Thủ đoạn cai trị

5 thủ đoạn cai trị dưới thời Cộng sản

2dba8ce63cb1549403e1384ad120d6b7_LNQL: Trong bài Cách mạng Văn hóa – tội lỗi của ai? đăng ở VHNA, Giao sư Mao Vũ Thức trao đổi với nhà nghiên cứu người Nhật Hidematsu Hiyoshi đề cập thời kì Cách mạng văn hóa dưới thời Mao với 5 thủ đoan cai trị đặc biệt. Thực ra thủ đoạn cai trị này không phải dưới thời Mao mới có. Nó có ở mọi thời dưới CNXH. Ngay bây giờ ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn áp dụng, còn Bắc Triều và Cu Ba thì khỏi nói. Vì vậy Quê Choa giới thiệu 5 thủ đoản cai trị này, coi như là đặc sản của CNXH, gọi là 5 thủ đoạn dưới thời CNXH.

Mai này khi Việt Nam không còn CNXH, con cháu ta sẽ rùng mình kinh hãi không hiểu sao bố mẹ ông bà của chúng là chúng ta đây lại có thể sống nổi với 5 thủ đoạn đó, trong khi chính chúng ta lại đinh ninh đó mới thể hiện tính ưu việt vạn lần hơn của CNXH.

Thủ đoạn thứ nhất – Chế độ hộ khẩu

Chế độ hộ khẩu kiểu Trung Quốc phân tách thành thị và nông thôn. Nông dân suốt đời bị cầm cố ở nông thôn, các hộ dân quê không có cách nào để dời lên thành phố. Không có hộ khẩu thành phố thì không có chỗ làm, không có hộ khẩu thành phố thì không có phân phối lương thực, không có hộ khẩu thành phố không những không làm được bất cứ việc gì mà chính ra là không thể sinh tồn. Dân thành phố cũng bị cầm cố tại chính nơi cư trú của mình. Việc chuyển chỗ ở giữa các thành phố cũng vì chế độ hộ khẩu mà chịu sự khống chế hoàn toàn. Chế độ hộ khẩu đó dẫn đến vấn đề bất bình đẳng về mức sống, việc làm, đi học giữa nông thôn và thành phố. Vậy nhưng chỗ giống nhau về quyền lợi chính trị mà dân nông thôn và dân thành phố được hưởng đều là “không có gì”. Chế độ hộ khẩu Trung Quốc còn có một công năng khác, đó là thông qua hộ khẩu cưỡng chế những ai không phục tùng hay có kiến giải độc lập về nông thôn tiếp thu giáo dục lao động cải tạo. Sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn kiểu như thế hoàn toàn là do con người tạo nên. Những ai có hiểu biết về thời kì lịch sử đó đều thấy rõ như thế.

Thủ đoạn thứ hai – Chế độ tem phiếu phân phối

Mao Trạch Đông dùng chế độ phân phối tem phiếu để nắm chặt trong tay mình nguồn nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân sinh. Bất cứ một số lượng tiêu dùng nhu yếu phẩm nào cần thiết cho sinh hoạt đều được phân phối, người dân không thể tự do có được các nhu yếu phẩm đó. Khi mua lương thực không những cần có sổ mà còn cần cả tem phiếu, có tiền cũng không mua được định mức quy định theo tháng. Điều cần phải chỉ rõ là, phiếu lương thực còn chia thành loại phiếu thông dụng toàn quốc, loại phiếu dùng ở địa phương các tỉnh và loại phiếu dùng cho các thành phố. Trừ loại phiếu lương thực thông dụng toàn quốc ra, hai loại sau chỉ có thể dùng trong phạm vi các tỉnh các thành phố. Người ta không thể xoay trở được nếu như không có phiếu lương thực. Chỉ riêng với chế độ phiếu lương thực đã có thể khống chế được quyền tự do hành động của dân chúng. Nhưng chế độ phân phối của Mao gồm một nội dung hết sức rộng rãi. Tất cả đều được phân phối theo phiếu – có phiếu dầu ăn, phiếu vải, phiếu trứng, phiếu đường, phiếu thịt, phiếu máy khâu, phiếu xe đạp,… Đến tết có phiếu hàng tết. Đủ loại tem phiếu quán xuyến toàn bộ đời sống người dân Trung Quốc.

Thủ đoạn thứ ba – Chế độ hồ sơ lí lịch

Chế độ hồ sơ lí lịch không xa lạ đối với mỗi người dân Trung Quốc. Cho dù anh học ở trường, công tác ở các đơn vị cơ quan hay về hưu ở nhà (về hưu hồ sơ lí lịch được chuyển về khối phố hoặc công xã nơi đương sự sinh sống). Hồ sơ lí lịch theo liền với từng người cho đến hết đời. Chức năng của chế độ hồ sơ lí lịch không thua kém gì một sự theo dõi ngầm của cơ quan công an. Trường học và cơ quan sẽ ghi vào hồ sơ nếu đương sự bị kỉ luật. Những nhận xét hay giới thiệu mà chính đương sự không được đọc thấy hay không được chính đương sự xác nhận cũng được phê viết vào hồ sơ lí lịch. Tính cách tiêu cực hay tích cực của những lời phê đó ảnh hưởng đến đến cuộc sống giữa xã hội của chủ nhân bộ hồ sơ. Những ai có dũng cảm phàn nàn, nêu ý kiến hay phát ngôn trái lạ đều bị ghi vào trong hồ sơ lí lịch. Còn như việc sẽ chịu xử lí như thế nào thì chỉ còn trông chờ vào may rủi. Chế độ hồ sơ lí lịch phi nhân tính đó trên thực tế đã tước đi quyền tự do ngôn luận.

Thủ đoạn thứ tư – Chế độ giáo dục lao động cải tạo

Giáo dục lao động cải tạo được nói là một loại xử phạt hành chính nhưng trên thực tế rất gống với xử phạt hình sự. Chế độ giáo dục lao động có tính tùy tiện, nó có thể do một đơn vị cơ quan quyết định. Như thế chế độ giáo dục lao động khiến cho các cơ quan đơn vị trở nên rất gần với một cấp tư pháp nhưng tùy tiện và vô pháp luật. Mặc dù nói là xử phạt hành chính và được gọi là “trị bệnh cứu người” nhưng những người bị bắt đi lao động không những mất quyền tự do nhân thân đồng thời họ cũng trở thành “tiện dân” của xã hội và chịu sự kì thị. Nghiêm trọng hơn là khi mãn hạn lao-giáo rồi người ta vẫn có thể cưỡng chế người bị giáo dục bằng lao động đó ở làm việc tại chỗ. Trên thực tế đó là một thứ tù không kì hạn, suốt đời bị giam thân cảnh tù, mất hẳn tự do. Việc có thể tùy ý thực hiện chế độ lao-giáo đối với dân chúng là biểu hiện của sự khủng bố chính trị thời Mao.

Thủ đoạn thứ năm – Chế độ cơ quan đơn vị

Dưới thời Mao, “cơ quan/đơn vị” trên thực tế chính là chỗ để khống chế cá nhân. Quyền tự do theo đuổi nghề nghiệp bị tước bỏ, tất cả mọi người đều nhận công tác theo sự sắp xếp của nhà nước. Người ta không có quyền chọn công việc và cũng không có quyền từ chối công việc được phân công. Nhà nước không cho phép tùy ý từ chức hay đổi công tác. Mỗi một người suốt đời làm việc ở những vị trí công tác đã được phân công. Tiền lương do nhà nước quy định. Tình trạng đi làm cả đời không có tăng lương là rất nổi bật. Một khi anh rời khỏi đơn vị hoặc bị đơn vị khai trừ đồng nghĩa với việc hoặc là anh đã ra khỏi cái xã hội mà Mao đang khống chế hoặc là anh bị cái xã hội đó khai trừ. Anh sẽ lâm cảnh đường cùng, mất hết nền tảng sinh hoạt. Trong cái chế độ cơ quan-đơn vị đó, để sinh tồn kiếm sống nuôi gia đình anh chỉ có thể phục tùng và phục tùng. Nhân dân Trung Quốc không có tội và cũng không có trách nhiệm về Cách mạng Văn hóa.

Mao Vũ Thức & Hidematsu Hiyoshi
Lê Thời Tân dịch
@quechoa

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.