Thanksgiving 2014

 
Tạ ơn nước Mỹ
 
 
The First Thanksgiving at Plymouth By Jennie A. Brownscombe (1914)The First Thanksgiving at Plymouth By Jennie A. Brownscombe (1914)
 
Kể từ ngày định cư trên xứ Mỹ này gia đình anh Ba Lumbing không năm nào không mở tiệc nhân ngày lễ Tạ ơn.Không phải đợi đến lúc khá giả như bây giờ mà ngay từ khi chân ướt chân ráo đến Mỹ, đi học ESL, được cô giáo giảng về ý nghĩa của ngày lễ quan trọng này. Bài giảng “Thanksgiving and the American Indians” nhắc lại sự tích những người Puritans với con tàu Mayflower đi tìm tự do ở Tân Thế Giới cách đây gần 400 năm đã làm anh chị Ba vừa bùi ngùi vừa thích thú.Vào năm 1620 những người từ Anh quốc chạy trốn sự đàn áp tôn giáo đã vượt biển đi tìm vùng đất tự do để thực hành niềm tin tôn giáo của mình, nên tự nhận là Pilgrims, nghĩa là những kẻ hành hương đi tìm vùng đất thánh. Cuối cùng họ đến được hải cảng Plymouth, tiểu bang Massachusetts ngày nay. Sau một mùa đông băng giá, do không thích nghi với thổ nhưỡng, nhóm người này đã chết đi phân nửa, từ 102 người chỉ còn lại 50. May thay sau đó họ được những thổ dân tốt bụng của bộ lạc Massasoit ở Plymouth giúp đỡ, chỉ cho những kinh nghiệm sinh tồn. Kết hợp với nghi lễ tôn giáo truyền thống tạ ơn Thuợng Đế, những người Pilgrims đã tổ chức buổi ăn tối nhằm cám ơn và thắt chặt mối quan hệ với thổ dân. Bữa ăn tối đầu tiên mở đầu cho lễ Thanksgiving truyền thống là vào mùa thu năm 1621, với món gà tây và các động vật hoang dã khác do họ săn được. Ngày nay Thanksgiving Day đã trở thành ngày sum họp gia đình, ngày để nhắc nhở và đề cao lòng biết ơn, không chỉ với Thượng Đế mà cả với người thân, bạn bè và xã hội.Hiểu vắn tắt nhiêu đó, lại liên tưởng tới hoàn cảnh của riêng mình, với những sự giúp đỡ chân tình mà họ nhận được từ ngày đầu tỵ nạn, vợ chồng anh Ba Lumbing cảm động lắm. Thì ra hoàn cảnh của mình cũng như người xưa. Cách nhau 400 năm có ai ngờ người Việt mình ngày nay lại cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, lại có bề bi đát hơn những người Pilgrims xưa kia! Xứ sở này quả là có truyền thống nhân đạo. Họ giúp đỡ những kẻ khốn cùng như gia đình anh Ba không chỉ về vật chất, họ còn cho anh chị một thứ quí giá hơn nhiều, đó là sự tôn trọng phẩm giá con người. Từ người nhân viên sở xã hội, viên cảnh sát, cô bán hàng, cho đến người hàng xóm… họ thảy đều đối xử bình đẳng và tỏ ra kính trọng những người lưu vong như anh chị.“Đây là miền đất bao dung, là nơi cưu mang cho những kẻ khốn cùng liều mình đi tìm tự do và lẽ sống. “Tạ ơn Trời. Tạ ơn Đất. Tạ ơn Chúa. Tạ ơn Phật. Tạ ơn những con người xa lạ. Tạ ơn nước Mỹ. Tui tạ ơn hết thảy, nhiều lắm, nhiều lắm…” Vợ chồng anh Ba cứ tấm tắc hoài.
Mayflower in Plymouth Harbor," by William Halsall, 1882
Mayflower in Plymouth Harbor,” by William Halsall, 1882

 

 Năm nay anh chị Ba lại làm tiệc Thanksgiving lớn hơn vì ngoài niềm vui chung với mọi người, anh chị vừa đón cô Út, người em cuối cùng trong gia đình anh Ba còn sót lại bên Việt Nam, qua đoàn tụ. Cô Út cũng đã ngoài 40, không lập gia đình và tình nguyện ở lại nuôi mẹ già cho đến ngày cụ qua đời mới chịu ra đi. Con cháu dâu rể của anh chị ở xa cũng về đồng đủ để trước thăm ba mẹ, sau thăm cô Út luôn thể. Bữa tiệc được tổ chức ở sân sau nhà. Cuối tháng 11 trời San Diego mát mẻ, hàng cây sau vườn đã đổi màu lá đỏ như chào đón một mùa lễ đang bắt đầu. Những ngày vui đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm làm việc cật lực. Xứ này làm cũng dữ mà hưởng cũng nhiều. Phải như vậy mới hay chớ!

 Khi anh Ba đang lui cui đút lò con gà tây, lăng xăng sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị bia rựợu thì nơi góc vườn chị Ba bày cái bàn nhỏ với dĩa trái cây ngũ quả để cúng thành hoàng thổ địa. Dẫu ở Mỹ đã lâu, chị Ba vẫn kỷ niệm ngày lễ Thanksgiving theo niềm tin của chị. Mà cũng phải, ngày này đã trở thành ngày nhớ ơn chớ đâu riêng gì cho tôn giáo nào nữa. Hai tay chấp mấy cây nhang lên ngang trán, chị Ba quay vòng, vái tứ phương rồi khấn lâm râm, nghe tiếng được tiếng mất như vầy:
 
“Kính thưa,
Thành Hoàng da đen
Thổ Địa da đỏ
Cụ lõ Tây Ban Nha
Cụ già Anh Cát Lợi
Chú Ý Đại Lợi
Cô Bồ Đào Nha
Cậu cả Harrah
Thổ dân Viejas
Cô bác Sycuan…
Nói chung cả làng
Xin nghe cho kỹ
Từ ngày tới Mỹ
Tui rất biết ơn
Tấm lòng thiện nhơn
Quí ngài đã giúp…”
 
Chị Ba chơn chất nhớ đâu khấn đó, ngay cả tên mấy bộ lạc người da đỏ chị cũng biết sơ qua nhờ mấy cái …casino trong vùng; tuy vậy lòng thành của chị thì không nghi ngờ gì nữa. Đợi đến khi chị Ba cúng xong, thắp mấy cây nhang ngay ngắn vào lư nhang, bái thêm mấy bái, quày quả bước vào thì anh Ba vừa cười vừa hỏi:
 
– Nãy giờ tui nghe bà tạ ơn khắp thế giới mà sao không tạ ơn tui?
 
– Ông có ơn gì mà đòi tạ?
 
– Thì tui đem mẹ con bà đến xứ này chớ ai?
 
Chị Ba nói đùa:
 
-Xít! Ông cứ như bọn cộng sản, cựa một chút là kể công. Không có ông thì mẹ con tui cũng tự kiếm đường mà chạy chớ ở sao được với tụi nó. Mà thôi, chờ khi nào ông…vãng tui sẽ vái luôn một thể. Ý chà! Mà hổng được, nếu cám ơn ông thì tui lại phải cám ơn… bác Hồ.
 
Nghe nhắc tới “bác” Hồ anh Ba lộ vẻ mất vui:
 
– Mắc mớ gì lại cám ơn thằng chả?
 
– Không có lão thì giờ này chắc ông còn cày ruộng ở Tân Châu chớ dễ gì đến xứ văn minh này.
 
Anh Ba nghe vợ nói tuy hơi bực nhưng thấy cũng có lý, bèn làm thinh không trả lời. Nghĩ kỹ ra thì nếu không có “bác” và cái đảng thổ tả kia thì hẳn anh cũng chẳng thèm tới đây ăn hamburger làm gì cho ngán, ở nhà ăn canh so đũa, cá kho tộ ngon hơn. Hết thảy bà con mình ở hải ngoại này cũng thế thôi; nếu không có vần công, hợp tác, nếu không có ăn cướp ngang xương ban ngày, khủng bố lén lút ban đêm, nếu không có phân biệt đối xử… thì ai điên ông điên cha gì bỏ xứ sở ra đi. Xứ này tuy tử tế, công bằng, dễ làm ăn thật đó nhưng anh vẫn lưu luyến hồi xưa nơi quê nhà, cái hồi mà bọn mặt người lòng thú chưa mò về đó.
 
Lẩm nhẩm như thế rồi anh Ba trả lời vợ:
 
– Thì cũng do đường cùng mình mới liều chết ra đi. Bộ bà quên những ngày trôi dạt trên biển rồi sao? Hồi đó mình chỉ biết chạy trốn bọn người khốn nạn đó rồi tới đâu thì tới chớ đâu biết gì về cái xứ này. Bây giờ nhờ ơn phước ông bà, ở đây cái gì cũng có nhưng bì sao được với ngày xưa.
 
– Ừa! Ông nói cũng phải, tui vẫn hay nằm mơ về cái thời chế độ cũ ấy lắm. Ủa, mà hình như tụi nhỏ nó tới rồi kìa. Thôi ông coi thử con gà đã vàng chưa rồi chuẩn bị dọn ăn kẻo tụi nó đói.
 
Sau đó là một buổi tối sum họp gia đình, tiếng cười tiếng nói già trẻ chen nhau. Yên bình, hạnh phúc và đầm ấm lắm. Xin tạ ơn nước Mỹ! Xin tạ ơn tự do!
 
       ***
 
Cũng vào lúc gia đình anh Ba Lumping vui vầy bên Mỹ thì cách nửa vòng trái đất bên Việt Nam, trên lầu thượng của khách sạn năm sao Caravelle tại Sài Gòn cũng có một nhóm người Việt mở tiệc để tạ ơn… nước Mỹ!
 
Đó là tiệc ăn mừng mối quan hệ khắng khít của Việt kiều Mỹ Hăng-ri Nguyễn và một quan lớn của chế độ là đồng chí Ba Cà. Ba Cà không phải là tên thật mà là biệt danh do người đời tặng cho cái tật lưỡi gỗ nói lặp của va. Ông Hăng-ri Nguyễn là người sinh trưởng ở miền Nam. Sau ngày đổi đời năm 75, dầu chỉ là một viên chức nhỏ của chế độ cũ, ông Nguyễn cũng được đảng quan tâm gởi đi học về ngành cải tạo… đất gần ba năm tại các trạị tập trung. Những ngày trong tù và cả sau khi được thả về, thân phận ông là thân phận của con sâu cái kiến.
 
Cách mạng, mà đại biểu là những tay công an mặt lạnh như tiền cỡ anh Ba Cà này, đã coi ông như đồ rác rưởi. Cán bô cộng sản là những bóng ma đe dọa ngày đêm, họ là sự pha trộn giữa con người, súc vật và hung thần mà những kẻ hèn mọn như ông không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt.
 
Một người dân lương thiện có thể thành thủ phạm của bất cứ tội nào, bất cứ lúc nào, mà kẻ phát giác và phán quyết cuối cùng chỉ cần là gã công an khu vực. Hiểu được rằng mình đang sống trong chuồng với cái thòng lọng tòn ten trên cổ, ông Nguyễn nhất trí là phải giương cao…ngọn buồm vượt biển. Chết cũng chạy! Bọn chó má này chơi không được! Ngày đó ông kết luận một cách triệt để, dứt khoát như đinh đóng cột như vậy.
 
Chết cũng chạy!
Chết cũng chạy!
 
Thế rồi ông Nguyễn may mắn vượt thoát được để đến Mỹ tỵ nạn cộng sản. Cũng như bao người dân Việt tỵ nạn khác, ông chăm chỉ làm ăn và thành công nơi xứ sở đầy cơ hội này. Con cái ông học hành thành đạt. Túi ông rủng rỉnh đô la. Đời sống gia đình căn cơ, vững chắc lắm. Cuộc đời tưởng đâu sẽ bình lặng trôi qua cho đến ngày cuối. Nhưng không! Người thực dụng như ông không bao giờ thấy đủ. Ông vẫn tìm cách làm giàu hơn, có tiền rồi thì cần có danh, bất cần cái danh đó như thế nào. Con cái ông cũng cần vươn cao hơn nên ông khuyến khích chúng tìm mọi cơ hội.Đừng bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để ngoi lên, đó là triết lý sống mà ông giáo huấn các con. Ông còn nhớ đã đọc đâu đó một câu nói rằng cơ hội tốt nhất để làm giàu là khi một quốc gia đang phá sản hay đang trong thời kỳ xây dựng. Những năm qua ông đã nhìn thấy một quốc gia đang phá sản một cách ghê gớm, đó là quê hương ông, ở đó có một số người phất lên lẹ quá. Vì thế ông khuyến khích cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học là hãy về nước để tìm mọi cách nắm lấy cơ hôi.
 
Trong khi đó thì thời thế cũng làm cho “người cách mạng” thay đổi cách nhìn. Dưới mắt lãnh đạo cộng sản bây giờ, người như cha con ông Nguyễn là vốn quí của dân tộc. Đồng đô la đã nâng ông từ chỗ cặn bã lên khúc ruột ngàn dặm, là máu thịt không thể phung phí, bỏ quên. Trại tập trung đã không cải tạo được ông thành người tốt nhưng các hãng xưởng ở nước Mỹ đã làm được. Nói cách khác, linh nghiệm hơn hẳn hình ảnh “bác” Hồ, bóng dáng ngài George Washington trên tờ đô la đã làm ông Nguyễn trông tiến bộ hơn, yêu nước hơn.
 
Ông Nguyễn không nhớ đây là lần thứ mấy ông chén thù chén tạc với Ba Cà, nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt. Bữa tiệc hôm nay đánh dấu ngày quan hệ giữa ông và Ba Cà được nâng lên một tầm cao mới. Họ làm sui với nhau.
 
Được kết tình thông gia với Ba Cà không chỉ là một vinh dự mà còn là sự đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho việc “đầu tư” của cha con ông trên xứ này. Thực tình mà nói ông không hình dung được đôi trẻ yêu nhau đến độ nào, nhưng phần ông thì ông sung sướng lắm, mãn nguyện lắm.
 
Mặt khác, tiềm tàng trong lòng ông có chút hả dạ, nỗi “mặc cảm với quá khứ” trong lòng ông đã tiêu tan. Chúng mày đâu thể khinh rẻ tao mãi được! Ông nhủ thầm trong óc mà vẫn hơi sợ người đối diện đọc được ý nghĩ của ông. Đưa hai tay nâng ly rượu, ông Nguyễn cung kính mời Ba Cà:
 
– Xin cám ơn anh Ba và chúc mừng cho đại gia đình chúng ta.
 
– Xin mừng anh sui. Nhưng ơn này trước tiên xin dâng lên Bác. Không có Bác làm sao có được ngày hôm nay.
 
Câu nhật tụng rất vẹt của Ba Cà không ngờ lại làm ông Nguyễn suy nghĩ. Với Ba Cà thì cám ơn bác là phải, không có bác thì giờ này giỏi lắm anh ta chỉ làm tới chức y tá huyện là cùng. Nhưng phần ông, việc gì ông phải cám ơn “bác”? Ông có được ngày hôm nay là nhờ ông là Việt kiều Mỹ chớ dính dấp gì tới bác Hồ? Coi mấy thằng bạn ông còn kẹt lại, tụi nó có thua kém gì ông mà giờ này vẫn vất vưởng ngoài kia? Kiếp nào tụi nó mới bước chân được vào nhà hàng này chớ nói gì tới nhậu nhẹt với hạng người như Ba Cà?
 
Thế nhưng việc gì trên đời này cũng có điểm xuất phát, nên cuối cùng một ý tưởng vụt đến làm ông Nguyễn nghiệm ra là Ba Cà cũng có lý. Ý tưởng đó trùng hợp với câu chị Ba Lumbing đã nói với chồng chiều nay bên Mỹ:
 
“Không có lão thì giờ này chắc ông còn cày ruộng ở Tân Châu chớ dễ gì đến xứ văn minh này.”
 
Đúng vậy! Với ông Nguyễn, nếu không có “bác” thì ông đâu đến Mỹ. Không là Việt kiều Mỹ thì giờ này Ba Cà đâu thèm tiếp thằng phản động như ông? Khi đã ngộ, ông lại nâng ly xởi lởi tiếp lời Ba Cà:
 
– Anh Ba nói chí phải. Không có bác tụi mình không thể có ngày hôm nay. Riêng tui thì cũng cần nói lời tạ ơn nước Mỹ nữa đó!
 
– Phải đó anh sui. Vậy mới là người tình nghĩa thủy chung như nhứt chớ!
 
Cạn xong ly rượu, hai người sánh vai ra đứng nơi lan can, khoan khoái nhìn xuống những ngã đường đông đúc duới kia, nơi mà các đồng chí công an đang hò hét, hạch hỏi, xua đuổi những người dân oan nghèo khó. Cả hai người không ai nhận ra hình ảnh của mình trong đó nữa, vì họ đã quên đi quá khứ rồi. 

San Diego,Mùa lễ Tạ Ơn năm 2008

Caubay Thiem
@facebook/cbt     

This entry was posted in Uncategorized, Văn Hóa and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.