GIẤC MƠ ĐƯỢC HỌC NGUYỄN HOÀNG
Không biết tôi phải bắt đầu câu chuyện từ đâu. Lúc còn nhỏ hay là bây giờ? Thật tình chữ nghĩa của tôi quá ít ỏi. Không đủ khả năng viết lách như mọi người. Tôi chỉ xin được kể lại câu chuyện đời mình chứ không dám viết hồi ký hay bút ký gì hết. Xin các anh chị dễ dãi cho tôi vậy.
Chuyện kể của tôi từ hồi tôi mới 7 tuổi (năm 1957). Một buổi sáng theo chân mụ Câu đi thăm Ba tôi đang bị tù ở Thị xã Quảng Trị. Lúc ngang qua bến xe, tôi thấy bên kia đường có một ngôi trường hai tầng thật lớn, bên trong sân có rất đông người, con trai mặc quần xanh áo trắng, con gái áo dài, quần dài trắng, tóc xỏa ngang vai đang chạy nhảy nô đùa với nhau như một cảnh thần tiên nào đó (hoàn toàn khác với cuộc sống của tôi). Tôi cứ ngoái cổ nhìn hoài không biết chán, cho đến lúc mụ Câu kêu réo tôi mới chạy theo cho kịp chân mụ. Cảnh thần tiên cứ mằm hoài trong trí óc và dần dà đi vào giấc mơ của tôi mỗi đêm sau đó: “Giấc mơ được học Nguyễn Hoàng”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở một làng quê có tên gọi là Trường Sanh. Ở cái tuổi thay vì được đi học, tôi lại phải đi làm “đầy tớ” để kiếm cơm ăn áo mặc và giúp đở cho gia đình bớt khó khăn. Cũng may, nhờ làm đầy tớ mà tôi có cơ hội học “lóm” ít chữ nghĩa từ cậu gia sư dạy học cho cô chủ nhỏ tôi hằng đêm. Âu cũng mệnh số an bài. Ở đây cho tôi xin được mở ngoặc cảm ơn cậu Phú, gia sư của cô Đỗ Thị Minh Châu, cô bé mà hằng ngày tôi phải đưa đón đi học và ban đêm phải ngồi kế bên để dỗ dành cô học bài và học theo cô để sau này tôi mới biết đọc biết viết. Bây giờ các ân nhân tôi đang ở đâu? Có còn nhớ con Hoa này không? Tôi vẫn thường xuyên tìm kiếm mong mỏi được gặp các người. Cầu ơn trên cho các ân nhân của tôi bình an và gặp nhiều may mắn.
Gia đình tôi giúp việc tận Thành Nội Huế, nên cứ mỗi năm được phép về thăm nhà lại có dịp đi ngang qua ngôi trường Nguyễn Hoàng ước mơ của tôi. Và, lần nào cũng thế. Tơi đứng nép mình bên cổng trường đưa mắt dỏi khắp sân trường cho thỏa mãn nỗi khát khao thèm muốn của một cô bé nhỏ tuổi đầy mộng mơ. Lạy Trời Phật kiếp sau cho con được đầu thai vào một gia đình giàu có để được đi học Nguyễn Hoàng. Tôi cũng không quên xin thêm một chút nhan sắc con gái. Không biết như vậy có quá tham lam hay không?! Sau 7, 8 năm đi làm đầy tớ cho các nhà giàu có, giờ tôi đã 15 tuổi, đã biết diện áo dài trắng, tóc xỏa ngang vai, đầu đội nón bài thơ với quai nón màu tím nhạt. Tôi đã đọc được tiểu thuyết và cũng bắt chước tập tành làm thơ con cóc. Tôi thực sự đã trở thành một thiếu nữ…có một chút nhan sắc (hơi tự tin). Một lần về thăm ngoại tôi ở làng An Tiêm, tôi đã ngang nhiên đứng trước cổng trường Nguyễn Hoàng nhìn vào bên trong như một cô nữ sinh thực thụ. Cái cảm giác dễ chịu, thoải mái đó mãi đến bây giờ mấy chục năm rồi tôi vẫn còn sung sướng. Cũng từ năm đó tôi chấm dứt cái “job” đầy tớ đầy nghiệt ngã và cũng lắm kỷ niệm vui buồn của mình.
Về làng ngoại, tôi gặp Thanh Tâm, người em cô cậu ruột đang học Nguyễn Hoàng và lớn hơn tôi 2 tuổi. Thanh Tâm là một cô gái tràn đầy nhựa sống, nhan sắc mỹ miều và đặc biệt lại là một nữ sinh Nguyễn Hoàng chính hiệu. Tôi quá ngưỡng mộ và thần tượng. Tôi lại ước ao giá mình được như thế thì cuộc đời tuyệt vời biết mấy. Tôi tâm sự với ngoại và bà đã ôm tôi vào lòng an ủi khuyên lơn.” Kiếp sau con sẽ được đi học Nguyễn Hoàng và đẹp hơn em Tâm. Ngoại vẫn ngày đêm cầu nguyện cho con được như thế”.
Cuộc sống đưa đẩy tôi đến Tam Kỳ. Và, quen biết chị Bích Thúy. Người chị đã giúp đở tôi rất nhiều. Đưa tôi đi học đánh máy chữ, tập cho tôi nói tiếng Anh, chỉ dẫn cho tôi những điều cần thiết để lăn lộn với cuộc đời. Mùa hè 1966 tôi được nhận vào làm thư ký đánh máy cho BCH/TQLC/Mỹ tại Đà Nẵng. Lúc này tôi đã có tên mới Trương Thị Thu Huyền. Đã biết tự lo cho mình, biết đương đầu với khó khăn cạm bẫy. Tôi lớn dần trong môi trường mới, với những tờ dollar, những quân nhân đông minh trong một đất nước chiến tranh và xã hội có quá nhiều xáo trộn. Tôi phó thác đời mình theo sự đẩy đưa và sắp xếp như một an bài của định mệnh. Rồi, có chồng, có con và an phận trong hạnh phúc đơn giản đó. Không toan tính nhiều và cũng chẳng dám ước mơ hơn. Với tâm niệm: “Kiếp này chịu một chút thiệt thòi với hy vọng kiếp lai sinh tốt đẹp hơn để ngay từ nhỏ đã được trở thành một nữ sinh Nguyễn Hoàng như lời cầu xin của ngoại và ước nguyện của mình.”
Đầu năm 1972 theo chồng qua Mỹ định cư. Trước khi rời khỏi quê hương, tôi đã có chụp được một số hình mặc áo dài trắng, tóc thề ngang vai như hình ảnh của nữ sinh Nguyễn Hoàng thời đó. Đứng trước cổng trường tôi lẫm nhẫm nói lời từ giã ngôi trường ước mơ của tôi. “Phải chào giã từ “người” để ra đi lòng em tê tái lắm. Kính chúc quý Thầy Cô, các anh chị bạn hữu trong giấc mơ của em được dồi dào sức khỏe, học hành giỏi giang để xây dựng ngôi trường ngày một khang trang, quê hương ngày một phồn thịnh.” Thực sự thời gian ở Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ. Tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều tốp nữ sinh duyên dáng của các trường Đồng Khánh, Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân…Nhưng, lạ thay tôi không hề lưu luyến, không ước mơ như tôi uớc mơ trở thành nữ sinh Nguyễn Hoàng. Đó cũng là điều không lý giải được. Có lẽ từ kiếp xa xăm nào đó tôi đã là con cháu, thần dân của Chúa Nguyễn Hoàng rồi.!?
Qua Mỹ chưa ngồi nóng ghế, chiến trận ở quê nhà bùng nổ dữ dội. Mùa hè đó (1972) Việt cộng xua quân chiếm Quảng Trị. Thành phố tiêu tan, Nguyễn Hoàng đổ nát. Dân chúng bà con ly tán loạn lạc. Ngồi xem TV mà lòng tôi cồn cào đau đớn. Thế là hết! Mất quê hương, mất luôn cả ước mơ kiếp sau được học Nguyễn Hoàng. Chua xót quá, hỡi Trời Đất ơi! Có lẽ tôi xin nguyện lại kiếp sau cho tôi xuất gia làm ni cô để phụng sự cho tha nhân vậy.
Xin được chia sẻ niềm tâm sự .
TRƯƠNG THỊ THU HUYỀN