Phê Bình Văn Học

Đọc truyện :
BỨC HỌA KHỎA THÂN
CỦA NHÀ VĂN PHẠM THÀNH CHÂU

Audio Nhớ Huế . –  Video Chiều ni ngoài nớ – Ngâm Thơ : Mưa Huế, Huế Mưa

Khoảng hơn 2 năm trước, trên Việt Báo online có đăng tin là Ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí ở Saigon trước 1975 mà ai cũng biết, khi từ Mỹ về Việt Nam, có mang theo mấy thùng sách, và đã bị hải quan cọng sản Việt Nam tịch thu tại phi trường Tân Sơn Nhất, trong đó có chừng hơn 100 quyển truyện “Nhớ Huế” của nhà văn Phạm Thành Châu (Hình phải). Thấy chuyện lạ, tôi bèn cố tìm đọc cho được cuốn truyện “Nhớ Huế” này, và qua đó đã hiểu rõ được tại sao cụ Nguyễn, đã trên 80 tuổi, rất nổi tiếng trong nghành kinh doanh sách báo ở Việt Nam trước đây, đã phải gặp tai ương văn hoá này. Điều này có nghĩa là nhà văn Phạm Thành Châu đã không tránh khỏi cặp mắt sành đời, gạn lọc của Cụ về các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong các thập niên qua. Đó là trường hợp tập truyện ngắn “Nhớ Huế.”

Đầu mùa Xuân năm nay 2004, nhà xuất bản Hoàng Thị Thúy lại cho ra thêm tập truyện thứ 2 của nhà văn Phạm Thành Châu “BỨC HỌA KHỎA THÂN  ”, lại càng làm tăng thêm cái vẻ lạ lẫm và ngát hương của vườn hoa, vốn đa dạng và phong phú của văn học hải ngoại gần 30 năm qua.

Bức Hoạ Khoả Thân dày 236 trang ,khổ giấy 14-21cm, in tại nhà in Walter Bros. Virginia, trên giấy trắng tốt, trình bày trang nhã, mỹ thuật, hình bìa màu do hoạ sĩ Đinh Cường vẽ, cùng các phụ bản của Joseph Hoà, Ngô Vương Toại và Đinh Cường. Có in hình tác giả và các nhận xét về tập truyện “Nhớ Huế”của các bậc nổi tiếng ở bìa sau. Đó là phần hình thức.

Đi sâu vào nội dung của tập truyện,người đọc sẽ thấy ngay đề Tựa, trong đó tác giả, nhà văn Phạm Thành Châu cho là ”chuyện giải trí, không phải là văn chương”. Có thật thế không ?

Ở thế kỷ trước, khi luận về tác phẩm văn học, Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chung qui lại trong “văn phong, văn ý, văn tứ, văn tài và văn tâm” điều này thuộc phạm trù của các nhà phê bình văn học (literary/criticists), ở đây người đọc truyện (books/readers), chỉ xin được phép tạm mượn cái sành ăn của thi sĩ rau sắng chùa Hương, mộc mạc và bình dị, đi thẳng mà lạm bàn, như sau :

Bức Hoạ Khỏa Thân như một tô phở, tuy đơn giản nhưng rất phong phú (trong tô phở có đến 24 thành phần khác nhau và được nấu rất kỹ). Phở phải ăn nóng và ăn nhanh mới ngon. Cũng như khi gặp truyện hay, người đọc thường bị cuốn hút, phải đọc luôn một mạch. Nhiều truyện của Phạm Thành Châu được gặp trong trường hợp này. Với lại đôi khi, cũng có nhiều cái tưng tửng mà tác giả viết trong các câu đối thoại, rất thú vị, chẳng hạn trong truyện “Hoạn Thư tập sự ” khi Lan giận Tứ vì ghen : ”Lan tức quá trả lời. – Kệ chó tui ! ” (BHKT tr.159) làm người đọc có dịp được cười một mình và khựng lại, nó như nét chấm phá vô tình nhưng tuyệt diệu, như trong nghệ thuật Thư họa (calligraphy) vậy.

Văn học vốn có sứ mệnh của nó, nhà văn khi đặt các vấn nạn xã hội vào trong tác phẩm của mình, đều tìm cách lý giải, phân tích và cố đưa ra cái Thiên hướng ( God will) cho mọi người, mọi nơi và mọi thời đại.

Có những vấn đề cấp thời phải khẳng định và có thái độ rỏ rệt, trong cuộc sống hằng ngày thuộc lãnh vực đạo đức như nạn phá thai, tác giả đã dứt khoát có quan điểm ngay: ”Nói gì hả? Tôi không phá thai, phá thiếc gì hết. Con tôi, tôi sinh tôi nuôi. Tôi không cần anh. Nó không cần cha. Thứ cha sát nhân, thứ cha giết con như anh …”như ở truyện “Đứa con đầu lòng” (BHKH tr.202). Câu chuyện cảm động về sự hi sinh cao cả và lý tưởng quốc gia của người lính VN cọng hoà trong cuộc chiến sau cùng năm 1975 ”Ông Phó bảo đã tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức mà lại trốn chui trốn nhủi thì nhục lắm… ( Chuyện người Nghĩa quân-BHKT tr.145) làm người đọc chạnh lòng và bi phẩn, khi nghỉ đến những giai đoạn ngặt nghèo và dâu bể, có một không hai trong lịch sử dân tộc vừa qua.

Mặt khác, trong hai truyện thật ngắn, có thể là tác giả đã có dụng ý riêng, để vinh danh và đề cao cái thiên chức của người phụ nữ Việt Nam trong vai trò: làm mẹ, làm vợ, làm dâu, tác giả viết tình nghĩa, thiết tha và đầy tính đạo lý. Thật vậy, không ai không chia xẻ được những đức hạnh khả phong và cao quí của cuộc đời của người vợ, trong bổn phận làm dâu, như trong truyện” Hồn Em đi theo Anh” : “Khi còn ở Việt Nam, bà Tư là dâu trưởng trong gia tộc. Từ ngày về nhà chồng,bà thường phải quán xuyến mọi việc kỵ giỗ thay chồng vì chồng thường hành quân xa. Những tờ lịch trên tường chi chít những ghi chép về các ngày cúng kỵ…BHKT tr.121”. Cũng như cái chính chuyên trong hạnh phúc gia đình của người phụ nữ Việt Nam trong truyện Bạn về xứ Bạn “ Ánh nắng chiều soi nghiêng bóng người trên con đường vắng. Bà đứng sau lưng chồng, nhìn theo dáng mệt mỏi của người đàn ông đang khuất đần sau hàng cây bên kia đường…..Chắc gì lại gặp nhau lần nữa….BHKT tr.119” .Điều này, độc giả cũng sẽ được bắt gặp thêm nữa ở Hạnh, người vợ thuỷ chung với người chồng bệnh hoạn trong hoàn cảnh khắc nghiệt thường gặp phải ở quê nhà, trong “Nha Trang ngày về”(BHKT tr.127-140).

Thêm vào đó, nếu văn học nhân gian là sản phẩm biến thiên của địa lý văn hoá, (ví như chuyện Tấm Cám ở VN có khác với chuyện tương tự Cinderella ở phương Tây), thì những chuyện nhân gian (folktales)như “Liễu Chương Đài” trong văn hoc cổ Trung Quốc, lại rất gần gủi với văn chương Việt Nam (BHKT tr.219-230), hoặc chính của Việt Nam, mà tiêu biểu về tình bạn (và tình yêu), như truyện Lưu Bình-Dương Lễ, lại cũng được tác giả đặc biệt viết lại, ( kiểu như Lỗ Tấn(1881-1936)ở Trung quốc, trong”Cố sự tân biên”) ở một hình thái khác, mới mẽ hơn, thiên biến dưới góc cạnh đa văn hoá và chủng tộc, của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, như truyện “Bạn vàng”, rất sinh động và tài hoa, kể cả dùng luôn Anh ngữ đối thoại, từ cô gái Mễ :”Helo, honey! I have baby four months, but I told him three months. Bye.”( BHKT tr.91).

Ngoài ra, các truyện còn lại thuộc thể tài bao quát này, đều mang yếu tính nhân bản, dân tộc, khoa học và đại chúng mà bản chất văn học vốn thủ đắc như là phụ giúp, cùng các bộ môn khác, để tiến trình lịch sử xã hội đi nhanh về phía trước được thuận tiện hơn.

Bù lại, những ưu tư muôn thưở của nhân thế như sự huyền bí, số mệnh, ma quỉ của các truyện “ Lá số tử vi”,”Bí ẩn của một chuyện tình”, mà” Bức Hoạ Khoả Thân” cũng là một truyện tác giả dùng làm đề tựa cuốn sách, thì trong chừng mực nào đó, tác giả lại rất ý tứ và tế nhị, khi muốn được độc giả tiếp tay lý giải, như trong truyện Lá số tử vi : “Bây giờ thì mời bạn cho ý kiến” con người có số mạng không? BHKT tr.78. “. Ở đây, tuy rất ít, nhưng e chừng, ý có lộng giả thành chân là, thêm vào một chút huyền bí, ma quái như trong các truyện Liêu trai và” khoả thân” cho nó, cho có tính thời thượng, bắt mắt và xô về phía trước như là đề tài chính của tập truyện, âu đó cũng là những yêu cầu thường tình cần thiết vậy.

Ở những điều này,hình như gần gủi với một loại được gọi là văn chương Ông Ba Bị (hobgoblin literary) đòi dỗ dành và bắt bí mà triết gia Mỹ,Ralph Waldo Emerson (1803-1882) đã có bàn khi nói đến tính kiên định của tác phẩm (consistency of work) trong quyển Self-Reliance của Ông, mà tác giả Bức Hoạ Khoả Thân đã viết như là : “Ở xứ Mỹ,việc kiếm sống cùng những dị biệt văn hoá khiến tâm trí đa số người Việt căng thẳng, đến độ có người muốn điên cái đầu, có người bị đứt mạch máu…Đọc chuyện tôi, bạn sẽ có được đôi phút thư giản. Tựa-BHKT.

Để nhờ góp ý từ Bạn đọc qua Bức Hoạ Khoả Thân, tác giả viêt ”Quí vị phải tìm cho ra một vài điều…nếu không ra…(Tựa-BHKT tr.3)” thì theo tôi,nếu tác giả có dụng ý riêng thì không nói làm gì, nếu không vì thế thì, nó là chỗ này đây, về mặt ngữ học(linguistics-phraseology) đã có trong đó, mà phải nói, về các câu hát ru em miền Trung, nếu không e chừng là có lỗi với tác giả, độc giả và chính mình nữa, ví dụ phải là :
-Bạn về xứ bạn (chớ) biết gửi sầu về(à) nơi mô : thay vì…không biết giải(mối)sầu cùng ai. Vì rằng: xứ bạn-nơi mô. ( Bạn về xứ Bạn-BHKT tr.117)
-Anh ham vợ bé bỏ bè con thơ : thay vì …Anh ham vợ nhỏ. Chữ bé đi theo chữ bè, thuộc trác âm vận. (Hoạn Thư tập sự-BHKT tr.161) .(Hình phải trên: Bìa tập truyện ngắn BỨC HỌA KHỎA THÂN)

Gần 2500 năm về trước, trong quyển Aphorisms, Hippocrates(460 BC- 370 BC)đã viết : ”Đời thì ngắn, nghệ thuật thì vĩnh cửu, cơ hội sẽ không còn, mà kinh nghiệm thì bạc đãi, nên khó phán xét”.Vì rằng,tiểu thuyết như là bệnh l‎ý cần biện giải,mà độc giả là những thầy lang ước lệ khi định bệnh.Biết vậy, nhưng cũng phải nói là Bức Hoạ Khoả Thân, qua những lạm bàn bất túc nêu trên, quả thật, nó không thuộc loại giải trí không phải là văn chương, như tác giả đã viết(Tựa-BHKT tr.3) . Phải chăng nhà văn họ Phạm lại bắt chước cụ Nguyễn Du(1765-1820): “ Mua vui cũng được một vài trống canh.”.

Nhà văn, bao giờ cũng vậy, như người đi vào khu rừng thưa, nên dễ bị phát hiện. Người đọc, như kẻ tìm trầm. Trong khu rừng rậm tìm gì cũng khó. Đó là ý niệm chung muôn thưở và cũng là cội nguồn của sáng tạo, sáng tác và tìm kiếm, phát hiện về cả hai phía. Còn việc tới đâu, ra sao thì: “Đắc thất thốn tâm trí” do ở tấm lòng, như thi hào Đổ Phủ (712-770)đã nói.

Cuối cùng , trong niềm tương cảm thụ đắc, giữa người đọc và người viết, như là sợi dây vô hình, cố kết tự nhiên vốn có của bất cứ không gian và thời gian nào trong lãnh vực văn học, nghệ thuật đều là những thịnh tình đẹp đẻ và đáng quý, nên chi, từ xuất xứ này, có thể nói rằng: Tác giả của”Bức Hoạ Khoả Thân” ví như một con hạc trắng đang sải rộng đôi cánh ngoài đồng nội. Và”Nhớ Huế” cũng như “Bức Hoạ Khoả Thân”, không phải như là hai cái đế để con hạc gỗ mun đứng lên ở trong nội thất Văn miếu. Điều này, có nghĩa là người đọc tin cậy và chờ đợi, các tác phẩm mới của nhà văn Phạm Thành Châu.

Và nếu có gì vụng về, thô thiển, bất cập, thái quá và bất ý ở đây, xin được tác giả” Bức Hoạ Khoả Thân” và bạn đọc vui lòng lượng thứ cho.

TRƯƠNG THUÝ HẬU
Boston, 2004

Độc giả cần sách, liên lạc:

Ô.Phạm Thành Châu.
7004 Beverly Lane Springfield.VA 22150 .USA
Điện thoại (703) 569.0124
 Email:pham.t.chau@juno.com

Giá 12 us dollars,kể cả bưu phí tại Mỹ.

Đọc thêm truyện :  BUỔI  CHIỀU Ở  THỊ  TRẤN  SÔNG  PHA       

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.