Họa sĩ Nguyễn Văn Minh và bức Bình Ngô Đại Cáo
Khách đến thăm Dinh Độc Lập bị thu hút bởi một bức tranh rất lớn tại phòng Trình Quốc thư ở tầng hai. Cho dù chỉ có thể ngắm bức tranh từ phía ngoài căn phòng, sau ba-ri-e che chắn, từng tiết của bức tranh hiện lên khá rõ. Đó là quang cảnh đất nước vừa lấy lại nền thái bình từ tay giặc Ngô vào thế kỷ thứ 15. Bức tranh sơn mài rất lớn trên nền nhũ vàng sang trọng, có phong cách thể hiện gần gũi với dạng tranh Byobu của Nhật bản thời các Shogun. Có thể nói đây là bức tranh có kích thước lớn nhất của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, dài tới 14m, cao 9m, được ghép lại từ 40 bức sơn mài khổ nhỏ mỗi bức 0,8m x 1,2m. Chi tiết trong tranh dày đặc, có khoảng 15 cảnh sinh hoạt đồng hiện trên tranh.
Từ một bức tranh chỉ dành riêng cho quốc khách thưởng lãm, bức Bình Ngô Đại Cáo nói trên đã đến được với công chúng khi họ vào thăm một nơi trước kia chỉ dành cho chính phủ và quốc khách chế độ cũ. Bên cạnh những bức họa được trưng bày trong dinh như bức Sơn hà cẩm tú của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, bức Quốc Tổ Hùng Vương của họa sĩ Trọng Nội… Bức Bình Ngô Đại Cáo có vị trí rất trang trọng trên nền bức tường chính phòng Trình quốc thư, toát lên từ nội dung niềm tự hào của một đất nước có nền văn hiến lâu đời, đã chiến thắng quân xâm lược nhà Minh mạnh hơn gấp nhiều lần và xây dựng được nền hòa bình trong độc lập cách nay 6 thế kỷ. Chất liệu sơn mài dân tộc sâu đằm nhưng sang trọng thể hiện một quang cảnh rộng lớn, đồng hiện nhiều sinh họat của một dân tộc, đất nước còn đang ngây ngất bởi hào khí chiến thắng.Trong đó, là sự uy nghi của triều đình nhà Lê, khí thế của đoàn quân chiến thắng kiêu hùng trên đường về kinh đô trẩy hội, vẻ tưng bừng của đồng ruộng núi sông, của người nông dân vừa thoát khỏi ách thống trị của giặc Minh. Đó là không khí rộn rã của quê hương bừng bừng sức sống và hy vọng, được thể hiện trong màu vàng nhũ rực rỡ như ánh nắng một ngày đầu xuân, báo hiệu bình minh của dân tộc thời xa xưa.
Đọc hết bài :
Họa sĩ Nguyễn Văn Minh và bức Bình Ngô Đại Cáo