Cái… PHƯỜNG ĐỆ NHẤT
Lâu nay trên các trang online Quảng Trị , ngoài cái PHƯỜNG ĐỆ TỨ của bác Tuệ Chương HLH, ít ai nhắc đến cái Phường Đệ Nhất nơi có trung tâm thành phố mà cái NGẢ TƯ bà con chúng ta hay thấy.
Phường Đệ Nhất nó bắt từ ngả tư đường nào ? Theo tôi, chắc chắn nhất từ ngả tư Tân Mỹ -tiệm chị Võ thị Vinh- nó đi theo con đường Quang Trung chạy cho tới bờ sông Thạch Hãn nơi gần nhà chị Quỳnh Hoa,phu nhân của anh Trì. Ngoài hai trường tư thục Teresa và Thánh Tâm mà ai cũng biết, tôi đi lần tới ngã tư Quang Trung và Trần Hưng Đạo. Bốn góc đường là -Đồng Dụng , tiệm hớt tóc ông Toàn , Quán sách Tùng Sơn, Radio-TV Tân Mỹ như chúng ta thấy trong hình. Tiệm Tân Mỹ thời này chưa có TV màu , nhưng TV trắng đen sắm được thì khá lắm rồi. “tậu” TV thì khi nào cũng mua thêm bộ phận antenna để băt cho được đài Huế. Nói đúng ra thời này có phát sóng TV thì phi cơ bay lên bay vòng vòng quanh thành phố suốt thời gian phát sóng vì chưa có cột phát sóng. Đài 11 phục vụ cho tuyến McNamara Ái Tử cũng vậy, toàn là phim cao bồi :Wild Wild West, Bonanza, hay Star Trek Lỗ tai Lừa…
Tại sao người viết đặc biệt nhớ tiệm Tân Mỹ vì khi nào ai đau mới vào đâu mua vài trái cam từ Sài Gòn gữi ra , gọi là cam ký. Những trái cam được để trong cái khay tròn có cạnh cao. Tôi còn nhớ cụ bà tức là mệ Khiết còn ngồi bán , hàm răng đen của mệ. Chú Tân Mỹ người ôm ốm trắng trẻo , hay bận cái sơ mi bỏ ra ngoài , tươi cười hiền hậu. Những cái radio Sony bọc da thiệt màu đà trông phát mê.Hình như tiệm Tân Mỹ là đại lý Honda đầu tiên ở QT thì phải. Những chiếc Honda Dame 50 , quá bền, bốn mươi năm sau chưa hư. Sau này tiệm Tân Mỹ có kèm thêm cạnh phòng khám bịnh bác sĩ quân y Hoàng trọng Mộng ngó quan bên kia đường là phòng khám của bác sĩ Tôn thất Tùng, sau này là bác sĩ Hoa, hay bác sĩ khác mà tôi quên tên.
Kể về tiệm sách Tùng Sơn, tôi còn nhớ các tập truyện dày là “Người Đẹp Hạnh Hoa Thôn” , “Lửa Cháy Thành Phièn Ngung”… nhưng thiên tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình không ca tụng Tàu mà ca tụng tiền nhân giữ nước của tổ tiên VN. Làm sao tôi quên được loạt truyện tranh con nít nhiều tập -CON QUỶ TRUYỀN KIẾP, những tờ báo coi “cóp” để trên cái bàn gỗ nhỏ ở ngoài mái hiên . Tiệm Tùng Sơn diện tích nhỏ bé hơn Sáng tạo, Lương Giang , Văn Hóa , Tao đàn nhưng nó ở ngay ngả tư trung tâm QT mới làm người ta nhớ lâu.
Đi về huớng bờ sông , tôi phải kể cái Miệu Ông Voi. Tại sao người viết nhớ cái miệu này lâu?chẳng qua vì tôi có đứa em trai học vỡ lòng bắt đầu từ đây. Mái trường nhỏ sát miếu và ông thầy hồi này vào lứa tuổi trung niên giờ chắc cũng khó còn tại thế. Những ai học vỡ lòng hay lớp 1 , 2 ở đây đều được gọi là HỌC TRÒ MIỆU ÔNG VOI cho dễ nhớ . Mà cái thôn đệ Nhất con em thành thị khá đông . Giờ các em thuộc lứa tuổi ngũ niên cả rồi ; cũng đề nghị nên kêu nhau thành lập cái hội “cựu học trò miệu ÔNG VOI” cho vui cũng nên. Hồi này cái trụ sở phường đệ Nhất cũng hay họp lắm! Vì là dân thành phố, chợ đóng ở đây có nhiều chuyện kinh tế, quyền lợi đáng bàn nên hay họp cũng phải.Tôi quên giải thích tại sao gọi Miệu Ông Voi?chẳng qua vì có hai con voi phủ phục- nhưng xin ai nhớ nhắc giúp hai con voi đằng trước miệu này đầu ngó vào trong hay ra ngoài, tôi quên mất? Cái tiệm ăn Tàu- Thanh Thanh- tôi khó quên vì hay sà vào đó ăn loại mỳ heo – 25 $ một tô thời đó. Tiệm Thanh thanh này không đặc sắc bằng Nhuận ký và Đường ký tại đường Phan bội Châu nên không đáng nhớ.Bên cạnh tiệm THANH THANH là tiệm bánh kẹo chị Uyển -tức phu nhân anh Nguyễn hữu Sinh- trước khi vào chợ.
Tôi lại kể phía bên kia đường. Trước mặt tiệm Thanh Thanh là con hẽm vào Lò Mỳ Vạn Hoa mà người chủ là bác Nguyễn Vị mấy đời làm phuòng truỏng phuòng Đệ Nhất này. Tại sao tôi nhớ con hẽm này ?chẳng qua là nhà dì tôi ở trong này . Sau 1968, mẹ tôi buôn bán với dì tôi cùng nhà tôi cư ngụ trong xóm này. Vào sâu trong hẽm, trước khi qua nhà bà Toàn làm nghề sửa kim hoàn , đổi đô la là đến cái lầu của chú Lành , trung sĩ quân y, anh ruột Cô Hồng, xong mới đến lò mỳ Vạn Hoa.
Nhà bác Vị chủ lò mỳ này có cây đào cổ thụ gần cả trăm năm, người ta đồn linh thiêng. Bởi thế mệ Vị tức là mẫu thân bác Vị hái đào bị “ma xô” sau này khi nào mệ cũng chống nạng. Thân phụ của bác vị cũng là thân phụ của dượng Ngọ tôi ( Nguyễn văn Ngọ). Tôi nghe đồn cụ ông (tức là thầy Đai ) xưa là thầy pháp cao tay lắm bởi vậy bị ma nó “thù” làm cho mệ bị gãy chân chống nạng sau này? Tin hay không tin , chứ tôi thì chẳng bao giờ dám héo lánh dưới cây đào tiên rậm rạp, cao ngất này vì “sợ ma”!
Tôi nhắc nhiều tới nhà bác Nguyễn văn Vị vì tôi không quên được cái lò mỳ mà những đổi thay về cách đốt nóng lò cho đến nay tôi còn nhớ. Lò xây bằng gạch .Những thanh củi to lớn được đốt bên trong suốt nửa ngày cho lò thật nóng.Xong mới người thợ mới hì hục kéo tro than ra chùi sạch bằng nhũng thanh gỗ dài có quấn bao tải ướt ở đầu.Dĩ nhiên trước đó phải là giai đoạn làm bột. Chuyện nhồi bột phải lắm công phu . Hơn thua nhau ở tay nghề để có những ổ mỳ nở nhiều , bột không chai và sau hết là ngon. Toán thợ thanh niên , sức vóc , ủ bột nhồi bột có thêm bột “La Vire ” nhập từ Pháp cho nở mỳ. Hồi này một hộp La Vire, tức là men dậy bột mắc tiền nhất ,đó là bác Vị kể lại. Tôi thấy toàn bao bột mỳ nguyên nhập về chất từng đống .Khối bột mềm mại trắng bóc, thợ rứt ra đều đặn ,không quên bỏ lên cái cân bàn. Những con bột trông như những con đĩa lớn màu trắng , nhọn hai đầu đặt dài theo mái chèo gỗ mỏng dẹp. Anh thợ dùng nửa miếng dao cạo thoăn thoắt rạch 1 đường ở giữa từng con bột trước khi chuồi sâu vào lò mỳ. Các đường bột đã đầy lò , anh thợ đậy mấy cái lỗ lò trông như mấy cái lỗ châu mai mà chúng ta hay thấy tại các lô cốt thời Pháp vậy. Giả mỳ đầu tiên khi nào cũng cháy nhiều và còn dính một ít hạt than. Những lúc này tôi được anh Lô trưởng thợ cho mấy ổ mỳ cháy, nhưng nóng hổi ăn ngon đáo để. Đừng chê mỳ cháy, nó ngon nhất lúc này đây . Tôi ăn bao nhiêu anh chẳng nói chi, em út mà !
Tiếp tục làm giả thứ hai thì mỳ mới đẹp.Những cái cần xế đựng mỳ có sẵn mối lái. Những đứa bé bán mỳ cũng vô lấy mỳ ở đây. Mỳ vàng tới, là toán thợ hối hả kéo mỳ ra. Những ổ mỳ nóng dòn, vàng huơm rớt vào những cái cần xế đan bằng tre nghe “rôm rốp”! Những ổ mỳ nóng đến nỗi, lúc này tôi không thể nắm lên tay lâu được!
Sau này thời đại dầu hỏa “lên ngôi” , lò mỳ không đun nóng bằng củi vì thiệt ra trong thời chiến tranh khó mua củi hơn dầu nhiều. Đốt bằng dầu vừa sạch vừa tiện công hơn. Lò mỳ bằng gạch lò Vạn Hoa vẫn giữ nguyên . Nhưng không đốt than thì lại thế bằng các máy thổi chạy bằng dầu .Những luồng hơi lửa -trông như súng phun lửa mà chúng ta thấy trong phim ảnh – thổi ào ào hàng giờ vào trong cái lò gạch. Khi đủ độ nóng , thợ lò chùi sơ là bỏ con mỳ vào được. Kỳ lạ, tôi thích ăn mỳ đốt bằng lò củi hơn nhiều. Lò đốt bằng dầu tuy sạch hơn , nhưng những ổ mỳ có cái màu vàng chay cháy hơi lữa tôi có cảm giác nó thơm, nhai vào miệng nó “đậm đà” hơn. Các tiệm mỳ điện sau này cũng có , ví dụ Liên Thịnh nhưng làm mỳ ngọt thôi.
Lò mỳ Vạn Hoa ra lò nhiều hơn , ngang bằng với lò mỳ thâm niên Đắc Lập phía nhà máy đèn (Điện). Vạn Hoa cung cấp nhiều buổi sáng . Mỳ ra chiều ít hơn, dành cho ban tối. Khi kinh doanh mở rộng , lò Vạn Hoa còn cung cấp những cái thùng 4 mặt kiếng hình khối vuông, sơn màu vàng . Các mối bán mỳ xíu lẽ mượn lâu dài. Nhớ về lò mỳ Vạn Hoa tôi còn nhớ một “thiên tình sử” giữa anh Lô trưởng kíp thợ và con gái bác Vị -tức chị Anh. Anh Lô người Huế lưu lạc QT làm với bác Vị . Anh lanh lợi , hoạt bát, đẹp trai. Có điều tôi nhớ anh hát vọng cổ rất hay. Làm lụng với con gái ông chủ lâu ngày , tình yêu phát sinh . Hình như phân biệt giữa giai cấp “chủ- tớ” hồi này là “lằn ranh ngăn cách” sâu đậm , gia đình chị không ưa. Chuyện tình anh chị qua nhiều phen gay cấn lắm nhưng nhờ “thề non hẹn biển” nên cũng tới nơi, tức là ‘bến đổ tình yêu”.
Cái miếu âm hồn trong xóm cũng đã lâu năm bên hông nhà chị Chư tức mẹ ca sĩ Khả Tú lâu nay.Nhưng cái thời tôi ở trong xóm này chắc Khả Tú chưa ra đời. Và chị Chư lại bà con với dượng Ngọ tôi mà nay lại ở gần nhà tôi ở San Jose này. Chị Yến , chị đầu của chị Chư thì là vợ của chú Lành , mà chú Lành là anh ruột cô Hồng . Bà con quanh đi quẩn lại , té ra biết nhau cả thôi. Đó là tôi chưa nhắc đến anh Viễn Khởi dòng Tôn Thất đâu trong Huế , tình duyên sao lại tới với chị Huơng , con gái đầu bác Vị. Chú Khởi một thời có nhiều bàn tán về cái chức chi nghe đâu “to lắm ” mỗi lần ra xóm trong bộ đồ lính “rằn ri” đội mũ đỏ mà lại có tài xế lại lái xe “dân sự”? Tôi lúc này là đứa học trò , chẳng để ý làm chi. Lạ thay vào trong trại tù cải tạo sau này bên Ái Tử , lại thấy chú Khởi cũng ở tù- nhưng lại làm trưởng khối “đúc soong nồi” cho trại 4 . Khối này có nhiệm vụ chuyên cưa vụn xe lội nước quân đội M -113 trong rừng về trại nấu lỏng ra mà đúc. Sau này chú Khởi “biến mất” tôi không còn thấy cho đến lúc này cũng “bặt tăm hơi”?
Tiếp tục câu chuyện, tôi xin ra lại con hẽm . Tôi về trái ra huớng bờ sông. Khi qua khỏi các tiệm tồn xi măng ông Tài vài vài căn phố nữa mới tới tiệm xi măng hay đồ xây dựng , túc là nhà chị Quỳnh Hoa trước khi giáp giới bến đò. Anh Quang -hội trưởng QT nam Cali giờ còn trẻ . Thằng Quốc em anh Quang, bạn tôi, hồi này học với tôi một lớp. Tôi ít tới nhà , lâu lâu đi ngang thấy ba thằng bạn tôi tức là ba anh Quang lâu lâu ở mô về ,đeo 3 cái mai vàng sáng chói ! Thằng Quốc ngó thì “hoang ” vậy mà rất thuơng tôi , tôi thì hiền mà hắn chẳng khi nào ăn hiếp tôi cả. Bên kia kế ngõ vô chợ là tiệm Hứa đức Hào thương gia mễ cốc thuộc loại lớn nhất nhì tỉnh QT. Con ông Hào thân với thằng Quốc bạn tôi , tôi thì lên ngụ cư tại phường đệ Nhất sau 1968 nên không chơi với hắn. Hơn nữa hắn thuộc dân “Bồ Đề” nên chơi với thằng Sừng dân Phường Đệ Tứ nhưng lại học ngược huớng Bồ Đề. Xóm chợ ở góc này có vài tiệm bán tạp hóa nhà lụp xụp hơn ngó qua là chợ cá và hàng thịt. Họ vào từ năm 1954 nói tiếng Bắc. Có nhà thằng Đạo học với tôi từ hồi Trường Nam Tiểu Học. Cái giọng Bắc của nó rất chuẩn với chính tả nên thầy giáo thuờng bắt thằng Đạo đọc chính tả cho cả lớp. Tại sao mà tôi gọi là chuẩn -theo cái từ lúc này- vì tôi còn nhớ chữ có dấu hỏi như chữ bảo vệ thì giọng Bắc đọc cái accent “nặng xuống” , trái lại những chữ có dấu ngã như chữ bão thì giọng Bắc đúng thì đọc cao hơn. Cái thằng ôm ốm đen đen , cùng nhóm với Trương sĩ Dũng , nhưng Trương sĩ Dũng sau 1975 tôi còn gặp một xóm tại Động Đền,Hàm Tân còn như thằng Đạo thì mất hút từ lúc sau tiểu học.
Kể miên man như thế , tôi không biết cái bến đò cuối đường Quang Trung thuộc về quyền hành chánh của phường nào. Còn mấy quán chè và bún thịt nướng gần cái bến Đò thì thuộc phường Đệ Nhất hay không? Tôi tin chắc rằng người dân phố QT hay phường Đệ Nhất không ai quên được mấy quán chè và bún thịt nướng ở cạnh bến đò này. Ở đây có mấy cây ngô đồng nó lên cao khá nhanh che cho mấy quán chè.Hình như vị trí này hiện nay là cái miếu thờ bộ đội to lớn và mấy quán cà phê hiện tại thì phải.
Bà con phải nhắc đến cái quán cơm XÃ HỘI mà chính quyền tỉnh trợ cấp thêm để giúp cho học sinh nghèo và người lao động. Tôi không có dịp vào đây vì đã ăn cơm nhà rồi. Nhưng các học sinh ngụ cư , từ xa tới tỉnh học có nhắc đến quán cơm xã hội này. Gần 1972 ông Hứa đức Hào cũng xây thêm một cái lầu tới 5-7 tầng nhưng chưa ở. Gần 1972 , phong trào xây lầu tự nhiên thi đua nhau “ào ào” . Tôi còn nhớ, tiệm Tân Mỹ cũng xây thêm 3 tầng nữa nhưng mỗi tầng mới phải xây thấp hơn vì sợ “quá tải”. Phía trên kia , gần đối với Thánh Tâm có lầu nhà in Nguyễn văn Phước cũng vậy chưa ở bao lâu đã “chạy “?Ngoài phường đệ Nhất không biết bao nhiêu là lầu mới thi đua nhau “mọc” nhưng tiếp đến là sự kiện 1972 đổ tới “cái ầm ” thiên hạ trở tay không kịp “bỏ của chạy lấy người ” thật uổng?
Con đường Quang Trung và cái tên phuòng Đệ Nhất mà trong bài hát của cố ca sĩ Nhật Ngân có đoạn “…ngày hai buổi đi về đường Quang Trung” , hai đứa em gái tôi thì có kỷ niệm nhiều vì đi học đường này. Riêng tôi , thời này tôi ở nhà cậu tôi ăn học tại Phường Đệ Tứ mà con đường Lê văn Duyệt qua Góc Bầu ghẹo Duy Tân đi lên Nguyễn Hoàng lại quen thuộc hơn nhiều.
Kể về phường Đệ Nhất cùng một đoạn Quang Trung như là một hoài niệm nho nhỏ về một thành phố nay đã xóa nhòa dấu vết ,dù chỉ một viên gạch! Tôi hi vọng đây là một nét vẽ lại nho nhỏ giúp cho ai từng ở đó nhớ về một vài hình ảnh cũ, nay quá phai mờ.
Đinh trọng Phúc
15/3/2014