Hơn mười ngày nay
Video Bieutinh29/4/2014taisaigon
“Còn non còn nước còn người.”
Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay.”
Câu lục bát trên không nhớ rõ là của ai, và thấy cũng không cần thiết để google tác giả, vì của ai không quan trọng bằng chuyện câu lục bát đó cho thấy cái gì.
“Thắng giặc Mỹ.” Tại sao phải thắng giặc Mỹ (và Ngụy nữa, cố nhiên), hay nói cách khác, tại sao phải chiến tranh thì mới có thể “hơn mười,” trong khi ai cũng hiểu chiến tranh là hao tổn máu xương (nhân lực), tiền của (tư bản), hai thứ tối quan trọng cho công cuộc “hơn mười”?
Đặt vấn đề như vậy mới thấy, với những kẻ kêu gọi (hoặc hứa hẹn) “thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay,” máu xương và tiền của không phải là một hao tổn xót xa, bi tráng, mà là một giá phí lạnh lùng nhất thiết phải bỏ ra cho một thương vụ được quảng cáo là một vốn mười lời. Có thể là tham lời hoặc cũng có thể đang lâm vô cảnh khốn cùng, nhiều người nô nức gia nhập công ty cổ phần chiến tranh với hy vọng đây là thương vụ đổi đời. Nghiệt ở chỗ đa phần kẻ góp vốn vô công ty cổ phần ấy cứ ngỡ rằng mình là cổ đông, trong khi, dưới cái nhìn ma mãnh của hội đồng quản trị, họ chỉ là đồng vốn không hơn không kém. Và đồng vốn, dù có được xưng tụng là “vốn quý của xã hội,” vẫn chỉ là công cụ dùng để kiếm lời. Đến năm 1975, họ đã thành công trong thương vụ một vốn mười lời đó, một cách thần thánh, như chính họ vẫn thường ca tụng. Không thần thánh sao được, khi mà một vốn bốn lời đã được coi là kỳ diệu.
Vầng hào quang thần thánh trong cuộc kinh doanh xương máu thời chiến tiếp tục chói sáng trong thời hậu chiến. Chân lý “hơn mười ngày nay” được cụ thể hóa bằng hình ảnh những chuyến xe tấp nập chở chiến lợi phẩm từ Nam ra Bắc những năm cuối thập kỷ 1970, và càng sống động hơn nữa qua những cuộc cướp đoạt – núp dưới các mỹ từ cải tạo tư sản và hợp tác hóa nông nghiệp – nhà cửa, vốn liếng của người miền Nam. Ba mươi chín năm qua quả nhiên là ba mươi chín năm TA “xây dựng hơn mười ngày nay”, chỉ có điều TA, cũng như thời chiến, là một đại từ nhân xưng rất… thiêng, số ít chứ không phải số nhiều.
Trong chiến tranh, cái Ta-số-ít đã kiên định mục tiêu đánh chiếm miền Nam bằng mọi giá, theo kiểu “còn non còn nước còn người” là còn chơi, thì không lý gì ở thời bình lại phải… nhát tay. Con người và non nước, một lần nữa, vẫn chỉ là đồng vốn cho cuộc sát phạt trong canh bạc chia chác máu xương, mà ở đó kẻ cầm cái và các tay con đều lăm le bịp bợm lẫn nhau để tính chuyện “hơn mười” cho riêng mình. Từ đó, mỗi lá bài buông xuống là một nhát dao: nhát rớm máu Dương Nội, nhát đầu rơi Thái Bình, nhát Điếu Cày, Văn Vươn, nhát Minh Hạnh, Phong Tần…
Chơi như vậy liệu có “còn non còn nước còn người” không?
Cao Trần
Tháng Tư 2014
@pro&con