‘Bà đầm thép’ và người Việt Nam tỵ nạn
Người dân và giới lãnh đạo ở Anh cũng như nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có tổng thống Mỹ Barack Obama, đã dành nhiều lời khen ngợi cho bà Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh, người vừa qua đời hôm 08/04 (Người Việt không cần biết ơn bà Thatcher. Trái lại, người mà họ cần cám ơn là ông Carrington và Whitelaw.Mark Tran,The Guardian)
Cộng đồng người Việt tại Anh – đặc biệt những người được tị nạn sau năm 1979 – chắc cũng dành cho bà một sự quý mến, thương tiếc khi hay tin bà qua đời vì nhờ bà, nước Anh đã tiếp nhận họ.
Nhưng xem ra không phải mọi quyết định, chính sách của bà Thatcher luôn được mọi người ủng hộ. Bên cạnh những lời khen ngợi, cảm phục có không ít người cho rằng bà là một người gây nhiều tranh cãi.
Với thuyền nhân hay người ti nạn Việt Nam, bà có tốt như họ từng nghĩ hay nghe về bà?
“Miễn cưỡng đón thuyền nhân”
Năm 1979, khi bà Thatcher được bầu lên làm Thủ tướng nước Anh, cũng là thời điểm có hàng loạt người Việt bỏ quê hương vượt biển ra nước ngoài. Trong số đó, có ít nhất 10 ngàn người được chính phủ Anh đón nhận và cho định cư tại đây.
So với con số khoảng gần 25 ngàn người đang sống tại Anh (theo số liệu tác giả bài viết có được trong một nghiên cứu về người Việt và cộng đồng người Công giáo tại Anh năm 2005), 10 ngàn người là con số không nhỏ.
Do đó, không ngạc nhiên nếu có nhiều người Việt ở Anh bày tỏ sự biết ơn đối với bà Thatcher vì đa số họ (họ và con cháu họ sau này) được định cư và sống tại Anh phần lớn nhờ quyết định ấy của bà 34 năm trước.
Nhưng tài liệu mật được công bố vào năm 2009 cho thấy bà Thatcher không mặn mà đón nhận người Việt tị nạn lúc ấy.
Theo tài liệu đó, trong một cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Peter Carrington và Bộ trưởng Nội vụ William Whitelaw ngày 14/06/79 – chỉ hơn một tháng sau khi đảng Bảo thủ của bà thắng cử – bà Thatcher lặp lại lời bà từng nói rằng nếu thuyền nhân Việt Nam được cấp nhà ở Anh trước người bản địa da trắng thì sẽ là điều ‘không đúng’.
Và bà còn cho rằng ‘Nếu chính phủ đón nhận và cho người tị nạn vào ở nhà của Nhà nước thì thế nào cũng có nổi loạn trên đường phố.
Vì sợ như vậy nên bà Thatcher đã đề nghị với ông Malcolm Fraser, Thủ tướng Úc lúc bấy giờ, là Anh và Úc cùng mua một hòn đảo nào đó ở Indonesia hay Philippine để cho những Việt tị nạn tái định cư ở đấy. Nhưng ý tưởng đó bị Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu ngăn cản vì ông sợ rằng đảo ấy sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh đảo quốc Singapore.
Theo các tài liệu mật được tiết lộ đó, bà Thatcher cũng thách thức những người dân Anh yêu cầu chính phủ Anh tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam rằng chính họ ‘nên nhận một người Việt Nam về mà nuôi’.
Nhưng cuối cùng, trước yêu cầu của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo và đặc biệt với sự thuyết phục của Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ, bà Thatcher đồng ý cho 10 ngàn người Việt vào định cư ở Anh trong vòng ba năm.
Sau những chi tiết đó, nhiều người cho rằng bà Thatcher không ưa thuyền nhân Việt Nam hay vui lòng tiếp nhận họ như dư luận từng nghe hay biết. Hơn nữa, đâu đó cũng có người cho rằng bà Thatcher là một người kì thị, có cách nhìn không tốt về những người di dân.
Một bài viết của Mark Tran được đăng trên nhật báo The Guardian sau khi những tài liệu mật ấy được công bố cho rằng, thuyền nhân Việt Nam được nhận vào Anh sau 1979 luôn biết ơn bà Thatcher.
Thậm chí đối với những ai không ưu thích chính sách của bà cũng coi việc bà đồng ý đón nhận 10 ngàn người Việt tị nạn là một cử chỉ cao thượng vì họ nhận ra rằng ‘trong người đàn bà thép ấy vẫn còn có một trái tim biết rung động’.
Theo Mark Tran, giờ hóa ra mọi chuyện không phải như thế. Vì vậy, người Việt không cần biết ơn bà Thatcher. Trái lại, người mà họ cần cám ơn là ông Carrington và Whitelaw.
“Ân nhân của người tị nạn”
Đúng vậy, theo những tài liệu đó, ban đầu bà Thatcher tỏ ra không muốn cho người Việt tị nạn vào Anh định cư và người đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận họ là hai vị bộ trưởng của bà.
Nhưng việc cuối cùng bà đồng ý cho 10 ngàn thuyền nhân vào Anh chứng tỏ rằng bà Thatcher không phải là ‘Bà Đầm Thép’, chai đá, phớt lờ nỗi đau của người khác hay là một người kì thị, có thái độ phân biệt. Hơn nữa, điều đó cũng cho thấy bà là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe cộng sự cũng như nguyện vọng của người dân của mình. Không phải ai cũng có thể làm được điều đó.
Chính bà Thatcher đã tổ chức một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề người tị nạn Việt Nam ồ ạt vào Hong Kong (thuộc địa Anh lúc bấy giờ) và tháng 7 năm 1979.
Ông Vũ Khánh Thành, người được tiếp nhận vào Anh vào tháng 10 năm 1979 – và sau đó được thành phố Hackney xin Chính phủ Anh giúp 250 ngàn bảng để sửa sang một nhà tắm công cộng cũ thành Trung tâm An Việt với mục giúp người Việt tị nạn định cư – cho rằng bà Thatcher là ‘ân nhân rất lớn của người tị nạn Việt Nam’.
Theo ông Thành, bà Thatcher không chỉ đồng ý cho người tị nạn nhập cư mà sau đó bà còn cho điều ông Thành gọi là ‘đoàn tụ thả dàn vì cứ xin bảo lãnh ai cũng được, khỏi cần xét ruột thịt hay không’.
Phản hồi lại bài viết của Mark Tran, một người Việt tị nạn viết: “chúng ta nên biết ơn bà Thatcher về những việc làm của bà cũng như cám ơn người dân Anh về lòng nhân đạo của họ. Việc lãnh đạo một quốc gia theo đuổi những chính sách nhằm bảo về quyền lợi của người dân của họ là chuyện thường tình. Ai lại muốn trở thành thành viên của một cộng đồng nơi đó lãnh đạo không bảo vệ mình?”
Người này cũng cho rằng người Việt tị nạn cũng không nên quên những gì bà Thatcher đã làm vào thời điểm thảm kịch ấy (làn sóng người tị nạn) và nên mãi ghi nhớ sự quảng đại của người dân Anh qua những nhà lãnh đạo của họ (và nay là của chúng ta) như Carrington, Whitelaw and Thatcher.
Một người khác lại đặt câu hỏi tại sao ông Tran không dùng bài viết của mình để chỉ chỉ trích những quốc gia khác đã không đón nhận người Việt cũng như nhắc lại rằng trong giai đoạn đó nhiều thuyền nhân đang ở tại các trại ở Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Indonesia bị ngược đãi thậm tệ.
Đã từng gặp gỡ và lắng nghe nhiều câu chuyện đau thương của người Việt tị nạn, tác giả bài viết này ít hay nhiều cũng hiểu được tại sao nhiều người Việt – đặc biệt những ai được nước Anh đón nhận sau năm 1979 – vẫn luôn dành một sự quý mến, biết ơn đối với bà Thatcher và người dân Anh nói chung.
Vì theo họ, bỏ cửa nhà, người thân vượt biển trên những chiếc thuyền, chiếc ghe thô sơ, lênh đênh giữa biển được cứu vớt ai lại có thể quên ân nhân cứu mạng của mình.
Phải sống những ngày tháng cực khổ – thậm chí chứng kiến cảnh đánh đập thường xuyên hay hãm hiếp – tại các trại tị nạn ở Thái Lan hoặc Malaysia ai lại không biết ơn người đã giúp mình thoát khỏi những lo sợ, đau khổ ấy.
Họ cũng cho rằng tới đất người, không người thân, ngôn ngữ không biết, phong tục không rành, được nâng đỡ, lo nơi ăn ở, cho tiền đi học ai lại không nhớ những người đã giúp mình ổn định, thích nghi với môi trường mới, có công ăn việc làm, cuộc sống tốt đẹp, tự do, ấm no như ngày hôm nay.
Chính vì vậy, có thể bà Thatcher là một người kì thị và không mặn mà với thuyền nhân Việt Nam, nhưng với những ai đã được Chính phủ Anh cứu vớt, cho tị nạn trong thời gian đó chắc họ không quên được sự giúp đỡ của người người dân và Chính phủ Anh đã dành cho họ.
Đoàn Xuân Lộc