Hoàng Long Hải

Truyện 30 tháng Tư

Cuộc chiến đấu nầy vẫn chưa phân thắng phụ
Ta vẫn còn đây và sắt thép còn kia
Chết chóc thầm âm, cốt nhục chia lìa
Ta vẫn sống và không hề lẩn lú.
(Thơ Vô Đề)

Tùng thuộc một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đóng ở miền Trung. Đầu năm 1975, Tùng bị thương, được nghỉ “29 ngày tái khám”. Vết thương nặng, xương tay bị mẻ, Tùng có thể “giải ngũ theo đơn xin.”

Tùng chưa tính tới việc xin giải ngũ. Anh về nhà mẹ nghỉ, chờ tái khám, rồi tính sau.

Nhà Tùng nghèo, chỉ có hai mẹ con. Từ lâu, khi Tùng còn đi học, mẹ Tùng mở một cái quán bán tạp hóa nhỏ, phía ngoài phi trường Trà Nóc, trên con “đường quốc lộ” Cần Thơ đi Châu Đốc.

Chiều chiều, ngồi buồn, Tùng thường uống cà phê trước mái hiên quán của mẹ,
bâng quơ nhìn người đi đường qua lại, giết thì giờ.

Thế rồi tin thất trận dồn dập đưa về, hết mất Ban Mê Thuột, tới Cao Nguyên, Trị Thiên… làm cho Tùng lo lắng, băn khoan. Không hiểu đơn vị của Tùng, các bạn của Tùng bây giờ như thế nào. Đơn vị đang đóng ngoài Trung, phía ngoài làng Gia Đẳng, bây giờ rút về đâu, có an toàn không, ai còn ai mất?

Nhà Tùng không có ra-dzô, không có TiVi, Tùng phải mua báo để theo dõi tin tức vậy. Việc đọc báo giải trí, Tùng chỉ mới làm quen từ khi đi lính. Đời lính nhiều khi buồn, nhớ nhà, để giải khuây, người ta đọc báo. Một tờ báo có người mua về, cả bọn chia nhau đọc, lâu ngày cũng thành thói quen.

Bây giờ thì Tùng đọc báo, theo dõi tin tức chiến sự, coi thử “quân mình” rút chạy ra sao, tới đâu rồi, hơn là đọc tin “Xe cán chó, chó cán xe” như ngày trước.

Khi có tin Dziệt Cộng áp sát Saì Gòn, không còn báo cho Tùng đọc nữa. Quốc Lộ 4 bị cắt, báo Saigon không về Cần Thơ được. Tùng hỏi thăm tin tức ở mấy người hàng xóm, có nhiều gia đình là sĩ quan, công chức. Họ theo dõi tin tức qua đài phát thanh hay TiVi, Tùng hỏi lại. Tin tổng thống từ chức, tin hôm qua ông đại tướng đầu hàng làm cho Tùng tức tối, khó chịu. Thua sao? Thua được sao? Sao mà kỳ dzậy? Chưa đánh nhau mà? Chưa đánh sao đã thua? Bao nhiêu câu hỏi đầy ắp trong trí Tùng. Trời! đi lính đã 5 năm, đánh nhau với Dziệt Cộng biết bao nhiêu trận. “Đuổi tụi nó chạy có cờ”. Tùng nghĩ! Đâu có thể thua dễ dàng như dzậy được. Tùng hắc mắc, khẳng định. Sáng hôm nay, có tin buồn! Hai ông tướng ở Cần Thơ tự tử tối qua! Thiệt không? Tùng không tin! Tùng không tin!

Lính bỏ đơn vị ra về, kéo nhau đi hàng dài ngoài đường. Sớm hơn thường lệ, Tùng cầm ly càphê đá, ra ngồi trước hiên quán của mẹ, nhìn ra đường.

Thua thật rồi. Tùng cảm nhận một cách rõ ràng như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa. Chuyện thua trận, đọc trong báo, nghe nói lại, là việc xảy ra ở đâu đâu, còn mơ hồ, còn nghi ngờ. Hôm nay thì rõ ràng, việc thua trận rõ ràng diễn ra trước mắt Tùng.

Lính đi hàng loạt bên đường. Họ cởi áo, chỉ còn mặc cái quần trận, không mang giày “xô”, không mang giày vải. Họ đi chân đất, mang dép Nhựt, đầu cúi xuống, đi lầm lủi, không ai nói với ai một lời. Người đi trước lầm lủi đi trước, người đi sau lầm lủi đi sau, thành hàng dài, không nhanh, không chậm, cứ im lặng như thế mà ra về.

Từ hướng phi trường Trà Nóc, từ hướng Cần Thơ, họ cứ hướng về phía Tây, phía Long Xuyên mà đi. Họ đi đâu? Họ về nhà, bỏ đơn vị về nhà, bỏ đời lính, bỏ đơn vị, bỏ súng đạn, bỏ quần áo, lặng lẽ mà về.

Thế là hết! Hết thật. Tùng thấy mình cũng hết như họ. Có nghĩa là Tùng không còn “29 ngày tái khám” để trở về đơn vị, về với “ông Thầy”, với cấp chỉ huy, với đồng ngũ, bạn bè… Không còn gì nữa để Tùng trở về. Vậy là không còn chinh chiến, không còn lội rừng lội suối, không còn cơm sấy, cá hộp, không còn lo lắng, hồi hộp chờ đợi trong những đêm phục kích, chờ “mấy thằng cùi” (1), chờ tiếng mìn claymore, chờ lựu đạn cài nổ, chờ tiếng súng lệnh…
Và thế là hết. “Ông Thầy” cũng hết. Bạn bè cũng hết. Không mong gặp lại họ trong đời. Kẻ ở Nam về Nam. Kẻ ở Trung về Trung, kẻ về thanh phố, kẻ về miền quê. Ai cầm búa, cầm kềm sẽ lại cầm búa, cầm kềm. Ai cầm cày cầm cuốc, sẽ cầm cày cầm cuốc. Vậy là thua. Thua thật rồi. Thua một cách dễ dàng, thua dễ vậy sao? Tùng không tin, Tùng còn thắc mắc, băn khoăn.

Đoàn lính thua trận bỏ đơn vị ra về vẫn còn lặng lẽ đi qua đường. Tùng cố tìm thử có ai quen. Thế nào cũng phải có người quen chứ! Và bỗng thấy một người. Tùng hướng về phía một người đi xa xa, phía bên kia đường, gọi:

– “Ê! Tư Ếch. Mày về đó sao?”

Người lính dừng lại, ngó về hướng Tùng, người gọi tên. Anh ta vừa chạy về phía Tùng, vừa la to:

– “Tùng lì. Mày về hồi nào?”

Hai người là bạn học cũ!

Tư Ếch có hai con mắt hơi lồi, mắt ếch, nên được bạn học tặng cho cái danh hiệu Tư Ếch. Còn Tùng, đánh lộn rất lì đòn, nên cũng được một danh hiệu chứng tỏ cái tính lì của anh ta.

Tùng đứng dậy, đón bạn học cũ, kiếm một cái ghế cho bạn ngồi, và làm cho bạn một ly càphê đá như Tùng.

Tùng hỏi:
– “Hình như mầy ở phi trường Trà Nóc?”

– “Tao ở trong đơn vị an ninh phi trường.” Tư Ếch trả lời. Rồi anh ta nói thêm:

– “Tức thiệt mầy ơi! Mới hai bữa trước, tao chỉ huy tiểu đội phục kích phía ngoài phi trường. Tình hình nầy thế nào tụi nó cũng tới quấy rối. Bị tao dần cho một trận, bỏ lại hai mạng. Mấy “thằng cùi” (1) còn lại chạy trối chết mới toàn thây. Vậy mà bữa nay mình đầu hàng. Kỳ cục quá!”

– “Tao cũng không ngờ được. Bữa tao bị thương cũng là bữa tao dần cho tụi nó một trận. Vậy mà bây giờ…” Tùng bỏ lững câu nói.

– “Như thường lệ, chiều hôm qua, nghe tin ông đại tướng đầu hàng, tao vẫn dẫn tiểu đội đi phục kích. Ông Tướng Vùng biểu mình còn đủ sức chơi, lấy sông Bến Lức làm ranh mà giữ Vùng Bốn. Ai cũng hoan hô tinh thần của ông, cũng sẵn sàng. Vậy mà sáng nay, khi tao dẫn lính về, cả doanh trại xôn xao. Hai ông tướng cùng tự tử. Tức không! Vậy rồi, như rắn mất đầu, mạnh ai nấy đi, về hết, lần lượt về hết.”

– “Nhiều người về sớm lắm, sao giờ nầy mầy mới về?”

– “Bữa kia tụi nó pháo kích, chết một binh nhì, đem qua quân y viện. Tao chờ gia đình cho biết nhận quan tài về chôn rồi, tao mới về, bỏ về sớm không được!”

Hai người đang ngồi nói chuyện thì bỗng có một thanh niên đạp xe đạp vào quán. Anh ta dựng xe cạnh gốc cây. Tùng và Tư Ếch nhận ra đó là Nghi, bạn học cũ. Tùng hỏi:

– “Người ta về hết rồi, mầy đi đâu đây?

Nghi không nói gì, ngồi xuống cái ghế đòn dài, bên cạnh hai người, hỏi:

– “Ông Tướng Vùng chết rồi phải không?”

– “Tao cũng nghe nói!”

– “Tao không tin!” Nghi nói. “Mấy ông ngụy trang, đánh lạc hướng tụi nó đó. Sáng nay, mấy ông ở xã tao bàn tán việc nầy dữ lắm. Có người còn dẫn chuyện ông Hít-Le. Khi phe Đồng Minh vô tới Bá-Linh, thấy những 7 ông Hít-Le. Cuối cùng, ông Hít-Le thật không tìm thấy đâu cả. Ông ta phải sống để chờ ngày phục thù chớ! Vậy nên mấy ông ở xã tao không tin ông Tướng Vùng tự tử. Mấy ổng yêu cầu tao đạp xe lên Cần Thơ tìm hiểu cho rõ, coi thử có phải ông Tướng Vùng tự tử thật không?”

– “Để làm chi?” Tư Ếch hỏi.

– “Để làm chi? Sấm của Đức Thầy nói không có chuyện đó. Hễ coi ông Tướng Vùng “khởi nghĩa” ở đâu thì người ta theo dzô.”

– “Mày làm chi ở xã?” Tùng hỏi.

– “Tao làm xã đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn An Thạnh Trung, Chợ Mới. Dân xứ tao không chịu thua đâu! Họ đang chờ coi quân mình rút đi đâu?” Nghi nói.

Nghi cũng là bạn học với Tùng và Tư Ếch. Anh ta vô ngành Bình Định Nông Thôn sau khi thôi học như Tùng vậy.

Tư Ếch nói:

– “Tao cũng nghe nói chớ không thấy tận mắt. Sáng nay, người ta cũng nói ông trung úy Thuận đem mấy chục lính vô bưng, không chịu đầu hàng.”

– “Trung úy Thuận nào?” Tùng hỏi.

– “Ông làm sĩ quan an ninh phi trường, nổi tiếng chì.”

Tư Ếch nói:

– “Thấy người ta về, tao về theo nhưng trong lòng còn ấm ức lắm. Tụi bây nên nhớ tối hôm qua tao còn đi phục kích tụi nó. Tức ơi là tức! Làm sao bây giờ?”

– “Để coi!” Tùng nói. Xong, anh ta quay sang hỏi Nghi:

– “Ở xã mầy người ta chộn rộn lắm à?”

– “Chộn rộn gì đâu! Dân chúng người ta tức. Dzậy mà thua! Người ta không chịu thua, còn tin vào quân đội mình, còn tin Đức Thầy, còn tin Sấm giảng. Không thua đâu! Đồng bào xã tao chưa chịu thua đâu!”

– “Tao biết mà! Dân Long Xuyên, dân của Đức Thầy, của ông Năm, ông Ba (2), không chịu buông súng dễ dàng.” Tùng nói.

– “Biết làm gì bây giờ?” Tư Ếch than.

– “Đừng than! Đơn vị tao đánh nhau với tụi nó nhiều trận, cũng “tơi bời” lắm, nhứt là hồi đánh vô “cổ thành” (3). Tao nhớ hồi đó, ông Thầy tao đang làm trung đội trưởng, mỗi lần “hao” (4) là ông ta khuyến khích lính. Ổng hay đọc bài “Hồ Trường” cho cả bọn nghe, để lên tinh thần.

– “Tao nhớ bài nầy. Năm đệ tứ ông thầy dạy Việt văn có dạy mà. Bài thơ hay mà tao không thuộc được.” Tư Ếch nói.

– “Dzậy mầy mới thi hỏng. Tao cũng hỏng, nhưng tao nhớ hôm ông dạy bài thơ ấy. Đứng trên bục, ông hoa tay phía bên nầy, hoa tay phía bên kia mà đọc thơ, nghe vừa hay vừa thích mà vừa buồn cười.” Tùng nói.

Nghi hỏi:

– “Sao buồn cười mầy?”

– “Tại vì ông thì nhỏ con, ốm nhom, ông làm điệu bộ, mà bài thơ thì hào hùng quá! trông ông như “gan cóc tía”, nên thấy buồn cười.” Tùng giải thích. “Ông Thầy” tao thì hào hùng hơn, khi đọc, ông cũng đứng thẳng dậy làm điệu bộ, nhưng ông lớn con, mặc đồ trận, trông không “sầu thảm” như ông thầy dạy Việt Văn. Ổng ngon lắm, ông học trường Chiến tranh Chính Trị ở Đà Lạt ra, nhưng khi về đơn vị, ông xin đi tác chiến, không chịu ngồi ở trung đoàn.”

– “Tao cũng thích bài thơ đó. Bọn mình chẳng đứa nào nhớ, uổng thiệt!” Nghi nói.

– “Để tao tìm lại coi.”

Nói xong, Tùng đi vào nhà trong.

Một lúc, Tùng bước ra, tay cầm gói giấy buộc giây bốn phía. Từng vừa mở giây, vừa nói:

– “Bà già tao kỹ lắm. Tao đi lính rồi, sách vở cũ tao học, bà gom lại, buộc giây đem cất. Quần áo cũng vậy, xếp cất, chờ khi tao về phép, có mặc.”

Tìm lần hồi một lúc, Tùng nói:

– “Đây rồi, cuốn tập nầy Việt Văn lớp Đệ Tứ, có bài “Hồ Trường” trong nầy.”

Tìm được bài thơ, Tùng, một tay cầm cuốn tập để đọc vì Tùng không thuộc, một tay làm điệu bộ giống như ông thầy dạy Việt Văn hồi ấy, đọc to cho cả bọn nghe:

“Đại trượng phu không hay xẻ gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?

Tùng ngưng đọc thơ ở đó, hỏi bạn, mặt còn đỏ bừng, hai mắt sáng lên vì đọc thơ:

– “Phù cương thường là cái gì tụi bây?”

Nghi nói:

– “Cương thường chắc là “tam cương ngũ thường?”

Tư Ếch hỏi:

– “Tam cương là “Quân Sư Phụ” có phải không? Còn ngũ thường là…”

Nghi cướp lời:

– “Là nhân nghĩa lễ trí tín đó mầy!”

Tư Ếch nói:

– “Quân sư phụ là xưa rồi mầy, còn phong kiến.”

Nghi nói:

– “Mầy nghe mấy thằng Dziệt Cộng tuyên truyền bậy bạ.

Quân là vua. Bây giờ ai còn tin vua? “Bác” Hồ còn không tin được, nói chi vua. Người ta hiểu Quân là Tổ Quốc, Dân Tộc, Đất nước. Ngày xưa vua là tượng trưng cho Đất nước, nên trung với vua là trung với Đất nước. Bây giờ thì “trung với đảng”, đảng là đảng cướp nên trung với ăn cướp. Mầy muốn trung cứ trung, ai cấm.”

Tư Ếch chưởi thề:

– “Đ. mẹ. Nói móc họng không? Sao mầy không nói móc họng “hiếu với dân” thì khỏi hiếu với cha mẹ…”

Tùng nói:

– “Ngũ thường là cái gì? Tao thấy cứ như lời Đức Thầy dạy “tu hiền” là gồm đủ. Cứ “tu hiền” như dân Nam Bộ của Đức Thầy là “tam cương, ngũ thường” đều có cả.”

Nói xong, Tùng đọc tiếp:

Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng….

Tùng lại ngưng, nói:

– “Đúng là như điên, như cuồng… Đầu hàng, đầu hàng là như điên, như cuồng…”

Nghi nói:

– “Không đầu hàng được đâu mày. Thế nào cũng không đầu hàng…”

– “Bọn mình tính sao bây giờ?” Tùng hỏi.

– “Tính sao đâu!” Nghi nói. “Đã đọc “Hồ Trường” mà còn chưa hiểu. Dân chúng không chịu dầu hàng, mình đầu hàng sao được. Để tao lên Cần Thơ xem sao! Vũ khí thì không thiếu đâu! Lính bỏ đồn mà về, bọn “cùi” tụi nó chưa dám tới, mình cứ vô đó mà lượm súng. Kiếm thêm một ít lựu đạn càng tốt. Cần là dân chúng ủng hộ mình.”

Tư Ếch nói:

– “Khi tao về, tụi nó cũng chưa dám vô phi trường. Hễ tụi nó có vô thì cũng lo kiểm soát mấy chiếc máy bay với kho bom. Tao biết trong đó có một hầm vũ khí dành riêng cho lực lượng an ninh phi trường. Tụi nó không biết đâu! Tao vô đó kiếm ít lựu đạn.”

– “Làm sao mầy ra cổng?” Tùng hỏi.

– “Mầy làm như tao không phải là thổ công trong đó. Tao đi đường tắt mà ra, khó gì!” Tư Ếch nói.

Tùng nói:

– “Đã chia công việc như vậy thì tao ở đây làm trạm liên lạc. Thằng Tư kiếm được cái gì, đem về đây, tao cất dấu. Thằng Nghi thì đi Cần Thơ, xong về xã, coi tình hình dân chúng như thế nào. Nếu thuận tiện, cần vô trỏng theo mấy ông Thầy thì bọn mình vô. Liên lạc với nhau ở đây, nhớ nghen.”

Nói xong, Tùng lấy chai rượu đế trên cửa hàng của mẹ, chia nhau uống mỗi đứa một ly mà giữ hẹn. Xong, bọn chúng chia tay.

Khoảng mười ngày sau, Nghi đạp xe đến đón Tùng đi!

Tùng nói với mẹ:

– “Má à! Con không ở nhà được đâu! Con phải đi với anh em. Má đừng trông. Lâu lâu con nhắn tin về cho má yên tâm. Cũng có ngày mình giành lại được đất nước thôi. Má nghe!”

Bà mẹ không nói một lời. Bà ngồi dưới mái hiên quán, ngó theo hướng con đi. Thở dài.

Bà góa chồng khi còn trẻ, khi đứa con độc nhứt của bà chưa được một tuổi. Bà ở vậy, chờ chồng. Bà biết quá rõ đứa con trai của bà giống tính cha. Bà đã không cản được chồng nên bà cũng không cản con.

Chồng bà đi lính “Ông Năm”. Năm “Ông Năm” về hợp tác với “ông cụ Ngô”, chồng bà không chịu. Họ phản ứng lại, nhưng không làm gì “Ông Năm” cả. Chồng bà bảo “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”. Vậy rồi gần hai trăm người bỏ không theo “Ông Năm” nữa. Họ ôm súng về Long Xuyên với “Ông Ba”. Vậy là chồng bà đi mất. “Ông Ba” bị bắt, bị chém ở Cần Thơ. Người ta khóc. Bà cũng khóc, vừa khóc cho “Ông Ba” vừa khóc vì chồng đi không về. Vậy rồi không bao giờ ông về. Bà nghĩ “có lẽ ông bỏ xác đâu đó rồi, trong bưng, biết đâu mà tìm!”

Bây giờ thì đứa con trai của bà lại theo gương cha: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”. Bà nghĩ đất đai xứ nầy là của người ở đây. Ai tới mà giành được?

Mỗi chiều, bà bắt ghế ngồi trước hiên quán mà chờ tin con.

Chẳng có tin tức gì cả.

Người ta đồn ở miệt Trà Tiên có lực lượng chống đối của ông Ba Hà, của ông trung tá Thảo, có đánh nhau mấy trận, bất phân thắng bại. Rồi mấy ông rút vô bưng. Sau tháng Tư, trong bưng thì rút ra ngoài. Ngoài thì rút vô trong bưng. Hai bên đổi chỗ cho nhau.

Sau khi đánh qua Cam-bốt, người ta không còn nghe tin tức gì về lực lượng Ba Hà hay trung tá Thảo nữa, nhưng bà mẹ vẫn ngồi chờ tin con.

Mỗi chiều, khi mặt trời nghiêng xuống phía bên kia sông Hậu, mây giăng một mầu xám, như báo hiệu những cơn mưa sắp tới, hay khi mặt trời đỏ gay, xuống tới ngọn cây mà trời còn nóng gắt, bà vẫn ngồi dưới quán chiều chờ tin con.

Quán thì mỗi ngày mỗi xiêu vẹo. Tóc bà bạc dần, lưng bà còng xuống, mắt bà kèm nhèm vì những đêm âm thầm nhớ con mà khóc, chân bà hơi yếu mỗi khi đi lại, nhưng bà vẫn ngồi đó, dưới mái quán chiều mà chờ tin đứa con yêu.

Hoàng Long Hải

(1) “Cùi” ngụy danh truyền tin trong quân đội VNCH, thường dùng để chỉ Dziệt Cộng.
(2) “Ông Năm, Ông Ba”: Tướng Năm Lửa và Ba Cụt, quân đội Hòa Hảo.
(3) “Cổ thành” Quảng Trị
(4) Hao: Hao hụt, quân số hao hụt vì thương vong.

@tvvn

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.