Thông thường thì một quốc gia không đủ phương tiện tài chánh để thực hiện cùng lúc nhiều chương trình, nhiều dự án. Nhứt là tại một nước còn nghèo mà lại có một chánh quyền quá lớn, can thiệp quá nhiều vào nhiều hoạt động của quốc gia.
Việt nam ở trong trường hợp nầy. Chánh phủ hay khu vực quốc doanh do Nhà nước chủ quản phải vay mượn vốn quá nhiều để đầu tư trong nhiều dự án kinh tế và phi kinh tế. Các thứ tín dụng hay những món tiền vay đó từ nhiều nguồn gốc, từ trong nuớc và ngoài nước. Nói chung đó là công nợ. Theo định nghĩa của VN thì số nợ do quốc doanh vay trực tiếp không kể là công nợ. Nhưng theo các cơ quan quốc tế thì công nợ gồm cả tiền vay của khu vực quốc doanh mà chánh phủ đứng ra bảo lảnh.
Công nợ ở VN rất lớn và tăng rất nhanh trong vòng 10 năm qua. Mục tiêu chánh yếu của đầu tư công kể cả đầu tư của quốc doanh là phải làm cho kinh tế và xã hội phát triển thêm hay giải quyết thất nghiệp. Ở VN thì đầu tư công đem lại hậu quả rất kém, cho nên những món tiền vay trở thành gánh nặng to lớn và là mối nguy hiểm cho nền kinh tế.
I. Hiện trạng công nợ
Trong chủ trương quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, CSVN đã đầu tư quá nhiều cho quốc doanh và nhiều chương trình có tính cách không phải ưu tiên cao hay chưa cần thiết xét trong hoàn cảnh VN. Mặt khác, ngoài các công ty quốc doanh trực thuộc các Bộ hay tỉnh, ở VN còn có nhiều dự án đầu tư rất lớn, trực thuộc phủ Thủ tướng, vốn đầu tư cho các dự án nầy đều phải đi vay nợ, tiền vay phần lớn gấp 4-5 lần vốn tự có. Khả năng tài chánh của Nhà nước thì rất yếu, nhứt là khả năng hoàn trái thấp. Nợ tồn động càng ngày càng nhiều. Những món nợ chánh phủ vay cho các dự án công hay cho quốc doanh được gọi chung là công nợ.
Theo tờ Pháp luật (VN) tháng 3- 2013 thì công nợ lên tới 71,749 tỷ mỹ kim, tức 49.4% GDP (tổng sản lượng quốc gia). Nhưng theo IMF (Quỷ tiền tệ quốc tế ) tỷ lệ đó là 54.9%. Thực sự công nợ có con số cao hơn. Không ai có thể biết chính xác. Ngân hàng Nhà nước thì luôn dấu bớt. Các con số tính tạm vào năm 2011 là 66% theo kiểu tính của VN và 106% theo kiểu tính của các cơ quan quốc tế.
Như vậy xét theo cách nào thì VN cũng đã vượt qua mức báo động. Công nợ hiện nay là một trong các yếu tố làm cho nền kinh tế suy yếu thêm. Và những biện pháp cứu chửa hiện rất khó khăn và không kết quả.
Điều cần nói nữa là chánh quyền CS gia tăng công nợ quá nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năm 2001 tỷ lệ chỉ là 36% trên tổng sản lượng, thì nay gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Trung bình trong 5 năm qua công nợ tăng 15%/năm.
Có hai loại công nợ:
Vay nợ để đầu tư vào các lảnh vực tổng quát, không trực tiếp cho kinh tế như: Giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở. Phần lớn tiền nầy vay từ ngoại quốc hay phát hành công trái, in thêm tiền trong nước.
Các món nợ thứ hai, trực tiếp cho phát triền kinh tế như vay tăng vốn hay yểm trợ cho các ngân hàng quốc doanh, vay để đầu tư mới hay mở rộng các quốc doanh hiện có, vay nợ mới để trả nợ cũ.
Cho tới cuối tháng 12/2012 VN mang nợ ngoại quốc 50 tỷ mỹ kim. Nợ ngoại quốc gồm có tiền vay đầu tư từ Ngân hàng thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển Á châu (Asian Development Bank), Quỷ tiền tệ thế giới (International Monetary Fund), và một số nước trong đó nhiều nhứt là từ Nhựt. Trong ba năm gần đây ngoại viện cũng tăng lên, mỗi năm vào khoảng 5 tỷ mỹ kim. Mặc dù lãi suất thấp, nhưng hiện nay VN phải trả nợ ngoại quốc khoảng 1,5 tỷ mỹ kim/ năm.
Nợ ngoại quốc còn là các món tiền bán công trái. Hoặc tiền vay của các tổng công ty hay tập đoàn kinh tế vay qua các định chế tài chánh quốc tế dưới sự bảo đảm của chánh phủ. Ví dụ năm 2006, khi dựng tập đoàn kinh tế Vinashin chánh phủ bán 750 triệu mỹ kim công trái giao hết cho Vinashin, sau đó còn bảo lảnh cho tập đoàn nầy vay của tổ hợp tài chánh Thụy sĩ 600 triệu mỹ kim. Nhưng rồi ba năm sau Vinashin sụp dổ, không tiền trả nợ, Chánh phủ phải gánh chịu món nợ khổng lồ. Đó chỉ mới một quốc doanh. Còn nhiều tập đoàn và tổng công ty ở trong tình trạng tương tợ.
Nơ trong nước là vay từ việc phát hành công trái, từ các ngân hàng, từ các nguồn tín dụng khác. Nợ trong nước phần lớn vay theo chỉ thị của chánh quyền cấp trên, và không có gì bảo đảm ngoài một số máy móc cũ và đất mặt bằng là công sản quốc gia.
Ngân sách quốc gia luôn thiếu hụt. Và 2/3 quốc doanh bị lỗ. Rốt cuộc những món nợ công không trả đúng hạn kỳ, càng ngày càng chồng chất lên. Do dó nợ xấu của khu vực công cũng như tư đều tăng nhanh, ước lượng từ 10-12% tổng số tín dụng. Trong đó nợ xầu của quốc doanh lên tới 70% tổng số nợ xấu hiện nay. Ít có quốc gia nào ở trong tình trạng như vậy.
Có một số quốc gia có tỷ lệ công nợ cao trên 100% tổng sản lượng quốc gia nhưng không nguy hiểm, là vì nền kinh tế nước đó còn khoẻ mạnh, khả năng trả nợ vẫn được duy trì tốt, như Hoa kỳ công nợ có tỷ lệ trên 100%/ GDP, Nhựt bản gần 200%. Nhưng Hy lạp có tỷ lệ 85% đã làm nền kinh khủng hoảng rất nặng trong mấy năm vừa qua.
II. Nguyên do công nợ
Sau đây là các nguyên do chánh của công nợ ở VN:
a./ Do chủ trương, đường lối: Mặc dù theo đuổi “nền kinh tế thị trường điều hướng XHCN”, nhưng VN vẫn giữ kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Bởi vậy chánh quyền CS không dám giảm bớt quốc doanh để cho tư doanh mạnh mẽ tiến lên. Ngoài ra vì quốc doanh là nơi béo bở cho tham nhũng của nhiều đảng viên. Cho nên đầu tư công càng ngày càng cao. Nhứt là từ khi lập các tập đoàn kinh tế (từ 2005) với số vốn hai ba tỷ mỹ kim, trong khi vốn tự có chỉ bằng 20-25% vốn đầu tư. Hầu hết các tập đoàn và tổng công ty đều lỗ. Do đó nợ công tăng nhanh.
b./ Do đầu tư công bừa bãi: Từ 2001 đến 2010 có sự giàn trải đầu tư quá đáng và quá bừa bãi. Nhứt là từ khi có chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế. Các sai phạm qua nhiều giai đoạn, từ sự chọn mục tiêu hay ưu tiên của quốc gia (ưu tiên cao là nông nghiệp, hạ tấng cơ sở, giáo dục, y tế) Chánh quyền lại bỏ tiền rất nhiều cho bauxite và khoáng sản, khu giải trí khách sạn lớn, rạp cinema, sản xuất bia, đầu tư nhà đất…những thứ mà quốc doanh ỷ thế dành của tư doanh hay là đầu cơ chụp giựt.
Chánh quyền còn bừa bải trong công tác soan thảo kế hoach đầu tư và quản lý các dự án. Kế hoach không có nghiên cứu kỹ, dự án không hiệu quả kinh tế, và điều hành kém làm tăng thêm chi phí, thị trường không có bảo đảm, và do tham nhũng quá đáng. Trong khi vốn thiếu hụt. Chánh quyền phải đi vay. Làm ăn lỗ, không trả nợ nỗi, đó là diều dĩ nhiên. Cách làm như vậy từ hàng chục năm nay và sẽ còn mãi trong cái chế độ nầy.
c./ Do chạy theo thành tích bề ngoài: Trong 10 năm qua, chánh quyền VN muốn cho người dân trong nước cũng như quốc tê thấy rằng VN là một nước Tàu thu nhỏ. CSVN nghĩ rằng Trung quốc thành công thì VN đi con đường giống TQ cũng thành công. TQ đạt mức phát triển 9- 10% thì VN cũng đạt tỷ lệ 7-8%. Cho nên chánh quyền bỏ rất nhiều vốn cho thật nhiều dự án mà không cần biết hiệu quả kinh tế. Đầu tư nhiều là vì họ chỉ tính tổng cộng vốn đầu tư để lấy tỷ lệ phát triển, mà chưa tính sản phảm hay dịch vụ làm ra. Hai năm rồi vì kinh tế bị suy sụp, trong đó có đầu tư công , nên tỷ lệ phát triển chỉ còn 5 %. Chủ trương chọn thành tích bề ngoài chỉ có giá trị tạm thời và che dấu nhiều khó khăn tiềm ẩn.
d./ Do tham nhũng: Đầu tư công càng nhiều thì sự chia phần chụp giựt trên dự án càng nhiều. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên có những dự án hàng tỷ mỹ kim, có dự án hàng chục tỷ như dự án mở rộng thủ đô Hà nội 60 tỷ mỹ kim, dự án đường xe lửa tốc hành 55 tỷ mỹ kim. Cả hai dự án nầy đang bị hoản vì tình hình tài chánh quá xấu. Càng đầu tư lớn càng lợi, vì đảng viên và cán bộ lấy mất độ 20% hay hơn từ trong số tiền của các dự án đầu tư công. Sự chiếm đoạt tài sản công bằng nhiều cách, có hệ thống và gần như đương nhiên. Không có cách nào giải quyết được tham nhũng ở VN.
III. Hậu quả tai hại của công nợ
1. Phí phạm công quỹ:
Công quỹ là tài sản của dân, là tiền đóng thuế hay các nguồn tài chánh khác mang lại cho quốc gia, chớ không phải đưa đến cho đảng. Nhưng trong chế độ công hữu, dù có chế độ tư hữu đi bên cạnh, chánh quyền CS bao giờ cũng muốn chiếm hữu đa số tài sản quốc gia. Hiệu quả của việc xử dụng tài sản đó không là vấn đề trong chế độ XHCN.
Sự phí phạm công quỹ hầu như ai cũng thấy, nó kéo dài hàng chục năm tình trạng vẫn không thay đổi. Có những dự án lớn như bauxite, chánh quyền muốn không ai có quyền cho ý kiến thì tuyên bố đó là “diện chánh sách”. Chánh phù bỏ ra lúc đầu vài tỷ mỹ kim trong dự án chung lên tới 15 tỷ. Sau ba năm bauxite chưa bán ra đươc sản phẩm, và hiện lỗ, vì giá bán nhôm thấp và bị Trung quốc ép giá. Chỉ có Trung quốc là lời vì được hiến dâng món thầu gần một tỷ mỹ kim cho hai dự án nầy, và do việc bán cho VN các máy móc cũ không còn xài được bên nước họ. Công ty đóng tàu biển Vinashin lỗ trên 4 tỷ mỹ kim, cho tới bây giờ cũng không gượng sống dậy nỗi, cũng cùng tình trạng là rất phí phạm tài sản công. Ngoài ra, hầu hết các dự án đều thực hiện trể hạn 3-4 năm. Các dự án đều xin tăng tiền vốn sau vài năm thi công, vì cho rằng chi phí gia tăng. Tóm lại có nhiều cách để tài sản công bị mất mát. Nhà nước XHCNVN chiếm giử 70% tài sản quốc gia và gây sự phí phạm rất cao thay vì số tiền đó làm cho kinh tế tốt hơn. Một trong những lý do làm sự phí phạm đó tiếp diễn liên tục là vì không có cơ quan hay định chế nào có quyền kiểm soát những sai phạm nầy. Thỉnh thoảng có một số vụ bể ra vì tranh giành quyền lợi hơn là sư đứng đắn của cơ quan công quyền.
2. Nền kinh tế bị suy thoái toàn diện
Tình trạng công nợ quá cao đưa tới hậu quả xấu trên các mặt có tác hại làm kinh tế suy yếu thêm:
– Kinh tế phát triển không hiệu quả, thiếu chất lượng . Khi vay tiền để bỏ vào các dự án không có hiệu quả hay lỗ lã thì tổng sản lượng quốc gia không gia tăng được. Nhứt là khi các dự án chưa hay không có khả năng thu hồi vốn thì chánh quyền phải đi vay thêm hay in tiền thêm để trả nợ hiện có.
– Khu vực tư doanh tiếp tục suy yếu. Vì kinh tế bất ổn , trong ba năm qua có gần 100,000 cơ sở tư doanh bị ngưng hoạt động. Mà khu vực tư doanh là khu năng động , thu dụng nhiều công nhân. Với sự áp đảo khối tín dụng cho vay chuyển qua 2/3 cho quốc doanh, làm cho tư doanh thiếu vốn hoạt động.
– Đầu tư ngoại quốc tiếp tục suy giảm. Bởi vì tình hình công nợ nhứt là nợ xấu quá cao là cho nhiều nhà đầu tư ngoại quốc thấy nhiều rũi ro hơn trước. Họ không đầu tư thêm mà còn rút lui ra khỏi VN.Mặt khác , vì các cơ quan lượng giá quốc tế (Standard & Poor’s ) cho tụt mức tin cậy về tiền tệ và ngân hàng tới mức thấp nhứt, làm ảnh hưởng không tốt cho VN.
– Bất quân bình giửa khu vực thương mại / công nghiệp và khu vực nông thôn càng cách sâu hơn. Như chúng ta biết nông thôn trong chế độ XHCN chỉ tiến bộ rất nhỏ. Hay nông thôn với 75% dân có quá nhiều khó khăn. Chánh quyền yểm trợ rất ít, nay giá nhập lượng tăng làm thu nhập của họ đã rất thấp nay càng thấp hơn nữa. Ngân sách VN cho nông nghiệp rất thấp so vớc các nước khác trong vùng. Nay chánh phủ có khó khăn hơn vì phải giảm đầu tư công, chánh quyền VN thay vì giảm các dự án không ưu tiên để bỏ tiền giúp nông nghiệp, thì trong những năm qua , nông thôn gần như bị quên lãng.
3. Hệ thống tài chánh – Tín dụng bất ổn
Tình trạng công nợ quá cao và quá phí phạm đưa đến tai hại rõ ràng nhứt trên lảnh vực tài chánh và tín dụng.
– Thiếu hụt ngân sách nhiều hơn. Nguồn tiền chánh yếu để trả công nợ là ngân sách. Mấy năm nay ngân sách luôn thiếu hụt. Thuế thu giảm, vì kinh tế chung suy yếu . Tiền đóng góp của quốc doanh không tăng mà còn giảm , vì quốc doanh càng ngày càng lỗ nhiều hơn. Trong khi đó nhu cầu phải hoàn trả nợ càng ngày càng nhiều.
– Khối lượng tin dụng cần thiết thu nhỏ lại. Điều nầy thật rõ ràng và có tác dụng tai hại ngay. Khi mức công nợ vượt mức báo động quá cao thì khối lượng tín dụng để cho vay sẽ giảm , phần lớn bằng cách tăng lãi suất từ 16-18% lên 20-24%. Nhiều cơ sở kinh doanh không chịu nổi, ngay phần trả tiền lời cũng quá cao.
– Nợ xấu có khả năng gia tăng. Nợ xấu tức nợ không hoàn trả được qua ba tháng. Nợ xấu của VN hiện rất cao, trên 100 tỷ mỹ kim, hay gần 100% GDP. Trong đó khu vực quốc doanh có số nợ xấu từ 60-70% của tổng nợ xấu. Mà nợ xấu nhiều thì các ngân hàng thiếu tiền cho vay mới. Cơ sở kinh doanh thiếu vốn. Chưa nói hệ thống ngân hàng cho vay phần lớn nhắm vào hoạt động đầu cơ như địa ốc và chứng khoán . Mà nhiều công ty quốc doanh đã bỏ khá nhiều tiền đầu cơ hai lảnh vực nầy và bị lỗ năng trong ba năm qua.
– Lạm phát gia tăng hơn. Một trong các cách của chánh quyền trả nợ là bán công trái hay in thêm tiền. Biện pháp nầy làm cho tăng lạm phát. Giá cả gia tăng. Đồng tiền bị mất giá. Niềm tin của mọi người vào hê thống tiền tệ bị suy giảm.
4. Gánh nặng trả nợ của người dân
Hệ quả đau đớn và hiển nhiên nhứt là tiền trả nợ kể cả tiền lời đều là tiền của dân. Đảng và chánh quyền đâu có tạo ra tiền mà lại chi vô tội vạ. Còn khu vực quốc doanh thì đa phần là lỗ. Hảy nhìn lại hơn ba năm qua, nhà nước XHCN đã tạo ra được bao nhiêu cửa cải, bao nhiêu tài sản cho đất nước. Đời sống dân chúng có chút khá hơn, sau khi đổi mới phần chánh yếu là do ngọai lực, tức là đầu tư ngoại quốc, là viện trợ, là tiền Việt kiều, là xuất cảng lao động. Trong nước là do hàng chục triệu nông dân, ngư dân, tiểu thương vất vả tạo ra của cải. Tài nguyên thiên nhiên lại bị khai thác bừa bãi và phần lớn hiến dâng cho Trung quốc.
Nhưng cho tới nay chánh quyền nợ ngoại quốc gần 30 tỷ mỹ kim. Nợ trong nước gần 50 tỷ mỹ kim (ước lượng). Đảng và chánh quyền không có khả năng trả số nơ to lớn đó. Người dân không có vay mà phải trả nợ. Không phải trả trong hiện tại mà cho cả tương lai dài của nhiều thế hệ.
Nói tóm lại, Vì chủ trương và sách lược kinh tế có quá nhiều sai lầm. Một đất nước nghèo mà xài phí bừa bải, không có pháp luật, không có kỷ luật. Nợ nần chống chất, khả năng tiến bộ thì ít, mà khả năng thâm lạm của công thì nhiều. Nhìn trên mặt nào, kinh tế VN vẫn u ám.
IV. Những biện pháp giải quyết công nợ
Cách tổng quát, công nợ là chuyện bình thường của nhiều quốc gia. Nhưng ở VN công nợ là không bình thường và rất nguy hại. Bởi vì chánh quyền CS độc đoán, độc tài trong quản lý nền kinh tế, bởi vì Bộ máy công quyền rất tồi tệ, bởi vì đảng viên và viên chúc quá tham nhũng, bởi vì sức phản kháng của người dân không đáng kể, hay không được chánh quyền cháp nhận.
Trong vài năm gần đây, chánh quyền VN cũng có một số biện pháp nhắm giải quyết công nợ nhứt là nợ xấu. Nhưng chủ trương của CSVN luôn là làm để trấn an công luận hay lừa gạt dân trong nước và các cơ quan quốc tế. Tưu trung của các biện pháp là giảm bớt đầu tư công và giảm nợ xấu. Nhưng chỉ là hình thức, hay kế họach trên giấy tờ, và vụn vặt.
Những biện pháp của chánh phủ VN đã và đang làm:
– Hủy bỏ một số dự án đâu tư chưa khởi công (quyết định hồi năm 2011). Loại nầy thì nhiều lắm, nhứt là ở địa phương. Chánh quyền thiết kế nhiều dự án để thu hồi đất. Nhưng để đó phần lớn không thực hiện. Rồi đem một phần đất bán lại hay chia chát với tiền lời rất lớn.
– Tái câú trúc công ty quốc doanh, nhứt là công ty đang lỗ năng. Biện pháp nầy không kết quả. Vì công ty đang lỗ giao cho công ty khác gánh thì lỗ tiếp.
– Lập công ty mua bán nợ và tài sản VAMC (cuối 2012). Công ty nầy trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Công ty mua nợ xấu, biên tín phiếu mua nợ đưa ngân nàng Nhà nước xuất tiền ra (50% trị giá nợ) đưa cho ngân hàng bán nợ xấu, để ngân hàng nầy giảm tỷ lệ nợ xấu và có tiền cho vay. Kế hoạch chưa bắt đầu, nhưng kết quả rất đáng nghi ngờ, vì rốt cuộc giải quyết vụ nầy thì ra khó khăn khác, vì phải in tiền thêm.
– Chánh phủ còn có biện pháp giảm nợ xấu bằng cách ra lịnh cho các ngân hàng “khoanh nợ” tức là tạm cho món nợ đứng yên, không coi đó là nợ xấu; hoặc là “giản nợ” thay vì nợ đáo hạn không trả nỗi thì cho thời hạn trả nợ dài hơn, tạm thời coi món nợ đó chưa phải là nợ xấu. Hai cách nầy chỉ là mánh, chỉ giải quyết tạm trên giấy tờ, thực tế nợ xấu còn đó.
– In thêm tiền để trả nợ.
– Có thể nhờ Quỹ tiền tệ quốc tế cứu giúp. Chánh quyền VN thì nói chưa cần.
Những biện pháp quan trọng nhứt, mạnh mẽ nhứt đáng lý chánh quyền phải làm để cải thiện công nợ, nhưng không làm như là giảm manh quốc doanh, nhứt là các tập đoàn và các lãnh vực tư nhân làm đươc. Cải tiến quản lý quốc doanh, phải có ít nhứt 75% quốc doanh có lời. Lập Ban kiểm tra đặc nhiêm cho đầu tư công và công nợ, thay đổi hầu hết nhơn sự quốc doanh, Quốc hội phải đóng đúng vai trò và nhiệm vụ kiểm soát công nợ, dù rằng cũng do đảng chỉ huy.
Về phía ngân hàng, cơ quan cấp tín dụng cần phải cải tổ sâu rộng, bớt cách làm ăn gian dối, thiếu lương thiện. Phải có biện pháp cứng rắn đối với ngân hàng xấu.
Các biện pháp quyết liêt và sâu rộng, thực sự mà nói rất khó được thực hiện trong chế độ độc tài chuyên chính. Tất cả những khâu kinh tế quan trọng, tất cả những quyền lợi to lớn đều được đảng viên chú tâm và tính toán kỹ và nó là một chuổi mắc xích khó bứt rời ra. Nợ xấu là hệ quả của một chế độ xấu, và một bộ máy công quyền xấu.
Hiện nay thì không ai hy vọng về kết quả của những cài cách của chánh quyền.
Nguyễn Bá Lộc
Cali,tháng 6năm 2013
@qghc
Đọc thêm :
– Nợ công Việt Nam có thể tăng bằng 95% GDP
– Mỗi người dân Việt gánh hơn 826 USD nợ công
Tham nhũng và nợ
– Nợ công và nợ xấu sẽ tiếp tục đè nặng lên những thế hệ tương lai của Việt Nam ?