VN WAR/Oriana Fallaci

50 năm trước, ngày 30/12/1972
PHỎNG VẤN VỚI LỊCH SỬ – TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU

Đây là bài phỏng vấn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thực hiện với nữ phóng viên huyền thoại người Ý Oriana Fallaci(hình phải) vào một ngày cuối năm 1972. Cách đây 50 năm, ngày 30/12/1972, Tổng thống Thiệu đã dành buổi sáng cuối tuần của mình để tiếp cô phóng viên nổi tiếng với những bài phỏng vấn rất dài và gai góc đối với các lãnh đạo trên thế giới.

Nữ phóng viên này làm nên tên tuổi của mình qua hàng loạt cuộc phỏng vấn với rất nhiều người nổi tiếng, từ Henry Kissinger, Đặng Tiểu Bình, Indira Gandhi, Yasir Arafat, giáo chủ Khomeini, đại tá Gaddafi, Ali Bhuto, Alfred Hitchcock, Võ Nguyên Giáp, đến vua của Iran, vua của Jordan… với những câu hỏi đầy hung bạo, và những lời nhận xét rất cay nghiệt. Cuộc phỏng vấn với Kissinger là thảm họa truyền thông cho ông ấy. Còn tướng Giáp thì yêu cầu cất máy ghi âm sang một bên, sau khi tranh luận thì cho phép viết ghi chú lại, nhưng hôm sau thì đưa một bài soạn sẵn khác hẳn cho phóng viên và yêu cầu đăng bài đó.

Cuộc gặp với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được ghi âm, kéo dài 4 tiếng rưỡi đồng hồ, chủ yếu bằng tiếng Pháp và đôi khi có sử dụng tiếng Anh khi Tổng thống Thiệu muốn diễn giải rõ hơn ý của mình. Và Tổng thống Thiệu là một trong số hiếm hoi những người được cô nhà báo dành tặng lời khen ngợi sau buổi phỏng vấn. Từ chỗ rất ghét vì cho rằng ông Thiệu là nhà độc tài chuyên đàn áp bắt bớ dân chúng theo cộng sản, tham nhũng, hiếu chiến, cô quay ra đồng cảm với bi kịch của người đàn ông nhỏ bé đang cố gắng bảo vệ đất nước mình trước cuộc trao đổi lợi ích giữa các cường quốc. Lúc này ông Thiệu vẫn chưa nhận được tin Tổng thống Mỹ Nixon vừa ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc sau 12 ngày đêm khi Bắc Việt đã đồng ý quay lại bàn đàm phán, và ông cũng không biết rằng chỉ một tháng sau ông phải chấp nhận ký Hiệp định Paris với những điều khoản mà hiện thời ông đang phản đối.

Ông Thiệu là một người có tài ăn nói, và ông ấy đã làm cho cô phóng viên xóa đi định kiến ông là người tham nhũng khi nói rằng “Cô có thấy có con gái của Tổng thống nào phải ở khu nhà trọ do các bà sơ ở Luân Đôn điều hành không? Con gái tôi sống ở đó đó”, cũng như việc ông chưa mua chiếc xe hơi nào từ khi lên làm Tổng thống, mà vẫn sử dụng chiếc xe cũ thỉnh thoảng vẫn chết máy của Tổng thống Diệm để lại.

Oriana Fallaci thuật lại rằng đôi khi giọng ông Thiệu đứt quãng gần như bật khóc nhưng kìm lại được ngay, đôi khi cô thấy nước mắt trong mắt ông. Nhiều lúc ông run lên vì giận dữ, đau đớn, hay với niềm đam mê. Và cả với phẩm giá của người lãnh đạo khi ông nói rằng: Các ông người Mỹ ơi, tôi chẳng có thứ gì để bán cho Nga và Trung Quốc cả! Với tôi đó là vấn đề giữa sự sống và cái chết, tồn tại hay không tồn tại cho một đất nước mười bảy triệu rưỡi dân! Chính phẩm cách đó đã đem đến sự tôn trọng cho một người mà trước đó cô cho là độc tài, tay sai của Mỹ.

*
* *

ORIANA FALLACI: Thưa ngài tổng thống, không còn gì bí mật nữa là giữa ngài và Người Mỹ ngày nay tồn tại nhiều sự thù địch hơn là tình bạn. Sự cay nghiệt trong cách mà ngài hồi tháng 10 đã từ chối thỏa thuận được Kissinger chấp nhận, sự lạnh nhạt trong cách ngài đón tiếp Tướng Haig vào lễ Giáng sinh, mọi thứ cho thấy rằng giờ đây ngài đang đứng trước đầu mũi kiếm. Và mọi người đang thắc mắc rằng ông Thiệu nghĩ gì về mấy vụ ồn ào này.

TỔNG THỐNG THIỆU: Thưa quý cô, tôi không phải là tuýp người bí ẩn như cách mà nhiều người vẫn tin như vậy. Ngược lại, tôi là một người rất bộc trực. Tôi không bao giờ che giấu bất cứ điều gì, ngay cả trong chính trị, và tôi không nghe theo những người khuyên tôi đừng nói những gì tôi nghĩ hoặc là nói những điều ngược lại. Thực tế là tôi luôn trả lời, “Không hề, người ta nên nói những gì người ta nghĩ. Nói to và rõ ràng nữa là đằng khác.” Nhưng khi chúng ta bàn đến một chủ đề như thế này, tôi phải ghi nhớ rằng tôi đại diện cho miền Nam Việt Nam. Với tư cách là Tổng thống Thiệu, tôi không thể cho mình sự xa xỉ để trở thành một kẻ thù công khai của Hoa Kỳ, mà dù họ có tốt hơn hay xấu hơn đi nữa thì vẫn là bạn của tôi, đồng minh của tôi. Ngoài ra, tôi đã hứa với Nixon rằng, ngay cả khi mâu thuẫn có thể xảy ra, chúng tôi vẫn sẽ là đồng minh và không coi nhau như kẻ thù. Cô ơi, làm sao mà không có chuyện cãi nhau giữa vợ và chồng được chứ? Và họ có trở thành kẻ thù vì điều đó không? Không chỉ vậy, những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng nên diễn ra trong phòng ngủ sau cánh cửa khép kín. Con cái không bao giờ nên nhìn thấy cha mẹ chúng túm tóc nhau. Đối với bạn bè cũng vậy. Và nằm trong vòng lợi ích của tôi, nằm trong vòng lợi ích của Hoa Kỳ, đó là tránh bất kỳ cuộc cãi vã công khai nào có thể phục vụ cho những người cộng sản.

O.F.: Tôi hiểu. Nhưng khi tôi phỏng vấn Tiến sĩ Kissinger, tôi có ấn tượng rằng giữa hai người không có tình yêu nào để mất cả và tôi hơi ngạc nhiên về sự cẩn trọng của ngài, thưa Tổng thống.

N.V.T.: Quý cô biết đó, người ta phải biết cách quên. Vâng, quên. Khi bạn đang điều hành một quốc gia, bạn không thể cho phép mình nuôi dưỡng thù hận. Các cuộc thảo luận của tôi với Tiến sĩ Kissinger luôn rất thẳng thắn. Đôi khi, thực sự là khắc nghiệt. Tôi có thể đi xa đến mức mà nói rằng đó là rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, về cơ bản đó vẫn là những cuộc thảo luận giữa những người bạn và – đúng, tôi phải đối xử với ông ấy như một người bạn. Sau khi ông ấy rời đi, tất cả các nhà báo ở Sài Gòn đều hỏi tôi: “Việc không đồng ý đi đến đâu rồi?” Và tôi đã trả lời, “Khi bạn nói về sự bất đồng, bạn phải nói về sự đồng thuận. Giữa hai chúng tôi có những điểm đồng thuận và những điểm bất đồng”. Thưa quý cô, tôi đã nói “không” với người Mỹ. Các bạn muốn gì hơn nữa? Khi tôi nói không, thì ý tôi là không. Nhưng thời điểm chưa đến để thông báo với thế giới rằng mọi thứ đã kết thúc. Vẫn còn hy vọng cho hòa bình. Tôi vẫn có niềm tin rằng hòa bình sẽ đến. Thậm chí nó có thể đến trong vài tuần tới, trong một tháng tới. Đây không phải là lúc để từ bỏ trong tuyệt vọng.

O.F.: Vậy thì đúng là từ “không” của ngài là “không” theo cách của người Việt rồi. Đó là, không cũng có thể mang nghĩa là có?

N.V.T.: Không hề. Tôi nhắc lại, khi tôi nói không, thì ý tôi có nghĩa là không. Và khi tôi nói, “Tôi không đồng ý với các ông chút nào, các ông người Mỹ ạ, dù vậy tôi vẫn là bạn của các ông”, thì tôi có ý đúng như vậy và không có gì khác nữa. Tôi luôn giữ quan điểm rằng Tiến sĩ Kissinger, với tư cách là người đại diện và là nhà đàm phán của Nixon, có nhiệm vụ không thể xâm phạm được đó là tham vấn với tôi và dung hòa quan điểm của tôi với quan điểm của Hoa Kỳ. Tôi luôn mong đợi chính phủ Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các quan điểm của tôi và giúp tôi thuyết phục những người cộng sản thay đổi các đòi hỏi của họ. Và, để khỏi mơ hồ về điều đó, tôi sẽ nói cho cô biết rằng có hai điểm căn bản được Kissinger chấp nhận và tôi từ chối. Thứ nhất là sự hiện diện của quân đội Bắc Việt tại Nam Việt Nam. Thứ hai là thể chế chính trị mà Bắc Việt muốn áp đặt lên tương lai của chúng tôi. Giống như toàn bộ hiệp định, hai điểm này đã được những người cộng sản thảo ra ở Paris. Vì vậy, tôi giải thích với Tiến sĩ Kissinger rằng chấp nhận chúng có nghĩa là phải cúi đầu trước những yêu cầu của Bắc Việt. Cái mà Bắc Việt đòi hỏi là Nam Việt Nam mất, Nam Việt Nam kết thúc. Vậy đó.

O.F.: Ngài có thể giải thích rõ hơn không, thưa Tổng thống?

N.V.T.: Nhưng cô biết rồi đấy, thưa cô, rất đơn giản! Người Mỹ nói rằng ở Nam Việt Nam có 145.000 lính Bắc Việt, tôi nói có 300.000, và dù sao thì cũng không cần phải cãi nhau làm gì. Cho dù con số chính xác là con số của họ hay của tôi (nhưng số của tôi là chính xác), việc dung thứ cho sự hiện diện của 300.000 lính Bắc Việt, được chấp thuận bởi một hiệp định pháp lý, được phê chuẩn bởi một hội nghị quốc tế và do đó là được cả thế giới chấp nhận, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bởi vì nó giống như công nhận quyền tự xưng của họ là những người giải phóng, quyền của họ khi cho rằng Việt Nam là một quốc gia từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng thuộc về Hà Nội chứ không thuộc về Sài Gòn. Tôi có nói rõ không, thưa cô? Tôi vẫn giữ quan điểm rằng việc chấp nhận một đội quân 300.000 người trong một quốc gia có nghĩa là công nhận chủ quyền của một đội quân như vậy đối với quốc gia đó. Có nghĩa là coi Bắc Việt là những người giải phóng thay vì những kẻ xâm lược. Và đồng nghĩa với việc coi quân đội Nam Việt Nam như một đội quân đánh thuê của người Mỹ. Nói tóm lại là đảo lộn mọi thứ. Và đây là những gì tôi đã nói với Kissinger: “Nhưng, Tiến sĩ Kissinger, ông không hiểu rằng làm như vậy là ông đặt chính phủ hợp pháp của miền Nam Việt Nam vào vị trí của một chính phủ bù nhìn do người Mỹ dựng lên sao?”

O.F.: Nhưng sau hiệp định đình chiến, Bắc Việt sẽ rút khỏi Nam Việt Nam mà, phải không?

N.V.T.: Ô hay, hiệp định hoàn toàn không nói như vậy. Không, nó không nói như vậy. Đó là lý do tại sao tôi nói với phía Bắc Việt: “Hãy trung thực đi nào. Nếu anh không có điều gì đó ám muội trong tâm trí của anh, nếu anh thực sự không có ý định tiếp tục các đợt xâm lược miền Nam, tại sao các anh lại cứ khăng khăng đòi hỏi quá nhiều đến việc để quân đội ở lại đây? Rốt cuộc! Các anh đòi hỏi quân đội Mỹ rút trong vòng sáu mươi ngày, các anh đòi tôi đuổi đồng minh của chúng tôi đi, và rồi các anh muốn tôi giữ kẻ gây hấn ở đây. Điều đó thật điên rồ, vô lý, gàn dở! ”

O.F.: Thưa Tổng thống, nói chuyện thực tế nhé. Có gì mà phải sợ hãi khi có quân đội với một triệu binh sỹ dưới quyền chỉ huy của ngài?

N.V.T.: Thực là một câu hỏi hay. Ai cũng hỏi tôi câu tương tự. “Thưa Tổng thống, nếu ngài mạnh mẽ như vậy trên bình diện quân sự và chính trị, ngài có gì phải lo lắng?” Tôi sẽ cho cô biết điều gì làm tôi lo lắng. Chẳng có gì khó để một người miền Bắc học giọng miền Nam và tự nhận mình là người miền Nam. Họ cũng là người Việt Nam.Trà trộn giữa chúng tôi, họ hoàn toàn không thể nhận dạng được như người Mỹ. Họ đã không chơi trò tiểu xảo đó ở Lào với Pathet Lào đấy sao? Năm 1962, khi người Mỹ rút khỏi Lào, phía Bắc Việt đúng ra cũng phải rút đi. Nhưng cô có biết điều gì đã xảy ra không? Người Mỹ ra sân bay và từng người một, từ vị tướng đầu tiên đến người lính cuối cùng, họ ghi dấu sự ra đi của họ. Chúng tôi thậm chí còn biết con số: bốn mươi tám người. Trong khi đó phía Bắc Việt ở lại trong rừng nói chuyện như Pathet Lào, cải trang thành Pathet Lào, và không một ủy ban kiểm soát nào có thể tìm ra bao nhiêu người đã ở đó. Thưa quý cô, đó là hệ thống của họ. Chính xác rồi điều tương tự sẽ xảy ra ở đây. Chẳng phải nó đã đang diễn ra rồi đó sao? Họ học giọng miền Nam, họ rải ra các làng, họ thâm nhập vào các đơn vị Việt Cộng và do đó trở thành 300.000 phần tử sẵn sàng tập hợp lại thành một đội quân. Tôi nói, các ông bạn Mỹ ơi, điều đó nghe có chấp nhận được với các ông không? Và rồi thì tại sao các ông lại thay đổi suy nghĩ của mình?

O.F.: Thay đổi suy nghĩ của họ về điều gì?

N.V.T.: Thưa cô, tôi sẽ cho cô một ví dụ:
Khi kẻ trộm đột nhập vào nhà bạn, có hai điều bạn có thể làm: gọi cảnh sát hoặc tự mình đuổi hắn ra. Nhưng nếu bạn gọi cảnh sát, và cảnh sát đến, và thay vì bắt kẻ trộm, lại nói với bạn: “Nào, hãy làm hòa với tên trộm này, bạn phải chấp nhận thực tế rằng hắn đã ở trong nhà bạn, vui lên, ký tên vào tờ giấy này để hợp pháp hóa sự hiện diện của hắn trong nhà bạn. . . ,” Sau đó tôi nổi điên. Và tôi trả lời, “Ê, ông cảnh sát, chúng ta đã điên hết rồi sao? Đầu tiên ông nói với tôi rằng chúng ta phải bắt lũ trộm, rằng chúng tôi phải gọi cảnh sát, rằng chúng ta phải tự vệ, và bây giờ ông nói với tôi rằng tôi phải chấp nhận tên trộm bằng văn bản? Sao thế được? Ban đầu ông rất e ngại về kẻ trộm, và bây giờ ông không thế nữa? Bây giờ ông thực sự cho phép hắn ta ăn cắp đồ của tôi? Ông cảnh sát! Nhưng hậu quả thì sao!”

O.F.: Nó thực sự khiến ngài mất trí, phải không, thưa ngài Tổng thống?

N.V.T.: Đương nhiên! Bởi vì, thưa cô, hòa bình kiểu gì mà hòa bình lại cho Bắc Việt quyền giữ quân của họ ở đây? Hiệp ước gì mà hiệp ước lại hợp pháp hóa sự hiện diện của họ ở đây ‘trên thực tế’? Tôi đã đề xuất một giải pháp khác, dù thậm chí nó bất lợi cho tôi. Tôi đã nói: “Hãy để quân miền Bắc rút quân đồng thời với quân Mỹ, thì tôi hứa sẽ giải ngũ cùng số lượng quân nhân. Ví dụ, nếu Bắc Việt rút 145.000 lính, thì tôi giải ngũ 145.000 lính. Nếu họ rút 300.000, tôi xuất ngũ 300.000.” Họ không chấp nhận. Tại sao? Tôi biết tại sao. Họ cần tất cả quân đội của họ để có một cuộc tắm máu tàn bạo.

O.F.: Thưa Tổng thống, ngài có nghĩ rằng lệnh ngừng bắn sẽ dẫn đến một cuộc tắm máu không?

N.V.T.: Vâng chắc chắn! Nó không thể tránh khỏi. Đừng có tin những gì Phạm Văn Đồng nói trong các cuộc phỏng vấn và tuyên truyền của ông ta. Ông ta cứ nói rằng Bắc Việt không muốn có chính quyền cộng sản ở Nam Việt Nam, họ không muốn một cuộc tắm máu ở miền Nam Việt Nam, họ không muốn chiếm miền Nam Việt Nam, nhưng ông ta chỉ nói điều đó để làm yên lòng người Mỹ những người lo sợ về một cuộc tắm máu. Có lẽ nào chúng ta nên quên những vụ thảm sát xung quanh Quảng Trị, tại An Lộc, trên Quốc lộ Một, mà giờ đây được gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng? Chúng ta có nên quên những gì họ đã làm vào năm 1968 ở Huế, trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân không? Và họ đã làm gì ở Hà Nội sau khi nắm chính quyền? Tôi cũng đã nói chuyện này với Kissinger. Tôi bảo ông ta: “Tiến sỹ Kissinger, vậy chúng ta có nên chiến đấu trong mười tám năm, chúng ta có nên hy sinh hàng trăm ngàn nhân mạng để hàng triệu người bị chặt đầu sau khi ngừng bắn không? Tôi cũng muốn đi vào lịch sử như một người đã đem lại hòa bình. Tôi cũng muốn chứ! Nếu tôi ký những gì mà ông muốn, trong vòng sáu tháng sẽ có một cuộc tắm máu. Và tôi không quan tâm đến tiếng vỗ tay trong chốc lát đó, không quan tâm đến những người sẽ hô vang, “Hoan hô, hoan hô, hoan hô! Hòa bình muôn năml ‘Tôi quan tâm đến những gì xảy ra sau đó.”

O.F.: Vậy theo ý ông, Nixon và Kissinger đã mắc sai lầm. Thưa Tổng thống, ngài giải thích thế nào về việc họ đã mắc sai lầm?

N.V.T.: Thật đơn giản; họ đã quá thiếu kiên nhẫn để có hòa bình, quá thiếu kiên nhẫn để đàm phán và ký kết. Khi thương lượng với người cộng sản, bạn không được đặt ra thời hạn. Bạn không được nói với họ rằng bạn muốn đem tù nhân về càng sớm càng tốt và đạt được hòa bình càng sớm càng tốt — nếu không bọn họ sẽ lợi dụng bạn. Thật nguy hiểm khi thật thà nói với họ, “Các tù binh phải về nhà trước Giáng sinh. Hòa bình phải đạt được trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, trước cuộc bầu cử mới, trước năm mới…” Đó là một sai lầm lớn vì họ biết tâm lý phương Tây, nền dân chủ phương Tây, nên họ tống tiền bạn. Họ biết rất rõ rằng nếu tổng thống Hoa Kỳ đặt ra một thời hạn chót, cả Quốc hội sẽ theo đuổi ông ta để bắt ông ta giữ lời hứa. Và những gì họ có thể trưng ra? Đó là Tổng thống Nixon không có khả năng mang lại hòa bình trước thời hạn mà chính ông ta đã ấn định. Chính ông ta đã ấn định! Và họ lợi dụng phe đối lập, làm mất uy tín của chính phủ, và vân vân… Tôi đã nói với người Mỹ, “Hãy kiên nhẫn, người ta phải kiên nhẫn với cộng sản, kiên nhẫn hơn bọn chúng.” Chẳng có tác dụng gì.

O.F.: Nói cách khác, thưa Tổng thống, ngài từng mong chờ điều gì đã diễn ra.

N.V.T.: Thưa cô! Miền Bắc hay miền Nam, chúng tôi đều là người Việt Nam, và tôi biết người Việt Nam rõ hơn người Mỹ một chút. Năm 1968, khi các cuộc hòa đàm mở ra ở Paris, nhiều người hỏi tôi, “Ông Thiệu, ông nghĩ khi nào thì cuộc đàm phán sẽ kết thúc? ” Và tôi đã trả lời, “Bạn biết đó … Nếu những người cộng sản đồng ý đàm phán, điều đó có nghĩa là họ cần phải đàm phán. Không phải là họ muốn hòa bình. Những gì họ muốn là ngừng ném bom để họ có thời gian để thở và phát động một cuộc tấn công khác. Bằng cách tận dụng lợi thế của việc tạm dừng này, họ sẽ cố gắng ném thêm một trận Điện Biên Phủ khác lên chúng ta.” Không ít thì nhiều đó là những gì họ đã làm trong Hội nghị Geneva năm 1954. Tại Geneva, họ không làm gì khác ngoài việc câu giờ và họ chơi cùng một trò mà họ đã chơi trong bốn năm qua ở Paris. Nhưng khi họ thắng trận Điện Biên Phủ, họ đã nhanh chóng đi đến việc ký hiệp định. Nếu không có Điện Biên Phủ thì Hội nghị Geneva sẽ còn tiếp tục.

O.F.: Thưa Tổng thống, cho phép tôi nghĩ rằng cuộc nói chuyện về sự kiên nhẫn này không phải là điều duy nhất mà ngài nói với Kissinger. Ngài còn nói gì với ông ấy nữa không?

N.V.T.: Đây. Tôi đã nói với ông ấy rằng các anh là một người khổng lồ. Các anh không quan tâm đến bất cứ điều gì bởi vì các anh không có gì để e ngại. Anh bạn nặng hơn 100kg, và nếu anh nuốt nhầm một viên thuốc, anh thậm chí không nhận ra nó. Cơ thể anh sẽ trung hòa nó. Nhưng tôi chỉ là một người nhỏ bé, thậm chí có thể hơi ốm yếu. Tôi nặng chưa tới 50kg, và nếu tôi nuốt cùng một viên thuốc, tôi có thể chết vì nó. Anh là một võ sĩ quyền anh vĩ đại. Anh đi qua đường phố với đôi vai rộng, cơ bắp cuồn cuộn và nếu ai đó đấm vào bụng anh, anh thậm chí không nhận ra điều đó. Nhiều lắm là anh quay lại nhìn hắn ta với một nụ cười khinh khỉnh. Trong khi đó tôi là một võ sĩ quyền anh nhỏ bé, hay thậm chí có thể không phải là một võ sĩ quyền anh nữa, vì thể chất của tôi không cho phép tôi chơi môn thể thao như vậy. Nếu ai đó giáng cho tôi một cú đấm tương tự, tôi sẽ ngã lăn ra đất như một cái giẻ rách. Vì vậy, anh có thể tự cho mình sự xa xỉ để chấp nhận một thỏa thuận như vậy. Tôi không thể. Đối với anh, một thỏa thuận tồi chẳng có nghĩa lý gì. Đối với tôi, đó là vấn đề giữa sống và chết. Vậy thì coi nào. 300.000 quân Bắc Việt đối với anh là gì? Chẳng là gì cả. Mất đi Nam Việt Nam đối với anh có ý nghĩa gì không? Thậm chí còn không là một vệt nhỏ trên bản đồ thế giới nữa. Ngoài ra, mất mát của Nam Việt Nam thậm chí có thể là điều thuận lợi cho anh. Nó giúp kiềm chế Trung Quốc, nó giúp ích cho chiến lược thế giới của anh. Nhưng đối với tôi, các ông người Mỹ ơi, đối với tôi, đó không phải là vấn đề về việc lựa chọn giữa Mátxcơva và Bắc Kinh. Đó là vấn đề về việc lựa chọn giữa sự sống và cái chết.

O.F.: Tôi muốn biết ông ấy đã trả lời những gì!

N.V.T.: Thưa quý cô, ý tưởng chiến lược của ông ấy về thế giới là rất xuất sắc. Một Đông Nam Á do người Nga kiểm soát, hay một vùng lãnh thổ Đông Dương do người Nga kiểm soát, nhằm để kiểm soát và kiềm chế Trung Quốc. Người Nga ít nguy hiểm hơn người Trung Quốc, vì vậy cần phải yêu cầu người Nga kiềm chế người Trung Quốc và dùng Đông Dương đối nghịch với họ như một mối đe dọa ở biên giới phía nam của Trung Quốc, vân vân, vân vân, amen. Tốt, rất tốt! Nó giống như một vị tướng nhìn vào bản đồ và đánh dấu các điểm chiến lược. Nhưng đối với người đội trưởng tội nghiệp dẫn đội của anh ấy băng sông băng rừng, đối với người đội trưởng tội nghiệp leo đồi dưới hỏa lực của kẻ thù và ngủ trong chiến hào, trong bùn, điều đó chẳng tốt đẹp như vậy chút nào. Anh ấy không có bất kỳ lợi ích toàn cầu nào trên hành tinh này. Anh ta thậm chí không có bất cứ thứ gì để trao đổi. Anh ta không có Trung Đông để đổi lấy Việt Nam, Đức để đổi lấy Nhật Bản, Nga để đổi lấy Trung Quốc! Anh ta chỉ có câu hỏi về sự sống hay cái chết cho mười bảy triệu rưỡi cư dân. Và những gì anh ta mạo hiểm là rơi vào tay của Hà Nội. Hoặc của Matxcova và Bắc Kinh, cũng là điều tương tự.
Đó là vấn đề, các ông người Mỹ ơi! Các anh nhìn rất xa, quá xa; chúng tôi không thể cho phép mình làm điều đó. Anh không chỉ là một võ sĩ quyền anh vĩ đại, một người khổng lồ, anh còn là một tay buôn đầy quyền lực và có thể đủ khả năng để nói, “Tôi đã tiêu một đô la nhưng bây giờ tôi phải thực hiện một cuộc trao đổi, và kinh doanh là kinh doanh, tiền bạc không thành vấn đề, và allê hấp! Tôi không ngại chỉ nhận lại mười xu. Tôi mất chín mươi xu. . . ai quan tâm chứ? Chín mươi xu không là gì cả!”
Đối với tôi thì không phải như vậy. Nếu tôi mua một điếu xì gà với giá một đô la, tôi phải bán lại nó với giá một đô la mốt. Tôi cần mười xu đó để ăn. Tôi là một nước nhỏ, các anh bạn Mỹ thân mến của tôi ơi. Tôi không có các quyền lợi toàn cầu như của các anh; mối quan tâm duy nhất của tôi là sự sống còn.
Họ có chợ trời ở khắp nơi và có vấn đề gì đâu nếu phiên chợ này trả giá bằng sự sống của một quốc gia nhỏ bé?

O.F.: Nói cách khác, thưa Tổng thống, ngài nghĩ rằng Kissinger sắp bán Việt Nam nhân danh chiến lược thế giới của ông ta?

N.V.T.: À, tôi không biết đó có phải chính xác là ý định của ông ta không. Thậm chí có thể là ông ấy tin rằng, với một niềm tin tốt đẹp, đó là một thỏa thuận tốt. Dù sao thì tôi cũng đã nói với ông ấy rằng: “Tiến sĩ … tồn tại hay không tồn tại. Đó là vấn đề của chúng tôi!”

O. F.: Và vậy là ngài đã thắng. Ít nhất là vào lúc này. Lời nói “Không” của ngài đã ngăn chặn hiệp định. Ít nhất là vào lúc này. Nhưng trong bao lâu? Nó sẽ dẫn ngài đến đâu, thưa Tổng thống, nếu người Mỹ vẫn ký mà không có ngài? Ông Kissinger đã nói rất rõ trong cuộc họp báo lần trước là: “Với sự tôn trọng dành cho Sài Gòn, nếu chúng tôi đạt được một thỏa thuận mà Tổng thống [Nixon] cho là công bằng, chúng tôi sẽ cứ thế mà tiến.”

N.V.T.: Vậy thì cứ tiến đi! Để ký cái gì? Nếu họ muốn tự mình ký, họ đã ký rồi. Họ chắc chắn sẽ không đợi cho đến ngày hôm nay! Thực tế rằng họ chưa ký trước thời hạn do chính họ ấn định, có hoặc không có sự đồng thuận của Nam Việt Nam, cho phép tôi nghĩ rằng Tổng thống Nixon đã suy nghĩ kỹ rồi và hiểu rằng việc ký kết như vậy sẽ có nghĩa là bỏ rơi Nam Việt Nam.
Nhưng tôi muốn trả lời cô một cách trực tiếp hơn, thưa quý cô, bởi vì cô không phải là người đầu tiên hỏi tôi: “Nếu Hoa Kỳ bỏ rơi ông, ông sẽ làm gì?” Đây là câu trả lời của tôi: “Tôi cho rằng chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng và sau đó cộng sản sẽ chinh phục được chúng tôi.” Đó là điều chắc chắn. Không có nghi ngờ nào cả. Người Pháp đã bỏ rơi chúng tôi vào năm 1954, và kết quả là một nửa Việt Nam đã rơi vào tay cộng sản. Nếu Hoa Kỳ lặp lại những gì người Pháp đã làm, một nửa còn lại của Việt Nam cũng sẽ có kết cục như vậy. Bởi vì một khi người Mỹ ra đi cùng với một bản hiệp định đã ký, thì người Nga và người Trung Quốc sẽ không để cho chúng tôi sống trong hòa bình. Và ở đâu có một cường quốc khác có thể giúp chúng tôi như Hoa Kỳ đã giúp chúng tôi? Có thể chúng tôi sẽ tìm thấy các quốc gia khác sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi, nhưng không nước nào trong số họ có thể có đủ khả năng của Hoa Kỳ. Không, không, nếu nước Mỹ bỏ rơi chúng tôi, đối với chúng tôi, đó là dấu chấm hết. Kết thúc hoàn toàn, tuyệt đối, và chẳng có ích lợi gì khi thảo luận thêm về nó nữa. Nhớ Tây Tạng không? Không có ai can thiệp vào Tây Tạng, ngay cả Liên Hiệp Quốc, và bây giờ Tây Tạng là cộng sản. Khi một quốc gia không thể chống lại một cuộc xâm lược, thì không thể làm gì khác hơn là để cho chính mình bị xâm lược.

*
ORIANA FALLACI: Thưa tổng thống, có vẻ như ngài đã tin tưởng quá mức vào người Mỹ?

TỔNG THỐNG THIỆU: Tôi vẫn chưa thể đưa ra một nhận định như vậy được, thưa cô! Thời điểm vẫn chưa đến để tôi có thể nói, “Tôi đã bị bỏ rơi.” Tôi phải tiếp tục giải thích bản thân với người Mỹ, những người nhìn quá xa về phía trước, nếu cô hiểu ý tôi. Có lẽ tôi đã tin tưởng vào họ quá nhiều, đúng vậy. Nhưng ở vị trí của tôi, cô cũng sẽ làm như vậy. Một đất nước nhỏ bé như của tôi, để giữ được nền độc lập của mình, cần mọi thứ — từ viện trợ quân sự đến kinh tế. Ồ, chắc chắn là tôi đã tin tưởng rất nhiều vào người Mỹ, chắc chắn! Tôi vẫn tin tưởng vào họ, bất chấp mọi thứ! Nếu bạn không tin tưởng bạn bè của mình, thì bạn nên tin ai? Một người bạn cũng giống như một người vợ. Cho đến ngày cô ấy bỏ bạn hoặc bạn bỏ cô ấy, cho đến ngày các bạn ly hôn, phải có sự tin tưởng, phải không?

O.F.: Chà, một chút tin tưởng chắc hẳn đã trở lại với ngài khi người Mỹ nối lại việc ném bom Hà Nội. Ở Sài Gòn đây, chúng tôi đã nói: “Ông Thiệu chắc hẳn đã đón mừng tin đó với rượu sâm banh!”

N.V.T.: Hãy nói thẳng một điều. Không ai yêu thích chiến tranh cả. Tôi chắc chắn là không thích chiến tranh. Phải gây ra chiến tranh không mang lại cho tôi niềm vui nào hết. Vì vậy, việc ném bom Hà Nội không làm cho tôi uống sâm banh, cũng như rocket rơi xuống Sài Gòn không làm cho tôi uống sâm banh vậy. Nhưng thành thật mà nói, và bởi vì khi cuộc chiến này tồn tại, chúng ta phải làm điều đó. Và vào ngày mà những vụ ném bom này lại bị đình lại, tôi sẽ hỏi ông Nixon: “Tại sao? Ông hy vọng đạt được điều gì qua cách đó? Ông nghĩ là mình đã đạt được những gì?” Không, tôi sẽ không phải là người cầu nguyện cho các vụ đánh bom kết thúc. Chúng có một mục đích, và nếu chúng ta muốn đạt được mục đích đó, chúng ta phải ném bom. Thưa cô, nói với tư cách là một người lính, tôi nói với cô rằng cuộc chiến càng ngắn thì nó càng ít khốc liệt.

O.F.: Đó là điều mà những người ủng hộ bom nguyên tử nói, thưa Tổng thống.

N.V.T.: Tôi không phải là người ủng hộ bom nguyên tử. Tôi không nói về bom nguyên tử. Tôi đang nói về . . . Cô đã bao giờ nghe nói về chủ nghĩa dần dần chưa? À, theo tôi, chủ nghĩa dần dần không phải là cách để chữa khỏi một căn bệnh. Đặc biệt là khi bệnh đã lâu, nó cần phải được chữa gấp, bằng thuốc điều trị dứt điểm. Thưa quý cô, chiến tranh là một căn bệnh. Không ai thích nó, nhưng khi nó đã bám vào bạn, nó phải được giải quyết nhanh chóng. Không phải bởi chủ nghĩa dần dần. Chủ nghĩa dần dần của Tổng thống Johnson là không thể bao biện được. Ông ấy không bao giờ nhận ra sự thật đơn giản này: hoặc bạn đánh một cuộc chiến hoặc là bạn không. Và chủ nghĩa dần dần được theo đuổi bởi những người Mỹ sau Johnson cũng y như vậy. Người Mỹ ném bom trong nhiều năm, ngưng ném bom, rồi lại ném bom, giảm xuống, tăng lên, trên vĩ tuyến 20, dưới vĩ tuyến 20. . . Nhưng tất cả những điều này là gì? Chiến tranh ư? Đó không phải là chiến tranh, đó là một nửa cuộc chiến. Đó là một cuộc chiến nửa vời. Cho đến nay, chúng ta đã đánh một nửa cuộc chiến, một cuộc chiến nửa vời. Và tôi xin nói với cô rằng nếu chúng ta tấn công Bắc Việt bằng một cuộc chiến tranh cổ điển, nếu chúng ta liên tục ném bom Bắc Việt, nếu chúng ta đổ quân lên miền Bắc Việt Nam, thì cuộc chiến đã kết thúc ngày hôm nay. Và tôi xin nói thêm rằng nếu các cuộc đàm phán hòa bình thất bại, thì chỉ có một cách để chấm dứt cuộc chiến này: đưa chiến tranh sang miền Bắc Việt Nam. Theo mọi cách, kể cả đổ quân ra đó.

O.F.: Ý ngài muốn nói là đưa quân đổ bộ vẫn đang được xem xét?

N.V.T.: Tại sao không, nếu người Mỹ sẵn sàng làm điều đó? Nếu người Mỹ không thể làm được điều đó, thì không ai có thể làm được! Nhưng hãy để tôi giải thích rõ hơn. Khi tôi là Tổng trưởng Quốc phòng và người Mỹ bắt đầu ném bom vào tháng 6 năm 1965, một người trong số họ hỏi tôi, “Thưa ngài Tổng trưởng, ngài có nghĩ rằng những vụ ném bom này sẽ kết thúc chiến tranh sau ba tháng không?” Và tôi đã trả lời, “Điều đó phụ thuộc vào người Mỹ các anh.” Sau đó, tôi lặp lại ví dụ về võ sĩ quyền anh. “Bạn là một võ sĩ quyền anh lớn và Bắc Việt Nam là một võ sĩ quyền anh nhỏ. Nếu bạn muốn, bạn có thể hạ gục anh ta ngay trong hiệp đầu tiên. Nếu bạn không muốn và bạn kéo dài trận đấu đến hiệp thứ chín, công chúng có thể thấy chán và đòi lại tiền. Nhưng thậm chí còn tệ hơn: nếu trong khi kéo dài trận đấu mà bạn bị chuột rút, người đàn ông nhỏ bé đó thậm chí có thể đánh bại bạn. Thôi nào! Hãy là những võ sỹ cừ khôi! Đánh gục anh ta ở hiệp đầu tiên. Các anh sẽ chẳng đi đến đâu bằng cách ném bom dần dần. Ngược lại, các anh sẽ cung cấp cho Võ Nguyên Giáp một cái cớ để lập luận rằng một quốc gia nhỏ bé như Bắc Việt có thể chống lại sức mạnh của Mỹ. Họ đang đưa các anh vào bài test, các anh bạn Mỹ ơi! Đừng dùng kiểu ném bom theo đợt, đừng đánh một cuộc chiến tâm lý, hãy đánh một cuộc chiến tranh!”
Thưa quý cô, tất cả chúng tôi đều đã trải qua các cuộc ném bom của Mỹ. Chính bản thân tôi đã trải qua chúng, năm 1942, khi người Nhật ở đây. Và tôi xin nhắc với cô rằng không quá khó để chịu đựng việc ném bom đó — sau một thời gian, bạn sẽ quen đi, đặc biệt là nếu bạn có nơi trú ẩn tốt. Do đó, sau những đợt ném bom đầu tiên, miền Bắc hoàn toàn mất ý chí. Tinh thần của dân chúng đã xuống thấp, và ở Hà Nội, họ đã trông chờ một cuộc đổ bộ. Nhưng người Mỹ đã không kiên quyết, và. . . Người Mỹ đánh năm phút, sau đó họ cho bốn phút để thở, sau đó họ lại đánh tiếp. . . .

O.F.: Ngài Tổng thống, cho phép tôi được ngây thơ, hay đơn giản là con người. Ngài không cảm thấy áy náy khi nghĩ rằng những con người khốn khổ vì bom rơi ở Hà Nội cũng là người Việt Nam như mình sao?

N.V.T.: Thưa quý cô, tôi biết rất rõ rằng họ cũng là người Việt Nam giống như tôi. Trong thâm tâm, tôi chẳng thích thú với việc đó chút nào cả. Nhưng tôi cũng biết rằng để kết thúc chiến tranh chúng ta phải ném bom họ, và tôi biết rằng để kết thúc chiến tranh ở miền Nam thì phải chấm dứt cuộc chiến từ miền Bắc. Cô không nghĩ rằng họ cũng đã đủ chán ngán rồi hay sao? Cô tưởng họ chỉ bị ảnh hưởng bởi các đợt ném bom thôi sao? Cô có thể hình dung ra những gánh nặng mà họ phải chịu để duy trì một lực lượng viễn chinh ở miền Nam không? Họ không có gì để ăn vì lực lượng viễn chinh đó. Và tới bây giờ họ đã có rất nhiều người chết! Cùng với phe Việt Cộng, từ năm 1964 đến nay, họ đã có 1.057.000 người chết. Xem này, tôi có thông tin đó ở đây trong hồ sơ mật của tôi. Rồi người miền Bắc họ còn phải chịu đựng một thứ khác nữa. Họ phải chịu đựng một chế độ không phù hợp với tâm lý của họ, với cách sống của họ. Chủ nghĩa cộng sản không tốt cho người Việt Nam. Người Việt Nam rất là cá nhân, và tôi đảm bảo với cô rằng chỉ có vài triệu trong số hai mươi triệu người ở miền Bắc là cộng sản. Tôi đảm bảo với cô rằng phần lớn trong số họ sẽ nổi dậy nếu có một cuộc đổ bộ ra ngoài đó.

O.F.: Đối với tôi điều này dường như khó xảy ra với tất cả các vấn đề mà Nixon phải đối mặt ở Hạ Viện, Thượng viện, với dư luận đã quá chán ngán cuộc chiến này và yêu cầu ông ấy phải từ bỏ nó, thưa Tổng thống.

N.V.T.: Đó là chuyện khác. Tôi biết những khó khăn của Nixon; không phải ngẫu nhiên mà tôi là người đầu tiên ủng hộ chủ thuyết của ông ấy. Vào tháng 6 năm 1969, khi tôi thực hiện chuyến đi đến Đài Loan và Hàn Quốc, Tưởng Giới Thạch và Park Chung-hee đã hỏi tôi, “Nhưng chuyện gì đang xảy ra vậy? Có thật là Mỹ muốn rút quân khỏi Việt Nam không? Tại sao anh lại chấp nhận một chuyện như vậy? Tại sao anh không yêu cầu họ ở lại cho đến khi chiến tranh kết thúc?” Và tôi đã trả lời, “Vấn đề không phải là ngăn người Mỹ rút quân của họ. Vấn đề là phải giải quyết khó khăn này bằng việc thay thế quân của họ bằng một đội quân của riêng tôi. Đúng tên là đội quân mà đáng lẽ ra họ phải giao cho tôi từ rất lâu rồi.” Vâng, thưa cô. Vào năm 1954, khi người Pháp rút đi, người Mỹ đã thấy trước được rằng Bắc Việt sẽ tấn công chúng tôi giống như Bắc Triều Tiên đã tấn công Nam Hàn. Và nếu họ trang bị cho chúng tôi một quân đội thì đã không cần phải yêu cầu họ giúp đỡ. Chúng tôi yêu cầu họ đến để giải quyết một vấn đề ngay trước mắt, chứ không phải là mãi mãi. Và khi tôi nhận ra rằng, với sự hiện diện của họ ở Nam Việt Nam, hai đời tổng thống Mỹ đã có nguy cơ rơi vào hang cọp, tôi nói, “Hãy giúp tôi giúp anh. Cung cấp cho chúng tôi một quân đội mạnh. Chúng tôi sẽ tự chiến đấu.” Và tôi đã đồng ý với Nixon về vấn đề Việt Nam hóa chiến tranh, và Nixon bắt đầu rút quân, và có lúc nào trong lịch sử chiến tranh có ai từng thấy một đội quân hơn nửa triệu người rút đi trong bốn năm không? Thứ duy nhất người Mỹ để lại là không quân. Và Việt Nam hóa chiến tranh đã hoạt động tuyệt vời, như mọi người đều công nhận, và mọi thứ đã diễn ra đúng như tôi đã nói. Tôi thậm chí đã nói rằng sẽ có một cuộc tấn công trước cuộc bầu cử Mỹ, một cuộc tấn công khác vào năm 1973. . .

O.F.: Ngài Tổng thống, cho phép tôi đưa ra một nhận xét. Tôi không chắc một chút nào rằng mọi người đều công nhận sự thành công của Việt Nam hóa chiến tranh. Nếu không nhờ không quân Mỹ, quân Bắc Việt hẳn đã thắng trong cuộc tấn công Mùa hè đỏ lửa rồi.

N.V.T.: Vâng, đồng ý. Nhưng Việt Nam hóa không thể thực hiện xong trong một ngày được, thưa cô. Thậm chí không phải trong một năm. Chúng tôi biết rằng sẽ mất từ năm đến bảy năm và do đó nó vẫn chưa hoàn tất. Đúng là chắc chúng tôi đã thua trước cuộc tấn công của ông Giáp nếu không có sức mạnh không quân của Mỹ. Nhưng ai đã lấy lại Quảng Trị và Bình Định? Ai đã chặn đứng quân Bắc Việt tại An Lộc và Kontum? Người Mỹ chăng? Việt Nam hóa sẽ chỉ hoàn tất khi không lực của chúng tôi đã được tăng cường.

O.F.: Đã được tăng cường, thưa Tổng thống? Nhưng ngài có rất nhiều máy bay, trực thăng, máy bay trinh sát, máy bay vận tải, trong khi Bắc Việt không có gì ngoài hai hay ba chiếc MiG! Khi một chiếc bay đến phi cảng Sài Gòn. . .

N.V.T.: Chúng tôi có máy bay nhưng không có phi công, thưa cô. Chúng tôi không có kỹ thuật viên. Chúng tôi vẫn phải đào tạo họ, huấn luyện họ. Và điều đó mất một hoặc hai năm. Tại sao chúng tôi không làm điều đó trước đây? Bởi vì đầu tiên chúng tôi phải lo cho quân bộ trước! Tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ không sẵn sàng trước năm 1973. Đó là lý do tại sao phe cộng sản đòi kìm hãm chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và lo sợ chương trình đó. Cô có biết phải mất bao lâu để tạo ra một quân đội hiện đại không?

O.F.: Thưa tổng thống, tôi không hiểu gì nữa. Chúng ta bắt đầu nói ít nhiều về hòa bình, và bây giờ chúng ta lại nói về chiến tranh. Ngài muốn kết thúc chiến tranh hay chiến thắng cuộc chiến?

N.V.T.: Tôi muốn kết thúc nó, thưa cô. Tôi không tìm kiếm những chiến thắng như ông Giáp. Và nói với tư cách một người lính, không phải một chính trị gia, hãy để tôi nói, chúng tôi có gì để giành được thông qua cuộc chiến này? Nếu chúng tôi ký hiệp ước hòa bình vào ngày mai, thì chúng tôi sẽ giành được những gì ở Nam Việt Nam? Tôi sẽ cho cô biết là những gì. Lạm phát, hàng trăm ngàn người chết, có trời mới biết bao nhiêu thành phố bị phá hủy, một triệu người tị nạn, một triệu binh lính cần phải trả lương mỗi tháng. . . Đánh một cuộc chiến trên đất nước của chính mình thực sự có nghĩa là đã thua trong cuộc chiến đó, ngay cả khi chiến thắng được ghi xuống bằng giấy trắng mực đen trong một hiệp định đình chiến. Trên thực tế, nghệ thuật chiến tranh là đem cuộc chiến vào lãnh thổ của kẻ thù, là phá hủy bên trong lãnh thổ của kẻ thù, như ông Giáp có thể giải thích cho cô rất rõ. Theo nghĩa đó, ông ấy có toàn quyền để nói rằng ông ấy đã thắng cuộc chiến. Và lần nữa tôi lại hỏi cô: Nếu chúng tôi ký hiệp ước hòa bình vào ngày mai, chúng tôi sẽ giành được gì? Có lẽ chúng tôi sẽ chiếm được một centimet vuông lãnh thổ nào đó của miền Bắc chăng? Có lẽ chúng tôi sẽ giành được một ghế trong quốc hội Bắc Việt chăng? Chúng tôi sẽ chẳng giành được gì cả, không gì cả. Chúng tôi sẽ thua để đổi thất bại đó lấy một hiệp ước hòa bình. Thưa cô! Họ gọi tôi là người cố chấp. Làm thế nào mà một người được gọi là cố chấp lại là người sẵn sàng đàm phán với MTGPDT, là người sẵn sàng từ chức một tháng trước cuộc bầu cử? Những người như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp có sẵn sàng đàm phán với tôi không? Họ có sẵn sàng từ chức không?

O.F.: Vậy cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu, thưa Tổng thống? Năm, tháng, tuần?

N.V.T.: Có khi nào cô đặt câu hỏi đó cho ông Giáp chưa?

O.F.: Có, nhưng gần bốn năm trước.

N.V.T.: Và ông ấy đã trả lời những gì?

O.F.: Ông ấy nói với tôi rằng chiến tranh thậm chí còn có thể kéo dài trong hai mươi năm.

N.V.T.: Đó là câu trả lời đó. Cuộc chiến này sẽ còn tiếp diễn chừng nào mà ông Giáp còn muốn, nghĩa là chừng nào ông ấy còn muốn áp đặt chiến tranh lên phía chúng tôi. Nếu tôi có thể đem chiến tranh ra miền Bắc, như ông ấy đã đưa nó vào miền Nam, thì cô hoàn toàn có quyền đặt một câu hỏi như vậy cho tôi và đòi hỏi một câu trả lời. Nhưng bây giờ tôi chỉ có thể đưa ra cho cô một ý kiến. Hoặc là hòa bình sẽ đến trong vòng một vài tuần, cứ cho là một tháng đi, hoặc chiến tranh sẽ tiếp diễn trong ba hay bốn năm nữa. Quá khó để ngăn chặn một cuộc chiến dựa vào quân du kích. Có bao nhiêu du kích ở Malaya? Mười ngàn? Và người Anh đã mất bao lâu để đánh bại họ? Mười hai năm. Thật khó để chống lại một cuộc chiến được tiến hành bởi những kẻ hooligan.

O.F.: Ngài có nói điều đó với Tướng Haig khi ông ấy đến đây không? Bởi vì theo những gì tôi hiểu, chính xác là ngài và tướng Haig không có kiểu khoác vai, tay bắt mặt mừng với nhau chút nào.

N.V.T.: Ồ, là thế này thưa cô, cô biết đó… Ông ấy gọi tôi là Tổng thống, tôi gọi ông ấy là Ông đại tướng, hay đúng hơn là Đại tướng, vì vậy. . . Chúng tôi không có nhiều điều để nói với nhau. Tôi nói với ông ấy, “Vậy bây giờ ông đã ở đây rồi, thưa Đại tướng. Hãy cho tôi biết ông ở đây với tư cách nào.” Và ông ấy trả lời, “Tôi ở đây để giải thích quan điểm của Tổng thống Nixon.” Sau đó, tôi chỉ ra cho ông ấy rằng ông ấy thậm chí không ở đây với tư cách là một nhà đàm phán, ông ấy chỉ ở đây với tư cách là một người đưa tin.
Tôi nói “Để tôi nghe quan điểm này xem sao, thưa Đại tướng.” Rồi ông ấy giải thích cho tôi. Tôi lắng nghe và sau đó chỉ nói với ông ấy rằng tôi sẽ trả lời Nixon trực tiếp, bằng một lá thư riêng. Và tôi sẽ đưa bức thư này cho ông ấy, tướng Haig, với tư cách của ông ấy như là một người đưa tin. Sau đó tướng Haig rời đi, hôm sau ông ấy quay lại, tôi đưa cho ông ấy lá thư “Đây là bức thư, ông bạn Tướng của tôi ơi. Chúc một chuyến đi tốt đẹp. Tạm biệt.” Tôi vẫn liên tục giải thích quan điểm của tôi cho người Mỹ. Và tôi cứ lặp đi lặp lại, với hy vọng rằng họ sẽ hiểu tôi. Cái ngày mà họ nói với tôi, “Chúng tôi không hiểu anh, anh Thiệu ạ, nên chúng tôi bỏ rơi anh…” Tốt thôi! Cô sẽ thấy tôi phản ứng với nền hòa bình của họ. Cho tới ngày đó… dĩ nhiên tôi sẵn sàng gặp lại Kissinger! Tôi luôn mong đợi ông ấy tới Sài Gòn để gặp tôi. Tôi không rõ tại sao ông ấy vẫn chưa tới. Có lẽ ông ấy nghĩ rằng chưa tới lúc thích hợp… Có lẽ ông ấy sắp đạt được một thỏa thuận mà ông ấy cho là hợp lý…. Có thể ông ấy chuẩn bị đến và nói với tôi, “Ngài Tổng thống, theo tôi nghĩ, đã đến lúc ký một hiệp ước hòa bình.” Sau đó, tôi sẽ nói với ông ấy, “Anh ngồi xuống đi. Hãy xem anh đang nói về loại hòa bình nào.”

O.F.: Và ngài sẵn lòng mời ông ấy ăn sáng, giống như ngài đã mời tôi chứ?

N.V.T.: Sao lại không? Nếu phía Bắc Việt mời ông ấy trà và bánh quy, tại sao tôi lại không mời ông ấy ăn sáng chứ? Tính cách của tôi cũng tốt như Lê Đức Thọ thôi. Và mọi người vẫn có thể vừa ăn vừa bàn công việc, miễn là không ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Tôi không phải là kẻ thù của Tiến sĩ Kissinger. Tôi thậm chí không phải là kẻ thù của Bắc Việt nếu chỉ vì họ là người Bắc Việt. Kẻ thù duy nhất của tôi là những người cộng sản khi họ muốn đưa chủ nghĩa cộng sản tới đây. Họ có thể giữ nó trong nhà riêng của họ bao lâu tùy thích. Thưa cô, khi chiến tranh kết thúc, tôi sẽ hơn cả sẵn sàng bắt tay với ông Giáp. Và thậm chí đi ăn tối tại nhà ông ấy. Và nói với ông ấy, “Xem nào, đại tướng thân mến! Chúng ta bàn chuyện một chút nhé. Ông ở miền Bắc, tôi ở miền Nam. Các ông có rất nhiều than còn tôi có rất nhiều gạo. Hãy xây một tuyến đường sắt thật đẹp từ Hà Nội đến Sài Gòn và trao đổi hàng hóa của chúng ta. Được rồi, cảm ơn vì bữa ăn tối, khi nào thì tôi mới có vinh dự được tiếp đón ông ở Sài Gòn với tư cách là khách của tôi đây?”

O.F.: Đã bao nhiêu lần ngài nhắc đến tên ông Giáp, thưa Tổng thống! Người ta sẽ nói rằng ngài luôn có cái tên đó trong đầu! Ngài nghĩ thế nào về ông Giáp?

N.V.T.: Thưa quý cô, tôi nghĩ ông ấy là một ông tướng giỏi nhưng không có nghĩa là Napoléon của châu Á như ông ấy nghĩ. Sự vĩ đại của tướng Giáp được báo chí Pháp sáng tác ra sau trận Điện Biên Phủ. Và Điện Biên Phủ đến giờ vẫn là chiến thắng lớn duy nhất của ông ấy, mặc dù đó không phải là chiến thắng phi thường như cách ông ấy nghĩ, hay như cách mà người Pháp vẫn luôn nhắc tới trên báo chí của họ. Từ góc độ quân sự, Điện Biên Phủ là một trận chiến dễ dàng đối với ông Giáp. Người Pháp chẳng có gì ở Điện Biên Phủ cả: máy bay không, xe tăng không, pháo binh cũng không. Ông Giáp chỉ việc sử dụng các đợt quân xung kích và chiến thuật luân chuyển các sư đoàn của mình. Hãy thành thật xem nào. Thực tế thì quân Pháp đã mất gì ở Điện Biên Phủ? Không đến một phần mười quân số. Bất kỳ viên tướng Pháp nào ở Đông Dương vào thời điểm đó cũng sẽ nói với cô rằng quân đội Pháp hoàn toàn không bị đánh bại; nếu lúc đó Paris gửi quân tăng viện, họ thậm chí còn có thể bảo toàn được cả miền Bắc Việt Nam.
Người Pháp không thua cuộc chiến ở Điện Biên Phủ vì tướng Giáp. Cuộc chiến đã thất bại ở Điện Biên Phủ vì nó đã thất bại sẵn ở nước Pháp, về mặt chính trị, tâm lý, và tinh thần. Chính ông Giáp là người tự nảy ra ý tưởng trong đầu rằng ông ta đã làm một điều gì đó mang tính quyết định về mặt quân sự ở Điện Biên Phủ. Và kể từ đó ông ấy chưa làm được gì khác ngoài việc tìm kiếm một trận Điện Biên Phủ mới của mình, mà không hiểu rằng một quân đội hiện đại ngày nay không có nhiều điểm tương đồng với quân đội Pháp trong những năm 1950. Sai lầm của tướng Giáp trong cuộc chiến này là đã không nhận ra sức mạnh to lớn của quân đội Mỹ và cũng đã đánh giá thấp quân đội của tôi.

O.F.: Vâng, thưa Tổng thống, nhưng ngài lại đi xa hơn một chút là trên thực tế ngài đã bác bỏ một chính phủ liên hiệp. Nếu ngài sẵn sàng chấp nhận Việt Cộng trong nền chính trị của Nam Việt Nam, tại sao ngài lại bác bỏ ý tưởng về một chính phủ liên hiệp?

N.V.T.: Bởi vì những gì tôi nói cho đến nay hoàn toàn không có nghĩa là một chính phủ liên hiệp, nó chỉ đơn giản có nghĩa là Việt Cộng tham gia vào các cuộc bầu cử! Bởi vì những gì tôi từ chối là yêu cầu của những người khác về một chính phủ liên hiệp! Một chính phủ là kết quả của các cuộc bầu cử — đúng hay sai? Vì vậy, ngay cả khi một ngày nào đó, giả sử có một chính phủ ở Sài Gòn hoàn toàn do cộng sản kiểm soát, thì điều này phải được thực hiện thông qua bầu cử. Đúng không? Không phải là một chính phủ cơ cấu sẵn. Không phải là một chính phủ do Hà Nội đặt ra. Về cơ bản tôi đang yêu cầu điều gì? Ba tháng để thảo luận với MTGP, thêm ba tháng nữa để đi đến thống nhất với MTGP và tổ chức các cuộc bầu cử, và cuối cùng là cuộc bầu cử trên cơ sở mỗi người dân một lá phiếu. Vậy thôi! Nhưng họ mong đợi điều gì ở tôi? Điều gì hơn thế nữa? Tôi đại diện cho một chính phủ hợp pháp, và tôi chấp nhận tổ chức các cuộc thảo luận với những người muốn chiếm lấy vị trí của tôi một cách bất hợp pháp, tôi đồng ý để họ tham gia bầu cử. . . Khốn kiếp thật! Tôi thậm chí chấp nhận khả năng họ có thể thắng, mặc dù tôi dám cá rằng điều đó sẽ không xảy ra; Tôi sẽ cứa cổ mình nếu họ thắng. . . Không, không, thưa cô. Họ đại diện cho một tỷ lệ quá nhỏ của dân số. Số lượng của họ là khoảng một trăm ngàn. Từ năm mươi ngàn đến một trăm ngàn và. . .

O.F.: Cộng với những người hiện giờ đang ở trong tù. Thưa Tổng thống, phân tích của ngài lúc đầu có thể rất thuyết phục. Nhưng nếu xem xét dưới góc độ của những việc mà ngài không đề cập đến, nó kém thuyết phục hơn. Làm thế nào ngài có thể tổ chức các cuộc bầu cử thực sự được với hàng ngàn Việt Cộng và người bị tình nghi là Việt Cộng ở đầy trong các nhà tù và trại tập trung của Nam Việt Nam?

N.V.T.: Tôi sẽ trả lời lời trách móc đó ngay lập tức. Khi bạn đang ở trong thời kỳ chiến tranh, hiển nhiên là bạn sẽ bỏ tù bất cứ ai làm việc cho kẻ thù đang gây chiến với bạn. Điều đó xảy ra ở tất cả các nước. Đó là chuyện bình thường, thưa cô. Và những người hôm nay đang ở trong tù là những người đã tham gia vào các hành vi giết người hoặc các hành động tàn bạo khác. Và có ít người đang bi giam giữ hơn cô nghĩ. Tuy nhiên, khi hòa bình đến, ngay cả vấn đề của họ cũng sẽ được giải quyết. Tôi không yêu cầu gì cao hơn là một cuộc trao đổi tù binh. Dân sự, quân sự, tất cả mọi người. À, phía Bắc Việt cũng đã từ chối điều này. Và tôi nói, sao lại thế? Tôi sẵn sàng đổi mười ngàn tù binh chiến tranh Bắc Việt và vài ngàn tù dân sự để đổi lấy năm trăm tù binh chiến tranh Mỹ. Tôi sẵn sàng cung cấp hành lang tự do cho tất cả bọn họ, người Bắc Việt, người Campuchia, người Lào, Việt Cộng, dân sự, tất cả họ, và họ vẫn không hài lòng! Chắc chắn một cuộc trao đổi như vậy sẽ phải diễn ra khi chiến tranh kết thúc, chứ không phải trước đó! Cô có biết vấn đề thực sự là gì không? Đó là người Mỹ đã tỏ ra quá gấp vội, quá lo lắng về năm trăm tù binh đó ở Hà Nội, và giờ đây Bắc Việt sử dụng họ như là hàng hóa để áp đặt các điều kiện chính trị của bọn họ. Thật kinh tởm.

O.F.: Còn những người theo chủ nghĩa trung lập nữa, thưa Tổng thống? Theo những gì tôi hiểu, họ tạo thành phần lớn dân số đã chán ngấy mọi thứ: Thiệu, Việt Cộng, Mỹ, Bắc Việt, chiến tranh. . .

N.V.T.: Họ không phải là phần lớn dân số. Nếu đúng như cô nói, thưa cô, tôi đã không ngồi ở đây. Tin tôi đi, tuyệt đại đa số người dân miền Nam Việt Nam vô cùng kinh sợ cộng sản. Một nỗi sợ hãi kết tụ qua đợt tấn công Tết Mậu Thân và những cuộc thảm sát diễn ra vào khoảng thời gian diễn ra cuộc tấn công hồi Mùa Hè Đỏ Lửa. Không có cách nào khác để giải thích những gì đã xảy ra ở đây trong chiến dịch treo cờ. Tất cả những gì tôi phải làm là nói treo cờ và mọi người mua một lá cờ hoặc sơn màu cờ của chúng tôi bên ngoài nhà của họ. Cô thực sự nghĩ rằng một số thứ có thể được áp đặt bằng mệnh lệnh sao? Thưa cô… tôi coi những người trung lập như những người ngây thơ tội nghiệp, hay đúng hơn là những kẻ ngốc nghếch đáng thương, và không để bản thân lo lắng về họ. Tôi cảm thấy rất tiếc cho họ, những người trung lập, vì họ đã để cho cộng sản lợi dụng. Họ thật là ngây ngô. Họ nghĩ rằng họ đang hoạt động chính trị và họ để những người cộng sản dắt mũi họ. Sẽ hay hơn nếu họ gia nhập các đơn vị Việt Cộng và chiến đấu bằng vũ khí. Tôi sẽ tôn trọng họ nhiều hơn. Với kiểu như hiện nay, họ không phải là chính trị gia cũng không phải là quân nhân, họ nhận lấy rủi ro ở bên này hay bên kia, và. . . hãy nghiêm túc nào, thưa cô, làm sao ai có thể là trung lập được ở Việt Nam được?

O.F.: Đây có phải là lý do ngài ra sắc lệnh đàn áp các đảng đối lập ở Việt Nam không, thưa Tổng thống?

N.V.T.: Ôi trời! Sắc lệnh đó không phải để đàn áp họ. Đó là để khuyến khích họ liên kết. Có 27 đảng phái chính trị hợp pháp ở Nam Việt Nam, cộng với bốn mươi đảng phái bất hợp pháp. Sự dồi dào như vậy sẽ là một thứ xa xỉ ngay cả trong thời bình – hãy thử tưởng tượng trong thời chiến thế nào. Và đừng quên rằng hiến pháp của chúng tôi khuyến khích tiến tới chế độ lưỡng đảng. Bây giờ, giả sử rằng hiệp định hòa bình được ký kết ở Paris, giả sử rằng trong ba tháng tiếp đó chúng ta đạt được sự hiểu biết với MTGP — điều gì sẽ xảy ra? Điều xảy ra là, tại thời điểm chúng ta đang chiến đấu với những người cộng sản trong trò chơi được gọi là dân chủ, một cuộc chiến bầu cử diễn ra trong đó một bên là những người cộng sản còn 27 đảng phái chính trị hợp pháp và 40 đảng phái bất hợp pháp ở bên kia. Không phải tốt hơn là tập hợp lại một chút, nếu chúng ta muốn giành chiến thắng sao? Vì vậy, tôi đã nói, hãy tập hợp các đảng nhỏ của chúng ta lại thành không quá sáu đảng lớn. Thưa cô, thế là đủ! Theo tôi thấy, thế có lẽ là đủ cho một đất nước mười bảy triệu rưỡi dân! Chính trị không nhất thiết phải thiếu trách nhiệm. Có vậy thôi.

O.F.: Thưa Tổng thống, nãy giờ chúng ta chỉ nói về Bắc Việt thôi. Vì vậy, tôi nghĩ cũng phải nói thêm về Việt Cộng và những bất đồng khác mà ngài gặp phải với Kissinger.

N.V.T.: Được lắm. Tôi khẳng định rằng công thức chính trị được người Mỹ chấp nhận hồi tháng 10 là một công thức không đáng tin cậy khi mà Bắc Việt đang cố gắng áp đặt một chính phủ liên hiệp lên chúng tôi. Tôi khẳng định rằng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một công thức như vậy, cho dù nó có được ngụy trang như thế nào, vì tôi không áp đặt bất kỳ chính phủ nào lên Hà Nội nên tôi không muốn Hà Nội áp đặt điều gì đó lên Sài Gòn. Hiến pháp của Bắc Việt nói rằng đất nước Việt Nam là một, bất khả phân, từ Lào Cai đến Cà Mau. Hiến pháp Nam Việt Nam cũng nói như vậy, đất nước Việt Nam là một, từ Cà Mau đến Lào Cai, y như vậy. Nhưng vẫn có một hiện trạng thực tế: hai nước trong cùng một đất nước này. Nước Bắc Việt Nam và nước Nam Việt Nam, mỗi nước có chính phủ riêng, quốc hội riêng, hiến pháp riêng. Do đó, mỗi nước phải quyết định tương lai chính trị của mình mà không bị bên kia can thiệp. Như Đức. Như Hàn Quốc vậy. Tôi nói có rõ không? Tôi nói là hai nước, hai nước, hai nước. Như Hàn Quốc. Như Đức. Hai nước đang chờ đợi thống nhất. Khi nào thì việc thống nhất đó sẽ đến, chỉ có trời mới biết. Cá nhân tôi không thể thấy điều đó xảy ra trước khoảng hai mươi năm nữa, và vì lý do này, tôi đã luôn yêu cầu Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc.

O.F.: Nhưng có Việt Cộng tồn tại ở đó, thưa Tổng thống, và họ là người Nam Việt Nam. Họ nên tham gia vào đời sống chính trị của miền Nam Việt Nam.

N.V.T.: Vâng, nhưng không được có sự can thiệp từ phía Bắc Việt. Vì vậy tôi nói: hãy để tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam do chính chúng tôi và những người cộng sản miền Nam Việt Nam quyết định. Tôi đồng ý thương lượng với Mặt trận giải phóng, tôi đồng ý tổ chức bầu cử với họ, tôi đồng ý để họ trở thành một chính đảng trong tương lai. Nhưng đây là vấn đề của chính trị Nam Việt Nam, không phải chính trị Bắc Việt! Tôi không muốn Hà Nội áp đặt; Tôi muốn thương lượng tự do với phía Mặt trận! Nhưng làm sao tôi có thể làm được như vậy nếu người Bắc Việt ở lại đây cải trang thành Việt Cộng? Thưa cô, ngay cả Mặt trận Giải phóng cũng không thể tự do thương lượng với tôi trong khi có ba trăm ngàn quân Bắc Việt được trang bị vũ khí pháo binh ngồi trên đầu họ! Vì vậy, tôi nhắc lại: hãy để chúng tôi yên, chúng tôi và phía Việt Cộng. Chúng tôi sẽ hiểu nhau hơn và nhanh chóng hơn. Tất cả chúng tôi đều là người Nam Việt Nam và tôi biết rằng hầu hết cán binh Việt Cộng đã đánh nhau hai mươi năm không muốn xâm lược Nam Việt Nam! Làm sao họ có thể nếu họ là người Nam Việt Nam? Tôi biết rằng họ chỉ muốn tham gia vào đời sống chính trị của đất nước và. . .

O.F.: Ông đã bao giờ cố gắng mở cuộc nói chuyện với họ chưa, thưa Tổng thống?

N.V.T.: Nhưng làm thế nào tôi có thể nếu người Bắc Việt ở đây? Làm thế nào họ có thể nếu người Bắc Việt ở đây? Đây là điều mà tôi lặp đi lặp lại với người Mỹ và họ vẫn không hiểu. Giả sử rằng tôi muốn gặp bà Bình, mà thật ra có thể là tôi cũng có ý muốn như vậy đấy. Làm sao tôi có thể? Làm sao mà bà ấy có thể? Bà Bình không được tự do nói chuyện với tôi; những người phát ngôn của bà ấy là người Bắc Việt! Tôi nói với cô, thưa cô, rằng chỉ khi nào người của Bắc Việt rời đi thì Việt Cộng mới có thể thoải mái đến nói chuyện với tôi. Và họ sẽ đến. Vì tôi sẽ mời họ và vì họ sẽ không còn bị kiểm soát bởi người khác nữa. Thực tế là . . . thưa cô, hai hay ba năm trước, chúng tôi đã có một chương trình ở đây gọi là “Chiêu Hồi”. Chiêu Hồi ít nhiều có nghĩa là “Việt Cộng đào ngũ”. Vâng, ở một thời điểm nào đó, số người rất cao: khoảng hai trăm ngàn. Và điều này làm cho Bắc Việt vô cùng lo lắng, bởi vì, rõ ràng, nếu bạn để cho chương trình Chiêu Hồi tiếp tục, sẽ không còn MTGP nữa. Vậy Bắc Việt đã làm gì? Họ rải người của họ vào các làng và vào trong các đơn vị Việt Cộng để thay thế cho Việt Cộng hoặc ngăn cho họ khỏi đào ngũ. Và . . . cô có hiểu cho chăng, rằng điểm bất đồng thứ hai này với Tiến sĩ Kissinger là kết quả của điểm thứ nhất? Cô có hiểu cho chăng, rằng vấn đề chính vẫn là sự hiện diện của ba trăm ngàn quân Bắc Việt?

*

ORIANA FALLACI: Thưa Tổng thống, chúng ta đã nói rất nhiều về dân chủ và bầu cử. Vì vậy, tôi cảm thấy có quyền hỏi ngài một câu hỏi có thể gây bất đồng. Ngài có gì để nói với những người gọi ngài là kẻ độc tài của Nam Việt Nam?

TỔNG THỐNG THIỆU: Biết ngay! Tôi biết cô sẽ hỏi câu đó! Thưa cô, tôi không biết liệu chúng ta có nên bỏ đoạn này khỏi máy ghi âm của cô không, nhưng. . . hãy nhìn quanh các nước Đông Nam Á rồi nói cho tôi nghe thử nước nào có thể được gọi là dân chủ theo khái niệm của cô về nền dân chủ. Thái Lan chăng? Hàn Quốc chăng? Philippines chăng? Thưa quý cô… Với tất cả sự chân thành, theo tôi thì dường như Nam Việt Nam vẫn là quốc gia dân chủ nhất. Có thể là không được dân chủ như ý cô muốn, nhưng dân chủ không phải là một tiêu chuẩn có thể được áp dụng một cách giống y như nhau ở mọi nơi. Dân chủ như họ có ở Mỹ, hay như cô có ở châu Âu, vẫn chưa thể tồn tại ở đây được. Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho nó. Đừng quên rằng Việt Nam chưa bao giờ biết đến một cuộc sống dân chủ theo như nghĩa mà cô đưa ra cho cách diễn đạt này. Cho đến tận năm 1945, chúng tôi là thuộc địa của Pháp. Cho đến năm 1954, chúng tôi bị Việt Minh thống trị. Cho đến năm 1963, chúng tôi dưới thời Tổng thống Diệm. Vì vậy, tôi tự cho phép mình tuyên bố rằng nền dân chủ, ở đây, chỉ bắt đầu tồn tại vào năm 1963 khi ông Thiệu trở thành tổng thống.

O.F.: Nhưng dân chủ là loại dân chủ nào mà chỉ đưa ra một ứng cử viên duy nhất cho cuộc bầu cử? Trong cuộc bầu cử năm 1971, ngài thậm chí không có một đối thủ nào, thưa Tổng thống!

N.V.T.: Biết ngay, biết ngay. Thưa cô! Chúng ta phải đánh giá những điều này trong bối cảnh của miền Nam Việt Nam. Chúng ta phải nhớ rằng tổng thống được bầu vào năm 1971 sẽ là tổng thống sẽ thảo luận về hòa bình. Chúng ta phải nhớ rằng ngay vào thời điểm đó, thời điểm mà không còn sự ổn định chính trị nào nữa vì các đối thủ của tôi đã rút đơn ứng cử, phía Bắc Việt đang tập hợp các sư đoàn của họ ở ngoài khu phi quân sự và dọc theo biên giới với Campuchia, để chuẩn bị tung ra một cuộc tấn công mới. Chà, trong khi điều này đang diễn ra, rất nhiều người đã đến gặp tôi và nói, ‘‘Ông Thiệu, nếu những người khác rút đơn ứng cử thì ông cũng phải rút lui. Nếu không thì đó không phải là dân chủ.” Và tôi đã trả lời, Hiến pháp của chúng ta không quy định rằng các cuộc bầu cử bị hủy bỏ nếu chỉ có một ứng cử viên. Nó thậm chí không nói rằng một ứng viên phải bước sang một bên hoặc tìm kiếm đối thủ. Điều đó mất ít nhất sáu hoặc bảy tháng. Tôi nói trong sáu hoặc bảy tháng, Bắc Việt có tất cả thời gian cần thiết để hoàn tất việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công và tấn công chúng ta, tôi nói. Tấn công chúng ta vào đúng lúc chúng ta không có sự lãnh đạo về quân sự và chính trị. Goodbye Nam Việt Nam. Vì vậy, cứ nói những gì các ông thích. Tôi sẽ ở lại. Câu hỏi tiếp theo của cô là gì, thưa cô?

O.F.: Một câu hỏi tàn bạo, thưa Tổng thống. Tôi ghét phải tàn bạo, nhất là khi ngài đã rất tốt với tôi, mời tôi ăn sáng này kia, nhưng trong đầu tôi có một loạt câu hỏi tàn bạo. Đây là câu đầu tiên: Ngài sẽ nói gì về sự thật rằng ngài bị gọi là ‘’con rối của Mỹ” hay “người của người Mỹ”?

N.V.T.: Ai nói vậy?

O.F.: Tất cả mọi người. Hầu hết mọi người. Điều đó thực sự làm ngài ngạc nhiên à?

N.V.T.: Người Mỹ cũng nói vậy à?

O.F : Vâng, nhiều người Mỹ.

N.V.T.: À! Thú vị đó! Uhm. . . Thưa cô! Tôi là người của người Việt Nam, không phải người của người Mỹ. Thậm chí nói tôi là con rối của Mỹ còn sai lầm hơn nữa, như tôi nghĩ rằng tôi đã thể hiện gần đây. Ngay cả trong cuộc phỏng vấn này. Tôi là đồng minh của người Mỹ, vậy thôi. Xin hãy tiếp tục.

O.F.: Tôi sẽ tiếp tục. Câu hỏi số hai. Ngài có gì để nói với những người tố cáo ngài là tham nhũng, kẻ tham nhũng nhất Việt Nam?

N.V.T.: Thưa cô, trả lời cũng không đáng. Tôi nên trả lời những gì? Một khi cỗ máy vu khống một tổng thống bắt đầu hoạt động, thì sẽ không có cách gì ngăn chặn được. Những cáo buộc như vậy không xảy ra do nhầm lẫn — chúng xảy ra với một mục đích chính xác. Bạn có thể sửa một nhầm lẫn, nhưng không thể sửa được một mục đích. Tôi chỉ nói với cô: cô đã bao giờ nhìn thấy con gái của một tổng thống sống trong một khu nhà trọ do các bà sơ ở Luân Đôn điều hành chưa? Đó là nơi con gái tôi sống.

O.F.: Vâng, vậy thì hãy nói theo cách khác, thưa Tổng thống. Có đúng là ngài sinh ra đã rất nghèo?

N.V.T.: Rất đúng. Cha tôi mồ côi lúc mười tuổi. Và khi ông ấy lấy vợ, mẹ tôi đã hỗ trợ gia đình bằng cách mang thúng ra chợ làng bán gạo và dừa. Mười ba ngày sau khi sinh đứa con đầu lòng, bà phải bán túp lều của cả nhà và chuyển sang bên kia sông, vì bà không có tiền. Và, nhờ bà ấy, anh trai tôi đã có thể học ở Paris. Em trai tôi được vào học ở Huế. Nhưng tôi phải học trường làng. Chúng tôi là một gia đình gồm những người đàn ông tự lập — hôm nay các anh em trai của tôi là đại sứ. Nhưng chị em tôi vẫn xách gà, xách thúng ra chợ bán như mẹ tôi. Vâng đúng vậy.

O.F.: Và có đúng là ngày nay ngài vô cùng giàu có, với các tài khoản ngân hàng và nhà cửa ở Thụy Sĩ, Luân Đôn, Paris và Úc?

N.V.T.: Không đúng. Tôi thề với cô trên đầu của con gái và con trai tôi rằng tôi không có gì ở nước ngoài. Không có nhà ở Luân Đôn, không có nhà ở Paris, không có nhà ở Úc, cũng không có nhà ở Thụy Sĩ. Tôi đã nghe câu chuyện về ngôi nhà ở Thụy Sĩ cách đây một thời gian qua một số người Mỹ. Và tôi trả lời, “Mấy ông bạn Mỹ ơi, mấy ông có tất cả các công nghệ cần thiết để tìm ra ngôi nhà này, tất cả các máy ảnh cần thiết để chụp ảnh nó. Hãy mang cho tôi những bức ảnh về ngôi nhà này.”
Tôi chỉ sở hữu vài thứ ở Việt Nam, và cô muốn biết đó là gì không? Một căn hộ trong Tổng hành dinh, nơi là một tướng lĩnh, tôi được cấp hai căn hộ nhỏ dành cho người độc thân. Vì vậy, tôi đã kết hợp chúng thành một. Tôi đã hiện đại hóa nó một chút và tôi giữ nó như một nơi để đến vào cuối tuần. Nhưng nó không thực sự thuộc về tôi, nó thuộc về quân đội. Và tôi sẽ trả lại nó cho quân đội, biến nó thành một viện bảo tàng. Rồi tôi có một căn nhà gỗ trên sông, nơi tôi đến khi tôi muốn chơi trượt nước. Đó là một căn nhà lắp ráp sẵn, rất rẻ. Nó đã được trao cho tôi bởi hiệp hội gỗ xẻ. Rồi tôi có một ngôi nhà nơi tôi sinh ra, đó là ngôi nhà nghèo nhất trong làng. Mọi người đi ngang qua nó và cười. “Coi nhà của Tổng thống Thiệu kìa!” Cuối cùng, tôi sở hữu một mảnh đất nhỏ, nơi tôi thích làm các thử nghiệm nông nghiệp. Và ở đó tôi trồng lúa và dưa; Tôi nuôi gà, ngỗng, heo và cả cá nữa, vì có một cái ao. Đó là tất cả.
Kể từ khi tôi là tổng thống, tôi thậm chí còn chưa mua một chiếc xe hơi nào – thay vào đó tôi sử dụng xe của Tổng thống Diệm. Đó là một chiếc Mercedes cũ với động cơ luôn hỏng. Cô có thể tưởng tượng vị tổng thống Việt Nam trở về trang trọng sau một chuyến công du nào đó, xuống máy bay, lên chiếc Mercedes đang khởi động và đột ngột chết máy? Để rồi quân cảnh phải đẩy nó với hy vọng khởi động lại động cơ, và máy nổ brừm, brừm, brừm! Trong khi đó ông tổng thống đang chửi rủa, “Chết tiệt! Nhất định phải mua một chiếc ô tô!” Tiếp tục đi, thưa cô.

O.F.: Tôi tiếp đây, thưa Tổng thống. Câu hỏi số bốn. Ngài không sợ bị giết sao? Ví dụ, bị ám sát như Tổng thống Diệm?

N.V.T.: Không. Thành thật mà nói, không. Tôi tin vào Chúa và tin rằng Ngài bảo vệ tôi. Xin lưu ý rằng, tôi không phải là người một trăm phần trăm tin vào số mệnh. Nói cách khác, tôi không tin rằng Chúa luôn ở đó để bảo vệ bạn và vì vậy việc tự bảo vệ mình là vô nghĩa. Ngược lại, tôi nghĩ rằng người ta nên làm mọi điều có thể để giúp Chúa một tay và giúp Ngài bảo vệ mình. Nhưng tất cả mọi thứ đều có giới hạn, và cuối cùng tôi cho rằng, “Hãy làm nhiệm vụ của mình và bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro mà nhiệm vụ đó gây ra. Phần còn lại là tùy thuộc vào Chúa. Ngay cả Ngài ấy cũng nên nhận lấy một số trách nhiệm giùm tôi, phải không nào? Rốt cuộc, đó là vấn đề về sự tin tưởng lẫn nhau!” Đùa một chút ngoài lề, thưa cô, để giết tôi không khó một chút nào. Tôi bắt tay với mọi người và không để ý nhiều lắm; mấy anh nhân viên an ninh của tôi cứ than phiền suốt. Còn tôi thì cứ nói, “Các bạn an ninh này, có vấn đề gì đâu, tôi làm việc của tôi, anh làm việc của anh. Nếu các anh không làm được, thì kết quả sẽ tệ hơn cho cả các anh và tôi. Tôi chả lo gì. Tôi không quan tâm.” Tôi chả lo gì bởi vì. . . làm thế nào bạn có thể tránh bị giết nếu ai đó thực sự muốn làm điều đó? Tuần trước, tôi đã xem duyệt binh năm ngàn người của lực lượng phòng vệ. Mỗi người có một khẩu súng trường đã nạp đạn và tất cả những gì cần thiết để giết tôi là một viên đạn từ một khẩu súng trường duy nhất. Không có gì đơn giản hơn là ám sát một ông tổng thống của Việt Nam. Nhưng tại sao họ phải làm thế vì tôi nói với họ rằng điều đó không đáng để gặp rắc rối, rằng tôi thích ra đi còn sống hơn là chết? Hơn nữa, tôi không bị ám ảnh bởi ý tưởng về cái chết. Và tôi đã thể hiện điều đó bằng cách tham gia vào không biết bao nhiêu trận chiến cho đến năm 1965, thậm chí gần đây phải đối mặt với pháo binh Bắc Việt và đạn pháo của Việt Cộng. Không ai bắt tôi phải đi Quảng Trị, đi Bình Long, hay Kon Tum. Tôi là tổng thống, không phải là một ông tướng ở mặt trận! Nhưng tôi vẫn đi. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ và sau đó tôi đi.

O.F.: Ngài rất sùng đạo nhỉ?

N.V.T.: Vâng, vâng, vâng! Rất! Rất! Mỗi Chủ Nhật, tôi nghe thánh lễ trong nhà nguyện của mình và mỗi tối tôi cầu nguyện. Tôi cũng đã cầu nguyện cho quân của tôi chiếm lại Quảng Trị mà không phải đổ máu quá nhiều. Tôi thậm chí còn cầu nguyện khi Tiến sĩ Kissinger đến đây để cố gắng khiến tôi chấp nhận những điều tôi không thể chấp nhận. Tôi là một người Công giáo thực thụ. Tôi đã được cải đạo sau khi suy nghĩ về nó trong tám năm. Vợ tôi là một người Công giáo khi tôi kết hôn với bà ấy vào năm 1951, và vì Giáo hội bắt buộc rằng cuộc hôn nhân chỉ có giá trị khi tôi cải đạo, nên tôi đã đến gặp vị linh mục và nói với ông ấy, “Thưa ông, tôi là một sỹ quan và tôi đang đánh trận trong chiến tranh. Tôi không có thời gian để học giáo lý. Hãy cho tôi thời gian. Khi chiến tranh kết thúc, tôi hứa với ông là tôi sẽ học giáo lý và cải đạo.” Sau đó chiến tranh kết thúc và tôi giữ lời hứa của mình. Nhưng nó không dễ dàng như tôi nghĩ. Tôi muốn hiểu mọi thứ và tôi đã khiến vị linh mục tội nghiệp đó phát điên với những câu hỏi của mình. Ông ấy là một linh mục ở quê, ông ấy không biết phải trả lời như thế nào. Tôi phải tìm cho tôi một người cha Đa Minh và. . . cô thấy rồi đó. Thưa cô, bất cứ điều gì tôi làm, tôi đều muốn làm tốt. Cho dù đó là đang được cải đạo, hay chơi quần vợt, cưỡi ngựa, hoặc giữ chức tổng thống. Tôi thích trách nhiệm hơn là quyền lực. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng không bao giờ được chia sẻ quyền lực với người khác. Đó là lý do tại sao tôi luôn là người quyết định! Luôn luôn! Tôi có thể lắng nghe người khác đề xuất một số quyết định, và rồi đưa ra quyết định ngược lại. Vâng, chính tôi là người quyết định. Nếu một người không chấp nhận trách nhiệm, người đó không xứng đáng là người đứng đầu và. . . Thưa cô, hãy hỏi tôi câu này, “Ai là tổng tư lệnh ở đây?”

O.F.: Ai là tổng tư lệnh ở đây? [Ghi chú của người dịch: câu này liên quan đến đoạn nói đùa giữa hai người trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu].

N.V.T.: Tôi! Tôi là tổng tư lệnh! Tôi! Tôi là chỉ huy!

O.F.: Xin cảm ơn ngài Tổng thống. Bây giờ tôi nghĩ rằng tôi có thể đi.

N.V.T.: Cô đi rồi à? Chúng ta đã xong chưa? Cô có hài lòng không, thưa quý cô? Bởi vì nếu cô không hài lòng, cô phải nói cho tôi biết. Thưa cô, tôi hy vọng cô hài lòng bởi vì tôi không giấu giếm điều gì với cô và tôi đã nói chuyện với cô một cách hoàn toàn thẳng thắn. Tôi thề. Ban đầu tôi không muốn vậy. Nhưng sau đó . . . tôi có thể làm gì được đây? Đó là phong cách của tôi. Cô nói xem, nói thử tôi nghe. Lúc trước cô có nghĩ là gặp tôi sẽ như vậy không?

O. F.: Không, thưa Tổng thống.

N.V.T.: Cảm ơn quý cô. Và, nếu cô có thể, xin hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Việt Nam. Hòa bình Việt Nam có nghĩa là hòa bình cho thế giới. Và đôi lúc tôi cảm thấy như thể không còn lại gì để làm ngoại trừ cầu nguyện với Thượng Đế.

Sài Gòn, 30 tháng 12 năm 1972
@vannguyen

Xem thêm :

Le président Thieu parle
Oriana Fallaci on Interviewing South Vietnamese President Nguyễn Văn Thiệu
Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979
Phạm Thị Hoài (dịch)

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.