Phê bình văn học

Về Bài thơ TỪ BÊN NÀY SÔNG PÔ KÔ
của Nhà thơ Trần Kiêu Bạc

 

Audio Từ bên này sông Pô Kô

Charles Baudelaire nói: “Có những con người dung dị, đi đường hai ngày không cần thực phẩm, nhưng không thể thiếu Thơ.” Điều này có quá lắm không?
Thế nhưng, thi ca thật thế, như là hơi thở của con người, con người từ xa xưa, khi nhìn chiếc lá vàng rơi bên giòng suối, trong cái mênh mông tỉnh lặng của trời đất, giữa cái u tịch của núi rừng và tận cùng niềm thâm cảm đến giữa thiên nhiên và lòng người, trong hoàn cảnh đó và như thế, nếu không có thi ca, thì có cái gì hơn? Và dòng chảy lai láng đó tưới mát dòng đời, lòng nhân thế mãi tận đến hôm nay.
Lại thêm, đời sống hằng ngày bây giờ trong thời đại digital, từ nó với nhiều giải trí sáng tạo bất tận, tuy vậy khi rảnh rổi bình thản đọc thơ, ngâm thơ, trở về với một thứ ngôn ngữ chọn lọc, huyền diệu thanh thoát … thì hơn hết thảy, không còn gì thích thú bằng.
Người Việt Nam ta, vốn sính văn chương, nên thơ xuất hiện rất nhiều trên báo giấy, trên online, thơ có nhiều, thế nhưng cũng rất hiếm khi gặp đươc một bài thơ hay. Trường hợp ít và hiếm có này trong khoảng ba thập niên gần đây, được đền bù bởi một số nhỏ, trong đó có thơ của Trần Kiêu Bạc, được yêu mến bởi độc giả ở hải ngoại và trong nước.
Trần Kiêu Bạc làm nhiều thơ nhưng cho đến giờ vẫn chưa có thi phẩm được xuất bản, mà có website www.trankieubac.com,đăng tải thơ văn riêng của chính mình. Thơ Trần Kiêu Bạc được viết theo đủ đề tài, dưới nhiều dạng như: Dòng thơ mượt mà viết về Huế, thơ trong máu thịt về Mẹ, thơ giữa quê người…thì trong đó, còn một dòng thơ có tên gọi theo tiếng Anh là loco-descriptive poetry hay topographical poetry, chữ này khó chuyển ngữ với từ tiếng Việt tương đương, nên tạm gọi là Thơ cảnh quan, một hình thức y như vẽ phong cảnh (landscape drawing) trong hội hoa. Đó là các bài thơ Trần Kiêu Bạc đặc biệt viết về các dòng sông: sông Vàm Cỏ Đông, Sông Saigon, American River…trong số này có bài thơ hay: Từ bên này sông Pô Kô dưới đây :
TỪ BÊN NÀY SÔNG PÔ KÔ
Giông bão nhiều, con đến lớp muộn, Thầy ơi!
Sáng nay dòng Pôkô gầm như thú dữ
Mưa rừng đêm tuôn đầy cơn thác đổ
May còn dây treo lơ lửng trên đầu
Bên nầy bên kia nào có xa đâu
Chỉ ngăn cách một dòng sông siêng chảy
Chiếc cầu thân thương ngày xưa đã gãy
Đành làm quen cầu dây mới nầy thôi!
Bên nầy bờ con suy nghĩ ngược xuôi Nhìn bên đó thấy bạn bè gần lắm Thầy âu lo trước bảng đen phấn trắng Chờ con qua bằng may rủi dây treoRòng rọc chạy rồi, nguy hiểm chạy theo Con mỏng manh theo lá trôi mùa lũ Lúc qua sông như dã quỳ chưa nở Sẽ vàng tươi hay không nở bao giờ?
Nghệ sĩ xiếc, ngày hai xuất là mơ Học trò xiếc, ngày đu dây bốn lượt Một tay cầm văn chương cho khỏi rớt Tay kia tự cầm sinh mạng nhỏ nhoi
Mùa bão nầy, con thường đến muộn, Thầy ơi! Kon Tum ướt, dây cầu treo thêm ướt Xin chờ con, dù trễ thêm giây phút Con sẽ đến trường dù tay mỏi thân run
Tạ ơn Thầy đứng vững giữa Kon Tum Dang tay đón học trò trong may rủi Trong bình thường, chữ bình thường như bụi Con dị thường, tìm chữ với dây cao
Ước gì được làm con chim Ch’Rao Xoải đôi cánh nối hai bờ sông nhỏ Thầy một nửa, ơn cầu dây một nửa Giữ hình Thầy, thương mãi bóng cầu treo!
TRẦN KIÊU BẠC Cali, June.11/2010
Bài thơ trong đó, theo ghi chú của tác giả, được viết vào một đêm thức thật khuya, xúc động sau khi đọc http://fgt.vnexpress.net/archive/index.php/t-484101.html được biết: “Cơn lũ lịch sử vào tháng 9/2009 đã cuốn phăng hàng loạt cầu treo bắc ngang qua sông Pôkô, hàng nghìn người dân ở xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang… huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, vượt sông Pô Kô bằng cách “đu mình” trên sợi dây thép ròng rọc mỏng manh như diễn xiếc. Trong số người phải di chuyển bằng cách này, phần lớn là các em học sinh hằng ngày ít nhất hai buổi đến trường,trong đó có em Trần Khắc Văn dẫn em gái là Trần Thị Ánh Tuyết 8 tuổi, học lớp 2B trường tiểu học Đăk Nông (Kon Tum) ra sông Pôkô rồi “treo” em lên dây cáp, thả trượt trên dây vượt sông để đến trường ở phía bên kia bờ.”
Bài thơ hay gây xúc động này đã được các website trong nước đăng tải lại, như là lời hướng dẫn và thúc dục lương tâm con người, trong việc quyên góp tiền bạc để xây lại cầu vượt qua sông Pô Kô, trị giá khoảng gần 2 tỉ rưởi tiền đồng VN, tương đương trên 125.000 dollars, và công cuộc lạc quyên đã hoàn thành tốt đẹp chỉ trong vòng một thời gian ngắn, để cấp thời xây dựng cầu cho trẻ em đi học, thay vì đu dây trượt nguy hiểm và có một không hai này. Và như thế, thi ca qua Trần Kiêu Bạc đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của nó trong công cuộc thay đổi xã hội.
Thơ viết về cảnh quan (loco-descriptive poetry,topographical poetry), là thơ diễn tả phong cảnh, sự việc diễn tiến tại một nơi đặc biệt nào đó, nhìn từ xa hoặc trên cao, cộng thêm tán thán hay ta thán, như là thông điệp chính trị tiềm ẩn tác động đến vai trò của xã hội, kinh tế chính trị, văn hóa giả định và định lượng về môi trường và cuộc sống dưới lăng kính đại chúng, khoa học và nhân bản, mà dấu ấn lưu lại như là phản ảnh các chặng đường lịch sử, văn hóa, địa lý, của mỗi một quần tụ, dân tộc, cho về sau.
Bài Từ Bên Nầy Sông Pôkô, gồm 8 khổ 224 chữ của thể loại thơ hình dung cảnh quan như tranh vẽ, vẽ lên tiếng nói trong im lặng của hội họa, bởi vốn dĩ “thi trung hữu họa” nhưng để lồng vào như một kịch bản sân khấu (tragedy/theatre) dàn dựng đầy màu sắc, âm thanh, ánh sáng và ấn tượng,được miêu tả qua nhiều hình tượng thật: Con sông, chiếc cầu, giông bão, mưa rừng, thác lũ, thú dữ, giây treo, ròng rọc, thầy, bạn bè, sách vỡ, bảng đen, phấn trắng, hoa dã quì, đôi cánh chim Ch’Rao… một cách sống động và tài tình về sự đọ sức giữa thiên nhiên hùng vĩ và con người nhỏ bé, cộng thêm hình tượng hóa thần thoại núi rừng Tây nguyên, cũng như diễn tiến sống động của sinh hoạt cộng đồng khi đối diện với mất mát, khắc khoải, lo âu … cùng chiêm nghiệm khổ đau, sinh tử của kiếp người theo triết lý, hoặc phản ảnh thực tại cuộc sống thiếu phát triển của đồng bào trên toàn đất nước Việt Nam hiện nay, thì thơ ấy quả là hoàn hảo.
Người dân sống hai bên dòng sông Pôkô, nhất trẻ em đi học mà không được an toàn, cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi không còn chiến tranh, thì vẫn có một xã hội như thế ư?
Một tay cầm văn chương cho khỏi rớt Tay kia tự cầm sinh mạng nhỏ nhoi
Kiến trúc hoạt cảnh sinh động và cấu trúc ngôn ngữ rượt theo số phận mà học sinh là những diễn viên xiếc ngày đu dây bốn lượt:
Ròng rọc chạy rồi, nguy hiểm chạy theo
Ở đây có điều đáng nói là, trong số chữ nghĩa ít ỏi của bài thơ, đã gây xúc động, bàng bạc để chùng lại rồi phẩn uất về việc xem nhẹ giá trị sinh mạng con người, lời ta thán về cuộc sống bấp bênh, không an sinh và an toàn, ngay cả đối với trẻ con, trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Con mỏng manh theo lá trôi mùa lũ Lúc qua sông như dã quỳ chưa nở Sẽ vàng tươi hay không nở bao giờ?
Kết bài thơ là so sánh thực và mộng, thực tế đau buồn và mộng ước trẻ thơ về thần thoại chim Ch’Rao, trải đôi cánh nối liền đôi bờ, là sức đẩy tuyệt diệu đưa cả hình thức và nội dung của bài thơ lên cao và hoàn chỉnh của kết cấu hình nhi thượng.
Ước gì được làm con chim Ch’Rao Xoải đôi cánh nối hai bờ sông nhỏ Thầy một nửa, ơn cầu dây một nửa Giữ hình Thầy, thương mãi bóng cầu treo!
Bài thơ, do thi pháp,với một cấu trúc điệu tính(prosodic structure) giản dị,nhưng tân,kỳ,nhất là ở âm vận(rhythm), có câu 8 chữ mà chỉ một vần trắc như” May còn dây treo lơ lửng trên đầu-Bên nầy bên kia nào có xa đâu”,và chính thanh bình điệu này là lời ru ngọt ngào nhưng nức nỡ nên,đọc thì con tim bị thương tổn, ngâm lên thì nghe như nỗi da gà, xem dàn dựng trên sân khấu thì cảm xúc lan tỏa trong hơi thở, hòa nhập trong máu và các dây thần kinh, nó chửa trị được phần nào vết thương bị cấu xé bởi tình cảm và lý tri, bởi vì chính nó nó đã deal với nỗi vui buồn, con tim, khối óc, như tấm gương phản chiếu đời sống, âm hưởng thời đại.
Phải chăng hình ảnh sông Pôkô hay các con sông khác ở tỉnh Kontum, vùng núi rừng Tây nguyên so ra không xa lạ với tác giả, vì hẳn đã có một thời, nhà thơ từng là một vị quan trấn nhậm nơi phương cương miền Tây nước Việt này, mà những hình ảnh núi rừng nhiệt đới với mưa ngàn thác lũ, đã như in đậm rõ nét trong tâm hồn nhà thơ từ dạo đó, nay chỉ có dịp là thổn thức bung ra. Thơ cốt ở thực, thực là cái chân chính từ con tim, và đây cũng là cái chân thực hàng đầu của thi ca tương tự trường hợp của Mầu Tím Hoa Sim hay Lá Diêu Bông đòi hỏi.
Văn học thế giới ghi nhận tiêu biểu những bài thơ nổi tiếng như Cooper’s Hill của John Denham, Le semeur của Victor Hugo, bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, cũng như cổ văn Việt Nam với Đề miếu chàng Trương của vua Lê Thánh Tôn, Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan hay Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh thuộc loại thơ tả cảnh quan này.
Cũng thế, thi ca tiền chiến như Đi chợ Têt của Đoàn Văn Cừ, Tràng Giang của Huy Cận, Hổ nhớ rừng của Thế Lữ, đã đi vào lịch sử văn học. Chừng nào bài thơ hay Từ bên này sông Pô Kô “thốn tâm trí” này của nhà thơ Trần Kiêu Bạc, theo ảnh chụp và theo đó đã được phổ nhạc, xây dựng thành hoạt cảnh sân khấu…sẽ dự phần, để làm phong phú thêm loại hình thái thi ca phong cảnh cho Việt Nam, điều này sẽ tùy thuộc độc giả và văn học sử.
Sau cùng, bài thơ Từ Bên Nầy Sông Pôkô tự chính nó không nói được gì nhiều, nếu người đọc không rõ bối cảnh (topograhical landscape) của nó, nhưng nếu đã rõ, ắt sẽ chạnh lòng, hụt hẩng, bâng khuâng, rồi ta thán cao độ nương theo chủ ý bài thơ về một xã hội bất ổn. Mỗi chữ, mỗi câu trong bài thơ Từ bên này sông Pô Kô của nhà thơ Trần Kiêu Bạc là một loại ngôn ngữ mê hoặc, xem chừng như chữ nghĩa trong thiên hạ,tác giả đem nhốt hết trong một bài thơ nên có một sức nặng quả là đạt tới mức nhuần nhuyễn và nghệ thuật (the best words in the best order) trong văn chương như Samuel Taylor Coleridge đã nói, đã có, và mọi sự yêu thích, quảng bá, lan truyền đều là những động thái gợi hình như nhẹ nhàng rải những cánh hoa bay trong gió trong thung lũng thi ca và chờ đợi âm thanh vang vọng của nó vậy.
Trương Thúy Hậu

August,10/2012

@quocgiahangchanh  –  Poko river

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Comments are closed.