho biết vua Gia Long giao cho nhà địa lý Lê Duy Thanh (con trai Lê Quý Đôn) đi tìm đất “vạn niên cát địa” để chọn nơi yên nghỉ cho mình. Theo quan niệm của người xưa, phải chọn được nơi an táng tốt thì con cháu mới phát phúc lâu dài. Mảnh đất đó phải có phong thủy và long mạch vượng phát, để giữ trường tồn cho vương triều của mình. Sách Đại Nam Thực Lục đã chép rõ diễn biến của việc này.

Lê Duy Thanh cho đề xuất rất nhiều thế đất rất ưng ý để tâu lên vua, nhưng sau 7 lần tới xem xét, vua Gia Long đều không đồng ý. Sau đó, Lê Duy Thanh đề xuất khu vực Thiên Thọ Sơn (vị trí lăng ngày nay), nơi có 42 ngọn núi lớn nhỏ. Khi đến xem, vua nghiêm giọng nói: “Nơi đây thật chính là nơi thích hợp cho một lăng mộ. Vậy có phải nhà ngươi muốn giữ chỗ này để chôn cho nhà ngươi phải không?”. Thanh quỳ xuống van xin, vua mới tha tội.

Trước khi khởi công xây dựng, vua Gia Long sai Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng) – người am hiểu về Dịch học bói lại lần nữa. Được quẻ Dự, Quan thượng thư Nguyễn Hữu Thận coi quẻ rồi nói “Tốt lắm”. Cuối cùng, vua Gia Long đồng ý và cho rằng đất này là “vượng khí chung đúc”, các núi xung quanh đều chầu về đây, thực là “vạn niên cát địa” (đất tốt vạn năm).

Năm Gia Long thứ 13, ngày 22-3 Giáp Tuất (nhằm 11-5-1814), vua cho dựng thọ lăng ở Thọ Sơn, làng Định Môn, để an táng chánh phi của mình là Thừa Thiên Cao hoàng hậu vừa băng hà gần ba tháng trước đó. Tháng 3 – 1815, Hoàng hậu chánh thức được an táng tại đây.

Cũng vì quá sâu sắc với công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.

Cũng theo Đại Nam Thực Lục, khi hoàng hậu vừa băng hà, vua đã bàn với các đại thần, muốn hợp lăng cả vua và hoàng hậu vào cùng một lăng. Đích thân vua đến tận nơi để chọn chỗ đặt huyền cung (huyệt mộ) cho hoàng hậu và cho mình về sau. Vua tổ chức thiết kế và theo dõi thi công “ngôi nhà vĩnh hằng” của mình trong suốt sáu năm.

Cuối tháng 12 Kỷ Mão (tháng 2-1820) thì vua băng hà.

@Nam Ky-Gia Định

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.