eBook


Khuynh hướng ‘eBook’ trong cộng đồng Việt

WESTMINSTER (NV) – Trong thời đại hiện nay, lựa chọn giữa việc cầm trên tay một tờ nhật báo mình yêu, tìm mua một cuốn tạp chí mình thích, hay lật từng trang một quyển truyện khiến mình say mê, với việc chỉ có trong tay một “máy tính bảng” (tablet) hay một dụng cụ đọc sách điện tử, thì mình sẽ chọn cái nào?(Rất nhiều sách điện tử miễn phí có thể đọc trên các loại máy tính bảng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Theo nghiên cứu, câu trả lời đang nghiêng hẳn về phía đọc… ebook, không chỉ trong cộng đồng người bản xứ, mà cả trong cộng đồng người Việt.

Thầy giáo Châu Trần, giảng dạy bộ môn Toán tại Coastline Community College (CCC) ở Nam California, cho biết, “Tất cả sinh viên của tôi tại trường đều phải được dạy cách sử dụng các loại máy tính bảng tablet.”

Lời phát biểu này được hiểu “ebook đang ngày càng trở nên phổ thông hơn bao giờ hết” và cũng là một minh chứng cho thăm dò của tổ chức nghiên cứu Pew Internet là “hầu hết người đọc e-book thuộc giới ở đại học hoặc hậu đại học.”

Kết quả cuộc thăm dò này cho thấy tại Mỹ, người đọc sách điện tử ebook tăng từ 16% lên 23% so với năm 2011, trong khi số phần trăm người đọc sách in trên giấy giảm từ 72% xuống còn 67%, theo Cnet.com.

Ebook, vì nhanh, rẻ, tiện

Cô Yến Price, 38 tuổi, ở Laguna Hills, là một trong số những người thích đọc ebook ngay từ khi máy đọc sách điện tử Kindle thế hệ đầu tiên ra đời cách đây vài năm.

Giải thích lý do vì sao thích đọc sách điện tử hơn sách báo giấy thông thường, Yến nói, “Tôi là một người thích đọc sách nhưng lại không thuộc dạng người kiên nhẫn. Nghĩa là khi nghe giới thiệu về một quyển sách mới thì tôi muốn có ngay quyển sách đó để đọc. Nếu mua sách in thì phải đi ra nhà sách để mua hoặc mua trên online thì cũng phải vài ngày sách mới gửi về. Trong khi sách điện tử thì mình chỉ cần lên Internet chọn, trả tiền xong là có thể download sách xuống để đọc được ngay.”

“Hơn nữa, những truyện như kiếm hiệp của Kim Dung mà tôi từng đọc hồi nhỏ giờ đâu thể ra tiệm sách mua được thì chỉ còn cách là tải xuống máy để đọc thôi.” Yến nói thêm.

Trước khi trở thành “chuyên viên” về việc sử dụng tất cả các loại máy tính bảng, thầy Châu Trần của trường CCC cũng có ít nhất hai năm làm người mê việc đọc ebook.
“Ðầu tiên tôi đọc sách điện tử trên máy Samsung tablet. Tôi đọc nhiều truyện kinh điển trên đó, hoàn toàn miễn phí. Mà không chỉ có sách truyện, cái gì mình cũng có thể đọc trên đó được hết.” Thầy Châu kể.

Không chỉ đọc sách truyện, báo chí, tin tức mà ebook còn là phương tiện dùng trong giảng dạy.

Thầy Châu cho biết, “Ngoài việc tôi dùng nhiều software trong việc dạy toán thì đến nay, nhiều nhà xuất bản đã chuyển sang bán ebook nên sinh viên cũng phải chuyển sang đọc ebook. Hơn nữa, sách điện tử rẻ hơn nhiều so với sách in.”

An Trần, 28 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Engineering Technology của trường Cal Poly Pomona, thừa nhận, “Sách điện tử rẻ hơn. Mua một cuốn sách in phải từ $200 đến $300, trong khi mua ebook chỉ mất chừng $80 thôi.”

An nói thêm, “Trong trường có nhiều ‘research’ được gửi qua email cho sinh viên, thay vì phải lái xe lên trường mượn sách đọc, thì giờ mình có thể ngồi ở nhà mượn ebook đọc, đỡ mất thời gian, cũng đỡ tốn tiền xe cộ.”

Cũng theo thăm dò của Pew Internet, các thư viện nhận thấy số độc giả quan tâm đến ebook tăng từ 3% lên 5%, và số người biết thư viện hiện cho mượn sách ebook cũng tăng từ 24% lên 31%. Trong hai Tháng Mười và Mười Một, năm 2012, số phần trăm làm chủ một tablet hay máy đọc sách nhảy vọt từ 18% lên 33%, so với năm trước.

Tính đến Tháng Mười Một, 25% cho hay họ làm chủ một máy tính bảng, trong khi 19% sở hữu một dụng cụ dùng để đọc sách. Năm ngoái cả hai máy điện tử này đều ngang ngửa nhau với 10% số người sở hữu của mỗi loại. Cuộc thăm dò thực hiện hồi Tháng Năm 2011 và 2010 cho thấy, máy đọc sách bấy giờ phổ thông hơn máy tính bảng.

Ngoài việc có rất nhiều sách báo miễn phí để đọc trên ebook, và giá sách ebook rẻ hơn so với sách in, lý do để chọn ebook còn là do “sự tiện dụng” như nhận xét của Yến Price.

“Trong một tuần lễ đi chơi, tôi chỉ có thể mang theo 3, 4 quyển sách cũng đã thấy nặng nề, choán chỗ, trong khi chỉ một cái Kindle nhỏ xíu mà muốn có bao nhiêu sách cũng được hết.” Yến nói.

Lana Phạm, 40 tuổi, nhân viên văn phòng, người làm quen với việc đọc sách điện tử chưa bao lâu, cho biết, “Trước đây tôi thích đọc sách in. Tôi thích việc cầm cuốn sách trên tay, lật từng trang, rồi gấp trang sách lại làm dấu khi chưa đọc hết. Nhưng khi cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ của nhà báo Huy Ðức chỉ mới ra bản điện tử chứ chưa có sách in thì bắt buộc tôi phải mua trên Amazon để đọc. Và quyển ebook đầu tiên này khiến tôi cảm thấy rất thích.”

“Ví dụ như khi đọc đoạn đám ma của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga thu hút hàng ngàn người Sài Gòn đến dự, thì có một cái ghi chú. Bấm vào cái ghi chú đó, tôi lại đọc được cả một câu chuyện liên quan đến vụ này, ai là kẻ chủ mưu bắt cóc Thanh Nga cũng như con của nghệ sĩ Kim Cương, và hiểu thêm được ý đồ chính trị bị mang ra gán ghép vào chuyện này là như thế nào. Ðọc ghi chú xong, chỉ cần bấm một cái là quay lại ngay chỗ mình đang đọc dở dang. Rất là tiện lợi.” Lana giải thích.

Việc đọc ebook còn tiện dụng ở chỗ người xem có thể đọc cùng một truyện trên nhiều thiết bị mình có, từ smartphone, đến Kindle, iPad, và các loại máy tính bảng khác.

Lana chia sẻ, “Mua quyển ‘Bên Thắng Cuộc’ trên Amazon với giá $9.99, nhưng tôi có thể download xuống để đọc trên điện thoại di động cũng được, đọc trên ipad cũng được, đọc trên note book cũng được, nghĩa là đi đâu chỉ cần log in vào tài khoản của mình là tôi đều có thể đọc được hết.”

An Trần thì cho rằng chỉ cần với cái smartphone là cô đã có thể đọc được rất nhiều truyện tiếng Anh miễn phí “để luyện thêm vốn từ vựng của mình.”

Ebook, chưa hẳn hoàn toàn hài lòng

Tuy hiện nay phải đọc ebook nhiều hơn, cả trong việc học lẫn giải trí, nhưng An Trần vẫn cho rằng cô “thích sách in hơn.”
Lý do thích sách in của An là vì “mình có thể sờ từng trang sách, lật qua lật lại, và dùng bút highlight gạch lên đó cho màu sắc nổi lên, mặc dù với ebook mình vẫn có thể highlight được nhưng tôi vẫn thích làm việc đó trên quyển sách in.”

Là người thích đọc ebook, nhưng Yến Price, cư dân Laguna Hills, cũng nhìn nhận “với sách chuyên môn, như sách chuyên dạy về nấu ăn chẳng hạn, thì đọc sách in dễ hơn đọc ebook.”

“Không biết có phải do máy đọc sách Kindle của tôi là loại cũ hay không, nhưng tôi thấy ‘format’ của nó về những sách chuyên môn cần có hình ảnh vẫn còn nhiều hạn chế. Nói chung đọc truyện trên Kindle thì rất thích, nhưng khi cần đọc sách tham khảo, xem mục lục thì với tôi sách in lại có vẻ dễ dàng hơn.” Yến nhận xét.(Sách “Bên Thắng Cuộc” bản ebook được đọc trên smartphone. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Một “khuyết điểm” nữa của ebook, theo Yến Price, là “Sách in thì bán lại được, tặng được hoặc cho mượn được. Còn ebook thì không bán không tặng được, chỉ có một mình mình đọc thôi, vì chẳng lẽ mình đưa account mình cho nhiều người xài?”

Hiện tại, việc đọc sách in hay ebook vẫn còn là sự lựa chọn dễ dàng cho mọi người. Tuy nhiên, việc sau gần 80 năm hoạt động, tạp chí Newsweek chấm dứt ấn bản bằng báo in của mình hôm cuối Tháng Mười Hai vừa qua, để chuyển hoàn toàn sang hình thức kỹ thuật số, phản ảnh rõ ràng sự chuyển hướng của độc giả lẫn các công ty quảng cáo sang lãnh vực báo mạng.

Và đó cũng là dấu hiệu cho thấy, người đọc phải chuẩn bị cho mình một tinh thần “ebook” ngay từ bây giờ để có thể theo kịp bước đi của “thời đại digital.”

Ngọc Lan
This entry was posted in Kỷ Thuật and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.