Lê Trạch

 

QUÊ HƯƠNG QUẢNG TRỊ TRONG THƠ PHAN KHÂM

Video Chieumuabongbong                                            Thân tặng chị Phi Hồng

Trong cuộc tiếp xúc công cộng với độc giả yêu thơ, đã có(Hình phải:Nhà thơ Phan Khâm) sinh viên hỏi một thi hào lãng mạn Pháp: Chúng tôi rất thú vị khi đọc thơ Ông, làm thế nào mà Ông có thể sáng tạo ra những điệp khúc tình yêu tuyệt vời như thế ?! Nhà thơ hóm hỉnh trả lời : ” Thật ra thì tôi chắng có tài cán gì, tôi chỉ làm một công việc đơn giản là “lắp ghép” những ngôn từ mà các chị, các anh sử dụng hàng ngày … “

Quả đúng như thế, nhưng vấn đề là làm sao khi những chữ nghĩa ấy “sắp hàng” với nhau nó tạo nên cung bậc, nhịp điệu để đánh động được những tình cảm sâu lắng nhất trong tâm thức con người, tạo nên một hoà nhịp đồng cảm, một chấn động xuyên suốt cả tâm lẫn thân độc giả ! Người nghệ sĩ được thiên phú cho khả năng như thế, họ có một giác quan bén nhạy khi tiếp xúc với cảnh quan sự vật mà người thường không thể có …

Chúng ta biết nhiều đến Phan Khâm trong thời gian 5 năm trở lại, thơ anh trải rộng trên nhiều địa hạt: tình yêu, chiến tranh, quê hương, thời sự …, tuỳ theo cảm nhận của mỗi người để có sự hứng khởi trong từng khu vực ấỵ. Riêng tôi, với quê hương, Phan Khâm có một chỗ đứng đặc biệt, không lẫn lộn. Quê hương như là một phần của đời sống anh, đeo đuổi bám sát không ngơi nghĩ, bất cứ lúc nào, ở đâu, những tình cảm ấy cũng có thể được diễn đạt ra hết lòng không sáo mòn, cường điệu:(Hình dưới:Không ảnh thành phố Quảng Trị)

Xuân về mấy độ tha phương nhỉ
Quảng Trị gần thương Quảng Trị xa

Quê hương trong anh là sự khắc khoải, nhớ mong là niềm chua xót cho những ngày dài triền miên kham khổ :

Nhớ con ốc gạo vàng xanh
Quê hương ơi hỡi lênh đênh tháng ngày !

Hai câu thơ minh họa cho bức ảnh ghi lại cảnh một dáng người với chiếc nón lá, còng lưng trên đồng ruộng để bắt ốc dưới cái nắng chói chang mùa hạ, bức ảnh là bìa sau của Đặc San Xuân QT năm 97, có lẽ ít ai để ý nhưng đã gây một ấn tượng sâu đậm trong tôi, dai dẳng.

Hình ảnh quê hương QT trong anh chỉ là những sự vật bình thường nho nhỏ nhưng ở bên này gợi lên bao nỗi xót xa:

Nhìn cột mốc trăm nỗi nhớ nhà
Hăm hai cây số tới Đông Hà

Nhiều khi người ta nghĩ về QT thường nói đến những núi cao, sông dài, những sự kiện lịch sử, những trận chiến ác liệt. Với Phan Khâm nhắc đến giòng sông Thạch Hãn là sự góp nhặt của những giọt mồ hôi:

Mồ hôi của đá tuôn ra
Cho giòng sông mẹ thăng hoa đời đời

Hay chỉ là một bến lội trên nhánh sông nào đó:

Qua Nhĩ Trung mình ghé về Nhĩ Hạ
Nhớ ngày xưa khi phải lội qua cồn
Nước có trong cho thỏa lòng mát dạ
Thần thánh ơi mắt đắm đuối đâu còn

Nếu có dịp được trở về, đi ngược thời gian, tuổi học trò tung tăng những ngày hè với bè bạn, cũng chỉ muốn tìm lại những cái đơn giản nhất:

Mùa Xuân nào về Đâu Kênh, Chợ Cạn
Đường trăng xưa qua An Trú, Đạo Đầu
Một thuở nào cùng năm ba bè bạn
Ăn banh dầy nếp dẽo quết mo cau

Hay vài quả ổi, củ khoai nơi khu chợ miền quê :

Mùa Xuân nào mình về thăm Cam Lộ
Ghé Chợ Phiên đầy bắp đậu sắn khoai
Đường nhà em còn hoa vàng nở rộ
Mít ổi trong vườn mận chín cho ai

Một dấu chân nho nhỏ trên cát:
Gót chân tròn trịa còn in dấu
Mỹ Thuỷ xa xa sóng bạc đầu

Nói đến QT là nói đến sự cay nghiệt, trắc trở, thường xuyên đói nghèo, như định mệnh với một ý nghĩ đã hằn sâu trong tâm khảm, QT là đứa con gánh hết mọi tai ương bất hạnh để anh chị em mình được nhẹ gánh, thảnh thơi trong cuộc đời:

Mẹ ơi ! Mẹ sao đau buồn khôn xiết
Quê hương mình nơi khúc ruột miền Trung

Giêng hai cắn đốt ngón tay
Không còn máu chảy chỉ bày xương ra

Khuya khoắt, chắt nước giếng Bàu
Gió Lào tháng sáu rám tàu chuối xanh

Một đặc trưng cá tính của người QT là tình nghĩa, có thể do nghiệt ngã quá nên con người cần nhau, gần nhau hơn chăng?

Mùa xuân nào còn se lạnh heo may
Qua mùa đông tháng giá những thân gầy
Vẫn còn nhớ tiếng ai ru hời hỡi
Cũng xin đừng muối mặn bỏ gừng cay

Và sự cam chịu:

Dọc đường gió bụi chôn chân đó
Nắng giải mưa dầu thật xót xa

Những tình nghĩa ấy càng về chiều càng gắn bó và thôi thúc chúng ta một chuyến trở về:

Mùa xuân nào tâm tư mình lắng đọng
Giữa ruộng đồng hồn thanh thản hương quê
Dương Lộc, Bố Liêu, Vân Hòa, An Lộng
Cắt rốn chôn nhau nguồn cội để ta về

Sự trở về là giấc mơ của người đi xa, cũng là sự đợi chờ của người ở lại, có thể để làm một điều gì đó, mặc dầu:

Một con én mùa xuân không làm nổi
Em vẫn chờ muộn mấy cũng không sao

Quảng Trị là một chiến trường lớn, khốc liệt với bao tang thương đổ nát, đã có hàng trăm người viết kể cả ngoại quốc trình bày sự kiện này dưới nhiều thể loại khác nhau… Các trường Đại học, trường quân sự, những nhà nghiên cứu chiến lược đang tìm hiểu về mặt trận nàỵ Đối với người QT trước sau vẫn chỉ là niềm đau:

Đêm Gio Linh. Đêm hỏa châu
Đêm mắt đêm của cô dâu mới về

Không một hình ảnh nào phủ phàng bằng. Những háo hức, trông đợi ngày hội tụ của tình yêu, của hạnh phúc, nhưng cô dâu đã ngỡ ngàng:

Mắt kẽm gai khóa phòng the
Tay anh đang níu bên kia chiến hào

Không dài dòng văn tự, chỉ mấy câu thôị Phan Khâm đã cảm nhận và diễn đạt dùm ta bao điều mất mát không thống kê được và cuối cùng chỉ biết chắp tay cúi đầu:

Xin người mặc niệm chiến tranh
Giang sơn tổ quốc ngọn ngành quê hương

Hình tượng thường xuyên ám ảnh, chiếm trọn một phần trí nhớ anh là trường xưa bạn cũ:

Ký ức ta ơi hai tiếng Nguyễn Hoàng
Dấu chân ai giờ đã rêu phong phủ
Tuổi học trò nhiều nỗi nhớ vương mang

Trong sự hủy diệt đổ nát chung của QT, những ngôi trường đã gây nhiều cảm xúc mạnh cho bao thế hệ học trò, bởi ở đay là nơi ghi dấu một quãng đời êm đềm thơ mộng nhất:

Em học Bồ Đề anh Nguyễn Hoàng
Một còn dấu tích một tan hoang
Đường đời vạn nẻo tình muôn ngả
Vẫn quạnh hiu đây những bẽ bàng

Trường xưa đổ nát mùa chinh chiến
Ấp ủ sao đầy nỗi chứa chan

Chinh chiến hề, chinh chiến quê hương
Một thuở Nguyễn Hoàng rất dễ thương

Qua bao thăng trầm của thế sự, trôi nổi với thời gian, những ký ức ấy với chiếc áo trắng NH vẫn được trân trọng cất giữ:

Áo trắng nữ sinh thuở Nguyễn Hoàng
Vẫn còn gió lộng với thời gian…

Thơ Phan Khâm không dài, thường là bốn câu, có khi chỉ hai câu, nhưng đã cô đọng được hết ý của anh, ngắn mà đủ. Khi đọc lên một cảm giác xốn xang nhức buốt… tôi liên tưởng đến những đặc điểm của quê mình đó là một thứ ớt-ma-tiêu-sọ Khe Sanh, Cùa hay là nước mắm nhĩ Cửa Tùng, Cửa Việt .

Thơ Phan Khâm đã thực sự đi vào lòng người QT đặc biệt là bài “Mùa Xuân nào mình về thăm Quảng Trị.” được nhiều người ưa thích. Chúng ta đã nghe chị Diệu Tân diễn ngâm trong buổi ra mắt kỷ yếu Quảng Trị ở Philadelphia, hay trong các buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi, chị Phi Hồng cũng đã trình bày trong những hội Xuân tại Washington DC và Minnesota….. nghe rồi nghe lại vẫn cảm thấy bùi ngùị Mà không hẳn chỉ có thế, thơ anh còn được nhiều người ở nhiều nơi biết đến. Những câu thơ của Phan Khâm qua phóng bút của nhà thư họa Vũ Hối là sự kết hợp hài hòa tạo nên cảm xúc thanh tao, ý vị được nhiều người trân quý . Đặc biệt nhà văn Hồng Trần, biên tập chương trình văn học nghệ thuật của Đài Phát Thanh Houston, TX trong tiêu đề “ Những giòng sông quê hương” đã dành một phần rất dài để giới thiệu bài thơ “Trong Trí Nhớ Giòng Sông” của anh. Bài thơ được phổ nhạc, đã có nhiều người hát, trong phần đọc và diễn ngâm các cô Thục Đoan và Nam Anh đã trình bày với tất cả sự chân thành. Như một sự chia sẻ, sau khi nghe xong tôi đã gởi đến anh những giòng như thế này: “Trong đời nhà thơ, mọi người hơn một lần viết về giòng sông, giữa hàng trăm giòng sông đang âm thầm hay cuồn cuộn chảy, Hồng Trần đã nhận ra “giòng sông trong trí nhớ “ có lẽ nó đang lấp lánh ngàn ánh sao trời ?! “.

Góp lại tất cả những cảm niệm của anh về Quảng Trị – cũng chỉ là những nhỏ nhặt thường lệ : một chút nắng, Phan Khâm đã bày tỏ được nhiều điều:

Tôi về gặp nắng Đông Hà
Mười năm xa cách nắng già hơn xưa
Em nhìn tôi ở quán dừa
Tôi nhìn em lại cũng vừa khát khao
Nắng cho tôi ngọn gió Lào
Làm quà tái ngộ thấm vào tâm can
Nghe đời kể chuyện thế gian
Bỗng dưng trắng xóa nắng vàng trong tôi
Con ve dứt tiếng bồi hồi
Lâu lâu nuốt trọn mồ hôi của mình
Qua cầu nắng gió đinh ninh
Muộn màng nhắc chuyện nghĩa tình Hiếu Giang
Em làm tôi nhớ Nguyễn Hoàng
Ngôi trường đi xuống, bẽ bàng đi lên.

Giáo sư Phạm Công Thiện đã có lần nói rằng: Những-bài-thơ-đích-thực là tiếng lòng thổn thức, là máu thịt của thi sĩ, chúng ta có cảm nhận được hay không mà thôi, chứ không được phép phê bình. Điều đó không phải là không hợp lý.

Cảm ơn nhà thơ Phan Khâm trong thiên chức của mình đã diễn đạt dùm những bức xúc, quay quắt của bao người thương nhớ về quê hương. Ở vị trí khiêm nhường của một người yêu thơ anh, khi trình bày những ý kiến của mình đương nhiên không tránh được những điều chủ quan. Tuy thế tôi cảm thấy thanh thản trong lòng đã phần nào hoàn thành được trách nhiệm công dân của một độc giả .

Lê Trạch
@trachcamlo

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.