Kinh hoàng trên Đại lộ

Kinh hoàng trên Đại lộ – 1972

Tôi nhớ vào khoảng đầu tháng 5 năm 1972, khoảng giữa tháng 4  Nhâm tý.Cuộc di tản của căn cứ Ái Tử, sư đoàn 3 Bộ binh, các nghành và các binh chủng trú đóng tại Quảng Trị, thường dân cùng Tiểu khu Quảng Trị, tất cả chạy vô Huế.

Tôi không nhớ ngày, chỉ biết trời chưa sáng, nghe xe chạy và tiếng người la ơi ới. Tôi mở cữa nhìn ra đường, thấy xe chở đầy lính, mặc đủ loại quần áo của các binh chủng, người bồng bế dìu dắt nhau chạy ( nhà tôi ở khu G nằm sát quốc lộ gần ngã ba Long Hưng nên mới thấy rỏ như vậy). Dân chúng kéo nhau chạy là vì đêm hôm qua pháo kích ở Tiểu khu Quảng Trị.

Xe và người càng lúc chạy càng đông, khoảng 6 giờ sáng anh tôi và tôi cùng nhau chạy, anh tôi đi xe đạp, còn tôi gánh một đôi gánh chạy bộ. Từ nhà tôi đi khoảng chưa tới 200 mét, thì hai anh em lạc nhau, vì đoàn người và xe quá đông. Xe chạy quá chậm, nối đuôi nhau san sát. Tôi chạy gần tới ngã ba Long Hưng gặp chiếc xe GMC kéo theo sau cái rờmooc trên đó chở hai xác chết phủ tấm ra trắng. Anh tài xế thấy tôi kêu lên xe ngồi, thì ra đó là xe của Tiểu đoàn 3 Quân y, tôi ngồi ở đằng trước.

Đoàn xe và người chạy được một đoạn thì nghe tiếng súng AK và đạn pháo kích nổ gần đó. Sợ quá đi được một đoạn tôi nói anh tài xế cho tôi xuống, lúc nầy tôi gồng gánh chạy bộ theo đoàn người. Đến gần cái miếu ở đồi cát Long Hưng sát đường quốc lộ, tôi thấy lính trên xe bước xuống, tay cầm súng đang tiến vào xóm tre làng, lúc nầy gần trưa trời nắng chói chang, tiếp theo đó nghe tiếng súng nổ càng lúc càng dữ dội, vậy là quân hai bên đang đánh nhau. Tôi nhìn trước mặt tôi, đoàn người họ đã chạy quá xa, nhìn sau thì họ núp đâu tôi cũng không thấy, xe thì ngừng chạy, vì đang đánh nhau, lúc nầy trời gần trưa, ngọn nắng chói chang. Thế là một mình tôi nằm cạnh cái miễu ở đồi cát Long Hưng gần đường lộ. Sợ quá tôi nằm sấp xuống, nếu có bị thương dù sao ở lưng vẫn còn hơn ở mặt, tôi nghĩ thế. Nằm một mình giữa đồi cát tôi sợ quá không biết làm sao, lâu lâu tôi cầm chiếc nón lá úp qua trở lại, để cho người ta biết là có người đang nằm ở đây. Trận đáng khoảng hơn tiếng đồng hồ, sau đó nghe thấy máy bay ra bắn rocket, nhà cháy khói lửa bay lên nghi ngút, còn có ai chết ai bị thương tôi không biết. Một lúc sau đó nghe tiếng súng ngưng bắn.

Đoàn người và xe lại tiếp tục chạy, tôi ngồi dậy đội nón bỏ gánh lên vai bước ra đường để đi. Vừa ra tới đường tôi thấy chiếc xe GMC chạy tới, anh tài xế thấy tôi, dừng xe lại biểu tôi lên mà đi, và anh nhờ các anh bỏ đôi gánh ra sau dùm, còn tôi thì ngồi ở trước (vì hồi đó phần đông những người tài xế GMC của các đơn vị ở Ái Tử và tiểu khu Quảng trị đều biết tôi), xe này của Tiểu đoàn 3 Quân tiếp vụ, anh tài xế hỏi tôi, sáng đi xe nào, tôi nói đi xe Quân y, anh nói chọc tôi, Quân nhu mà đi xe Quân y sao không đi xe Quân tiếp vụ, lên xe nầy khỏi sợ đói, vì sau xe chở đầy thực phẩm.

Xe chạy một đoạn, đạn pháo lại tiếp tục bắn, mỗi lúc mỗi iên hồi. Khi pháo kích tôi chứng kiến, chiếc xe chạy trước xe tôi, bị trúng đạn pháo, có một người nhào từ trên đất xuống chết tại chổ máu chảy lai láng ( trời nắng đoàn xe chạy không có mui còn lính và dân ở trên xe đa số đều đứng). Lúc đó pháo dữ dội, đoàn người và xe ngừng chạy. Xe và người ngừng chạy thì tiếng súng ngưng bán, nghe ngưng bắn người và xe tiếp tục chạy, chạy một đoạn thì súng lại bắn, cứ vậy hoài. Người và vật số chết số bị thương nằm dọc hai bên đường. Tôi sợ quá một lần nữa xin anh tài xế cho xuống xe, xuống xe tôi gánh chạy theo mấy người chạy bộ, người thì chạy thẳng theo quốc lộ 1, kẻ thì rẻ về phía tay trái chạy vào làng dân để tránh làn mưa đạn trong số nầy có tôi. Vừa đi được một khoảng thì thấy có nhà, họ chạy vào xin nghỉ chân, tới nhà chúng tôi bỏ gáng ngoài sân mới vô, vừa vô trong nhà, tôi thấy mấy sào thuốc lá xâu gác phơi trên trần nhà, mùi thuốc bốc lên nồng nặc làm tôi bị ói. Hỏi mấy người, ở đây là làng nào, họ nói làng Đại Nại. Ui choa choa đi từ sang đến giờ mới tới Đại Nại. Xe và người chạy nhích từng tý,lâu lâu lại dừng vì súng đạn. Mới ngã lưng xuống nền nhà nằm chưa nóng, bà con rủ nhau đi, chúng tôi trở lại hướng quốc lộ 1 đi tiếp. Theo bà con chạy ra đường lộ, đi một đoạn ngắn, tôi gặp chiêc xe bồn loại nhỏ chứa 1200 gallons, chú tài xế biểu tôi lên xe mà đi, tôi lên ngồi trước còn gánh thì móc một bên. Xe chạy một đoạn còn cách cái cầu khoảng 200 mét, tôi không biết chiếc cầu đó tên gì, chỉ thấy tấm bảng cắm ở đầu cầu viết 9T. Lúc nầy trên xe nhận được lệnh trở về Ái Tử để tiếp tế dầu cho đơn vị ( xe bồn nầy chở dầu DIESEL, thuộc Thiết đoàn 20 chiến xa).

Xe quay đầu trở ra Ái Tử, còn tôi thêm một lần nữa xuống xe. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy một mạch, chẳng mấy chóc tới gần cầu, một số đi trên cầu, còn số kia rẻ theo hướng tay trái tìm đò ngang để qua bên kia sông, trong số này có tôi.
Đứng trên bờ nhìn xuống sông cũng khá sâu, sông không có bến, mạnh ai nấy tuột xuống. Tôi rất may mắn gặp được bác Minh và Huấn ở gần nhà, bác và Huấn phụ giúp tôi đưa gánh xuống đò, còn tôi tìm cách để xuống, tôi bò từ từ, sợ quá tôi nắm chặt những bụi cỏ , xuống được dưới đò tôi rất mừng, cô chèo đò lấy mỗi người 15$. Bước lên bờ trời quá trưa, tôi vừa đói vừa khát… ngồi xuống nghỉ cho đở mệt rồi vô nhà dân ở gần đó xin nước uống, tiếp tục chạy, tôi cố gắng hết sức mà chạy mấy cũng bị thụt lùi ở đằng sau. Chạy đến nỗi dép văng ra khỏi chân, chạy chân có dép chân không đau tới tim mà vẫn chạy, sợ quá không nghĩ đau, đói gì cả, may thay chạy một đoạn ngắn, thấy dép ai văng ra tôi lượm mang vô chạy tiếp, nhưng rộng khó chạy tôi cũng cố gắng.

Đoạn đường nầy pháo kích và súng bắn dữ dội hơn trước nhiều, chạy một đoạn phía tay trái tôi thấy vị Thầy Tu chết nằm vắt trên chiếc xe đạp (vì đầu trọc và mặc áo nâu nên tôi gọi Thầy, chứ thực ra tôi không rỏ)., chạy thêm một đoạn thấy bà mẹ chết, đứa nhỏ khoảng 2-3 tuổi đang gậm vú mẹ để bú. Đoạn đường này người và vật chết nhiều hơn, tiếng súng đạn cũng bắn dữ dội, lúc nầy thấy một số lính xuống xe chạy bộ theo dân, chen chúc nhau mà chạy. Ai khát nước gặp vũng nước nào thì cứ múc mà uống, không kể sạch dơ miễn sao có nước là được, vì ngày hôm trước trời mưa to, nước đọng lại ở mấy cái hố mới có nước mà uống đó chứ, nếu không chẳng biết lấy đâu ra nước để uống. Chạy được một đoạn khá dài, tới đó gặp ngã ba. Nghe họ nói rẽ về hướng này chạy xuống quận Hải Lăng cho đỡ bị pháo kích, nghe vậy một số chạy thẳng theo Quốc lộ 1, số chạy theo hướng quận lỵ Hải Lăng, trong số này có tôi. Chạy khoảng 50 mét tôi và vài ba người ngồi lại nghỉ. Tôi chứng kiến một cảnh rất thương tâm, một chị khoảng chưa đầy 40 tuổi và một ông già khoảng trên 60, đứng ở bụi cây gần chỗ tôi đang nghỉ mà khóc, tôi tò mò đi tới (đoạn đường này ít nghe tiếng đạn pháo), thấy đứa nhỏ khoảng 12-13 tuổi chết nằm đó, đứa bé ấy là con của chị ta. Chị khóc và nói “ con ơi con số phận con đã chết, chừ mạ vác con để chạy, ôn (ông) nội già không có ai đìu (dìu dắt) ôn đi, vậy con yên tâm mà nằm đây để cho mạ và ôn nội đi nghe con, nếu mạ ở đây với con thì sẽ chết cả ba mạng”, khóc và nói xong chị dìu cha chồng đi, thấy vậy tôi cũng khóc theo.

Nghỉ mệt xong mấy người chúng tôi lại tiếp tục đi, lúc này mặt tròi sắp lặn. Tôi chạy được một đoạn, gặp anh Tạ Trung ở cùng quê với tôi, chạy chiếc Honda đam màu xanh, từ hướng quận Haỉ Lăng chạy lên quốc lộ 1, thấy tôi anh nói, út ơi út, út chạy về hướng quận cho khỏi bị pháo kích, còn eng (anh) eng có xe khôông (không) chạy đường đó được phải lên quốc lộ mà đi. Tôi dạ và nói eng chạy cho cẩn thận nếu nghe pháo dữ quá thì đừng có chạy, núp mà tréng (tránh) nghe eng, vậy rồi chúng tôi ngược chiều nhau mà đi.

Chúng tôi chạy về gần tới quận thì trơi vừa tối, phía tay phải chúng tôi có một dãy nhà, chúng tôi cùng nhau chạy vô đó để nghỉ qua đêm, vô đến nơi mọi người xin những chủ nhà ở đó để nấu ăn, thì ra chạy loạn mà ai cũng đem theo cơm gạo sẳn sàng.
Còn tôi thì không có chi cả, vì đôi gánh của tôi một bên là cái quạt máy anh tôi mới mua chưa mở ra, còn một bên thì mấy loong đồ hộp, vài bịch gạo sấy và áo quần linh tinh. Tôi lấy gạo sấy và đồ hộp đi đổi lấy cơm ăn. Ai cũng có gia đình và người thân, còn tôi chỉ có một mình. Cơm nước qua loa, mọi người trải tấm nylon ra giữa đất mà nằm cho khỏe cái thân.
Nằm mới chớp mắt, thì nghe tiếng ồn ào, mọi người thức dậy, nghe nói xôn xao, ở trên Chi Khu Hải Lăng, tập họp binh sĩ có lệnh di tản, lúc nầy trời còn khuya, bây giờ bà con cô bác, kêu ơi ới thức nhau dậy để chuẩn bị đi tiếp.

Lần này tôi gặp Bảy ở cùng quê với tôi, nó là bạn em tôi, Bảy hỏi tôi chị đi một mình hả, gia đình đâu rồi, tôi nói gia đình chị vô Huế tuần trước rồi, còn chị và anh chị thôi, nhưng hai anh em lạc nhau từ sáng đến giờ, không biết anh chị ra sao nữa. Bảy nói chị ơi anh Tạ Trung ở làng miềng bị pháo kích chết trên đường quốc lộ khi chiều rồi chị ạ, tôi nói khoảng 3-4 giờ chiều chị gặp anh chạy xe Honda về hướng quốc lộ đó mà, bảy nói chính mắt em thấy chị ơi.

Chiến tranh là vậy đó, có ai biết được ra sao. Bảy nói lúc đó em và mấy đứa thanh niên bị Việc cộng bắt trói lại đông lắm, nhờ em lanh nên gở trói được, rồi một mặt cắm đầu chạy về đây, đang kể thấy họ kéo nhau lũ lượt đi, Bảy nói thôi chị em mình đi chị hỷ. Giờ đây có em cùng đi với chị, có gì chị em mình giúp nhau tôi ừ. Đoàn người chúng tôi băng qua cánh đồng ruộng lúa mà đi “lúa đã chín”, tới một khúc ruộng kia chúng tôi phải lội nước tới gần đầu gối, khi đó Bảy giúp tôi gánh dùm qua hết đoạn đường lội sình nước, tôi cám ơn Bảy, mang gánh lên vai tiếp tục đi. Hai bên ruộng lúa gió thổi rì rào, lạnh tới xương, nhưng ai nấy đua nhau chạy chẳng để ý chi cái lạnh giữa đêm khuya.

Trời tờ mờ sáng, đoàn người chúng tôi tới một con đê rộng lớn. Thấy có mấy đàn vịt ở ngoài đồng, tôi hỏi ở đây là chổ mô (chổ nào), người ta nói đây là đê Cù Hoan. Thấy có 6-7 căn nhà, chúng tôi vô xin nước uống, có một người nông dân khoảng 45-50 tuổi đi ra, ông nói mấy người đi đâu mà đi, lo trở về mà mần ăn, chộ (thấy) người ta chạy, cũng chạy, đồ hạng người kôông(không) nên nết, miệng ông chửi chúng tôi tay cầm cái gáo múc nước vô nhà (lu nước để ngoài sân), không cho chúng tôi uống, mấy người chúng tôi đi qua các nhà khác xin uống. Dãy nhà nầy nằm về phía tay trái theo hướng đê vô Mỹ Chánh, căn nhà của ông không cho nước uống nằm ở thứ hai (đều này tôi nhớ rất rõ). Chúng tôi kéo nhau đi mỗi lúc trời sáng tỏ. Đoàn người chúng tôi đi giữa đồng làng, nên không nghe tiếng pháo kích, đi một đoạn đường đê thật dài, gần trưa đến một cây đa thật to, chúng tôi ngồi nghỉ, tôi hỏi họ ở đây là chổ mô, họ nói đây là bến cây đa. Đi khoảng 100 mét thấy con sông hiện ra ở trước mắt, nghe mấy người nói sắp gần đến Mỹ Chánh rồi (vì tôi không biết địa danh nào cả nên hay hỏi người ta), chúng tôi ngồi ở đó khoảng 20 phút thấy có mấy chiếc đò bên kia chèo tới chổ chúng tôi. Tôi theo mấy người xuống đò để qua Mỹ Chánh, chị chèo đò lấy mỗi người 20 đồng, đò chạy dọc theo hướng Mỹ Chánh “không phải đò ngang”, nghe mấy người nói gần tới chợ Mỹ Chánh rồi, khi đó ai nấy đều vui mừng, vì tất cả đều thoát nạn nguy hiểm, dưới làn mưa đạn. Đò tấp vô bến đậu, chúng tôi kéo nhau lên, bước lên hết tam cấp là tới chợ, lúc này trời đã trưa.

Tôi đi lên thấy chợ vắng hoe, quán sá đều đóng cữa, bây giờ tôi thấy đói muốn tìm cái gì để mua ăn, nhưng chẳng có chi cả, đang nhìn chung quanh coi có chi không, bổng nghe tiếng gọi tên tôi, nhìn vô trong thấy Thiếu úy Bào thuộc Địa phương quân, vì quen tôi anh kêu vô quán ngồi, trong quán có vài ba người lính thuộc đơn vị anh. Anh Bào còn cười chọc tôi, chà ham làm quá nên để đến ngày này mới chạy tôi trả lời không phải, vì nhiệm vụ công tác, chứ ai muốn vậy, anh nói ở lại đây, lát nữa về đơn vị, anh em lo cơm nước cho, ăn xong rồi hãy đi, đơn vị anh đóng ở cầu Mỹ Chánh gần đây thôi, tôi chưa kịp trả lời thì nghe tiếng pháo kích nổ rầm rầm. Khi đó anh Bào nhận được lệnh phải có mặt ở đơn vị gấp, tôi nói thôi anh về đơn vị đi, để em theo đoàn người tiếp tục đi không có chi mô. Tiếng pháo kích nổ lúc nãy là ở cầu Mỹ Chánh, thế là bà con ở đó nhốn nha nhốn nhác, kêu nhau ơi ới, còn đoàn người Quảng trị chúng tôi tiếp tục chạy. Vô tới đây tưởng chừng như tạm yên thế mà cũng không yên được.

Đoạn đường từ Mỹ Chánh vô Huế ít xe hơn, đoàn người chúng tôi chạy vô tới Câu Nhi ranh giới giữa Quảng Trị và Huế. Mấy người thanh niên đứng lại xây mặt về Quảng Trị vái lạy chào tạm biệt Quê hương.
Đoàn người chúng tôi vẫn tiếp tục đi, nhưng lúc này đi thong thả hơn. Đi đến Phò Trạch, ở đó có nhiều chiếc xe GMC và toán người thuộc Hội Hồng Thập Tự, đem thức ăn, nước uống và thuốc men đến để giúp cho chúng tôi, tôi nhớ lúc đó người nào cũng ăn dưa hấu, vì trời quá nắng, chạy bộ hai ngày vất vả, và quá mệt nên ăn dưa cho khỏe.
Những chiếc xe GMC chở chúng tôi vô, đậu ở Phu Văn Lâu Huế. Ở đây cũng có toán Hội Hồng Thập Tự, phát bánh mì, nước uống cho chúng tôi, có ai bị thương bị xỉu họ đưa đi bệnh viện, bến Phu Văn Lâu lúc này ồn ào náo nhiệt, vì những người thân thật lạc nhau gọi nhau ơi ơí. Trên xe bước xuống tôi nghe tiếng thằng em tôi gọi tôi liên hồi, ở giữa rừng người chị em tôi, hai bên vừa kêu vừa khóc, lần mò theo tiếng kêu, chị em tôi gặp nhau ôm nhau khóc nức nở.
Em tôi kể,anh mình đã vô tới Huế, bị mệt nên đã đi bác sỹ khám. Anh nghe người ta nói, chị ngồi trên xe bồn dầu để đi, xe đó đã bị cháy ở Cầu Dài, chắc chị cũng bị chết thiêu ở trong đó rồi. Em khóc, nhưng em vẫn tin chị còn sống, ở đây thấy xe nào chở người vô em cũng hỏi, hỏi mấy xe không có, nhưng em không thất vọng, cứ chờ khi nào gặp được chị mới thôi. Em chạy đi tìm, gặp thằng bạn em,nó nói tau và chị mày đi cùng chuyến xe mới vô tới, mày đi tìm chị mầy đi không răng (sao) hết, em mừng quá.

Tôi cám ơn Phật Trời che chở, gia hộ cho tôi được bình yên, trên đoạn đường di tản đầy đạn pháo, nguy hiểm trùng trùng mà được vẹn toàn. Cái quạt mới mua chưa mở ra, tôi gánh đi theo, khi vô tới Huế mỡ quạt ra thấy ở cánh quạt thủng rất nhiều lỗ, mà thân hình tôi được an lành.

Hôm nay đây con quỳ chân xuống đá
Con nguyện cầu đây MẸ MARIA
Ngước mắt lên con nhìn bóng Ái Từ
Quán Thế Âm hằng cứu độ

Người dân Quảng Trị không phải dừng lại ở đây, mà còn đoạn đường từ Huế vô Đà Nẳng nữa, mới định cư.

KBC 3116/BTT
Boston cuối năm 2008

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.