Ba Mươi Lăm Năm,
Nhìn Lại Con Đường
Ba mươi lăm năm nhìn lại con đường
Thời gian dài tưởng chừng rất ngắn,
Hầu như mới xẩy ra gần đây lắm,
Còn hồ nghi lẩm nhẩm số “băm lăm”
Dấu vẫn in chưa phai nhạt vết hằn
Cháy nám lòng người,
Thịt da dân tộc,
Ba mươi lăm năm,
Nhiều lần tôi bật khóc
Cho nước mắt mồ hôi,
Thân xác đồng bào tôi
Đã loảng tan dưới cây cỏ, trên biển khơi,
Giữa rừng sâu,
Trong trại tù lao cải,
Người thoát thân và người còn ở lại
Cùng đắng cay với cuộc đảo điên,
Ba mươi lăm năm nhìn lại một đoạn đường
Bằng nước mắt nghẹn ngào
Và cả nụ cười chưa trọn vẹn,
Những người về mang lời thề non hẹn biển,
Những người đi tìm ánh sáng tự do,
Quê hương…
Còn một mảnh rách cơ đồ
Đang nhàu nát với mưu mô toàn trị.
Ba mươi lăm năm
Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
Từ dạo cuối tháng Tư mặt trời đổ,
Khi người chiến sĩ tuyến đầu thế giới tự do
Bị đồng minh chối bỏ,
Bởi trót ngậm miếng mồi béo bở ngon hơn,
Những văn từ và cả những tuyên ngôn
Quăng vào sọt rác như tờ giấy lộn,
Chữ tín giữa đời nghe mà khinh tởm !
Cường quốc ơi !
Ngượng miệng gọi đồng minh,
Bàn cân nào đánh giá trọng khinh?
Lương tâm nào còn con tim gõ nhịp,
Quê hương tôi
Tiếng kêu gào thảm thiết!
Linh hồn người đã chết bị lãng quên,
Anh lính trận oai hùng bổng đổi tên
Thành tù nhân, triền miên
Không bản án.
Biết bắt đầu từ đâu cho đủ?
Khi xe tăng xô ngã cổng dinh thành,
Khi lệnh đầu hàng vội vã truyền nhanh,
Bởi bàn tay đàn anh đâm sau lưng chiến sĩ.
Những phát súng người hùng
Tự bắn vào người sĩ khí
Những vì sao rơi vào buổi bình minh:
Nam, Hai, Hưng, Vỹ, Phú
Những vị thiên thần.
“Sinh vi Tướng, tử vi Thần”
Hồn thiêng linh hiển.
Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
Khi xe cần trục kéo ngã tượng tiếc thương,
Anh nằm trơ chổng ngỗng bên vệ đường,
Anh về đâu?
Sau lần tôi được gặp!
Dù anh còn hay anh đã mất,
Dù người ta có nghiền anh thành cát bụi,
Anh vẫn đứng vẫn đi
Anh vẫn trở về với nguyên ủy bất di,
Anh vẫn sống trong lòng người còn sống,
Anh vẫn sống thiên thu bất tận,
Khi nghĩa trang còn chút đất gọi tên
Khi những nấm mồ chưa bị lãng quên
Những nấm mồ ngủ yên,
Con yêu Tổ Quốc.
Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
Khi những chiếc thuyền con dám vượt biển,
Như những chiếc lá bềnh bồng trôi dạt đại dương,
Dân tôi phải đi vì đã cùng đường
Hết chịu nổi gông cùm kềm kẹp,
Tiếng kẽng sớm chiều,
Tiếng loa bốc phét,
Bụng đói meo, nghe lãi nhãi tiến lên,
Đổi tiền – Đánh tư sản đời đão điên,
Chốn khỉ ho dành cho kinh tế mới,
Nỗi khổ đau còn lời nào để nói !
Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
Nếu không nói về bia đá ở Galang
Nếu không nói về bia đá ở Bidong,
Những tấm bia vô tri để ghi ơn, nghĩa
Ơn cưu mang và nghĩa tử, kẻ không còn
Những tấm bia bị đục trống trơn
Hòng chạy tội nguyên lai kẻ ác,
Còn đó hay không,
Lòng người là chuyện khác
Văn từ sách sử để ngàn sau.
Biết bắt đầu từ đâu cho đủ!
Bắt đầu ở đâu? – Rồi chấm dứt ở đâu?
Chuyện tôi kể…
Sẽ trường thiên, dài bất tận…
Làm sao nói cho cùng !
Và đây, ba mươi lăm năm nhìn lại
Về những người hải ngoại gốc Việt Nam,
Họ khởi đi: từ giã chốn lầm than
Từng dẩm qua bao gian nan khổ nhọc,
Lời vô tri,
Những ngôn từ sỉ nhục :
Nào tội đồ, nào ôm chân đế quốc,
Nào phản động, đĩ điếm… loài mất gốc,
Nay hiển nhiên thành khúc ruột ngàn xa…
Là vựa tiền đem về hàng chục tỉ đô la…
Nuôi đất nước qua lầm than xã nghĩa.
Họ, trở thành tài nguyên vô giá,
Công cũng thành,
Danh cũng toại, quí hóa thay!
Nhờ lý tưởng tự do:
Họ có ngày nay,
Nhân tài Việt
Trãi từ Úc, Âu, Mỹ, Á.
Ba mươi lăm năm nhìn lại con đường
Nỗi đau vẫn còn!
Niềm vui vụt lớn.
Bấm bàn tay nhẩm đốt nhớ thương quê,
Ba mươi lăm năm không phải chuyện nồi kê,
Anh lính trẻ thành cụ già bạc tóc
Nước mắt khô rồi,bởi nhiều lần đã khóc,
Còn bàng hoàng như chuyện mới hôm qua,
Ba mươi lăm năm
Cuộc dâu bể diễn ra,
Cỏ hoa vẫn tươi nở trong xót xa căy đắng
Như khóm lục bình vừa trôi dạt vừa trổ bông.
Hạ Thái,Trần Quốc Phiệt
Jan-2010