Ăn phở ở Boston
Hóa ra món phở quốc hồn quốc túy của dân ta đã phổ biến đến mức trở thành một địa chỉ ẩm thực trong bộ nhớ một nhân viên khách sạn Jury’s 5 sao của Mỹ…
Đêm đầu tiên đến Boston (Mỹ), mệt lử sau một chuyến bay dài gần 2 ngày trời, đầy ứ với các loại fastfood, tôi hỏi cô tiếp tân khách sạn da màu đen bóng xem có quán Vietnamese noodle soup (phở Việt Nam) nào gần đây hay không.
Không một chút suy nghĩ và cũng chẳng thèm giở sổ, cô bấm điện thoại nhoay nhoáy, và ngẩng lên nhìn tôi với một nụ cười thông cảm ra vẻ ta đây biết cả rồi: “Pho Pasteur still opens, sir!” (Phở Pasteur còn mở cửa, thưa ngài!).
Lò dò tìm đến địa chỉ được căn dặn, tôi chỉ muốn ồ lên một tiếng thất kinh khi một tô phở xe lửa giá năm đô rưỡi được bưng lên nghi ngút khói. Không phải là tô phở, mà là một thau phở thì đúng hơn, cỡ bằng cái nón cối bộ đội và chàng bồi bàn Mỹ đen lực lưỡng chỉ bưng một lần 2 tô là maximal performance (hết sức). Ái chà, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu sự nghỉ giải lao là tối cần thiết trong ẩm thực. Nghĩa là sau khi chiến đấu – khá vất vả – được có nửa tô, người ăn phở cần bước ra ngoài, đi loanh quanh chừng nửa tiếng, hút vặt dăm hơi thuốc, rồi mới đủ can đảm quay lại đối diện với nửa tô còn lại. Dù rằng chỉ có bánh phở khô, không mềm mại tươi mới như bánh phở bên nhà, tô phở Boston cũng đủ thứ chín-nạm-gầu- vè và các loại rau giá xanh tươi.
Ngoại trừ cái sự quá khổ, kẻ hậu sinh này không dám than phiền về cái sự “phí cả cái công ăn” phở Việt Nam trên đất Boston, thưa cụ Nguyễn Tuân kính mến ạ! Hương vị quê nhà, dù không trọn vẹn, nhưng là một điều ấm áp thật lạ lùng trên đất khách!
Những hôm sau, khi phở Pasteur trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi tối, tôi còn được mục kích một quang cảnh ấn tượng khác. Một cô Mỹ tóc vàng, dáng nhỏ nhắn, sau khi khoan khoái xơi hết một tô xe lửa to đùng, ung dung gọi thêm một đĩa gỏi cuốn king size, và tà tà thưởng thức với một vẻ khoái hoạt đáng kính phục. Và còn kết thúc bằng một trái dừa tổ bố. Hóa ra, cái sự ăn uống lấy no làm sung sướng, lấy nhiều làm ngon, cũng có “giá trị nhất định” của nó. Khác hẳn với cái sự “ăn chơi ăn bời” của các bậc thầy ẩm thực bên nhà. Tôi nhìn thau phở khổng lồ chui tọt vào cái miệng hoa của người đẹp Hoa Kỳ, lòng thầm nghĩ 10 năm sau nếu có duyên tái ngộ, e rằng nàng kiều nữ hôm nay đã biến thành một thiếu phụ ngót nghét hơn tạ rưỡi. Nghĩ cũng buồn!
Có lạ lùng không, từ đất Hà thành, tô phở Việt bay thẳng sang Boston, hòa nhập với nền ẩm thực của xứ cờ hoa, hóa thân thành tô phở king size xe lửa. Hương vị vẫn nguyên vẹn, ở mức tối đa mà vật thực địa phương cho phép, chỉ phình ra gấp 4, gấp 5 về kích thước.
Trông vào tô phở Việt khổng lồ, có ai hình dung đến hành trình của nó theo dấu chân nhọc nhằn của lưu dân Việt?
Lê Đình Phương
@Người Lao Động