CÂU CHUYỆN ĐƠN GIẢN NHƯNG CÓ HẬU.
Mấy năm trước anh Bảy cũng theo phong trào “bỏ phố về rừng” mới đi lên Đắk Nông tìm mua miếng rẫy, để định mai mốt về làm vườn, dưỡng già. Anh đi lòng vòng mà mất thời gian quá chưa tìm được miếng nào ưng ý, thì may mắn lúc uống cafe gặp được một bạn trẻ làm môi giới đất, bạn này nghe nhu cầu của anh Bảy thì nói em có một miếng, đúng ngay ý anh, giấy tờ 3 sào nhưng thực tế đất gần 1 héc, đã trồng cây lâu năm, một mặt đường nhựa mặt kia giáp suối tự nhiên, bên kia suối là bìa rừng, khung cảnh hữu tình (gọi là viu đẹp), khí hậu mát mẻ, gần chợ, có sẵn nhà, điện… giá 500 trẹo. Anh bảy đi coi liền.
Tới nơi thấy cũng không đúng như mô tả lắm, nhưng cũng được, nhà cũng nát, cây cối tiêu điều, chỉ còn 1 gốc bơ với vài trụ tiêu, còn lại vườn đã bỏ hoang, nhưng quan trọng gì, anh có định làm nông liền đâu, mua liền, ra công chứng trong ngày. Chủ đất là một bà già người dân tộc, nói tiếng Kinh không rành, cũng không biết chữ nên thằng môi giới nó bảo sao thì bà nghe vậy, lúc chuyển tiền thì thằng môi giới nói bà già không có tài khoản nên anh Bảy cứ chuyển cho nó, nó rút ra đưa bà, thấy hai bà cháu cũng thân tình nên anh ok.
Anh nhận đất, định nhờ người làm cái hàng rào phía trước và sửa lại cái nhà để thi thoảng lên ở nhưng bận quá nên chưa làm. Đâu khoảng tháng sau anh lại lên nhận sổ mới đứng tên anh, tiện thể ghé qua đất, mới đi vô coi. Mảnh đất đúng là bỏ hoang lâu ngày, nhà cũng đã bỏ hoang, cây dại mọc phủ hết lối đi sau nhà, anh phải lòng vòng miết để tìm mấy cái mốc định vị. Lúc đi xuống bờ suối thì anh Bảy gặp bà già chủ đất, bả vẫn ở đó, sống trong một cái chòi mới dựng tạm bằng cọc tiêu và vải bạt xanh, sát một chuồng gà. Bà già sống ở đó với hai đứa cháu, hôm đó là chủ nhựt nên bọn nhỏ không đi học.
Anh Bảy chào hỏi bà già và bắt chuyện qua cô cháu gái lớn làm phiên dịch, đại ý rằng chồng bà đã chết năm kia, bà có hai đứa con trai, một đứa cũng đã chết trẻ, một đứa còn lại chính là cha của hai đứa trẻ. Mẹ của chúng cũng cũng bịnh chết mấy năm trước, còn cha chúng đi làm mướn bên công trình thuỷ điện, lúc lãnh lương ra đi nhậu sao đó té xe máy rất nặng, nhà không có tiền bà già đành bán đất để lo cho ông con và dư ra một ít bà cho con bé lớn mở cái tài khoản tiết kiệm, để bà có chết thì hai chị em nó nuôi nhau.
Lúc nói chuyện anh Bảy mới bật ngửa, thì ra bà bán đất này với giá hai trăm trẹo thôi, mà thằng môi giới nó kê lên năm trăm trẹo, nó bỏ túi ba trăm trẹo ngon ơ. Anh Bảy không dám nói với bà già về sự thật đó, mà nói chưa chắc bả hiểu nên anh đi tìm thằng môi giới, nói thẳng: mày tham và ác quá, mày trả lại tiền cho bả đi. Thằng môi giới cười hì hì, làm gì có chuyện đó anh, xong nó chặn zalo anh luôn.
Anh Bảy quay lại cái chòi nơi ba ba cháu đang ở mới nói với bà già, thôi tuy đất bà bán cho tui, nhưng tui không có ở, bà cứ lên nhà cũ mà ở cho rộng rãi, rồi bà cứ lên đó trỉa bắp nuôi gà trồng tiêu như cũ, coi như bà giúp tui, mỗi tháng tui trả bà 3 triệu tiền công, huê lợi thì bà cứ lấy bán hoặc ăn. Bà già, dù có phiên dịch, vẫn mãi không hiểu ý anh Bảy, đôi mắt mờ đục của bà ngơ ngác ứa hai giọt nước khô khốc.
Từ đó anh Bảy mua chiếc xe bán tải để thi thoảng lên thăm rẫy, có quần áo, đồ hộp, đồ dùng, tivi tủ lạnh gì anh cũng chở lên cho bà già, lúc về anh lại chở khoai, bắp, bí, gà từ rẫy về thành phố. Sau dịch, anh lại lên thì thấy ông con của bà già, cha của hai đứa trẻ, về nhà, anh này bị gãy lìa chân, đi lại phải dùng nạng nhưng sức khoẻ cũng hồi phục mấy phần. Anh nói tiếng Kinh rành hơn bà già nên buổi tối anh hay ngồi với anh Bảy nói chuyện phiếm, kể chuyện rừng chuyện núi, chuyện của đồng bào anh, chuyện tổ tiên anh… vãn chuyện anh thở dài, bây giờ mình đi làm thuê trên đất mình thôi.
Anh Bảy nghe câu thở dài kia mới buồn quá, vả lại một thời gian ở rẫy anh cũng cảm thấy không hạp với cuộc sống làm nông lắm, đêm nằm suy nghĩ một hồi, sáng ra anh mới nói thôi, để anh đi công chứng, sang lại miếng đất cho ông con trai, coi như tài sản vẫn của gia đình nó, năm trăm trẹo đối với anh chỉ là chuyện nhỏ, thi thoảng anh có lên chơi thì nhớ cho anh trái bơ, con gà được rồi. Cả nhà bà già ra nắm tay cảm ơn anh hết lời, anh chỉ dặn là không được bán nữa đó, nếu cần tiền thì nói anh, đừng bán đất, vậy thôi, rồi anh lên xe về Sài Gòn, bỏ lại bụi đỏ cao nguyên phía sau.
Câu chuyện chỉ có vậy, anh Bảy nói chuyện nhỏ mà, có gì đâu, tại anh thương bà già, thương mấy đứa nhỏ đó nên anh trả đất cho họ. Bà con người đồng bào dân tộc họ khác mình, họ thuộc về rừng núi, thuộc về đất đai, họ kính trọng thiên nhiên, họ có tổ tiên, văn hoá và tín ngưỡng riêng, họ được núi rừng che chở và ngoài ra, khác với người Kinh chúng ta, họ không biết nói dối.
TB: trich tu FB DHP