John McCain : HỒI KÝ HỎA LÒ
Video John McCain Vietnam interview
Xuất thân trong một dòng họ ba đời binh nghiệp danh tiếng khi có ông nội và cha là những Đô Đốc Hải Quân Hoa Kỳ, Thượng Nghị Sĩ John McCain là một trong các chính khách đương thời có những kinh nghiệm cá nhân sâu đậm với cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong một phi vụ oanh tạc Hà Nội vào ngày 26 Tháng 10 năm 1967, phi cơ của Thiếu tá không quân lực lượng Hải quân Hoa Kỳ John McCain, 31 tuổi, bị bắn hạ ngay trên bầu trời Hà Nội. Bị bắt sống, bị tra tấn và cầm tù trong hơn 5 năm trời, TNS McCain được trao trả tù binh vào Tháng 3 năm 1973 và đã viết về những năm tháng tù tội tại Hỏa Lò Hà Nội ngay sau khi được trả tự do. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên tờ US News & World Report vào Tháng 5 năm 1973 và được đưa lên trang mạng này vào năm 2008. Trong bức tranh Tháng Tư, chuyên mục xin chuyển dịch và giới thiệu đến độc giả một hồi ký giá trị và xác tín của TNS John McCain về những ngày ngục tù này. Bản dịch do chuyên mục đặt tựa và sẽ được đăng làm nhiều kỳ nhân dịp tưởng niệm 30 Tháng Tư năm nay.
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú KTT: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây . Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20.
Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một hơi không khí và bắt đầu chìm xuống lại. Tất nhiên là vậy vì tôi đang mang đồ bay và các thiết bị trên người nặng ít nhất cũng 50 lbs. Tôi chìm xuống và cố gắng chòi lên mặt nước lần nữa. Tôi không thể hiểu tại sao tôi không thể sử dụng chân phải hay tay của mình. Tôi choáng váng, trồi lên lần nữa và lại bị chìm xuống. Lần này thì tôi không thể trồi lên lại mặt nước. Mang chiếc áo phao cứu sinh trên người, tôi cúi xuống dùng miệng kéo dây và cuối cùng cũng nổi lên lại mặt nước.
Vài cán binh Bắc Việt đã bơi ra kéo tôi vào bờ và ngay lập tức họ bắt đầu lột đồ tôi ra, theo như thủ tục chung của họ. Tất nhiên vì đây là ngay trung tâm thành phố nên có đông người tụ tập, và tất cả bọn họ đã hò reo, gào hét, chửi rủa, phun nước miếng và đá tôi túi bụi. Khi họ đã cởi gần hết quần áo của tôi ra, tôi mới bắt đầu thấy đau nhói nơi đầu gối phải. Tôi gượng dậy và nhìn xuống nó. Bàn chân phải nằm xéo lên đầu gối trái của tôi, gần như vuông góc. Tôi thốt lên, “Chúa ơi! Chân tôi”. Dường như điều này làm họ điên tiết dù tôi không biết lý do tại sao. Một kẻ trong số họ dộng báng súng trường xuống vai tôi một cú khá nặng. Một kẻ khác đâm lưỡi lê vào chân tôi. Đám đông này thực sự đang nổi cuồng. Ngay lúc đó, một thanh niên xuất hiện và hét nạt đám đông dạt ra. Một người phụ nữ khác đỡ tôi dậy và kề lên miệng tôi tách trà, trong lúc có mấy tay chụp hình bấm vài pô hình. Điều này làm đám đông dịu lại một chút. Thế rồi họ đưa tôi lên cáng, khiêng vào một chiếc xe tải và chở thẳng đến nhà tù chính của Hà Nội. Tôi được đưa vào một xà lim và đặt xuống sàn nhà. Tôi vẫn còn nằm trên cáng, chỉ mặc đồ lót và có khoác cho một tấm chăn lên người.
Trong ba hay bốn ngày sau, tôi tỉnh lại vài lần giữa cơn mê man bất tỉnh. Dù vậy tôi cũng bị đưa ra khảo cung nhiều lần – điều mà chúng tôi gọi là một cuộc “kiểm tra vấn đáp”. Đó là những lúc tôi bị đánh với đủ gán ghép về tội phạm chiến tranh. Bắt đầu bị đánh ngay ngày đầu tiên. Tôi không thèm khai bất cứ điều gì ngoại trừ họ tên, cấp bậc, số quân và ngày tháng năm sinh. Họ đánh tôi dập vùi, đánh tôi bất tỉnh. Họ liên tục hăm dọa, “Mày sẽ không nhận được bất kỳ chữa trị thuốc men gì cho đến khi mày mở miệng”. Tôi không tin lắm. Tôi nghĩ rằng nếu ráng cầm cự, thế nào rồi họ cũng đưa tôi đến bệnh viện. Tôi được tên lính canh cho ăn một tí thức ăn và uống chút nước. Nước thì tôi còn nuốt được, nhưng đồ ăn vẫn tiếp tục bị ói ra. Lúc đó, bọn họ chỉ muốn khảo tin tức quân sự chứ không phải tin tức chính trị. Nhưng mỗi khi họ hỏi tôi một cái gì đó, thì tôi cũng chỉ khai tên họ, cấp bậc, số quân và ngày tháng năm sinh chừng đó. Tôi nghĩ đến đâu ngày thứ tư gì đó thì có hai tên bước vào, thay vì chỉ một. Một tên kéo tấm chăn để chỉ cho tên kia vết thương của tôi. Tôi nhìn xuống đầu gối. Kích thước, hình dạng và màu sắc của trái banh sao thì nó cũng y vậy. Tôi còn nhớ khi tôi còn là một sĩ quan huấn luyện bay thì một đồng ngũ của tôi cũng đã bị đẩy ra khỏi máy bay của anh và bị gãy đùi. Chân bị tụ máu và rồi anh bị chết, một điều khá bất ngờ đối với chúng tôi – khi có người chết vì bị gãy chân. Tôi nhận ra rằng tôi cũng đang bị y hệt như vậy.
Khi tôi nhìn thấy vậy, tôi nói với người lính canh, “OK, cho tôi gặp cấp trên các anh”. Chỉ dăm phút, một sĩ quan tới, đó là người mà chúng ta sẽ còn biết rõ về sau, tạm gọi là “Con Rệp”. Hắn ta là một kẻ tra tấn tâm thần, một trong những quái vật tồi tệ nhất mà chúng tôi phải đối phó. Tôi nói, “OK, tôi sẽ cung cấp cho anh tin tức quân sự nếu anh đưa tôi đến bịnh viện”. Hắn rời phòng và trở lại với một bác sĩ, một gã mà chúng ta gọi là “Zorba”, một tên hoàn toàn không có khả năng. Hắn cúi xuống bắt mạch. Hắn không nói được tiếng Anh, nhưng lắc đầu và lúng búng gì đó với “Con Rệp”. Tôi hỏi: “Các anh có đưa tôi đến bệnh viện không?” “Con Rệp” trả lời, “Trễ rồi”. Tôi nói, “Nếu anh đưa tôi đến bệnh viện, tôi sẽ hồi phục”. “Zorba” bắt mạch tôi lần nữa, và lặp đi lặp lại, “Đã quá trễ”. Họ đứng dậy và bỏ đi, để tôi nằm lại bất tỉnh. Chỉ một lúc sau, “Con Rệp” ập vào phòng hét toáng lên, ” Cha mày là một đô đốc gộc. Bây giờ bọn tao sẽ đưa mày đến bịnh viện”.
Tôi kể lại chuyện này để nói lên điều này: Khó mà có tù nhân cụt tay chân nào còn sống sót trở về vì bọn Bắc Việt sẽ chẳng mất thì giờ chữa trị cho những ai bị trọng thương. Chỉ riêng việc chuyển từ kiểu đời sống tại Mỹ sang chốn lao tù bẩn thỉu, bụi bặm và nhiễm trùng, cũng đã khó cho ai còn sống sót. Trong thực tế, nội việc chữa trị tôi trong bệnh viện cũng đã xém làm tôi mất mạng.
Tôi thức dậy một vài lần trong ba bốn ngày sau. Huyết thanh và máu đang được truyền cho tôi. Tôi trở nên khá tỉnh táo. Căn phòng mà tôi nằm không đến nỗi nhỏ lắm, khoảng đâu 15×15 feet, nhưng dơ dáy bẩn thỉu và bị trũng, mỗi khi trời mưa thì nước ngập sàn cũng từ nửa đến một inch. Tôi chẳng được tắm rửa lấy một lần trong bệnh viện. Tôi cũng gần như không hề thấy bóng dáng một bác sĩ hoặc một y tá nào, ngoại trừ bác sĩ có ghé liếc sơ tôi vài lần. Họ nói tiếng Pháp chớ không phải tiếng Anh.
Người canh tôi là thằng bé 16 tuổi, chắc vừa lên khỏi ruộng lúa. Trò tiêu khiển ưa thích của thằng bé là ngồi cạnh giường tôi và đọc một cuốn truyện có vẽ hình một ông già cầm khẩu súng trường trong tay, đang ngồi trên thân máy bay một chiếc F-105 bị bắn hạ. Thằng bé chỉ trỏ gì đó vào mình, rồi tát và đánh tôi. Nó làm điều đó một cách đầy khoái trá. Nó đút tôi ăn vì cả hai cánh tay của tôi đã bị gãy. Nó bưng vào chén mì gói có chút xương sụn, rồi đút tôi. Các xương sụn rất khó nhai. Tôi ngậm đầy miệng đâu ba bốn muỗng gì đó rồi nuốt trộng. Tôi chẳng ăn thêm được nữa, thế là thằng bé bưng ăn hết. Mỗi ngày hai lần tôi ăn khoảng ba hoặc bốn muỗng thức ăn như vậy.
Tôi nằm đó đâu khoảng 10 ngày, thì một buổi sáng có một tên “gook”- kiểu chúng ta gọi bọn Bắc Việt – đến. Gã này nói tiếng Anh rất giỏi. Hắn hỏi thăm tôi rồi bảo, “Chúng tôi có một người Pháp đến thăm Hà Nội và muốn mang tin tức về cho gia đình của anh”. Đóng chút ngây ngô vào lúc đó – vì cần phải khôn ngoan hơn với những loại người này – tôi hình dung chuyện này cũng chẳng thiệt thòi gì, nếu anh chàng này đến gặp tôi và quay về thông báo cho gia đình tôi rằng tôi vẫn còn sống sót. Khi đó tôi chưa biết được rằng tên của tôi đã được công bố trong chiến dịch tuyên truyền rầm rộ của Bắc Việt và bọn họ rất hí hửng vì đã bắt được tôi. Họ nói với một số bạn của tôi khi tôi bị bắt rằng, “Chúng tôi đang nắm thái tử trong tay”, làm tôi cũng mắc cười. Họ bảo tay người Pháp sẽ tới thăm tôi tối đó . Khoảng trưa, tôi được đặt lên chiếc xe lăn và đưa vào phòng mổ để băng bột tay phải cho tôi.
Họ rất vất vả để nối xương lại với nhau, bởi vì cánh tay tôi đã bị gãy ba nơi, có hai khúc bị trôi dật dờ. Tôi phải chứng kiến cảnh một gã vật lộn để sắp lại xương tay cho mình trong khoảng một giờ rưỡi đồng hồ mà không có thuốc tê. Sự đau đớn tột độ làm tôi xỉu đi nhiều lần. Cuối cùng hắn ta đành bỏ cuộc và gắn cái ngực băng bột vào tôi. Điều này làm tôi kiệt sức và đó là lý do tại sao sau này, khi một số phim truyền hình được quay, nhiều người xem thấy tôi như thể đang bị say thuốc là vậy. Khi mọi chuyện đã xong, họ đưa tôi vào một căn phòng lớn với một chiếc giường ra trắng tươm tất. Tôi nghĩ, “Boy, mọi thứ coi bộ thực sự khá hơn”. Tay lính canh nói với tôi: “Bây giờ mày sẽ ở trong căn phòng mới này”.
Khoảng một giờ thì một gã đàn ông được gọi là “Mèo” đến. Về sau tôi mới biết rằng hắn ta là người đã phụ trách tất cả các trại tù binh tại Hà Nội cho đến cuối năm 1969. Hắn khá lanh lợi, một loại trí thức đang nắm quyền Bắc Việt. Hắn nằm trong Cục chính trị của Đảng Lao động Việt Nam. Điều đầu tiên hắn làm là đưa tôi nhận diện thẻ quân của Đại tá John Flynn – tức tướng John Flynn bây giờ – viên chỉ huy cao cấp của chúng tôi. Ông cũng bị bắn hạ trong cùng một ngày với tôi. “Mèo” nói qua một thông dịch viên, hắn không nói tiếng Anh lúc đó. “Người của truyền hình Pháp đang đến”. Tôi nói, “Tôi không nghĩ rằng tôi muốn được quay phim”. Hắn xẵng giọng, “Anh cần hai cuộc giải phẫu, và nếu anh không nói chuyện với anh ta thì chúng tôi sẽ lấy lớp băng bột ở ngực anh ra và anh sẽ không được giải phẫu gì thêm nữa”. Hắn tiếp: “Anh phải nói rằng anh biết ơn nhân dân Việt Nam và xin lỗi về những tội ác của mình”. Tôi nói với hắn ta là tôi sẽ không làm điều đó.
Cuối cùng, một người Pháp tên là Chalais bước vào, một tay cộng sản, như tôi biết ra sau đó, cùng với hai phóng viên ảnh khác. Ông ta hỏi tôi về sự đối xử và tôi nói với ông là thỏa đáng. “Mèo” và “Chihuahua”, một tên thẩm vấn khác, nhắc sau lưng tôi để nói theo rằng, tôi rất biết ơn cho việc chữa trị khoan hồng và nhân đạo của họ. Tôi từ chối, và khi chúng ép tôi, Chalais nói: “Tôi nghĩ rằng những gì ông nói với tôi cũng đủ rồi”. Sau đó Chalais hỏi tôi có nhắn tin gì về cho gia đình. Tôi bảo với ông là hãy nhắn vợ và những người khác trong gia đình là tôi đang hồi phục và rất yêu thương họ.
Một lần nữa, từ đàng sau, “Mèo” khăng khăng bắt tôi nói thêm đại loại là hy vọng rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc để tôi có thể được về nhà. Chalais cứng rắn cắt ngang lời hắn ta, bảo rằng ông đã hài lòng với câu trả lời của tôi. Ông đã giúp tôi thoát khỏi một tình huống đầy khó khăn. Chalais ở ngay Paris. Vợ tôi sau đó đã bay sang đó gặp ông ta và ông đã cho cô ấy một bản sao đoạn phim, về sau được chiếu trên đài truyền hình CBS tại Mỹ. Ngay khi ông vừa đi khỏi, bọn chúng lập tức đưa tôi lên xe đẩy và tống về lại căn phòng bẩn thỉu trước đó.
Sau đó, đã có nhiều người đã đến nói chuyện với tôi. Không phải ai trong họ cũng đến để thẩm vấn. Có lần một nhà văn già có chòm râu dài như Hồ Chí Minh và nổi tiếng của Bắc Việt đến phòng của tôi, muốn trò chuyện về Ernest Hemingway (Chú KTT: Đó là nhà văn Nguyễn Tuân, người đã đưa cuộc nói chuyện này vào tập bút ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” theo chỉ thị đảng để ca ngợi chính sách “nhân đạo” (!?) của đảng với tù binh chiến tranh). Tôi nói với ông ta rằng Ernest Hemingway chống Cộng bằng vũ lực. Nó cho ông ta một điều gì đó để suy nghĩ. Những người khác đến để tìm hiểu về đời sống ở Mỹ. Họ hình dung rằng cha tôi cấp bậc quân sự cao như vậy, tất tôi phải được nhiều đặc quyền và trong vòng quyền lực. Họ không có khái niệm gì hết về cách vận hành dân chủ của chúng ta. Một trong những người đàn ông đến gặp tôi là tướng Võ Nguyên Giáp, được gọi là người hùng của Điện Biên Phủ mà tôi nhận biết qua ảnh sau này. Ông đến xem tôi ra sao, mà không nói gì. Ông là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng và nằm trong Trung Ương Đảng cộng sản Bắc Việt.
Khoảng hai tuần sau, tôi đã được đưa vào giải phẫu chân có quay phim. Họ chẳng hề chữa trị gì cánh tay trái bị gãy của tôi. Nó tự lành. Họ bảo chân tôi cần hai cuộc giải phẫu, nhưng vì tôi đã có một ” thái độ xấu” nên họ sẽ không cho làm cuộc thứ hai. Tôi cũng chẳng biết họ đã làm cái quỷ gì trên chân tôi. Nhưng bây giờ quay về Mỹ, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ mổ và xem xét lại. Chưa gì ông đã báo với tôi rằng họ đã rạch sai đường mổ và cắt hết gân chằng ở một bên. Tôi ở trong bệnh viện khoảng đâu sáu tuần, sau đó được đưa đến một trại giam ở Hà Nội tạm gọi là “Đồn Điền”. Nó là vào cuối Tháng 12 năm 1967. Tôi được đưa vào chung một xà lim với hai người khác là George Day và Norris Overly, cả hai cùng là Thiếu tá Không quân. Tôi nằm trên cáng, chân còn cứng đơ và bộ ngực băng bột mà tôi đã mang được khoảng hai tháng. Từ trọng lượng bình thường 155 lbs, tôi tụt xuống còn khoảng 100 lbs. Sau này Thiếu Tá Day kể họ không nghĩ tôi sống thêm quá một tuần. Tôi cố gượng ngồi dậy được. Mỗi ngày tôi ngủ mê man khoảng 18 giờ, 20 giờ. Họ đã phải chăm sóc mọi thứ cho tôi. Họ được phép xách một xô nước để thỉnh thoảng rửa ráy cho tôi. Họ đút tôi ăn và chăm sóc tận tụy, và tôi hồi phục rất nhanh.
Chúng tôi chuyển đến một căn phòng khác ngay sau lễ Giáng sinh. Vào đầu Tháng Hai năm 1968, Thiếu Tá Overly được đưa ra khỏi phòng của chúng tôi và được trả tự do cùng với David Matheny và John Black. Họ là ba người tù binh đầu tiên được Bắc Việt trao trả. Tôi hiểu họ đã được khuyến dụ là không nên nói gì về việc đối xử tù nhân, để không gây nguy hiểm cho những người của chúng ta vẫn còn đang bị giam cầm. Chỉ còn lại Day và tôi một mình với nhau. Ông còn bó bột tay phải vì bị bắn sau lần ông đã bị bắt tận phía Nam, định vượt trốn và bị bắt lại lần nữa. Ngay sau khi tôi đã có thể đi được, vào khoảng Tháng 3 năm 1968, thì Thiếu Tá Day bị chuyển đi.
Tôi bị biệt giam từ thời điểm 1968 đó trong hơn hai năm trời. Tôi không được phép gặp mặt, nói chuyện hay giao tiếp với bất kỳ tù nhân đồng ngũ nào. Phòng giam của tôi tạm vừa phải- khoảng 10×10, có cửa ra vào chắc chắn mà không có cửa sổ. Hệ thống thông gió là hai lỗ nhỏ ở trên trần nhà, khoảng 6×4 inch. Mái nhà bằng thiếc nên phòng nóng như thiêu. Phòng mờ mờ đêm cũng như ngày, nhưng họ luôn bật một bóng đèn nhỏ để có thể quan sát tôi. Tôi bị nhốt trong đó suốt hai năm.
Theo cái kiểu bị biệt giam này thì điều quan trọng nhất để tồn tại là liên lạc được với một ai đó, đôi khi nó chỉ là cái vẫy tay hoặc một cái nháy mắt, gõ vào tường, hoặc có ai đưa ngón tay ra hiệu cũng làm mọi chuyện khác đi. Nó cũng rất là quan trọng để giữ cho đầu óc mình làm việc và tất cả chúng tôi đều làm việc này. Một số người thích toán học nên họ nhẩm các phép toán phức tạp trong đầu vì chúng tôi chưa bao giờ được phép có giấy bút. Vài người khác thì xây nhà trong đầu, xây từ tầng hầm lên trên. Tôi thì thiên về triết học. Tôi từng đọc rất nhiều sách về lịch sử nên đã dành hết ngày này đến ngày khác để ôn lại trong đầu những cuốn sách lịch sử này, suy diễn nơi nào nước này hay nước khác đã sai đường, hay Mỹ nên làm gì trong lĩnh vực đối ngoại. Tôi cũng suy niệm rất nhiều về ý nghĩa của đời sống. Cũng dễ dàng rơi vào sự tưởng tượng. Tôi đã từng viết sách và kịch trong tâm trí mình, nhưng tôi nghi ngờ rằng trong số này chẳng có cuốn nào hơn được mức tiểu thuyết rẻ tiền nhất. Người ta đã hỏi tôi làm cách nào mà chúng tôi có thể nhớ được những chi tiết như mật mã, con số, tên họ cùng mọi thứ khác. Thực tế là, khi anh không có bất cứ điều gì khác để suy nghĩ, không bị chia trí thì nó thật dễ dàng. Kể từ khi tôi đã quay lại đây thì lại rất khó cho tôi để nhớ cả những điều đơn giản, ví dụ như tên của một người mà tôi vừa mới gặp. Trong thời gian bị biệt giam, tôi nhớ tên của tất cả 335 tù nhân chiến tranh ở Bắc Việt. Tôi vẫn còn nhớ chúng. Điều bạn phải chống chọi với nó là nỗi lo lắng. Nội tình trạng thể chất mình cũng dễ gây căng thẳng. Một lần tôi bị trĩ và đầu óc tôi bị chết dính vào nó khoảng ba ngày. Cuối cùng, tôi nhủ, “Coi McCain, mày có từng biết thằng nào chết vì bệnh trĩ chưa?”. Vì vậy tôi bỏ mặc không nghĩ ngợi nữa và sau vài tháng thì nó tự khỏi.
Câu chuyện của Ernie Brace minh họa cho việc liên lạc là quan trọng với chúng tôi thế nào. Lúc tôi đang bị nhốt tại “Đồn Điền” vào tháng 10 năm 1968, có một căn phòng phía sau phòng tôi. Tôi nghe vài tiếng động bên đó vì vậy tôi bắt đầu gõ nhẹ vào tường. Tín hiệu mà chúng tôi gọi là “cạo râu và cắt tóc” để anh chàng khác sẽ gõ lại hai tiếng. Trong hai tuần, tôi không nghe động tĩnh, nhưng cuối cùng thì có hai tiếng gõ. Tôi bắt đầu gõ theo bảng chữ cái – một cái là “a”, hai cái là ” b ” và cứ vậy. Rồi tôi bảo: “Áp tai vào tường”. Cuối cùng anh ta đến và tôi áp cái cốc vào tường, nói cho anh ta nghe được. Tôi chỉ cho anh mã gõ và các thông tin khác. Anh nói tên mình là Ernie Brace. Ngay lúc đó thì có tên lính canh lai vãng, tôi nói với Ernie, “Thôi, ngày mai tôi gọi lại cho anh”. Cũng mất vài ngày anh ta mới quay lại bức tường. Anh chỉ nói được “Tôi là Ernie Brace” rồi bắt đầu khóc nức nở. Sau khoảng hai ngày thì anh dằn được cảm xúc của mình, và trong vòng một tuần anh chàng này đã biết cách gõ, giao tiếp, nhắn tin và làm rất tốt về sau. Ernie là một phi công dân sự bị bắn rơi ở Lào. Anh bị cùm chân trong một cái lồng tre trong rừng, cổ bị xích lại trong ba năm rưỡi, hầu như chẳng sử dụng đến đôi chân. Anh trốn thoát ba lần và sau lần thứ ba bị bắt lại, anh bị chôn đứng xuống đất, chỉ chừa lại cái đầu.
Trong những ngày đó, vẫn vào năm 1968, theo lẽ là chúng tôi được phép tắm cách ngày. Nhưng cái trại này thiếu nước nên đôi khi hai ba tuần, cả tháng cũng không được tắm. Tôi có một tên chuột cống canh ngục, lúc nào cũng đưa tôi ra sau chót. Bồn tắm kiểu cái chuồng ngựa đổ bê-tông. Sau khi tất cả mọi người tắm, thường là không còn nước dư nhưng tôi cũng bị tống vào đứng không năm phút “tiêu chuẩn tắm” rồi bị đưa về lại phòng. Chuyện vệ sinh thì tôi được phát cho cái xô có nắp đậy không vừa miệng. Ngày nào cũng phải đổ nhưng có người khác xách giùm vì tôi còn đi chưa nổi. Từ lúc Day và Overly rời tôi, Day rời vào tháng 2 còn Overly thì tháng 3 năm 1968, việc đối xử căn bản là có đỡ. Khi tôi bị bắt gặp đang gõ tín hiệu, liên lạc với người phòng khác hay đại loại vậy thì chỉ bị tặc lưỡi “Tắc, tắc! Không được thế, không được thế”. Thật vậy, tôi nghĩ cũng không đến nỗi nào.
Ngày 15 tháng 6 năm 1968 , một đêm tôi bị đưa lên phòng thẩm vấn. “Mèo” và một gã đàn ông khác mà chúng ta gọi là “Thỏ” đang ở đó. “Thỏ” nói tiếng Anh rất giỏi. “Mèo” là chỉ huy của tất cả các trại tù tại thời điểm đó. Với tôi, hắn làm như không nói được tiếng Anh, mặc dù rõ ràng theo tôi thì hắn biết, vì trong các cuộc trò chuyện, hắn đặt câu hỏi hoặc nói chuyện trước khi “Thỏ” dịch những gì tôi nói. Như bạn biết, người phương Đông hay nói vòng vo một chút. Đêm đầu tiên, “Mèo” nói chuyện với tôi khoảng hai tiếng. Tôi không biết ý hắn ra sao nhưng đại loại hắn nói với tôi là hắn từng quản các trại tù binh Pháp trong những năm 1950 và đã tha cho một vài người, và rằng gần đây hắn gặp lại thì họ đã cám ơn về lòng tốt của hắn. Hắn bảo Overly đã về nhà “với danh dự “. Tôi thực sự không biết phải nghĩ gì, bởi vì tôi đã từng có những cuộc thẩm vấn khác mà tôi chẳng khai báo. Lần này thì họ không tra tấn tôi. Họ chỉ nói rằng tôi sẽ không bao giờ được về nhà và sẽ bị xét xử như một tội phạm chiến tranh. Đó là đề tài thường xuyên của họ trong nhiều tháng. Đột nhiên “Mèo” hỏi tôi:
– Anh có muốn về nhà không?
Tôi sững người và tôi nói với bạn rất thẳng thắn rằng, tôi đã trả lời rằng tôi phải suy nghĩ về nó. Tôi trở về phòng và nghĩ ngợi khá lâu. Tôi đâu liên lạc được các sĩ quan cấp trên để có thể nhận được lời khuyên. Tôi lo liệu tôi có còn sống hay không bởi vì tôi đang ở trong tình trạng khá xấu. Tôi vừa bị kiết lỵ khoảng một năm rưỡi nay, bị sụt cân lần nữa. Nhưng tôi hiểu quân cách sĩ quan rằng “không chấp nhận ân huệ hoặc ân xá ” và “sẽ không chấp nhận ưu đãi đặc biệt nào”, vì đối với ai đó được về nhà trước đó là một đặc ân đặc biệt. Không thể phá quân cách này. Ba đêm sau tôi được đưa trở lại.
Hắn hỏi lại: “Anh có muốn về nhà không?”. Tôi nói: “Không”. Hắn ta muốn biết lý do, và tôi trả lời lý do. Tôi nói rằng, Alvarez (người Mỹ đầu tiên bị bắt) cần được thả đầu tiên, sau đó là các binh lính. “Mèo” nói với tôi rằng Tổng thống Lyndon Johnson đã ra lệnh cho tôi về nhà. Hắn đưa cho tôi một lá thư từ vợ tôi, trong đó cô đã viết: “Em ước chi anh là một trong ba người đã trở về nhà”. Tất nhiên, cô không cách nào hiểu được những phức tạp phía sau. “Mèo” cho biết rằng các bác sĩ đã nói với hắn rằng tôi không thể sống nổi trừ khi tôi được chữa trị tại Mỹ. Chúng tôi cứ vờn nhau điều này và tôi vẫn mực nói “Không”. Ba đêm tiếp sau đó cũng cứ như vậy. Trong sáng lễ Độc Lập 4 tháng 7 năm 1968, cùng một ngày cha tôi được thăng quyền Tổng Tư Lịnh Thái Bình Dương các lực lượng Hoa Kỳ, tôi được dẫn vào một căn phòng thẩm tra khác. “Thỏ” và “Mèo” đã ngồi ở đó. Tôi bước vào và ngồi xuống. “Thỏ” nói:
– Cấp trên chúng tôi muốn biết câu trả lời cuối cùng của anh.
– Câu trả lời cuối cùng của tôi cũng vậy. Đó là “Không”.
– Câu trả lời cuối cùng của anh phải không?
– Đó là câu trả lời cuối cùng của tôi.
“Mèo” đang ngồi với một đống giấy tờ trước mặt và một cây viết trong tay, hắn bẻ đôi cây viết, mực văng tung tóe. Hắn đứng lên, đá sầm cái ghế phía sau và nói: “Chúng dạy mày tốt lắm. Chúng dạy mày tốt lắm”. Tôi có thể thêm vào là, hắn nói bằng một giọng Anh rất chuẩn. Hắn quay ngoắt người, bước ra ngoài và đóng sầm cửa lại, để lại “Thỏ” và tôi ngồi lại. “Thỏ” nói: “Bây giờ, McCain, chuyện sẽ rất xấu cho anh đó. Về lại phòng”.
Giai đoạn Bắc Việt liên tục đối xử tàn nhẫn với tù binh Mỹ kéo dài đến khoảng Tháng Mười năm 69. Họ muốn tôi gặp các nhóm phản chiến đến Hà Nội, trong đó có rất nhiều người nước ngoài như Cuba, Nga. Tôi nghĩ lúc đó chưa có nhiều người Mỹ “phản chiến” sớm vậy, dù các năm sau đó thì nhiều hơn. Tôi từ chối gặp bất kỳ nhóm nào. Với họ thì giá trị tuyên truyền sẽ rất lớn khi cha tôi là Tổng tư lệnh Thái Bình Dương.
Nhóm David Dellinger đến. Nhóm Tom Hayden đến. Ba nhóm tù nhân được thả, trên thực tế , dưới sự bảo trợ của các “nhóm hòa bình” vậy. Những người đầu tiên được thả về với một trong nhóm anh em Berrigan. Nhóm tiếp theo là toàn bộ một phi hành đoàn, có James Johnson , một trong những Bộ Ba Fort Hood (Chú KTT: Nhóm 3 Binh Nhất Mỹ phản đối việc bị đưa sang Việt Nam) về cùng vợ của chủ biên tạp chí “Ramparts” và Rennie Davis. Nói chung, tôi nghĩ có tám hoặc chín người về kiểu đó. Sau đó là một nhóm thứ ba. Bắc Việt muốn tôi gặp tất cả các nhóm này, nhưng tôi đã có thể né được.
Nhiều khi không thể làm họ mất mặt, vì vậy bạn phải cố gắng để đu đưa với nó. Bạn biết là “mặt mũi” là chuyện lớn với loại người này, và nếu bạn để họ có thể giữ thể diện thì được dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ họ đánh tôi tàn nhẫn và bắt tôi phải gặp một phái đoàn, tôi trả lời “Được, tôi muốn gặp một nhóm vậy, nhưng tôi sẽ không nói bất cứ điều gì chống lại đất nước mình và tôi cũng không nói bất cứ điều gì về việc đối xử với tôi, nhưng nếu được hỏi, tôi sẽ kể sự thật về các điều kiện tôi đang bị giam giữ”. Họ bảo, “Anh đồng ý gặp một phái đoàn nên chúng tôi sẽ cho anh gặp”. Nhưng như mọi người thấy, họ chưa bao giờ cho tôi gặp. Một lần, họ muốn tôi viết vài hàng cho các tù nhân chiến hữu của tôi nhân dịp Giáng sinh. Tôi viết thế này: “Gởi đến các tù nhân chiến hữu mà tôi không được phép gặp mặt hay nói chuyện, tôi cầu mong gia đình các chiến hữu được tốt lành và hạnh phúc, và tôi hy vọng rằng các chiến hữu được phép viết và nhận thư gia đình theo Công ước Geneva năm 1949 mà những người đang giam cầm các bạn không cho phép. Xin Thiên Chúa ban phước lành đến các chiến hữu”. Họ nhận thư nhưng tất nhiên là không bao giờ được công bố nó. Nói cách khác, đôi khi viết cái gì đó ca ngợi chính phủ mình hoặc chống lại họ thì tốt hơn chuyện cứ nói “Tôi sẽ không viết bất cứ điều gì”- vì đó cũng có thể là cách câu giờ khi các điều viết ra này phải được thông lên đủ loại cấp trên của chúng.
Bây giờ để tôi kể với bạn câu chuyện của đại úy Dick Stratton. Anh bị bắn rơi vào Tháng Năm 1967, lúc vài nhóm phản chiến Mỹ đã nhao nhao la làng rằng Hoa Kỳ ném bom Hà Nội dù chúng tôi chưa làm vào thời điểm đó. Dick bị bắn rơi phía ngoài Hà Nội, nhưng họ muốn có một lời thú tội nhân lúc một ký giả Mỹ đang có mặt. Đó là vào mùa Xuân và mùa Hè năm 67 – chắc mọi người còn nhớ những câu chuyện rất giật gân về những thiệt hại do bom Mỹ? “Thỏ” và những tên khác thẩm vấn Dick Stratton rất tàn bạo. Tay Dick đầy các vết hằn dây thừng đã bị nhiễm trùng. Chúng thực sự bóp dẹp anh để có được một lời thú nhận rằng, anh đã ném bom Hà Nội như một bằng chứng sống.
Chúng rút móng tay và gí tàn thuốc lá vào người anh. Dick bị dồn đến mức không thể nói “không”. Nhưng khi chúng đưa anh đến buổi họp báo, anh làm một hành động cúi chào – anh cúi chào 90 độ theo hướng này, anh cúi chào 90 độ theo hướng khác, đủ bốn góc. Với đám “gooks” thì không phải điều gì quá lạ lẫm vì chúng quen với việc cúi chào vậy. Nhưng bất kỳ người Mỹ nào nhìn thấy hình ảnh của một người Mỹ gập mình đến thắt lưng để cúi chào vậy cũng biết rằng có điều gì đó không ổn, có điều gì đó đã xảy ra với anh ta. Đó là lý do tại sao Dick làm những gì anh đã làm. Sau đó chúng tiếp tục tạo áp lực để anh ta nói rằng anh ta không bị tra tấn. Chúng tra tấn anh để buộc phải nói rằng anh không bị tra tấn. Dick vừa ra tuyên bố mạnh mẽ tại cuộc họp báo một vài tuần trước ở đây rằng anh muốn thấy Bắc Việt bị buộc tội là tội phạm chiến tranh. Anh ấy là một người cao quý. Anh và tôi đã ở chung trại “Đồn Điền” với nhau trong một thời gian dài và anh rất cang cường trong đó .
Anh là một sĩ quan hải quân xuất sắc, một người Mỹ cống hiến hết mình và có đức tin sâu sắc. Tôi nghĩ đến Dick Stratton rất nhiều. Anh rất, rất là xui bị nhận những đối xử tàn tệ nhất mà đám “gook” có thể nặn ra.
Chúng tôi đã trải qua một mùa Xuân và Hè 1969 đặc biệt xấu vì có một cuộc vượt ngục tại một trong những trại tù. Hai người của ta là Ed Atterberry và John Dramesi lên kế hoạch chuẩn bị rất tốt nhưng đã bị bắt lại. Atterberry bị đánh đến chết sau cuộc vượt ngục bất thành này. Chẳng nghi ngờ gì về điều này khi Dramesi thấy Atterberry bị đưa vào một căn phòng và nghe tiếng đánh đập rồi bị biệt tăm từ đó. Còn Dramesi, nếu anh không phải là một người lì đòn thì cũng có thể đã bị đánh chết. Anh có thể là một trong những người gai góc nhất mà tôi từng gặp. Anh là dân từ Nam Philly, từng là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp và là một đô vật khi còn trong đại học. Các đòn thù lây sang tất cả các trại khác. Họ bắt đầu tra khảo chúng tôi về các kế hoạch vượt ngục. Thức ăn trở nên tồi tệ. Việc kiểm tra phòng trở nên rất nghiêm ngặt. Anh không thể có bất cứ điều gì trong phòng mình, không có gì. Họ không cho cả thuốc i-ốt xức ghẻ như trước vì Dramesi và Atterberry đã bôi i-ốt cho sậm da như người Việt Nam trước khi vượt ngục.
Mùa hè năm đó, từ Tháng Năm đến khoảng Tháng Chín thì cứ ngày hai lần, tuần sáu ngày, tất cả chúng tôi được cho ăn chỉ là canh bí đỏ và bánh mì tại trại mình. Đó là một chế độ ăn uống rất kham khổ, đầu tiên là ngán tận cổ thứ canh bí đỏ đó, kế đến là nó không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng thực sự nào. Điều duy nhất để có thể giữ cho bất kỳ trọng lượng trên người là bánh mì, một cục bột nhão nhoét. Ngày Chủ Nhật, chúng tôi được cho ăn món chè đậu, đậu nấu với đường, không có chút thịt nào. Rất nhiều người chúng tôi ốm tong teo và hốc hác. Tôi xui xẻo bị bắt gặp đang liên lạc bạn tù bốn lần trong Tháng Năm năm 1969. Tôi bị tống vào một phòng trừng phạt đối diện với xà lim của tôi nhiều lần. Cũng Tháng Năm 1969 đó, họ muốn tôi viết, như tôi còn nhớ, một lá thư cho các phi công Mỹ đang bay trên Bắc Việt để yêu cầu họ đừng làm điều đó nữa. Tôi đã bị buộc phải đứng liên tục – đôi khi chúng phạt mình đứng yên hay ngồi trên một chiếc ghế suốt một thời gian dài. Tôi bị bắt đứng vậy cũng mấy ngày, chỉ được nghỉ vài tiếng khi một lính canh – một người thực sự là con người duy nhất mà tôi từng gặp ở trong đó – cho tôi nằm xuống cho một vài giờ khi ông gác trong một đêm khuya. Một trong những thủ thuật chúng tôi đối phó để chúng chẳng hủy được mình là nếu cảm thấy đứng mệt quá thì tự ngồi xuống, để chúng buộc đứng lên lại. Vì vậy, tôi ngồi xuống và bị một tên lính canh bé choắt đặc biệt đáng căm ghét xông vào, nhảy giậm lên xuống đầu gối tôi. Vì chuyện này mà tôi đã phải mang nạng trở lại cả một năm rưỡi sau đó.
Đó là một mùa Hè dài đăng đẳng và khó khăn nhưng đến Tháng Mười năm 1969, đột nhiên có những thay đổi lớn trong trại. Sự tra tấn ngừng lại. Một ngày kia, gã “Công tử” đến phòng của tôi và thông báo tôi sẽ có được một người bạn tù ở chung phòng. Thức ăn đỡ hơn và phần ăn cũng nhiều hơn, còn đám lính canh ra vẻ thân thiện. Tôi cho rằng tất cả điều này trực tiếp nhờ vào các nỗ lực vận động của chính phủ và người dân ở Hoa Kỳ vào năm 1969. Em trai tôi là Joe rất tích cực trong Liên Đoàn Quốc gia những gia đình các tù nhân chiến tranh và mất tích người Mỹ tại Đông Nam Á. Tổ chức này bao trùm tất cả các nhóm gia đình tù binh chiến tranh POW. Joe đã giải thích cho tôi biết lý do tại sao thái độ Bắc Việt Nam đối với tù binh Mỹ lại thay đổi vậy. Vào khoảng những năm 1965, 1966 trước đó, khi việc ném bom miền Bắc tăng dần, Hà Nội trình diễn màn tuyên truyền đầu tiên của mình bằng cách điệu các phi công Mỹ bị đánh đập diễn hành qua các đường phố. Đáng ngạc nhiên với họ là phản ứng của truyền thông thế giới nói chung là tiêu cực. Kế đó Bắc Việt đã cố gắng chiến thuật buộc Thiếu tá Dick Stratton xuất hiện và xin lỗi vì những tội ác chiến tranh. Nhưng rõ ràng là ông đã bị ngược đãi và buộc phải làm điều này chỉ dưới sự cưỡng ép. Điều đó chỉ phản tác dụng. Họ làm tiếp việc trả tự do hai nhóm ba tù binh vào Tháng Hai và Tháng Mười năm 1968. Những tù binh này bị bắt dưới sáu tháng, chưa bị giảm cân đáng kể và nhìn còn khỏe mạnh.
Cho đến khi Nixon lên nắm chính phủ đầu năm 1969 thì trước đó chính phủ ở nhà còn giữ thái độ: “Không nói về tình trạng tù binh chiến tranh vì e rằng sẽ làm nguy hại tù binh Mỹ đang bị giam”. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, đầu năm 1969, đã có các cuộc đàm phán hòa bình với Bắc Việt và Việt Cộng tại Paris (đàm phán đã bắt đầu dưới thời Tổng thống Johnson vào cuối năm 1968). Laird đem hình ảnh của những tù binh bị đánh đập tàn nhẫn mà các hãng tin nước ngoài chụp được, chẳng hạn như Frishman, Stratton, Hegdahl – tất cả đều bị xuống ký trầm trọng. Ông nói với Bắc Việt: “Công ước Geneva nói rằng các ông phải thả tất cả các tù binh bị bệnh và bị thương. Những người này đang bị bệnh và bị thương, tại sao họ không được trả tự do?”. Tháng Tám năm 1969, Hà Nội thả Frishman. Anh không còn khuỷu tay, chỉ được gắn cánh tay cao su khập khiễng và sụt mất 65 lbs. Hegdahl ra tù và sụt 75 lbs. Wes Rumbull cũng được thả, phải bó bột vì gãy sống lưng. Frishman được phép tổ chức một cuộc họp báo và kể ra các chi tiết sự tra tấn và ngược đãi. Tin tức này xuất hiện trên toàn thế giới, và từ đó, bắt đầu từ mùa Thu năm 1969, việc đối xử tù binh đỡ hơn. Chúng tôi nghĩ tác động trực tiếp là đến từ thực tế Frishman là một nhân chứng sống thực về sự ngược đãi tù binh Mỹ của Bắc Việt.
Tôi tự hào về các hoạt động tranh đấu cho tù nhân chiến tranh của em trai tôi là Joe và Carol-vợ tôi, bên nhà. Sự khao khát của những người vợ có chồng tù tội theo thời gian thường là “Lạy Chúa, bất kể sao cũng được, con chỉ muốn chồng con được về”. Với Carol thì câu trả lời của cô ấy là, “Chỉ cần có được chồng tôi trở về không đủ đối với tôi và không đủ với John, mà tôi muốn anh ấy đứng thẳng người trở về”. Tôi được nhận khá ít thư từ Carol. Chỉ có ba thư trong bốn tháng đầu tiên tôi bị bắn hạ.
Đám “gook” cho tôi nhận chỉ một lá thư trong bốn năm tù cuối. Gói quà đầu tiên được nhận vào Tháng Năm 1969, sau đó họ cho mỗi năm một lần. Lý do tôi nhận rất ít thư từ Carol vì cô khăng khăng chỉ sử dụng các tổ chức hoạt động theo Công ước Geneva về việc đối xử với tù nhân chiến tranh, mà từ chối gửi thư thông qua Ủy ban liên lạc với các gia đình tù nhân do các nhóm phản chiến điều hành. Điều này mang lại cho tôi vài điều cần nói chi tiết hơn.
Như mọi người biết, trở lại thời điểm 1954, Bắc Việt đã ở thế tay trên trong việc lật đổ chính phủ Pháp tại Paris vì các cử tri Pháp đã chẳng còn quan tâm đến cuộc chiến Việt Nam mà chính phủ của họ đã dự phần. Đó là cách Bắc Việt chiến thắng vào năm 1954, thắng ngay tại Pháp chớ không phải tại Việt Nam. Pháp đồng ý rút khỏi Đông Dương mà không đặt vấn đề gì khác khi ký thỏa thuận và kết quả là họ chỉ nhận lại một phần ba số tù binh chiến tranh của mình. Tôi tin rằng Hà Nội cũng hy vọng sẽ giành chiến thắng trong trường hợp chúng ta bằng cách làm suy giảm tinh thần dân Mỹ như vậy. Họ phải dẫn đưa dư luận thế giới về phía họ. Tôi nhớ vào năm 1968 hoặc 69, trong bài phát biểu của Phạm Văn Đồng với Quốc Hội VN, chúng ta bị banh tai với diễn văn có tiêu đề “Cả thế giới ủng hộ chúng ta” chớ không phải kiểu “Chúng ta đã đánh bại quân Mỹ xâm lược” hoặc bất cứ điều tương tự vậy.
Năm 1969, sau khi ba tù nhân được trả tự do về đến Mỹ và kể lại sự tàn bạo trong các trại tù binh chiến tranh thì Tổng Thống Nixon đã bật đèn xanh cho công bố điều này. Nó tác động mạnh đến việc đối xử với chúng tôi. Cảm tạ Chúa cho điều này, bởi nếu không phải vậy thì rất nhiều người trong chúng tôi sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội sống sót trở về. Một ví dụ nhỏ về cách thay đổi như sau: trên cửa xà lim tôi là các chấn song sắt, thường bị che bởi một tấm ván để tôi khỏi nhìn ra ngoài và để chặn sự thông gió. Một đêm, vào khoảng cuối Tháng Chín năm 1969, “Đầu Lệch”- tên trưởng trại tù đích thân đến và lấy nó ra để tôi bắt đầu có chút thoáng gió. Tôi chẳng tin vào mắt mình. Từ đó, mỗi đêm họ hé ô cửa trên để tôi có được chút thông gió. Chúng tôi bắt đầu được tắm thường xuyên hơn.
Thiệt hết sức là ngạc nhiên. Vào Tháng 12 năm 1969, tôi được chuyển từ “Ngũ Giác Đài” sang “Las Vegas”, là một khu vực nhỏ tại Hỏa Lò do người Pháp xây năm 1945(Hình phải). Người Mỹ thì gọi nó là “Hà Nội Hilton”. “Khách Sạn Tan Tác” cũng là ở đó – đó là nơi đầu tiên mà ai cũng bị đưa đến thẩm vấn mở màn và sau đó bị đưa đến các trại khác. Toàn bộ nhà tù này có diện tích khoảng hai block đường. Tại “Las Vegas “, tôi bị đưa vào một nhà nhỏ gọi là “Gold Nugget” có ba phòng giam. Chúng tôi đặt tên cho các ngôi nhà theo tên các khách sạn tại Las Vegas như “Thunderbird”, “Stardust”, “Riviera”, ” Gold Nugget” và “Desert Inn “. Bị chuyển đến “Gold Nugget” và ngay lập tức tôi có thể tạo sự liên lạc với những tù nhân quanh trại, vì khu vực tắm ở ngay cửa sổ phòng tôi nên tôi có thể nhìn qua kẽ trên cửa phòng tắm và liên lạc với nhau. Tôi bị biệt giam ở đó cho đến Tháng Ba năm 1970.
Họ ép tôi gặp các đoàn phản chiến Mỹ đã bắt đầu tăng dần nhưng không bị bất kỳ sự tra tấn nào để ép buộc. Vào Tháng Giêng năm 1970, tôi được đưa đến “Mèo” để thẩm vấn. Hắn nói với tôi rằng, hắn muốn tôi gặp một khách nước ngoài. Tôi lặp lại điều đã luôn nói với hắn trước đó rằng, tôi sẽ gặp họ nhưng tôi sẽ không nói bất cứ điều gì chống lại đất nước mình và nếu được hỏi về việc đối xử, tôi sẽ kể với họ về sự khắc nghiệt của nó. Rất ngạc nhiên cho tôi, hắn nói: “Tốt, anh không cần phải nói bất cứ điều gì”. Tôi nói với hắn tôi sẽ suy nghĩ về đề nghị này. Tôi trở về phòng và tìm cố vấn từ một sĩ quan cấp trên trong khu vực tù của mình và ông khuyên tôi cứ đi gặp. Vì thế tôi đã gặp một tay nói rằng hắn đến từ Tây Ban Nha, nhưng sau này tôi nghe được là đến từ Cuba. Hắn chẳng hỏi tôi bất kỳ câu hỏi nào về các vấn đề gây tranh cãi hoặc chuyện đối xử hay suy nghĩ của tôi về cuộc chiến. Tôi nói với hắn là tôi chẳng hối hận gì về những gì tôi đã làm và nếu có xảy ra lần nữa, tôi cũng sẽ làm lại y vậy. Điều đó dường như làm hắn nổi giận vì hắn là một cảm tình viên của Bắc Việt. Giữa lúc đó, một phóng viên bước vào chụp vài tấm hình. Tôi đã nói với “Mèo” trước đó là tôi không muốn có bất cứ sự công bố hình ảnh nào của tôi, vì vậy khi tôi về phòng sau cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 15, 20 phút gì đó, tôi nói với hắn là tôi sẽ không gặp khách nào khác vì hắn đã không giữ lời hứa. Sau đó Đại úy Jeremiah Denton, người đang điều hành khu tù chúng tôi lúc đó đưa ra đường lối là chúng tôi không nên gặp bất kỳ đoàn nào khác. Tới Tháng Ba, tôi có được một bạn tù chung phòng là Đại tá Không quân John Finley. Ông và tôi sống chung được khoảng hai tháng. Một tháng sau khi ông nhập phòng, “Mèo” đến gặp tôi và bắt phải gặp một phái đoàn khác. Tôi từ chối nên bị phạt ngồi ghế ngoài trời trong ba ngày đêm liên tục. Sự ép buộc lên chúng tôi liên tục để phải gặp các phái đoàn phản chiến. Đầu Tháng Sáu tôi bị tách khỏi Đại tá Finley và bị đưa vào một xà lim gọi là “Calcutta”, cách xa các tù nhân gần nhất cũng khoảng 50 mét. Nó rộng chỉ 6×2 feet, không có lỗ thông gió và rất, rất là nóng. Suốt mùa hè tôi bị lả nhiệt vài ba lần và bị lỵ. Sức khỏe tồi tệ hẳn, tôi không được tắm rửa và khẩu phần bị cắt giảm xuống một nửa, thỉnh thoảng lại bị bỏ đói một ngày hay hơn. Suốt thời gian này tôi bị đưa đi thẩm vấn và bị ép phải gặp những người phản chiến nhưng tôi từ chối .
Tháng Chín tôi bị chuyển đến khu gọi là “Riviera” nằm tách biệt sau trại.Tôi ở đó cho đến khi Tháng Mười Hai năm 1970. Ở đó tôi có thể liên lạc với bạn tù khá tốt vì có một cánh cửa có lỗ thông gióquay ra ngoài. Tôi đứng lên cái xô rồi dùng bàn chải đánh răng để quơ tín hiệu cho các tù nhân khác và họ sẽ quơ lại cho tôi. Tháng Mười Hai tôi bị chuyển đến “Thunderbird”, một trong những ngôi nhà lớn với khoảng 15 phòng giam. Việc liên lạc với bạn tù rất tốt ở đây khi chúng tôi gõ tín hiệu lên vách giữa các phòng giam với nhau. Tôi học được rất nhiều về âm học trong thời gian này, vì nếu bạn biết gõ đúng chỗ trên vách thì có thể nghe được người khác ở cách xa bốn năm phòng. Cuối Tháng 12 năm 1970, tôi đoán là khoảng ngày 20, tôi được cho ra ngoài vào ban ngày với bốn người khác. Vào đêm Giáng Sinh, chúng tôi được đưa ra khỏi phòng mình và chuyển đến “Trại Thống nhất “, một phần khác của Hỏa Lò. Khoảng 45 người, chủ yếu bị đưa từ “Vegas” bị nhốt chung vào một phòng lớn. Có bảy phòng lớn như vậy và mỗi phòng giam 45 hoặc 50 tù nhân. Chúng tôi có tổng cộng 335 tù nhân tại thời điểm đó. Có bốn hoặc năm người không trong tình trạng tốt nên bị nhốt riêng. Các Đại Tá Flynn, Wynn, Bean và Caddis cũng bị nhốt riêng biệt, không được chuyển vào với chúng tôi lúc đó.
Tên giám thị của chúng tôi lại là “Con Rệp” mà chúng tôi rất căm ghét. Hắn hành hạ chúng tôi đủ điều, không cho chúng tôi tụ tập hơn ba người cùng lúc. Chúng sợ chúng tôi sẽ thiết lập sự truyền báchính trị cho nhau. Chúng không cho chúng tôi được làm Thánh lễ. Tháng Ba năm 1971, các sĩ quan cấp trên quyết định rằng chúng tôi sẽ tổ chức một Thánh lễ. Đó là điều quan trọng với chúng tôi vàcũng là điều đúng để tranh đấu. Chúng tôi tiến hành và tổ chức lễ. Những người chủ Thánh lễ ngay lập tức bị đưa ra khỏi phòng. Chúng tôi bắt đầu hát vang những bài Thánh ca và Quốc ca. Đám“gook” nghĩ đó là một cuộc nổi loạn nên mang dây thừng và dùng judo vật trói chúng tôi. Sau khoảng một hoặc hai tuần họ bắt đầu đưa các sĩ quan cấp trên ra khỏi phòng chúng tôi đến nơi khác. Cuối Tháng Ba chúng lại đưa thêm ba hay bốn người mỗi một trong bảy phòng ra, tổng cộng là 36 người. Chúng tôi bị đưa đến một trại chúng tôi gọi là “Skid Row”, một trại trừng phạt từ Tháng Ba đến Tháng Tám, được trở về khoảng bốn tuần khi có ngập lụt quanh Hà Nội, rồi sau đó chúng tôi lại bị đưa ra đó lại cho đến Tháng Mười.
Ở đó chúng không đối xử tệ lắm với chúng tôi. Đám lính canh được phép đánh chúng tôi chỉ khi chúng tôi ngang ngạnh nhưng không được phép tra tấn chúng tôi để có được các tuyên bố mang tính tuyên truyền. Các xà lim đều rất nhỏ, khoảng 6×4 feet và chúng tôi bị biệt giam lần nữa. Đó là điều khó chịu nhất vì cứ làm mình nghĩ đến tất cả bạn bè đã từng bị giam chung một phòng lớn với nhau. Nhưng so với những năm 69 và trước đó thì chẳng đáng gì. Lợi thế lớn nhất khi bị giam chung phòng lớn là chỉ cần vài ba người trong nhóm phải đối phó với đám “gook” còn khi bị biệt giam thì lúc nào cũng phải tự mình đối phó với chúng, mà lúc nào chẳng có chuyện lục đục với chúng. Lẽ ra mình được phép có 15 phút để tắm nhưng mới năm phút thì tên “gook” đã bắt về lại phòng, vì vậy phải cãi với hắn và thế là bị hắn nhốt lại, không cho tắm một tuần. Nhưng khi ở trong một phòng lớn với những người khác, chẳng thèm dòm ngó đến chúng sẽ làm mình dễ chịu hơn rất nhiều.
Suốt giai đoạn này, bọn “gook” tấn công chúng tôi bằng các phát biểu phản chiến từ một số nhân vật cao cấp ngay Washington. Đây là cách tuyên truyền hữu hiệu nhất để tấn công chúng tôi khi dùng chính phát biểu, tuyên bố của vài người nói chung là được trọng vọng tại Hoa Kỳ. Chúng dùng nhiều lời lẽ của Thượng Nghị Sĩ Fulbright, rồi TNS Brooke. Chúng lặp đi lặp lại lời của TNS Ted Kennedy, cũng như Averell Harriman. Chúng cũng thích Clark Clifford, ngay sau khi ông trở thành Bộ Trưởng Quốc Phòng thời Tổng Thống Johnson. Đến khi Ramsey Clark vào cuộc thì họ xem đó làbước tuyệt vời cho mục tiêu của họ (Chú KTT: Ramsey Clark, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp thời TT Johnson, người phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam và năm 1972 đã sang Hà Nội để phản đối việc ném bom Hà Nội). Khi công luận ồn ào sau vụ công bố Hồ Sơ Ngũ Giác Đài (Chú KTT: Pentagon Papers là tài liệu nghiên cứu mật của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về sự can dự chính trị và quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho đến năm 1967, đã bị một nhân vật phản chiến trong nhóm nghiên cứu tiết lộ cho báo New York Times vào năm 1971) thì đây làmột bước đệm lớn lao cho Hà Nội để tận dụng nó như một bằng chứng về những “âm mưu đen tối của đế quốc” mà họ vẫn thường rêu rao trong nhiều năm.
Tháng 11 năm 1971, Bắc Việt chuyển chúng tôi từ trại trừng phạt “Skid Row” về lại trại giam chung “Thống Nhất” trong phạm vi Hỏa Lò. Từ đó về sau thì hầu như chúng tôi bị nhốt chung với những người khác, kể cả những người được đưa vào sau, cũng khoảng 40 tù binh. Tháng 5 năm 1972, khi Mỹ bắt đầu oanh tạc mạnh sau khi Tổng Thống Nixon ra lịnh ném bom Bắc Việt và thả mìn các cảng, họ chuyển hầu như tất cả các sĩ quan cấp nhỏ lên trại “Dogpatch”- Trại Chó Vá gần biên giới Trung Cộng, chừa lại các sĩ quan cao cấp và nhóm chúng tôi. Tôi nghĩ rằng họ sợ Hà Nội sẽ bị đánh bom vànếu nhốt chung tất cả chúng tôi cùng một trại thì chỉ một quả bom rơi trúng cũng có thể xóa sổ tất cả. Vào thời điểm này, đám “gook” rất cộc cằn, hung dữ. Chúng từng kéo một tù binh ra khỏi phòng chúng tôi và đánh anh ta một trận bán sống bán chết vì anh đã làm lá cờ Mỹ trên lưng áo một tù binh khác. Anh là một thanh niên tốt, có tên là Mike Christian. Chúng thoi anh túi bụi ngay ngoài cửa phòng giam chúng tôi, sau đó cứ kéo lê vài feet lại đánh anh tàn nhẫn hết cả vòng quanh sân trại. Anh bị bể một bên màng nhĩ và gãy xương sườn. Nó là một bài học dằn mặt tất cả chúng tôi.
Cuối cùng đến cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên được là ngày 18 tháng 12 năm 1972. Khắp nơi rền tiếng bom theo lịnh ném bom dịp Giáng Sinh của Tổng Thống Nixon. Hà Nội bị đánh bom tức thời. Từ khung cửa sổ phòng giam nhìn ra trời, đó là cảnh tượng ngoạn mục nhất tôi đã từng chứng kiến và tất nhiên, nhìn rõ những ánh chớp trong đêm. Bom thả rất gần làm rung chuyển cả tòa nhà. Hỏa tiễn SAM đất-đối-không đan chéo bầu trời giữa tiếng còi hụ báo động inh tai quả thực là một cảnh tượng dữ dội. Khi một chiếc B-52 trúng đạn, ở độ cao hơn 30,000 feet, nó nổ sáng rực cả bầu trời , rồi ánh đỏ như ban ngày khá lâu vì rơi xuống từ trên không rất cao. Vào thời điểm đó chúng tôi biết là chúng tôi sẽ không bao giờ được trả tự do trừ khi chính phủ có hành động gì đó rất quyết liệt. Chúng tôi bị giam ba năm rưỡi trời mà không có vụ ném bom nào xảy ra nên nhận thức khá rõ cách duy nhất để chúng tôi được thả là chính phủ phải mạnh tay với Hà Nội. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng, hò reo cổ vũ. Đám “gook” thì không thích điều đó chút nào, nhưng chúng tôi cóc để ý. Với chúng tôi thì rõ ràng là đàm phán sẽ không giải quyết được vấn đề. Lý do duy nhất tại sao Bắc Việt bắt đầu chịu đàm phán vào tháng 10 năm 1972 bởi vì họ cũng có thể đọc được các thăm dò và biết rằng Nixon sẽ chiến thắng áp đảo trong việc tái tranh cử nên họ muốn đàm phán Hiệp định đình chiến trước bầu cử.
Tôi ngưỡng mộ sự dũng lược của Tổng Thống Nixon. Có thể có chỉ trích ông trong vài điều, như vụ Watergate chẳng hạn. Nhưng ông phải đưa ra những quyết định không được ủng hộ lắm mà tôi cóthể tưởng tượng như thả mìn, phong tỏa, ném bom. Tôi biết làm điều đó rất, rất là khó khăn cho ông nhưng đó là điều để kết thúc chiến tranh. Tôi nghĩ lý do ông hiểu điều này vì ông có kinh nghiệmđối phó với cộng sản. Ông biết sử dụng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt. Chuyến công du của ông tới Trung Cộng và khi ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược với Nga được dựa trên thực tế là chúng ta mạnh hơn Cộng sản nên họ mới đàm phán. Họ chỉ hiểu khi dùng vũ lực. Và đó là lý do tại sao bây giờ tôi vẫn còn khó hiểu là trong khi mọi người đều biết rằng việc ném bom cuối cùng đã dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn, thì tại sao mọi người vẫn chỉ trích chính sách đối ngoại của ông? Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, Bắc Việt lên mặt hẳn. Họ biết Tổng Thống Johnson sẽ ngừng thả bom trước cuộc bầu cử 1968. Tháng Năm 1968, hai tướng Bắc Việt thẩm vấn tôi trong hai lần riêng biệt thì cả hai đều nói hầu như giống nhau từng chữ rằng: “Sau khi chúng tôi giải phóng miền Nam thì sẽsang giải phóng Campuchia. Sau Campuchia sẽ đến Lào và sau Lào, chúng tôi sẽ giải phóng sang Thái Lan, Malaysia, Miến Điện. Chúng tôi sẽ giải phóng hết cả khu vực Đông Nam Á”. Họ làm tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa về âm mưu của họ không chỉ riêng với Nam Việt Nam. Một số người cười cợt bác bỏ “lý thuyết domino” nhưng Bắc Việt tin vào nó, chưa bao giờ chối bỏ nó. Hồ Chí Minh đã phát biểu nhiều, rất nhiều lần rằng, “Chúng ta tự hào ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh vũ trang giữa phe Xã hội Chủ nghĩa và bọn đế quốc Mỹ xâm lược”. Nó hiện hình không còn là cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giành độc lập cho miền Nam Việt Nam mà mang đúng nghĩa những gì ông ta đã nói. Đó là tất cả những gì chủ nghĩa cộng sản nhắm tới: một cuộc đấu tranh vũ trang để lật đổ các nước Tư bản Chủ nghĩa. Tôi đọc nhiều sách lịch sử của họ. Họ đưa chúng tôi khá các loại sách tuyên truyền. Tại thời điểm sau Tết Mậu Thân này, Bắc Việt nghĩ rằng họ đã thắng cuộc chiến. Họ nghĩ họlàm tướng Westmoreland mất chức. Họ tin rằng họ làm đắm cơ hội để Johnson tái đắc cử. Và họ nghĩ rằng đa số người dân Mỹ đứng về phía họ. Đó là lý do tại sao họ oang oang tham vọng của mình quá sớm vì đánh giá sai bản lĩnh của Tổng Thống Nixon.
Quay trở lại vụ đánh bom Tháng 12 thì thoạt đầu, Bắc Việt có lẽ có rất nhiều hỏa tiễn SAM trong tay nhưng ngày càng thấy bắn ít dần, có nghĩa họ đã xài gần hết. Ngoài ra, trong vài ngày đầu tiên thì B-52 thả bom chủ yếu ngay quanh Hà Nội, sau đó trải ra xa thành phố thì theo tôi nghĩ, ta đã phá hủy được tất cả các mục tiêu quân sự trong Hà Nội. Tôi không biết số lượng phi hành đoàn B-52 bị bắn rơi bởi vì họ chỉ đưa các phi công bị thương vào trại của chúng tôi. Thái độ của các phi công chúng ta rất tốt. Tôi hỏi một phi công trẻ khóa West Point 70 rằng “Anh nghĩ sao khi nhận lịnh ném bom HàNội?”. Anh trả lời, “Tinh thần chúng tôi tăng vọt”. Tôi cũng nghe có một phi công B-52 khước từ nhiệm vụ trong vụ đánh bom Giáng sinh. Bạn luôn gặp chuyện kiểu đó, gặp những người khi khó khăn thì họ bị lương tâm cắn rứt. Tôi muốn nói điều này với bất cứ ai trong quân đội rằng, nếu anh không biết quốc gia mình đang làm cái gì thì nên tìm hiểu chúng và nếu thấy mình không thích điều quốc gia mình đang làm thì hãy đứng ngoài trước khi mọi chuyện được quyết định.
Một khi trở thành một tù binh chiến tranh, anh không có quyền bất đồng chính kiến, bởi vì những gì anh làm sẽ tổn hại đến quốc gia của mình. Anh không còn nói với tư cách cá nhân, mà nói như một quân nhân của quân đội Hoa Kỳ và mang trách nhiệm trung thành với Tổng Tư Lệnh chứ không phải với lương tâm của mình. Vài bạn tù của tôi đã không làm vậy nhưng chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Tôi tự hỏi họ có nên bị truy tố không và thấy chẳng dễ dàng để trả lời chút nào. Nó có thể phá hủy hình ảnh đẹp của phần lớn chúng tôi mang về từ địa ngục đó. Hãy nhớ rằng, một số kẻ thay lòng đổi dạ sau chiến tranh Triều Tiên đã làm phần lớn dân Mỹ nghĩ rằng hầu hết các tù binh trong cuộc chiến này cũng là những kẻ phản bội. Nếu họ có bị xét xử thì không phải vì lập trường chống chiến tranh của họ, mà vì họ đã hợp tác với Bắc Việt đến mức độ gây nguy hại cho các tù binh khác. Và có điều này cần xem xét: Hoa Kỳ sẽ có những cuộc chiến tranh khác để chiến đấu cho đến khi Cộng Sản từbỏ chủ thuyết bạo lực lật đổ chúng ta, những người này phải chịu sự lên án để sẽ không gây tiền lệ cho thái độ làm tổn hại quốc gia trong những cuộc chiến tương lai .
Vào cuối Tháng Giêng năm nay (1973), chúng tôi biết việc kết thúc chiến tranh đã đến gần. Tôi bị chuyển đến “Đồn Điền” và được cho ở chung theo nhóm được phân loại theo thời gian bị bắn hạ. Họđã chuẩn bị sẵn sàng để trả tù binh theo nhóm. Đó là ngày 20 Tháng Giêng. Kể từ đó, mọi chuyện trở nên dễ chịu, họ chẳng sách nhiễu chúng tôi nữa. Nhưng theo kiểu của họ thì chúng tôi vẫn bị ăn uống kham khổ trong khoảng hai tuần, chỉ đêm trước khi được trao trả mới được ăn một bữa no nê ngon lành. Có một điều rất thú vị là sau khi tôi trở về, Henry Kissinger có kể với tôi rằng khi ông ởHà Nội để ký thỏa thuận cuối cùng, Bắc Việt có đề nghị cho phép ông ta có thể mang một người cùng theo về Washington và đó là tôi. Tất nhiên là ông từ chối và tôi đã cảm ơn ông về điều đó rất nhiều, vì tôi không muốn là biệt lệ. Hầu hết mọi người đều cá cược rằng tôi là người cuối cùng được thả, nhưng bạn không bao giờ có thể hiểu được bọn “gook”.
Không có nghi lễ đặc biệt gì khi chúng tôi rời trại. Ủy ban kiểm soát Quốc tế đến và chúng tôi được phép nhìn quanh trại lần cuối. Có rất nhiều phóng viên ảnh, nhưng chẳng có gì trịnh trọng. Chúng tôi lên xe buýt và được đưa ra sân bay Gia Lâm. Người bạn cũ của tôi là “Thỏ” đã ở đó. Hắn đứng phía trước và bảo chúng tôi: “Khi nghe tôi đọc tên, các anh lên máy bay và về nhà”. Đó là ngày 15 tháng 3. Cho đến tận lúc đó, tôi cũng không cho phép bản thân mình có nhiều hơn một cảm giác hy vọng đầy thận trọng. Chúng tôi đã mừng hụt rất nhiều lần trước đó đến độ tôi quyết định rằng mình sẽkhông được phấn khích cho đến khi nào bắt tay được với một người Mỹ mang quân phục. Điều đó đã xảy ra tại Gia Lâm và tôi biết nó đã kết thúc thật sự. Tôi chẳng thể nào diễn tả được cảm xúc của mình khi đi về chiếc phi cơ Không Quân Hoa Kỳ.
Bây giờ khi về nhà, tôi thấy có rất nhiều cuộc tranh cãi về quốc gia chúng ta. Tôi không đồng ý lắm. Tôi nghĩ nước Mỹ ngày nay là một quốc gia tốt đẹp hơn so với khi tôi rời nó sáu năm trước. Bắc Việt cung cấp cho chúng tôi rất ít tin tức, ngoại trừ các tin xấu về Hoa Kỳ. Chúng tôi không biết cuộc đổ bộ thành công lên mặt trăng đầu tiên năm 1969 cho đến khi nó được đề cập trong bài phát biểu của George McGovern rằng, Nixon có thể đưa con người lên mặt trăng nhưng ông không thể kết thúc chiến tranh Việt Nam. Họ dội lên chúng tôi những tin tức về cái chết của Martin Luther King và các cuộc bạo loạn sau đó. Thông tin như vậy cứ liên tục nhả ra khỏi loa. Tôi nghĩ Hoa Kỳ bây giờ là một quốc gia tốt đẹp hơn vì chúng tôi đã trải qua một quá trình thanh lọc, tái thẩm định chính mình. Tôi thấy một tinh thần tri ân về đời sống của chúng ta nhiều hơn, thấy tinh thần ái quốc cao hơn và nhìn thấy Quốc kỳ tung bay khắp mọi nơi. Tôi nghe thấy những giá trị mới đang được nhấn mạnh, nhưmối quan tâm về môi trường chẳng hạn.
Tôi nhận được rất nhiều thư từ các bạn trẻ và nhiều người đã gửi tặng tôi những chiếc vòng đeo tay POW có tên tôi mà họ đã mang. Một số không biết gì nhiều về cuộc chiến, nhưng họ có lòng ái quốc mạnh mẽ, các giá trị của họ đều tốt đẹp và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nhìn thấy họ sẽ lớn lên thành những người Mỹ tốt hơn nhiều người trong chúng ta. Những tình cảm tuôn tràn này làm những người tù binh chiến tranh chúng tôi choáng ngợp và có chút ngượng ngùng bởi vì trên căn bản, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi chỉ là người lính Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân bình thường. Bất cứ ai khác ở vị trí của chúng tôi cũng làm vậy. Dự tính tương lai của tôi là vẫn tiếp tục phục vụ trong Hải Quân nếu tôi còn có thể bay được. Điều đó phụ thuộc vào sự thành công của các phẫu thuật chỉnh hình cho cánh tay và chân tôi. Nếu tôi phải rời Hải Quân, tôi hy vọng sẽ phục vụ cho chính phủ trong khả năng của mình, tốt nhất trong ban đối ngoại của Bộ Ngoại Giao. Tôi đã có rất nhiều thời gian để suy nghĩ trong tù và nghiệm ra rằng, một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là, bên cạnh gia đình, hãy đóng góp gì đó cho đất nước của mình.
John McCain
Đinh Yên Thảo chuyển dịch
@vietthuc