KBC 4298

Cuộc di tản

Trong đặc san Quê hương của Hội Ái Hữu Đồng hương Quảng Trị tại Boston MA 2009. Người viết có nói sơ về cuộc di tản của người con dân Quảng Trị, thế nhưng  người con dân Quảng Trị không phải chỉ dừng chân tại Huế mà còn tiếp tục chạy về miền Nam.

Gia đình tôi nói riêng và những gia đình của Quảng Trị nói chung, khi vô tới Huế được vài ngày thì mọi người đã lấy lại bình tỉnh. Sau đó sắp xếp cho một chuyến vô Nam, những gia đình nào có xe thì dùng xe nhà để đi, số còn lại không có xe thì vài ba gia đình thuê một chiếc để cùng đi . Có một số gia đình có bạn bè bà con ở Huế thì họ đã đưa vợ con, cha mẹ vô Huế trước, trong số này có chị dâu, cháu và em trai của tôi.

Sáng sớm ngày tháng tôi  không nhớ rỏ, ở sân vận động Huế và các con đường trong thành phố, nháo nhác tiếng gọi nhau oang oang  để đưa đồ đạc lên xe, ở đâu cũng nghe tiếng rộn ràng xôn xao, làm náo loạn cả thành phố. Gia đình tôi và 2 gia đình anh chị của chị dâu tôi cùng thuê một chiếc xe tải để đi, xe chạy về Hương Thuỷ,Phú Bài rồi tới Lăng cô, tôi thấy đủ loại xe kể cả xe lam ba bánh, một đoàn xe dài không tưởng tượng, xe chạy rất chậm, tôi ở trong xe đứng dậy kéo tấm bạt ra nhìn về phía trước một đoàn,  ngó lại phía sau một dãy xe dài nối đuôi nhau. Lúc này trong lòng tôi lo âu nếu có một chiếc xe nào đó  chết máy, thì ôi thôi làm sao mà di chuyển cho được, lấy niềm tin tôn giáo : “miệng tôi luôn luôn niệm Quán Thế Âm Bồ Tát”, để cho đoàn xe chạy được an toàn. Khi xe lên đỉnh đèo Hải vân nhìn xuống dưới thấy xe nào xe nấy nhỏ xíu bò từ từ lên đèo, lúc nầy trời đã về chiều, xe vẫn tiếp tục đi, rút cuộc xe cũng xuống được đèo Hải vân, tới Liên chiểu, Nam ô, lúc nầy trong lòng tôi cũng như mọi người cùng chung cảnh ngộ thấy vui và ít sợ hơn.

Xe vô tới Đà Nẳng, điểm mà xe tôi và nhiều xe khác dừng chân là ngã ba Huế, lúc này trời chạng vạng tối, mọi người bước xuống xe, ai nấy thấy bơ phờ mệt mỏi, “vì từ Huế vô Đà Nẳng khoảng  120 km thường ngày xe chạy chưa tới 3 tiếng đồng hồ vậy mà ngày hôm đó chạy từ sáng sớm cho đến tối, nên vất vả và mỏi mệt”. Khi xe dừng mọi người xuống  và đem đồ đạc xuống, gia đình nào tự gom đồ để lại một chỗ, đang loay hoay sắp  đồ đac,  thì thấy dân chúng ở gần đó họ đem bánh tráng đã nướng chín đến cho, trên tay tôi cầm bánh tráng mà rươm rướm nước mắt vì cảm động “tình người”.Gia đình anh chị tôi có 2 cháu nhỏ một đứa 3 tuổi,đứa nhỏ  1 tuối, nên chị dâu tôi bận lo trông coi hai cháu, mặc dầu còn đau nhức mệt lã người vì vừa trải qua đoạn đường kinh hoàng trên đại lộ, mà vẫn rán sức giúp anh, em và các cháu khiêng đồ đạc.

Tối hôm đó mọi người chúng tôi mang đồ vô một ngôi trường gần đó, người ta mở cửa tiếp chúng tôi. Thế là đã có chổ để tá túc qua đêm, tối đó kẻ ngủ sàn nhà người thì kê bàn ghế lại ngủ. Mỗi người trong chúng tôi đều mang một nổi buồn mà không ai nói lên được, vì cùng chung số phận, đó là cửa mất nhà tan.

Ngủ tại trường qua đêm, sáng sớm bà con lại tiếp tục đi về thành phố, mỗi người đi mỗi hướng. Anh tôi lính truyền tin, nên đưa  gia đình về tiểu đoàn 610 truyền tin ở Đà Nẳng, nghỉ ngơi, tắm rữa ăn cơm trưa xong khoảng hơn 2 giờ chiều anh tôi thuê xe đưa cả nhà về trường Phan Chu Trinh,Đà Nẳng. Ở đây tôi thấy dân chúng rất đông, thời gian này các trường học ở Đà Nẳng đều mở cửa cho con dân Quảng Trị chúng tôi  tá túc tạm thời, mọi người chia nhau để ở, tối hôm đó bà con ai nấy vẻ mặt buồn ảo não không biết số phận từ đây sẽ ra sao! Nghỉ ở đây được hai ngày, anh tôi bắt đầu đi lòng vòng kiếm người quen, may thay gặp được chú Em cùng đơn vị T.T ở Tiểu khu Quảng Trị với nhau, gặp chú Em, chú giao lại xách đồ mà khi chạy từ Quảng Trị anh tôi gởi cho chú  giữ,anh tôi mang xách đồ về đưa cho tôi mà tôi mừng đến chảy nước mắt  vì cảm xúc, xách đồ nầy toàn là áo quần của tôi, nhờ vậy tôi mới có đầy đủ áo quần để mặc, viết đến đây cho tôi xin nhắn gởi :” chú Em ở Tiểu khu Quảng Trị, còn hay mất, nếu còn hiện ở đâu xin liên lạc về số phôn 781-492-0280 em của Siêu lính truyền tin ở tiểu khu Quảng Tri biết tin”, xin chân thành cám ơn chú, lúc chạy không biết bao nhiêu người đã nằm xuống dưới làn đạn pháo mà chú vẫn giữ cái xách, viết đến đây tôi thật bồi hồi xúc động, tôi đã khóc ôm mặt nhắm mắt lại một lúc mới tịnh tâm.

Ở trường Phan Chu Trinh hai ngày, trưa hôm đó tôi viết thư gởi về đơn vị :”vì bộ chỉ huy của tôi ở Đà Nẳng”, ngày hôm sau chỉ huy của tôi khi làm ở Quảng Trị tới trường gặp tôi và nói đơn vị 311/DCNL gần đây. Vì ở trường Phan chu Trinh quá đông nên một số gia đình di chuyển đi nơi khác, trong đó có gia đình tôi , vậy thêm một lần di chuyển  về trường Thọ Nhơn ở đường Trưng vương để tạm cư. Mọi người sắp xếp đồ đạc chỗ ở ổn định, lúc này trời đã về chiều, cơm nước xong tôi ra sân đứng cho mát, vì chỗ ở chật chội nên trời nóng lại càng nóng thêm, bất chợt nhìn qua bên kia đường thấy mấy bồn xăng của hãng shell tôi thầm nghĩ có lẽ đơn vị mình sắp trình diện cũng gần đây thôi.

Vào sáng thứ hai khoảng 7 giờ chú tài xế đến đón tôi và đưa tôi đến trình diện đơn vị. Khi chú tài xế dẫn tôi đến gặp vị Thiếu tá “ông chính là chỉ huy trưởng kho 311/DCNL”.Người vồn vả niềm nở, trên gương mặt tỏ vẻ vui mừng, vì tất cả Quân cán chính của kho Quảng Trị chạy trên đoạn đường đầy đạn pháo mà về đến Đà Nẵng đều được bình yên. Các bạn ở Đà Nẵng tôi chưa quen biết nhìn tôi với cặp mắt thương mến,  sau nầy mới biết đó là : “Mỹ, Hoa, Điệp, chị Bảy và chị Nhung” chúng tôi cùng chung một Liên đoàn.

Ở trường Thọ Nhơn tôi đi làm rất gần, nhưng là nơi tập thể nên vấn đề sinh hoạt cá nhân cũng phức tạp, nhất là con gái như tôi  chị Tuyết vợ ông chỉ huy tôi khi ở Quảng Trị, biểu tôi đem áo quần để ở nhà chị mà tắm rữa cho tiện, thật là” tình người Quảng Trị ấm cúng làm sao,” tôi không quên được.

Những gia đình tạm cư ở trường Thọ Nhơn được thời gian khoảng gần hai tháng, thì tiếp tục đi về các trại định cư ở Non Nước , tôi nhớ không lầm thì sĩ quan công chức tiểu khu Quảng trị ở trại 2(Hoà long), còn quân nhân ở trại 3 ái hữu, còn trại 4,5 phần đông dân sự. Gia đình anh tôi ở trại 3 ái hữu, giờ đây tôi đi làm vất vả, sáng đón xe đi chiều đón về quá ư là mệt mỏi.

Tôi ở trại định cư một thời gian ngắn, bạn bè thấy như vậy thương tình, xin chị Bảy cho tôi về ở chung với chị, vậy tôi và thằng em trai dọn về nhà chị Bảy, tôi tiện việc đi làm còn em trai thì tiện cho việc học.

Dân chúng Quảng Trị ở các trại định cư Non Nước một thời gian thì dời về Hoà Khánh và các khu trại gia binh của lính. Sống được ít lâu thì đến năm 1973 QLVNCH tái chiếm Quảng Trị. Người con dân Quảng Trị quay gót trở về quê hương sinh sống trên mảnh đất hồi cư. Có một số không về vì việc làm của họ không cho phép.

Con dân Quảng Trị di tản, trở về tưởng chừng như an phận , chí cốt lo làm ăn xây dựng sự nghiệp mới. Nhưng chẳng bao lâu thì biến cố 1975 “ thế là lịch sử sang trang”, người con dân Quảng Trị giờ đây ngậm ngùi xúc động thương cho quê hương lắm cảnh tang thương khói lửa, điêu tàn.

Boston,ngày mưa tuyết
8/3/2013 (Quý tỵ)
KBC 4298/311/DCNL/BTT

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.