PHÚT CUỐI TÂN LÂM
Sau mấy tháng hành quân yểm trợ công tác bình định và trấn giữ một số căn cứ vùng Gio Linh, vào hạ tuần tháng 3/72, Tiểu đoàn 1/56 được về dưỡng quân và làm trừ bị cho Trung đoàn tại căn cứ Ái Tử – nơi đặt bản doanh BTL/ SĐ3 BB. Sau khi sắp xếp bố trí mọi công việc cho đơn vị, chiều 29/3/1972 Thiếu tá Tôn thất Mãn, Tiểu đoàn trưởng vào thăm nhà ở Huế để nhìn mặt đứa con gái vừa sinh mấy tháng.(Right:Thiếu tá TÔN THẤT MÃN-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56/SĐ3/BB)
Đêm 30/3, vừa chợp mắt một lúc, nghe tiếng điện thoại reo, đầu dây là giọng của Trung tá Đính – Trung đoàn trưởng, ra lệnh phải ra gấp Ái Tử để đưa Tiểu đoàn lên căn cứ Tân Lâm.
Sáng 31/3/1972, đơn vị được xe chở đến Chi Khu Cam Lộ và từ đây, hành quân bộ lên căn cứ. Áp lực địch lúc này rất nặng, một vành đai lửa dậy lên từ căn cứ C1 ở phía Bắc, đến căn cứ Phượng Hoàng ở Tây Nam, nhiều tiền đồn đã phải di tản, địch đang dồn hỏa lực để đập nát Tân Lâm … Tiểu đoàn được lệnh bố trí quân tại ngọn đồi phía Bắc để cùng với Tiểu đoàn 3/56 đang trấn giữ Khe Gió hình thành một tuyến phòng ngự trên Quốc Lộ 9, sau khi căn cứ Fuller bị tràn ngập.
Ngày 1/4, Thiếu tá Mãn lại nhận được lệnh dẫn BCH Tiểu đoàn và một Trung đội vào ngay Trung tâm để bảo vệ BCH Trung đoàn. Tân Lâm lúc này như một biển lửa, Thiếu tá Mãn, bàn giao công việc cho Đại úy Đỗ Triền – Tiểu đoàn phó – vất vả lắm, đến 3 giờ chiều toán quân này mới đến được vị trí quy định. Trung tá Đính cho anh biết sơ qua tình hình: Hỏa lực cơ hữu tại đây rất hùng hậu, nhưng không hoạt động được vì bị pháo địch kềm chế, hỏa lực yểm trợ không có, đặc biệt là không quân.
Sáng mồng 2/4, Trung tá Đính triệu tập cuộc họp Ban Chỉ huy Trung đoàn và các Đơn vị trưởng tăng phái gồm có:
– Trung tá Phạm văn Đính – Trung đoàn trưởng
– Trung tá Vĩnh Phong – Trung đoàn phó
– Thiếu tá Thuế – Pháo Binh, phụ tá hỏa lực
– Thiếu tá Tôn Thất Mãn – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56
– Đại úy Hoàng Quốc Thoại – Trưởng ban 3
– Đại úy Nhơn – Trưởng ban 2
– Đại úy Hoàng Trọng Bôi – Pháo đội trưởng 175
– Đại úy Nguyễn văn Tâm – Pháo đội trưởng TĐ1/PB/TQLC.
– Trung úy Lê Văn Kiểu – Pháo đội 105
– Thiếu úy Thái Thanh Bình – Chi đội trưởng Thiết Giáp
…
Sau khi nêu tình hình nguy ngập của căn cứ sau 3 ngày bị pháo hủy diệt, mặc dầu chưa có bộ binh địch tấn công, nhưng khả năng của đơn vị trú phòng không thể cầm cự lâu dài, viện binh, không yểm không có, ông Đính đã trình với Tướng Giai và được trả lời toàn quyền quyết định, tiếp đó ông đưa ra 3 hướng giải quyết để mọi người lựa chọn:
1. Tử thủ, chiến đấu đến giây phút cuối cùng
2. Mở đường máu để rời khỏi căn cứ
3. Đầu hàng
Bên ngoài pháo địch bắn liên hồi, nhưng trong phòng họp im phăng phắc. Mọi người đang chờ đợi một quyết định lịch sử, bỗng người ta nghe một giọng nói vang lên – Chậm, rõ ràng nhưng cương quyết:
– Tôi chọn một trong 2 điều trước và bác bỏ điều thứ 3. Tôi không chấp nhận đầu hàng.
Mọi người cùng nhìn về phía phát ra tiếng nói ấy: Thiếu tá Tôn Thất Mãn. Nhưng ý kiến của anh như tiếng vọng giữa sa mạc, chẳng ai quan tâm như trong hồi ký của Đại Tá Turkley – Cố Vấn Sư Đoàn TQLC – có kể rằng khi vị Cố vấn đề nghị sử dụng Chi đội M – 41 làm mũi tấn công mở đường máu, thì ông Đính trả lời: “Tất cả sĩ quan đã đồng thuận đầu hàng!” Thiếu tá Mãn đâu biết rằng ngay đêm trước ông Đính đã tìm cách liên lạc với Chỉ huy Trung đoàn Pháo Bông Lau để trình bày ý định của mình. Vị Tiểu đoàn trưởng gọi máy thông báo sự việc và chia tay với Đại úy Triền, đồng thời để ông tùy nghi giải quyết !
Ngay từ giây phút ấy, cuộc đời binh nghiệp oai hùng của anh khép lại để bước vào một giai đoạn trầm luân khổ ải và chính câu nói khẳng khái ấy đã là nguyên nhân để anh bị đày đọa gần 12 năm trong các trại tù từ Bắc chí Nam !
Như bao chàng trai cùng thời, người con xứ Kim Long hiền hòa cũng đã ” xếp bút nghiên theo việc kiếm cung “, theo học Khóa 12 tại trường Bộ binh Thủ Đức Tháng 10/62, mãn khóa, phân bổ về Sư đoàn 25 Bộ binh. Cuối năm 1963, về Huế cưới vợ – người tình của tuổi học trò năm nào, lúc chàng học Bán Công, nàng học Bồ Đề.
Sau 3 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, năm 1965, anh xin thuyên chuyển về nguyên quán, lúc này anh chị có đứa con đầu lòng. Phục vụ tại Trung đoàn 54/ SĐ1/ BB với cấp bậc Trung úy Đại Đội trưởng hoạt động vùng La Sơn, Tây Nam Huế.
Tháng 6/1967, qua làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2/3, Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Phạm văn Đính, phụ trách khu vực Phong Điền, Quảng Điền, ông Đính kiêm luôn Chi khu trưởng Quảng Điền.
Ngày 30 Tết Mậu Thân, anh về nhà nhưng buổi chiều vô lại đơn vị. Đêm hôm đó Cộng quân xâm nhập thành phố, cứ tưởng anh còn trong nhà, chúng ra lệnh cho mẹ và vợ anh đi tìm để giao nạp, nếu không sẽ bị giết. Cộng quân vào nhà không thấy anh, chúng dẫn chị đến nơi hành quyết, nhưng hai đứa con khóc quá, đành cho về. Lúc đó TĐ 2/3 đang ở Xước Dủ, Hương Trà, được lệnh hành quân về thành phố để bảo vệ BTL/SĐ, đơn vị được tàu Hải quân vận chuyển từ Trường Kiểu Mẫu, men theo Cồn Hến vào Cửa Trài, Mang Cá và từ đó xuyên qua Thành Nội đánh ra cửa Thượng Tứ. Chính TĐ này có vinh dự hạ cờ VC và kéo cờ vàng lên tại cột cờ Phú Văn Lâu, cụ thể là do binh sĩ Đại đội 3/2/3 của Đại úy Huỳnh Quang Tuân.
Sau chiến thắng này, anh được Quân Đội Hoa Kỳ gắn Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng. Do thành quả của những chiến công đã đạt được và để tạo điều kiện trau dồi thêm khả năng chỉ huy và tiến thân, đầu năm 1970, anh được cử đi học Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Đà Lạt, giữa năm được thăng cấp Thiếu tá. Đầu năm 71, tham dự hành quân Lam Sơn 719 là đơn vị dự bị cho Trung đoàn giữ an ninh khu vực Tà Cơn, Lao Bảo. Sau đó, anh được đưa ra Trung đoàn 2, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5/2.
***
Sau hành quân Lam Sơn 719, Bộ Tổng Tham Mưu xét thấy tình hình chiến sự tại Vùng I ngày càng sôi động, có nhiều chỉ dấu Cộng quân gia tăng áp lực để có những hoạt động qui mô trong tương lai và để giữ những khu vực mà quân đội Mỹ bàn giao lại, do đó đã trình Bộ Quốc Phòng để thành lập riêng vùng Hỏa tuyến Quảng Trị, một đơn vị cấp Sư đoàn nhằm hình thành phòng tuyến bảo vệ vững chắc khu vực chiến lược quan trọng này, đồng thời tạo vòng đai an toàn để các đơn vị địa phương làm tốt công tác Bình Định Nông Thôn.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/10/1971, Sư đoàn 3 được thành lập, đặt Bộ Tư Lệnh tại căn cứ Ái Tử, cạnh chùa Sắc Tứ nơi mà 413 năm trước Chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ Thăng Long vào dừng lại đặt bản doanh gọi là Dinh Cát làm đầu cầu mở mang bờ cõi vào phía Nam sau này.
Trung đoàn 2 của SĐ1 đang có mặt thường xuyên tại khu vực hỏa tuyến được giữ lại làm nồng cốt, chủ lực cùng với 2 Trung đoàn Tân Lập 56 và 57 Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 2 được tách ra, làm căn bản để thành lập Trung đoàn 56, như thế, đơn vị và chức vụ của Thiếu tá Tôn Thất Mãn bây giờ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56/SĐ3 BB.(Photo: Camp Carroll)
Sáng 2/4/1972, sau khi Trung tá Đính thông báo lệnh đầu hàng, ngoài Thiếu tá Tôn Thất Mãn, còn 2 sĩ quan khác chống lại (sau khi trở về đơn vị của mình), đó là Đại úy Nguyễn văn Tâm – Pháo đội trưởng B/TĐ1/PB/TQLC và Thiếu úy Thái Thanh Bình – Chi đội trưởng Thiết đoàn 11 Kỵ Binh. Ngay giờ phút ấy, Cố vấn Trung đoàn liên lạc được với trực thăng đang tiếp tế cho căn cứ Mai Lộc đã đáp xuống để bốc 2 vị này, một số chiến sĩ VNCH lên theo, trong đó có Thiếu úy Bình.
Lúc này Trung tá Đính ra lệnh Đại úy Nhơn – Trưởng ban 2, cởi chiếc áo lót màu trắng ra treo trước cổng để làm tín hiệu chấp nhận đầu hàng (chuyện cờ trắng như vừa trình bày là do Thiếu tá Mãn kể, nhưng theo Thiếu tá Hà Thúc Mẫn được Đại úy Hoàng Quốc Thoại – Trưởng Ban 3 thuật lại lúc cùng nhau ở trong tù thì Trung tá Đính lệnh cho Trung sĩ Sừng xé tấm drap trải giường làm đôi. Trong một bài tùy bút của Nguyễn Thắng – phóng viên chiến trường Quân Đội BV cũng viết như thế: “Sau khi sai lính lấy tấm vải trắng trải giường nằm, kéo lên cột cờ, anh Đính đã gọi cho chúng tôi : Alô, Bông Lau đâu, đã trông thấy cờ trắng chưa ?”).
Làm đúng theo điều kiện của cấp chỉ huy Trung đoàn 38, Pháo Bông Lau, mọi người đi theo hàng đôi ra hướng Quốc Lộ 9 theo thứ tự cấp bậc Tá – Úy – Hạ Sĩ Quan …, bốn vị cấp Tá được tách riêng để khai thác và tuyên truyền.
Sáng 3/4, tất cả bị áp tải ra Bắc, chiều tối, lúc đến Bến Than, Bến Tắt chuẩn bị vượt sông Bến Hải thì anh Mãn cùng một số khác đã tìm cách bỏ trốn, tuy nhiên lúc này địch quân đã tràn ngập khắp nơi và có lẽ đã được báo động để lùng sục, nên sau 5 ngày đào thoát, anh bị bắt lại … Riêng Đại úy Nhơn – Trưởng ban 2 trốn được, lần tìm về khu vực Ái Tử, có hành động gì đó làm cho các chiến sĩ TQLC nghi ngờ, tạm giữ rồi chuyển giao cho Sư Đoàn, sau đó đưa vào Sở 1 An Ninh Quân Đội tại Đà Nẵng, có những ẩn khuất nào đó không ai biết hay do anh Nhơn là người cầm cờ trắng ra trước cổng căn cứ Tân Lâm để làm tín hiệu chấp nhận đầu hàng ?
Đoàn tù và hàng binh đi bộ 10 ngày đến Quảng Bình, tại đây có xe đưa ra Thanh Hóa và lên tàu đến trại giam Bất Bạt, Sơn Tây, thời gian này liên tục bị hỏi cung, viết bản tự khai, kiểm điểm. Đặc biệt là công an bắt tất cả những sĩ quan có đi du học Mỹ phải tường trình đầy đủ những gì đã lãnh hội được và giao cho ông Đính tổng hợp trình lên chúng.
Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo trại giam mở đợt vận động tuyên truyền, kêu gọi tất cả sĩ quan đứng lên tự giác từ bỏ lý lịch căn cước QL/VNCH để trở về với Quân Đội Nhân Dân. Thiếu tá Tôn Thất Mãn đã khí khái quyết liệt phản đối chiêu bài này. Khi được trực tiếp đặt vấn đề, anh nói với tên Thiếu tá phản gián Nguyễn Phương: “ Ngay từ lúc ở căn cứ Tân Lâm, tôi đã chống lại việc đầu hàng của Trung đoàn trưởng, mặc dầu mọi người đều im lặng, nhưng lúc đó tôi không nghĩ đến sự an nguy của tính mạng mình và đã chống đối đến cùng. Đời lính thắng bại là chuyện thường tình, bây giờ tôi sa cơ thất thế bị các ông bắt, hãy xem tôi như là một tù binh chiến tranh, tôi hoàn toàn chấp nhận vị trí ấy, tôi luôn luôn trung thành với lý tưởng mà tôi đã phụng thờ : TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM, đồng thời tôi không phản bội những chiến hữu dưới quyền đã hy sinh”.
Tên Thiếu tá lên tiếng: “ Tôi được phân công xuống giúp đỡ anh, tạo điêu kiện cho anh trở về với cách mạng, phục vụ nhân dân, lập công chuộc tội, nhưng anh vẫn ngoan cố, đó là quyền của anh, có gì đừng ân hận. Tôi sẽ báo cáo với trên”.
Sau hôm ấy, anh bị đưa đi giam riêng, được một thời gian, chúng chuyển anh xuống Hỏa Lò Hà Nội, nhốt vào xà lim.
Trong lúc thân phận anh như thế, ở bên ngoài, CSBV tổ chức một buổi lễ rầm rộ cho ông Phạm văn Đính và ông Vĩnh Phong đăng đàn, nêu lên những tội ác và sai lầm khi theo ” Đế quốc Mỹ ” dày xéo đất nước và nay thấy rõ đường lối chính đáng của Cách mạng nên đã đem Trung đoàn về với nhân dân, xin được đứng trong hàng ngũ Quân Đội Nhân Dân để chống lại kẻ thù xâm lược !
Cả hai ông Đính và Phong đều được giữ nguyên cấp bậc Trung tá và hưởng lương từ tháng 4/1972. Theo chỉ thị của chính quyền CS, ông Đính viết lịch sử miền Nam, phân tích nghệ thuật và hình thái tác chiến của QL/VNCH. Ngoài ra, còn có những ký sự để tuyên truyền xuyên tạc và ca ngợi chính quyền miền Bắc như : “ Saigon – Phủ Đầu Rồng “, ” Cây Đa Bến Cũ “, ” Một cái gì mới ” . Tháng 4/1994, cả hai ông ra Hà Nội để được gắn lon Thượng tá và Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất !(Right :Hai ông Đính và Phong trong buổi lễ của CSBV)
Những ngày tháng nằm trong xà lim, anh không đau đớn cho thân xác bởi cực hình và thiếu đói, mà xót xa nhiều điều: Mười năm lính, lúc ở Sư đoàn 25 BB, tình hình tương đối yên tĩnh, chủ yếu là lo công tác an ninh, bảo vệ dân chúng an tâm làm ăn trong những vùng xa thường bị địch quân về quấy rối … Nhưng khi được trở về chiến đấu trên quê hương Trị Thiên là thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất … Bước chân anh đã đi qua mọi miền từ Lăng Cô, Bạch Mã đến Gio Linh, từ đồng bằng ven biển đến biên giới Lào Việt, kể cả những lúc tác chiến trong thành phố.
Có những thời khắc, mạng sống như nghìn cân treo sợi tóc, phải chiến đấu để chiếm từng thước đất, ngọn đồi, từng bờ tường, con phố, nhưng bằng mưu trí và sự can trường, anh đã dẫn đơn vị đi qua và chiến thắng, đôi khi có những tình huống hết sức nghiệt ngã! Thế mà đến đầu tháng 4/1972, đó chưa phải là giờ thứ 25 của cuộc chiến, tại một căn cứ hỏa lực hùng hậu, có ưu thế phòng thủ với trên 1000 tay súng và một Ban Chỉ huy dày dạn chiến trường …. và anh, một người chỉ huy tác chiến … Tất cả chưa bắn một phát súng nào, chưa có đơn vị bộ binh nào của địch xuất hiện, cũng không có lời kêu gọi áp đảo tinh thần, mà chỉ mới là những quả đạn pháo binh được bắn vào căn cứ liên tục, đồng ý là địch có ưu thế hỏa lực, áp dụng chiến thuật phong lôi, cả một Trung đoàn Pháo cùng lúc bắn vào mục tiêu, nhưng như thế chưa phải là hoàn toàn bế tắc, để không thể tổ chức chiến đấu, thế mà chúng tôi đã phải buộc lòng quy giáp đầu hàng.
Đầu hàng ! Tại sao lại như thế. Động cơ nào? Đó là câu hỏi nhức nhối dày xéo tâm can anh! Anh cũng đã thẳng thắn nói ra những ý nghĩ ấy cho đối phương là Nguyễn Quý Hải, tác giả của hồi ký Mùa Hè Cháy, nguyên Tiểu đoàn trưởng Pháo Binh thuộc Trung đoàn Bông Lau, đơn vị trực tiếp gây áp lực buộc Trung đoàn 56 đầu hàng. Trong quyển sách này, tác giả kể lại cảm nghĩ của Thiếu tá Mãn về sự thất bại của Trung đoàn 56 trước sức tấn công như vũ bão của Trung đoàn 38 Pháo Bông Lau, Thiếu tá Mãn đã trả lời: “ Tôi hết sức ngạc nhiên, không thể tin nổi là số phận của một căn cứ hỏa lực mạnh nhất Quân Đoàn đã được quyết định chỉ trong vòng năm phút !” Hôm nay anh vẫn xác nhận như thế và trình bày thêm: “Sau khi tuyên bố 3 hướng giải quyết, ông Đính đã không có sự thảo luận với tất cả sĩ quan có mặt và sau lời phản đối của anh Mãn, ông Đính liền ra lệnh Đại úy Nhơn cởi áo lót làm tín hiệu …”.
Quả thật lúc này chúng ta mới biết 3 cách giải quyết được đưa ra như là một thông báo, chứ không phải để bàn bạc, bởi vì mọi chuyện đã được quyết định và Trung tá Đính không có thì giờ !
Trong bài viết: ” N+3 Một Ngày Oanh Liệt “, Đại tá Cao Sơn – Trung đoàn trưởng Pháo binh Bông Lau ghi lại cuộc nói chuyện và những điều kiện ông ra lệnh cho Tr. Tá Đính: ” … Yêu cầu tuân thủ nghiêm những quy định sau :
1. Kéo cờ trắng lên
2. Bắt hai tên Cố Vấn Mỹ cùng ra hàng
3. Để nguyên vũ khí, phương tiện chiến đấu tại chỗ. Cả chỉ huy và binh sĩ đứng trên mặt đất, xếp hàng đôi đi theo con đường duy nhất tới Đầu Mầu, sẽ có người đón. CHÚNG TÔI NGỪNG BẮN 30 PHÚT ĐỂ CÁC ANH CHẤP HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH TRÊN ” .(Hình Th.T Mãn tại căn cứ Tân Lâm trong ngày 2-4-1972(người đội nón sắt chụp chính diện)
Anh kể chuyện tôi nghe, trong bao năm cận kề chiến đấu, vào sinh ra tử bên nhau với Trung đoàn trưởng, anh đã có sự liên hệ thân tình, kính mến. Phút cuối ở Tân Lâm, có thể có những lý do thầm kín nào đó để ông Đính đưa đến quyết định tai hại ấy! Lòng anh có đôi chút thông cảm, tuy nhiên, qua những việc ông cư xử với anh em trong trại tù, cũng như sự hăng say hợp tác với đối phương sau này làm anh thất vọng, bao nhiêu niềm tin và sự kính phục đã không còn nữa!
Khi còn ở trong tù năm 1973, mọi người được biết về Hiệp Định Ngưng Bắn, trao trả tù binh, riêng cá nhân anh và Thiếu tá Thuế Pháo Binh không được nằm trong danh sách ! Các anh đặt vấn đề với cán bộ trại, được trả lời là sẽ đề đạt lên cấp trên giải quyết, nhưng chẳng bao giờ nhận được câu trả lời ! Cho đến năm 1975, khi nghe tin miền Nam mất, tất cả đều nghẹn ngào, chua xót, cùng bảo với nhau: Thế là hết … đất nước mất, Quân Đội mất, chúng ta không còn gì để nương tựa, để trở về !
Cuối năm 1975, từ Bất Bạt Sơn Tây, anh bị đưa lên giam tại Cao Bằng, năm sau lại chuyển qua Sơn La, lúc này Bắc Việt cũng đã ồ ạt đưa những sĩ quan QL/VNCH từ miền Nam ra Bắc – đây là những trại tù khổ sai khủng khiếp đã được nhiều người nhắc đến.
Đầu năm 1979, trước khi Trung Cộng mở đợt tấn công qua biên giới, chúng lại chuyển các anh về trại Đầm Đùn Sơn Tây.
Ở đây cho đến năm 1981, được đưa về Nam, giam tại trại Z30D cho đến cuối năm 1983, anh mới được trả về với gia đình !
Tính từ tháng 4/1972 đến lúc ấy, thân xác anh bị đày đọa gần 12 năm trong những trại tù nổi tiếng ác độc nhất. Công bằng mà thấy, sau 30/4/1975, một vị Tiểu đoàn trưởng bị giam khoảng 10 năm, nhưng Thiếu tá Mãn – Tiểu đoàn trưởng TD 1/56/SĐ3/BB đã phải trải qua thời gian trong lao lý dài như thế, chỉ vì một câu nói bất khuất !
Khi trở về, anh phải tạm trú với mẹ ở Kim Long bởi vì sau 1975, vợ anh bỏ căn nhà thuê ở Huế, về nương náu quê ngoại tại Long Thọ. Cô nữ sinh năm nào bây giờ chân lấm tay bùn với đồng ruộng !
Những tưởng đất nước đã thống nhất, hòa bình lập lại, các anh sẽ được đối xử công bằng sau thời gian ” đền tội ” trong tinh thần hòa hợp dân tộc như đã được nghe cán bộ tuyên bố trước lúc ra trại . Nhưng không, trong mấy tháng đầu, hàng đêm chúng bắt anh phải đến Trạm Công an xã để ngủ và sau đó anh được ” biên chế ” vào tổ khai thác đót (một nguyên liệu để làm chổi ) tại núi rừng Tây Thừa Thiên với chỉ tiêu MỘT TẤN mỗi ngày ! Không chịu nổi sự kham khổ cực nhọc, đày đọa đủ điều, tháng 7/1984, anh trốn vào Nam, xin đi làm thuê tại một Công Ty Cao su ở Đồng Nai tại ấp Cấp Ráng … Cũng tưởng là sẽ được bình yên ở vùng đất xa lạ này, nhưng lam sơn chướng khí và những loài rắn độc đã ngày đêm đe dọa, tấm thân ốm yếu bây giờ thêm còm cõi !
Bà chị ruột cầm lòng không đậu trước hoàn cảnh bi thương ấy, đã cưu mang anh đem về Saigon, chăm sóc, bồi dưỡng và hàng ngày phụ với đứa cháu có nghề sửa xe … anh sống âm thầm, lặng lẽ như thế giữa Saigon náo nhiệt, cứ nghĩ mình là kẻ sống ngoài lề và bị xã hội bỏ quên !
Nhưng niềm vui lại đến khi nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ cho những tù nhân chiến tranh bị CS giam giữ. Một lần nữa, bà chị của anh lại phải chạy đôn chạy đáo tốn kém tiền bạc để lo cho anh đầy đủ giấy tờ hợp lệ để được định cư tại Mỹ. Hồ sơ HO 29 của anh đã được phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xét duyệt đôn lên HO 22 và anh đến Mỹ năm 1994.
Anh Mãn tâm sự: Tôi tuổi Mậu Dần, cầm tinh con Cọp, mà con cọp thì bao giờ cũng chỉ đi một mình, có khi nó là chúa sơn lâm. Ngẫm nghĩ lại, cuộc đời tôi cũng thế, lúc nào cũng cô đơn, mặc dầu ở chỗ đông người ! Tôi không có cái vinh quang của con cọp, mà đơn độc trong những tình huống đôi khi quá oan nghiệt, ngay cả lúc đứng giữa những người gọi là chiến hữu ! Tôi cũng đã ở trong rừng, nhưng không phải để ” cất vang tiếng thét ” mà bị dẫn đi từ trại tù đến một căn chòi lá vào lúc 1,2 giờ sáng, dưới ngọn đèn leo lét, mặt đối mặt với tên công an thẩm vấn ! Cũng thế, với cây rựa trong tay, một mình cùng rừng đót ngút ngàn hoặc với những cây cao su ngang dọc thẳng tắp ! Tưởng chừng như Con Cọp Cầm Tinh mệnh số của anh chẳng bao giờ thét, nhưng thật ra anh đã dùng ý chí để nói với Tổ Quốc và bạn bè chiến đấu anh dũng bên cạnh anh rằng: Anh đã nghĩ đúng và làm đúng những gì anh nghĩ để không thẹn lòng và thẹn với non sông. Chẳng có điều gì làm anh ân hận, cho đến bây giờ, anh vẫn nhớ và thực hành đúng bài học địa hình căn bản ở Trường Bộ Binh Thủ Đức 47 năm trước: Luôn luôn phải xác định điểm đứng. Phải xác định vị trí mình đang đứng để biết bạn đang ở đâu, địch đang ở đâu, để có những quyết định chính xác. Hậu quả của những quyết định ấy đôi lúc là tai hoạ, nhưng vượt qua được, ta cảm thấy trưởng thành hơn, đúng đắn với lý tưởng mình phụng thờ và nhân cách đạo lý đã được giáo dục.
Có người bảo là mình bị quân đội bỏ quên, tôi thì không bao giờ có ý nghĩ ấy bởi vì ngay lúc này, mỗi cá nhân chúng ta đã là quân đội, phải làm sao để xứng đáng với tên gọi linh thiêng ấy, mặc dầu hình tướng tổ chức không còn !
Những buổi tối lái xe về nhà ở Baton Rouge, Louisiana sau 14 giờ với hai công việc nặng nhọc khác nhau, lòng tôi dâng lên bao nỗi ngậm ngùi khi nghĩ đến Mẹ tôi, người có tấm lòng biển cả rộng lượng vô biên. Những lúc canh khuya thức giấc, nghe tiếng sóng vỗ bên này mà nhớ đến Mẹ già bên kia bờ đại dương quay quắt. Từ ngày rời ghế nhà trường đến nay, tôi chưa bao giờ có được một khoảng thời gian bình yên thật trọn vẹn để chăm sóc bà, mà ngược lại, tôi luôn luôn là nỗi nhớ thương, lo lắng, trông ngóng trong lòng bà kể từ khi tôi bước chân vào những ngày binh lửa, rồi gian truân với những năm dài tù tội, đến quãng đời lao động cực nhọc ở một xó xỉnh nào đó!
Năm nay bà đã 97 tuổi, sáng chiều đứng ngồi với một tâm trạng bồn chồn như thế trong căn nhà nhỏ của cô em út trong thành nội. Ở bên này tâm tôi cũng không yên, đôi khi thảng thốt vì một cuộc điện thoại từ Việt Nam, vẫn biết bây giờ Mẹ như cây đèn giữa khoảng không, chỉ cần một làn gió nhẹ … nhưng tôi lo sợ bàng hoàng nếu một ngày nào đó nhận được tin ấy.
Gia đình anh đến lúc này vẫn chưa hoàn toàn đoàn tụ, còn đứa con ở VN đợi ngày qua bên này định cư … Bởi thế đã qua tuổi về hưu, anh vẫn gắng làm 2 jobs để ngoài việc trang trải chi phí ở đây, giúp thêm được phần nào hay phần đó cho những người thân ở quê nhà.
Tôi đã đọc “ Một Quân Đội Bị Bỏ Quên – Anh Hùng và Bội Phản ” của Andrew Wiest và bài viết ” Chàng Pháo Thủ Thành Carroll ” của nhà văn Giao Chỉ . Cả hai tác phẩm đều nhắc về những nhân vật có liên quan đến Tân Lâm. Tôi khâm phục sự can trường, hy sinh cho thuộc cấp ngoài mặt trận và lẫm liệt, kiên cường trong trại giam của Thiếu tá Huế. Cũng là người lính, nhưng tôi cảm thấy bé nhỏ và tầm thường trước sự quyết đoán kịp thời, dũng mãnh bảo vệ sự an toàn cho anh em trong đơn vị của Đại úy Tâm – chàng Pháo thủ Cọp Rằn thành Carroll, không chịu đầu hàng, chấp nhận ở lại để chiến sĩ mình rút đi … Nhưng đối với Thiếu tá Tôn Thất Mãn, sự cảm kích, ngưỡng mộ, kính phục và thương mến gấp nhiều lần hơn ! Bởi vị trí của anh hoàn toàn khác, rất đặc biệt. Anh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ý chí bất khuất của một Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Cái dũng khí của một kẻ sĩ ngay trước mặt cấp chỉ huy và chiến hữu khi chống lại tư tưởng chủ bại, đầu hàng của những con người ấy, sau đó trên đường áp tải đã tìm cách trốn thoát, không chịu đội trời chung với Cộng sản và rất đáng phục, rất oai phong khi trong gông cùm của địch đã dứt khoát chối từ, bác bỏ luận điệu tuyên truyền dụ dỗ để quy phục, luôn luôn giữ tấm lòng sắt son với lý tưởng và đồng đội !
Tôi biết anh không cần thiết, bận tâm đến sự vinh danh, anh nói chỉ làm những việc bình thường của một người lính với tinh thần ” Uy vũ bất năng khuất ” !
Rất tiếc khả năng viết lách của tôi có hạn, nên không diễn bày được hết những oai hùng và đoạn đường gian khổ mà anh Mãn đã kinh qua … Tôi cố gắng trong những gì có thể làm được với tất cả tấm lòng chân thật, để mọi người biết Quân Lực của chúng ta đã có một con người, một cấp chỉ huy minh định vững vàng, kiên cường lập trường trong mọi tình huống như thế.
Riêng cá nhân mình, xin trang trọng nói rằng: ANH LÀ NGƯỜI HÙNG CỦA TÔI
Lê Văn Trạch
@trachcamlo