Trần Quốc Phiệt

Ngôi Trường Trong Trí Nhớ

Kể ra nghe cũng buồn cười, ấy là khi học bài giảng văn “Tôi đi học“ của nhà văn Thanh Tịnh, mãi miên man tưởng tượng hình ảnh và tâm tư đó của chính mình ở một ngày nào vào buổi đầu tiên cắp sách đến trường. Đương nhiên bài giảng văn đó thì quá hay rồi, nhất là với một cậu học trò trí óc còn ngây thơ, trái tim dễ rung cảm thì nó là một áng văn chương tuyệt tác.

Ấy là những bài giảng văn của năm đệ thất đệ lục, lên lớp cao hơn, khi học chương trình Pháp văn, lại được học Anatole France, tuy tiếng Tây mới chỉ bì bõm mà đã thấy hay làm sao, lại lần nữa bị cuốn vào khung cảnh mùa Thu lá vàng bay, chú bé học trò như chim con tung tăng trên bãi cỏ xanh, lác đác vài ngọn lá vàng rơi, ôi sao mà thơ mộng. Những bức tranh phác thảo bằng văn từ ấy, đánh thức tôi về với quá khứ tuổi thơ, đúng là hai khung trời cách biệt

Hồi tưởng lại chuổi đời nghèo nàn rách nát xác xơ, tìm tòi trong những trang sách người ta có nói đến cảnh học trò nghèo, nhưng không một ai tả đúng hoặc na ná như mình cả, thôi thì dù văn chương viết lách chỉ loại tò te, nhưng cũng cố gắng ghi lại những gì đã biết và còn nhớ cái thời học trò ở xứ quê mùa dưới ngôi trường mái tranh vách lá, nền cát ghế tre, bàn kê trên gạch bể,gọi là ôn về dĩ vãng một quảng đời nhọc nhằn của những đứa trẻ sinh ra nơi miền xa xôi hẻo lánh, xa vời ánh sáng văn minh thị thành, một thời khổ nạn của quê hương, người con xứ nghèo nhưng ham học, dù trãi qua những ngày khổ cực trần thân gian truân nhọc nhằn, nhưng cũng là một chặng đời đầy thú vị nên thơ.

Có ai đó nếu tò mò muốn hỏi cảm tưởng của tôi về ngày đầu tiên cắp sách đến trường, xin thưa thật khó mà trả lời cho chính xác, có thể nói rằng tôi đã từng là cậu học trò trường làng, thuở khởi đầu chỉ có hai lớp, dù vậy cũng được gọi là trường vì nơi đây là một ngôi trường có tên, có lớp, có hiệu trưởng, giáo viên, có hội phụ huynh học sinh, có bàn ghế, tuy đơn sơ mái tôn vách trét.

Đó là những năm đầu tiên của miền Nam sau ngày chia hai đất nước, nơi ấy là trường cho cả một vùng, vì nó nằm trên đất làng tôi, cuối đầu Đông, trường cũng mang tên làng tôi, trường tiểu học An Lưu, được dựng lên trên nền cũ của ngôi trường thời trước.  Lần đầu tiên trong đời làm cậu học trò đi đến trường đúng cách, đúng nghĩa nhưng không phải là buổi học “khai tâm”. Và tôi chỉ học nơi ấy môt năm duy nhất, sau đó là vào học ở Huế, những năm sau này tôi về thăm quê thì đã được xây cất khang trang, rào dậu, cổng ra vào rất quy củ.

Tôi sẽ không nhắc đến những ngôi trường bề thế tiếng tăm ở Cố Đô, mà tôi đã từng trãi qua như trường tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Trung Học Kỷ Thuật, trường Quốc Học, bởi những nơi này ai mà chẳng biết, tự nó đã nổi tiếng từ lâu và vẫn tồn tại. Tôi cũng không nhắc đến trường trung học Nguyễn Hoàng, nơi mà tôi từng là môn sinh một thời, dù nay không còn tên cũ, nhưng nó vẫn còn được nhắc nhở bởi nhiều người từ nhiều thế hệ.

Thế thì tôi sẽ nói về một ngôi trường lạ lùng, không có tên, rất ít người biết đến, hoặc có biết, cho đến nay người mất thì đã mang đi, ngưới còn chắc gì đã nhớ, đó là những gì tôi sắp viết ra đây.

Ngôi trường đầu đời của tôi thật là khó tả, gọi đó là ngôi trường ư – không phải – đó là cái trại, cái chái ư, cũng không đúng, chẳng có tên gì cho nó cả, thôi thì tạm gọi là ngôi trường đi, vì dù hình trạng là cái chái, cái trại, nhưng nơi ấy lại để cho một lũ trẻ con lớn bé không cùng trang lứa, nam và nữ quây quần để tập tò học chữ Việt, một người phụ trách duy nhất, vừa là hiệu trưởng, vừa là thầy giáo tất cả các lớp, vừa là thư ký, thu ngân viên -nói là thu ngân viên cho nó văn vẽ chứ thực ra cái gì cũng thu : tiền, gạo….người chưa trả thì ghi nợ – và … kiêm nhiệm hết. Đó là những cái lạ nên tôi mới cà kê kể lể ra đây, cho nên dù có lẩm cẩm thì đây là một điều lạ bất ngờ may ra biết đâu người đọc đỡ nhàm chán.

Trong hoàn cảnh quê hương ta vào thời ấy, chắc chắn có rất nhiều nơi, nhiều người cở ngang hoặc lớn hơn trang lứa với tôi từng trải qua cảnh học hành kiểu ăn bòn chữ nghĩa như thế, nhưng mấy ai có thì giờ ngồi ghi lại một chút hoài niệm thuở cơ hàn, dù về sau một số ra nơi thị thành, tiếp tục học hành hiển đạt thành danh, số còn lại cũng có vốn liếng ăn học để thi thố với đời. Cho đến ngày nay, qua bao nhiểu nhương loạn ly phân hóa, số người này còn lại không nhiều, đa phần đã già cả, họ chỉ còn giữ được lại lờ mờ trong tiềm thức. Một số ít lớp trẻ hơn, khi ra nước ngoài lại phải vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, những chuyện xa xưa dần dần đi vào quên lãng, dĩ vãng tàn phai, mái trường không tên tan vào cát bụi, thì thôi xin nhắc lại một lần.

Từ nhà tôi đi đến trường khá xa, tất nhiên là đi bộ, muốn nhanh không thể đi đường ngay ngõ thẳng, mà phải đi đường tắt sau làng. Vùng tôi làng kề làng, trước làng là ruộng lúa, sau làng là rú và nương khoai toàn đất cát. Gian nhà một mái được dựng dưới bóng lùm cây, gần bên con đê ngăn nước của làng bên.  Đó mới chính là ngôi trường đầu đời của tôi, thời gian của tôi học nơi này không nhiều, làm sao tôi có thể nhớ được đã học những gì nơi ấy, vì trước khi đến đó tôi đã được học ở nhà biết đọc biết viết, biết làm các phép tính. Tuy vậy vẫn để lại trong tôi hình ảnh thân thương không bao giờ quên. Tôi đặt cho nó cái tên “Ngôi trường trong trí nhớ”.

Vì học trò không cùng trang lứa, trình độ khác nhau, đến từ vài làng kế cận, nên khó mà nhớ được nhiều, trong số này về sau, khi tôi có thời gian trở lại Quảng Trị học trường trung học Nguyễn Hoàng, vài người học ngang năm với tôi nhưng khác lớp.

Thầy giáo duy nhất là Anh Kỹ, người mực thước da bánh mật, còn rất trẻ nhưng dáng dấp đạo mạo, nói năng nhỏ nhẹ thân thiện, anh luôn gọn gàng trong bộ đồ màu nâu, trên tay thường có cái xách với vài cuốn tập. Chúng tôi không gọi là thầy Kỹ mà chỉ gọi anh Kỷ.

Anh Kỹ cũng là vị thầy đầu đời của tôi, tuy gần gủi với anh rất ít, sau này dù ở Huế hay về Quảng Trị, tôi đã được ngồì để nghe những vị thầy nổi tiếng khả kính giảng bài, thì hình dáng anh Kỷ vẫn còn giữ trong tôi như thuởnào dưới mái tranh vách lá ấy.

Trường không có trống, không có kẽng, giờ giấc được truyền đạt bằng miệng, vào thời buổi ấy mấy ai có đồng hồ đeo tay, tất cả hầu như xài đồng hồ mặt trời, nghĩa là muốn biết trưa chiều hay tối, cứ ngẫng mặt lên trời mà ước tính, những ngày trời u ám hoặc mưa gió thì chỉ có đoán chừng.

Trong giờ học, ngồi thành từng nhóm theo trình độ, không có bảng đen và phấn trắng, tất cả đều viết lên giấy chuyền tay nhau mà chép, tôi không hề biết đến sổ điểm, bảng vị thứ đừng nói chi đến bảng Danh Dự như sau này, cứtưởng tượng đi, trong điều kiện khó khăn như thế mà vẫn học, cuộc sống đơn sơ của những đứa trẻ thôn dã, từ tấm bé chỉ quanh quẩn với những chú dế trong đám cỏ khô ngoài đồng mùa nước cạn, hay với màng bọt sủi cá thia thia dưới khóm lúa đang trổ đồng đồng, hoặc xem người lớn vung cần câu trong mấy cái ao đìa phất phơ hoa bèo có cánh lục bình tím nhạt, bây giờ được tụ tập học hành chơi đùa đông đảo với nhau cũng là thú vị quá rồi, nào là đuổi bắt, trốn tìm, đánh căng,đạp mạng…trên bãi cát cạnh lùm cây.

Tuổi thơ nơi miền thôn dã đi qua với bao kỷ niệm trong cuộc sống lam lũ xứ nghèo, ra đời lưu lạc đó đây, tôi vẫn mang theo như hành trang lưu niệm ghi lại trong lòng, không thể thiếu hình dáng anh Kỷ và mái trường nắng soi mưa dột, núp bóng dưới lùm cây.

Cả hai xóm nhà nơi tôi ở, có ba ” đồng môn” với nhau dưới “ngôi trường trong trí nhớ” ấy thì nay hai tay đã ra người thiên cổ, nếu tính chung số còn hiện diện “trên cỏi đời này” đếm không đủ trên đầu bàn tay lại còn lưu lạc mười phương tứ hướng, lấy ai để hàn huyên chuyện xưa tích cũ, nhắc lại những buổi đến trường chỉ chạy chứ không đi, vì đi chậm cát nóng bỏng chân. Những lần trèo cây hái bứa, trái chín thì ăn, trái hườm thì đào cát dấu, ngày sau trở lại đào lên “xơi” tiếp, những lần ngăn mương tát cá, tắm “troong”, ngồi ngẫm nghĩ, hồi ấy mới tí teo sao mà khôn lanh đến vậy.

Tất cả đó là những ngày đi học đầu đời của tôi, vẫn là những kỷniệm nhớ hoài, dù mộc mạc quê mùa nhưng là hình ảnh tuổi thơ một thời để nhớ,sau này mặc dù được đi học đàng hoàng trong những ngôi trường lớn những nơi thị thành tôi không thể nào tìm lại không khí những ngày trong tổ ấm gia đình, cho nên nhắc đến đoạn văn “ …mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi đi trên con đường dài và hẹp…” tôi thấy thật hay, thật thích thú nhưng đó là những hình ảnh cho tôi thương lãm vay mượn của người khác, cho nên dù mê say với cái hay nhưng cũng cảm nhận sự thấm thía đắng cay của riêng mình.

Ngôi trường trong trí nhớ của tôi chỉ cất lên một lần rồi âm thầmđi vào dĩ vãng, tôi đoan chắc số môn sinh người mất đã nhiều, kẻ còn rất ít, nhưng người còn nhớ đến nó lại càng ít hơn. Sau thời lửa đạn qua đi khá lâu tôi có dịp trở về chốn cũ, thử đi ngang qua đập nước nơi mái trường tranh lá ngày xưa, vẫn còn lùm cây và bãi cát. Đó là một buổi xế chiều giữa Đông, nhưng trời quang mây tạnh sau một chuổi ngày dài mưa gió lạnh lùng. Đứng gần một vũng nước khá lớn trên mảnh đất có vài chòm hoa cỏ dại lơ thơ, màu sắc hài hòa, bầu trời trong xanh phản chiếu dưới lòng nước trong với những con cá bạc uốn mình, một loài chim rất quen cất tiếng hót lên từ lùm cây, trong cái bình an ấy tôi miên man nghỉ đến những ngày tháng xa xưa ở nơi này, nghỉ về anh Kỹ, bây giờ ở đâu hay đã an nghỉ phận đời, cảnh cũ mang máng như xưa, mái tranh từ lâu đã ra cát bụi, người xưa còn mất những ai, bây giờ ghi lại đây đôi dòng hoài niệm, có aiđó còn nhớ những ngày tháng xa xăm ấy không.

Trần Quốc Phiệt

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.