Hai Bà Trưng

 

Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng
tại Boston ngày 19 tháng 3 năm 2016

Tưởng Nhớ Hai Bà Trưng

Linh mục Trần Cao Tường (1946-2010) trong một dịp về Việt Nam đã đến thăm đền thờ Hai Bà Trưng. Cha viết “Tháng giêng năm 2000 tôi có dịp về tận đền Hát Môn để đứng tê tái lặng nghe lịch sử khóc nỗi oan nghiệt của dòng tộc mình. Bức Tường Khóc Việt Nam là đây…Nỗi oan dằng dặc suốt chiều: dài và chiều dày của lịch sử từ cái ngày Hai Bà Trưng trầm mình trong dòng sông Hát; rồi Mã Viện đã bẻ gẫy và chôn đi biểu tượng tinh thần của một lớp dân mà ông ta m…iệt thị là “Nam Man” (dân Mọi phương Nam) với câu trù yểm: Ðồng trụ chiết, Giao chỉ diệt! Sau đó là một ngàn năm trầm luân mất mặt”

“Bức tường khóc” (Wailing Wall), mà Cha Tường nhắc là di tích lịch sử của đền thờ Do Thái và cũng là nơi người dân Do Thái đến cầu nguyện. Người Do Thái đối diện với nỗi đau như đối diện với chính mình và sống với nỗi đau như một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Nỗi đau lớn dần và trưởng thành theo thời gian, cuối cùng đã giúp họ trở về với vùng Đất Hứa.

Hẳn nhiên không thể so sánh nỗi đau và sự chiu đựng giữa dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam. Nhưng nỗi đau của dân tộc Việt Nam cũng sâu sắc, trầm trọng và vô cùng đau nhức.

Dù theo Hán Thư hai bà bị bắt và bị giết ngay tại trận hay theo tục truyền Việt Nam bà đã trầm mình trên sông Hát, sự hy sinh của hai bà năm 43 thật vô cùng dũng liệt. Sông Hát đã là một phần của dòng văn hóa và lịch sử Việt Nam. Bờ sông Hát trong ý nghĩa đó cũng không khác gì “Bức tường khóc” (Wailing Wall) của dân tộc Do Thái.

Đối với nữ giới Việt Nam, Ngày Hai Bà Trưng mới đúng là Ngày Phụ Nữ Việt Nam. Đó là ngày tưởng nhớ ơn đức Hai Bà Trưng và bao nhiêu anh hùng liệt nữ đã hy sinh vì dân tộc, là ngày hãnh diện vê sự đóng góp của nữ giới vào lịch sử, là ngày để yêu thương, đoàn kết, vượt qua nỗi đau để vươn lên cùng thời đại.

Ngày Phụ Nữ Việt Nam không phải ngày 8 tháng Ba do Lenin tuyên bố vào ngày 4 tháng Ba, 1920. Lenin phát biểu tròng ngày đó: “Không có một đảng hay cách mạng nào trên thế giới có ước muốn đào sâu vào cội rễ áp bức và bất công của nữ giới hơn là cách mạng Soviet, Bolshevik đang làm”. Ngày Phụ Nữ Quốc Tế do Lenin quyết định đã và đang được tổ chức tại các nước trong phong trào CS trước đây cũng như đang tiếp tục tại năm nước CS hiện nay, trong đó có CSVN.

Việc đảng CSVN ghép chung hai ngày thành một là một hình thức đánh lận chỉ vì mục đích tuyên truyền tương tự như cách đánh lận đảng cũng chính là tổ quốc. Ngày Phụ Nữ Việt Nam là ngày thuần túy Việt Nam, hoàn toàn không có liên hệ gì đến Cách mạng Bolshevik của Lenin trước đây hay Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Lào, Cu Ba hiện nay.

Dưới đây là video clip do người viết thu lại phần Tế Lễ Hai Bà trong lễ Hai Bà Trưng cuối tuần qua tại Boston do Cộng Đồng Việt Nam Massachusetts tổ chức. Lễ Tế chỉ là một phần trong chương trình phong phú do Ban Chấp Hành trẻ trung, tài năng, nhiệt huyết và dấn thân tại Massachusetts thưc hiện.

Trần Trung Đạo

@Facebook/TTĐ

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.