Trần Quang Lộc – Nhạc Sĩ Của Lãng Du

Video ThuPhuong

“Về ngồi lại hát hát cho quên đời
Về tìm lại kiếp kiếp lãng du này…
Về bàng hoàng ngước mắt trông theo người
Lãng du ca – Trần Quang Lộc. 1969)

KỶ NIỆM THỜI TUỔI TRẺ 1968…70…

Một buổi sáng, cách đây mươi hôm, tôi nhận được cú phôn từ Nam Cali với giọng nói quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:

-Trương Xuân Mẫn đấy à! Sao, khỏe không? Tớ đang uống càfê với… À, Có người muốn nói chuyện với cậu này.”
– Ai vậy ?
– Trần Quang Lộc…
– Cái gì? Trần Quang Lộc!, Thật không? Nó qua đây hồi nào? đang ở đâu?…”

Thật là thú vị và bất ngờ, tôi gào lên như đứa trẻ trong niềm vui không tả….
Tối hôm ấy, đọc vài giòng email của Trần Quang Lộc, người bạn”văn nghệ” năm xưa:
Rất mừng khi bắt được tin nhau. Trái đất vẫn tròn!
Sẽ gặp lại Trương Xuân Mẫn ở San Jose ngày 22/01/2011”
Kèm theo tờ chương trình ca nhạc giới thiệu ‘tác giả tác phẩm” của Trần Quang Lộc, flyer, hình ảnh… sắp được tổ chức tại”thị trấn văn nghệ San José” của chúng ta vào Chủ Nhật ngày 22 tháng Một 2011 tại Convention Center Santa Clara .

Thế là, tôi và các”tín đồ văn nghệ” sắp được thưởng thức một”bữa tiệc ca nhạc” thịnh soạn với các nghệ sĩ thời danh như Khánh Ly, Ý Lan, Thu Phương, Quang Tuấn, Thái Châu, Khánh Hoàng, Diễm Sương… do ban nhạc Hoàng Thi Thi hòa âm phối khí dàn dựng .

Vâng, Trần Quang Lộc! Còn phải nói! Ồ! Hơn bốn mươi năm rồi, bây giờ mới sắp gặp lại”thằng” bạn thân thủa nào… Như cuốn film quay chậm của một đoạn đời thời tuổi trẻ, bao kỷ niệm của chúng tôi đang dàn trải ra trước mặt…

… Tháng ngày của 68, chúng tôi, tuổi trẻ yêu thích văn nghệ thường tụ hợp đọc thơ, hát nhạc,”đấu láo”, bàn bạc mọi” chủ đề”, lai rai bên chén rượu… Thường như vậy, Trần Quang Lộc khi nào cũng có cây đàn bên cạnh. Khi đã… “sương sương”, anh đàn và hát rất xuất thần, đặc biệt là hát sáng tác của anh… Khoảng tháng ngày của 68, chúng tôi cùng tham gia sinh hoạt trong cùng một nhóm văn học nghệ thuật có tên là “Hàn Giang” (Tên con sông chảy qua thành phố Đà Nẳng), quy tụ một số anh em yêu thích và sáng tác văn, thơ, nhạc, hội họa, báo chí… trong đó có số đã khá…. nổi tiếng thời bấy giờ như: Họa sĩ Đỗ Toàn, Hồ Đắc Ngọc…, nhà thơ Vũ Hữu Định (tác giả bài thơ mà Phạm Duy phổ thành ca khúc rất phổ biến “Còn chút gì để nhớ”, A Khuê, Nguyễn Đông Giang (hiện định cư tại San José), Tô Như Châu, Trần Dzạ Lữ…, nhà báo Phan Xuân, Hoàng Duy Nhân…, bác sĩ nhà thơ Lê Trung Nghĩa, nhạc sĩ Trần Đình Quân (tác giả bài hát nổi tiếng Khúc Tình Ca Xứ Huế …), Tôn Thất Lan, Trần Quang Lộc… Cũng thời gian này, có một vài anh em trong nhóm (Trần Đình Quân, Vũ Hữu Định, Tôn Thất Lan…) đứng ra thành lập Đoàn Du Ca Đà Nẵng thì Trần Quang Lộc được cử làm Đoàn phó…

Đang lúc hoạt động hăng say và đầy hiệu quả như vậy thì một ngày cuối năm 1970, bất ngờ Trần Quang Lộc thông báo cho anh em cái tin… không vui: Anh cùng gia đình thực hiện cuộc “Nam tiến”, định cư tại Bà Rịa, Vũng Tàu. Khi anh rời Đà Nẵng, tôi là người thế anh để tiếp tục điều hành một trong đơn vị mạnh của Phong Trào Du Ca Việt Nam… Âu, đó cũng là một kỷ niệm. Thật lạ, từ ngày ấy đến nay, dù có ý tìm nhau nhưng chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp lại, dù chỉ một lần…

CHÀNG DU CA LÃNG TỬ

…Những ngày bên nhau, chúng tôi thường tổ chức các buổi sinh hoạt “đọc thơ hát nhạc”, giới thiệu sang tác mới… ở khắp nơi của các thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi… mà Trần Quang Lộc luôn là một trong những hạt nhân và là cái đinh trụ chủ chốt… Sau này, tuy không còn liên lạc, nhưng tôi vẫn dõi theo các hoạt động khá thành công của anh khi anh”tái lập” cuộc định cư mới… Anh ôm đàn đi hát khắp mọi nơi, khi thì các thành phố miền Tây, có lúc ở thành phố nào đó của Lục Tỉnh, rồi Sàigòn, Nha Trang… như con thoi luân chở hành trang những sáng tạo nghệ thuật, “rao giảng và truyền bá”… như là một sứ giả của ÂM NHẠC.

Giai đoạn này, Trần Quang Lộc đã có nhiều sáng tác âm nhạc khá nổi tiếng được nhiều người biết đến, đặc biệt trong “làng” Du Ca như là: “Đêm hồi động”, “Ta biết gì trên quê hương”, “Câu hát tình quê”, “Hát gọi mặt trời lên”… Anh viết, viết rất đều, rất hăng say, chủ yếu là loại nhạc Du Ca vì anh là nhạc sĩ của Du Ca. … Giòng nhạc phong phú của anh chất chứa đậm đà sắc màu quê hương, làn điệu âm hưởng của dân tộc …Thật, ít có nhạc sĩ nào so sánh được với anh trên cương vị này .Bên cạnh những sáng tác đầu đời ấy, anh bắt đầu viết với nhiều chủ đề … Không khí trong ca khúc của anh hay pha lẫn, bàng bạc chút khói sương phiêu bồng của cuộc lữ hành, cưu mang về thân phận con người, đất nước ngụp lặng trong nghiệt ngã của chiến tranh .

Chợt nghe em hát từ cỏi điêu tàn
Lòng ta khánh kiệt cũng dạt dào cung thương
Ta đã bao năm bao năm đi tìm đất hứa …
Đất hứa quá xa vời tựa tiếng hát em..
Chợt nghe tiếng hát em .Trần Quang Lộc)

Giai đoạn này, năm 1968 (sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế) đến năm 1975 …anh đã có hàng trăm ca khúc cho đời .Thường, những sáng tác của anh có khúc thức …”từ chương”, sách vở nhưng lại rất sáng tạo qua các chuyển điệu hay điệu thức”lạ”, các âm”thăng, giảm” bất thường hay các luyến láy của giai điệu (Melody) khai thác từ dân ca Ngũ Cung (Ca Trù, Quan họ Bắc Ninh …) làm âm nhạc của anh đa dạng, phong phú, gần gủi làn điệu Âm nhạc Dân Gian . .(“Lãng du ca”,” Có phải em là mùa thu Hà Nội”,Ngủ đậu, Áo hoa,”Vẫn mơ một ngày về”,”Em theo đàn lưu vong” … và ” Về đây nghe em”.)

Bài Về đây Nghe Em có lời hát vô cùng mộc mạc nhưng vẫn đầy chất thi ca,những ca từ rất giản dị nhưng chẳng hề thiếu chất văn học…quyện vào giai điệu âm nhạc nhẹ nhàng nhưng thôi thúc bởi tiết tấu (Rhymth) của các”liên ba”tiếp nối nhau từng câu,từng đoạn, thu hút, dẫn dụ và mời gọi :

Về đây nghe em, về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Về đây cùng hát trên sông nước này
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá..
Về đây nghe em .TQLộc)

Về đây nghe em”quả là ca khúc tuyệt vời, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của anh trong chủ đề Tình Ca Quê Hương”.

Đến hôm nay, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã có gia tài Âm nhạc khá đồ sộ với 600 tác phẩm, 4 tuyển tập ca khúc, 8 C D ca nhạc được ấn hành từ năm 70 đến nay …Đáng chú ý nhất là :”Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”,”Phiêu Bồng Ca ”,”Về đây nghe Em ”

*Mừng Vui Khi Gặp Lại Nhau.

Thời gian là con”quái vật”vô hình đi qua, mang đi …và mang theo …Bốn mươi năm thoáng qua, ngỡ như một ngày nào gần đâu đây thôi .Thế mà!!!…Anh chàng nhạc sĩ trai trẻ năm xưa,với tiếng đàn guitar điêu luyện, đầy hình tượng,bay nhảy đệm đưa cho tiếng hát ngân nga, truyền cảm và giòng nhạc xuất phát từ trái tim và cõi lòng của chính anh, trong ký ức tôi,vẫn là một nhạc sĩ Du Ca lãng tử của ngày nào …đẹp trai, đáng yêu vô kể. Thế mà hôm nay …Thật khó hình dung …Khi nhìn hình ảnh của anh qua …email (Vẫn rất đáng yêu đấy chứ!): Nhạc sĩ Trần Quang Lộc nay đã là ông già …” sáu bó”, râu bạc, tóc bạc, là ông ngoại, là ông nội rồi…

Thế đấy, thời gian!!!. Lộc ơi, chúng ta sắp gặp lại nhau ..Xin rót chén rượu, quá đỗi mừng vui cho ngày hội ngộ . Mừng vui vì còn thấy Lộc còn cầm đàn, dẫu hát nghêu ngao đã là hạnh phúc lớn rồi. (Huống hồ gì đang”chững chạc”đứng hát trên sân khấu của Trung Tâm Thúy Nga Paris) . Và chén rượu kia, tưởng nhớ bạn bè năm xưa, qua cuộc bể dâu, ai còn ai mất…Đứa biệt tăm, thằng khuất núi, kẻ ” lạc đạn’’, người hy sinh …Có đứa bỏ chơi, thằng bỏ đàn với bao lý do thầm kín nào đó…Vũ Hữu Định ra đi sau một cuộc tàn rượu, Anh Trần Đình Quân mất vì”căn bệnh của thế kỷ”Alzheimer, A Khuê không thoát khỏi cơn nan y …Còn ai nữa …Đến đây thì tôi không thể viết thêm .

San José 01 .11

Trương Xuân Mẫn

@calitoday  –  vannghequangtri  –  TranQuangLoc  –  Aohoa

This entry was posted in Âm Nhạc and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.