Trần Đông Đức

Mùa đông khắc nghiệt ở Hoa Kỳ

 Video  RidicuList: Peeing during extreme cold

 Công viên Humboldt ở Chicago

Công viên Humboldt ở Chicago

Được xem là đợt lạnh kỷ lục của 20 năm qua, mùa Đông vào những ngày đầu năm 2014 đã làm ngưng trệ hầu hết mọi sinh hoạt dân sinh xã hội trên phạm vi rộng lớn của lãnh thổ Hoa Kỳ và Canada.

Những bang được xem là nắng ấm của miền Nam nước Mỹ như Florida và Texas đều bị ảnh hưởng bởi dòng hoàn lưu địa cực (Polar Votex) từ Bắc Cực tràn xuống.
 
Nhiệt độ ở một số nơi xuống thấp -50 độ F, còn thấp hơn cả nhiệt độ mùa Đông ở Alaska, một bang ở miền Tây Hoa Kỳ nổi tiếng là xứ lạnh vì tiếp giáp với Bắc Cực và lãnh thổ Canada.’
 
 Cảnh vật dường như đều đã hóa đá dưới cái lạnh khủng khiếp.(Jan,08-2014)
 
Trường học đóng cửa, đường sá vắng lặng, bán buôn ngừng trệ, các vụ tử vong vì cơn rét là những thông tin liên quan đến thời tiết trong tuần vừa qua.
 
Trung tâm khí tượng Hoa Kỳ cũng ghi nhận rằng những luồng gió lạnh và những cơn bão tuyết dữ dội ở Bắc bán cầu là biểu hiện khí hậu thay đổi đột ngột trong vòng năm năm trở lại đây.
 

Thác Niagara,dòng nước đóng băng tức thì trước khi kịp rơi xuống, tạo thành cảnh tượng kỳ thú, hiếm có.

Thật là khó diễn tả về cảm giác cơn lạnh thấu xương vì sức gió. Luồng không lưu lạnh buốt từ Bắc Cực – Canada di chuyển như dòng xoáy có tâm bão với áp suất cao. Không khí lạnh đặc quánh với hơi nước của vùng Ngũ Hồ tạo nên hình thái đa dạng của mây nước mùa Đông hàn đới.

 Bão tuyết, sương mù, mưa băng biến đổi theo từng thời khắc trong ngày. Đất nước gió mây chuyển hóa không gian như muôn hình vạn trạng. Có những lúc trời trở nên vắng lặng, những tia nắng lại chói chang như mùa hè trên nền tuyết lạnh mênh mông tạo nên sự thoáng đãng lạ kỳ. Nhưng khi bước chân ra ngoài, cảm giác như hàng ngàn chiếc kim đâm vào da thịt.
 
 Bất chấp nhiệt độ lạnh khủng khiếp,nhiều du khách vẫn tìm đến đây để ghi lại những khoảnh khắc hiếm có.
 

Khi đêm xuống, sương mù giăng mắc như biển mây cuồn cuộn trên đường phố khiến tầm nhìn bị giới hạn tạo vô số nguy cơ về tai nạn giao thông.

 Những làn sương dày đặc chuyển vận với tốc độ nhanh khiến người ta có cảm tưởng hơi nước như ngưng tụ thành băng sương mây mù ngay trước mặt.
 

Cơn lạnh mùa đông năm nay cũng tạo nên tranh điêu khắc tuyệt mỹ của thiên nhiên lôi cuốn những tâm hồn mạo hiểm và cảm thụ về sự khắc nghiệt.

Hồ băng ở Michigan

Nhiều nhiếp ảnh gia đi tìm những cảnh tuyết sương đặc biệt như là một sự tìm tòi trải nghiệm của bản thân. Có những cảnh vật độc nhất vô nhị do hình thù của băng tuyết tạo thành như hơi nước, sóng gió bên hồ bị đóng thành băng bao bọc xung quanh những ngôi nhà cổ, biến chúng thành những lâu đài pha lê tráng lệ như chuyện cổ tích.

 Nhưng đó là những vẻ đẹp của sự tàn khốc và khắc nghiệt không phải tay chơi nào cũng đủ bản lĩnh và dụng cụ để ra ngoài chụp hình.
 

Các nhà hóa học vật lý cũng được mời lên truyền hình để giải thích hiện tượng tại sao tạt gáo nước nóng vào không khí, lập tức thấy ngay cảnh sương sa tuyết đọng. Những giọt nước lớn bị đóng băng ngay và lập tức rơi xuống mặt đất như hòn sỏi.

 Có cậu thanh niên nghịch ngợm ở bang Minnesota vạch quần thí nghiệm cũng biến ngay dòng nước từ trong người mình thành ngay cảnh sương sa tuyết đọng. Đoạn phim này đã thu hút hàng triệu người xem trên YouTube và được chiếu hẳn trên đài CNN.
 

Anh Misha Đoàn, một người sống ở Nga lâu năm và đã đi tới những vùng băng giá của nước Nga như Siberia mà cũng phải than trên facebook: “Lạy Chúa tôi! mấy chục năm ở Nga cũng chưa bao giờ chứng kiến được cái lạnh dã man như thế!!!”

 Tuy nhiên, cũng không khác gì thông tin các trận thiên tai, các đài truyền hình thường phát hình trực tiếp hướng đi của cơn lạnh này với sự hào hứng đặc biệt.
 

Hiện tượng mùa Đông của những năm gần đây quá lạnh khiến nhiều người tự hỏi về triệu chứng trái đất nóng dần có còn thực chất?

 Người ta đang tranh cãi liệu trái đất đang nóng dần hay lạnh dần nếu cứ phải trải qua những mùa Đông như thế này trong những năm sắp tới.

 
Trần Đông Đức

@BBC

This entry was posted in Địa Lý and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.