Nguyễn Hữu Hạnh

Câu chuyện đời tôi

Hồi ký (Trích đoạn)

1.- Thời thơ ấu.

Tôi sinh ngày 10 tháng 11 năm 1923 tại cố đô Huế trong ngôi nhà của bên ngoại tôi, vì mẹ tôi muốn sinh đứa con đầu lòng tại quê bà hơn là tại ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi ở Quảng Trị, cách Huế quê hương bà chừng 60 cây số.( Hình phải:Ông Nguyễn Hữu Hạnh,Thống Đốc Ngân Hàng VN 1965)

Cha tôi vốn rất gắn bó với làng quê của ông, nơi ông nội tôi đang sống; trong bất cứ chuyện gì cha tôi cũng nghiêng về phía gia đình và làng xã ông. Ông cư trú và dạy học ở Quảng Trị, cách làng Đại Hoà chúng tôi khoảng 12 cây số. Quan điểm của ông là việc làng lo trước, việc nước lo sau. Mỗi tháng ông đi bộ ít nhất một lần về thăm cha mẹ. Sau này ông đi bằng xe đạp, khi ông dành dụm đủ tiền sắm một chiêc xe đạp mua từ bên Pháp, một chiếc hiệu Saint Étienne mà ông cưng quí suốt đời. Thời đó, xe đạp và xe kéo là hai loại phương tiện di chuyển cá nhân duy nhất ở Việt Nam. Xe hơi riêng hiếm đến nỗi có thể đếm trên đầu ngón tay.

Thay vì làm khai sinh cho tôi đúng ngày sinh ở Huế, cha tôi đã chờ cho tới dịp về thăm làng mới đăng ký trước bạ cho tôi ở làng ông. Vì vậy mà ngày và nơi sinh chính thức của tôi là 15 tháng Ba năm 1924 tại làng Đại Hoà, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thay vì mồng Mười tháng Mười Một năm 1923 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên. ..

…Năm 1935 cha tôi được thuyên chuyển vào Quảng Nam, một tỉnh kề cận Huế ở phía Nam, giữ chức chánh thanh tra học đường, phụ trách tất cả các trường trong tỉnh. Ông cư trú ở Điện Bàn, ngay tại uỷ ban quận. Dưới quyền ông là tám mươi tám trường tiểu và trung học, rải dài từ biên giới Lào tới bờ biển Thái Bình, một diện tích chừng 80 cây số chiều dọc và 200 cây số chiều ngang. Với chiếc xe đạp cũ, ông quyết định mỗi năm phải ghé thăm mỗi trường ít nhất hai lần, và mỗi lần như vậy thanh tra từng lớp học (mỗi trường năm lớp). Ông thường khởi hành lúc 4 hoặc 5 giờ sáng và trở về nhà khoảng 6 –7 giờ tối, đem theo cơm nguội cùng muối mè hay muối đậu. Có khi ông ở lại qua đêm tại nhà một người bạn, hay ngủ trên một cái ghế dài ở một trường nào đó. Ông là người sống giản dị nhưng tận tụy với bổn phận và công việc đến nỗi tất cả các giáo viên đều thương và quí ông. Ông đi xe đạp trong một thời gian dài và nhiều đến nỗi sau này trong bài điếu văn đọc tại đám tang ông, một người bạn của ông, cũng là một giáo viên, nói rằng có lẽ cha tôi đã đi tới 4 vòng bao quanh trái đất trên chiếc xe đạp cũ kỹ duy nhất của ông. Ông làm việc có lương tâm và chăm chỉ đến nỗi năm nào ông cũng được cấp trên khen ngợi, tán dương và khen thưởng. Tên ông luôn luôn đứng ở hàng đầu trong danh sách đề bạt hằng năm.

Anh em tôi học ở Vĩnh Điện, cách nhà 6 cây số, đi bộ. Thời gian đó chúng tôi chưa có giày dép gì cả, gia đình tôi vẫn còn rất nghèo và cha mẹ tôi chưa đủ sức mua giày cho bất cứ ai trong nhà trừ cha tôi. Chúng tôi cuốc bộ trên con đường quốc lộ 1, lúc bấy giờ đã được tráng nhựa. Khi trời nắng nóng, nhựa hắc ín mềm ra và nóng bỏng; và bàn chân chúng tôi đau nhức sau 6 cây số cuốc bộ về nhà. Mỗi năm có hơn sáu tháng mưa, khi trời mưa giữa trưa thì nước bốc hơi và không khí đầy hơi nóng hết sức ngột ngạt. Chúng tôi vẫn khoác những cái áo tơi và nón lá chúng tôi từng mang khi đi bắt chim mỏ nhát ở Huế. Chúng tôi đi học từ sáng sớm và ở lại trường suốt ngày. Khoảng giữa 11 giờ rưỡi và 2 giờ trưa, chúng tôi chơi hoặc học bài trong sân chơi của nhà trường. Bữa ăn trưa của chúng tôi là cơm vắt với muối mè hay muối đậu.

Chính trong khoảng thời gian này tôi gặp vị Tổng thống tương lai của Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm, lần đầu tiên. Anh trai của ông, Ngô Đình Khôi, là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, mà Vĩnh Điện là tỉnh lỵ. Người con duy nhất của Khôi, Ngô Đình Khải, rất gần gũi với cha mình. Cũng như ông Diệm, cả hai đều là người Thiên Chúa giáo cuồng nhiệt và triệt để chống Cộng.

Ngô Đình Diệm là một thành viên của viện Cơ Mật dưới triều vua Bảo Đại vào những năm 30. Ông là người nhiệt thành theo chủ nghĩa Quốc gia và đã từ chức vì bất đồng ý kiến với viên Khâm sứ Pháp, người giám sát tất cả mọi hành động của triều đình Huế. Những quan điểm quốc gia của ông không làm vừa lòng thực dân Pháp nên Bảo Đại phải để ông đi. Diệm vào Quảng Nam ở với anh của ông là Khôi, trồng hoa, nuôi chim quí và chơi phong lan. Cha tôi cũng nuôi chim và trồng hoa phong lan và cái thú vui chung này đã tạo nên một mối quan hệ thân thiết giữa ba người. Khôi và Diệm quí cha tôi vì sự thanh liêm và năng lực của ông. Cha tôi thường ghé thăm họ ngày chủ nhật, và lúc nào cũng dắt tôi theo. Cả ba người cùng nhau ngắm hoa và bầy chim xinh xắn mà họ nuôi dưỡng. Đôi lúc họ thảo luận chính trị, nhưng hạ giọng nói rất nhỏ và liếc nhìn chung quanh như coi chừng bọn mật báo viên hay điểm chỉ được gài trong đám nhân viên hay đầy tớ của họ. Một đôi khi cha tôi bận việc, ông sai tôi xuống phố đưa hoa và chim cho ông Diệm, và ông này thường xoa đầu tôi như để khen thưởng. Việc này sẽ rọi một ít ánh sáng lên cuộc gặp gỡ sau này giữa tôi và ông Diệm.

Ngô Đình Khôi và con trai ông ta có một kết cuộc bi thảm vào năm 1945 khi người Cộng sản lật đổ chính quyền ở Quảng Nam. Nhân danh quần chúng nhân dân, họ lập toà án quân sự và kết án tử hình Khôi. Khi họ dẫn ông ta ra sân bắn, con trai ông là Khải nắm lấy áo cha mình kéo lại. Những người cán bộ Cộng sản quát tháo và đánh anh ta, Khải nói chẳng thà anh ta chết với cha, và họ bắn cả hai người.

Một vài ngày trước đó, ông Diệm đã trốn ra Bắc với hy vọng tới được lực lượng Quốc gia đóng ở ngoài ấy để đi tìm sự giúp đỡ của quân đội Nhật Bản. Nhưng hình như ông không tiếp xúc được với bộ chỉ huy quân đội Nhật nên phải trốn tránh nhưng rồi vẫn bị bắt và giải ra Hà nội. Ông được thả ra theo lệnh của ông Hồ Chí Minh – ông Hồ coi ông Diệm như là một người Quốc gia yêu nước. ..

2.-Thời Trung học và Đại học.

…Một ngày kia trong khi đi tuần với năm người lính mới, tôi bị bắt làm tù binh và bị thẩm vấn suốt ngày đêm không nghỉ, giữa các lần thẩm vấn là lao động khổ sai. May thay, một viên cảnh sát chìm làm việc cho Pháp, và là một học trò cũ của cha tôi – cái người tôi đã giúp trên chuyến xe lửa từ chiến trường về, anh ta đã nhận ra tôi. Anh vội báo cho cha tôi hay, ông liền đi tới gặp vị Thống đốc Trung kỳ, Trần Văn Lý, ông này can thiệp với viên chỉ huy quân sự Pháp đề nghị thả tôi ra và đặt tôi dưới sự quản chế của ông. Tôi được dẫn tới văn phòng Thống đốc và được nghe một bài giảng về hiểm họa Cộng sản. Cuối cùng ông ta nói vì tôi là một sinh viên rất giỏi ông sẽ cho tôi học bổng ở nước ngoài để tiếp tục việc học và trở về phục vụ chính phủ. Vậy là năm 1947 tôi vào Sài Gòn để đáp tàu qua Pháp. Nhưng tại Sài Gòn một tên mật vụ Pháp đã chờ sẵn tóm tôi về tra vấn thêm một đợt nữa; chỉ sau khi tôi báo động cho ông Thống đốc Trung kỳ, y mới thả tôi ra và không làm phiền tôi nữa. Tôi đáp tàu Felix Roussel, một chiếc tàu buôn cũ, ở đó tôi gặp khoảng mười hai sinh viên cũng đi Paris học. Nhưng tất cả bọn họ đều là con nhà giàu và không ai cần tới học bổng như tôi. Có hai người từ Huế, và tôi nhận ra họ là cháu của một vị giáo sư dòng dõi hoàng tộc đã dạy tôi ở trường Khải Định năm năm trước, ông Ưng Quả. Họ rủ tôi theo họ, vì họ được một người anh họ cũng trong hoàng tộc, đang hành nghề luật sư ở Paris bảo trợ, và họ biết rằng tôi nhà nghèo, lên đường tới Paris không một xu dính túi. Chuyến đi quả là vất vả ngay cả đối với một thanh niên như tôi. Bọn tôi ngủ võng và ăn toàn đậu lăng. Qua Địa Trung Hải, tàu bị những cơn bão lớn nhồi rất dữ suốt mấy ngày; làm tôi ngày nào cũng say sóng gần cả tuần lễ. Khi tàu cặp bến Marseilles, lại một tên cảnh sát chìm người Pháp lên tàu điệu tôi về bót thẩm vấn thêm một lần nữa! Hắn hỏi tôi tại sao tôi lại muốn qua Pháp trong khi tôi có thể ở lại phụng sự cho Việt Minh với một binh nghiệp sáng chói vì tôi mới có hai mươi hai tuổi mà đã mang cấp bậc Trung tá. Khi tôi cho hắn biết tôi được Thống đốc Trung kỳ bảo trợ và tôi muốn qua Pháp học để về phục vụ chính nghĩa Quốc gia, hắn mới thả cho tôi về.

Chúng tôi tới Paris bằng xe lửa. Ra đón chúng tôi tại sân ga là hoàng thân Bửu Lộc, anh em họ với hai người bạn đường của tôi là Bửu Hàm và Bửu Hào. Cùng với người anh họ ông là Bửu Hội, một nhà khoa học về nguyên tử nổi tiếng, ông đãi chúng tôi một bữa tiệc cơm ra trò. Tôi học trường Lakanal ở thị trấn Bourg La Reine gần Paris để theo các khoá dự bị trước khi thi vào trường Cao Đẳng H.E.C. (Hautes Études Commerciales), ngôi trường thương mại ngân hàng danh tiếng nhất nước Pháp. Vì tiền học bổng của tôi chỉ đủ cho những bữa ăn sinh viên, nên mỗi cuối tuần tôi phải đi làm để kiếm thêm tiền trả học phí và nơi trọ. Cứ hai ngày mỗi tuần tôi cuốc bộ qua các con đường của Paris, khoảng 25 tới 30 dặm mỗi ngày, để mua kim may ở các cửa tiệm bách hoá gởi về cho mẹ tôi, vì suốt thời gian trong và sau chiến tranh, Việt Nam không nhập được loại hàng đó. Ngay cả tại Pháp lúc ấy, những sản phẩm như kim may chẳng hạn cũng phải phân phối theo tiêu chuẩn, và mỗi cửa tiệm mỗi tháng chỉ nhận được một lượng nhỏ. Mẹ tôi bán số kim may này rồi mua gạo, gởi từng gói nhỏ 3 ký qua cho tôi để tôi bán lại cho cộng đồng người Việt ở đây vì gạo lúc ấy ở Pháp cũng phân phối theo tiêu chuẩn. Công việc này khá nặng nhọc nhưng nó cho phép tôi vận động thay cho các môn thể thao vì thiếu thời gian. Đồng thời nó là một công việc kiếm được khá tiền.

Sau đó một năm tôi thi đậu vào ngôi trường H.E.C. lẫy lừng danh tiếng, ngôi trường hàng đầu trong lĩnh vực thương mại và tài chánh của Pháp. Thông thường sinh viên phải mất từ 2 tới 3 năm học các lớp dự bị trước mới hy vọng thi đậu vào H.E.C., nhưng tôi thì chỉ sau một năm là thi đậu vào trường. Trong số hơn 1000 thí sinh, chưa tới 200 người được thi đậu. Năm 1952 tôi tốt nghiệp với titre francais – thi đậu như một học sinh người Pháp. Trong 3 năm học ở H.E.C. mỗi tuần tôi cùng với nhóm anh em sinh viên chơi thân với nhau hay có cuộc thi đua từng môn một: chúng tôi có lệ ai được điểm cao nhất thì “bị phạt”, là phải mua một chai rượu vang để đãi cả nhóm. Tôi thường “bị phạt” cho nên phải hay mua rượu, do đó mà tôi biết đủ loại rượu của Pháp, một điều rất lợi cho cuộc đời tiếp tân của tôi sau này. Năm sau tôi được nhận vào trường École Nationale d’Administration (trường Quốc gia hành chánh) là nơi đào tạo những công chức cao cấp nhất của Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên trường ENA nhận sinh viên các nước thuộc địa; vì tôi không có quốc tịch Pháp, nên chỉ được học năm giảng bài, chứ không được tham dự hai năm tập sự vốn chỉ dành cho sinh viên dân Pháp.

Giáo sư Henri Fournier, người rất mến tôi, khuyên tôi trở về Việt Nam làm việc cho Ngân Hàng Trung Ương Đông Dương (Lào – Cao Miên – Việt Nam), lúc ấy hầu như chỉ do người Pháp điều hành. Ông Fournier giới thiệu tôi với René Frappart, Tổng giám đốc ngân hàng, một người có khuynh hướng xã hội và rất có cảm tình với Việt Nam…

3.-Sự nghiệp đầu tiên.

…Năm 1954 tôi trở về Việt Nam làm việc cho Ngân Hàng trung ương [i] Đông Dương, Lào, Cao Miên, Việt Nam (Institut d’Émission des États Associés du Laos, du Cambodge et du Viêt Nam) dưới quyền của Tổng giám đốc René Frappart và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Victor Cusin. Nhờ có kiến thức chuyên môn và tận tâm làm việc, tôi được thăng hạng rất nhanh, vượt qua nhiều người Pháp và tất cả nhân viên người Việt vào làm việc trước tôi.

Vài tháng sau, lãnh tụ phe Quốc gia Ngô Đình Diệm về nước để thành lập chính phủ đầu tiên. Ông cần một cố vấn tài chánh tín cẩn. Ông sai người phụ tá của ông là Tôn Thất Cẩn tới Ngân Hàng Trung Ương Đông Dương, để hỏi ban điều hành, ai có thể làm cố vấn tài chánh cho ông. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Victor Cusin và Tổng giám đốc René Frappart đề cử tên tôi. Sau này tôi được nghe kể lại là khi Diệm nhìn thấy tên tôi, ông đã mỉm cười và la Cẩn: “Thằng nhỏ này thường đem hoa lan tới nhà tôi và tôi thường xoa đầu nó để cám ơn. Làm sao nó làm cố vấn tài chánh cho tôi được!”. Trong đầu óc ông, tôi vẫn còn là thằng nhỏ thường được cha sai mang hoa tới ông vào những năm 30 xa xôi ấy. Ông không tin được thằng nhỏ đó bây giờ đã lớn, học hành thành đạt, ra làm việc và đã hơn 30 tuổi. Những người bạn ông và một số thành viên nội các biết tôi, khi nghe Tôn Thất Cẩn kể lại, đã cho Diệm hay là thằng nhỏ đó đã trưởng thành và trở nên một thành viên cao cấp rất có khả năng trong ban giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Đông Dương. Họ nói với ông thằng nhỏ đó là người tốt nhất mà ông có thể kiếm được.

Vài ngày sau ông cho gọi tôi vào và yêu cầu tôi làm cố vấn tài chánh và kinh tế cho ông(Hình phải:Tổng thống Ngô Đình Diệm). Theo phong cách riêng của mình xưa nay, ông không ký một sắc lệnh bổ nhiệm tôi, mà chỉ tuyên bố cho tất cả mọi người biết – các thành viên nội các chính phủ, đặc biệt là người em đầy uy quyền của ông, Cố vấn Ngô Đình Nhu, và Bộ trưởng phủ tổng thống, Nguyễn Đình Thuần, người luôn luôn làm tấm bình phong với bất cứ ai muốn gặp ông Diệm, dù Bộ trưởng hay Tướng lãnh. Tôi nghe nói là hai ông Nhu và Thuần đều rất khó chịu về việc tôi có thể trực tiếp gặp Tổng thống Diệm: ông đã ra lệnh cho sĩ quan tùy viên đưa tôi vào ngay mỗi lúc ông ta gọi tôi vào, và cũng vì vậy mà sau này cả hai hay dèm pha và phá rối công việc của tôi. Việc không có giấy tờ bổ nhiệm chức vụ công khai đã giữ cho tôi tránh khỏi những rắc rối về sau khi các Tướng lãnh lật đổ và giết ông Diệm; tất cả những thành viên nội các và phụ tá của ông, như Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần và Bộ trưởng Kinh tế Hoàng Khắc Thành chẳng hạn – người đã thay thế tôi ở Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín và đã thay đổi chính sách ngân hàng để giúp bà con bè bạn của các ông Nhu, Thục, Cẩn, – tất cả đều bị bắt và bỏ tù sau cuộc đảo chánh năm 1963. Nhưng việc này cũng gây cho tôi một số phiền toái khi tôi cầm đầu những cuộc thương thuyết mật với Thủ tướng Antoine Pinay vì bị Nhu và Thuần phá. Tôi không quan tâm đến việc không được bổ nhiệm chính thức, cũng không quan tâm đến cấp bậc, danh dự, thăng thưởng vân vân… Tôi chỉ muốn làm việc và phục vụ đất nước.

Từ đó cho tới năm 1962, khi tôi bất đồng ý kiến mạnh mẽ với ông và từ chức, Tổng thống Diệm đã hỏi ý kiến tôi trên tất cả các vấn đề kinh tế, tài chánh và tiền tệ. Là người đại diện cho cá nhân ông, tôi đã cầm đầu những cuộc thương thuyết với Pháp, Mỹ, Nhật và các nước khác. Trong một vài trường hợp, sau khi tôi đã kết thúc những cuộc thương lượng bí mật và quan trọng, giải quyết các vấn đề và thu được những kết quả mong muốn, ông Diệm sẽ bổ nhiệm một phái đoàn chính thức, nhưng tôi vẫn được yêu cầu luôn luôn ở bên cạnh để can thiệp trong trường hợp có khó khăn giữa hai phái đoàn. Điều này đã xảy ra trong vụ ký kết thoả ước với phái đoàn Pháp trong dịp Thủ tướng Pháp Antoine Pinay qua thăm Tổng thống Diệm.

Ông Diệm thường gọi tôi vào dinh Độc Lập mỗi ngày, có khi rất sớm, khoảng 5 tới 6 giờ sáng, và có khi rất khuya. Ông thường tiếp các Bộ trưởng, các viên chức cao cấp và các Tướng lãnh trong văn phòng riêng của ông. Căn phòng này cũng được dùng làm phòng ăn và phòng nghỉ trưa, và ông luôn luôn biểu tôi ngồi kế bên phải ông. Không ai dám hút thuốc trước mặt ông trừ Vũ Văn Thái và tôi. Khi tôi đốt một điếu thuốc trước mặt ông, thì ông đẩy cái gạt tàn về phía tôi. Ông thường hút thuốc điếu này nối điếu khác, rồi chỉ sau vài hơi đã dụi đi, nhưng vẫn hút.

Nhắc tới đây, tôi nhớ lại chuyện quyết định bỏ thuốc lá sau nhiều năm “nghiện ngập”. Ngày 31-12-1965, sau bữa tiệc cuối năm và điếu thuốc cuối cùng, tôi đã liệng qua cửa sổ tất cả “đồ nghề”, gồm bật lửa bằng vàng, hộp thuốc lá đắt tiền và tất cả số thuốc lá còn lại, tự thề không bao giờ cầm lại điếu thuốc nào nữa. Xong tôi gọi bồi cho hay đừng lượm vào cho tôi. Quả thật là địa ngục, trong suốt cả tháng trời sau khi bỏ thuốc lá. Tôi thèm thuốc lá một cách tệ hại và có nhiều lần khi đi tiếp tân, có người đưa thuốc mời, tay phải tôi vừa chìa ra định đón lấy điếu thuốc, thì tự nhiên tay trái kéo tay phải về. Cũng từ đó tôi bỏ thuốc vĩnh viễn, không bao giờ hút trở lại. Bỏ thuốc lá rất khó, đòi hỏi nhiều nghị lực và can đảm. …

Đọc tiếp :  Câu chuyện đời tôi

Nguyễn Hữu Hạnh

@chvn

This entry was posted in Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.