Ngâm thơ

Có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam

Hỏi : Tôi có dịp nghe người Tàu ngâm thơ giống như đọc thơ . Còn người Việt ngâm thơ có cảm tưởng như hát vậy ? Xin cho biết bên xứ Việt Nam có bao nhiêu cách ngâm thơ ? và ngâm thơ có nhạc đệm hay không ?

Đáp : Nguyên cả Á châu, ngâm thơ đều là đọc thơ với giọng trịnh trọng, chứ không có ngân nga lên xuống như Việt Nam . Xứ Việt Nam duy nhứt có nhiều thể loại ngâm thơ không những ở Á châu mà luôn cả trên thế giới .
Nếu ông nghe người Việt ngâm thơ mà có cảm giác như hát , điều đó dễ hiểu là vì người Việt phát triển thể điệu ngâm thơ trên một bát độ , lên xuống .

Hỏi: Xứ Việt Nam có bao nhiêu cách ngâm thơ ?

Đáp :Ở miền Bắc có 4 loại ngâm thơ : ngâm sa mạc, ngâm Kiều hay lẫy Kiều, ngâm thơ theo hát ru, ngâm thơ theo hát nói .

1. Ngâm Sa Mạc

Thang âm sa mạc rất đặc biệt, là có sự hiện hữu của quãng ba trung (tierce neutre / neutral third) có nghĩa là quãng ba ở chính giữa hai quãng ba thứ (tierce mineure / minor third) và quãng ba trưởng (tierce majeure / major third) . Thang âm (échelle musicale / musical scale) như sau : Do, Mi trung, Fa, Sol, Sib, Do . Người ngâm phải biết thể luật ngâm theo điệu Sa Mạc . Tất cả chữ chót của câu thơ bằng dấu huyền như “làng , buồn, tình, đời , vv” thì phải ngâm ở nốt DO. Còn chữ chót của câu thơ bằng không dấu như “thương, yêu, tôi , anh , em” thì ngâm ở nốt MI trung

2. Ngâm Kiều hay Lẫy Kiều

Ai là người Việt cũng đều biết tới truyện Kiều . Nhưng cách ngâm Kiều không phải là ai cũng biết . Thang âm gần giống như thang âm Sa mạc nhưng không có quãng ba trung mà là quãng ba thứ và được trình bày như sau : Do, Mib, Fa, Sol, Sib, Do . Khi ngâm ngừng ở chữ dấu huyền ở cuối câu thơ thì phải ngâm ở nốt DO . Khi chữ chót của câu thơ là không dấu thì phải ngâm ở nốt FA . Do đó tạo sự khác biệt giữa Sa Mạc và lẫy Kiều .

3. Ngâm thơ theo Hat Ru

Hát ru là điệu ru con miền Bắc, dựa trên thang âm : Do, Re, Fa, Sol, La, Do . Chữ có dầu huyền ở cuối câu thơ phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót không dấu thì phải ngâm ở nốt FA .Gọi là ngâm thơ chứ thật ra là hát ru , chỉ trừ là không có hát „à á a ời ! à á a à ơi ! „ như trong hát ru .

4. Ngâm thơ theo hát nói

Hát nói là một thể loại trong Ca Trù được dùng vào cách ngâm thơ miền Bắc . Thang âm rất đặc biệt : Do – Fa – Lab- Do. Chữ chót của câu thơ là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót là không dấu thì ngâm ở nốt FA , chứ không thể ngâm ở bất cứ nốt nào . Người nào ngâm theo thễ Hát nói là phải có căn bản về Ca Trù , nếu không thì sẽ ngâm sai .

Ở miền Trung có ngâm thơ Huế tức là dựa trên thang âm miền Trung (được nghe lúc hát hò mái nhì , hò mái đẩy). Thang âm gồm có những nốt nhạc như sau : Do, Re (hơi thấp), Fa (hơi cao), Sol, La (hơi thấp), Do . Nốt cuối câu có thể ở nốt DO hay nốt FA tùy theo người ngâm muốn dừng ở đău .

Ở miền Nam có nhiều cách ngâm thơ . Ở lục tỉnh người ta đọc thơ Vân Tiên (truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu) . Thang âm : Do , Mib, Fa, Sol, La, Do . Chữ chót là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO. Nếu chữ chót là không dấu thì phải ngâm ở nồt FA

Ngâm thơ theo điệu Hò thì cũng dựa trên thang âm đặc biệt miền Nam như thang âm dùng trong đọc thơ Vân Tiên

Ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam nhưng do nhà thơ Đinh Hùng (người Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954 chia nước Việt ra hai miền Bắc / Nam . Nhà thơ Đinh Hùng có làm một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Saigon « Ngâm thơ Tao Đàn » . Trong chương trình này có cách ngâm thơ đặc biệt , và khán giả nghe quen gọi là ngâm thơ theo điệu Tao đàn . Thang âm hoàn toàn miền Nam : Do, Mib, Fa, Sol, La, Do . Chữ cuối câu thơ nếu là dấu huyền thì ngâm ở nốt DO . Còn nếu không dấu thì ngâm ở nốt FA hay có thể ngừng ở nốt SOL

Lúc trước ở miền Nam trong chương trình “ngâm thơ Tao Đàn” ngoài Đinh Hùng , còn có bà Hồ Điệp (lúc trước khi vào Nam là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh , vv…
Ngày nay ở hải ngoại, có nhiều người thích ngâm thơ nhưng căn bản không có , hoặc không nắm vững các thể loại và lại thích trộn ba bốn thể loại ngâm thơ vào chung trong một bài khiến cho khi nghe một chương trình ngâm thơ trở thành nhàm chán .

Hỏi : Ngâm thơ có nhạc đệm hay không ?

Đáp : Lúc khởi đầu vào đầu thế kỷ 20, đệm ngâm thơ chỉ có tiếng sáo, đàn tranh , đàn bầu. Về sau có thêm đàn nguyệt (hay đàn kìm theo miền Nam)
Từ khi có thể điệu ngâm thơ Tao đàn thì lại có thêm piano. Lúc trước 1975 ở Saigon, GS Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi là người đàn piano để đệm ngâm thơ rất được ưa chuộng . Sau này ở hải ngoại, những người ngâm thơ được đệm chánh là tiếng sáo, tiếng đàn tranh, và đôi khi đàn bầu . Sự giới hạn nhạc khí là do bởi ở hải ngoại hiếm có nhạc sĩ dàn kìm .

Trần Quang Hải
Nhạc sĩ & Dân tộc nhạc học gia
Paris, Pháp
@tranquanghai

Nghe :  Xin Hãy Yêu Tôi

 

This entry was posted in Thơ, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.