Truyện ký

Chuyện tù ” cải tạo ” của 1 bác sĩ quân y VNCH

Một bác-sĩ cách-mạng từ Bắc vào, hăm-hở đến tiếp-thu bệnh-viện Vĩnh-long sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã thốt ra câu nói đầu tiên với chúng tôi :

“Các anh là kẽ thù của nhân-dân, đáng tội chết…”

Tuy mới mấy ngày sau khi “giải-phóng” nhưng tai chúng tôi cũng đã quen với câu nói đó, chỉ có khác là lần này được phát ra từ miệng một bác-sĩ mà chúng tôi chờ đợi để hy-vọng thấy được một nụ cười hay một chút thông-cảm trong tình đồng-nghiệp. Chẳng khác gì những cán-bộ khác, bác-sĩ cũng tuôn ra câu học thuộc lòng:

“Nhưng Đảng và Nhà-nước khoan-hồng tha tội chết cho các anh…”

May thay, chúng tôi được tha tội chết, nhưng thay vào đó, phải lãnh cái án “dở sống dở chết ” kéo dài năm này qua năm nọ trong các nhà tù, nhường sự-nghiệp lại cho các đồng-nghiệp mới, huênh-hoang trong cái độc-quyền nhân-đạo với các bảng hiệu « Lương Y như Từ-mẫu » treo nhan nhản khắp xó xỉnh trong bệnh-viện.

Có lẽ Cụ Hippocrate ở dưới suối vàng cũng không khỏi phẫn-nộ khi các môn-đệ ở Miền Bắc không chịu học lời thề Cụ dạy trước khi ra trường:

“Tôi thề sẽ giúp đở các đồng- nghiệp và gia-đình họ trong cơn ngặc nghèo, tôi sẽ mất hết danh-dự và bi khinh-bỉ nếu tôi không giữ lời thề đó”.

Trước mặt thì đồng-nghiệp gọi chúng tôi bằng “anh”, nhưng quay lưng lại là “thằng”, là “chúng nó” ngay, không hiểu là vì thói quen, vì văn-hóa, vì mặc-cảm hay vì chính-sách.

Ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất Bắc trên con đường lưu đày, khi mà tầm mắt đang còn ngỡ-ngàng với rừng sâu núi thẳm, khi mà thể xác và tinh-thần chưa lai tỉnh qua cuộc hành trình định-mệnh kinh-hoàng, thì chúng tôi được đón tiếp vồn-vã bởi một đồng-nghiệp. Vồn-vã không phải để thăm hỏi sức khỏe hoặc để an-ủi một lời nào, mà để tịch-thu thuốc men và dung cụ y-khoa mà chúng tôi mang theo, nhất là để tò mò tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống “phồn-vinh giả-tạo” ở trong Nam.

Câu nói đầu tiên và gần như là câu chào hỏi ở cửa miệng mỗi khi gặp nhau: “Anh ăn mấy lạng ?” (gạo mỗi ngày), làm chúng tôi  bỡ ngỡ không biết đâu mà trả lời. Thì ra cái quan-tâm hàng đầu của nền y-khoa miền Bắc là cái bao-tử, và xã-hội được chia ra làm nhiều loại bao-tử khác nhau tùy theo đẳng-cấp và sự trung-thành với Đảng: 120 lạng ,150 lạng, 170 lạng…. cái hàn-thử-biểu để đo vị-trí mình trong xã-hội. Kế đó là thắc mắc về những phần thịt đươc bồi-dưỡng trong những ngày lễ, ngày Tết… Thấy chúng tôi không ở cùng một tần-số trong cái hội-chứng đường ruột đó, bác-sĩ bèn lên mặt chỉ-đạo: “Chớ có trốn trại nghe, không thoát đâu “. Quả-nhiên lời khuyên có chấp-chứa ít nhiều tình thật đó lại là không sai. Chỉ có vài ngày sau khi đặt chân đến cái nơi núi rừng chằng chịt mang tên Sơn-la đó, khi chưa xác-định được vị-trí trong cái bản-đồ mênh-mông của miền Thượng-du Bắc Việt, thì một số anh em đã lần lượt trốn trại rồi lần lượt bị bắt lại để gánh chịu những hình phạt ghê gớm đang chờ sẳn. Trong số đó phải kể đến hai đồng-nghiệp, một Thiếu-tá Y-sĩ- trưởng Trung-tâm Hồi-lực ở Sài-gòn và một Y-sĩ Đại-úy Thủy-quân Lục-chiến, đã thoát khỏi lao tù vì đã trốn qua “bên kia thế -giới” sau khi không thành-công trong cuộc tổ-chức trốn qua “bên kia biên-giới”.

Sau một thời gian xáo trộn, chúng tôi gồm có tám bác-sĩ, một nha-sĩ, hai dược-sĩ được tập-trung lại để thành-lập một “trạm-xá ” có nhiệm-vu săn sóc sức khỏe cho anh em tù trong vùng. Bằng những phương-tiện của thời-đại đồ…tre, với kỹ thuật từ thời Hoa-Đà, chúng tôi cũng được an-ủi bằng một số thành-công trong nhiệm-vụ chữa trị, và đã lưu lại cho chúng tôi nhiều kỹ niệm khó quên. Anh T. bị bệnh phung, bọn cai tù ghê sợ, biệt giam trong một cái chòi giữa rừng, thường ngày chúng tôi đến thăm viếng, theo dỏi bệnh tình, chia nhau từng củ sắn củ khoai, khích lệ cho nhau cho đến ngày về. Anh H. bị mất trí vì trúng độc khi ăn phải trái cây rừng, suốt ngày la hét, phải cách ly trong một túp lều ở giữa rừng, chúng tôi chia phiên nhau túc trực ngày đêm bên cạnh để canh chừng, nhưng cuối cùng anh cũng qua đời. Phải kể đến những trường hợp giải-phẩu theo kiểu…rừng, với tất cả liều lĩnh rủi may. Trang-bị bằng một bộ trung-phẩu dã-chiến của Trung quốc và một lò hấp ướt (autoclave), với mấy bình ether và cái masque Ombredane là dụng cụ đánh thuốc mê hở (circuit ouvert) cỗ lỗ sĩ dùng trước thế chiến 1914-1918. Trong những “bloc” được ngăn cách bởi những tấm phên tre và tấm vải mùng, muỗi mòng tha hồ bay lượn, dưới ngọn đèn dầu và đèn pin, mà nhờ trời chúng tôi cũng thành-công được trong nhiều trường hợp, những chấn-thương vì tai-nạn lao-động, hay trường hợp anh N. bị tắc nghẻn ruột, phải giải-phẩu để tái tạo một hậu-môn tạm thời, phải theo dõi và săn sóc từ A đến Z trong nhiều tháng với sự tận-tình của mọi người nên kết quả rất khả-quan, vân vân và vân vân. Chúng tôi đã đóng tất cả các vai trò trong việc điều trị, từ lao-công, y-tá, phụ mổ, gây mê, cầm dao, rồi hậu-phẩu, vệ-sinh, giặt giủ v…v…bù lại khỏi phải đi lao-động đốn vầu, đốn nứa, đẩy xe trong những lúc đó.

Một sự tình cờ khiến chúng tôi phải giải-phẩu cấp cứu thành-công cho một tên cán-bộ bị viêm ruột thừa cấp-tính mà không biết chở đi đâu. Mấy tháng sau, nhân dịp Tết Nguyên-đán 1978, có mấy cán-bộ trong ban chỉ-huy trại đến cám ơn chúng tôi, và tưởng-thưởng bằng một tấm hình chụp chung mấy anh em chuyên-môn trong bệnh-xá, một kỹ-niệm độc nhất vô nhị của những ngày tù ở Sơn-la.

Tiếng đồn lên tới Bộ Chỉ-huy Đoàn. Một số cán-bộ có thiện-tâm muốn mở tầm hoạt-động của chúng tôi cho dân-chúng trong vùng Mường Thải, huyện Phù-yên, nơi mà xưa nay dân chúng chưa hề thấy đươc cục xà bông chớ đùng nói chi đến viên thuốc tây. Thế rồi dân chúng đến xin chữa trị mỗi ngày một đông, tuy thuốc men chẳng có gì nhiều nhưng cũng giúp ích được một số lớn trường hợp và ít ra cũng giúp họ làm quen với y-khoa ngày nay thay vì phải uống lá rừng suốt đời. Khi đặt ống nghe vào ngực, có người đã huênh-hoang khoe rằng là được… rọi điện. Đông nhất là phần chữa răng. Ngậm một cái răng sâu năm này qua tháng nọ như một cái đinh đóng vào óc, nay được nha-sĩ nhẹ nhàng xoi xỉa với một cái máy quay đạp bằng chân, hoặc nhổ đi mà không đau đớn gì, thật là một điều mà dân Mường ở đó không bao giờ mơ tới.

Một đêm nọ, đang lúc giữa khuya, một cán-bộ cầm cây đèn bảo xăm xăm bước vào phòng giam chúng tôi, bảo rằng một người đàn-bà trong bản Mường đang nguy kịch vì đẻ không ra đã hai ngày nay. Anh Thức, chuyên môn về phụ-khoa được cử đi cấp-cứu. Trong môt gian nhà sàn rộng rải không có vách ngăn, ở giữa là cái bếp lửa cháy suốt ngày đêm, dăm ba người đàn ông ngồi quanh nói chuyện ồn-ào tỏ vẻ lo lắng, ở trong góc một người đàn bà đang quằn quại rên la một cách tuyệt-vọng. Trong khi mọi người bu quanh chăm chú và nghiêm-nghị nhìn anh Thức khám bệnh như nhìn một phù-thủy đang làm phép, anh Thức bình-tỉnh khám thấy rằng đó là một trường hợp song thai, hai đứa bé ôm quàng lấy nhau mà lại nằm ngang, không đẻ ra bằng đường tự-nhiên được. Phải chở đi bệnh-viện để mổ lấy con ra, nhưng anh Thức quên rằng chuyện đó không thể có được ở đây. Không làm gì hơn được, anh bèn tạm thời dẹp sách vở qua một bên mà cố gắng xoay một đứa cho cái đầu ở vị-trí thuận-lợi để ra trước, rồi đến đứa kia, cuối cùng được mẹ tròn con vuông, trong sự rối rít cám ơn của mọi người mà trước đó đã được học tập để coi chúng tôi như những kẻ ác ôn, lúc nào cũng sẳn sàng “cho một mũi tên độc”.

Từ đó các cô gái Mường trong bản cũng tự -nhiên hơn, cưới đùa mỗi khi tắm suối mà có chúng tôi đi lao động ngang qua, có khi còn chọc ghẹo nữa. Có anh trong phút chốc bốc đồng đã quên mình là tù đang đói rách, cũng gồng mình nhảy xuống tắm theo, chỉ tiếc là không có sẵn cục xà bông để tặng mấy cô Mường, lúc đó hẳn là muôn phần quý giá hơn cả viên kim cương đem tặng đào ở Sài–gòn nữa. Về sau mỗi cô gái Mường lại đươc đặt cho cái tên của một ca sĩ nỗi tiếng, nào là Mai-Lệ-Huyền, Phương-Dung, Giao-Linh, Phương-Hồng-Quế v…v…, để rồi lúc chiều về, trong khi ngậm-ngùi nhai từng hột bo bo, thường kể cho nhau nghe rằng hôm nay đi rừng gặp được ca-sĩ nào, ai nghe tưởng như mới đi phòng trà về mà tạm quên trong giây lát cái cảnh nước sông công tù mình đang sống.

Một hôm, một cô giáo hớt ha hớt hãi tìm tới chúng tôi, vì chồng cô, một bộ-đội công-tác ở trong Nam được về nghỉ phép, bỗng nhiên thấy mình mẩy nổi mề đay lên đỏ rần, ngứa khắp cả người. Chúng tôi đoán là bị dị-ứng với trứng gà, vì thường ngày đi lao-động ngang qua trường học, thấy cô giáo cứ o bế mấy con gà để chờ ngày chàng về mà bồi-dưỡng. Chúng tôi bèn lục lạo đươc mấy viên thuốc Phénergan đưa hết cho cô. Mấy hôm sau đi lao-động gặp lại, chúng tôi hỏi : “Sao? Anh nhà đã đỡ chưa?” Cô vui vẻ trả lời : “Thuốc các anh cho hay quá, khỏi ngay.” Chưa kịp hỏi thêm thì bỗng thấy cô cúi mặt e thẹn, ấp úng nói thêm như không muốn cho chúng tôi nghe: ” Nhưng ngủ li bì, về phép có năm ngày mà ngủ như chết suốt cả năm ngày” .Chúng tôi hối hận vì đã cho thuốc ngủ mà không dặn trước, làm cho cô phải bỏ lỡ một cơ-hội bằng vàng.

Thế rồi trạm-xá càng ngày càng đông khách, dân chúng từ xa cũng nghe đồn kéo lại để cho trạm-xá được hoạt-động đúng với danh-nghĩa y-tế của nó. Thiện-cảm và uy -tín càng tăng thì, ngược đời thay, cấp chỉ-huy Trại càng lo lắng. Cuối cùng, Uỷ-viên Chính-trị trên Đoàn lập tức ra lệnh không được khám bệnh cho dân nữa, vì trái với chính-sách, và lý-luận rằng từ mấy ngàn năm nay họ đã chữa trị bằng lá rừng thì đã sao đâu.

Chúng tôi trở lại lao-động, cũng đốn vầu đốn nứa như những anh khác.

Phải cái tội cao giò, tôi thường được chọn đi công tác gánh hàng ở xa, để gánh luôn tất cả tủi nhục của kiếp làm… tôi mọi. Buổi sáng ra đi thì còn dễ chịu, trời mát, gánh nhẹ. Nhưng buổi trưa lúc trở về, trời nắng gắt miền núi như đốt cháy da, lại phải leo đèo, mồ hôi chảy giọt, bụng đói cồn cào, cái đầu nặng trĩu, chiếc đòn gánh đè nặng trên vai đang nghiền nát da thịt như những con dao. Người cán-bộ đi theo cũng không quên máng thêm vào chiếc nón cối, cái áo trấn-thủ mà hồi sáng mang trong người vì trời lạnh, nay không cần nữa thì tội gì mà không để cho rảnh tay, vì tay đang bận cầm cây roi, một thứ thời trang của cán-bộ quản-giáo khi đi bên cạnh tù. Đã thế mà khi gặp một bạn đồng-hành cán-bộ cũng không quên niềm-nỡ mời :”Đồng-chí có mang gì không, đưa cho nó gánh luôn”. Tôi nghe mà rụng-rời, mắt hoa lên mà không dám nhắm lại vì sợ ngả sẽ không bao giờ dậy lại được, cũng không dám nhìn xa hơn mấy đầu ngón chân vì sợ không đủ can-đảm để bước thêm…

Một hôm vì nhu-cầu cấp-cứu một bệnh-nhân tù đang nguy kịch, tôi được cử theo một cán-bộ đến bệnh-viện Phù-yên để xin mấy chai nước biển. Đã lâu bị giam hãm giữa bốn bức tường núi, nay được dịp thấy lại làng mạc với cảnh sinh-hoạt của nhân-dân, lòng cũng không khỏi thích-thú vì tầm mắt đươc hé rộng ra một chút và thỏa -mãn thêm tánh tò mò nghề-nghiệp muốn biết tổ-chức y-tế miền Bắc ra sao mà các “đồng-nghiệp ” đề cao như là đúng hàng đầu trên thế-giới.

Huyện Phù-yên thuộc tỉnh Sơn-la, nằm giữa một thung-lũng nhỏ, bốn bề là núi nhưng rất nên thơ. Từ trại tới huyện phải đi qua ngọn đèo Bang xinh xinh, có con đường mòn uốn quanh, có hoa rừng thơm ngát. Từ trên nhìn xuống gần giống như một bức tranh Tàu, mờ mờ ảo ảo,rải rác nơi nơi là nhũng túp lều lụp xụp bám theo sườn núi. Bước vào huyện phải qua một con suối lớn, mùa khô thì chỉ là một suối đá hiền-hòa thơ-mộng, nhưng khi mưa xuống thì trở nên một thác lũ kinh-hoàng. Bắt ngang qua suối là một cây cầu treo, gió thổỉ đu đưa, mà lại được anh em tù gán cho cái tên rất hấp-dẫn để cho trí tưởng-tượng được nâng cao là cầu Golden Gate. Mỗi khi gánh hàng qua Golden Gate, tôi có cảm-tưởng như mình đang là một nghệ-sĩ đu giây trong một đoàn xiệc mà có thể hụt tay bất cứ lúc nào.

Bên kia cầu là một túp lều không vách, gió lộng bốn phía, đó là trường học với dăm bảy em bé ốm tong teo, bụng ỏng thề lề, mỗi đứa cầm một que củi đang cháy quơ qua quơ lại trước người cho đỡ lạnh trong những bộ áo Mường mỏng manh. Trong khi các em nghêu ngao hát bài “Hôm qua em mơ thấy Bác Hồ…” thì cô giáo đang chăm chú ngồi vá áo, mắt đăm chiêu, hình như cũng đang mơ thấy những chuyện mà dĩ-nhiên khác hơn là thấy Bác Hồ. Hình ảnh đó làm cho tôi có cảm tưởng rằng Cụ Cao-Bá-Quát đã đi ngang qua đây để cảm-hứng mấy câu thơ:

Một thầy một cô một chó cái,
Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.”

 Bên cạnh trường là một cái “cối giả gạo” có lẽ đã được sáng chế từ đời vua Thần Nông. Nước từ con suối nhỏ đươc dẫn qua một máng xối đục từ một thân cây, chảy xuống một thân cây dài khác, một đầu là cái chày, đầu kia đục thành một máng chứa nước. Hể máng đầy nước thì cái chày tự -động ngóc lên, rồi nước bị đổ ra ngoài để cho chày giả xuống cái cối ở đằng trước. Cứ thế mà tiếp-tục, cối cứ giả ngày giả đêm, tạo nên một tiếng đập nhịp nhàng khô khan để đánh thức cô giáo và lũ học trò khỏi ngủ gật. Năm thì mười họa, một năm vài lần cối mới có gạo để giả, vì dân phải đóng cho nhà nước hết ba phần tư số thu hoạch, vốn đã nghèo nàn trên những mãnh ruộng bằng bàn tay xếp thành từng tầng trên sườn núi.

Khi đến cổng bệnh-viện, tôi được chứng-kiến một cảnh tấp-nập khác thường, nghỉ bụng rằng chương-trình y-tế ở đây đã thành-công vì được dân-chúng hưởng-ứng đông đảo. Mọi người bu quanh một tấm bảng, hình như để theo dõi một thông-báo gì quan-trọng của bệnh-viện về một biện-pháp y-tế nào đó chăng. Lại gần, tôi thấy rõ thông-báo như sau “Hôm nay bệnh-viện có mổ lợn, bán theo giá chính-thức. Đồng-bào nào muốn mua xin ghi tên ở phòng ngoại-chẩn”. Tôi suýt té ngửa vì sau bao nhiêu năm hoạt động trong ngành y- tế tôi vẫn chưa biết được rằng cung-cấp thực-phẩm cho dân chúng cũng là một khía cạnh trong chương-trình y-tế.

Trái với cảnh xôn-xao ngoài cổng, trong bệnh viện lại vắng tanh. Tìm cho ra người thủ-kho để xin thuốc thì được biết cô gái Mường này bận đi hái bông lau về làm nệm để tặng một cô bạn gái sắp về nhà chồng, một tục-lệ không thể bỏ được của người Mường. Lân la mãi mới gặp được bác-sĩ trực, vị này không mấy niềm-nỡ vì đang bận cải-hoạt (có nghĩa là cải-tiến sinh-hoạt để cho đời sống vui tươi hơn) bằng cách ngốn nghiến mấy củ khoai. Bác-sĩ trực cho biết “Chỉ có bác-sĩ thủ-trưởng mới có quyền quyết-định, nhưng bác-sĩ đang bận mổ.” Tôi thất-vọng chán chường, nghỉ đến bệnh-nhân ở trại đang hấp-hối mong chờ mấy giọt nước hồi-sinh, nghỉ đến con đường về vừa nắng gắt vừa phải leo dốc, nghỉ đến cái dạ-dày đang cồn-cào vì sáng nay không may đọc được mấy chữ “thịt lợn” trên bảng thông-cáo mà nước bọt cứ chay dài (chẳng lẽ tôi lại biến thành con chó của Pavlov, hể nghe tiếng chuông là dịch tiêu -hóa cứ tuông chảy, rồi hay sao?) .Tôi buồn rầu thất vọng, không biết bao giờ bác-sĩ trưởng mới mổ xong, vã lại áo quần lem-luốc thế này làm sao gặp được bác-sĩ ở khu giải -phẩu. Tôi đánh bạo tìm đến bác-sĩ trưc hỏi : “Thế tôi có thể gặp bác-sĩ thủ -trưởng được không?” Lần này vị y-sĩ trực vui vẻ trả lời (vì đã ngốn xong mấy củ khoai): ” Được chứ, có gì đâu, anh ấy đang bận mổ lợn dưới ao đấy mà”. Tôi như từ cung trăng rơi xuống.

Quả nhiên, cách đó không xa, cạnh bờ ao, năm ba người đang bao quanh một con lợn đã cạo lông trắng nõn nằm trên một tấm thớt lớn. Trong khi đó, bác-sĩ thủ-trưởng bệnh-viện, mình trần, quần xắn tới bẹn, áo bờ-lu vắt ở hàng rào, đang nhanh nhẹn ra tay mổ bộ đồ lòng với tất cả sự nhanh nhẹn và khéo léo của một…đại giải -phẩu gia.

Lẽ tất nhiên tôi phải chờ cho ông bạn đồng-nghiệp thanh toán xong con lợn để giải quyết cho mấy chai nước biển rồi mới hân-hoan ra về. Ra tới cổng, tôi gặp lại đám dân-chúng cũng đang hân-hoan thở phào nhẹ nhỏm như tôi khi được tin bác-sĩ đã mổ xong…lợn.

Trên đường về, lần này chiếc đòn gánh đè nặng lên vai không còn cho tôi cảm-giác đau đớn như trước nữa, vì đầu óc tôi đang bị ám-ảnh bởi một ý-tưởng muôn phần nặng-nề hơn, vì tôi đã nhìn thấy được sự thật, đã chứng-kiến tận mắt một hiện-tượng sinh-hoạt phản-ảnh lối sống của những “đồng-nghiêp” bên kia bức màn tư-tưởng.

Phương-vũ VÕ TAM-ANH

@web247

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.