Ca dao Quảng Trị

Quảng Trị qua mấy vần ca dao

Thuở nhỏ, chúng tôi thường nghe Mẹ hát ru em, có những câu ca dao quen thuộc đối với người Quảng Trị, mỗi địa phương có thay đổi một đôi lời cho phù hợp với địa phương của mình… Những câu ca dao đó đã thâm nhập vào tâm hồn tôi, khi xa quê, tôi thường ngâm nga cho đỡ nhớ quê nhà. Mỗi câu ca dao thường nhắc đến một địa danh và mang một mối tình quê, một câu chuyện trong lịch sử, có liên quan đến Quảng Trị. Chúng tôi xin sao lục lại để bà con mình cùng nhớ về quê hương, nhất là giúp các bạn trẻ đôi chút hiểu biết về quê nhà.

Đưa anh tới chốn nhà Hồ,
Anh mua trái mít, anh bù trái thơm.
Trái thơm là trái thơm non,
Bổ ra làm tám ăn chon như dừa.
(chon: dòn)

hoặc câu:
Yêu em, anh cũng muốn vô.
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang,
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ, nội tán phá tan.

Truông nhà Hồ tức làng Hồ Xá, thuộc huyện Vĩnh Linh, thời Nguyễn Hoàng, năm 1570, tướng nhà Mạc là Lập Bạo đem quân vào đánh Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế, bắt được Lập Bạo tại Bến Trảu, quân của Lập Bạo thua, một số ra đầu hàng, được Nguyễn Hoàng cho định cư ở vùng Bát Phường (nay là các làng Vạn Kim, Vạn Thiện…), một số chạy vào rừng, tụ tập thành đảng cướp ở vùng Hồ Xá, người qua lại trên đường từ Bắc vô Nam hay bị chúng đón đường cướp bóc. Về sau có Nội tán Nguyễn Khoa Đăng lập mưu vào tận sào huyệt của bọn chúng, giết được tên cầm đầu, từ đó mới yên.

Mẹ bồng con ra ngồi ái Tử,
Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu.
Bao giờ nguyệt xế, trăng lu,
Nghe con chim quyên kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng.

Đây là lối chơi chữ, ái tử là thương con, vọng phu là trông chồng. Cầu ái Tử trên đường Quốc Lộ I từ Quảng Trị đi Đông Hà, ngày xưa ở đây là bãi cát hoang, Nguyễn Hoàng đóng quân ở đó, năm 1558, gọi là Dinh Cát. Nơi đó trước 1972, hãy còn một số di tích như mô súng (nơi đặt súng đại bác), chỗ đúc đạn, dấu chân thành và một số gạch xưa… Núi Vọng Phu ở tỉnh Phú Yên (đèo Cả).

Chẳng thơm cũng thể bạch đàn,
Chẳng trong cũng thể đá hàn chảy ra.

hay là:
Nước Đá Hàn hòa trong hòa mát,
Bãi Cồn Cờ, nhỏ cát dễ đi.

Đá Hàn tên chữ là Thạch Hãn (hãn là mồ hôi), nước từ trong đó chảy ra, rất trong. Thạch Hãn hay Đá Hàn là tên một làng ở ngay thị xã Quảng Trị, cũng là tên con sông chảy qua
thị xã Quảng Trị. Bãi Cồn Cờ là bãi cát bên sông, nơi ngày xưa đóng quân có cột cờ.

Ru em, em théc* cho muồi,
Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
*théc: ngủ

Chợ Quán tức chợ Quán Hầu ở sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Chợ Cầu tức chợ bên cạnh cái cầu nhỏ ngày xưa, gần huyện lỵ Gio Linh. Tỉnh Quảng Trị. Nam Phổ và Chợ Dinh thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Trăm năm nhiễu nỗi hẹn hò.
Cây da bến có con đò khác đưa.
Cây da bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm tê rồi.
(Cụ Thái Văn Kiểm viết là: Trăm năm dù lỗi hẹn hò…)

Đây là câu chuyện tình giữa cô gái chèo đò duyên dáng và cậu học trò ngoài Bắc vô thi, qua đò gặp gỡ rồi hẹn hò nhau. Cậu học trò thi đỗ trở lại thì cô gái đã chết rồi. Ở Quảng Trị người ta hát là cây da chứ không phải là cây đa. Bến cộ tức là bến cũ (tiếng địa phương là cộ). Tê rồi là kia rồi.

Hết gạo thì có Đồng Nai,
Hết củi thì có Tân Sài chở vô

Quảng Trị có làng Tân Sài, đây là cách nói chơi chữ vì Tân và Sài có nghĩa là củi. Đồng Nai là đất Biên Hòa, là miền trù phú ở trong Nam.
Còn biết bao câu ca dao như trên mà chúng tôi không nhớ hết, ước mong bà con đồng hương bổ túc thêm cho.

Người Thôn Dương
@chutluulai

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.