Đức Giám Mục Lê Hữu Từ là cháu đời thứ 8
của vua Lê Hy Tông (1676-1705)
Năm 1951, lúc đó tôi mới được 12 tuổi, đang học năm thứ I ban trung học (tương đương lớp 6 cấp 2 bây giờ), lần đầu tiên tôi được yết kiến Đức Giám Mục Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ, Giám Mục Giáo Phận Phát Diệm, miền Bắc Việt Nam(Hình phải). Từ 1945 đến 1955, trong vòng 10 năm đó, ngài được xem như là lãnh tụ của người Công Giáo, đặc biệt ở miền Bắc. Tên tuổi của ngài khắp nước Việt Nam và cả thế giới đều biết. Ngài đã lập khu tự trị Bùi Chu-Phát Diệm để bảo vệ cho giáo dân và đồng bào, chống cả Việt Minh (Cộng Sản) và cả Pháp. Đây là trường hợp rất đặc biệt đối với tôi, một cậu học sinh nhỏ bé, sinh trưởng trong một làng Công Giáo ở vùng quê làm sao có thể gặp Đức Cha đang ở Phát Diệm được? Số là, hôm đó, nhân dịp Lễ Ngân Khánh Linh Mục của Cha Đôminicô Lê Hữu Luyến, anh ruột của Đức Cha Lê. Cha Luyến sinh ngày 25 tháng 12 năm 1894, chiụ chức Linh Mục năm 1926 hiện đang phụ trách giáo xứ Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị thuộc Giáo Phận Huế, là nơi sinh trưởng của tôi. Đức Cha Lê sinh ngày 27 tháng 10 năm 1897, thua Cha Luyến 3 tuổi. Ngài là con thứ ba trong gia đình có mười anh em, bảy trai, ba gái. Đặc biệt trong số đó có một Giám Mục (Đức Cha Lê), hai Linh Mục (Cha Lê Hữu Luyến và Cha Lê Hữu Huệ) và ba Nữ tu dòng Phú Xuân, Huế (Chị Madalêna Lê Thị Dũ, Chị Anna Lê Thị Ẩn tên dòng là Anne-Marie và Chị Isave Lê Thị Ứng tên dòng là Irène).
Năm 1936, có ba tu sĩ từ Tu Viện Xitô Phước Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị (bờ phía Bắc sông Bến Hải, vĩ tuyến 17) đi theo Cố Thuận (tức LM Denis, Bề trên Dòng Xitô Phước Sơn) ra Bắc lập Dòng Xitô Châu Sơn (phía Nam sông Đáy, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trong đó có Linh Mục Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ, LM Bermang Nguyễn Văn Thảo và LM Maria Malachias Dương Văn Minh (sinh 1904, em ruột mẹ tôi). Năm 1936, cậu tôi và Cha Bermang chưa chịu chức Linh Mục, mới là bậc “Thầy Dòng” mà thôi. Cậu tôi tu học ở Tiểu chủng viện An Ninh, Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng lớp với Linh Mục Giuse Lê Hữu Huệ (sinh năm 1903) nhưng bị bệnh nên được Bề Trên cho về nhà, đi dạy học một thời gian, sau đó mới xin vào Dòng Xitô Phước Sơn (Quảng Trị) gọi là tu muộn… mãi đến 1945 mới chiụ chức Linh Mục tại Dòng Châu Sơn (Ninh Bình) và làm Quản Lý cho nhà Dòng, trụ sở “Nhà in Rôma”, phố Hàng Bông, Hà Nội. Anh Cả của mẹ tôi là LM Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên, thuộc lớp đàn anh của Cha Luyến và Đức Cha Lê tại Giáo Phận Huế. Do sự liên hệ thân tình đó mà tôi được đến yết kiến Đức Cha Lê trong dịp nầy.
Trong khi đứng gần ngài, tôi được nghe câu chuyện trao đổi giữa Cha Luyến và anh em của ngài về nguồn gốc dòng họ Lê, vốn là hoàng tộc nhà Lê ở miền Bắc, vì tổ tiên có liên hệ đến vụ Lê Duy Mật, con vua Lê Ý Tông (1735-1740) nổi loạn chống lại Trịnh Giang vào năm 1738…Con cháu nhà Lê bị đàn áp nên đã thay tên, đổi họ trốn vào Quảng Bình, Quảng Trị, từ Lê Duy đổi ra Lê Hữu…
Câu chuyện trên đây đã lọt vào tai tôi, tuy lúc đó tôi mới 12 tuổi, nhưng tôi đã ghi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay. Cha Luyến ở giáo xứ Dương Lộc hơn 12 năm và tôi cũng đã hầu chuyện ngài rất nhiều lần, nhất là những dịp nghỉ Tết, nghỉ Hè…tôi đều được gần gũi bên ngài. Một vài hôm, không thấy tôi, ngài liền cho người đến nhà gọi tôi qua hầu chuyện với ngài. Tôi vốn thích chuyện đời xưa, chuyện liên quan đến lịch sử mà Cha Luyến lại là người biết rất nhiều. Đọc lịch sử, tôi cũng đã biết qua về vụ Lê Duy Mật tập hợp được một lực lượng quan trọng chống lại họ Trịnh suốt 32 năm từ 1738 đến 1770 trải qua các đời chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm. Nhưng tôi chưa đọc được Gia Phả họ Lê làng Di Luân (Di Loan) bên cạnh Cửa Tùng, Quảng Trị. Tôi có đem chuyện nầy nói với Cha Luyến và Cha Huệ thì cả hai ngài đều trả lời “Năm 1771, đúng một năm sau khi Lê Duy Mật bị chết trong rừng, anh em Tây Sơn khởi nghĩa ở Quy Nhơn; 15 năm sau (1786), Tây Sơn lấy Thuận Hoá, rồi thẳng ra Bắc diệt họ Trịnh…Chính thời điểm nầy, tổ tiên đã viết lại Gia Phả họ Lê bằng chữ Hán, ghi rõ các thế hệ từ vua Lê Hy Tông (1676-1705) cho đến sau nầy. Chúng tôi có nghe ông bà nói lại cho biết nguồn gốc dòng họ là hoàng tộc nhà Lê, nhưng chưa có dịp xem Gia Phả. Vả lại, chúng tôi là người tu hành, chỉ biết làm sao cho tròn trách nhiệm đối với Giáo Hội mà thôi. Việc gia đình dòng họ là thuộc trách nhiệm của người khác.”
Cha Lê Hữu Luyến (anh Đức Cha Lê) qua đời năm 1966 và Cha Lê Hữu Huệ (em Đức Cha Lê) qua đời sau 1975…Lúc 3 giờ chiều ngày Chúa nhật, 6 tháng 7 năm 1997, nghĩa là hơn 30 năm sau ngày Đức Cha Lê qua đời (24/4/1967), hơn 500 đồng bào đã tham dự lễ tưởng kính Đức Giám Mục Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange (Nam California) do Hội Đồng Hương Phát Diệm tổ chức, trong tinh thần biết ơn các đấng đã có công xây dựng và bảo vệ Giáo Phận cũng như đồng bào trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước Việt Nam từ 1945 đến 1954 (trước ngày ký kết hiệp định Genève 20/7/1954). Thánh Lễ do LM Nguyễn Gia Đệ (nguyên Bí thư của Đức Cha Lê) từ Canada đến chủ lễ với các Linh mục đồng tế gốc Bùi Chu, Phát Diệm như LM Đinh Công Hùynh (Phó xứ Bình An của LM Hoàng Quỳnh trước 1975 tại Sài Gòn) từ Philadelphia đến; LM Trần Đức Huynh, LM Vũ Đình Trác, LM Vũ Tuấn Tú, LM Trần Phúc Long, LM Bùi Quốc Khánh (San Jose), LM Nguyễn Văn Hương (Sacramento) và đặc biệt có LM Đỗ Bá Ái từ Pensylvania, là nghĩa tử của LM Giuse Lê Hữu Huệ (em ruột Đức Cha Lê). Thành phần quan khách gồm có cụ Phạm Hoàng Kim (em Đức Cố GM Phạm Ngọc Chi), các vị đã từng cộng tác với Đức Cha Lê ở Phát Diệm, các vị trong Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Tự Vệ Bùi-Phát, trong Lực Lượng Đại Đoàn Kết, một số cựu Nghị Sĩ, Dân Biểu, Sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng Hòa, các hội đồng hương Bùi Chu, Phát Diệm, Giáo Phận Huế, con cháu và đồng hương của Đức Cha Lê, đại diện báo chí, truyền thanh, truyền hình,v.v…
Đài tưởng niệm có 4 chữ “Thiên Chúa, Tổ Quốc”, quốc kỳ VNCH, cờ ngũ sắc cổ truyền, lư hương, hoa đèn,v.v. di ảnh Đức Giám Mục Lê Hữu Từ và LM Hoàng Quỳnh. Các cụ cao niên khăn đóng, áo dài tiến lên dâng hương và đọc văn tế theo nghi thức cổ truyền với ba hồi chiêng trống nổi lên khiến cho nhiều người sụt sùi cảm động, không cầm được nước mắt. LM Đinh Công Huỳnh đã nói về ý nghĩa buổi lễ tưởng niệm, nhắc lại công lao các vị đã góp phần xây dựng quê hương Phát Diệm: Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ, Giám Mục Phát Diệm; LM Phaolô Hoàng Quỳnh, Tổng Chỉ Huy Lực Lượng Tự Vệ Bùi Chu – Phát Diệm và Cụ Sáu tức LM Trần Lục, người đã lập ra giáo xứ Phát Diệm trong thế kỷ thứ 19 dưới thời vua Tự Đức, đã chiêu dụ dân khai hoang lập làng ở vùng Kim Sơn (Phát Diệm sau nầy), người đã xây cất khu Thánh đường Phát Diệm, một công trình kiến trúc vĩ đại mang màu sắc nghệ thuật Á Đông, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay (100 năm).
Lúc đó, tôi đang có mặt trong hội trường bên cạnh những người đồng hương và con cháu của Đức Cha Lê…thì nghe một vị trong ban Tổ Chức phát biểu rằng Đức Cha Lê là người Quảng Bình, đồng hương với Cụ Ngô Đình Khả…Tôi liền đưa tay xin phát biểu…Tôi nói: “Xin đính chính giúp: Đức Cha Lê không phải là người Quảng Bình, ngài là con cháu nhà Lê, vì tổ tiên là Lê Duy Chúc, Lê Duy Mật chống họ Trịnh (1738), thất bại, nên con cháu bị đàn áp phải trốn vào làng Di Luân (Loan), phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cạnh Tiểu chủng viện An Ninh (Cửa Tùng) phiá bắc vĩ tuyền 17, thay tên đổi họ, từ Lê Duy đổi ra Lê Hữu…”
Tôi đã nói ra nguồn gốc dòng họ của ngài như vậy thì phải tìm cho ra tài liệu Gia Phả họ Lê làng Di Luân (Loan) để chứng minh. Gần 12 năm sau, vào tháng 3/2009, tôi nhận được bản dịch tài liệu Gia Phả dòng họ của Đức Cha Lê do ông Lê Hữu Ủy (4243 Maryanne Pl. Haltom City, TX 76137) gởi đến. Đã có câu trả lời rõ ràng rồi, hôm nay tôi xin tiếp tục câu chuyện về nguồn gốc dòng họ Lê Hữu, làng Di Luân (Loan), phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tức nguồn gốc của Đức Cha Lê Hữu Từ.
Gia Phả họ Lê từ vua Lê Hy Tông đến Đức Giám Mục Lê Hữu Từ
Vua Lê Hy Tông (tên thật là Lê Duy Hợp, làm vua từ 1676-1705) có 3 người con là: Lê Duy Chúc, Lê Duy Võ và Lê Duy Đường. Lê Duy Đường lên nối ngôi tức là vua Lê Dụ Tông (1706-1729).
Lê Dụ Tông có 3 người con là: Lê Duy Thìn (tức vua Lê Ý Tông 1735-1740), Lê Duy Mật và Lê Duy Quy.
Lê Duy Võ, con vua Lê Hy Tông (anh Lê Duy Đường tức Lê Dụ Tông) là bác ruột của Lê Duy Mật.
Lê Duy Võ có 3 người con là: Lê Quang Lộc, Lê Quang Duệ và Lê Quang Phước.
(Thời gian nầy Lê Duy Chúc, Lê Duy Võ là con của vua Lê Hy Tông và Lê Duy Mật, Lê Duy Quy là con của vua Lê Ý Tông khởi nghĩa chống họ Trịnh thất bại, phải chạy trốn khỏi kinh thành Thăng Long (Hà Nội) nên các con của Lê Duy Võ phải đổi họ từ Lê Duy ra Lê Quang để trốn tránh)
Lê Quang Duệ (1750-1828) là con của Lê Duy Võ chạy vào Quảng Bình.
Nguyên vào năm 1770, Lê Duy Mật bị con rể phản bội, thua trận, đốt rừng tự thiêu. Lê Duy Võ chạy vào Quảng Bình bị phát hiện, bị bắt đi mất tích. Lê Quang Duệ là con của Lê Duy Võ chạy vào làng Di Luân (Loan), phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, lấy vợ là Hoàng Thị Châu, người Công Giáo sinh ra Lê Quang Lương (1775-1810). Như vậy kể từ đời Lê Quang Duệ, cháu nội vua Lê Hy Tông, con cháu ông nầy đã theo đạo Công Giáo và lập nghiệp tại làng Di Luân (Loan).
Lê Quang Lương sinh ra Lê Hữu Lực (1794-1875). Từ đây, họ Lê Duy (tức hoàng tộc nhà Lê) đã đổi ra Lê Quang và từ đời con của Lê Quang Lương thì đổi ra Lê Hữu (Lê Hữu Lực).
Lê Hữu Lực sinh ra Lê Hữu Chức (1812-1880) và Lê Hữu Tống (1827-1885).
Lê Hữu Chức (1812-1880) sinh ra Lê Hữu Minh, Lê Hữu Long, Lê Hữu Lân, Lê Hữu Bằng, Lê Hữu Chí (tức Hạc)
Lê Hữu Chí (Hạc) sinh ra Lê Hữu Ý, Lê Hữu Bính.
Lê Hữu Ý (1869-1951) sinh ra: Lê Hữu Nguyện, Lê Hữu Luyến, Lê Hữu Từ, Lê Thị Dũ, Lê Hữu Niệm, Lê Hữu Huệ, Lê Hữu Tuệ, Lê Thị Ẩn, Lê Hữu Hiến, Lê Thị Ứng.
Kể từ vua Lê Hy Tông (tên thật là Lê Duy Hợp) đến Đức Cha Lê Hữu Từ được 8 đời.
Vụ Lê Duy Mật chống lại họ Trịnh hơn 32 năm (1738-1770)
Sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” là một bộ sử lớn của nước ta do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn, bắt đầu biên soạn từ năm Tự Đức thứ 8 (1856) đến đầu đời vua Kiến Phúc (1884) mới xong, nguyên bản Hán văn ghi chép các biến cố lịch sử từ đời Hồng Bàng đến cuối đời Lê Chiêu Thống (1789), bản dịch Viện Sử học Hà Nội 1998. Quyển 39 cho chúng ta biết về các hoạt động của Lê Duy Mật từ ngày khởi nghĩa chống họ Trịnh(1738) đến khi thất bại, cùng vợ con đốt rừng tự thiêu để tỏ rõ chí bất khuất của mình, không chiụ đầu hàng họ Trịnh (1770)
Lê Duy Chúc, Lê Duy Võ là con Lê Duy Hợp (tức vua Lê Hy Tông 1676-1705) và là anh của Lê Duy Đường (tức vua Lê Dụ Tông: 1706-1729). Lê Duy Mật và Lê Duy Quy là em của Lê Ý Tông (Lê Duy Thìn: 1735-1740, là con của Lê Dụ Tông.)
Năm Mậu Ngọ (1738) tức năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh Hựu, đời Lê Ý Tông (1735-1740), Lê Duy Chúc, Lê Duy Võ, Lê Duy Mật, Lê Duy Quy khởi nghĩa chống họ Trịnh. Lê Duy Chúc được tôn lên làm minh chủ cùng các quan trong triều là Phạm Công Thế, Vũ Thước, Lại Thế Tế định đốt kinh thành…Việc thất bại, Phạm Công Thế bị chém đầu. Vũ Thước, Lại Thế Tế bị bắt giam, chết trong ngục. Phạm Công Thế là người xuất thân khoa bảng, làm đến chức Đông các hiệu thư. Khi bị bắt, bạn bè có người trách rằng: “ Nhà ngươi là người có khoa bảng, sao lại đi theo bọn phản ngịch?” Phạm Công Thế trả lời: “Danh phận không sáng tỏ đã lâu rồi, còn phân biệt thế nào là thuận với nghịch được nữa.” Rồi vươn cổ chiụ chém, không hề nao núng, khuất phục. Lê Duy Chúc được Ngô Hưng Tạo hộ tống vượt biển vào Thanh Hóa. Duy Chúc, Duy Quy về sau bị bệnh mất, Lê Duy Mật lên thay, chiếm cứ vùng Trấn Ninh xưng là “Thiên Nam Đế Tử”. Ông tuyên bố rằng được lệnh của vua Lê Ý Tông, chế tạo ấn bảo tỉ, cờ lệnh, kiếm lệnh, làm tờ hịch kể tội ác họ Trịnh, đi mộ quân, xây thành ở động Trình Quang, đặt nội phủ, ngoại phủ, bốn mặt ngoài phủ chia ra đặt 16 đồn ải, có lũy vững, hào sâu, có nơi cao để nhòm ngó, có điếm canh ở đường xa, phòng bị cẩn thận, chặt chẽ, bắt dân thiểu số kể cả người Lào trong vùng phải thần phục. (1)
Năm 1767, Chúa Trịnh Sâm mới lên ngôi, đã từng cho Nguyễn Mậu Dĩnh, tham nghị Nghệ An đem sắc thư đi dụ Lê Duy Mật, nhưng Lê Duy Mật không cho Nguyễn Mậu Dĩnh vào thành, phải trở về. Từ 1738 đến 1770, Lê Duy Mật hùng cứ vùng Trấn Ninh trong trong 32 năm, nhiều lần cho quân tràn ra vùng đồng bằng địa đầu tỉnh Thanh Hoá khiến cho các chúa Trịnh nhất là Trịnh Doanh, Trịnh Sâm rất lo lắng.(2)
Năm Canh Thân (1740) chúa Trịnh Doanh bắt vua Lê Ý Tông phải nhường ngôi cho con của vua Lê Thuần Tông là Lê Duy Diêu (tức Lê Hiển Tông) để trở về làm Thái Thượng Hoàng thì hào kiệt các nơi cũng mượn tiếng “phò Lê” nổi lên chống họ Trịnh như Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cử ở Hải Dương; Hoàng Công Chất ở Sơn Nam,v.v…Lê Duy Mật liền đem quân đánh Sơn Tây, chúa Trịnh sai Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân đem quân ngăn chận, Lê Duy Mật bèn rút vào rừng (3).
Tháng 9 năm Tân Dậu (1741) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 đời Lê Hiển Tông (1740-1786), Trịnh Doanh nhận thấy thanh thế của Lê Duy Mật mỗi ngày một lớn tại Sơn Tây nên sai Đặng Đình Mật đi đánh. Đặng Đình Mật là người làng Lương Xá, huyện Chương Đức, con của Hân Quận công Đặng Đình Giản và cháu của Ứng quận công Đặng Đình Tường là con nhà thế thần vừa có bà con với nhà chúa. Chúa Trịnh còn ban cho Đặng Đình Mật một thanh kiếm vàng và cờ tiết mao, phủ việt, chọn ngày làm lễ bái yết cung miếu để khuyến khích và làm tăng uy tín cho tướng khi ra trận, điều mà từ trước tới nay chưa hề có đối với người khác. Đình Mật tỏ ra rất cảm động và nguyện cố hết sức mình để lập chiến công. Vì thế, Lê Duy Mật phải rút quân về vùng núi Thái Nguyên.(4)
Năm Nhâm Tuất (1742) Tháng 10, Đặng Đình Mật đánh bại quân Lê Duy Mật ở xã Thịnh Mỹ (Thanh Hóa): Thịnh Mỹ và Bái Thượng thuộc huyện Lôi Dương tỉnh Thanh Hoá. Lê Duy Mật đã nhiều lần bị quân chúa Trịnh đánh bại phải chạy vào Nghệ An, chiếm cứ động Cổ Nam, sau lại kéo quân qua Thanh Hoá, đánh đồn Bái Thượng, định qua sông Lương Giang về chiếm An Trường. Các tướng Trịnh là Đặng Đình Mật, Hà Huân, Nguyễn Nghiễm đem quân vây đánh Lê Duy Mật ở xã Thịnh Mỹ. Duy Mật thua phải chạy đến châu Lang Chánh, nương tựa người Mường. (5)
Tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1749), Lê Duy Mật đem quân ra xã Kính Lão và Mỹ Lương thuộc tỉnh Sơn Tây, rồi kéo đến vùng Sơn Nam (Hà Nam, Nam Định bây giờ), gần kinh thành nên chuá Trịnh lo sợ bèn sai Văn Đình Ức và Mai Thế Chuẩn chống cự, lợi dụng lúc quân của Lê Duy Mật. canh phòng sơ hở bèn phá được đồn Ngọc Lâu. (6)
Thanh thế của Lê Duy Mật mỗi ngày một lớn, ông cho xây thành, đắp luỹ, đặt đồn canh, làm chòi cao để quan sát, lập nội phủ, ngoại phủ…Tháng 7 năm Giáp Thân (1764) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 đời Lê Hiển Tông, Trịnh Doanh cử Đàm Duy Vực làm Thống suất hai tỉnh Thanh, Nghệ để đối phó với Lê Duy Mật.
“Trước đây, Duy Mật chạy trốn ra ngoài, mạo xưng mệnh lệnh vua Ý Tông, chế tạo riêng bảo tỷ và cờ, kiếm, dụ dỗ khắp các tù mục ở Thanh Hoa giúp cho lính thổ, lén lút chiếm cứ miền thượng du, làm tờ hịch kể tội ác họ Trịnh. Trịnh Doanh sai quân đi đánh, mấy năm chưa dẹp yên được. Đến nay, Duy Mật đánh úp Trấn Ninh, bắt giam Bồn Xà là Lư Cầm Hương, rồi ngay ở động Trình Quang, Duy Mật đặt làm nội phủ và ngoại phủ, bốn mặt ngoài phủ chia ra đặt 16 đồn ải, có lũy vững, hào sâu, có nơi đứng cao để nhòm ngó, có điếm canh ở đường xa, phòng bị cẩn thận, chặt chẽ. Duy Mật đem quân đánh chiếm những kẻ không thần phục, khống chế các người Lào, cả đến các động ven biên giới Hưng Hoá, phía đông từ Lạc Hòn, Cao Châu, phía Bắc đến 7 tổng phủ Qùy, phủ Trà, đều bị Duy Mật thống thuộc sai khiến. Nhân đây, Duy Mật chia quân tràn xuống địa đầu Thanh Hóa, vì thế, dân nơi biên giới náo động. Triều đình bèn hạ lệnh cho Đàm Xuân Vực làm thống suất hai xứ, phàm cơ mưu đánh dẹp, tiểu nã, và việc thưởng công, phạt tội, phong quan, bãi chức, Xuân Vực đều được tùy tiên xử trí. “ (Sách đã dẩn tr. 655)
Năm Đinh Hợi (1767), Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28, tháng 4, được tin Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm mới lên nối nghiệp, Lê Duy Mật liền đem quân tràn ra Hương Sơn. Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt đi đánh, Duy Mật rút quân chạy. Nhân đó, Trịnh Sâm ra lệnh nghiên cưú tình hình và đặt kế hoạch lớn, quyết một lần diệt trừ cho xong hậu hoạn:
“Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh, hay tin Trịnh Doanh mất, nhân đấy bèn sai đồ đảng đem lính và voi tràn xuống địa phận huyện Hương Sơn và Thanh Chương; dân ở biên giới nôn nao rối loạn. Viên đồn thủ là Hà Lãm đem quân đi đánh, bị thua chạy. Tin báo về triều, Trịnh Sâm sai Nguyễn Nghiễm làm hiệp đốc suất cùng Buì Thế Đạt đem các quân đi đánh. Duy mật rút quân chạy. Sau Trịnh Sâm triệu bọn Nguyễn Nghiễm về triều.
Trịnh Sâm nhận thấy rằng, nếu không diệt trừ được Duy Mật, chung quy vẫn làm ngăn trở cho vùng Hoan, Ái, bèn dụ hỏi Thế Đạt về tình hình đóng quân của Duy Mật và kế hoạch tiến quân tải lương. Thế Đạt đem hết tình trạng Duy Mật bày tỏ ở triều đường, và nói: “Có 3 con đường có thể tiến quân vào Trấn Ninh được; dđường chính là con đường Trà Lân, có đường thủy, có thể vận lương, quân đi được yên ổn thuận tiện”. Trịnh Sâm bèn hạ lệnh bắt lấy thuyền đi biển của Thanh và Nghệ, dự tải tóc công chứa ở kho Vĩnh Doanh và Sa Nam, để phòng bị cấp phát cho quân. Một mặt, sai thêm Lê Đình Châu thống suất bọn Trịnh Phương, Nguyễn Trọng Điển và Nguyễn Đình Đống đem 5 ngàn quân, lệ thuộc sự chỉ huy của Thế Đạt, theo đi đánh giặc. Trịnh Sâm sai lấy cới là xứ Thanh Hoa gần liền phủ Trấn Ninh, bèn hạ lệnh cho lưu thủ Nguyễn Đình Diễn chia quân đóng đồn phòng ngự, chăn giữ nơi xung yếu.” (sách đã dẫn, trang 668 và 669)
(Vĩnh Doanh tức trấn lỵ Nghệ An. Thanh Hoa sau nầy đổi là Thanh Hoá vì kỵ húy hoàng hậu vua Minh Mạng tên Hồ Thị Hoa, Vùng Hoan Ái tức Thanh Hoá, Nghệ An bây giờ)
Kỷ Sửu (1769), tháng 8, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 đời Lê Hiển Tông, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt đi đánh Lê Duy Mật ở Trấn Ninh
“Trước kia, Duy Mật thì thọt ra vào vùng Sơn Tây và Thanh Hoa, sau vào Trấn Ninh, chiếm cứ thành Trình Quang, dần dần số người đông, của cải nhiều, kiêm tính các người Lào ở châu Qùy, châu Trà, châu Cao, châu Hợp bắt họ phải phục dịch lệ thuộc vào mình, thế lực có phần cường thịnh. Trịnh Doanh nhiều lần sai quân đi đánh, nhưng vì chỗ ấy vừa hiểm trở vừa xa xăm, không thể nào đánh được. Lúc Trịnh Sâm mới lên ngôi, sai Nguyễn Mậu Dĩnh, tham nghị Nghệ An, đem sắc thư đi dụ, nhưng không được vào thành, phải trở về. Đến nay quyết kế dùng quân đánh dẹp. Trước hết đem việc ấy bảo rõ cho binh lính biết, rồi sai Bùi Thế Đạt làm thống lãnh Nghệ An, Nguyễn Phan làm chánh đốc lãnh Thanh Hoa, Hoàng Đình Thể làm đốc lãnh Hưng Hóa, điều động binh mả ba đạo đi đánh Trấn Ninh” (sách đã dẫn, bản dịch, trang 689)
Canh Dần (1770) tháng giêng, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 đời Lê Hiển Tông, Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể đem quân của ba đạo (tỉnh) Thanh Hoá, Nghệ An và Hưng Hoá đến bao vây Trấn Ninh nhưng không phá được thành Trình Quang vì Lê Duy Mật phòng bị cẩn thận. Hoàng Ngũ Phúc liên lạc được với mẹ của Lại Thế Thiều (6), con rể của Lê Duy Mật, bắt bà nầy viết thư cho con làm nội ứng. Lại Thế Thiều cùng Lâ Văn Bản bèn mở cửa thành cho quân của chúa Trịnh tiến vào. Khi thấy quân đã bắc thang trèo lên bắn vào trong thành suốt ngày đêm không ngớt, Lê Duy Mật biết là có nội ứng từ trong nhà, liền cùng vợ con chạy vào rừng và nổi lửa đốt rừng cùng chết chung với nhau để tỏ rõ chí khí bất khuất đối với họ Trịnh…Các sử gia của Quốc sử quán nhà Nguyễn qua sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” đã ghi lại biến cố nầy như sau:
“Duy Mật giữ lấy chỗ gò cao thành Trình Quang, dựa vào hang hốc, nuí non làm kiên cố. Được tin quân ba đạo kéo vào, hắn muốn cố chết giữ vững lấy thành, rồi cho toán quân lưu động lẻn ra đón đường chận đánh làm cho quan quân mỏi mệt. Thế Đạt và Nguyễn Phan đốc suất quân hai đạo Thanh, Nghệ, bám sát sườn núi tiến vào, đánh phá ở các xứ Trình Ban và Bạn Xung, nhiều lần được thắng trận, nhân đấy tiến sát đến ngoài gò cao thành Trình Quang, chia ra đặt doanh trại. Duy Mật cho quân đóng yên một nơi không hành động, hai viên tướng chưa biết thực hư thế nào không dám cho quân tiến thẳng vào. Gặp lúc ấy, Hoàng Ngũ Phúc chiêu dụ được mẹ tên Lại Thế Thiều(7) và viên tướng của Duy Mật, Ngũ Phúc sai mụ nầy viết thư dụ dỗ Thế Thiều để làm nội ứng. Thế Thiều là con rể Duy Mật, khi nhận được thư của mẹ, bèn nhị tâm với Duy Mật, hắn ngầm khuyên đồ đảng là Lê Văn Bản mở cửa thành ngoài cho quan quân tiến vào. Khi quan quân đã vào, bèn bắc thang trèo lên bắn vào trong thành, tiếng súng suốt ngày đêm không ngớt. Duy Mật tự biết rằng đã vỡ lở ngay từ trong nhà rồi, liền tụ tập vợ con, rồi tung lửa đốt để tự chết cháy.
Bọn Thế Đạt vào thành, thu thập được khí giới, ngựa, voi và vàng lụa kể cả hàng vạn. Dùng thổ tù là Lư Cầm Uẩn, Lư Cầm Khâm làm chánh xà và phó xà để giữ lấy đất ấy. Trấn Ninh hết thảy đều bình định được.” (Sách đã dẫn, bản dịch tr.691)
(Xà là tù trưởng, người đứng đầu một bộ lạc của dân thiểu số)
“Sau bàn luận công đánh dẹp, gia phong Bùi Thế Đạt làm đại tư đồ, Nguyễn Phan làm thái tể, Hoàng Đình Thể làm thiếu bảo; còn tán lý, tham mưu, giám quân và tướng hiệu đều thăng thưởng có từng cấp bậc khác nhau.” (8)
Từ Lê Duy đổi ra Lê Quang
Từ năm 1738, Lê Duy Chúc (con vua Lê Hy Tông, anh vua Lê Dụ Tông, bác của vua Lê Ý Tông) được bà con hoàng tộc nhà Lê và quân lính tôn lên làm minh chủ để chống họ Trịnh thất bại, cho đến khi Lê Duy Mật (con vua Lê Dụ Tông và là em vua Lê Ý Tông) kế vị Lê Duy Chúc, xưng là “Thiên Nam Đế Tử” để tiếp tục chống họ Trịnh, chiếm được Trấn Ninh, lập căn cứ vững chắc cho đến năm 1770, bị các tướng Trịnh là Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan và Hoàng Ngũ Phúc đánh bại…trải qua tất cả 32 năm năm, con cháu nhà Lê bị đàn áp, truy lùng ráo riết. Lê Duy Chúc, Lê Duy Quy chết bệnh, Lê Duy Võ trốn vào Quảng Bình, Lê Duy Mật chiến đấu trong cô đơn, ông đã từng cho người vào Huế cầu cứu chúa Nguyễn giúp, nhưng bị từ chối, cuối cùng bị con rể phản bội đành phải lấy cái chết mà đền đáp công ơn tổ tiên.
Gia Phả họ Lê làng Di Luân (Loan) cho biết: Sau khi Lê Duy Mật tự thiêu (1770), ông Lê Duy Võ đổi tên là Đào Văn Dỏ (Đào là trốn chạy, đào thoát; Văn Dỏ là Võ Danh người có tên là Võ), ba người con của ông đổi tên là Lê Quang Lộc, Lê Quang Phước và Lê Quang Duệ, phân tán mỗi người một vùng khác nhau.
Lê Duy Võ bị phát hiện, bị bắt đi mất tích
Lê Duy Võ vào Quảng Bình, xin giúp việc trong nhà một ông Tú tài. Một hôm, nhà ông Tú có khách đến chơi, hai người ăn khoai môn và cao hứng làm thơ “Vịnh Cây Môn”. Ông Võ ở nhà dưới, lắng nghe các cụ ngâm vịnh và tỏ vẻ thích thú lắm. Tên đầy tớ nhà ông Tú thấy vậy liền mách với chủ. Ông Võ liền được mời lên nhà trên. Ông Tú hỏi:
-Thế thì bác cũng biết làm thi phú sao?
Ông Võ trả lời:
-Dạ bẩm, cháu cũng có biết chút ít thôi. Vì lúc nhỏ, cháu cũng có đi học, về sau vì cha mẹ mất sớm, nhà nghèo nên phải bỏ học để kiếm việc làm sống qua ngày.
-Bác có cảm tưởng gì về bài thơ “Vịnh Cây Môn” của tôi không?
-Cháu không dám, nhưng qúy cụ đã dạy thì cháu cũng xin góp vài ý kiến.
-Vậy Bác thử vịnh một bài xem sao?
Ông Võ làm một bài “Vịnh Cây Môn” trong đó có hai câu như sau:
“Xung thiên ngật lập công hầu cái,
Liệt địa phân đồn phụ tử binh”
(Ngang trời nảy lọng che vương tướng,
Chia đất đóng đồn giữa cha con)
Hai ông Tú ngạc nhiên và chặc lưỡi khen thầm. Nhưng rồi họ đâm ra nghi ngờ và bàn tán với nhau rằng: “Qủa tên nầy không phải là một thường dân. Có lẽ y là một tên thuộc dòng dõi nhà Lê nổi loạn và có thể là một tướng giặc trá hình cũng nên. Vì cả lời văn cho đến ý thơ đều sắc mùi háo chiến”.
Lúc bấy giờ có lệnh của chúa Trịnh lùng bắt con cháu nhà Lê “phản loạn”, ai bắt được người nhà Lê (dòng họ Lê Duy…) thì sẽ được trọng thưởng. Lập tức, hai ông Tú bắt ông Võ đem nộp quan. Ông Lê Duy Võ là con vua Lê Hy Tông (Lê Duy Hợp). Từ đó, số phận ông Võ ra sao không ai còn biết tin tức…
Ba người con ông Võ nghe tin ấy liền chạy trốn vào tỉnh Quảng Trị.
-Ông Lê Quang Lộc trú tại thôn Cổ Trai, Vĩnh Linh, Quảng Trị
-Ông Lê Quang Phước chạy vào Cửa Việt, Triệu Phong, Quảng Trị và mất tích luôn.
-Ông Lê Quang Duệ chạy vào Di Luân (Loan), Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tại đây, ông đã lập gia đình với bà Hoàng Thị Châu và theo đạo Công Giáo. Dòng họ Lê Quang về sau đổi ra Lê Hữu…Trước khi chết, ông Lê Quang Lộc đã viết lại Gia Phả và nguồn gốc dòng họ để lại cho con cháu. Gia Phả nầy được viết bằng chữ Hán, ông Lê Hữu Lực, cháu nội ông Lê Quang Lộc bổ túc thêm và năm 1950, hai ông Lê Hữu Nguyện và Lê Hữu Niệm dịch ra tiếng Việt.
Người địa phương có câu:
“Văn chương Xuân Mỵ,
Lý sự Thụy Khê
Làm thuê Cẩm Phổ
Ở lỗ làng Tùng (Tùng Luật tức Cửa Tùng)
Anh hùng Di Loan (Di Luân)”
Làng Di Loan hay Di Luân là nơi con cháu dòng họ Lê Duy (hoàng tộc nhà Lê) đến định cư từ đời ông Lê Quang Duệ, con ông Lê Duy Võ (Lê Duy Võ là con thứ hai của vua Lê Hy Tông (1676-1705).
Ông Lê Quang Duệ, sinh năm 1750, lập gia đình với bà Hoàng Thị Châu sinh ra ông Lê Quang Lương.
Ông Lê Quang Lương sinh năm 1775, lập gia đình với bà Hoàng Thị Tề sinh ra ông Lê Hữu Lực.
(Từ đây dòng họ Lê Duy lại đổi thành Lê Hữu)
Ông Lê Hưũ Lực, sinh năm 1794 lập gia đình với bà Hồ Thị Liễu sinh ra ông Lê Hưũ Chí (Hạc)
Ông Lê Hưũ Chí sinh năm 1849 lập gia đình với bà Trương Thị Thể sinh ra 9 người con:
-Lê Thị Vinh (1867)
-Lê Hữu Ý (1869)
-Lê Thị Tài (1871)
-Lê Hữu Hùng (1873)
-Lê Thị Khoa (1875)
-Lê Thị Giáp (1877)
-Lê Thị Ất (1882)
-Lê Hữu Bính (1885)
-Lê Thị Đinh (1888)
-Bà Lê Thị Đinh là vợ ông Nguyễn Văn Ngại ở Phủ Cam, Huế. Ông Ngại là em ruột ông Nghi (Ông Hội Nghi) và ông Nguyễn Văn Diêu (ông nội của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận). Ông Bà Nguyễn Văn Ngại – Lê Thị Đinh sinh ra: Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Bửu, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Văn Dương. Ông Nguyễn Văn Đông có thời gian làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Nguyễn Văn Bửu là Tỷ phú tại Sài Gòn trước 1975.
-Con cháu ông Lê Quang Lộc ở làng Cổ Trai và con cháu ông Lê Quang Duệ ở làng Di Loan đều trở nên giàu có, danh giá tại địa phương. Ông Lê Hữu Chí và con là ông Lê Hữu Ý đều làm Chánh Tổng.
-Ông Lê Hữu Ý sinh ngày 3-3-1869 tại Di Loan, lập gia đình với bà Trần Thị Dưỡng, sinh hạ 10 người con. Ông giỏi chữ Hán, chữ Nôm, làm ông trùm xứ của giáo xứ Di Loan từ thời LM Léopold Cadière (Cố Cả) cho đến khi qua đời (1951), là người rất đạo đức và uy tín. Thời đó mà ông đã xây nhà lầu để ở. Ông thường mặc bộ quần áo lụa trắng, đội nón quai găng, để râu dài, dáng đi khoan thai, ăn nói chững chạc, cốt cách nho nhã, được mọi người kính trọng.
Mười người con của ông Lê Hữu Ý và bà Trần Thị Dưỡng, theo thứ tự:
1.Phêrô Lê Hữu Nguyện, sinh ngày 29-2-1891, trước 1954 làm lý trưởng làng Di Loan.
2.Đôminicô Lê Hưũ Luyến, sinh ngày 25-12-1894, Linh Mục (1926) cha xứ Dương Lộc
3.Tađêô Lê Hữu Từ, sinh 27-10-1897, Linh Mục (1928), Giám Mục Phát Diệm 1945.
4.Madalêna Lê Thị Dũ, sinh 31-12-1900, tu sĩ Dòng Phú Xuân Huế, mất sơm. (9)
5.Phêrô Lê Hữu Niệm, sinh 16-11-1902.
6.Giuse Lê Hữu Huệ, sinh 12-12-1903, Linh Mục 1934, làm Bề trên Quản hạt tại Quảng Trị.
7.Giuse Lê Hữu Tuệ, sinh 28-2-1905 (vợ là Trần Thị Truyền em ông Trần Văn Lý, Thủ Hiến Trung Việt)
8.Anna Lê Thị Ẩn, sinh 8-2-1908, nữ tu Dòng Phú Xuân, Huế, tên dòng Anne-Marie
9. Phêrô Lê Hữu Hiến, sinh 3-7-1910, có Tú Tài Pháp, bị Việt Minh giết năm 1949.
10.Ysave Lê Thị Ứng, sinh 3-4-1915, nữ tu dòng Phú Xuân, tên dòng Irène.
Đức Giám Mục Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ
Theo sách “Tiểu sử các Linh Mục Giáo Phận Huế”(Hình phải: Nhà thờ – Phát Diệm 1955 (Ảnh của Võ An Ninh), tài liệu chính thức của Toà Tổng Giám Mục Huế, phát hành nội bộ, năm 1981, tr. 262 thì Đức Cha Lê Hữu Từ sinh ngày 27-10-1897 tại làng Di Luân (người địa phương đọc là Di Loan), phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (các tài liệu khác ghi là ngày 28-10-1896). Thân phụ ngài là cụ Đôminicô Lê Hữu Ý, thân mẫu là Annê Trần Thị Dưỡng. Anh ruột là Linh Mục Đôminicô Lê Hưũ Luyến, em ruột là Linh Mục Giuse Lê Hữu Huệ, thuộc Giáo phận Huế. Ngài là nghĩa tử của Linh Mục Laurence người Pháp (thường gọi là Cố Phước) và được giới thiệu vào Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị) ngày 01-9-1911, ngày 01-9-1921 vào Đại Chủng Viện Phú Xuân (Huế), lãnh phép cắt tóc ngày 23-12-1922, các chức nhỏ 22-12-1923 và 20-12-1924. Chiụ chức Năm ngày 19-12-1925, chức Sáu (Phó Tế) ngày 18-12-1926 tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam (Huế). Trước khi chiụ chức Linh Mục, ngài xin chuyển qua Dòng khổ tu Xitô Phước Sơn (Quảng Trị), nhập dòng ngày 15-9-1928, thụ phong Linh Mục tại Huế ngày 22-12-1928. Ngày 8-9-1936, ngài cùng hai Linh Mục Maria Malachias Dương Văn Minh và Bermang Nguyễn Văn Thảo đi theo Cố Thuận (Lm Dennis) từ Quảng Trị ra lập Dòng Xitô Châu Sơn (Phủ Nho Quan, Ninh Bình) và sau đó mấy năm, ngài kế vị Cố Thuận làm Bề Trên nhà Dòng. Năm 1945, ngài được Tòa Thánh Vatican chọn làm Giám Mục Giáo phận Phát Diệm thay thế Đức Cha Phan Đình Phùng qua đời. Năm 1947, ngài được Toà Thánh chọn làm Giám Quản Giáo phận Bùi Chu thay thế Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn qua đời. Ngài kiêm luôn hai Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm cho đến khi Đức Cha Phạm Ngọc Chi về làm Giám Mục Bùi Chu vào năm 1950.
Ngài là một nhà ái quốc chống thực dân Pháp và chống Cộng. Năm 1945, Hồ Chí Minh mời ngài làm Cố Vấn cho Chính phủ Việt Minh mục đích đánh lừa dư luận trong và ngoài nước khi thế lực của chúng còn yếu kém. Trong chức vụ nầy, ngài đã cưú nhiều người quốc gia khỏi tù tội và khỏi bị Cộng Sản giết hại, trong đó có cụ Ngô Đình Diệm (nhà lãnh đạo miền Nam VN từ 1954 đến 1963). Ngài đã lập ra Lực Lượng Tự Vệ Buì Chu-Phát Diệm để bảo vệ cho đồng bào lương giáo khỏi bị thực dân Pháp và Cộng Sản áp bức. Lực Lượng nầy do Linh Mục Hoàng Quỳnh làm Tổng Chỉ Huy. Trong thời gian từ 1945-1949, trước khi có chính quyền quốc gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, những người quốc gia chống Cộng bị đàn áp, bị khủng bố, không nơi nương tựa đã chạy về Phát Diệm tá túc. Có khoảng 60.000 người từ các nơi về đây đã được che chở trong khu an toàn Phát Diệm. Năm 1947, Hồ Chí Minh về thăm Phát Diệm, Đức Cha Lê Hữu Từ đã nói với ông rằng:“Tôi và toàn thể giáo dân Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ cụ trong công cuộc chống thực dân để giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam, nhưng nếu cụ là Cộng Sản thì tôi chống cụ ngay từ giờ phút nầy”. Hồ Chí Minh đáp lại rằng: “Toàn dân đoàn kết kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho Việt Nam thì thế nào cũng thắng. Sau khi toàn thắng thì sẽ có cuộc phổ thông đầu phiếu, lúc đó toàn dân sẽ định đoạt, cụ và tôi khỏi lo”. Thực tế, từ sau khi Cộng Sản toàn thắng, thống nhất đất nước thì nhân dân không được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc…
Đức Cha Lê là một nhà khổ tu, ngài sống nghèo khó, không màng danh lợi. Năm 1952, khi Đại Tướng De Lattre De Tassigny của Pháp đề nghị tặng huy chương cho ngài, ngài đã trả lời:“ Trên ngực của tôi chỉ có tượng Thánh giá, tôi không bao giờ mang bất cứ một huy chương nào khác”. Ngài qua đời ngày 24-4- 1967, thọ 70 tuổi, 39 năm làm Linh Mục, 22 năm làm Giám Mục, không để lại tiền bạc, tài sản gì hết. Đồng bào thương tiếc đi theo quan tài của ngài hàng mấy cây số. Mộ ngài chôn trước sân nhà Dưỡng Lão Xóm Mới, quận Gò Vấp, Gia Định, hàng ngày vẫn có người mang hoa tươi đến để cầu nguyện.
Xin cám ơn ông Lê Hữu Ủy đã cung cấp cho chúng tôi tài liệu Gia Phả và hình ảnh liên quan đến Đức Cha Lê và dòng họ của ngài.
Nguyễn Lý-Tưởng
Westminster, California, ngày 23 tháng 10 năm 2009
Chú thích
(1) Xem “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sách đã dẫn, bản dịch Viện Sử học Hà Nội, 1998, tr. 691)
(2) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 39, bản dịch Hà Nội, 1998, tr.501: “Năm Mậu Ngọ (1738), niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4, tháng 12 (Chạp) các tôn thất nhà Lê là Lê Duy Mật, Lê Duy Chúc…nổi lên ở Thanh Hoa chống họ Trịnh: Bọn Duy Mật, Duy Chúc và Duy Quy bực về nỗi họ Lê mất quyền bính, Trịnh Giang bạo nghịch giết vua, họ bèn cùng quan trong triều là bọn Phạm Công Thế, Vũ Thước và thuộc hiệu là Lại Thế Tế bàn mưu đốt kinh thành, nhưng không xong. Vì sợ công việc bị lộ nên Duy Quy chạy đi Cẩm Thủy, Duy Mật và Duy Chúc chạy đi Nghi Dương, được thổ hào là bọn Ngô Hưng Tạo hộ tống vượt biển vào Thanh Hoa. Giang sai binh lính đuổi theo không kịp. Bọn Vũ Thước bị bắt, đem giam trong ngục rồi giết đi. Duy Chúa và Duy Quy sau bị bệnh chết, Duy Mật bèn chiếm cứ mặt thượng du vùng Tây Nam. Lúc ấy Phạm Công Thế đương giữ chức Đông các hiệu thư, theo Duy Mật dấy quân, đánh nhau bị bại trận và bị bắt. Bầy tôi trong triều trách Công Thế rằng: “Nhà ngươi là người trong khoa giáp làm sao lại đi theo bọn phản nghịch?” Công Thế cười nói: “Danh phận không sáng tỏ đã lâu rồi, còn phân biệt thế nào là thuận với nghịch được nữa?” Rồi, vươn ccổ chiụ chém, không một phút nào khuất phục nao núng”
(3) Khâm Định Việt Sử TGCM, sách đã dẫn, tr.519
“Năm Canh Thân(1740) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1 đời Lê Hiển Tông, tháng Giêng, quân của Lê Duy Mật tràn ra Sơn Tây, các huyện Phúc Lộc, Tiên Phong đều bị cướp phá nhũng nhiễu. Bèn bổ dụng Trần Đình Miên giữ chức đốc lãnh Sơn Tây, đem quân đi đánh. Sau đó, lại sai bồi tụng Nguyễn Bá Lân đem quân và voi tiến lên, vừa đánh dẹp, vừa phủ dụ. Bá Lân cchiêu tập hương binh ba huyện thượng du đi bình định, bắt được nhiều người. Quân của Lê Duy Mật lui về thượng đạo.” ( Phúc Lộc nay là Phúc Thọ và Tiên Phong đều thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.)
(4)Khâm Định Việt Sử TGCM, sách đã dẫn, tr.552
“Trước kia, Duy Mật bỏ trốn ra ngoài, cùng với chú là Duy Chúc ở đầu nguồn thuộc Thanh Hoá, quân chúng suy tôn Duy Chúc làm minh chủ. Chưa bao lâu, Duy Chúc mất, Duy Mật bèn thống lãnh quân chúng, rồi do đường An Hóa, Phụng Hóa thuộc Thiên Quan, vvượt qua Mỹ Lương và Minh Nghĩa, kéo ra quãng sông Đà, sông Thao. Trịnh Doanh sai Đặng Đình Mật, thống lãnh đạo Thanh Hóa, đốc suất cả quân các đạo An Sơn, Mỹ Lương và Chương Đức tiến đánh. Đình Mật nhân lúc không ngờ, đương đêm tiến quân sát lũy của Duy Mật, phá vỡ được ba trùng lũy cùng vài chục sở đóng quân. Duy Mật rút quân giữ huyện Văn Lãng thuộc Thái Nguyên, sau lại trở về Thanh Hóa dựng doanh lũy ở xã Ngọc Lâu, xưng hiệu là Thiên Nam đế tử.” (An Hòa: tên huyện thuộc tỉnh Ninh Bình. Minh Nghĩa: tên huyện thuộc tỉnh Sơn Tây. Văn Lãng: tên huyện thuộc Thái Nguyên. Xã Ngọc Lâu: thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa)
(5) Khâm Định Việt Sử TGCM, sđd, tr.561
“Trước kia, Lê Duy Mật nhiều lần bị Đặng Đình Mật đánh bại, phải chạy đến Nghệ An, chiếm cứ động Cổ Nam, sau lại vội vàng đi Thanh Hoá, ra huyện Lôi Dương, phá đồn Bái Thượng, định mưu qua đò Lương Giang để về An Trường. Đình Mật cùng bọn Hà Huân, Nguyễn Nghiễm tiến quân, gặp ở xã Thịnh Mỹ, đánh bại được Duy Mật. Duy Mật chạy đến châu Lang Chính.”
(6) Duy Mật đem quân ra xã Kính Lão, đến huyện Hoài An, giặc Tương (sót họ) cũng đem hết quân tụ tập ở Kiệt Sơn, làm thanh thế xa rộng. Trịnh Doanh thấy Sơn Nam gần với hku vực kinh kỳ, bèn sai bọn Văn Đình Ức và hiệu điểm Mai Thế Chuẩn chia quân chiếu theo địa thế phòng ngự, và sai Lân trung hầu (tên là Lân, sót họ) nhân đồn lũy của Duy Mật để sơ hở, đem quân xông lên đánh phá làm cho Ngọc Lâu bị rối loạn”.
(Sách đã dẫn, tr.598): Kính Lão và Mỹ Lương đều là tên xã thuộc tỉnh Sơn Tây.
(7) Lại Thế Thiều: Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch Hà Nội phiên âm là Lại Thế Thiều. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết là Lại Thế Chiêu (chiêu dụ) và Gia Phả họ Lê làng Di Luân (Loan) phiên âm Lại Thế Triều. Chúng tôi theo cách đọc của Viện Sử Học Hà Nội: Lại Thế Thiều.
(8) Sách đã dẫn, tr.692
(9) Theo tài liệu Gia Phả do ông Lê Hữu Ủy (con ông Lê Hữu Niệm) cung cấp thì bà Madalêna Lê Thị Dũ, em kế Đức Cha Lê, sinh ngay 31-12-1900 đã vào tu tại Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Phú Xuân, Huế) và đã qua đời ngaỳ 02 tháng 11 năm1910, khi mới 10 tuổi.